Nghĩa tình Việt-Nhật

Đã đọc: 2223           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trong trận động đất và sóng thần vừa qua, hơn 100 sinh viên, người lao động Việt Nam tại Nhật đã được “giải cứu” và trú lánh an toàn tại chùa Nisshin Kutsu (Tokyo).

Nhân dịp Đại lão hòa thượng Yoshimizu Daichi sang Việt Nam để dự lễ cầu an, cầu siêu cho nạn nhân Nhật tại TP.HCM, sáng 27-3, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với hòa thượng về hoạt động trợ giúp nhân ái, cao cả này.

. Thưa hòa thượng, chắc là mọi người đã rất hoảng loạn?

+ Hòa thượng Yoshimizu Daichi: Ban đầu, các bạn rất lo lắng. Tôi trấn an các em rằng vào chùa đã có Phật, có chư vị bồ tát, như có cha mẹ các em đang hiện hữu bên cạnh. Đó là đã là may mắn rất nhiều so với những người gặp nạn ngoài kia. Sau khi các bạn tạm ổn định nơi ăn, ở, chúng tôi tổ chức cầu siêu cho những người đã mất và cầu an cho các em du học sinh và người Nhật may mắn đang sống. Hôm đó, Đại sứ Nguyễn Phú Bình đến chia sẻ, trấn an với các em. Các em đã được hướng dẫn ngồi thiền, tụng kinh giúp an tâm, nhìn vào sự thật và chấp nhận nó để bước qua. Cuộc đời không ai đoán trước được cơn vô thường. Hiện giờ tinh thần các em đã ổn định hơn. Trong đó, một số đã được cha mẹ lo vé về Việt Nam, một số đang đợi tình hình ổn định trở lại để tiếp tục đi học, đi làm tại Nhật. Họ có thể ở chùa bao lâu cũng được, tất cả mọi chi phí sinh hoạt chúng tôi đều lo hết.

. Tại sao lại là người Việt Nam mà không phải là ai khác được đưa về Nisshin Kutsu?

+ Ở đời có những mối nhân duyên. Từ năm 1963, tôi bén duyên với Phật giáo Việt Nam. Cách đây bốn năm, tại chùa Nisshin Kutsu, tôi đã làm lễ quy y cho 40 học sinh, sinh viên Việt Nam du học tại Nhật. Hôm ấy, đại diện Đại sứ quán Việt Nam có đến dự và biết đến sự gắn bó giữ người Việt Nam và chùa chúng tôi. Kể từ đó, khi có duyên sự gì phía đại sứ đều liên hệ với chúng tôi. Lần này, các vị đại sứ thông qua sư cô Thích Nữ Tâm Trí (nghiên cứu sinh tiến sĩ Phật học tại Nhật, trú tại Nisshin Kutsu) để cùng giúp du học sinh lánh nạn.

 

 

Du học sinh VN tại Nhật đang được đo phóng xạ tại chùa Nisshin Kutsu sau thảm họa. Ảnh: Tâm Trí

 

 

Hòa thượng Yoshimizu Daichi: “Tôi rất cảm kích tấm lòng của các bạn Việt Nam”. Ảnh: TM

Những gì sau trận động đất, sóng thần xảy ra làm tôi liên tưởng đến hình ảnh mất mát của người Việt Nam trong chiến tranh. Hai thảm họa có khác nhau, một là do thiên tai, một là do con người tạo ra nhưng cả hai đều có điểm chung là sự mất mát, đau đớn. Sau chiến tranh, Việt Nam đã đứng dậy vững vàng. Sau thảm họa này, người Nhật cũng sẽ như thế.

. Điều gì làm nên tính cách giàu nghị lực, kiên nhẫn… của người Nhật, thưa hòa thượng?

+ Đó là từ Phật giáo. Phật giáo du nhập và ảnh hưởng rất sâu sắc đến đời sống người Nhật Bản. Trà đạo, Kiếm đạo, Hoa đạo… đều vận dụng phương pháp thiền. Người Nhật đã lấy tinh hoa của Phật giáo để đưa vào cách tư duy và lối sống. Họ được rèn luyện về tâm tỉnh thức, giáo lý vô thường, vô ngã, biết chấp nhận khó khăn để vượt qua, luôn nghĩ về người khác trước khi nghĩ đến mình.

. Tham dự lễ cầu an, cầu siêu của Phật tử Việt Nam cho người dân Nhật, hòa thượng có suy nghĩ gì?

