Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài - Chương 1: Truyền thống Trúc Lâm Yên Tử - C. Hành trạng tam tổ Trúc Lâm - 1. Hành trạng Tôn giả Pháp Loa (1284 - 1330)

Đã đọc: 4048           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

II. HÀNH TRNG TÔN GI PHÁP LOA (1284 - 1330)

 Tôn giả Pháp Loa là Tổ thứ hai của phái thiền Trúc Lâm, tên là Đồng Kiên Cương, còn có hiệu là Thiện Lai, được gọi là “Phổ Tuệ Tôn giả” hay “Phổ Tri Tôn giả”, sinh ngày mùng 7 tháng 5 năm Giáp Thân (1284), niên hiệu Thiện Bảo thứ sáu, đời vua Trần Nhân Tông, ở thôn Đông Hòa, hương Cửu La (xã Phù Vệ), huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, Lộ Lạng Giang, sau này là trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Hưng), cha họ Đồng pháp danh Thuận Mậu, mẹ họ Vũ hiệu Từ Cứu. Trước khi sinh Kiên Cương, bà mẹ nằm chiêm bao thấy có người trao cho thanh kiếm thần, bà rất thích nên nhận lấy, sau đó bà có thai. Trước đó, bà sinh một loạt tám người con gái liên tiếp, nay có thai, bà sợ sinh con gái nữa nên bà uống thuốc phá thai ba bốn lần nhưng đều không có kết quả, đến khi sinh ra con trai, bà mừng lắm, mới đặt tên là Kiên Cương. Lúc sinh, mùi thơm lạ lan khắp cả nhà, một thời gian lâu mới tan hết mùi hương.

Đồng Kiên Cương thiên tư đĩnh ngộ, miệng không nói câu nào tạo ác, không thích ăn thịt cá và cả chất cay nồng.

Năm Giáp Thìn (1304), Trúc Lâm Đầu Đà vân du hoằng hóa ở các miền thôn quê, phá bỏ các việc thờ cúng dâm thần và tà thần, bỏ tục dùng các dâm từ…, khi đến huyện Nam Sách, Đồng Kiên Cương đến xin thọ giới xuất gia (lúc đó mới 21 tuổi). Trúc Lâm dẫn về viện Kỳ Lân ở Linh Sơn thuộc huyện Chí Linh làm lễ thọ giới Sa di, đặt pháp danh là Thiện Lai, theo học với Hòa thượng Tánh Giác ở chùa Quỳnh Quán. Thiện Lai hỏi Hòa Thượng Tánh Giác nhiều câu hỏi về Phật pháp và Thiền học nhưng Hòa thượng không khai thị được. Khi đọc kinh Lăng Nghiêm, đến đoạn A Nan hỏi Phật Thích Ca bảy lần về vị trí của tâm và đoạn nói về “khách trần”, thì bỗng thấy có chỗ sở ngộ.

Thiện Lai xin phép Hòa thượng Tánh Giác để về tham yết Trúc Lâm Đầu Đà. Gặp lúc Trúc Lâm đang thăng đường thuyết pháp, đọc bài tụng “Thái Dương Ô Kê”, Thiện Lai chợt tỉnh ngộ. Trúc Lâm biết Thiện Lai đã ngộ được thiền cơ, nên cho đi theo bên mình. Một hôm Thiện Lai trình Trúc Lâm một bài tụng về “Tam yếu”, bị Trúc Lâm gạch một gạch dài từ trên xuống dưới. Thiện Lai thỉnh cầu Trúc Lâm giảng giải đến bốn lần mà Trúc Lâm vẫn không chỉ dạy, mà bảo phải về tự tham khảo lấy. Thiện Lai về thất chí tâm thiền quán, đến quá nửa đêm, nhân thấy hoa đèn rụng. Thiện Lai chợt được đại ngộ, đến trình với Trúc Lâm chỗ sở ngộ và được ấn chứng.

Từ đó, Thiện Lai quyết theo gương Trúc Lâm Đầu Đà, tu theo hạnh “Đầu đà”.

Năm Ất Tỵ (1305), Thiện Lai được Trúc Lâm cho pháp danh là Pháp Loa tại liêu Kỳ Lân.

Năm Bính Ngọ (1306), Pháp Loa được Trúc Lâm cử làm Giảng chủ chùa Báo Ân ở huyện Siêu Loại. Đây là một trường hợp rất đặc biệt và hiếm có, mới thọ giới Sa di chưa đầy một năm thì được thọ giới Tỳ kheo và chưa đầy ba tuổi đạo mà đã được cử làm giảng chủ (tương đương với giáo thọ). Nhân thấy Huyền Quang đi theo Bảo Phác đến chùa nghe thuyết pháp, Trúc Lâm bảo Huyền Quang theo làm thị giả cho mình.

Năm Đinh Mùi (1307), Trúc Lâm tổ chức kết hạ trên núi Yên Tử cho bảy đệ tử, Pháp Loa giỏi nhất, nên được Trúc Lâm thuyết giảng cho bộ sách “Đại Huệ ngữ lục” ở am Thiên Bảo (vào tháng 4). Tháng 5, Trúc Lâm lên am Đỉnh Trú ở đỉnh núi Ngọa Vân. Vào rằm tháng 5, sau khi làm lễ “bố tát” xong (lễ tụng giới và phát lồ sám hối), Trúc Lâm Đầu Đà bảo hết các đệ tử xuống, chỉ cho một mình Pháp Loa ở lại để truyền y bát và tâm kệ phó chúc.

Ngày mùng Một Tết năm Mậu Thân (1308), Trúc Lâm Đầu Đà cho tổ chức một buổi lễ hết sức long trọng ở chùa Siêu Loại để truyền cho Pháp Loa kế thế Trúc Lâm Đầu Đà lãnh đạo phái thiền Trúc Lâm và chánh thức trụ trì chùa Báo Ân, Pháp Loa trở thành vị tổ thứ hai của phái thiền Trúc Lâm, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Đại Việt, trước sự chứng kiến của vua Trần Anh Tông và sự hầu kính của cả triều thần (chỉ có vua Anh Tông được ngồi ghế trong giảng đường, tất cả các đại thần của triều đình đều phải đứng dàn hầu trang nghiêm ở phía ngoài sân trước giảng đường).

Trước đó, Đại sư Thống Chính cúng cho chùa Siêu Loại một vườn cau. Trúc Lâm bảo vua Anh Tông đổi vườn cau bằng 100 mẫu ruộng và canh phu.

Năm ấy Pháp Loa phụng chiếu truyền giới xuất gia Bồ tát cho Thái hậu Tuyên Từ và hoàng phi của vua là Công chúa Thiên Trinh.

Giờ Tý đêm Mùng Một tháng 11 năm Mậu Thân (1308), Trúc Lâm Đầu Đà viên tịch ở am Ngọa Vân, trên ngọn Tử Phong, núi Yên Tử. Sau khi được tin, Pháp Loa cùng chư Tăng từ chùa Báo Ân lên am Ngọa Vân, nhặt xá lợi được ba ngàn hạt, Pháp Loa cung nghinh xá lợi và linh cữu đựng tro xương còn lại đưa về kinh đô Thăng Long, quàn tại chùa Tư Phúc. Khi về đến kinh đô, xá lợi bị mất hết mấy hạt, vua và các quan định kết tội Pháp Loa, nhưng bất ngờ, mọi người lại thấy mấy hạt xá lợi dính trong áo của Hoàng tử Mạnh (sau lên ngôi là vua Trần Minh Tông), chừng đó vua Anh Tông mới hối lỗi vì nghi oan cho Pháp Loa.

Tháng Mười năm Mậu Thân, sau khi làm lễ ở kinh đô xong, Pháp Loa trở về chùa Vân Yên trên núi Yên Tử, biên soạn lại những bài tụng, kệ của Trúc Lâm Đầu Đà ở Thạch Thất, làm thành sách “Thạch Thất mị ngữ”.

Lễ Vu Lan năm Kỷ Dậu (1309), Pháp Loa cho tổ chức trai đàn cầu nguyện cho Trúc Lâm Đầu Đà ; Pháp Loa gọi Huyền Quang đến bảo: “Những điều mà Điều Ngự Giác Hoàng dặn dò, nhà ngươi đã quên hết rồi sao ?”. Từ đó Huyền Quang phải theo Pháp Loa để phụ giúp việc điều hành Giáo hội, hoằng dương Phật Pháp, phát triển phái thiền Trúc Lâm (sau khi Trúc Lâm Đầu Đà viên tịch, Huyền Quang về hoằng hóa ở chùa Vân Yên trên núi Yên Tử, chư Tăng theo học đông đến hàng ngàn người).

Ngày 16 tháng 9, Pháp Loa phụng chiếu đưa linh cốt của Trúc Lâm về an táng ở lăng Qui Đức (phủ Long Hưng), xá lợi còn được thỉnh về thờ ở tháp Huệ Quang tại am Ngoạ Vân Yên trên núi Yên Tử, thờ ở tháp Phổ Minh trước chùa Phổ Minh (phủ Thiên Trường), và thờ ở chùa Phổû Từ (phủ Long Hưng).

Năm Canh Tuất (1310), vua Anh Tông ban chiếu cho độ tăng ba năm một lần trong lễ Vu Lan cúng chay Trúc Lâm, Pháp Loa giảng Yếu chỉ kinh Hoa Nghiêm.

Năm Tân Hợi (1311), Tôn giả Pháp Loa giao cho sư huynh là Thiền sư Bảo Sát chủ trì việc khắc bản để in Đại Tạng kinh ở chùa Phổ Minh (phủ Thiên Trường). Công việc này có lẽ đã bắt đầu từ khoảng năm 1295-1296, việc in kinh bị tạm ngưng khi Trúc Lâm Đầu Đà viên tịch, bây giờ mới tiếp tục.

Đại Tạng kinh được khắc bản lại ở đây là bản Đại Tạng kinh của nhà Nguyên, được khắc in vào khoảng năm 1277-1294, tại chùaHoằng Pháp ở Bắc Kinh, gồm 7.182 quyển (bản Đại Tạng kinh này được vua Trần Anh Tông theo lệnh của Thượng hoàng Trần Nhân Tông sai Trần Khắc Dụng và Phạm Thảo theo sứ giả nhà Nguyên là Tiêu Thái Đăng sang Trung Quốc thỉnh về năm 1295).

Tháng Tư năm này, Pháp Loa giảng Truyền đăng lục tại chùa Siêu Loại. Sau đó Huyền Quang trình kiến giải, đều được Pháp Loa chấp nhận.

Năm Nhâm Tý (1312), Pháp Loa được vua Trần Anh Tông

 thỉnh vào chùa Tư Phúc (hay chùa Thiên Phúc) trong đại nội (hoàng thành) để giảng “Đại Tuệ ngữ lục” và vua trao cho Pháp Loa 5 vạn quan tiền và lụa để bố thí cho người nghèo. Pháp Loa không nhận, vua bảo người thân cúng dường Tam bảo 500 mẫu ruộng.

 

Tháng 9 năm Quí Sửu (1313), Pháp Loa phụng chiếu vua đến chùa Vĩnh Nghiêm ở làng Đức La, phủ Lạng Giang (nay thuộc Bắc Giang), định chức cho Tăng đồ và lập sổ bộ cho chư Tăng. Đây có thể nói là thành lập Giáo hội Phật giáo đời Trần. Đồng thời Pháp Loa cũng cho mở Đại giới đàn, độ cho một ngàn vị tăng thọ giới xuất gia. Vì số Tăng đồ quá đông rồi nên Pháp Loa định lệ là cứ 3 năm mới mở Đại giới đàn để độ Tăng xuất gia. Mùng Một tháng Hai năm này, Thiền sư Long Đoàn ở chùa Na Già thỉnh Tôn giả Pháp Loa về chùa giảng Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục và Kinh Duy Ma.

Ngày 18 tháng 3 năm Giáp Dần (1314), Trần Anh Tông lên làm Thái Thượng hoàng, nhường ngôi cho vua Minh Tông. Thượng hoàng giúp Pháp Loa trùng tu chùa Siêu Loại, xây điện Phật, gác kinh, gồm 33 sở và đúc ba tượng Phật đều cao 17 thước.

Năm Bính Thìn (1316), Thượng hoàng Anh Tông thọ giới Bồ tát với Tôn giả Pháp Loa.

Tháng Hai năm Đinh Tị (1317), Pháp Loa bị bệnh nặng, đem pháp y của Trúc Lâm Đầu Đà và viết bài kệ phó chúc trao cho Huyền Quang; pháp khí và gậy trao cho Cảnh Ngung, phất tử trao cho Cảnh Huy, tích trượng (gậy tre) trao cho Huệ Quán; pháp thơ và pháp cú trao cho Huệ Nhiên; linh vàng trao cho Hải Ấn, chày vàng trao cho Huệ Chúc. Nhưng sau đó ít hôm thì Pháp Loa hết bệnh, Huyền Quang từ khước việc phú chúc này. Năm này Pháp Loa khai sơn chùa Bảo Sơn Vương tại Cổ Thành, họa sĩ Hứa Khắc Thành phụng chiếu vẽ chân dung đứng của Pháp Loa.

Năm Mậu Ngọ (1318), Thượng hoàng Anh Tông có ý muốn xuất gia, nên ra lệnh cho các cung nhân ăn chay. Các cung nhân đều ngần ngại, chỉ có nữ quan Nguyễn Thị Diên chặt ngón tay đem dâng. Thượng hoàng ngợi khen ban cho 40 mẫu ruộng làm lương để ăn khi xuất gia. Quả thực, bà xuất gia với pháp danh là Tịnh Quang và tu hành cho đến khi mất.

Thượng hoàng mời Pháp Loa về am Thường Lạc ở cung Thiên Trường để giảng Truyền đăng lục và Tuyết Đậu ngữ lục. Sau khi giảng xong, Thượng hoàng Anh Tông tặng cho Pháp Loa tôn hiệu là “Phổ Tuệ Tôn giả” (sách Đại Nam nhất thống chí viết là “Phổ Tri Tôn giả”) và chính Thượng hoàng viết bốn chữ đó để tặng cho Ngài. Thái hậu, Hoàng hậu, phi tần, cung nữ, công chúa, các đại thần trong triều đình hầu hết đều thọ giới xuất gia hoặc thọ giới Bồ tát với Tôn giả Pháp Loa. Thượng hoàng Anh Tông còn thỉnh Pháp Loa biên tập sách “Hộ quốc nhân vương nghi quỉ”, tức là sách chỉ dạy đường lối tu học và hành động của một vị vua để hộ trì Phật pháp và giúp an dân lợi nước. Thượng hoàng, vua, hoàng gia, vương hầu, quan tướng… đều tôn kính Tôn giả Phổ Tuệ, bỏ tiền của vàng bạc ra để lập chùa, đúc tượng, in kinh… Cũng trong năm này, Trưởng lão Vô Phương, hiệu Trí Tuệ, từ Hồ Nam (Trung Quốc) đến Đại Việt, Tôn giả Pháp Loa phụng chiếu đón tiếp.

Năm Kỷ Mùi (1319), nước lụt, nạn đói xảy ra, vua Trần Minh Tông nhờ Pháp Loa tổ chức cứu trợ, vua xuất kho giao cho Pháp Loa 100 lượng vàng và 500 lượng bạc.

Quốc phụ Thượng tể Trần Quốc Tảng thỉnh Pháp Loa về phủ An Hoa giảng Đại Tuệ ngữ lục. Nhân lúc nghỉ ở chùa Báo Thiên, Công chúa Hoa Dương thỉnh Tôn giả Pháp Loa thuyết pháp và truyền giới Bồ tát tại gia cho Công chúa và các người khác.

Tháng Chạp năm Kỷ Mùi (đầu năm 1320), Tôn giả Pháp Loa kêu gọi Phật tử hiến máu để in Đại Tạng kinh. Bộ Đại Tạng kinh gồm hơn 5.000 quyển, Đại Tạng kinh được tàng trữ ở chùa Quỳnh Lâm và có thể là ở các chùa Phổ Minh, Tư Phúc, Báo Ân (huyện Siêu Loại), Vĩnh Nghiêm… Thượng hoàng Anh Tông cùng cung phi trích máu viết Đại Tạng kinh cỡ nhỏ, gồm 20 hộp ban cho Pháp Loa.

Thiền sư Bảo Sát không cho khắc in nguyên văn bộ Đại Tạng kinh của nhà Nguyên là 6.010 quyển, mà đã bỏ bớt một số kinh, đồng thời lại thêm vào một số kinh sách của các tăng sĩ Việt Nam (Đại Việt) từ trước tới lúc đó, có thể có cả sách của Mâu Bác, Khương Tăng Hội, các thiền sư đời Lý (Vạn Hạnh, Thông Biện, Viên Chiếu, Thường Chiếu…), các Tăng và cư sĩ nổi danh đời Trần (vua Trần Thái Tông, Thượng sĩ Tuệ Trung, Trúc Lâm Đầu Đà…). Tôn giả Pháp Loa viết bài bạt cho bộ Đại Tạng kinh này (năm 1321) theo chiếu chỉ của Thượng hoàng Trần Anh Tông.

Nhưng tiếc thay, khi nhà Minh xâm lăng Đại Việt (1400-1427), vua nhà Minh đã ra lệnh tịch thu mang về Trung Quốc hoặc thiêu hủy hết kinh sách của Đại Việt, vì vậy, bộ Đại Tạng kinh được in vào đời Trần đã bị thất lạc hết, hiện không còn tìm thấy một quyển nào còn lại cả.

Bộ Đại Tạng kinh này có thể còn lại trong kho tàng nhà Trần mà Thượng hoàng Trần Nghệ Tông cho đem chôn giấu trong núi Thiên Kiện, núi Khuẩn Mai, và khám Khã Lãng (ở Lạng Sơn) vào khoảng năm 1379, khi vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga đem quân đánh chiếm kinh thành Thăng Long.

Năm Canh Thân (1320), Thái hậu Bảo Từ thỉnh Tôn giả Phổ Tuệ mở hội Quán Đỉnh ở chùa Phổ Minh ở phủ Thiên Trường.

Ngày 16 tháng 3 năm này, Thượng hoàng Trần Anh Tông băng ở cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường (táng ở Thái Lăng trên núi An Sinh), khi nhập kim quan và hạ huyệt, Tôn giả Pháp Loa đều có pháp ngữ, Đại vương Tuệ Nhân thỉnh Tôn giả về chùa Vũ Đinh truyền giới Bồ đề tâm cho ông.

Cuối năm Tân Dậu (1321), triều đình mở khoa thi cho các tăng nhân, hỏi về kinh Kim Cang, Hoài Ninh hầu Trịnh Trọng Tử đúc một tượng Quan Thế Âm ngàn tay ngàn mắt và xin thọ giới Bồ đề tâm với Tôn giả Pháp Loa.

Năm Nhâm Tuất (1322), Pháp Loa vận động đúc cho Giáo hội Trúc Lâm 1.000 tượng Phật, với sự đóng góp của hoàng gia và các đại thần trong triều đình: Thái hậu Bảo Từ, Quốc mẫu Bảo Huệ, Công chúa Bảo Vân, Văn Huệ vương Trần Quang Triều (con của Trần Quốc Tảng), Uy Huệ vương, Hoài Ninh hầu, Đoàn Nhữ Hài,… Theo đề nghị của vua Trần Minh Tông, Pháp Loa viết sách “Tham thiền yếu chỉ”, vua khen ngợi và ban hiệu là “Minh Giác”. Theo lời thỉnh của Huyền Quang, Tôn giả Pháp Loa về chùa Báo Ân ở Siêu Loại giảng kinh Hoa Nghiêm (hồi thứ 29). Sau đó Đại vương Huệ Nhân lại thỉnh Tôn giả về chùa Thịnh Quang giảng kinh Hoa Nghiêm. Cũng trong năm này, Văn Huệ vương Trần Quang Triều, hiệu là Vô Sơn Ông xuất gia với Tôn giả Pháp Loa. Ông đã mời Pháp Loa đến chùa An Long giảng kinh Lăng Nghiêm, sau đó lại nhờ Pháp Loa duyệt lại sách Tứ Phần luật và chú thích để đem in ra 5.000 quyển cúng dường cho tăng sĩ học tập. Pháp Loa nhờ hai sư huynh là Tông Cảnh và Bảo Phác về chùa Siêu Loại dạy luật Tứ Phần cho Tăng sĩ.

Năm Quí Hợi (1323), Văn Huệ vương và Uy Huệ vương thỉnh Pháp Loa đến chùa Báo Ân tại Siêu Loại để thọ giới Bồ tát và làm phép Quán Đỉnh. Cũng trong năm này, Công chúa Bảo Vân thỉnh Tôn giả Pháp Loa về chùa Siêu Loại giảng kinh Hoa Nghiêm, (hồi thứ ba và thứ tư). Tiếp theo đó, Thái hậu Bảo Từ và Tư đồ Trần Quang Triều mời Tôn giả về chùa Quỳnh Lâm giảng kinh Hoa Nghiêm (hồi thứ năm).

Năm Giáp Tý (1324), Hoàng Thái Phi Chiêu Từ xuất gia với Pháp Loa và thỉnh Tôn giả giảng kinh Hoa Nghiêm (hồi thứ sáu). Sau đó Tôn giả Pháp Loa đến chùa Phổ Quang ở Nghĩa Trụ dự lễ hội khánh tán điểm nhãn 1000 tượng Phật đã được Thiền sư Trừng Chiếu lo đúc.

Tháng sáu, Tôn giả Pháp Loa tạo hai bộ tượng Phật A Di Đà công đức bằng sơn mài, mỗi bộ có ba tượng.

Tháng Chạp, Quốc mẫu Bảo Huệ mời Tôn giả Pháp Loa vào cung Dưỡng Phúc giảng kinh Hoa Nghiêm (hồi thứ bảy). Đồng thời ,khởi tạo mô hình tượng Phật Di Lặc cao một trượng sáu, vì trước đó Văn Huệ vương Trần Quang Triều và các cung phi của vua cùng Công chúa Thượng Trân đã cúng 900 lượng vàng để đúc tượng này. Ngoài ra, Thái hậu Bảo Từ cúng thêm 22 mẫu đất tại phủ An Hoa và cư sĩ Di Loan (con của Công chúa Nhựt Trinh ) cúng 33 mẫu ruộng tại phủ Thanh Hoa để công việc sớm hoàn thành.

Tư Đồ Trần Quang Triều còn cúng cho viện Quỳnh Lâm hơn một ngàn ruộng đất, cùng hơn một ngàn người canh tác.

Mùng một tháng Giêng năm Ất Sửu (1325), Quốc mẫu Bảo Huệ mời Tôn giả Pháp Loa vào cung Dưỡng Phúc giảng kinh Kim Cương Niệm Tụng. Tôn giả lại phụng chiếu vào chùa Tư Phúc trong đại nội giảng Tuyết Đậu ngữ lục. Tháng ba, Đại sư Tá Thánh và Công chúa Hoa Dương thỉnh Tôn giả Pháp Loa về chùa Thiên Quang giảng kinh Hoa Nghiêm (hồi thứ tám). Sau đó, Tôn giả lại phụng chỉ của Thái hậu Bảo Từ đến viện Quỳnh Lâm giảng kinh Hoa Nghiêm (hồi thứ chín), rồi thiết lễ hội Thiên Phật bảy ngày đêm và xây hai ngôi tháp bằng gạch và bằng đá tại viện Quỳnh Lâm.

Ngày mùng một tháng Chín, Tôn giả Pháp Loa phụng chiếu vào chùa Tư Phúc trong đại nội giảng kinh Viên Giác. Tháng này trời hạn, có chiếu thỉnh Tôn giả cầu mưa. Tôn giả giao cho một vị sư cầu, được ứng nghiệm.Trong năm này, Văn Huệ vương Trần Quang Triều hiệu Vô Sơn Ông (là anh vợ của Thượng hoàng Trần Anh Tông), một đệ tử thành tâm và hộ pháp đắc lực cho Tôn giả Pháp Loa mất, thọ 39 tuổi.

Ngày 22 tháng 2 năm Bính Dần(1326), Tôn giả Pháp Loa phụng chiếu đến chùa Vân Yên trên núi Yên Tử tôn trí xá lợi cuả Trúc Lâm Đầu Đà vào kim tháp Huệ Quang.

Tháng 3, Thượng Vị Chương Văn hầu thỉnh Tôn giả Pháp Loa về chùa Kinh Hào thuyết pháp. Ngày 30, Tôn giả lại phụng chiếu vào điện Động Thiên trong cung vua truyền giới Bồ tát cho Hoàng Thái hậu Chiêu Từ và truyền giới Bồ đề tâm cho các cung nhân.

Tháng 4 đại hạn, vua ban chiếu cho Tôn giả Pháp Loa làm lễ cầu mưa. Tôn giả sai Sa môn Thu Tử cầu được ứng nghiệm lập tức.

Ngày mùng một tháng 5, Thượng hoàng Trần Minh Tông và cung phi của vua mời Tôn giả Pháp Loa vào chùa Tư Phúc trong đại nội truyền pháp Quán Đỉnh.

Ngày mùng 7 tháng 3 năm Đinh Mão (1327), Tôn giả Pháp Loa đúc đại tượng Di Lạc và Thánh Tăng ở viện Quỳnh Lâm. Tháng 10, Tôn giả sáng lập thêm các am An Mã, Thị Khê và Hạc Lai.

Tháng 3 năm Mậu Thìn (1328), Thái hậu Bảo Từ và Quốc mẫu Bảo Huệ mời Tôn giả Huyền Quang đến viện Quỳnh Lâm tập hợp chư Tăng mười phương thiết lễ Đại trai đàn tụng kinh mười ngày đêm để cúng Thượng hoàng Trần Anh Tông và Quốc khảo Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Nhân lúc Thượng hoàng Trần Minh Tông đến dự lễ, Tôn giả Pháp Loa tâu xin quân cấm vệ rước đại tượng Di Lạc lên bảo tòa thếp vàng trong điện Phật.

Tháng 9, Thượng hoàng xuống chiếu nhờ Tôn giả Pháp Loa soạn sách “Nhân vương hộ quốc nghi quỷ” để tiện việc tu thân.

Tháng 7 năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Khai Hựu thứ nhất (1329), Tôn giả Pháp Loa xây dựng chùa Côn Sơn và chùa Thanh Mai ở huyện Chí Linh. Tháng 8, Tôn giả truyền giới xuất gia cho Công chúa Tuyên Chân (con của Quốc phụ Thượng tể Trần Quốc Chẩn). Tháng 9, Tôn giả lại truyền giới xuất gia cho Công chúa Lệ Bảo (con của Chiêu Huân vương). Tháng 11, Tôn giả lập đàn tràng ở viện Quỳnh Lâm, làm lễ điểm nhãn tượng Phật Di Lạc và thỉnh một phần xá lợi của Trúc Lâm tại tháp Thắng Tư Thiên đưa vào thờ ở trong tháp bằng đá ở viện Quỳnh Lâm.

Đầu năm Canh Ngọ (1330), Tôn giả Pháp Loa mở hội giảng kinh Hoa Nghiêm ở An Lạc tăng viện do Thiền sư Kiện Đức trụ trì. Ngày mùng 3 tháng hai, Pháp Loa bị bệnh phải nhờ Trưởng lão Bích Phong giảng tiếp. Ngày mùng 5, bệnh nặng, Huyền Quang đến thăm và ở lại đây chăm sóc. Ngày 11, Pháp Loa trở bệnh nặng hơn; nửa đêm, Pháp Loa ngủ mê bị phát ra tiếng Hư! Hư! Huyền Quang liền hỏi: “Thức với ngủ đã là một chưa?”. Pháp Loa đáp:

- Thức với ngủ là một, là khi y không bệnh.

Huyền Quang hỏi: “Vậy thì bệnh với không bệnh đã là một chưa?”. Pháp Loa nói: “Bệnh hay không bệnh đều không can hệ gì đến y!”

Huyền Quang hỏi tiếp: “Thế thì tại sao có tiếng nói thốt ra?”.

Pháp Loa đáp: “Gió thổi vào cây, cứ mặc kệ nó, quan tâm làm gì”.

Huyền Quang nói: “Tiếng gió thổi vào cây người nghe không bị lầm, nhưng lời nói trong lúc ngủ mê có thể làm mê hoặc người”.

Pháp Loa: “Kẻ si mê vẫn có thể bị tiếng gió thổi vào cây làm mê lầm lắm”.

Huyền Quang: “Chỉ có tật đó mà đến chết vẫn không chừa!”.

Pháp Loa liền lấy chân đạp Huyền Quang một cái!

Huyền Quang bỏ đi ra, từ đó bệnh của Pháp Loa thuyên giảm dần. Đến ngày 13, Pháp Loa được Huyền Quang đưa về chùa Quỳnh Lâm, nằm nơi phương trượng cũ (Pháp Loa trụ trì chính thức ở chùa này).

Ngày 19, ban đêm trở bệnh nặng, Tôn giả Pháp Loa lấy cà sa và đem tâm kệ của Trúc Lâm Đầu Đà truyền lại giao cho Huyền Quang, bảo phải gìn giữ, Tôn giả cũng viết kệ cho Cảnh Huy, Cảnh Ngung, Vô Tế và các đệ tử lớn . Môn đồ vào xin kệ, Tôn giả đều viết giao cho.

Ngày mùng một tháng Ba, Thượng hoàng đến thăm bệnh và ra lệnh cho Thái y đến chữa trị. Ngày mùng hai, Tôn giả Pháp Loa sai Sa môn Thu Tử đến thuyền vua Hiến Tông trình lên vua pháp kệ và di chúc. Nhưng đến đêm mùng ba tháng 3 năm Canh Ngọ (1330), Pháp Loa trở bệnh nặng. Nửa đêm, Huyền Quang thấy bệnh của Pháp Loa trở nên nguy kịch, Huyền Quang nói: “Xưa nay những bậc giác ngộ, khi giờ phút đến, muốn ở lại thì ở, muốn đi thì đi !”.

Pháp Loa nói: “Tất cả đều không có điều chi là can hệ”.

Huyền Quang hỏi tiếp: “Nếu tất cả đều không can hệ thì thế nào?”.

Pháp Loa bảo: “Tùy xứ Tát bà ha!”.

Đệ tử đồng đến xin với Pháp Loa: “Các bậc cổ đức khi sắp tịch đều có phó chúc dạy kệ cho đệ tử, sao Tôn giả lại không có?”. Pháp Loa quở trách họ. Giây lâu sau, Pháp Loa ngồi dậy, bảo đem giấy bút lại, viết bài kệ:

Muôn duyên cắt đứt tấm thân nhàn,

Hơn bốn mươi năm như mộng ảo,

Giã biệt ! Xin đừng theo hỏi nữa,

Bên kia trăng gió rộng thênh thang !

 

(Vạn duyên tiệt đoạn nhất thân nhàn

Tứ thập niên dư mộng huyễn gian

Trân trọng chư nhân hưu tá vấn

Náù biên phong nguyệt cánh năn khoan ! )

 

Viết xong, Tôn giả buông bút xuống, an nhiên thị tịch, thọ 47 tuổi.

Đệ tử theo lời phó chúc, đưa nhục thân của Pháp Loa lên nhập tháp ở chùa núi Thanh Mai.

Tôn giả Pháp Loa còn được thờ ở chùa Hương Hải tại quê nhà (xã Phù Vệ, huyện Chí Linh), tương truyền chùa rất linh thiêng.

Pháp Loa có rất đông đệ tử, trong số 15.000 người xuất gia trong các giới đàn do phái thiền Trúc Lâm tổ chức, có đến hơn 3.000 vị theo học hoặc cầu pháp với Tôn giả Pháp Loa được đắc pháp, trong số đó có những vị nổi danh như: Cảnh Huy, Quế Đường, Kim Sơn,Trí Như, Cảnh Ngung, Tuệ Nhiên,Tuệ Quán,Tuệ Chúc,Hải Ấn, Huyền Giác, Hoàng Tuế, Cảnh Trưng, Vô Sơn Ông, vua Trần Anh Tông, Nguyên Ức, Nguyên Sưởng…

Tác phẩm của Pháp Loa gồm có:

- Thạch thất mỵ ngữ niệm tụng: những bài tụng viết về sách Thạch thất mỵ ngữ của Trúc Lâm Đầu Đà.

- Tham thiền yếu chỉ (soạn năm 1322).

- Kim Cang Trường ĐàLa Ni khoa chú.

- Pháp Hoa kinh khoa sớ.

- Bát nhã Ba La Mật đa Tâm kinh khoa sớ.

 

- Lăng Già kinh khoa sớ.

- Pháp sự khoa văn.

- Nhân vương hộ quốc nghi quỉ (soạn cho vua Trần Minh Tông).

- Đoạn sách lục.

- Phật môn công văn trợ thành: các nghi thức về cúng đàn chẩn tế.

- Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục (biên chép lại những ngữ lục của Thượng sĩ Tuệ Trung và các bài tán tụng Thượng sĩ của các thiền sư trong phái thiền Trúc Lâm).

- Bài bạt trong bộ Đại Tạng kinh (in 1311-1320), soạn năm 1321.

Ngày 11 tháng 3 năm Canh Ngọ, Thượng hoàng Trần Minh Tông đến viếng tháp của Tôn giả Pháp Loa ở chùa núi Thanh Mai, ngự bút ban thụy hiệu cho Pháp Loa là “Tịnh Trí Tôn giả”, đặt tên tháp là “Viên Thông” và cảm tác bài thơ:

Vãn Pháp Loa Tôn gi đ Thanh Mai t.

Thùy thủ trần hòan dĩ liễu duyên,

Giác Hoàng kim lũ đắc nhân truyền.

Thanh sơn man thảo quan tàng lý,

Bích thụ thâm sương xác thoát thiền.

Dạ yểm giảng đường kim cổ nguyệt,

Hiểu mê trượng thất hữu vô yên.

Tương đầu châm giới ta phi tích,

Trác tựu ai chương thế lệ huyền.

Tạm dịch:

Viếng Tôn Gi Pháp Loa, Đề Chùa Thanh Mai

Đã hết nghiệp trần thõng tay đi,

Tơ vàng Giác Hoàng được truyền y.

Phủ cỏ núi xanh, dép trong hòm,

Cây xanh sương phủ, ve lột xác.

Giảng đường dọi bóng trăng kim cổ,

Thiền thất mờ sương khói “có, không”.

Thương mến biết bao, ôi luyến nhớ,

Nhớ gương giáo hóa, lệ đầy mi!

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ
20/12/2015 15:55:00
Next

Đăng nhập