Người Việt trẻ lên chùa chữa "tâm bệnh"

Đã đọc: 2302           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Không lên chùa thường xuyên nhưng vẫn ăn chay, ngồi thiền, học đạo - đó là cách tập tu tại nhà đang được nhiều người trẻ lựa chọn.

Khỏe hơn nhờ ăn chay

Hồi còn sinh viên, cứ chủ nhật là Hoàng Quyên (Nhân viên thu ngân siêu thị CTM Mart) lại bắt xe bus vượt hàng chục cây số từ Mỹ Đình sang Gia Lâm để tham gia lớp học đạo, tập tu hàng tuần tại thiền viện Sùng Phúc. Từ khi đi làm, công việc bận rộn, thường phải tăng ca làm thêm cả chủ nhật không còn thời gian để sang thiền viện nữa nhưng Quyên vẫn giữ thói quen ăn chay, ngồi thiền tại nhà.

Quyên cho biết, ban đầu chị chỉ ăn chay vào ngày Rằm, mùng Một nhưng dần dần thấy món chay phù hợp với khẩu vị, lại thấy cơ thể khỏe hơn, eo thon hơn nên chị thực hiện ăn chay 2 ngày/tuần.

Nhiều người trẻ dành ngày nghỉ cuối tuần lên chùa học đạo. (Ảnh: La Hoàn)


Quyên chia sẻ: "Lần đầu tiên mình ăn đồ chay là tại thiền viện Sùng Phúc. Lúc đó cũng không thích lắm vì hơi nhạt so với khẩu vị của mình. Dần dần ăn nhiều lần rồi thành quen, giờ bữa chay của mình chỉ có cơm, canh, rau luộc và đậu phụ nhưng vẫn rất ngon miệng".

"Mình ngồi một chỗ cả ngày nên rất dễ có mỡ bụng, từ lúc ăn chay thấy eo thon hơn hẳn. Hơn nữa, làm món chay không tốn nhiều thời gian, mươi mười lăm phút là mình có một bữa cơm rồi", Quyên nói thêm.

Ngoài ăn chay, Quyên còn duy trì việc ngồi thiền mỗi ngày vào trước lúc đi ngủ và buổi sáng sớm. Với chị, đây là khoảng thời gian yên tĩnh, bình tâm nhất sau một ngày làm việc mệt mỏi.

"Những ngày siêu thị đông khách đầu óc mình lúc nào cũng căng như dây đàn, về nhà mệt chả muốn làm gì nữa. Từ khi học cách ngồi thiền và thực hiện mỗi tối trước lúc đi ngủ mình thấy thoải mái hẳn, ngủ ngon và sâu hơn", Quyên chia sẻ.

Ăn chay không chỉ vì tín ngưỡng mà còn vì có lợi cho sức khỏe và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy không chỉ có Quyên, mà nhiều người trẻ hiện nay đang hưởng ứng ăn chay giống như một phong trào.

Đỗ Thị Thu Trang, người phát động chiến dịch ăn chay vì môi trường đầu tiên vào năm 2010 cho biết, ăn chay là một cách bảo vệ môi trường dễ dàng và thiết thực nhất mà mỗi cá nhân có thể làm. Việc giảm lượng thịt trong bữa ăn sẽ hạn chế nguồn phát tán khí thải gây hiệu ứng nhà kính của ngành chăn nuôi.

Đến nay, hàng nghìn bạn trẻ đã cam kết an chay ít nhất 1 ngày trong tháng để hưởng ứng ý tưởng của Trang.

Không nhất thiết cứ phải lên chùa!

Cuộc sống hiện đại gấp gáp, người trẻ phải đối mặt với áp lực nặng nề từ học hành, công việc đến chuyện tình cảm. Nhiều người trị bị stress, thậm chí là mắc chứng trầm cảm, tâm thần vì những áp lực này đè nặng.

Bữa cơm chay đạm bạc nhưng vẫn ngon miệng. (Ảnh: La Hoàn)


Để cân bằng cuộc sống, nhiều người trẻ chọn cách lên chùa tĩnh tâm, học đạo mỗi khi rảnh rỗi. Hồng Minh (Cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) là một trong những người trẻ như thế.

Minh chia sẻ: "Cuộc sống có quá nhiều thứ phải lo toan, phiền muộn. Đôi lúc muốn thoát khỏi nó để tĩnh tâm nhìn lại mình nhưng đi đâu cũng chật chội, còi xe, khói bụi. Chỉ có lên chùa là yên tĩnh nhất".

Mỗi tháng Minh thường dành một ngày để lên chùa. Minh bảo cô lên chùa không phải để tụng kinh gõ mõ hay cầu khấn thần linh ban ơn, mà đơn giản lên chùa chỉ để tĩnh tâm.

Bữa cơm chay tại thiền viện Sùng Phúc. (Ảnh: La Hoàn)


"Sự yên tĩnh nơi cửa chùa tạo cho mình cảm giác nhẹ nhõm. Hôm nào đi đúng ngày thầy giảng đạo, ngồi nghe cũng vỡ ra nhiều điều rất ý nghĩa", Minh nói.

Chuyện lên chùa tìm khoảng lặng cho tâm hồn nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Bận bịu với công việc cả tuần, nhiều người trẻ chọn cách tu tập tại nhà.

Nguyễn Thanh Hiền (giáo viên mầm non, Nhân Mỹ, Mỹ Đình) chia sẻ: "Công việc của tôi bận cả tuần nên khó đi chùa thường xuyên. Tôi lên mạng tham gia các trang trao đổi về phật pháp và nhờ mọi người chỉ dạy cách tập tu tại nhà. Ngồi thiền, đọc phật pháp thấy tâm hồn thanh sạch, bình yên lắm". Trong nhịp sống gấp gáp đến chóng mặt vẫn có những người trẻ lội ngược dòng tìm khoảng lặng cho tâm hồn như thế!

Nguồn: VietNamNet

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Đăng nhập