+ Rất xúc động, cảm kích! - đó là những gì tôi đã nghĩ đến trong buổi lễ. Những ngày qua, chúng tôi đón nhận rất nhiều tình cảm của người Việt dành cho. Trước đây, tôi đã tặng 110 cây hoa anh đào cho Việt Nam (trồng ở Công viên Hòa Bình và những ngôi chùa tại Hà Nội - NV). Ngay hôm sau ngày xảy ra thảm họa, tôi đã nhận những lá thư qua email gửi từ Việt Nam chia sẻ với chúng tôi, kèm theo là những bức ảnh chụp hoa anh đào đã nở. Lúc ấy tôi đứng trước hai cảm xúc mâu thuẫn, đan xen nhau: đau buồn và xúc động. Tháng 11 tới đây, chúng tôi sẽ mang 1.000 cây hoa anh đào tặng cho Việt Nam để trồng ở một số điểm trên toàn quốc như một biểu tượng của sự yêu hòa bình, yêu con người trong văn hóa của hai quốc gia.

“Giải cứu” hơn 100 người Việt trong vùng động đất

Trong động đất và sóng thần vừa qua, vùng Đông Bắc Nhật là nơi thiệt hại nặng nề nhất. Vùng này có hơn 100 du học sinh, tu nghiệp sinh là người Việt đang học tập và làm việc. Ngay sau thảm họa, ông Nguyễn Phú Bình, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật, đã liên hệ với Đại lão hòa thượng Yoshimizu Daichi trụ trì chùa Nisshin Kutsu (Tokyo) để tìm nơi nương náu cho người Việt. Hội Vys (Hội Du học sinh Việt Nam tại Nhật), Hội VVG (Hội Tình nguyện viên của nhóm du học sinh tại Nhật) đã cùng với hòa thượng Yoshimizu Daichi kết nối được với khoảng hơn 100 người Việt tại vùng Đông Bắc. Đường từ Tokyo lên vùng Đông Bắc là đường cao tốc, người dân không đi được vì đường thì nứt, xăng dầu cạn kiệt, thời tiết lạnh giá… ông Nguyễn Phú Bình đã xin chính quyền Nhật cấp phép đặc biệt cho đoàn xe rước người Việt về chùa Nisshin Kutsu. Các chuyến xe tỏa ra đi ngay trong đêm 15-3 đi hơn 270 km đến vùng Đông Bắc. Chùa Nisshin Kutsu huy động mọi người, chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết để đón người Việt ở vùng thảm họa.

Chùa đã nhờ một công ty hỗ trợ hai chiếc máy đo phóng xạ để đo nồng độ phóng xạ trên người và trên hành lý. Trong đoàn có 22 người trở về từ Fukushima (vùng đang bị nhiễm phóng xạ trong bán kính 30 km). Rất may tất cả mọi người trong đoàn (trong đó có hai em nhỏ ba tuổi) không ai bị nhiễm. Mọi người được tắm rửa, ăn uống nghỉ ngơi tại các phòng khách của chùa. Thời tiết lạnh giá nhưng không đủ nước nóng, Nhà chùa đã liên lạc với các nhà tắm công cộng gần chùa để họ được tắm nước nóng.

Đêm 15-3, khi những chiếc xe lăn bánh về vùng Đông Bắc để đón du học sinh, tôi ở lại để trắng đêm cùng các Phật tử và tình nguyện viên chuẩn bị đón họ về. Rất nhiều khẩu trang, găng tay, túi nylon được mọi người tình nguyện mang đến. Về đến chùa, có người ba ngày không tắm vì nơi đó cúp điện, có người bị đói… Sau khi ổn định chỗ ăn, ở xong, cả tình nguyện viên, cả du học sinh… ai cũng mệt lã nhưng rất vui vì không ai bị nhiễm phóng xạ.!

Sư cô THÍCH NỮ TÂM TRÍ, nghiên cứu sinh Việt Nam tại Nhật

Cầu siêu và góp hơn 1,4 tỉ đồng giúp người dân Nhật

Sáng 27-3, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM đã tổ chức lễ cầu an, cầu siêu và hội thu ủng hộ nạn nhân bị thảm họa do động đất, sóng thần, phóng xạ hạt nhân tại Nhật. Tham dự lễ có hòa thượng Yochimizu Daichi, Trưởng lão Phật giáo đến từ Nhật, lãnh đạo chính quyền TP.HCM, đại diện Lãnh sự quán Nhật và gần 2.000 Phật tử.

 

Đông đảo tăng ni, Phật tử tại TP.HCM cầu an, cầu siêu cho nạn nhân trong cơn thảm họa ở Nhật. Ảnh: TM

Việc tổ chức lễ cầu siêu và hội thu thể hiện tấm lòng của tăng ni, Phật tử tại Việt Nam hướng về Phật giáo và nhân dân Nhật trong giai đoạn khó khăn. Đồng thời, buổi lễ cũng tô đậm thêm mối quan hệ sắc son của Phật giáo hai nước.

Ngay sau buổi lễ, chư tôn đức cùng toàn thể đại biểu, tăng ni, Phật tử đã thực hiện nghi thức cầu nguyện cho người Nhật. Ngay tại buổi lễ, các đại biểu, doanh nhân, Phật tử đã đóng góp được 1,4 tỉ đồng, 720 đôla, 21.000 yen để giúp người dân Nhật.

T.MẬN

Nguồn: Pháp Luật

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập