TS. Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán - Nôm: Di sản mang dấu ấn thời đại

Đã đọc: 3422           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Cần có một kế hoạch tổng thể để bảo vệ kho mộc bản kinh Phật ở chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà. Cùng với mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm vừa được vinh danh Tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình dương, ở Bắc Giang còn có ngôi chùa cổ Bổ Đà đang còn lưu giữ một kho tư liệu hơn 2.000 mộc bản kinh Phật gỗ thị bằng chữ Hán - Nôm. Theo PGS. Tiến sĩ Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, mộc bản kinh Phật có niên đại vài trăm năm tuổi là di sản văn hóa mang đậm dấu ấn thời đại, việc gìn giữ và quảng bá giá trị của di sản đó cần được quan tâm thật xứng tầm.

Thưa ông, những mộc bản kinh phật ở chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) và chùa Bổ Đà (Việt Yên) của tỉnh Bắc Giang là những minh chứng rõ ràng nhất về di sản Hán Nôm của người Việt. Vậy di sản này có ý nghĩa như thế nào trong đời sống hôm nay?

PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh: Di sản Hán- Nôm là kho tri thức của người Việt trải dài suốt 10 thế kỷ. Chữ Hán cùng với chữ Nôm là phương tiện để ghi chép toàn bộ tri thức của dân tộc trong quá khứ, về văn hóa, văn học, lịch sử, địa lý, giáo dục, tôn giáo, tư tưởng… trong suốt một thời kỳ dài của dân tộc. Theo tôi, nó rất quan trọng và cần thiết cho đời sống văn hóa hiện nay. Chỉ có điều giờ đây người Việt đọc, viết bằng chữ Quốc ngữ, lượng người am hiểu về chữ Hán- Nôm không nhiều. Điều này đã dẫn đến sự cách biệt ít nhiều giữa thế hệ hôm nay và thế hệ ông cha. Vì vậy hiểu đúng được di sản của người xưa để lại cũng là một nhu cầu và sự đòi hỏi đang được đặt ra cho chúng ta.

Mộc bản kinh phật nói riêng, những tư liệu được khắc trên gỗ, trên đồng và trên đá, v.v... của người Việt nói chung thực sự có giá trị, bởi nó thể hiện niên đại của văn bản, của tác phẩm, đặc biệt nó mang dấu ấn của thời đại. Còn những văn bản chép tay, không thể hiện rõ lắm tính niên đại tác phẩm, có thể là sự sao chép của những thời kỳ sau, người đời sau.


Đại đức Thích Thanh Vịnh giới thiệu Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm

Thưa ông, hơn 2.000 mộc bản kinh phật đang được lưu giữ tại chùa Bổ Đà - Bắc Giang, từ thời Lê Trung hưng, trải qua nhiều thế kỷ nhưng những bản khắc gỗ thị vẫn còn nguyên vẹn về số lượng và hình hài. Kho di sản này không kém gì so với kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, nhưng xem ra còn ít người biết đến?

- Điều này liên quan đến khâu quảng bá giá trị di sản văn hóa. Theo tôi được biết, ngoài lượng mộc bản kinh phật quý giá đang được lưu giữ tại đây, thì chùa Bổ Đà còn có rất nhiều sách và tư liệu quý liên quan đến lĩnh vực y, dược dân tộc. Tuy số lượng mộc bản kinh phật ở đây ít hơn, nhưng giá trị về giá trị khoa học và ý nghĩa văn hóa của các mộc bản kinh phật chùa Bổ Đà không kém gì so với mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm.

Tôi lấy làm tiếc, bởi chúng ta đã không kịp nghiên cứu đầy đủ và lập hồ sơ trình UNESCO công nhận cùng một lúc cả hai kho mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà là Tư liệu ký ức thế giới của khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Nếu vinh danh mộc bản ở cả hai ngôi chùa nói trên, tức là chúng ta sẽ vinh danh toàn bộ khối mộc bản ở của trường học Phật giáo thời kỳ Lý- Trần - Lê phía sườn tây Yên Tử. Như vậy, sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều.

Thưa ông, trên thực tế hiện nay công tác bảo quản mộc bản kinh ở những ngôi chùa nói trên vẫn đơn giản, có phần chưa được chú trọng. Rõ ràng chúng ta không thể không lo ngại về tuổi thọ của kho di sản Hán-  Nôm nói trên?


Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm

Ảnh: Giang Nam

- Tôi cho rằng, chúng ta cần có một kế hoạch tổng thể để bảo vệ kho mộc bản kinh ở chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà. Theo đó, đừng để bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng lấy một bản ra khỏi giá, kệ hoặc sờ tay vào mộc bản. Việc này có thể dẫn tới mất chữ, mẻ chữ trên mộc bản hoặc mất mát mộc bản.  Hơn nữa, chùa cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, nên chúng ta phải có trang thiết bị phòng cháy và chữa cháy đạt tiêu chuẩn để bảo quản mộc bản.

Tôi cũng được biết là chùa Vĩnh Nghiêm đã in dập mộc bản xong rồi, còn chùa Bổ Đà thì chưa. Theo tôi, sở VHTT&DL Bắc Giang nên tổ chức in dập toàn bộ mộc bản, sau đó đóng thành quyển và phân loại, kể cả việc số hóa tư liệu đó vào máy móc. Cùng với đó là việc triển khai những đề tài nghiên cứu giá trị của kho mộc bản ở cả hai ngôi chùa nói trên. Vì ở đây trong tư liệu về Kinh phật, còn có những lời chú giải bằng chữ Hán - Nôm của người Việt, thể hiện rõ tư tưởng về thiền học của người Việt.


Kho mộc bản kinh Phật tại chùa Bổ Đà

Ảnh: Giang Nam

 

Còn điều này nữa thưa ông, có không ít người nước ngoài rất quan tâm tới nghiên cứu di sản Hán - Nôm của người Việt. Trường hợp GS  John Balaban- Chủ tịch Hội bảo tồn di sản chữ Nôm tại Mỹ là một ví dụ điển hình. Trong khi giờ đây số người Việt quan tâm đến di sản Hán Nôm ngày một ít đi?

- Số người quan tâm đến di sản Hán - Nôm không nhiều nhưng cũng không phải là ít. Để cho người Việt hôm nay quan tâm đến di sản Hán Nôm theo tôi không khó. Ở nước ngoài người ta đào tạo chuyên sâu, được quan tâm đầu tư về nguồn lực và môi trường nghiên cứu để có được những chuyên gia giỏi. Còn chúng ta hiện chưa làm được điều này.

Hơn thế, người Việt cũng đang sử dụng tới khoảng 75% từ Hán Việt trong những văn phạm. Chính vì vậy, tôi cho rằng phải từng bước làm cho người Việt Nam hôm nay hiểu được di sản Hán - Nôm, mà muốn thế thì nên dạy chữ Hán và chữ Nôm trong trường học. Nhưng dạy ở mức độ nào thì phải xem xét, thời lượng ra sao và đội ngũ cán bộ giảng dạy cần nghiên cứu kỹ hơn nữa. Về vấn đề này, Viện Nghiên cứu Hán Nôm và một số trường đại học có Bộ môn Hán Nôm cũng đã tổ chức một vài hội thảo, xuất bản cuốn sách Hán Nôm học trong nhà trường. Chúng tôi đặt vấn đề nên dạy chữ Hán và chữ Nôm trong nhà trường, chí ít cũng ở bậc THPT để cho học sinh hiểu được ngữ nghĩa của những từ Hán - Việt.

Nhưng sâu xa hơn nữa là nhìn về chủ trương, cơ chế, chính sách đãi ngộ, trọng dụng đối với những người nghiên cứu sâu về chuyên ngành Hán - Nôm hiện nay. Xét về nhu cầu thì thư viện, bảo tàng, ban quản lý di tích danh thắng các địa phương rất cần đến những người có trình độ Hán- Nôm. Nhưng trên thực tế hiện nay, các địa phương đang thiếu trầm trọng nguồn chuyên gia về Hán- Nôm học.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Đại Đoàn Kết online

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập