Hình Ảnh Sư Tử Kiên Thệ Và Đường Hướng Tu Tập Của Huynh Trưởng Và Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam

Đã đọc: 1376           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Hàng Bồ-tát có bốn yếu tố cấu thành nên sự nghiệp vĩ đại đó là Quảng đại, là Tối thắng, là Chí cực, là Vô đảo. Vì Quảng đại nên Bồ-tát tận tụy phụng sự tất cả chúng sinh. Vì Tối thắng nên Bồ-tát rốt ráo đoạn trừ tất cả phiền não. Vì Chí cực nên Bồ-tát tu học vô lượng pháp môn, Vì Vô đảo nên Bồ-tát thành tựu trọn vẹn Phật quả - mục tiêu tối hậu, cứu cánh giải thoát.

Không chỉ trong Phật giáo Đại Thừa, trong ngay chính Phật giáo Nguyên Thủy, hình ảnh sư tử đều được sử dụng để biểu thị cho Như Lai và Chánh Pháp. Điều này, rõ nét nhất thông qua dự ngôn của đức Thế Tôn: “Sư tử trùng thực sư tử nhục”.

Đối với Huynh Trưởng và Đoàn sinh GĐPT VN nói chung và Đoàn sinh Đoàn Thiếu Nam nói riêng, hình ảnh vô cùng gần gũi lại hàm chứa nhiều giá trị; cũng như, định hướng con đường tu tập vô cùng thân quen đó chính là hình ảnh của sư tử Kiên Thệ mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết này.

I.                   XUẤT XỨ CỦA HÌNH ẢNH SƯ TỬ KIÊN THỆ

Theo từ điển Phật học Phật Quang ghi nhận, Kiên Thệ hay sư tử Kiên Thệ (堅誓師子), tiền thân của đức Thích Ca khi còn ở nhân vị tu hạnh Bồ-tát, được ghi trong truyện Bản sinh. Căn cứ theo kinh Báo ân quyển 7 và phẩm Kiên Thệ sư tử trong kinh Hiền ngu quyển 13, ở đời quá khứ, đức Thích Ca từng làm thân sư tử, tên là Kiên Thệ. Sư tử Kiên Thệ có bộ lông màu vàng rực rỡ, thấy một vị Bích chi Phật, uy nghi thanh tịnh, thường đến gần nghe Ngài tụng kinh. Bấy giờ có người thợ săn thấy sư tử có bộ lông quí, muốn giết để lột da dâng lên vua. Anh thợ săn liền dùng mưu, ngụy trang làm vị sa môn, vào núi ngồi dưới 1 gốc cây; sư tử trông thấy, ngỡ là vị tỉ khưu thật, liền đến liếm chân anh thợ săn, anh ta thừa cơ dùng tên tẩm thuốc độc bắn vào sư tử. Bị trúng tên độc, sư tử muốn vồ lấy anh thợ săn, nhưng nó chợt nghĩ: Đây là vị sa môn mặc áo hoại sắc (ca-sa), là hình ảnh của chư Phật 3 đời, là tiêu biểu của Hiền thánh, ta quyết không sinh tâm ác, dù phải bỏ mạng.

II.                Ý NGHĨA TRUYỆN BẢN SINH

Những câu truyện Bản sinh hay truyện tiền thân của đức Phật khi còn hành đạo Bồ-tát được xếp vào nền văn học Bát-nhã mà nền văn học Bát-nhã là một phần của nền văn học Nguyên Thủy Phật giáo. Nền văn học Nguyên Thủy đó là nền văn học Ba-la-mật hay gọi cách khác là văn học Thiền, văn học Jakata.

Từ nền văn học Jakata, người tại gia hình thành mong ước thực hành theo tấm gương của đức Phật. Từ mong ước này dẫn đến khái niệm bắt chước làm theo những gì mà đức Phật khi còn tu hành hạnh Bồ-tát đã thực hiện. Bên cạnh đó, hệ thống văn Jakata còn giúp cho hàng tại gia có được một niềm tin bất hoại vào năng lực của chính bản thân. Bởi vì: “Phật là chúng sanh giác, chúng sanh là Phật mê” hay “Như Lai là Phật đã thành, ta là Phật sẽ thành”.

Chính niềm tin bất hoại này làm động lực cho hàng Bồ-tát tại gia sống đời sống phụng sự với cặp mắt Duyên Khởi, duy trì Không Tam-ma-địa, phát huy được tính năng nhập thế và phát triển Phật giáo mạnh mẽ trong đời sống thường nhật.

Nếu giữ nguyên theo quan điểm Nam truyền, đức Phật Thích Ca là vị Phật duy nhất và không có các vị Phật ở các thế giới khác; cũng như, không có việc Bồ-tát thực hành rốt ráo các hạnh Ba-la-mật cũng có khả năng chứng đắc Phật quả thì sẽ hạn chế việc tu tập, dễ sinh tâm lý chán nản, thoái chuyển trên con đường đạt Giác Ngộ và Giải Thoát. Chính xuất phát điểm là sự bắt chước do hệ thống Jakata đem đến đã làm động lực mạnh mẽ cho hàng Bồ-tát phát tâm dõng mãnh tu và thực hành các hạnh Ba-la-mật nhằm cầu quả vị Vô Thượng. Bên cạnh đó, chính niềm tin bất thoái chuyển “Ta là Phật sẽ thành” tạo thành sức mạnh cho Bồ-tát khi đối diện với các nghịch cảnh, với các nỗi khổ - niềm đau. Phòng hộ cho tâm của hàng Bồ-tát không vướng mắc bởi các yếu tính Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi.

Ý chí Đại Trượng Phu của hàng Bồ-tát trở thành nguồn năng lượng giúp Bồ-tát học theo Phật, tu theo Phật, mong cầu đạt quả vị như Phật nên phát khởi Bồ-đề tâm, phát triển Đại Thừa, thực hành rốt ráo, thành tựu sáu yếu tố Ba-la-mật. Đây chính là quy trình tu tập thực hành Bồ-tát đạo với Từ Bi làm động lực phát khởi và Bát-nhã làm mục tiêu hướng đến.

Như vậy, từ một nền văn học truyền miệng trong dân gian, Jakata đã trở thành một nền văn học Triết lý: Văn học Bát-nhã.

III.             HÌNH ẢNH SƯ TỬ TRONG PHẬT GIÁO VÀ NHẤT LÀ PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA.

Như đã giới thiệu, cả hai hệ thống Nguyên Thủy và Phát Triển đều xuất hiện ẩn dụ sư tử để biểu thị cho Như Lai và Chánh Pháp của Như Lai tuyên thuyết. Bởi vì, sư tử có được các đặc tính tương đồng với Như Lai và Chánh Pháp của Như Lai.

Như trong Kinh Thắng Man có đoạn: “Đức Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác đúng là tiếng rống của con sư tử, sự sanh khởi của ngã đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn chịu sự tái sanh về sau; cho nên, đức Thế Tôn lấy tiếng rống của con sư tử để nương vào đây mà hiểu nghĩa.”

1.      Cao quý.

Giữa muôn thú, sư tử được xem là vua của vạn loại. Giữa các pháp, đức Thế Tôn được xem là Vua của Chánh Pháp – bậc Pháp Vương. Sư tử đi đến đâu thì thú rừng từ các loài bò, bay, máy, cựa đến các giống hổ, báo, sài, lang đều kinh hãi, khiếp sợ. Tỷ cho cho Như Lai và Giáo Pháp của Như Lai xuất hiện đều làm cho các hệ tư tưởng: Duy thần luận (bao gồm: Nhất thần giáo và Đa thần giáo), Duy vật luận, Ngẫu nhiên luận, Thần ý luận, Duy tậm luận đều bị lung lay không còn giữ vững được chỗ đứng trước ánh sáng tuyệt đối của Chánh Pháp.

2.      Oai hùng.

Nếu như, chân voi là dấu chân to nhất của tất cả các loại động vật – tỷ dụ cho Chánh Pháp của Như Lai có công năng hàm chứa tất cả các giáo nghĩa của Thế gian và Xuất thế gian – tượng trưng cho chiều sâu của nền minh triết; thì tiếng gầm của loài sư tử tượng trưng cho chiều rộng – sức lan tỏa và sự ảnh hưởng của Giáo Pháp đó đến chúng sinh. Khi tất cả mọi loài nghe tiếng gầm của sư tử vang dội, các loài thú đều cúi mình kính nể. Tiếng gầm này vang xa, lan rộng; làm chấn động núi rừng. Cũng từ tiếng gầm đó; loại nhút nhát thì bỏ chạy – như ngoại đạo sợ hãi trước chân lý, loại thuần hóa thì quy phục – như chúng sinh nương tựa đấng Đại Hùng.

Tiếng gầm này được nhắc đến trong kinh điển Đại Thừa là: “Sư tử hống”. Tiếng sư tử hống có bốn tác dụng: 1 là làm cho não các giống thú tê liệt, 2 là làm cho loài voi khiếp sợ, 3 là làm cho các loại bay trên trời rơi xuống đất và 4 là làm cho các giống loại dưới nước ẩn mình sâu hơn. Cũng vậy, đức Thế Tôn cùng Chánh Pháp của Ngài có 4 công năng: 1 là làm cho mọi tà thuyết bị đánh đổ, 2 là hàng phục chư Thiên các cõi trời, 3 là dẹp bỏ ngoại đạo, 4 là đoạn diệt phiền não.

3.      Không sợ hãi

Giữa muôn thú, không có loài nào có thể làm cho sư tử khiếp sợ mà chỉ có sư tử làm cho muôn loại khiếp sợ. Dụ như kim cương (diamond) không có bất kỳ vật gì có thể phá vỡ mà chỉ có kim cương phá vỡ được tất cả. Cũng vậy, Giáo Pháp của Như Lai có công năng đoạn diệt tất cả các phiền não mà không có bất kỳ phiền não nào có khả năng làm ảnh hưởng, lung lay, phá hoại Chánh Pháp của Thế Tôn. Chính điều này, đã đem đến yếu tính “không sợ hãi” cho Như Lai và hàng Bồ-tát học theo hạnh của Như Lai.

Trong Duy Ma Cật Kinh, Phẩm Phật Quốc có đoạn: “Sư tử hống là tiếng rống của con sư tử, là âm thanh không sợ hãi, phàm giáo thuyết của ngài nói ra đều không sợ giáo học khác của chúng tà đạo, giống như tiếng rống của con sư tử làm cho các loài thú đều phải thần phục”.

Ngoài ra, theo kinh Thắng Man Bảo Quật, Sư tử hống có ba nghĩa: Như thuyết tu hành, Vô úy thuyết, Quyết định thuyết. Như thuyết tu hành là lời nói hợp với sự tu hành, không phải lời nói suông. Vô úy thuyết là biện tài vô ngại, xiển dương diệu pháp mà không hề do dự, sợ hãi; nói với sự xác tín, kiên quyết (Vô úy có hai nghĩa: Không sợ người và làm người sợ). Quyết định thuyết là nương theo chân lý để nói pháp lên sự thật, có khả năng hoằng dương đạo pháp, cứu độ chúng sanh, dẹp tà, hiển chánh (Từ điển Phật học Huệ Quang, tr.4005). Theo kinh Đại Bát Niết Bàn, Sư tử hống gọi là quyết định thuyết, nói lên yếu nghĩa “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Như Lai thường trụ không có biến đổi”.

Yếu tính “không sợ hãi” này được gọi là Vô úy. Bồ-tát thực hành các hạnh Ba-la-mật không chỉ trang bị Vô úy cho tự thân mà còn giúp đỡ chúng sinh có được sự Vô úy thông qua việc thực hành Thí vô úy trong Bố thí Ba-la-mật.

4.      11 công năng của tiếng gầm sư tử.

Kinh Đại Bát Niết Bàn nói về 11 ý nghĩa sư tử hống như sau: “Như sư tử chúa tự biết sức lực răng nanh bén nhọn, bốn chân chống đất đứng trong hang vẫy đuôi gầm ra tiếng. Nếu có người nào đủ những tướng như vậy phải biết rằng có thể rống như sư tử, thiệt là sư tử chúa sáng sớm ra khỏi hang vươn vai ngáp, nhìn ngó bốn phương, cất tiếng rống to. Làm như thế là vì mười một điều: Một là vì muốn phá dẹp những loài chẳng phải thiệt sư tử mà dối làm sư tử; hai là vì muốn thử sức mình; ba là vì muốn khiến chỗ ở thanh tịnh; bốn là vì muốn bầy sư tử con biết chỗ nơi; năm là vì muốn đàn sư tử không tâm kinh sợ ; sáu là vì muốn kẻ ngủ được thức tỉnh; bảy là vì muốn tất cả những thú phóng dật được siêng năng chẳng phóng dật; tám là vì muốn những thú khác đến chầu hầu; chín là vì muốn điều phục đại hương tượng; mười là vì muốn dạy bảo các con cái; mười một là vì muốn trang nghiêm quyến thuộc của mình.

Này thiện nam tử! Như Lai Chánh Đẳng Giác, Trí huệ là nanh vuốt, Bốn như ý túc là chân, đầy đủ Sáu môn Ba la mật là thân, Thập trí lực hùng mãnh là sức lực, Đại từ bi là đuôi an trụ, Tứ thiền là hang thanh tịnh, vì chúng sanh mà rống như sư tử, dẹp phá quân ma, hiện bày mười trí lực, mở mang chỗ đi của Phật, làm chỗ nương về cho bọn tà kiến, vỗ về những chúng sợ sệt sanh tử, giác ngộ chúng sanh vô minh ngủ nghỉ, làm cho người tạo ác sanh tâm ăn năn, khai thị tà kiến cho tất cả chúng sanh, làm cho họ biết hàng Lục sư chẳng phải là tiếng rống của sư tử, để phá lòng kiêu mạn của ngoại đạo Phú Lâu Na v.v… Làm cho hàng Nhị thừa sanh lòng hối hận, dạy bảo các Bồ tát bực ngũ trụ cho họ sanh tâm đại lực, làm cho bốn bộ chúng chánh kiến chẳng sợ sệt những đồ chúng tà kiến, nên từ nơi thánh hạnh, phạm hạnh, thiện hạnh, vươn vai mà ra. Muốn khiến các chúng sanh phá lòng kiêu mạn nên há ngáp. Vì khiến chúng sanh thêm lớn pháp lành nên đoái ngó bốn phương. Vì khiến chúng sanh đặng Tứ vô ngại biện nên bốn chân chấm đất. Vì khiến chúng sanh đầy đủ Thi la Ba la mật nên rống như sư tử” (Kinh Đại Bát Niết Bàn, tập II, HT. Thích Trí Tịnh dịch, NXB Tôn Giáo, 2003, tr.196).

IV.              NỘI HÀM CỦA “KIÊN THỆ”

1.      Kiên Thệ là gì

Kiên (堅)là kiên cố, vững chắc, không thể phá vỡ. Thệ (誓)là lời thề, lời nguyện, lời hứa. Như vậy, Kiên Thệ là giữ gìn lời nguyện, lời thề một cách kiên cố không thể phá vỡ.

2.      Lời thệ nguyện của hàng Bồ-tát.

Người Phật tử hay nói cách khác là hàng Bồ-tát giữ gìn lời thệ nguyện gì? Hàng Bồ-tát giữ gìn “Bốn lời thệ nguyện rộng sâu” được biết đến thông qua “Tứ hoằng thệ nguyện” đó là:

-          Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ

-          Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

-          Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

-          Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành

Chính bốn lời nguyện này của hàng Bồ-tát đã hình thành 4 yếu tố cấu thành nên chất liệu Bồ-tát tính và minh định mục đích của hàng Bồ-tát khi thực hành Bồ-tát đạo.

3.      Bốn yếu tính cấu thành Bồ-tát

Hàng Bồ-tát có bốn yếu tố cấu thành nên sự nghiệp vĩ đại đó là Quảng đại, là Tối thắng, là Chí cực, là Vô đảo.

Vì Quảng đại nên Bồ-tát tận tụy phụng sự tất cả chúng sinh. Vì Tối thắng nên Bồ-tát rốt ráo đoạn trừ tất cả phiền não. Vì Chí cực nên Bồ-tát tu học vô lượng pháp môn, Vì Vô đảo nên Bồ-tát thành tựu trọn vẹn Phật quả - mục tiêu tối hậu, cứu cánh giải thoát.

4.      Đối tượng của lời phát nguyện.

Hàng Bồ-tát phát nguyện với ai? Để hiểu rõ vấn đề này, bằng phương pháp luận, chúng ta có thể nhận thấy, khi chúng ta tuyên thệ với một đối tượng nào đó (dù là cá thể hay tập thể) phải hội đủ điều kiện tiên quyết đó chính là chúng ta đặt trọn vẹn niềm tin vào cá thể hay tập thể đó.

Đối với thế gian, niềm tin này được đặt để thông qua các hệ quy chiếu của dân tộc tính, xã hội tính, phong tục tính,… hoặc thông qua ý thức hệ chính trị, chủ nghĩa, tôn giáo, chủng tộc,… Với người Phật tử hay với hàng Bồ-tát niềm tin đó được đặt để vào đâu? Bồ-tát tin ai và tin cái gì?

5.      Tứ bất hoại tín

Đức Thế Tôn hướng dẫn, chỉ dạy, giới thiệu cho hàng Bồ-tát bốn đối tượng của niềm tin hay nói cách khác là bốn đối tượng của lời phát nguyện.

Thứ nhất là tin Phật – bậc Phước Trí vẹn toàn. Thứ hai là tin Chánh Pháp – con đường đạt cứu cánh, an vui. Thứ ba là tin Tăng Đoàn – tập thể thanh tịnh và hòa hợp xứng đáng làm nơi nương tựa. Thứ tư là tin Giới – hệ thống nền tảng đạo đức với mục đích duy trì và làm phát sinh Trí Tuệ. Như vậy, bốn đối tượng này chính đối tượng mà hàng Bồ-tát cần y cứ như là chứng nhân cho lời phát nguyện của mình.

V.                 CON ĐƯỜNG TU TẬP QUA HÌNH ẢNH SƯ TỬ KIÊN THỆ

1.      Yếu tính “Không sợ hãi”.

Chúng sinh nói chung và con người nói riêng có hai sự sợ hãi đó là sợ hãi thế gian và sợ hãi xuất thế gian.

Thế nào là sợ hãi thế gian? Đó là những sự sợ hãi liên quan đến Tự ngã bao gồm Ngã và Ngã sở. Chúng ta sợ hãi khi Tự ngã bị ảnh hưởng hay khi Ngã sở có nguy cơ bị mất đi, bị chiếm đoạt, bị tranh chấp, bị tổn thương… Ví dụ, khi chúng ta có một căn nhà, chúng ta có nguy cơ mất căn nhà đó, lập tức nỗi sợ sẽ xuất hiện do Ngã sở bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, sự sợ hãi còn xuất hiện do thiếu Trí Tuệ, khi mà kiến thức thế gian chưa đủ để nhận biết, truy nguyên, phân tích, tổng hợp từ đó đưa ra các giải thích phù hợp với Duyên Khởi. Ví dụ, khi con người trong thời kỳ nguyên thủy kéo dài đến thời kỳ phong kiến trong bối cảnh chưa đủ các kiến thức về khoa học để hiểu rõ được sự vận hành của thiên nhiên, nỗi sợ về sự bất thường của thiên nhiên hình thành và phát triển. Chính điều này là phôi thai cho việc xuất hiện của các học thuyết Nhất thần luận và Đa thuần luận trong hệ thống Thần ý luận.

Thế nhưng, hai nỗi sợ trên chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Nỗi sợ lớn nhất của chúng sinh chính là nỗi sợ luân hồi và sanh tử. Như kinh Pháp Hoa tỷ dụ, được thân người khó như rùa mù ngàn năm mới nổi lên mặt nước lại chui vào trong hốc cây ngàn năm trôi lênh đênh trên biển rộng bao la. Cũng vậy, “sinh tử sự đại” mới chính là nỗi khiếp sợ đáng lưu ý và đáng quan tâm nhất của cuộc sống nhân sinh.

2.      Cho sự “Không sợ hãi”.

“Cho sự Không sợ hãi” là “Thí vô úy” – chi phần thứ 3 của Bố thí. Trong Bố thí có 3 phương diện: Tài thí – cho vật chất, Pháp thí – cho Giáo Pháp và Vô úy thí – cho sự không sợ hãi.

Thế nào là tài thí? Tài thí là đem cho, ban tặng những gì liên quan đến vật chất trên hai phương diện Vật chất tự thân và Vật chất ngoại thân. Vật chất tự thân được gọi là Nội tài: như đầu, mình, tứ chi, lục phủ, ngũ tạng và sức lực do thân thể vận hành bao gồm cả việc tư duy.

Thế nào là Pháp thí? Pháp thí là đem Chánh Pháp cho người khác. Chánh Pháp là kiến thức đúng đắn và phù hợp với các giáo lý: Tứ đế, Duyên khởi và các giáo lý kéo theo như: Nhân quả, Luân hồi, Vô Thường, Vô ngã,…

Thế nào là Vô úy thí? Vô úy thí là cho sự không sợ hãi. Như đã trình bày, sợ hãi có hai phần là sợ hãi của Thế gian và sợ hãi Xuất thế gian.

Với sự sợ hãi của Thế gian, bằng Tài thí và Pháp thí trên phương diện cung cấp kiến thức đúng đắn, Bồ-tát giúp chúng sinh vượt qua nỗi sợ hãi này một cách dễ dàng. Nhưng, với sự sợ hãi Xuất thế gian – sự sợ hãi sinh tử, luân hồi thì chỉ có con đường Bố thí Chánh Pháp. Rồi từ Bố thí Chánh Pháp sinh ra năng lực phòng hộ của Chánh Pháp đối với chúng sinh thực hành theo Chánh Pháp. Chính năng lực phòng hộ này sẽ bảo vệ chúng sinh trước sự sợ hãi lớn nhất của kiếp nhân sinh.

Như vậy, ban đầu, Bồ-tát tiếp cận chúng sinh bằng Tài thí để phương tiện khuyến hóa chúng sinh vào Đạo. Tiếp theo, bằng Bố thí Chánh Pháp giúp chúng sinh thấy được Đạo và hiểu được Đạo để thực hành theo Đạo. Cuối cùng, bằng Bố thí Không sợ hãi, Bồ-tát giữ vững và an trụ chúng sinh trong Chánh Pháp, tạo thành năng lực thúc đẩy chúng sinh đến mục đích cuối cùng đó chính là Giác Ngộ và Giải Thoát.

3.      Phương pháp thoát nỗi sợ sinh tử.

Đức Thế Tôn hướng dẫn Bồ-tát tự thân thực hành và thể hiện tinh thần nhập thế, cứu độ chúng sinh với lộ trình thoát sinh tử thông qua Lục Ba-ba-mật. Bắt đầu từ chất liệu Bố thí để đạt đến mục đích Trí Tuệ Bát-nhã.

Căn nguyên và nền tảng của Bố thí đó chính là Từ Bi[1]. Bố thí là hành động thể hiện ở bên ngoài mà bản chất bên trong là do Từ Bi cấu thành. Từ Bi là chất liệu làm nên Bồ-tát tính. Không như quan điểm của Nam truyền, Bố thí chỉ là để cầu Phước. Phật giáo Bắc truyền chủ trương rằng Bố thí có khả năng dẫn đến và làm động lục thúc đẩy đạt được Bát-nhã Ba-la-mật.

