Sen Tây Hồ, ứng xử thế nào cho phải ?

Đã đọc: 4343           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Những đầm sen ven Hồ Tây ngày càng trở thành địa điểm thư giãn lý tưởng trong không gian đô thị đông đúc, ngột ngạt. Chiều chiều, rất nhiều người kéo đến đây để thưởng ngoạn, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ ý nghĩa của hoa sen trong văn hóa và tâm thức người Việt...

Sen trong tâm thức người Việt

Chẳng phải đợi đến khi có cuộc bình chọn, mà từ lâu trong tâm thức của người Việt, sen đã được coi là quốc hoa. Sen thân thương với mỗi người nông dân khi vác cuốc ra đồng. Sen ngào ngạt khi bọc những nắm xôi nóng hổi. Sen tao nhã trong những chén trà cùng các bậc cao niên. Sen thanh khiết khi ta dâng cúng lên ban thờ tới các bậc tiền nhân... Sen và người như có mối giao hòa.

Nhưng người dân đất Việt còn gắn bó với sen ở tâm linh. Phật giáo khởi nguồn từ Ấn Ðộ, triết lý từ bi hỷ xả của Phật giáo phù hợp với cách đối nhân xử thế đầy tính nhân văn của người Việt. Khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo nhanh chóng hòa hợp như thể được sinh ra trên đất này. Và biểu tượng cho sự thanh khiết của nhà Phật là hoa sen. Sự gắn bó trên nhiều phương diện khiến trong suốt chiều dài lịch sử mỹ thuật nước ta, trang trí hoa sen xuất hiện ở muôn vàn dạng thức khác nhau. Ðỉnh cao của mỹ thuật về sen là vào thời Lý, khi đạo Phật được coi là quốc giáo. Ngoài những đồ tế khí linh thiêng, ngay cả trên những đồ dùng  trong sinh hoạt hằng ngày như bát, đĩa, bình, thạp... đâu đâu cũng thấy hình ảnh hoa sen, gương sen hay lá sen... Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, người xưa gửi hình ảnh sen với nhiều cách thức trang trí khác nhau trên những vật dụng thông thường để nhắc nhở con người luôn giữ cái tâm của mình sao cho luôn thanh khiết, như hoa sen 'gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn'.

Từ đồng bằng Bắc Bộ cho đến đồng bằng sông Cửu Long, hay cả miền trung du..., đâu đâu trên đất nước Việt Nam cũng có những đầm sen, ao sen. Sen mọc tự nhiên, sen được trồng trong khuôn viên những công trình tâm linh... Nhưng sen Tây Hồ ở Hà Nội là nổi tiếng nhất. Người Hà Nội tự hào rằng: 'Ðấy vàng đây cũng đồng đen/ Ðấy hoa thiên lý đây sen Tây Hồ'. Sen Tây Hồ là giống sen trăm cánh, thường được gọi là sen bách diệp. Hương sen đằm mà sâu. Có những người Hà Nội cầu kỳ, buổi sáng vẫn lên tận vùng ven Hồ Tây để mua cho được những bông sen Tây Hồ. Những nghệ nhân đất kinh kỳ đã đưa sen Tây Hồ vào văn hóa ẩm thủy của người Hà Nội bằng nghệ thuật ướp trà sen. Ðể làm được một cân trà sen, các nghệ nhân phải chắt hương của cả ngàn bông hoa, qua nhiều lần ướp, mới tạo nên loại trà hảo hạng. Với những người sành, trà sen Tây Hồ có giá trị hơn tất thảy các loại trà khác, bởi khi uống, người ta cảm nhận được cả hương vị đất trời của vùng thắng địa này. Trà sen Hồ Tây vang danh trong và ngoài nước, là món quà quý cho khách đi xa. Có khi, vài triệu đồng cho một cân trà Thái ướp sen cũng không dễ gì mua được.

Còn nhiều hình ảnh chưa đẹp mắt

Nhưng rồi vạn vật đổi thay. Những đầm sen trên khắp đất nước ngày càng bị thu hẹp trước cơn lốc đô thị hóa. Sen Tây Hồ cũng thế. Ðã có lúc người ta lo Tây Hồ chẳng còn sen trước sự xâm lấn của những toà nhà bê- tông cốt thép. Rất may mắn, các cấp chính quyền đã kịp nhận ra tầm quan trọng của sen Tây Hồ trong văn hóa Thăng Long. Những đầm nước quanh Hồ Tây, dù không còn rộng như xưa, nhưng vẫn dành diện tích đáng kể để trồng sen, như ở đầm Trị, đầm Thủy Sứ. Những nghệ nhân ướp trà miệt mài lên đây từ sáng sớm, mua sen, tách gạo để ướp trà như bao năm về trước. Mùa sen về, những người sống ở Hà Nội lâu năm vẫn thường dâng cúng sen Tây Hồ lên ban thờ Phật, thờ thánh ở những danh tích ven hồ như chùa Kim Liên, chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ...; thưởng thức những ấm trà ủ trong những đóa sen còn tươi nguyên sau những buổi đi lễ như một thú vui tao nhã.

Khi thành phố ngày càng 'thừa' bụi và tiếng ồn, thiếu không gian xanh, những đầm sen ven Hồ Tây ngày càng trở thành địa điểm thư giãn lý tưởng. Nhiều bạn trẻ phát hiện ra vẻ đẹp của sen, thường xuyên đến đây để thưởng ngoạn, khám phá vẻ đẹp của sen qua ống kính máy ảnh. Nhưng tiếc rằng, từ chỗ khám phá vẻ đẹp của sen, đến trào lưu ồ ạt 'tiến công' sen lại là một khoảng cách quá gần. Từ sáng sớm, người ta chen chân nhau đến đây, tranh nhau chụp ảnh. Nhất là những buổi chiều hè, nam thanh nữ tú chen nhau 'ngả ngốn' bên sen. Xưa, hình ảnh những cô thôn nữ dịu dàng đi hái sen trong sớm mai, hay trong những buổi chiều tà được xem như biểu tượng của làng quê Việt Nam. Nay, cách biểu lộ tình cảm một cách thái quá của những thiếu nữ bên hoa sen làm người chứng kiến phải xấu hổ. Những cô gái mặc trang phục thiếu vải, son phấn lòe loẹt, thay phiên nhau nằm, ngồi bên hoa, vít những bông hoa tội nghiệp sát vào da thịt mình để tạo hình chụp ảnh... Trên bờ, những dịch vụ phục vụ những người đến vãn cảnh mọc lên tự phát. Bao vây lấy đầm sen là những hàng ốc luộc, hàng mực nướng, cà-phê, trà đá, trà chanh... Ăn uống xong, các hộ kinh doanh vứt vỏ ốc và các loại rác thải xuống đường dạo ven Hồ Tây. Cảnh tượng bên những vạt sen chiều về ồn ào, hỗn tạp chẳng khác những quán trà chanh vỉa hè - vốn là một vấn nạn gây mất vệ sinh, mất trật tự giao thông của thành phố.

Sen Tây Hồ là một biểu tượng văn hóa của người Hà Nội. Mỗi người, trước khi đến với sen, cần tìm hiểu về giá trị của hoa sen trong văn hóa và tâm thức người Việt, để tự điều chỉnh hành vi của mình, thưởng ngoạn sen một cách có văn hóa.

Nguồn: Nhân Dân điện tử

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (3 đã gửi)

avatar
Hư Trúc 10/07/2011 09:59:45
Nghe sen Tây Hồ mà chạnh nhớ lại những vạt sen An Lạc, đối diện chênh chếch với Bến Xe Miền Tây, bây giờ chắc đã lấp đất cất nhà hết rồi, hay còn khoảnh nào Không?

Nam mô A Di Đà Phật
Hư Trúc
avatar
Phương Nam 10/07/2011 17:54:16
Bạn Hư trúc nhắc làm tôi nhớ về một thới cửa ngõ phía tây thành phố này cũng có những vãt sen tuy hoang dã mà dạt dào cảm xúc như địa điểm Bạn đã nhắc đến. Đó là "Đài La Đa Phú Lâm" .Bây giờ dấu tích còn lại một danh xưng "KHU DU LỊCH ĐẦM SEN"!
Từ Phật Học Viện Huê Nghiêm , Giác Sanh, Đài Hỏa Táng Phú Lâm (Đài hỏa táng thuộc hàng LÃO LÀNG-Anh Chị cả của thành phố này).thỉnh thoảng người ta bắt gặp nhiều cánh đồng sen như thế trước khi chào hay vào thành phố.

Nếu không có cuộc ":Bể Dâu Biến Đổi" biết đêu thành phố mình bây giờ cũng có những khoảng không gian sen tuyệt vời như Hồ Tây Hà Nội .

Ôi ! Thương Nhớ những mùa sen...Phú Lâm.
Vì sao ?
Vì Sen sắp là QUỐC HOA của dân tộc mình .
Tiếc và nhớ nàm sao đâu á !
avatar
ngo nhu nhu 10/10/2011 01:36:56
sự việc trên trở lên như vậy cũng do chúng ta không có biện pháp mạnh ngay từ đầu, nhưng bây giờ vẫn còn kịp mà. cần có chính quyền can thiệp một cách tích cực,đúng hơn là phải có biện pháp mạnh, để tây hồ trở về với đúng ý nghĩa của nó. cũng đừng quên kêu gọi mọi người, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi hãy tự ý thức làm đẹp cho minh, sau đó là một xã hội có ý thức tự giác cao. mong rằng sớm nhìn thấy nhẹ nhàng thanh thoát của tây hồ cũng như của người việt nam
tổng số: 3 | đang hiển thị: 1 - 3

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

1.50

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Đăng nhập