Sơ lược lịch sử Phật giáo Việt Nam - Chương 5: Phái thiền Vô Ngôn Thông

Đã đọc: 9337           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Thiền sư Vô Ngôn Thông quê ở Quảng Châu (Trung Quốc), họ Trịnh, mộ đạo từ nhỏ, bỏ gia sản đến tu học ở chùa Song Lâm tại Vũ Châu. Tánh tình trầm lặng, ít nói hiểu nhiều, thông đạt sự lý. Vì thế, người đương thời gọi là Vô Ngôn Thông [sách Truyền Đăng (của Đạo Nguyên) gọi là Bất Ngữ Thông]. Một hôm, Sư lễ Phật, có một Thiền khách đến hỏi : “Thầy đang lễ gì đó?”

I. THIỀN SƯ VÔ NGÔN THÔNG

Thiền sư Vô Ngôn Thông quê ở Quảng Châu (Trung Quốc), họ Trịnh, mộ đạo từ nhỏ, bỏ gia sản đến tu học ở chùa Song Lâm tại Vũ Châu. Tánh tình trầm lặng, ít nói hiểu nhiều, thông đạt sự lý. Vì thế, người đương thời gọi là Vô Ngôn Thông [sách Truyền Đăng (của Đạo Nguyên)  gọi là Bất Ngữ Thông]. Một hôm, Sư lễ Phật, có một Thiền khách đến hỏi : “Thầy đang lễ gì  đó?”

Sư đáp : Lễ Phật.

Thiền khách chỉ tượng Phật, hỏi: “Cái nầy là cái gì ?”. Sư không đáp được.

Đêm đó, Sư ăn mặc chỉnh tề, đến lạy Thiền khách thưa rằng : “Điều Ngài hỏi khi nãy tôi chưa hiểu biết  ý chỉ  như thế nào ?”

Thiền khách hỏi : Thầy xuất gia đến nay đã được mấy Hạ?

Sư thưa : Mười Hạ.

Thiền khách hỏi : Đã từng xuất gia chưa ?

Sư bối rối, không trả lời được. Thiền khách bảo : Nếu không hiểu điều đó, thì dù có trăm Hạ cũng không ích gì !

Nói xong, bèn dẫn Sư cùng đến tham vấn Thiền sư Mã Tổ [Đạo Nhất (709 – 788)]. Đi đến Giang Tây thì Thiền sư Mã Tổ đã viên tịch rồi, bèn đến yết kiến Thiền sư Bách Trượng-Hoài Hải [720-814].

Lúc  đó, có một vị tăng hỏi Thiền sư Bách Trượng : Thế nào là pháp môn đốn ngộ của Đại thừa ?

Bách Trượng đáp : Đất lòng trống không, mặt trời tuệ tự chiếu (Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu).

Sư Vô Ngôn Thông nghe thế chợt “ngộ”, trở về Quảng Châu trụ trì chùa Hòa An.

Có người hỏi : Thầy có phải là Thiền sư không ?

Sư đáp: Bần đạo chưa từng học thiền.

Im lặng giây lâu, Sư gọi người đó, chỉ vào cây xoan. Người ấy im lặng không hỏi nữa.

Có lần Thiền sư Vô Ngôn Thông gọi đệ tử là sa di Ngưỡng Sơn-Huệ Tịch bảo : Tịch con, đem cái giường lại đây cho Ta.

Huệ Tịch đem giường đến. Sư bảo mang lại chỗ cũ, Huệ Tịch vâng theo.

Sư lại hỏi : Huệ Tịch, bên nầy có cái gì ?

        - Không vật.

        - Còn bên kia ?

        - Không vật.

Sư lại gọi : Huệ Tịch con !

Huệ Tịch : Dạ !

Sư bảo : Đi đi !!!

Tháng Chín mùa Thu năm Canh Tý, Đường Nguyên Hòa thứ 15 (năm 820), Thiền sư Vô Ngôn Thông đến chùa Kiến Sơ trên núi Tiên Du, ở hương Phù Đổng, huyện Tiên Du, Giao Châu [nay thuộc tỉnh Bắc Ninh].

Hằng ngày, ngoài việc cơm cháo, suốt ngày chỉ ngồi quay mặt vào vách, không nói một lời, vui trong thiền định ; suốt mấy năm mà người ngoài không biết, chỉ có trụ trì chùa là sư Lập Đức, thấu rõ huyền cơ nên lòng càng tôn kính, hết lòng hầu hạ, âm thầm học hỏi nên hiểu rõ yếu chỉ của Thiền tông. Vì thế, Thiền sư Vô Ngôn Thông cho đổi pháp danh của Lập Đức thành Cảm Thành.

Một hôm, Thiền sư Vô Ngôn Thông gọi Cảm Thành đến dạy :

Xưa kia, Đức Thế Tôn vì nhân duyên lớn mà xuất hiện ở thế gian, hóa duyên xong, Ngài nhập Niết Bàn. Chân tâm vi diệu như thế gọi là Chánh pháp nhãn tạng, thật tướng vô tướng,tam muội pháp môn, đích thân Thế Tôn giao cho đệ tử là Tôn giả Ma Ha Ca Diếp làm Tổ thứ nhất. Các đời nối truyền, Đại sư Đạt Ma từ Tây Trúc sang [Trung Quốc] phải trải bao nguy hiểm để truyền pháp [Thiền] nầy cho đến Lục Tổ Tào Khê [Huệ Năng] được Ngũ Tổ [Hoằng Nhẫn] dạy  cho biết rằng: Khi Tổ Đạt Ma mới đến, người đời chưa tin hiểu [về Thiền] nên phải lấy việc truyền y bát để tỏ rõ việc đắc pháp. Đến nay, đức tin đã chín mùi, y bát có thể trở thành đầu mối tranh chấp nên phải dừng lại ở ngươi, không truyền tiếp nữa. Từ đó lấy Tâm truyền Tâm, không truyền y bát.

Bấy giờ, Nam Nhạc-Hoài Nhượng là người đầu tiên được truyền tâm pháp. Hoài Nhượng truyền cho Mã Tổ-Đạo Nhất. Đạo Nhất truyền cho Bách Trượng-Hoài Hải. Ta nhận được tâm pháp ở Bách Trượng. Từ lâu nghe tiếng phương nầy hâm mộ Đại thừa nhiều, nên Ta xuôi Nam để tìm thiện tri thức. Nay Ta gặp con cũng là nhờ có nhân duyên kiếp trước. Hãy lắng nghe bài kệ của Ta :

Các nơi đồn đại                                                 Chư phương hạo hạo

Dối tự rao truyền                                               Võng tự huyên truyền

Rằng thủy tổ ta                                                  Vị ngô thủy tổ

Gốc tự Tây Thiên                                              Thân tự Tây Thiên

Truyền pháp nhãn tạng                                   Truyền pháp nhãn tạng

Gọi đấy là Thiền                                               Mục vi chi Thiền

Một hoa năm lá                                                  Nhất chi ngũ diệp

Hạt giống liên miên                                          Chủng tử miên miên

Ngầm hợp mật ngữ                                            Tiềm phù mật ngữ

Muôn ngàn có duyên                                        Thiên vạn hữu duyên

Tâm tông đều gọi                                              Hàm vị Tâm tông

Thanh tịnh bản nhiên                                       Thanh tịnh bản nhiên

Tây Thiên cõi nầy                                             Tây Thiên thử thổ

Cõi nầy Tây Thiên                                            Thử thổ Tây Thiên

Xưa nay nhật nguyệt                                         Cổ kim nhật nguyệt

Xưa nay sơn xuyên                                             Cổ kim sơn xuyên

Chạm đến thành vướng                                    Xúc đồ thành trệ

Phật tổ thành oan                                              Phật tổ thành oan

Sai một mảy may                                                Sai chi hào ly

Đi mất trăm ngàn                                              Thất chi bách thiên

Ngươi khéo quan sát                                         Nhữ thiện quan sát

Chớ lừa cháu con                                              Mạc khiểm nhi tôn  

Dầu có hỏi ta                                                     Trực nhiêu vấn ngã

Ta vốn “Vô Ngôn”.                                            Ngã bản “Vô Ngôn”.

Nghe xong bài kệ, Cảm Thành liền tỉnh ngộ.

Ngày 12 tháng Giêng năm Bính Ngọ, niên hiệu Bảo Lịch thứ hai, đời Nhà Đường (826), tại chùa Kiến Sơ ,Thiền sư Vô Ngôn Thông không bệnh, tắm rửa, thay y phục, gọi Cảm Thành đến dạy :

“Ngày xưa, Tổ Nam Nhạc-Hoài Nhượng, khi sắp tịch có dạy rằng:

Tất cả các pháp                                           Nhất thiết chư pháp

Đều từ tâm sinh                                            Giai tòng tâm sinh

Tâm không chỗ sinh                                    Tâm vô sở sinh

Pháp không chỗ trụ                                    Pháp vô sở trụ

Nếu đạt tâm địa                                           Nhược đạt tâm địa

Làm gì chẳng ngại                                      Sở tác vô ngại

Không gặp thiện căn                                  Phi ngộ thiện căn

Cẩn thận chớ nói !”                                    Thận vật khinh hứa !

Dạy xong, Sư chắp tay qua đời, thọ 68 tuổi.

[Xem thêm : Thiền sư Bách Trượng – Hoài Hải (720 – 814) trong sách Cảnh Đăng Lục của Đạo Nguyên, bản dịch của Lý Việt Dũng]

 

II.TRUYỀN THỪA CỦA PHÁI THIỀN VÔ NGÔN THÔNG

Phái thiền Vô Ngôn Thông truyền được 15 thế hệ :

1. THẾ HỆ THỨ I : Một người.

THIỀN SƯ CẢM THÀNH ( ? – 860)

Thiền sư Cảm Thành họ Thị, quê ở Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Lúc đầu Sư xuất gia tại quê nhà, pháp danh là Lập Đức, lấy việc tụng kinh trì giới làm đầu. Phú hào trong làng mến mộ đức hạnh cao cả của Sư, tự nguyện cúng gia trạch làm  chùa, thỉnh Sư đến trụ trì, nhưng Sư từ chối.

Đêm ấy, Sư chiêm bao thấy Thần nhân đến bảo: “Nếu làm theo chí nguyện của nhà họ Nguyễn thì chỉ chừng vài năm sẽ gặp điều lành lớn!”, nên Sư Lập Đức nhận lời, lập thành chùa Kiến Sơ ở hương Phù Đổng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh).

Chẳng bao lâu thì Thiền sư Vô Ngôn Thông đến. Sư biết Thiền sư Vô Ngôn Thông không phải là người thường, ngày đêm hầu hạ,ï không hề biếng trễ. Thiền sư Vô Ngôn Thông cảm động lòng thành khẩn của sư Lập Đức nên cho đổi pháp danh lại là Cảm Thành.

Một hôm, Thiền sư Vô Ngôn Thông gọi Cảm Thành đến dạy :

Xưa kia, Đức Thế Tôn vì nhân duyên lớn mà xuất hiện ở thế gian, hóa duyên xong, Ngài nhập Niết Bàn. Chân tâm vi diệu như thế gọi là Chánh pháp nhãn tạng, thật tướng vô tướng,tam muội pháp môn, đích thân Thế Tôn giao cho đệ tử là Tôn giả Ma Ha Ca Diếp làm Tổ thứ nhất. Các đời nối truyền,……………………… Ta vốn Vô Ngôn!”

Nghe xong bài kệ, Sư liền tỉnh ngộ.

Năm 826, Thiền sư Vô Ngôn Thông viên tịch, Cảm Thành kế thế trụ trì chùa Kiến Sơ.

Có vị tăng hỏi: Thế nào là Phật?

Sư đáp : Khắp hết mọi nơi.

Lại hỏi : Thế nào là Phật tâm ?