Ban đầu, Từ Bi phát triển một cách tự nhiên trong Bồ-tát như tình thương của người mẹ dành cho con – một tình thương không điều kiện. Sự kỳ diệu của tình thương không điều kiện này đã phát huy thành khả năng quên mình hy sinh của Bồ-tát dành cho chúng sinh. Về sau, Từ Bi đó phát sinh thành Trí Tuệ, từ Trí Tuệ, Bồ-tát nhận rõ được bản chất vạn pháp do Duyên Khởi. Lúc này, Bồ-tát vừa thực hành Bố thí vừa quán chiếu với cặp mắt Duyên Khởi. Như vậy, không cần xuất gia, Bồ-tát tại gia vẫn đạt được quả vị Vô Lậu hay nói cách khác, Bồ-tát tại gia vẫn có thể đi từ Bố-thí để đạt đến Bát-nhã Ba-la-mật.

  1. 4.      Lục Ba-la-mật

Quá trình đi từ Bố thí đến Bát-nhã được gọi là Lục Ba-la-mật – con đường tu tập và phụng sự chúng sinh của hàng Bồ-tát. Quá trình này gồm sáu bước đó là: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí Tuệ.

Như đã trình bày, Bố thí là sự biểu hiện của lòng Từ Bi – yếu tính cấu thành nên Bồ-tát. Từ việc làm cụ thể là đem cho từ vật chất đến kiến thức thế gian, phát triển thành đem cho kiến thức xuất thế gian hình thành năng lực không sợ hãi trước sinh tử là bước đầu tiên mà hàng Bồ-tát cần tu tập và đồng hành với chúng sinh trong quá trình tu tập.

Tâm Từ Bi đó dần dần lớn rộng thêm trở thành mong muốn cho chúng sinh được cảm giác an toàn trong mọi hoàn cảnh. Cảm giác an toàn này chính là Trì giới vì năng lực của Trì giới chính là phòng hộ. Giới không nên chỉ được hiểu là những điều cấm ngăn. Vì bản chất của Giới là ngăn ngừa nguy cơ các bất thiện nghiệp có khả năng phát sinh. Sự ngăn ngừa này được huân tập trở thành tập quán sau nhiều lần lập đi, lập lại các học xứ. Khi tập quán đó dần trở thành thói quen được duy trì một cách tự nhiên thì Giới là sự khác biệt giữa chúng sinh có giữ giới và chúng sinh không giữ giới. Chính sự khác biệt này tạo nên sự an toàn. Vì khi các bất thiện nghiệp không có cơ hội phát triển, lúc đó, người giữ Giới luôn an lạc, thanh lương, mát mẻ và có năng lực phòng hộ tuyệt đối.

Năng lực phòng hộ này ban đầu được chú trọng đối với đối tượng là các hành động. Về sau, khi đã thuần thục, đối tượng được thay đổi và phát triển từ hành động trở thành dòng tư duy. Hay nói cách khác, muốn hành động không phát sinh các ác nghiệp thì tư duy phải được an trụ trong thiện nghiệp – đó chính là Nhẫn nhục. Nhẫn nhục có 3 tướng trạng: 1 là không oán kết, 2 là không giận dữ và 3 là tâm không có ác ý. Thực hành nhẫn nhục là phòng hộ tâm trước các ngoại cảnh bất như ý. Chính việc phòng hộ tâm này tạo năng lực “Không sợ hãi” trước các nỗi khổ niềm đau.

Việc phòng hộ thân và phòng hộ tâm cần được duy trì, huân tập một cách thường xuyên, lập đi lập lại để trở thành thói quen. Việc lập đi, lập lại các học xứ này được gọi là Tinh tấn – sự nổ lực không ngừng. Chính nhờ sự nổ lực này mà năng lực phòng hộ dần dần lớn lên, phát triển, kéo dài, không gián đoạn. Cũng từ đó, sự “Không sợ hãi” trước các nỗi khổ thế gian và xuất thế gian cũng được duy trì.

Có hai phương thức Bố thí. Thứ nhất, đó là Bố thí với tâm hạn hẹp vì mong cầu người trả ơn, hoặc mong cầu quả báo Hữu lậu thế gian trong đời này hoặc đời sau. Cách Bố thí này là cách Bố thí nhỏ hẹp, vì mình mà không phải vì người, không phát triển được tâm Từ Bi rộng lớn. Và thực tế, đây cũng chưa gọi là chân thực, chuẩn xác đúng theo khái niệm của Bố thí.

Bố thí là gì? Bố là rộng khắp, thí là cho. Bố thí là cho một cách rộng khắp. Thế nào là cho một cách rộng khắp? Cho một cách rộng khắp là cách cho của Bồ-tát đối với chúng sinh, vì chúng sinh mà cho chúng sinh. Đồng thời, không thấy mình là người cho, chúng sinh là người nhận. Không thấy luôn cả từ tài sản vật chất đến phi vật chất mà chúng sinh đang thụ hưởng từ cái mình cho. Khi làm được như vậy thì mới được gọi là chân thực Bố thí hay nói cách khác đó là Bố thí Ba-la-mật, là Tam luân không tịch.

Để đạt được Tam luân không tịch đó, Bồ-tát phải thực hành quán Không trên ba phương diện: ta là Không, người là Không và vật là Không. Cái Không này không phải là cái đối đãi với cái có, không phải nằm trong phạm trù nhị biên giữa hai thái cực hiện hữu và không hiện hữu. Mà cái Không này chính là do Nhân duyên cấu tạo mà thành, hay nói cách khác đó là nhìn tất cả sự vật, sự việc, hiện tượng, khái niệm trên con mắt Duyên Khởi [Do duyên mà khởi] – đây chính là Thiền định.

Khi nhận chân được như vậy, thì Trí Tuệ hay Bát-nhã Ba-la-mật sẽ tự nhiên phát sinh như là một hệ quả tất yếu kéo theo. Khi đó, Từ Bi đã hỗ trợ cho Trí Tuệ phát triển. Trí Tuệ lại trở thành định hướng cho Từ Bi tiếp tục phát triển. “Trí Bi song vận” chính là sự vận hành song song giữa Trí Tuệ và Từ Bi làm động lực dẫn dắt Bồ-tát đến với quả vị Giải Thoát, Giác Ngộ thông qua phương thức nâng cao tình thương rộng lớn.

VI.              TỔNG KẾT

Hình ảnh sư tử Kiên Thệ không chỉ là hình ảnh biểu trưng cho sự Không sợ hãi – Vô úy mà còn ẩn tàng một quá trình tu tập thực hiện Bồ-tát đạo thông qua con đường Lục Ba-la-mật. Con đường ấy được bắt đầu bằng yếu tính Bố thí trên cơ sở nền tảng là chất liệu Từ bi phát triển dần đến mục đích cuối cùng là Trí Tuệ Bát-nhã.

Huynh Trưởng và Đoàn Sinh GĐPT VN thông qua hình ảnh sư tử Kiên Thệ cần xác quyết đối tượng chúng ta đặt niềm tin tuyệt đối là Tam Bảo và Chánh Giới, phương thức của chúng ta tu tập là Bồ-tát đạo, đối tượng chúng ta phụng sự là tất thảy chúng sinh và mục tiêu chúng ta cần đạt đến đó chính là Giác Ngộ và Giải Thoát.

Khi đã minh định được một cách rõ ràng như vậy, thì chắc chắn rằng việc “góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo” nhất định sẽ thành toàn.

 

Khánh vía Bồ-tát Đại hạnh Phổ Hiền

Thương dành tặng Trại họp bạn Thiếu Nam BHD GĐPT Gia Định

Tuệ Quý – Phước Châu



[1] Từ Bi: 慈悲; S: maitrī-karuṇā; P: mettā-karuṇā; Hai đức hạnh chính của đạo Phật và cũng là cơ sở tâm lí của một vị Bồ Tát. Hai đức tính này được biểu hiện qua lời nguyện cứu độ tất cả chúng sinh thoát khỏi luân hồi.
Người ta phân biệt ba loại Từ bi: 1. Tấm lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh theo lẽ thường; 2. Là kết quả của việc chứng ngộ được tính vô ngã của tất cả các pháp, là quả vị của tất cả những vị Thanh văn, Ðộc giác và Bồ Tát khi bước vào địa vị thứ nhất của Thập địa; 3. Là tấm lòng Ðại từ đại bi (s: mahāmaitrī-karuṇā) của một đức Phật, một tấm lòng từ bi tuyệt đối vô phân biệt, vô điều kiện.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Đăng nhập