TP.Hồ Chí Minh: Các chùa tràn ngập khói và bát nháo kinh doanh

Đã đọc: 2346           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image Cảnh bát nháo trước cổng chùa Phước Hải (quận 1)

Cứ mỗi dịp đầu xuân, các chùa tại TP.HCM trở thành điểm thu hút rất đông khách thập phương đến viếng và cầu phúc, cầu an. Nhưng truyền thống tốt đẹp này bị phai mờ bởi sự cúng viếng thái quá của nhiều người và những dịch vụ ăn theo bát nháo...

"Hun khói” chùa

Tiết trời mát mẻ của ngày Xuân vẫn không làm dịu cái nóng bức tại chánh điện chùa Bà (quận 7). Tại đây khói hương tạo nên mùi cay nồng rất khó chịu nên chẳng mấy ai có thể đứng quá một phút. Cảnh thành kính thắp nén nhang rồi lễ Phật đã trở thành cuộc đua của những người viếng chùa. Nhiều người chỉ kịp đốt nén nhang, cắm vào bát hương là vội bỏ chạy ra khỏi điện thờ vì không thể chịu nổi mùi khói, sự khó thở. Khói nhiều đến mức đứng cách nhau một mét là không trông rõ người.

Chùa Vạn Thọ (phường Tân Định, quận 1) cũng trong tình cảnh tương tự. Khuôn viên chùa ngày thường thoáng mát nhưng bỗng chật hẹp bởi sự có mặt của cả trăm người đến viếng, bị bao phủ trong màn khói của nhang và từ những lò hóa vàng. Rất nhiều người đành phải dừng chân nơi cổng chùa vì vào sân thì không thở nổi. Sư thầy Thích Đinh Thành - Trụ trì chùa Vạn Thọ cho biết, mặc dù đã cắt cử tăng ni, những tình nguyện viên khuyên khách thăm viếng đốt ít nhang và túc trực dập nhang nhưng vẫn không xuể. Một cảnh tượng thật hài hước, khách vừa cắm nhang vào lư hương là ngay lập tức có người rút ra rồi vứt vào chậu nước bên cạnh. "Một nén nhang cũng đã tỏ lòng thành. Chúng tôi đã giải thích như vậy nhưng không ít người không chịu, họ cho rằng phải đốt cả bó nhang to, hàng thếp vàng mã thì Đức Phật mới chứng giám cho sự thành tâm” - sư thầy Thích Đinh Thành cho biết. Nhiều chùa còn căng băng rôn, phát loa phóng thanh yêu cầu khách thập phương hạn chế việc thắp hương, hóa vàng nhưng xem ra chẳng mấy ai nghe. Nhiều người xem đây là chuyện nhỏ, nhưng không biết rằng sự thái quá trong việc đốt nhang, vàng mã là biểu hiện của sự thiếu ý thức, thiếu tôn trọng cộng đồng và thiếu giữ gìn môi trường sống của cư dân, nhất là cư dân đô thị.

Bát nháo trước cổng chùa

Khi dòng người đổ vào các chùa thì cũng là lúc nạn bói toán, các dịch vụ giữ xe, bán chim, bán cá dùng để phóng sinh thi nhau "chặt chém” khách viếng thăm.

Tình trạng lộn xộn, mất trật tự đã làm giảm tính tôn nghiêm, làm xấu hình ảnh của các chùa. Con đường Mai Thị Lựu (quận 1), nơi có chùa Phước Hải tọa lạc, trong nhiều ngày luôn trong khung cảnh bát nháo. Quán ăn, người bán nhang, chim, cá phóng sinh chiếm toàn bộ vỉa hè của con đường vốn đã chật hẹp, đông đúc xe cộ qua lại. Các hẻm nhỏ, lề đường, tiền sảnh của công ty, nhà dân đều được tận dụng làm bãi giữ xe. Cảnh chèo kéo khách mua đồ cúng, tiếng còi xe xin đường inh ỏi khiến dễ hình dung đây là chợ chứ không phải là nơi tôn nghiêm. Giá dịch vụ tại đây tăng chóng mặt: một bó nhang giá 30.000 đồng, một lồng chim phóng sinh 5 con hét giá 100.000 đồng, giá giữ xe máy là 15.000 đồng/chiếc. Trước chùa có một hồ nhỏ nuôi cá nhưng do hàng trăm người phóng sinh cá làm cá chết nổi lềnh bềnh cùng rất nhiều túi ni lông, rác rưởi. Một chàng trai cự cãi vì giá giữ xe quá cao, ngay lập tức bị bao vây bởi nhóm người mặt mày bặm trợn khiến anh ta phải cuống cuồng móc ví. Trung tá Lê Văn Hiệp - Trưởng Công an phường Đa Kao (quận 1) cho biết, lực lượng công an liên tục ngăn chặn, xử lý các hành vi trên nhưng không xuể. Khi cảnh sát vừa quay lưng là họ lại tiếp tục tràn ra lề đường kinh doanh và "chặt chém” khách.

Tại chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn), người ăn xin nằm ngồi la liệt trước cổng. Có gần chục người ăn xin núp bóng bán vàng nhang kiên trì bám đuôi khách, vừa bán vừa xin, chèo kéo khi nào khách mua hoặc cho tiền mới thôi. Trong khi đó, tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), người bán sách tử vi, bói toán không chỉ tận dụng vỉa hè của chùa mà còn tràn lên cầu Công Lý bên cạnh. Họ bán công khai đủ loại sách tử vi, bói toán, không tên tác giả, nhà xuất bản. Chưa kể đây là nơi tấp nập cảnh chào mời xem bói, thử vận may đầu năm.

Nguồn: Đại Đoàn Kết

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Đăng nhập