Sư đáp : Chưa từng che giấu.

Người ấy nói : Kẻ học đạo nầy chưa hiểu.

Sư đáp : Ngươi trượt qua rồi !

 

Về sau, Thiền sư Cảm Thành không bệnh mà qua đời tại chùa Kiến Sơ, vào năm Canh Thìn, niên hiệu Hàm Thông, đời Nhà Đường (năm 860).

 

2. THẾ HỆ THỨ II : Một người.

THIỀN SƯ THIỆN HỘI ( ? – 900).

Thiền sư Thiện Hội quê ở Điển Lãnh, lúc nhỏ xuất gia với sư Tiệm Nguyên chùa Đông Lâm ở cùng làng, tự gọi là Tổ Phong. Sư vân du nhiều nơi tham học yếu chỉ của Thiền. Sau đến chùa Kiến Sơ gặp Thiền sư Cảm Thành, khế hợp duyên nên xin theo học đạo, hầu hạ thầy hơn mười năm không lúc nào tỏ ra mỏi mệt.

Một hôm Sư vào phòng hỏi Thầy : Trong kinh nói Thích Ca Như Lai tu hành trải qua ba tăng kỳ kiếp mới thành Phật. Nay Thầy lại nói “Tâm tức Phật, Phật tức Tâm”, đệ tử chưa hiểu rõ, xin Thầy dạy bảo cho”.

Thiền sư Cảm Thành hỏi : Ngươi bảo trong kinh nói, tức ai nói ?

Sư thưa : Há chẳng phải Đức Phật nói sao ?

Cảm Thành hỏi :Nếu là Phật nói, tại sao trong kinh Văn Thù lại  nói : Ta ở thế gian 49 năm, chưa từng nói một lời để dạy người ! Vả lại Cổ đức nói : Nếu tìm văn để làm chứng thì càng vướng mắc; người khổ hạnh cầu Phật là mê muội.Người lìa tâm cầu Phật là ngoại đạo; người chấp tâm ma coi làø Phật, đó là ma.

Sư hỏi : Như thế, tâm đó không phải là Phật thì  là cái gì ? Cái gì chính là Phật ?

Cảm Thành đáp : Xưa có người hỏi Mã Tổ: Tâm tức là Phật, Phật tức là tâm, vậy cái gì là Phật ? Mã Tổ đáp : Ông nghĩ cái nào không phải là Phật thì chỉ Ta xem ! Người kia không trả lời được.Mã Tổ nói : Hiểu thấu được thì khắp nơi đều là Phật, không “ngộ” được thì sai lầm mãi mãi. Chỉ một câu thoại đầu nầy, giờ ngươi đã hiểu chưa ?

Nghe lời đó xong, Sư thưa : Con đã lãnh ngộ rồi !

Cảm Thành lại hỏi : Ngươi lãnh ngộ thế nào ?

Sư thưa : Khắp cả mọi nơi, không chỗ nào không phải là tâm Phật !

Nói xong, Sư sụp xuống lạy tạ.

Cảm Thành nói : Vậy là ngươi đã hiểu đúng rồi.

Nhân đó, Thiền sư Cảm Thành đặt pháp danh cho sư là Thiện Hội.

Sau khi Thiền sư Cảm Thành viên tịch (năm 860), sư Thiện Hội đến hoằng hóa ở chùa Định Thiền, hương Siêu Loại, thuộc Trung tâm Phật giáo Liên Lâu (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh).

 

Vào năm Canh Thân, niên hiệu Quang Hòa thứ 3, đời Nhà Đường (năm 900), Thiền sư Thiện Hội viên tịch tại chùa Định Thiền.

3. THẾ HỆ THỨ III : Một người .

THIỀN SƯ VÂN PHONG ( ? – 956)

Thiền sư Vân Phong họ Nguyễn, quê ở huyện Từ Liêm, quận Vĩnh Khang (xưa thuộc Trung tâm Phật giáo Liên Lâu ?). Khi mẹ mang thai, bà ăn chay trường, tụng kinh, lúc sinh có ánh sáng lạ chiếu khắp nhà . Cha mẹ thấy điềm lạ, nên cho xuất gia với Thiền sư Thiện Hội ở chùa Định Thiền tại hương Siêu Loại (Bắc Ninh).

Sư Vân Phong thường hầu chuyện riêng với Thầy, được coi là đệ tử thân tín, thường tham hỏi những điều huyền yếu, thiền học ngày thêm tăng tiến.

Thiền sư Thiện Hội từng bảo sư Vân Phong : Sống chết [sanh tử] là việc lớn, cần phải định tâm cho thấu đáo. Vân Phong hỏi : Khi sống chết đến làm sao mà tránh ?

Thiện Hội đáp :Phải nắm lấy chỗ không sống chết mà tránh !

Sư hỏi : Thế nào là chỗ không sống chết ?

Thiện Hội đáp : Phải ở ngay trong chỗ sống chết mới nhận biết được.

Sư hỏi: Làm sao mà biết được ?

Thiện Hội nói : Ngươi hãy đi đi ! Chiều hãy đến !

Sư đi ra, đúng hẹn, chiều hôm đó lại đến. Thiền sư Thiện Hội nói : Đợi đến sáng mai, chờ đông  đủ người, Ta sẽ chứng minh cho ngươi.

Sư hoát nhiên tỉnh ngộ, liền sụp xuống lạy.

Thiện Hội hỏi : Ngươi thấy được đạo lý gì ?

Sư thưa : Con đã lãnh hội.

Thiện Hội hỏi : Ngươi lãnh ngộ cái gì ?

Sư bèn giơ nắm tay nói : Bất tiếu là cái nầy đây !

Thiền sư Thiện Hội không nói gì nữa.

Sau khi Tiền sư Thiện Hội viên tịch (năm 900), sư Vân Phong rời chùa Định Thiền,  về hoằng hóa ở chùa Khai Quốc tại thành Đại La (sau nầy là kinh đô Thăng Long).

Thiền sư Vân Phong viên tịch tại chùa Khai Quốc vào năm Bính Thìn, niên hiệu Hiển Đức, đời Nhà Chu (năm 956).

 

4. THẾ HỆ THỨ IV : Hai người, khuyết lục Một người.

ĐẠI SƯ KHUÔNG VIỆT (930 – 1011)

Đại sư Khuông Việt họ Ngô, pháp danh Chân Lưu, quê ở hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc), thuộc dòng dõi vua Ngô Thuận Đế (Ngô Quyền). Sư vóc dáng to lớn, khôi ngô tuấn tú, tánh tình phóng khoáng, có chí cao xa. Thuở nhỏ theo Nho học, lớn lên theo đạo Phật. Sư Chân Lưu thọ giới cụ túc với Thiền sư Vân Phong ở chùa Khai Quốc tại thành Đại La. Từ đó, Sư chuyên tâm đọc tụng kinh sách Phật và tham học yếu chỉ Thiền.

Năm Sư bốn mươi tuổi, danh Sư vang đến triều đình. Vua Đinh Tiên Hoàng (970 – 979) mời đến kinh đô Hoa Lư, Sư  Chân Lưu đối đáp hợp ý, được vua phong chức Tăng thống.

Năm Thái Bình thứ hai, đời Đinh Tiên Hoàng (971), Sư được ban hiệu là Đại sư Khuông Việt. 

Đến triều vua Lê Đại Hành (980 – 1005), Đại sư Khuông Việt được kính trọng đặc biệt, mọi việc quân quốc triều đình đều mời Đại sư tham dự.

Một hôm, Đại sư vân du đến núi Vệ Linh (Sóc Sơn) ở quận Bình Lỗ, thấy phong cảnh đẹp, muốn lập am để ở. Đêm đó, Đại sư chiêm bao thấy một vị Thần mặc áo giáp vàng, tay phải nâng ngọn bảo tháp, hơn mười người theo hầu hình tướng dễ sợ, đến nói rằng : “Ta là Tỳ sa môn Thiên Vương, quân hầu theo đây là Dạ xoa. Thiên Đế có sai ta đến nước nầy để giữ gìn biên giới, khiến cho Phật pháp thịnh hành. Ta có duyên với ngươi, nên đến đây báo cho ngươi biết”. Sư kinh hãi thức dậy, nghe trong núi có tiếng kêu la ầm ĩ, tâm lấy làm lạ.

Đến sáng Sư vào núi , thấy một cây to cao khoảng mười trượng, cành lá sum xuê, bên trên lại có mây xanh bao phủ, nhân đó sai thợ đến chặt. Đem về cho thợ tạc tượng Thần theo đúng như trong mộng để thờ phụng.

Năm Thiên Phúc thứ nhất (981), quân Tống quấy rối nước ta. Trước đó, vua đã biết  nên sai Sư đến đền cầu đảo xin Thần phù hộ. Quân giặc kinh sợ lui về giữ sông Hữu Ninh [Chi Lăng]. Đến đây , bọn Tống lại thấy sóng gió nổi lên ùn ùn, giao long nhảy lung tung trên mặt nước, quân giặc sợ hãi tan chạy. [Sách “Lĩnh Nam chích quái” , truyện “Sóc Thiên Vương” (trang 103) kể rõ hơn như sau : Năm Thiên Phúc thứ nhất, binh Tống vào cướp phá, vua đã có nghe việc như thế mới sai quan đến đền thờ thành khẩn cầu đảo.Lúc bấy giờ, binh Tống đóng tại làng Tây Kết, quân đội hai bên chưa đánh nhau, quân Tống bỗng thấy một người trỗi dậy giữa sóng nước, cao hơn mười trượng, tóc đầu dựng đứng, trừng mắt mà nhìn, thần quang rực rỡ. Binh Tống thấy vậy cả kinh, lùi giữ ngã ba sông , lại gặp phải sóng gầm sét nổ, giao xà long miết nổi lên làm dữ, binh Tống thấy như thế lại càng kinh khủng chạy vỡ tán loạn; tướng Nhà Tống là Quách Tiến đem binh trở về Tống. …”]

Năm Thiên Phúc thú bảy (986), nhà Tống sai Lý Giác sang sứ nước ta. Bấy giờ Pháp sư Đỗ Thuận cũng có tiếng tăm lừng lẫy. Vua sai sai Pháp sư cải trang làm người lái đò để đón tiếp sứ giả ở  bến sông. Lý Giác thấy Pháp sư giỏi văn chương nên làm thơ tặng, có câu :”Ngoài trời lại có trời soi nữa”.Vua Lê Đại Hành đưa cho Đại sư Khuông Việt xem, Đại sư thưa rằng : “Sứ tôn kính Bệ hạ không kém gì vua Tống”.

Khi sứ Lý Giác trở về nước, Đại sư làm một bài từ nhan đề “Vương lang qui” để tiễn đưa :

Nắng sáng, gió thuận, buồm gấm vương

Thần tiên về Đế vương

Sóng xanh vạn lý biển mênh mông

Trời xanh xa đường dài

Tình thắm thiết rượu tiễn đưa

Lưu luyến Sứ vấn vương

Nguyện đem thâm ý vì Nam bang

Phân minh tâu Thượng hoàng.  

Về sau, Đại sư lấy cớ già yếu, xin từ quan trở về quê nhà dựng chùa Phật Đà trên núi Du Hý hoằng truyền chánh pháp; người các nơi đến theo học rất đông.

Một hôm, đệ tử thân cận là Đa Bảo hỏi Đại sư : Thế nào là thủy chung của sự học đạo?

Đại sư đáp : Thủy chung không vật, diệu hư không,

                     Hiểu được chân như thể tự đồng.

Đa Bảo hỏi tiếp : Làm sao bảo đảm ?

Đại sư đáp : Không có chỗ cho ngươi hạ thủ (xuống tay).

Đa Bảo nói : Hòa thượng nói rõ rồi !

Đại sư hỏi : Ngươi hiểu gì ?

Đa Bảo hét lên một tiếng!

 

Ngày 15 tháng 2 năm Thuận Thiên thứ hai (1011), đời vua Lý Thái Tổ , Đại sư Khưông Việt phó chúc cho Đa Bảo bài kệ :

Trong cây vốn có lửa                                       Mộc trung nguyên hữu hỏa,

Có lửa, lửa mới bùng,                                       Nguyên hỏa phục hoàn sanh,

Nếu bảo cây không lửa,                                   Nhược vị mộc vô hỏa,        

Cọ xát do đâu cháy !                                        Toàn toại hà do manh !

Nói xong, Đại sư  ngồi kiết già mà mất, thọ 82 tuổi (có sách nói thọ 79 tuổi).

5. THẾ HỆ THỨ V : Hai người, khuyết lục Một người.

THIỀN SƯ ĐA BẢO

Không biết họ tên và quê quán  của Thiền sư Đa Bảo. Chỉ biết khi Đại sư Khuông Việt giáo hóa ở chùa Khai Quốc tại thành Đại La (Thăng Long), Đa Bảo đến tham học, được Đại sư khen là thông minh chóng hiểu, xử sự nghiêm cẩn, nên được nhận làm đệ tử thân tín (đệ tử nhập thất).

Sau khi đắc pháp, Thiền sư Đa Bảo một mình một bát vân du hoằng truyền chánh pháp.

Sau Sư về trụ trì chùa Kiến Sơ ở hương Phù Đổng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh).

Khi Lý Công Uẩn còn nhỏ tuổi đến chùa, Sư thấy tướng mạo tinh anh tuấn tú khác thường, bèn bảo : “Cậu bé nầy tốt tướng khác thường, ngày sau ắt lên làm vua !” Lý Công Uẩn nói : Hiện nay, đức Thánh thượng anh minh đang trị vì, trong nước yên bình, Sư nói thế không khéo gây họa tru di cho cả Họ nhà tôi !”. Sư nói : “Mệnh Trời đã định như thế, dù muốn trốn tránh cũng không được. Nếu lời nói  nầy đúng, mong chớ bỏ nhau”.

Khi Lý Công Uẩn lên ngôi, vua [Lý Thái Tổ] thường triệu Thiền sư Đa Bảo vào cung , tham hỏi yếu chỉ của Thiền và lễ Sư rất hậu. Các việc chính sự trong triều đình, Sư đều tham dự định đoạt. Vua còn ra lệnh trùng tu chùa Kiến Sơ của Sư.

Môn đồ của Thiền sư Đa Bảo ở chùa Kiến Sơ đông đến hơn một trăm người, Định Hương và Bảo Hòa được chọn làm quản chúng.

Một hôm Định Hương hỏi Thiền sư Đa Bảo : Làm thế nào để thấy được chân tâm ?

Thiền sư Đa Bảo dạy : Chính ngươi tự phát hiện !

Định Hương bỗng nhiên ngộ được yếu chỉ, liền thưa : Hết thảy đều như thế chú đâu có riêng gì con.

Thiền sư Đa Bảo hỏi : Ngươi đã hiểu chưa ?

Định Hương bịt tai, đứng quay lưng lại. Thiền sư Đa Bảo liền quát : “Đi”.

Định Hương sụp lạy.

Thiền sư Đa Bảo dạy : Từ nay con hãy như người đui, người điếc trong việc tiếp người.

Trong thời gian Thiền sư Đa Bảo hoắng hóa ở chùa Kiến Sơ có nhiều việc huyền bí và những sấm truyền … liên hệ đến việc vua Lý Thái Tổ lên ngôi …, về triều đại Nhà Lý …, cũng như việc báo trước triều đại Nhà Lý truyền được tám đời, và mất ngôi vào thời vua có tên là “Sảm” [Lý Huệ Tông]!

[…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………]

Về sau Thiền sư Đa Bảo vân du khắp nơi để hoằng truyền chánh pháp. Không biết Thiền sư Đa Bảo viên tịch ở đâu vào ngày nào ?

[Xem thêm: sách Việt điện u linh (truyện Xung thiên dũng liệt chiêu ứng uy tín Đại vương); sách Lĩnh Nam Chích quái (truyện Xung thiên chiêu ứng Thần vương)]

 

6. THẾ HỆ THỨ VI : Ba người, khuyết lục Một người.

- TRƯỞNG LÃO ĐỊNH HƯƠNG ( ? – 1050)

- THIỀN SƯ THIỀN LÃO

 

7. THẾ HỆ THỨ VII : Bảy người, khuyết lục Một người.

 

              - THIỀN SƯ VIÊN CHIẾU (999 -1090)

                  - THIỀN SƯ CỨU CHỈ

                  - BẢO TÍNH ( ? – 1034)

                  - MINH TÂM ( ? – 1034)

                  - THIỀN SƯ QUẢNG TRÍ

                  - VUA LÝ THÁI TÔNG (1023 – 1072)

 

8.THẾ HỆ THỨ VIII : 6 người, khuyết lục 3 người.

              - QUỐC SƯ THÔNG BIỆN ( ? – 1134)

                  - ĐẠI SƯ MÃN GIÁC ( 1052 – 1096)

                  - THIỀN SƯ NGỘ ẤN (1020 – 1088)

 

 

9.THẾ HỆ THỨ IX : 8 người, khuyết lục 3 người.

 

- THIỀN SƯ ĐẠO HUỆ ( ? – 1172)

- THIỀN SƯ BIỆN TÀI

- THIỀN SƯ BẢO GIÁM ( ? – 1173)

- THIỀN SƯ KHÔNG LỘ ( ? – 1119)

- THIỀN SƯ BẢN TỊNH ( 1100 – 1176)

 

10. THẾ HỆ THỨ X : 12 người, khuyết lục 2 người      

     

- THIỀN SƯ MINH TRÍ ( ? – 1196)

- THIỀN SƯ TÍN HỌC ( ? – 1200)

- THIỀN SƯ TỊNH KHÔNG ( 1091 – 1170)

- THIỀN SƯ ĐẠI XẢ ( 1120 – 1180)

- THIỀN SƯ TỊNH LỰC ( 1112 – 1175)

- THIỀN SƯ TRÍ BẢO ( ? – 1190)

- THIỀN SƯ TRƯỜNG NGUYÊN ( 1110 – 1165)

- THIỀN SƯ TỊNH GIỚI ( ? – 1207)

- THIỀN SƯ GIÁC HẢI

- THIỀN SƯ NGUYỆN HỌC ( ? – 1181)

 

11. THẾ HỆ THỨ XI : 9 người, khuyết lục 8 người.

                  - THIỀN SƯ QUẢNG NGHIÊM (1122 – 1190)

 

12. THẾ HỆ THỨ XII : 7 người, khuyết lục 6 người.

              - THIỀN SƯ THƯỜNG CHIẾU ( ? – 1203)

 

13. THẾ HỆ THỨ XIII : 5 người, khuyết lục 3 người.

              - THIỀN SƯ THẦN NGHI ( ? 1216)

              - CƯ SĨ THÔNG SƯ ( ? - 1228)

 

14. THẾ HỆ THỨ XIV : 5 người, khuyết lục 3 người.

              - THIỀN SƯ TỨC LỰ

                  - THIỀN SƯ HIỆN QUANG ( ? – 1221)

 

15. THẾ HỆ THỨ XV : 7 người, khuyết lục 6 người.

                  - CƯ SĨ ỨNG VƯƠNG

 

[ xem Tiểu sử các Thiền sư Phái thiền Vô Ngôn Thông trên trong sách Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục( bản dịch của Lê Mạnh Thát; bản dịch của  Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga) ; sách Thiền sư Việt Nam của Thích Thanh Từ; Lịch sử Phật giáo Việt Nam (Tập2) của Lê Mạnh Thát; Bản thảo Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Nguyễn Hiền Đức … ]

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

2.33

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập