Hãy cứu lấy Phật viện Đồng Dương

Đã đọc: 2668           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image Các bức tượng ở Đồng Dương được thể hiện thành công cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật của nghệ thuật điêu khắc cổ Champa.

Câu chuyện về một Đồng Dương huy hoàng của quá khứ sẽ còn được luận bàn rất nhiều, bởi phế tích có giá trị của phế tích. Mặc dầu hiện nay Đồng Dương chỉ còn là ký hiệu trên bản đồ di tích, nhưng chắc chắn sẽ là điểm đến của những ai quan tâm đến lịch sử văn hóa và yêu mến Đồng Dương - khi di tích lịch sử tại huyện Thăng Bình, Quảng Nam được trùng tu và gìn giữ.

Khơi nguồn di tích

Sách Đại Nam Nhất thống chí của Triều Nguyễn, trong phần tỉnh Quảng Nam, có nói đến khu di tích Đồng Dương như sau: "Huyện Lệ Dương, có hai tháp ở thôn Đồng Dương. Hai tháp cách nhau mười lăm trượng, có một tòa cao bốn trượng, xây gạch, trên hình bát giác, dưới hình vuông, mỗi mặt dài một trượng. Cách đó bốn mươi trượng, có nền cũ". Nhưng chỉ sau những phát hiện của các nhà khảo cổ Pháp là L.Finot và H.Parmentier thì khu tháp Đồng Dương mới trở thành một trong những di tích quan trọng về văn hóa Champa.

Theo công bố năm 1901 của L.Finot, đã phát hiện ra ở Đồng Dương 229 hiện vật, trong đó có pho tượng Phật bằng đồng nổi tiếng, cao hơn một mét (hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử TP. Hồ Chí Minh). Ngay sau khi được phát hiện Tượng Phật Đồng Dương lập tức trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học danh tiếng của thế giới. Theo các nhà nghiên cứu, Tượng Đồng Dương mang phong cách của tượng Phật vùng AMaravati của Ấn Độ và là một trong những tượng Phật cổ nhất và đẹp nhất ở Đông Nam Á.

Một năm sau ngày phát hiện ra pho tượng Phật bằng đồng nổi tiếng nói trên, năm 1902 nhà khảo cổ học H.Parmentier đã đến và tiến hành khai quật Đồng Dương. Bằng cuộc khai quật của mình H.Parmentier đã phát hiện ra cả một quần thể kiến trúc lớn vào loại bậc nhất và cũng độc đáo nhất của Champa và Đông Nam Á. Toàn bộ khu di tích là những cụm kiến trúc kế tiếp nhau chạy dài suốt 1.330 mét theo hướng từ Tây sang Đông. Trong đó, khu đền thờ nằm trong một vành đai hình chữ nhật dài 326 mét, rộng 155 mét, có tường bao quanh.

Đặc biệt, cuộc khai quật năm 1902 của H.Parmentier tại Đồng Dương đã đem về cho Bảo tàng Đà Nẵng rất nhiều tác phẩm điêu khắc độc đáo. Những tác phẩm điêu khắc Đồng Dương rất nhiều, nhưng tựu trung lại gồm có hai nhóm: những bức chạm nổi và tượng; trong đó những tác phẩm điêu khắc vào loại đẹp nhất và có giá trị nhất là những bức tượng đứng. Tượng Các môn thần ở Đồng Dương không chỉ là những tác phẩm điêu khắc vào loại lớn nhất (cao 2,15 mét) mà còn là những tượng tròn được thể hiện thành công nhất cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật của nghệ thuật điêu khắc cổ Champa.

Ngày nay cả ngôi tháp cổng (dân quanh vùng quen gọi là cổng Tháp Sáng) đã bị đổ mất 3 mảng tường, tình trạng rất nghiêm trọng, chỉ còn lại một mảng tường đang xuống cấp từng ngày. Trong khu vực bảo vệ của di tích, nhân dân địa phương đang trồng cây lấn vào nền móng các phế tích, một số người lấy gạch tháp về sử dụng trong nhà. Những năm trước đây còn có tình trạng một số người từ nơi khác đến lén lút đào trộm tìm cổ vật...

Những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã tiếp xúc với một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm đến việc tu bổ tôn tạo di tích Phật viện Đồng Dương, tuy nhiên vẫn chưa có một giải pháp và dự án đầu tư nào được thực hiện.

Ứng xử thế nào với di tích được xếp hạng quốc gia?

Tại cuộc Hội thảo khoa học về Phật viện Đồng Dương - Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia do Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức vào ngày 17/8 vừa qua với chủ đề "Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Phật viện Đồng Dương" trong khuôn khổ những hoạt động khởi động giai đoạn bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích Phật viện Đồng Dương - một di tích được xếp hạng cấp quốc gia nhưng đang bị hoang phế, GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính đã khẳng định: "Đồng Dương phải là Dự án nghiên cứu, khai quật khảo cổ học và bảo quản di tích".

Trước tiên Đồng Dương cần phải được nhìn nhận như là một di tích lịch sử, là chứng nhân lịch sử có một không hai, chứa đựng những thông tin được thể xác hoá và, bởi vậy, nếu giải mã được, sẽ là nguồn tri thức về một nền văn minh". Từ nhận thức ấy, chúng ta đặt nhiệm vụ và mục tiêu là cứu vãn cho được, gìn giữ cho được mọi vết tích, mọi thành phần và từng mảnh vụn của Đồng Dương, không để mất mát thêm, và quan trọng hơn, không để sai lệch thêm.

Cùng với đó, công việc tư liệu hoá theo bài bản khảo cổ học kinh điển, phải được coi trọng. Chí ít, tương tự như H.Parmentier đã làm, song phải thấu đáo hơn, bởi di tích đã trải qua những biến động lớn bởi thời gian và chiến tranh.

Còn theo ông Phan Thăng An, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND Huyện Thăng Bình thì: Để bảo tồn Đồng Dương, một di tích được xếp hạng quốc gia của huyện thì địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục thông qua các đoàn thể, các tổ chức xã hội về nhận thức giá trị, về ý thức trách nhiệm và cả về kiến thức bảo tồn di tích đến với cộng đồng dân cư. Đồng thời cần phải có một hành lang pháp lý cụ thể vừa đảm bảo đúng pháp luật lại vừa phù hợp với thực tiễn cụ thể của địa phương.

Trong khi chờ đợi dự án đầu tư của nhà nước và các tổ chức có liên quan, chính quyền địa phương cũng đã gấp rút làm hàng rào bảo vệ, chống đỡ cổng Tháp Sáng bằng vật liệu kiên cố và làm một con đường bê - tông từ Quốc lộ 14 E vào khu phế tích, thành lập ban quản lý và có người bảo vệ. Về lâu dài, nên xây dựng nơi đây một Nhà trưng bày - Giới thiệu - Nghiên cứu khu di tích, có kế hoạch sưu tầm và phục chế các tác phẩm nghệ thuật Đồng Dương nhằm thu hút khách tham quan, phát triển các dịch vụ văn hóa và du lịch, liên kết với tuyến du lịch Mỹ Sơn - Hội An và các điểm du lịch trong Tỉnh tạo ra tour du lịch văn hóa đặc thù.

"Nếu có một dự án lớn đầu tư vào Đồng Dương, thì lực đẩy kinh tế sẽ lan tỏa, kéo theo những tác động tích cực về nhân sinh, góp phần làm sống lại những nét đẹp văn hóa và đời sống tinh thần của một thời đã xa". Và khi ấy những người dân nơi đây và những ai yêu mến Đồng Dương có quyền mơ về những tiếng kinh cầu vang lên từ đổ nát…" - ông Phan Thăng An cho biết thêm.

Với ý nghĩa ấy, UBND tỉnh Quảng Nam cần có thái độ ứng xử phù hợp với di tích, phải có kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di tích; đồng thời xây dựng dự án chuyên biệt đối với Phật viện này, trong đó có quy định rõ giới hạn, mức độ bảo vệ (về địa giới, quy mô,..); thực hiện đồng bộ mô hình: khảo cổ học, trùng tu và phát huy giá trị di tích.

Nguồn: tgvn

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Đăng nhập