Thực Trạng Tín Đồ Phật Giáo Hiện Nay

Đã đọc: 8816           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Chúng ta có cảm thấy hổ thẹn không khi các học giả phương Tây mới bắt đầu nghiên cứu Phật giáo chưa lâu nhưng họ chỉ chuyên chú vào giáo lý “Tứ Thánh Đế” và “Bát Chánh Đạo” của Phật Thích Ca. Tất cả đều thừa nhận Phật giáo là “ một tôn giáo không có thượng đế” (Oldenberg) và “Phật giáo không thừa nhận thượng đế mà con người phụ thuộc vào, học thuyết của nó là vô thần” (Barth). Còn Emile Durkheim viết “Thật vậy, tất cả những điều chủ chốt của Phật giáo nằm trong bốn gốc cơ bản mà tín đồ gọi là tứ diệu đế. Thứ nhất là khổ đế, sự tồn tại của khổ đau gắn liền với tiến trình vĩnh cửu của sự vật; thứ hai là tập khổ đế cho thấy ham muốn là nguồn gốc của khổ não; thứ ba là diệt khổ đế cho thấy tiêu diệt dục vọng là biện pháp duy nhất để xóa bỏ phiền não; thứ tư là đạo đế nói lên ba giai đoạn phải trải qua để diệt khổ: đấy là giới, định và cuối cùng là tuệ, quán thông Phật pháp. Qua được ba bước đó, con người sẽ đi đến tận cùng, đó là giải thoát, là đạt cõi Niết bàn…muốn giải thoát, con người chỉ có thể dựa vào chính mình thay vì cầu nguyện, theo nghĩa thông thường, thay vì hướng về một đấng cao cả để cầu xin sự giúp đỡ, thì con người hướng về mình và quán niệm”.*

Trong lễ kỷ niệm 27 năm ngày thành lập (07.11.1981- 07.11.2008) Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) công bố cả nước có khoảng 45 triệu tín đồ đã qui y Tam bảo. Còn theo kết quả cuộc Tổng điều tra dân số trên toàn quốc vào năm 2009 của Nhà nước thì tính đến ngày 01 tháng 04 năm đó cả nước có 13 tôn giáo lớn nhỏ, tổng cộng 15.651.467 tín đồ, trong đó tín đồ đạo Phật là 6.802.318 người gồm 3.172.576 thiện nam và 3.629.742 tín nữ. Phần còn lại đa số theo đạo thờ cúng ông bà, theo các đạo khác và khoảng chục triệu người không theo đạo nào hết.  .

Nếu sự chênh lệch giữa hai con số thống kê của GHPGVN và Nhà nước tương đối nhỏ thì không có gì để nói, đàng nầy quá lớn thì biết tin vào con số nào? Dĩ nhiên con số của Nhà nước chính xác, đáng tin cậy hơn. Tôi có thể chứng minh điều đó. Từ năm 1975 đến nay, Nhà nước đã thực hiện Tổng điều tra dân số trên toàn quốc 4 lần, mỗi lần cách nhau 10 năm, bắt đầu năm 1979. Lần thứ hai vào năm 1989, tôi là thành viên Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số huyện Trà Ôn và xã Lục Sĩ Thành, phụ trách tập huấn nghiệp vụ cho Tổ trưởng và Điều tra viên toàn huyện. Trong thời gian điều tra, tôi cùng các thành viên khác trong Ban chỉ đạo thường xuyên xuống địa bàn kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn, uốn nắn các Tổ trưởng và Điều tra viên để tránh những trường hợp nhầm lẫn, sai sót xảy ra cho nên sự nhầm lẫn sai sót không đáng kể. Vả lại, số liệu của Nhà nước còn cho biết bao nhiệu thiện nam, tín nữ trong khi số liệu của GHPGVN không nêu lên được điều đó.

Đạo Phật truyền vào nước ta khá sớm, khoảng đầu công nguyên và đã phát triển mạnh mẽ, trở thành quốc giáo từ triều Ngô đến triều Trần, thế thì tại sao số tín đồ lại khá khiêm tốn so với khoảng 90 triệu dân ở thời hiện đại, chỉ chiếm 7,93%!?. Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trước hết hãy điểm sơ qua một số nguyên nhân khách quan.

-Ngoài tôn giáo, từ xa xưa, nước ta còn có tín ngưỡng dân gian, trong đó  việc thờ cúng ông bà được nhân dân nâng lên thành Đạo. Đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta thể hiện sự kính trọng, lòng hiếu thảo của con cháu đối với công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà cha mẹ quá vãng. Tôn giáo đối với họ là  cúng tế và cầu nguyện. Theo số liệu thống kê của Nhà nước thì tỉ lệ người theo đạo thờ cúng ông bà trên cả nước là 98%, gồm cả tín đồ các tôn giáo.

-Một bộ phận không nhỏ người dân chỉ lo cho cuộc sống vật chất no cơm ấm áo, hưởng thụ văn hóa tinh thần đầy đủ, khá thờ ơ với đời sống tâm linh, không quan tâm đến giáo lý của các tôn giáo.

-Nhiều người cho Phật giáo chủ trương từ bỏ thế giới hiện hữu bởi các khái niệm vô ngã, tính không, giải thoát và hình ảnh ngôi nhà đang cháy trong kinh Pháp Hoa. Niết bàn, Tịnh độ, Tây phương Cực lạc chỉ là ảo ảnh, vọng tưởng không có thật nên không theo! Đây là sự nhầm lẫn đáng tiếc do suy nghĩ nhận thức của họ chưa thấu đáo. Mặt khác, vài hệ phái quá ca ngợi các cảnh giới đó, theo họ, người tu chỉ cần lạy và niệm Phật A Di Đà trên 300 lần mỗi ngày trong vài ba năm thì sau khi chết sẽ được Phật rước về Tây phương Cực lạc!?.

-Từ thế kỷ thứ 10 đến nay có nhiều tôn giáo nước ngoài du nhập vào nước ta như Hồi giáo, Bà La Môn (nay là Ấn Độ giáo), Baha`i, Công giáo, Tin Lành. Trong nước cũng hình thành các tôn giáo mới như Cao Đài, Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương…thu hút số tín đồ lên đến 8.849.149 người, tỉ lệ 10,38%.

-Hầu hết đoàn viên, đảng viên đều không theo đạo nào hết ước tính trên dưới 10 triệu người, nâng tỉ lệ người không tôn giáo trên cả nước lên 81,69%.

 

Về nguyên nhân chủ quan cũng khá nhiều, trong đó có những nguyên nhân   khá “nhạy cảm” nếu nói lên chắc nhiều người bực bội, khó chịu. Tuy nhiên, đó là những loài cỏ dại trong vườn hoa xinh đẹp cần phải nhổ bỏ nên tôi không sợ mích lòng, đã trình bày trong bài viết “Sự thăng trầm của Phật giáo Việt Nam” đăng trên trang web (www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/su-kien-van-de/18678/su-thang-tram-cua-phat-giao-viet-nam.html) và trên Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 235 ra ngày 15.10.2015 với tinh thần xây dựng cho ngôi nhà Phật giáo ngày thêm xinh đẹp lộng lẫy. Vì thế, tôi sẽ không nhắc lại ở đây mà chỉ điểm qua vài nguyên nhân cơ bản theo suy nghĩ của tôi.

-Vào khoảng thế kỷ thứ 3 TCN, đạo Phật từ Ấn Độ truyền ra các nước khác bằng hai hướng. Hướng bắc qua Nepan, Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam gọi là Bắc tông sau trở thành Phật giáo Đại thừa. Hướng nam sang Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cao Miên và một số tỉnh miền tây Nam bộ nước ta (chủ yếu ở người Khmer) gọi là Nam tông hay Phật giáo nguyên thủy Theravada. Hàng ngàn năm qua phần lớn Phật giáo Việt Nam theo phái Đại thừa và chịu ảnh hưởng khá nặng vào Phật giáo Trung Quốc từ cách tổ chức tôn giáo đến hệ thống biểu tượng, hệ thống nghi lễ, phương thức hành đạo…có ít nhiều điều không phù hợp với cuộc sống, tâm lý tình cảm và bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

-Đa số dùng kinh điển của Phật giáo Đại thừa nhập về từ Trung Quốc, dù được dịch từ tiếng Hán sang tiếng Việt nhưng ý nghĩa của kinh quá cao thâm uyên áo, câu văn ngắn gọn xúc tích lại thêm một “rừng” từ ngữ chuyên môn, hình ảnh ẩn dụ, nên rất khó nhớ, khó “thâm nhập kinh tạng” và khó thực hiện.

-Trình độ học vấn của người dân chưa cao, họ chỉ nghe kinh (Văn) nhưng không hiểu (Tư) thì làm sao phát Bồ đề tâm (Tu) cho được. Bất cứ điều gì, đã hoài nghi thì không tin tưởng chứ không riêng việc theo đạo.

-Việc hoằng dương đạo pháp chủ yếu thực hiện tại một số chùa lớn, nổi tiếng ở thành thị còn các chùa nhỏ lẻ và ở nông thôn gần như vắng bóng. Một thực trạng  đáng buồn nhưng rất phổ biến ở các chùa nhỏ lẻ và nông thôn là các Phật tử, bổn đạo chỉ đến chùa vào ba ngày rằm lớn trong tháng giêng, tháng bảy, tháng mười và tết Nguyên đán, gần như không nhiều người biết các ngày lễ vía, nếu biết họ cũng chỉ đến lai rai. Hầu hết đều đến chùa để lạy Phật, cúng dường, cầu tài cầu lợi, cầu an cho người sống, cầu siêu cho người chết. Nhà chùa cũng ít khi tổ chức thuyết pháp, chỉ  bày cỗ bàn, tụng kinh cúng Phật, chư Tổ rồi cùng nhau ăn uống, sau đó giải tán.

Đến đây tôi xin nhắc lại một nguyên nhân “nhạy cảm” được tôi  đề cập trong bài “Nhìn Lại Chính Mình” (đăng trên trang web Đạo Phật Ngày Nay). Ngày xưa, vua quan bỏ ngôi báu, chức tước để được làm Sư, còn ngày nay không ít tăng ni lại thích cuộc sống của vua quan. Chùa chiền thay cung điện, xe hơi thế kiệu vàng, chén gốm sứ thay bình bát, tín nữ thế a hoàn, thiện nam làm lính ngự lâm. Việc thọ nhận cúng dường và cầu nguyện cho bá tánh cũng không theo tông chỉ và ý nghĩa cao đẹp như lời Phật dạy mà biến tướng thành “tụng kinh thuê”! Hòa thượng Thích Thanh Từ đã nói như thế và cất tiếng than:”Thậm chí hiện nay có một ít tăng ni đến tận nhà Phật tử dùng đủ lời lẽ để quyên tởi, thực đau lòng thay. Đạo lý nào dạy những điều ấy?”.(“Bước Đầu Học Phật” trang 63-64).

Còn nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nữa nhưng bao nhiêu cũng đủ cho người ta chán nản, mất lòng tin, không theo đạo hoặc bỏ đạo, cải sang đạo khác.

 

Đã đến lúc GHPGVN nhìn lại chính mình với tinh thần tự giác và cầu tiến để tháo gỡ vướng mắc, dẹp bỏ chướng ngại đã lộ diện hoặc còn tiềm ẩn. Trước mắt hãy xem lại trong 45 triệu tín đồ đã qui y Tam bảo là thực chất hay hình thức theo kiểu báo cáo màu hồng từ các cơ sở?. Có bao nhiêu người tín tâm, bao nhiêu người chiếu lệ, làm cho có? Bao nhiêu người đi chùa cầu đạo, bao nhiêu người hiếu kỳ, ham vui, chạy theo phong trào?. Nhanh chóng chấn chỉnh và kiện toàn tổ chức từ trung ương đến địa phương chặc chẽ, giới luật nghiêm minh. Rà soát lại và thay thế hệ thống biểu tượng, hệ thống nghi lễ, phương thức hành đạo ngoại lai cho phù hợp với cuộc sống, tâm lý tình cảm và bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Sàng lọc chùa chiền, tu viện, thiền viện cùng hàng ngũ tăng ni và mạnh dạn loại bỏ những thành phần biến chất thoái hóa ra khỏi Giáo hội.

Quan trọng hơn hết là quay về với giáo lý ban đầu của Phật Thích Ca, “Tứ Thánh Đế” và “Bát Chánh Đạo”. Đây là nền tảng cốt lõi của toàn bộ hệ thống giáo lý của Ngài sau nầy. Ngài không xây dựng nó thành một thứ triết học khô khan xơ cứng, không quan tâm đến nguồn gốc và sự hình thành của thế giới, nơi con người đã sống và chịu khổ, từ đâu đến và tương lai đi về đâu vì đó là một việc đã thành, cũng không quan tâm đến thần thánh và tự tính của họ. Ngài chủ yếu hướng vào con người và những khổ đau bất hạnh của họ trong cuộc sống, chỉ cho họ cách giải thoát bất hạnh khổ đau như vị bác sĩ khám chẩn bệnh và ra toa cho bệnh nhân mua thuốc uống chữa trị. Tóm lại, giáo lý “Tứ Thánh Đế” và “Bát Chánh Đạo” mang tính tâm lý thực tiễn chứ không có tính siêu hình và là phương tiện dẫn dắt chúng sanh từ bến mê sang bờ giác.  

Chúng ta đã tự hào là tiếp cận với Phật giáo hàng ngàn năm nhưng càng ngày càng xa rời nguồn gốc ban đầu, xa rời thực tiễn, thần thánh hóa Phật Thích Ca cùng các vị Phật khác trong khi Ngài là vị Phật lịch sử, còn các vị Phật khác đều là Phật tôn giáo, là hình ảnh biểu tượng của những đức tính con người.”Di Đà là  tính sáng soi, há phải nhọc tìm về Cực lạc” (Cư Trần Lạc Đạo-Trần Nhân Tông) Như trên tôi đã nói, trình độ học vấn của dân ta chưa cao, khả năng tiếp thu giáo lý còn hạn chế, nhận thức chưa thấu đáo nên rất cần một sự giải thích rõ ràng minh bạch, nếu không, người dân sẽ rơi vào thần quyền, mê tín dị đoan đầy dẫy trong xã hội từ trước đến nay. Một điều quan trọng khác là người dân sẽ căn cứ vào đó tu hành nhưng cuối cùng ước không có, cầu không được họ sẽ đâm ra chán nản, mất lòng tin, không theo đạo hoặc bỏ đạo, cải sang đạo khác.

Chúng ta có cảm thấy hổ thẹn không khi các học giả phương Tây mới bắt đầu nghiên cứu Phật giáo chưa lâu nhưng họ chỉ chuyên chú vào giáo lý “Tứ Thánh Đế” và “Bát Chánh Đạo” của Phật Thích Ca. Tất cả đều thừa nhận Phật giáo là “ một tôn giáo không có thượng đế” (Oldenberg) và “Phật giáo không thừa nhận thượng đế mà con người phụ thuộc vào, học thuyết của nó là vô thần” (Barth). Còn Emile Durkheim viết “Thật vậy, tất cả những điều chủ chốt của Phật giáo nằm trong bốn gốc cơ bản mà tín đồ gọi là tứ diệu đế. Thứ nhất là khổ đế, sự tồn tại của khổ đau gắn liền với tiến trình vĩnh cửu của sự vật; thứ hai là tập khổ đế cho thấy ham muốn là nguồn gốc của khổ não; thứ ba là diệt khổ đế cho thấy tiêu diệt dục vọng là biện pháp duy nhất để xóa bỏ phiền não; thứ tư là đạo đế nói lên ba giai đoạn phải trải qua để diệt khổ: đấy là giới, định và cuối cùng là tuệ, quán thông Phật pháp. Qua được ba bước đó, con người sẽ đi đến tận cùng, đó là giải thoát, là đạt cõi Niết bàn…muốn giải thoát, con người chỉ có thể dựa vào chính mình thay vì cầu nguyện, theo nghĩa thông thường, thay vì hướng về một đấng cao cả để cầu xin sự giúp đỡ, thì con người hướng về mình và quán niệm”.*

Chúng ta tự hào có nền văn hóa văn học Phật giáo đồ sộ rực rỡ, có vị Phật hoàng Trần Nhân Tông nhưng không làm theo lời Ngài dạy “Ai trói lại mong cầu giải thoát” (Sơn phòng mạn hứng) mà tự trói mình, nếu không tự tháo gỡ thì sau mười năm, hai mươi năm, con số thống kê tín đồ sẽ sụt giảm bao nhiêu nữa đây?./

 

----------------       

*Theo “Những Vấn Đề Nhân Học Tôn Giáo”

   do Tạp chí Xưa và Nay và NXB Đà Nẵng

  xuất bản năm 2006.

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.33

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Đăng nhập