Thích Nguyên Hương và các thánh vị pháp thiêu thân trong sáu tháng pháp nạn của Phật giáo Việt Nam (1963)

Đã đọc: 13589           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image HT Thích Huệ Trí (đứng giữa) cùng Chư tôn đức Phật giáo huyện Tuy Phong niệm hương tưởng niệm trước ngôi mộ Thánh tử đạo Thích Nguyên Hương

Noi gương ngọn lửa đại hùng, đại lực, đại từ bi của Bồ tát Quảng Đức, Ngài Thích Nguyên Hương và các Thánh vị pháp Thiêu thân : Thanh Tuệ, Tiêu Diêu, Quảng Hương, Thiện Mỹ, và Thích Nữ Diệu Quang làm chấn động dư luận thế giới, hầu hết các nước đều kính phục và ủng hộ Phật giáo Việt Nam trong phong trào Đấu tranh bất bạo động chống chế độ đàn áp Phật giáo của Gia đình Ngô Đình Diệm; đưa đến cuộc Cách mạng ngày 01 tháng 11 năm 1963 lật đổ chế độ Độc tài của Tổng thống Ngô Đình Diệm

ĐẠI ĐỨC THÍCH NGUYÊN HƯƠNG
Đại đức Thích Nguyên Hương, hiệu Đức Phong, tên đời là Huỳnh Văn Lễ, sinh năm Canh Thìn (1940) tại làng Long Tỉnh, xã Long Hương (nay là xã Liên Hương), huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, là con duy nhất của ông Huỳnh Thân và bà Trương Thị Sang.
Năm sáu tuổi, Đại đức được song thân cho xuất gia làm chú tiểu theo hầu Hòa thượng Quang Chí, trụ trì chùa Linh Quang tại quê nhà, được ban pháp danh là Nguyên Hương.
 Năm 1952, Đại đức thọ năm giới và được Bổn sư cho theo tập sự hầu hạ chư tăng ở chùa Linh Quang (Huế). Hằng năm, vào mùa an cư kiết Hạ, Đại đức về tập sự tại chùa Phật Quang ở Phan Thiết.
Năm 1958, Đại đức được Bổn sư  cho đến cầu pháp và thọ giới Sa di với Hòa thượng Viên Trí (húy Tâm Bí), tọa chủ chùa Bửu Tích, xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Năm 1960, Đại đức thọ giới Cụ túc trong Giới đàn ở chùa Bửu Tích, được Hòa thương Viên Trí ban pháp hiệu là Đức Phong. Sau khi được Bổn sư cho phép, Đại đức vân du về phía Nam tu học.
Trên đường học đạo, Đại đức có dịp hiểu rõ hơn về cuộc sống, thấy được chính sách thiên vị Thiên Chúa giáo và kỳ thị Phật giáo của Chính quyền Ngô Đình Diệm …
Sau đó, Đại đức trở về tỉnh nhà Bình Thuận, được cử trụ trì chùa Bửu Tạng và chùa Bửu Tích.

PHÁP NẠN Ở HUẾ TRONG LỄ PHẬT ĐẢN NĂM 1963
Trong dịp Lễ Phật Đản năm 1963 ( 08 đến 15 tháng 4 âm lịch), do đầu óc kỳ thị Phật giáo và mưu đồ muốn được Tòa thánh Vatican tấn phong chức “Hồng Y”, và muốn biến đạo Thiên Chúa thành Quốc giáo, Tổng Giám mục Ngô Đình Thục (anh của Tổng thống Ngô Đình Diệm) yêu cầu Phủ Tổng thống ra lệnh “Cấm treo cờ Tôn giáo ở tư gia và nơi công cộng” :
Năm 1963, là kỹ niệm 25 năm thụ phong Giám mục của Tổng Giám mục Ngô Đình Thục, Ông hy vọng nhân dịp nầy có thể được tấn phong Hồng y vì Ông đã tích cực vận động từ nhiều năm qua. Đồng thời Ông cũng rất muốn làm lễ Ngân khánh nầy (Ngày 19 tháng 6 năm 1963) long trọng như Quốc lễ. Ngay từ  tháng Ba, một số  Bộ trưởng, Dân biểu, và công chức cao cấp trong chánh quyền, trong đó có nhiều người không phải là tín đồ Thiên Chúa, thành lập “Ủy ban Mừng lễ Ngân khánh của Tổng Giám mục Ngô Đình Thục”. Mỗi tỉnh, tỉnh trưởng cũng thành lập một tiểu ban tổ chức mừng lễ Ngân khánh, lo quyên góp hay áp lực đóng tiền.
Ngày 05 tháng 5 năm 1963, có cuộc rước kiệu của đạo Thiên Chúa nhân lễ khánh thành nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế tại Huế và Quảng Trị, tín đồ Thiên Chúa giáo treo cờ Thiên Chúa của Tòa thánh Vatican (Cờ vàng và trắng). Trong lễ đó, các viên chức cao cấp trong Ủy ban Mừng lễ Ngân khánh họp để tổng kết về việc chuẩn bị buổi lễ tại nhà của Cố vấn Ngô Đình Cẩn. Trong số đó có một số Bộ trưởng, kể cả Bộ trưởng Bộ Nội vụ, và nhiều nhân vật cao cấp trong chánh phủ. Tổng Giám mục Ngô Đình Thục đi viếng Nhà thờ La Vang ở Quảng Trị [ngày xưa là chùa Lá Vàng (Lá Vằng) thờ Bồ tát Quan Thế Âm, bị chánh quyền Ngô Đình Diệm phá bỏ, cho xây dựng Nhà thờ]. Dọc đường từ Huế đến Quảng Trị, Ông thấy cờ Phật giáo treo khắp nơi nhân  Tuần lễ Phật đản (từ ngày mùng Tám đến Rằm tháng Tư âm lịch). 90% dân Huế theo đạo Phật, Phật giáo ở đây tổ chức qui củ và sinh hoạt rất mạnh. Từ ngày 5 đến 15 tháng 5 năm 1963, các chùa, các lễ đài và các nhà của Phật tử hai bên đường đều có cổng chào, trang trí rực rỡ, cờ Phật giáo treo la liệt … Ngay chiều hôm đó, khi về đến Huế, Tổng Giám mục Ngô Đình Thục cho gọi Đại biểu Chánh phủ Hồ Đắc Khương đến khiển trách tại sao không cho thi hành Lệnh cấm treo cờ tôn giáo hay cờ đảng ngoài trụ sở hoặc khuôn viên. Ông Hồ Đắc Khương là tín đồ Phật giáo nên biết rằng, nếu nhắc lại Nghị định cấm treo cờ Phật giáo ngay lúc nầy là sẽ bị tín đồ Phật giáo phản đối là kỳ thị Phật giáo và làm nhục Phật giáo; vì trước đó Lễ khánh thành Nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế, Thiên Chúa giáo rước kiệu, tín đồ đã treo cờ Vatican ở nhiều nơi, ngay cả những nơi không có tín đồ Thiên Chúa giáo (nhưng cờ xí rất ít và lưa thưa vì tín đồ đạo Thiên Chúa chỉ có 10% dân Huế). Vì vậy, Ông đánh điện về Phủ Tổng thống để xin chỉ thị.
Ngày 06 tháng 5 năm 1963, Phủ Tổng thống gởi Công điện số 5159 cho các tỉnh, ra lệnh Lệnh cấm treo cờ tôn giáo ở tư gia và những nơi công cộng.
Tỉnh trưởng Thừa Thiên (Nguyễn Văn Đẳng) bị đặt trong tình thế hết sức khó xử và khẩn cấp, nên  Ông đến dinh Cố vấn Ngô Đình Cẩn để trình bày sự việc. Ông Cố vấn tỏ ra hiểu biết và không có óc kỳ thị Phật giáo (ông rất thân và rất tôn trọng Tỳ kheo Trí Quang, hằng tuần thường gặp nhau để đàm đạo), nên ông có ý kiến là Phật tử đã lỡ treo cờ rồi thì cứ để cho treo hết lễ, sau sẽ liệu. Ông còn cho ông Tỉnh trưởng đánh điện về Phủ Tổng thống xin chỉ thị. Ông Cố vấn bảo  ông đến Thượng tọa Trí Quang báo lại khẩu lệnh của ông. Lúc 13 giờ, Ông đến chùa Từ Đàm, trụ sở của Tổng Hội Phật giáoViệt Nam để báo tin cho Thượng tọa Trí Quang theo khẩu lệnh của ông Cố vấn Ngô Đình Cẩn : “Ông Cố vấn thiết tha yêu cầu ban Tổ chức Đại lễ Phật Đản 2507 thông báo cho toàn thể Phật giáo đồ đừng treo cờ Phật giáo trong ngày Đại lễ ấy”; và “Ông Cố vấn nói miễn Phật giáo có vài dòng thông báo, còn cờ treo hay không, không cần.” Thượng tọa Trí Quang trả lời là không chấp nhận lời yêu cầu đó !
 20 giờ 30ø, tại chùa Từ Đàm, Thượng tọa Trí Quang nhận được Công điện 5159  của Phủ Tổng thống về việc cấm treo cờ Phật giáo (tôn giáo). Lãnh đạo Tổng hội Phật giáo Việt Nam ở Miền Trung mời họp khẩn tại chùa Từ Đàm, từ 21 giờ ngày 06/5/1963 đến 02 giờ sáng ngày 07/5/1963, chính Thượng tọa Trí Quang soạn ba Điện văn  phản đối Công điện trên của Chính quyền để gởi cho Hội Phật giáo Thế giới, Chính quyền Ngô Đình Diệm, và Tổng hội Phật giáo Việt Nam ở  Sài Gòn.
Ngày 07 tháng 5 năm 1963, Chánh quyền Tỉnh yêu cầu Phật giáo ở Huế không gởi ba Điện văn trên về Phủ Tổng thống ở Sài Gòn, và mời Tỳ kheo Trí Quang đến họp tại tư dinh Cố vấn Ngô Đình Cẩn. Trưa hôm đó, chính quyền ở Huế ra lệnh cho công an và mật vụ thi hành lệnh triệt hạ cờ Phật giáo ở các tư gia và nơi công cộng. 14 giờ, nhiều Khuôn hội và Phật tử đến chùa Từ Đàm báo cáo việc cảnh sát triệt hạ cờ Phật giáo, vất xuống đường hay xé cờ Phật giáo, đánh chửi, hăm dọa bắt bớ, bỏ tù tín đồ Phật giáo chống lệnh nầy. 18 giờ, lãnh đạo Phật giáo Miền Trung và tỉnh Thừa Thiên (Hòa thượng Tịnh Khiết, cùng các Thượng tọa Trí Quang, Mật Nguyện, Thiện Minh, Thiện Siêu, Mật Hiển, Thanh Trí) đến Tòa Hành chánh tỉnh để phản đối hành động trên của chánh quyền, khoảng 500 Phật tử đi theo, sau đó có nhiều tăng sĩ và Phật tử đến tòa hành chánh tỉnh. Tỉnh trưởng phải ra nói với Phái đoàn là cảnh sát đã làm sai khẩu lệnh của thượng cấp, và đồng ý vẫn cho Phật tử vẫn được treo cờ và đèn Phật giáo. Tỉnh còn cho xe phóng thanh đi thông báo tin đó cho cả thành phố Huế biết trước 21 giờ như yêu cầu của Phật giáo.
Tuy nhiên, Lãnh đạo Tổng hội Phật giáo ở Miền Trung nhận định : Chính quyền Ngô Đình Diệm chẳng những không từ bỏ chính sách kỳ thị Phật giáo, mà còn sẽ có những biện pháp khác để đàn áp, trả thù … trong thời gian tới ; thời cơ Phật giáo chống chính quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo đã đến [ trước đây chánh quyền cũng đã có chính sách “kỳ thị tôn gíao, đàn áp Phật giáo” nhưng chưa rõ ràng lắm, và thời cơ chưa chính mùi!]. Vì vậy, ngay trong đêm đó, Lãnh đạo Phật giáo Trung Phần họp mật tại chùa Từ Đàm để bàn phương cách để đối phó với chánh quyền trong chính sách kỳ thị Phật giáo :
1. Nhân Lễ rước Phật từ chùa Diệu Đế đến chùa Từ Đàm vào ngày lễ Phật Đản hôm sau (08-5-1963), sẽ tổ chức biểu tình, đoàn rước Phật sẽ trương các biểu ngữ chống chính sách kỳ thị tôn giáo, đàn áp Phật giáo của chính quyền, từ đó, Thượng tọa Trí Quang sẽ công khai tuyên bố chủ trương đấu tranh của Phật giáo chống chính sách kỳ thị tôn giáo của chánh quyền. Đây là cuộc biểu tình mở màn cho cuộc đấu tranh của Phật giáo chống chính sách kỳ thị tôn giáo và đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.
2.  Soạn các biểu ngữ chống chính sách kỳ thị Phật giáo :
-    Cờ Phật giáo Quốc tế không thể bị triệt hạ.
-    Phản đối chính sách bất công gian ác.
-    Yêu cầu chính phủ thi hành chính sách tôn giáo bình đẳng.
-    Phật giáo đồ chỉ ủng hộ chính sách bình đẳng tôn giáo.
-    Chúng tôi đã đến lúc bị bắt buộc phải tranh đấu cho chủ trương tôn giáo bình đẳng.
-    Chúng tôi không từ chối một hy sinh nào.
-    Phật giáo đồ nhất trí bảo vệ Chánh Pháp dù phải hy sinh.
 ……………………………………………………………………………………………………………………
3. Sách lược Đấu tranh với chính quyền :
   - Bất bạo động.
   - Phản đối chính sách bất công về tôn giáo.
   - Không chống chính phủ.
   - Không chống đạo Thiên Chúa.
   - Tự do tín ngưỡng Phật giáo.
   - Bình đẳng tôn giáo.
06 giờ 30 sáng ngày Phật Đản (ngày 08 tháng 5 năm 1963), Phật giáo biểu tình và rước Phật từ chùa Diệu Đế đến chùa Từ Đàm trong vòng trật tự, cảnh sát canh phòng nghiêm mật nhưng không ngăn chận hay đàn áp … Buổi lễ diễn ra tại chùa Từ Đàm căng thẳng với bài diễn văn “nẩy lửa” của Thượng tọa Trí Quang, với những lời giải thích về các biểu ngữ trên, nhưng là một cáo trạng minh bạch về chính sách kỳ thị  và đàn áp tôn giáo từ thời Thực dân Pháp đến thời Đệ nhất Cộng hòa của Ngô Đình Diệm, mà Phật giáo là nạn nhân chịu nặng nề nhất. Tiếp theo sau là phần nghi lễ diễn ra bình thường và êm đẹp.
Theo thông lệ hằng năm, vào ngày lễ Phật Đản, buổi lễ vào buổi sáng tại chùa Từ Đàm sẽ được phát thanh lại vào buổi tối (lúc đó chưa có đài truyền hình), nên Phật tử đến quanh đài rất đông, đến mấy ngàn người. Nhưng đêm hôm đó, đài phát thanh xin cáo lỗi, vì lý do kỹ thuật, chương trình thường lệ không phát thanh được, chỉ phát thanh các bản nhạc. Điều nầy làm cho Phật tử “thắc mắc”, ngoài ra, còn có tin đồn rằng buổi phát thanh về Lễ Phật đản vào buổi sáng bị cấm phát, nên Phật tử ở nhà không được nghe buổi lễ mà chỉ nghe nhạc cũng đổ về đài để hỏi nguyên nhân, một lúc một đông. Trong lúc đó, Thiếu tá Đặng Sĩ, Phó Tỉnh trưởng Nội an kiêm Tiểu khu trưởng tỉnh Thừa Thiên, là tín đồ Thiên Chúa quá khích và là người thân tín nhất của Tổng Giám mục Ngô Đình Thục, và Cảnh sát trưởng tỉnh Thừa Thiên Ngô Ganh chỉ huy quân đội, cảnh sát, hiến binh, quân cảnh, xe cứu hỏa, cùng cả đại bác và xe bọc thép của bảo an đoàn đến đài phát thanh, được lệnh dẹp tan cuộc bạo loạn ở trước đài phát thanh với bất cứ giá nào.
 21 giờ15 phút, Thượng tọa Trí Quang, Mật Nguyện, Mật Hiển và Đức Tâm đến đài phát thanh để hỏi lý do không phát thanh chương trình buổi lễ Phật Đản tại chùa Từ Đàm; Giám đốc Ngô Ganh cho biết không thể thay đổi chương trình đột ngột được. Lúc đó, Phật tử kéo đến quanh đài đông khoảng năm ngàn người.
22 giờ 20 phút, Tỉnh trưởng Thừa Thiên đến, dân chúng phản đối, Thượng tọa Trí Quang bảo Phật tử  đứng nép ra, nhường lối cho ông Tỉnh trưởng vào đài phát thanh. Trong lúc lãnh đạo Phật giáo và Tỉnh trưởng đang thảo luận bên trong đài, ở phía ngoài, vào lúc 22giờ 35, Thiếu tá Đặng Sĩ ra lệnh cho xe cứu hỏa xịt nước vào đám đông, Phật tử náo động, nhưng không giải tán. quân đội và cảnh sát bắn lựu đạn cay, một số nằm bẹp xuống đất để tránh đạn, một số tháo chạy, một số chạy vào đài,  … Vài phút sau, một đoàn xe bọc thép gồm 5 chiếc “ầm ầm” tiến về đài phát thanh, chiếc xe bọc thép đi đầu có mang chữ “Ngô Đình Khôi”, thuộc một binh đội đặc biệt trung thành của gia đình Ngô Đình Diệm, tiến vào khuôn viên của đài. Phật tử bỏ chạy, quăng cả xe đạp, bỗng nhiên có hai tiếng nổ lớn vang lên trong đám đông người trước đài, tiếp theo là 10 phát súng nổ vang khô khan từ các xe bọc thép, rồi nhiều phát súng trường nổ tiếp theo cùng với tiếng la thét thất thanh kêu gào thảm thiết, sinh viên, học sinh và Phật tử bỏ chạy tán loạn, trong đó có bác sĩ người Đức Erich Wulff, giảng dạy ở Đại học y khoa Huế (từ năm 1961 đến 1967) đi cùng sinh viên Tôn Thất Kỳ….
24 giờ, trật tự vãn hồi, nhiều người chết và bị thương nằm ở ngoài phòng Chương trình và trong khuôn viên đài phát thanh. Ba xe cứu thương chở người chết và bị thương hú còi vang dội … Một chiếc xe thông tin gắn loa phóng thanh cực lớn đến trước đài phát thanh loan báo : Chính quyền được tin đêm nay Việt Cộng sẽ xâm nhập phá hoại một vài cơ quan công quyền trong thành phố, chính quyền đã ban hành lệnh giới nghiêm, vậy yêu cầu đồng bào giải tán. Những lời thông báo đầy hăm dọa nầy được lập đi lập lại nhiều lần …
Sau khi tiếng súng im một thời gian, bác sĩ Wulff và hai giáo sư Orjes và Hans từ khu cư xá giáo sư Viện Đại học Huế quay trở lại đài phát thanh. Ngã tư trước đài phát thanh giống như một bãi chiến trường, giờ đây hoang vắng, nhiều xe đạp cong queo, nhiều vết máu loang, giày dép đủ màu nằm ngỗn ngang trên đường… Ở phía xa, một chiếc xe bọc thép đang đuổi một nhóm thanh niên cầm cờ Phật giáo, thỉnh thoảng bắn đuổi theo sát phía trên đầu họ …
 Ba giáo sư vào nhà thương thấy khoảng hơn 20 người bị thương. Các bác sĩ đi xuống nhà xác, gặp sư Trí … (LMT-19 tuổi) là sinh viên của các giáo sư  đang trốn ở đó, trong nhà xác không có điện, chỉ có mấy ngọn đèn cầy trắng leo lét, ba bác sĩ thấy bảy thân người đầy máu, trong đó, năm cái xác của trẻ em không còn đầu, đại bác của xe bọc thép đã bắn nát đầu các em thiếu nhi, có lẽ các em bị bắn trong nhô đầu để trèo qua hàng rào (cao 1,20 mét), nếu các em biết khôn như người lớn, nằm xuống dưới đất khi súng bắt đầu nổ, có lẽ các em không bị trúng đạn …. Bác sĩ Wulff còn thấy bên cạnh cánh tay một em không đầu, một con mắt còn dính vào một ít da đầu và một khúc xương trán … Giáo sư Hans và sư Trí … đi về khu cư xá Giáo sư Đại học Huế để mượn máy chụp hình 8 xác chết đó …  
Sau khi chụp hình xong, trở về khu cư xá Đại học, Bác sĩ Erich Wulff đến phòng của gia đình giáo sư Krainick, tình cờ lúc đó bà Krainick đang đọc vào máy ghi âm bức thư gia đình hỏi thăm các con. Trong sự hốt hoảng của hai ông bàkhi nghe bác sĩ Wulff kể lại về biến cố vừa xảy ra tại đài phát thanh Huế, bà đã quên tắt máy ghi âm, do đó, những lời tường thuật đầu tiên chính xác về vụ chánh quyền Ngô Đình Diệm thảm sát Phật tử ở đài phát thanh Huế trong băng ghi âm nầy đã được dùng làm bằng cớ trước Ủy ban Việt Nam của Liên Hiệp quốc vào tháng 9 năm 1963 !!!
Sau đó, vào khoảng 11 giờ 30 đêm, bác sĩ Wulff đến đánh thức giáo sư Bùi Tường Huân, Trưởng khoa Luật của Viện Đại học Huế để kể lại biến cố ở đài phát thanh. Giáo sư Huân hiểu được tầm quan trọng của biến cố nầy, nhưng không quan tâm đến việc chính quyền thảm sát các trẻ em Phật tử ! Giáo sư nhận định rằng : những cuộc biểu tình của Phật tử sắp tới sẽ làm giảm uy tín Tổng thống Ngô Đình Diệm và cuối cùng người Mỹ phải bỏ rơi ông ta. Quân đội vì sợ Mỹ cúp viện trợ sẽ tìm cách đảo chánh lật đổ ông Diệm….
Các biến cố kỳ lạ nầy xảy ra quábất ngờ khiến cho không có ai, kể cả Mật vụ, có thể nghĩ rằng Vụ thảm sát Phật tử ở đài phát thanh Huế đêm lễ Phật Đản (08 tháng 5 năm 1963) của chính quyền Ngô Đình Diệm đã có những nhân chứng ngoại quốc và nhiều hình ảnh chứng minh chính xác rõ ràng …
Trong lúc đó, tăng ni và tín đồ trở lại tụ tập trước đài Phát thanh rất đông, chánh quyền phải nhờ Thượng tọa Trí Quang kêu gọi mới chịu giải tán.
Sáng hôm sau (09-5-1963), Chính quyền tung tin trong số Phật tử có Việt Cộng lẫn lộn đã cho nổ mìn Plastic tại đài phát thanh, nên chánh quyền phải đàn áp. Thiếu tá Đặng Sĩ họp hội nghị quân sự tại Quân vụ Thị trấn trong khi lính Nhảy dù, Biệt động quân, Bảo an cùng với  các xe bọc thép, xe tăng lội nước tập trung phía trước. Chính quyền âm mưu vận động quần chúng để  vu khống Phật giáo bị Việt Cộng mua chuộc chống Chính phủ để có cớ tiếp tục đàn áp, khủng bố, bắt bớ tín đồ Phật giáo …
Tín đồ Phật giáo ở Huế biểu tình tố cáo chính quyền Ngô Đình Diệm tàn sát tín đồ;  Thượng tọa Trí Quang và Tỉnh trưởng Thừa Thiên dùng xe phóng thanh kêu gọi Phật tử giải tán … Chiều hôm đó, lãnh đạo Phật giáo ở Trung Bộ họp mật.
Sự đàn áp dã man của Chánh quyền Ngô Đình Diệm tại đài Phát thanh Huế đêm Lễ Phật Đản không những đã gây xúc động trong giới Phật giáo mà còn lan rộng đến mọi tầng lớp dân chúng.
Có một sự trùng hợp kỳ lạkhác,  hai giáo sư Wulff và Krainick đã mua vé máy bay để vào Sài Gòn gặp Bộ trưởng Giáo dục từ trước, nên sáng hôm sau (09-5-1963), hai ông vào Sài Gòn không bị ai để ý. Trước khi ra phi trường Phú Bài, sư Trí … gặp giáo sư Wulff nhờ chuyển hai bức thư của Phật giáo cho Tổ chức Phật giáo quốc tế và Thượng tọa Thích Minh Châu đang du học ở Ấn Độ ; và giáo sư Orje giao cho Wulff cuộn phim chụp hình các xác chết ở nhà xác tối hôm qua.
Vào đến Sài Gòn, giáo sư Wulff đến nhà giáo sư Bùi Diễm để kể về vụ thảm sát ở Huế. Nhưng thái độ tính toán của ông là một gáo nước lạnh tạt vào sự phẩn uất và nóng lòng của Wulff : Giống như ông Bùi Tường Huân (sau nầy là Bộ trưởng), ông Bùi Diễm (sau nầy là Đại sứ) cũng chỉ nhìn thấy nơi những xác chết của các trẻ em Phật tử là những con bài sáng giá có được một cách bất ngờ trong cuộc vận động chống chế độ độc tài để chiếm ghế cao trong trường chính trị !!! Ngay sau đó, đang giữa trưa, Bùi Diễm và Wulff đến nhà Phan Huy Quát (sau nầy là Thủ tướng). Sau khi nghe Wulff kể lại vụ thảm sát ở Huế, ông Quát cũng giống như hai ông Huân và Diễm, sựï việc nầy tạo ra thế liên minh của ông với Phật giáo trong mưu đồ lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, còn việc có nhiều người bị bắn chết chỉ là chuyện bên lề đối với ông ta! Ông nhận cuộn phim thảm sát ở Huế và hứa là sẽ nhờ người thân tín sang ra 12 bản trong vòng 24 giờ sau.
Buổi tối hôm đó, giáo sư Wulff được bạn là Raoul mời dùng cơm với hai Nhà báo Mỹ Neil Sheehan và Nick Turner. Vì Sheehan làm cho hảng Thông tấn UPI, Turner làm cho hảng Thông tấn Reuter, nên Wulff hy vọng rằng vụ thảm sát Phật giáo ở Huế sẽ được báo chí trên khắp năm châu  in với những hàng chữ lớn  ở trang đầu và các đài phát thanh loan tin … Nhưng sự thật phủ phàng, hai ngày sau đó, ngoại trừ Đài phát thanh Hà Nội, không một đài phát thanh nào loan tin, không một tờ báo nào đề cập đến vụ thảm sát nầy, kể cả các tờ báo nổi tiếng như New York Time của Mỹ, hay Le Monde của Pháp …
Phẩn uất trước những hành động tàn ác dã man của chế độ độc tài, gia đình trị của Tổng thống Ngô Đình Diệm, dù bị thất bại chua cay như thế, nhưng giáo sư Wulff vẫn không chịu bó tay, quyết chí tìm cách đưa các tài liệu, hình ảnh chứng cứ nầy ra nước ngoài công bố cho thế giới; nên giáo sư  quyết định đáp máy bay qua Campuchia vì chính quyền của Hoàng thân Sihanouk không thích chế độ Ngô Đình Diệm, và từ nơi đó, Wulff có thể gởi Thư, tài liệu và hình ảnh về việc đàn áp Phật giáo và tàn sát Phật giáo đồ của chính quyền Ngô Đình Diệm ra nước ngoài, nhất là cuộn phim chụp những xác chết mất đầu của các trẻ em tại bệnh viện Huế. Chừng nào các hình ảnh nầy chưa rời khỏi Việt Nam thì an ninh và tính mạng của giáo sư Erich Wulff vẫn bị đe dọa … Giáo sư đã thành công, tài liệu, phim ảnh, thư được gởi ra nước ngoài, cùng với băng ghi âm của ông bà giáo sư Krainick gởi cho con trong đó tình cờ thâu được những lời tường thuật đầu tiên chính xác về vụ thảm sát Phật tử ở đài phát thanh Huế trong lễ Phật Đản năm 1963 của giáo sư Erich Wolff đã được dùng làm bằng cớ trước Ủy ban Việt Nam của Liên Hiệp quốc vào tháng 9 năm 1963 !!!
Sáng hôm đó (09-5-1963), tại Sài Gòn, Diệm-Nhu cho Giám đốc Cảnh sát (Nguyễn Văn Thành) và Giám đốc Cảnh sát Đặc biệt (Dương Văn Hiếu) đến chùa Ấn Quang gặp quý vị Lãnh đạo Phật giáo Nam Bộ nhờ quý vị trấn an dư luận; Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ và Bộ trưởng Công dân vụ Ngô Trọng Hiếu đến năn nỉ Thượng tọa Tâm Châu xin hoãn lễ Cầu siêu Phật tử tử nạn ở Đài Phát thanh Huế vào ngày 12-5-1963.
Ngày 10 tháng 5 năm 1963, các cấp Lãnh đạo Phật giáo gồm đủ các Tông phái họp tại chùa Từ Đàm (Huế) để hoạch định đường lối đấu tranh bảo vệ lý tưởng tôn giáo của mình. Hội nghị công bố Năm Nguyện vọng của Phật giáo Việt Nam :
1.Yêu cầu Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa thu hồi vĩnh viễn Công điện triệt hạ giáo kỳ của Phật giáo.
2.Yêu cầu Phật giáo được hưởng một chế độ đặc biệt như các Hội Truyền giáo Thiên Chúa giáo đã được ghi trong Dụ số 10.
3.Yêu cầu Chánh phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo.
4.Yêu cầu cho Tăng, Tín đồ Phật giáo được tự do hành đạo và truyền đạo.
5.Yêu cầu Chánh phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ bị giết oan vô tội, và kẻ chủ mưu giết hại, phải đền tội đúng mức.
Ngày 14 tháng 5 năm 1963, Hòa thượng Thích Thiện Hào (Ủy viên Trung ương Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam) gửi điện văn cho Ban Thư ký Thường trực Phật giáo Thế giới tố cáo chánh quyền Ngô Đình Diệm Đàn áp Phật giáo. Hôm sau, Báo Nhân Dân ở Hà Nội lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh chánh nghĩa của Phật giáo Miền Nam.
Ngày 15 tháng 5 năm 1963, 10g30 đến 13giờ, Phái đoàn Phật giáo (Thượng tọa Thiện Hòa, Tâm Châu, Lâm Em, Dũng Chí, cư sĩ Mai Thọ Truyền và Vũ Bảo Vinh) đến yết kiến Tổng thống Ngô Đình Diệm để tường trình sự việc và đề đạt 5 Nguyện vọng trong Bản Tuyên ngôn ngày 10-5-1963. Cuộc tiếp xúc không đạt kết quả vì Ngô Đình Diệm ngoan cố chối tội tàn sát Phật tử ở Huế và đổ tội cho Cộng sản tàn sát, và không chấp nhận 5 Nguyện vọng của Phật giáo.
Ngày 16, Phật giáo họp báo tại chùa Xá Lợi (Sài Gòn) công bố Tuyên ngôn ngày 10-5-1963, đồng thời tố cáo với dư luận trong và ngoài nước những vụ đàn áp, giam cầm, giết hại tín đồ Phật giáo mà Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã gởi cho Chánh phủ ngày 20-3-1963, vạch trần chánh sách kỳ thị tôn giáo của chánh quyền Ngô Đình Diệm trong 9 năm qua (1954-1963).
Ngày 17-5-1963, Phật giáo cho trưng bày hình ảnh vụ thảm sát ở Huế trong đêm Phật Đản  tại chùa Ấn  Quang (Sài Gòn).
Ngày 21-5-1963, Phật giáo tổ chức lễ Cầu siêu cho các Phật tử xả thân vì đạo trong các chùa cả nước. Ở Sài Gòn, lể rước linh vị các vị nầy từ chùa Ấn Quang về chùa Xá Lợi.
Ngày 23-5-1963, Phật giáo công bố Phụ đính của Bản Tuyên ngôn 10-5-1963, để giải thích rõ những quan điểm của Phật giáo, nhấn mãnh quan điểm của Tổng hội Phật giáo VN, tranh đấu cho lý tưởng công bằng trong tôn giáo, chứ không phải đấu tranh với tư cách một tôn giáo chống một tôn giáo (không phải Phật giáo chống Thiên Chúa giáo và các tôn giáo khác).
Ngày 25-5-1963, các Tông phái Phật giáo họp tại chùa Xá Lợi tham luận về kế hoạch đấu tranh, thành lập Ủy ban Liên Phái Bảo vệ Phật giáo, ra tuyên ngôn đoàn kết đấu tranh bất bạo động và hợp pháp. Ngày hôm sau, Phái đoàn Phật giáo do Thượng tọa Tâm Châu là Trưởng đoàn đến trình Tổng thống Ngô Đình Diệm ba Phụ đính về Bản Tuyên ngôn của Tổng hội Phật giáo VN nêu những chủ trương ôn hòa, bất bạo động của Phật giáo. Ủy ban Liên Phái cử Thượng tọa Thanh Minh ra Huế để nghiên cứu các biến cố xảy ra giữa Phật giáo và chánh quyền ở Huế. Tiếp theo, Thượng tọa Thiện Minh từ Huế vào Sài Gòn tường trình sự việc cho Ủy ban Liên Phái. Thượng tọa Thiện Minh mời Thích Đức Nghiệp giữ chức Trưởng ban Ngoại giao và điều hành Phật sự trong Ủy ban Liên Phái.
Ngày 29-5-1963, Tổng hội PGVN kêu gọi tăng ni và Phật tử hưởng ứng cuộc tuyệt thực 48 giờ đòi chánh quyền thực thi năm nguyện vọng của Phật giáo, bắt đầu vào lúc 14 giờ, ngày 30-5-1963. Lúc đó, trung tâm đầu não xuất phát những cuộc biểu tình, tuyệt thực, thuyết pháp, vận động đấu tranh bất bạo động, họp báo để đối phó với chánh quyền tại Huế là các chùa Từ Đàm, Diệu Đế, Linh Quang, Báo Quốc; tại Sài Gòn, là thủ đô, có các Tòa Đại sứ, và các Nhà Báo quốc tế, trung tâm đầu não là các chùa Ấn Quang, Xá Lợi, Giác Minh, Từ Quang.
Ngày 30-5-1963, từ 14 giờ, tăng ni ở các chùa lớn từ Bến Hải đến Cà Mau bắt đầu tuyệt thực.Tại Sài Gòn, theo chỉ đạo của Ủy ban Liên Phái, Thượng tọa Đức Nghiệp tổ chức mấy trăm tăng ni, Phật tử biểu tình từ chùa Xá Lợi qua chợ Bến Thành, đến công trường Lam Sơn trước Nhà Quốc hội, từ 12 giờ đến 17 giờ, rồi trở về chùa Xá Lợi tuyệt thực suốt 48 giờ. Trong dịp nầy, Hòa thượng Thích Quảng Đức tuyệt thực tại chùa Ấn Quang, gởi Tâm thư đề ngày 27-5-1963, xin tự thiêu thân để tranh đấu bảo vệ chánh pháp, nhưng Ủy ban Liên Phái không chấp nhận nguyện vọng tự thiêu nầy.
Tại Huế, Tăng ni Phật tử tuyệt thực tại các chùa Từ Đàm, Linh Quang, Diệu Đế, Báo Quốc từ 30-5-1963 đến 04-6-1963. Cố vấn Chỉ đạo Miền Trung Ngô Đình Cẩn ra lệnh cảnh sát chiến đấu, mật vụ bao vây các chùa, kéo giây kẽm gai chặn mọi ngã đường vào chùa, cúp hết điện nước trong chùa …, bên trong chùa không ra ngoài, bên ngoài không vào được.
Ngày 01-6-1963, Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng và Phó Tỉnh trưởng Nội an Đặng Sĩ bị triệu hồi về Bộ Nội vụ ở Sài Gòn đợi lệnh.
Ngày 03-6-1963, trên 500 sinh viên Huế biểu tình trước trụ sở Đại biểu Chánh phủ Cao nguyên Trung phần. Phật tử, sinh viên đến chùa Từ Đàm  ủng hộ cuộc tuyệt thực của tăng ni, bị cảnh sát chặn lại tại cầu Bến Ngự, cuộc đàn áp bằng dùi cui, lựu đạn cay, a xít, chó berger. Kết cuộc 142 người bị thương, 49 người trọng thương, và 35 người bị bắt.
Dù các cuộc đàn áp của chánh quyền Ngô Đình Diệm rất dã man, nhưng khí thế đấu tranh của tín đồ Phật giáo càng ngày càng mãnh liệt hơn.
Trước khi xảy ra vụ thảm sát Phật giáo trong ngày lễ Phật Đản  ở Huế, Tổng thống Kennedy cùng các cố vấn thân cận, và cả chánh quyền Hoa Kỳ không biết gì về Phật giáo. Sau khi biến cố ở đài phát thanh Huế xảy ra, Tổng thống Hoa Kỳ bàng hoàng hỏi các cố vấn : Phật tử Việt Nam là ai vậy ? Chánh quyền Hoa Kỳ không biết chút gì về Phật giáo VN vì Đại sứ ở VN là ông Frederick Nolting và Giám đốc Trung ương Tình báo Mỹ (CIA) là John Richardson đều là người bao che và bênh vực cho gia đình Ngô Đình Diệm, dấu nhẹm việc đàn áp Phật giáo của gia đình Ngô Đình Diệm và những phản kháng bất bạo động nhưng quyết liệt của Phật giáo … Chẳng may cho gia đình Ngô Đình Diệm, khi cuộc tàn sát ở Huế xảy ra, Đại sứ Nolting đi nghỉ phép thường niên (một tháng), Phó Đại sứ William C. Truehart xử lý công vụ, báo cáo trung thực tình hình Chánh quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị và đàn áp Phật giáo, Tổng thống Kennedy mới vội chỉ thị cho Truehart phải dùng những lời lẽ mạnh mẽ nhất để khuyến cáo chánh quyền Diệm : ngưng đàn áp Phật giáo và phải giải quyết thỏa đáng những yêu sách của Phật giáo.
Ngày 04-6-1963, Truehart gặp Bộ trưởng Phủ Tổng thống Nguyễn Đình Thuần thông báo quyết định đó của Hoa Kỳ, nên chánh quyền Ngô Đình Diệm phải cho thành lập Ủy ban Liên Bộ để nghiên cứu và đề xuất biện pháp giải quyết vụ thảm sát ở Huế ngày 08-5-1963. Một phái đoàn của Ủy ban Liên Bộ và Ủy ban Liên Phái Bảo vệ Phật giáo ra Huế để giải tỏa  bao vây các chùa Từ Đàm, Linh Quang, Diệu Đế và giải quyết tình trạng căng thẳng ở Huế. Nhưng đó chỉ là âm mưu gian trá của chánh quyền, bề ngoài là giải quyết tranh chấp, nhưng bên trong lại bắt cóc, thủ tiêu tăng ni, tín đồ Phật giáo, hoặc vu khống họ là Việt Cộng.
Ngày 06-6-1963, Ủy ban Liên Bộ (Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Lương, Bộ trưởng Phủ Tổng thống Nguyển Đình Thuần) và Ủy ban Liên Phái (các Thương tọa Tâm Châu, Thiện Minh, Thiện Hoa, Huyền Quang, Đức Nghiệp) hội đàm, không đạt được kết quả; nhưng chánh quyền ra Thông cáo chung không đúng sự thật, Ủy ban Liên Phái phải đính chính không có Thông cáo chung đó. Tuy nhiên, sau đó, hai Ủy ban trao đổi rất nhiều Thư từ …
Chánh quyền Ngô Đình Diệm giao cho Tăng cang Mười Ba (Nguyễn Tăng) ở chùa Tuyền Lâm (Sài Gòn) thành lập Phật giáo Cổ Sơn Môn để chống Tổng hội Phật giáo VN, nhưng không thành công.
Ngày 09-6-1963, tin từ Huế báo vào Sài Gòn cho biết, học sinh, sinh viên và Phật tử kéo đến thăm viếng tăng ni và Phật tử đang tuyệt thực tại chùa Từ Đàm, đã bị cảnh sát, quân đội đàn áp dã man bằng dùi cui, lựu đạn a-xít (mới được quân đội Hoa Kỳ chế tạo), và cả chó berger cắn xé, hơn 60 người bị thương nặng, các bác sĩ nước ngoài đang là Giáo sư của Đại học Y khoa Huế phải nhờ các đồng nghiệp ở nước ngoài nghiên cứu phương pháp điều trị cho những người bị thương vì lựu đạn a-xít mới nầy.. Các chùa Từ Đàm, Linh Quang, Diệu Đế, Báo Quốc bị quân đội , cảnh sát bao vây, điện nước bị cắt, lương thực bị thiếu …
Hòa thượng Thiện Hòa (Viện chủ Tổ đình Ấn Quang) bị bệnh, được đưa vào nhà thương (?)

BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC VỊ PHÁP THIÊU THÂN (11-6-1963)
Ủy ban Liên Phái tổ chức lễ Cầu siêu cho các Phật tử bị tàn sát ở Huế hằng tuần, luân phiên tại các chùa vào ngày Chủ nhật …. Tại Sài Gòn, theo lịch trình, tuần thất thứ ba, ngày 11-6-1963, lễ Cầu siêu sẽ tổ chức ở chùa Phật Bửu ở đường Cao Thắng. 20 giờ ngày 10-6-1963, hai Thượng tọa Tâm Châu và Thiện Hoa cho xe đến chùa Ấn Quang mời Đại đức Đức Nghiệp đến chùa Xá Lợi bàn Phật sự gấp : Thượng tọa Thiện Hoa nói: Hiện nay Phật giáo mình đang bị lâm nguy, nhất là ở Huế. Thượng tọa Tâm Châu nói : Ngày mai, sáng Chủ nhật, tới phiên tôi tổ chức rước linh và Hòa thượng Minh Trực phụ trách cầu siêu tại chùa Phật Bửu ở đường Cao Thắng, quận 3. Vậy Thầy về hỏi lại Hòa thượng Quảng Đức đang tụng kinh Pháp Hoa ở chùa Ấn Quang còn giữ ý định tự thiêu hay không ? Nếu Hòa thượng đồng ý, thì ngay sau khóa lễ ở chùa Phật Bửu, tăng ni  trên đường  về chùa Xá Lợi,Thầy tìm mọi cách có hiệu quả nhất để Hòa thượng tự nguyện  tự thiêu, đồng thời để cứu nguy cho Phật giáo hiện nay.
Khi trở về chùa Ấn Quang, Đại đức Đức Nghiệp hỏi Hòa thượng Quảng Đức: Hòa thượng có còn giữ ý định tự nguyện tự thiêu như trong  lá thư Hòa thượng gởi cho Ủy ban Liên Phái trước đây hay không ? Hòa thượng Quảng Đức mừng rỡ trả lời : Tôi sẵn sàng tự thiêu để cúng dường Tam bảo và để giác ngộ cho chánh quyền mau mau thỏa mãn năm nguyện vọng của Phật giáo. Thượng tọa Đức Nghiệp nói : Hòa thượng hãy đi nghỉ và sáng mai, con sẽ tổ chức để việc tự thiêu của Hòa thượng được hoàn thành viên mãn. Nhưng Hòa thượng nói : Đại đức cho tôi được lễ tạ Phật và  thượng tọa Thiện Hoa, tôi sẽ báo ngày mai tôi phải đi xa vì Phật sự, đồng thời cho tôi viết một lá thư gởi cho Tổng thống Ngô Đình Diệm.  Đại đức Đức Nghiệp trả lời : Các việc đó đều dược cả, nhưng Hòa thượng tuyệt đối không nên cho ai biết việc tự thiêu nầy.
 Sau đó, Đại đức Đức Nghiệp lo chuẩn bị cho việc tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức vào sáng hôm sau :
-Nhờ tài xế xe Austin của Trần Quang Thuận gởi ở chùa Ấn Quang  chở Hòa thượng Quảng Đức đến chùa Phật Bửu hôm sau, mua xăng (để hỏa thiêu) và vải (để viết biểu ngữ ).
-Liên hệ với các Đại diện các hảng Thông tấn  và Phóng viên báo chí Nước ngoài.
-Họp một số tăng sĩ tín cẩn (Chơn Ngữ, Trí Minh, Hồng Huệ, …) để phân công trong việc phụ giúp cho vụ tự thiêu.     
Ngày 11-6-1963, sau khi lễ Cầu siêu ở chùa Phật Bửu hoàn mãn, chư Hòa thượng, Thượng tọa, tăng ni rước linh từ chùa Phật Bửu về chùa Xá Lợi : tăng ni đi hai hàng hai bên, sư Hồng Huệ giữ trật tự, ở giữa đoàn có xe con chở Hòa thượng Quảng Đức, Đại đức Đức Nghiệp đi bên cạnh xe. Trên đường đi, sư Chơn Ngữ đổ xăng từ đầu đến chân Hòa thượng Quảng Đức. Khoảng hơn 9 giờ, khi đoàn tăng ni đến ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng tháng Tám) ngay trước Tòa Đại sứ Campuchia, Trí Minh ngồi cạnh tài xế bảo tài xế ngừng xe lại như hỏng máy, rồi tài xế và Trí Minh xuống xe để chữa xe, tăng ni đứng bao quanh xe ba vòng. Trong lúc đó, Hòa thượng Quảng Đức xuống xe, đi bộ đến ngay giữa ngã tư ngồi kiết già, một Đại đức cầm bình xăng tưới thêm trên người và y hậu của Hòa thượng và Hòa thượng thản nhiên tự bật hộp quẹt (bao diêm) để tự thiêu, ngọn lửa bùng cháy lên vây kín Hòa thượng. Phía ngoài, Đại đức Đức Nghiệp đã cho hai chục tăng ni nằm ở bốn đầu đường để xe cứu hỏa không thể vào nơi tự thiêu của Hòa thượng. Các tăng ni, Phật tử bật khóc lên tứ phía, nhiều vị đã sụp xuống đường lạy, các tăng ni quỳ tụng kinh mà mắt đầm đìa rơi lệ. Trong khi ấy, Hòa thượng vẫn ngồi nguyên như người tọa thiền trong giữa đám lửa hồng và khói đen, miệng vẫn niệm Phật. Ngọn lửa tàn lụi dần, thân xác Hòa thượng Quảng Đức hiện ra như một tượng đồng đen, rồi Ngài ngã xuống, bàn tay vẫn kiết ấn Cam lồ …
Trước cảnh bi hùng ấy, hầu hết mọi người đều rơi lệ. Một số nhà nhiếp ảnh và phóng viên chụp hình, ghi lại cảnh tượng hy sinh hào hùng vì Phật pháp của Hòa thượng Quảng Đức. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, và có lẽ cả trên thế giới, người ta đã chứng kiến một cuộc tự thiêu của tăng sĩ để phản kháng chính sách đàn áp và kỳ thị Phật giáo của Chánh quyền.
Trong lúc diễn ra cảnh tự thiêu nầy, có sự chứng kiến của một số Đại diện các Hảng Thông tấn và Phóng viên báo chí nước ngoài : Simon Michaud (Thông tấn AFP của Pháp), Neil Sheehan (Thông tấn UPI), Malcome Browne (Thông tấn AP của Mỹ) người đã chụp các ảnh Hòa thượng tự thiêu sống động, nổi tiếng cả thế giới…, và có cả xe của Đại tướng Hawkins đến địa điểm tự thiêu nầy.
Thi hài Hòa thượng Quảng Đức được đặt trên lá cờ Phật giáo và được đưa lên xe rước về chùa Xá Lợi. Quan tài được quàn tại chùa Xá Lợi, hàng ngày có hàng vạn người đến chiêm bái và phúng viếng bất chấp công an và mật vụ bao vây kín quanh chùa.
Ngay ngày hôm đó, Phó Đại sứ Hoa Kỳ Truehart phúc trình về Hoa Kỳ việc Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu và xác quyết là Cộng sản không có ảnh hưởng đối với phong trào đấu tranh nầy của Phật giáo ; có một số Nhà chính trị và quân sự Phật giáo muốn lật đổ chánh quyền Ngô Đình Diệm; đề nghị chánh quyền Diệm phải thỏa mãn những nguyện vọng chính đáng của Phật giáo.
Đài phát thanh, báo chí trong và ngoài nước đều đưa tin cuộc tự thiêu nầy. Tin nầy làm rung chuyển lòng người khắp trên thế giới, làm cho cả chế độ gia đình trị và kỳ thị tôn giáo của Ngô Đình Diệm phải lung lay.
Chín ngày sau (19-6-1963), linh cữu của Hòa thượng mới được cho phép đưa về An Dưỡng địa ở Phú Lâm để hỏa thiêu. Chánh quyền chỉ cho phép 200 tăng ni đi đưa đám và bị bắt buộc phải đi bằng xe hơi. Dân chúng đứng hai bên đường tiễn đưa, các nhàdân chúng đều bày bàn hương án cúng bái.
Khi hỏa thiêu nhục thân Hòa thượng, một hiện tượng vô cùng huyền bí xảy ra : Thân xác bị cháy thành tro, nhưng trái tim vẫn còn nguyên vẹn, dầu đã hỏa thiêu lần thứ hai, với sức nóng trong lò lên đến trên 1.000 độ. Trái tim bất diệt của Hòa thượng được rước về thờ ở chùa Xá Lợi. Sau đó, Thượng tọa Trí Quang và ông Mai Thọ Truyền bí mật gởi trái tim trong Ngân hàng Nước ngoài.
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có bài thơ “Lửa từ bi” dâng lên Bồ tát Quảng Đức :
Lửa ! Lửa cháy ngất tòa sen !
Tám chín phương nhục thể trần tâm hiện thành thơ, quỳ cả xuống.
Hai vầng sáng rưng rưng
Đông tây nhòa lệ ngọc
……………………………………………..
Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc,
Lụa hay tre, nào ai khiến bắt ai ghi !
Chỗ người ngồi : một thiên thu tuyệt tác
Trong vô hình sáng chói nét từ bi.
Rồi đây, rồi mai sau còn chi ?
Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát
Với thời gian lê vết máu qua đi.
Còn mãi chứ ! Còn trái tim bồ tát
Gội hào quang xuống tận chốn A - tỳ .
Ôi ngọn lửa huyền vi !
Thế giới ba nghìn phút giây ngơ ngác. …
Ngay hôm đó, chánh phủ Campuchia tuyên bố  cắt đứt ngoại giao với Việt Nam Cộng Hòa. Sau đó, Tích Lan và các nước Phật giáo trên thế giới vận động đưa vấn đề kỳ thị tôn giáo kỳ thị và tàn sát Phật giáo Việt Nam ra trước Liên Hiệp quốc.
Ngày 12-5-1963, Bác sĩ Trần Kim Tuyến (Mật vụ của Tổng thống Ngô Đình Diệm) cử Trung tá Trương Khuê Quang đi chuyến máy bay đặc biệt ra Huế để bí mật điều tra tình hình và rước Hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết cùng các nhà lãnh đạo Tổng hội Phật giáo VN vào Sài Gòn để họp với chánh quyền giải quyết vấn đề Phật giáo. Nhờ Trung tá Trương Khuê Quang là đệ tử của Thượng tọa Thiện Minh nên đã để cho Thượng tọa Trí Quang được tháp tùng theo chuyến máy bay đó sau vài trở ngại. Vào đến Sài Gòn, Phái đoàn của Hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết được sắp xếp cư ngụ ở chùa Xá Lợi.    
Ngày 14-6-1963, Ủy ban Liên Bộ và Ủy ban Liên Phái họp ở Hội trường Diên Hồng. Và ngày 16-6-1963 Thông Cáo Chung về Năm Nguyện vọng của Phật giáo được hai bên ký kết.
Nhưng Ngô Đình Thục và hai vợ chồng Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân không những không thi hành Thông Cáo Chung mà còn mở chiến dịch phản công Phật giáo qui mô hơn qua các tổ chức Thanh niên Cộng hòa, Phụ Nữ Liên đới, Phụ Nữ Bán Quân sự, Trung tâm Nhân vị Vĩnh Long, Thương Phế binh, các cơ quan Thông tin, Dân vận, Cảnh sát, Công an, Mật vụ … để vu khống , hăm dọa, cô lập, khủng bố, bắt giam, tra tấn, bắt cóc, ám sát, thủ tiêu … tăng ni và tín đồ Phật giáo chống đối.
Ba thế lực ở Việt Nam lúc đó là Anh em Ngô Đình Diệm, Phật giáo và Hoa Kỳ lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc, chưa có phương cách giải quyết thỏa đáng vấn đề Phật giáo …
Ngày 04-7-1963, Tổng thống Kennedy và các cố vấn thân cận xem xét tình hình VN và đi đến kết luận : 1- Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu là hành động hy sinh vì Phật pháp đích thực chứ không phải là dàn cảnh ; 2- Vợ chồng Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Diệm không chịu đề cho vợ chồng Nhu ra nước ngoài, do đó tình hình đấu tranh sẽ trầm trọng, căng thẳng hơn, và thế  nào cũng có xảy ra cuộc binh biến ; 3-Cục Trung ương Tình báo (CIA) báo cáo là đang có những âm mưu đảo chánh để lật đổ Ngô Đình Diệm. Một tuần sau đó, CIA lượng định rằng Đảo chánh lần nầy dễ thành công chứ không trở ngại như lần trước (11-11-1960). Ý tưởng thay Ngô Đình Diệm bằng cuộc đảo chánh Quân sự đã được định hình trong chủ trương của Hoa Kỳ.
Ngày 07-7-1963, chánh quyền Diệm định đưa vụ Nhất Linh ra xử để dằn mặt Phật giáo và phe đối lập. Nhưng Nhất Linh đã tự tử trước khi bị đưa ra tòa với ý nguyện giống như Hòa thượng Quảng Đức là tự thiêu để “cảnh cáo những nhà cầm quyền chà đạp lên Tự do” .
Ngày 16-7-1963, Tăng ni biểu tình trước Nhà Đại sứ  Hoa Kỳ (Nolting) , yêu cầu chánh phủ thực thi Thông cáo chung. Ngày hôm sau, Phật giáo biểu tình từ chùa Giác Minh đến chùa Xá Lợi để thăm tăng ni đang tuyệt thực tại đây, cảnh sát Dả chiến đàn áp và bắt một số tăng ni chở vào khoảng đất trống ở An Dưỡng địa Phú Lâm, trong đó có 20 người bị thương ; một số chạy về chùa Giác Minh và chùa Từ Quang. Cảnh sát rào kẽm gai quanh chùa, phong tỏa gần 600 tăng ni, tín đồ sống thiếu thốn trong mấy ngày.
Từ 17 đến 20 tháng 7 năm 1963, Phật giáo tổ chức lễ cầu siêu cho Hòa thượng Quảng Đức và các Phật tử đã hy sinh cho Đạo pháp.
Ngày 18-7-1963, sau khi tiếp Đại sứ Notling, Tổng thống Diệm lên đài phát thanh tuyên bố chánh quyền sẽ giải quyết êm đẹp vấn đề Phật giáo.
Ngày 22-7-1963, Ủy ban Liên Phái họp báo tố cáo chánh quyền lừa gạt Phật giáo và không thi hành Thông cáo chung.
Cuộc tranh đấu của Tăng Ni Phật tử càng mãnh liệt thì chánh quyền cũng gia tăng khủng bố, bắt bớ giam cầm, bắt cóc, thủ tiêu … ở nhiều địa phương.
Ngày 03-8-1963, trong lễ khai mạc khóa Phụ Nữ Bán Quân sự, bà Ngô Đình Nhu đọc bài diễn văn vu khống, mạ lỵ và hăm dọa Phật giáo; bà gọi cuộc tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức là “nướng sư”; bà khuyên mọi người chớ quan tâm đến cuộc đấu tranh của Phật giáo …; đồng thời bà gián tiếp tố cáo chánh quyền Hoa Kỳ đe dọa và bắt bí chánh quyền Việt Nam hầu bịt miệng bà.

ĐẠI ĐỨC NGUYÊN HƯƠNG VỊ PHÁP THIÊU THÂN Ở PHAN THIẾT (BÌNH THUẬN).
Cuộc tranh đấu của Phật giáo với chánh sách kỳ thị tôn giáo và đàn áp Phật giáo của Chánh quyền Ngô Đình Diệm ở Miền Nam Việt Nam diễn tiến quyết liệt như trên, tình hình ở tỉnh Bình Thuận diễn tiến như sau :
Trong khi Tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận chuẩn bị tổ chức Lễ Phật Đản 2.507 (năm 1963) trang nghiêm nhưng tiết kiệm để giúp đồng bào hỏa hoạn ở Khánh Hội theo như Chỉ thị của Tổng hội Phật giáo Việt Nam và Hội Phật giáo Trung Phần, chuẩn bị treo cờ Phật giáo và hương đèn tại tư gia trong hai ngày 14 và 15 âm lịch (07 và 08 tháng 5 năm 1963), nhưng xảy ra sự việc bất thường : 17 giờ ngày 06-5-63, Ông Phó Trưởng ty Cảnh sát Quốc gia đem đến chùa Tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận bản sao Công điện 5159 cấm treo cờ Phật giáo ởø tư gia, chỉ treo cờ Quốc gia, mà không có ai ký tên, nên Tỉnh hội trả lời với Ông Phó Ty : Lễ Phật Đản năm nay, Tỉnh Hội Phật giáo phải treo cờ theo chỉ thị của Tổng Hội PG và Hội PG Trung Phần, còn việc triệt hạ cờ Phật giáo thì còn phải đợi  lệnh cấp Trung ương của Phật giáo chúng tôi; hoặc muốn chúng tôi triệt hạ cờ thì Tỉnh phải ký giấy ra lệnh, chứ một bản sao công điện không có ai  ký tên chịu trách nhiệm nên Tỉnh hội không thể thi hành triệt hạ cờ Phật giáo được. Vì thế, Ông Phó Ty Cảnh sát đành ra về.
Sáng ngày 07-5-1963 (14 âm lịch), Tỉnh hội PG vẫn treo cờ Phật giáo theo chỉ thị của Hội Phật giáo Trung Phần. Buổi chiều, Trưởng ty Cảnh sát Quốc gia (Đại úy Đức) đến điều đình để Tỉnh hội PG hạ cờ Phật giáo và treo cờ Quốc gia lên. Tỉnh Hội PG chỉ nhận lời là phía trước cổng chùa cắm thêm cờ, cứ một lá cờ Phật giáo thì có một lá cờ Quốc gia, còn trụ cờ chính trước chùa vẫn chỉ treo một Cờ lớn của Phật giáo. Việc treo cờ xem như đã tạm giải quyết. Đến 23 giờ, hai ông Trưởng ty và Phó Trưởng ty Cảnh sát cùng ông Hội Trưởng Tỉnh hội PG (Lê Văn Tho) đến chùa Tỉnh hội PG để điều đình hạ cờ Phật giáo nhưng không có ai tiếp, nên ông Hội trưởng PG để cho ông Phó Trưởng ty Cảnh sát và ông Cố vấn Tỉnh hội hạ cờ Phật giáo và kéo cờ Quốc gia lên.
Sáng ngày lễ Phật Đản (08-5-1963), Giáo hội và tín đồ PG đến Lễ đài tại chùa Tỉnh hội không thấy cờ Phật giáo mà chỉ thấy cờ Quốc gia nên không chịu làm lễ. Do đó, Tỉnh hội phải kéo thêm cờ Phật giáo lên, chánh quyền cũng không phản ứng gì, nên Đại lễ Phật Đản diễn tiến hoàn mãn.
Ngày 18-5-1963, ông Hội trưởng Tỉnh hội PG Bình Thuận nhận được tài liệu Tường thuật vụ chánh quyền đàn áp Phật giáo tại Huế trong ngày lễ Phật Đản vừa qua và Tâm Thư của Thượng tọa Tâm Châu kêu gọi làm lễ cầu siêu cho 8 vị Thánh Tử đạo tại Đài Phát thanh Huế sắp đến do Đại đức Chánh Lạc và quý Thầy trong Tổng hội Phật giáo Việt Nam từ Sài Gòn ra hướng dẫn.
Trưa ngày 20-5-1963, Đại đức Chánh Lạc đến chùa Tỉnh hội PG Bình Thuận hướng dẫn tổ chức lễ Cầu siêu và nhờ người in ronéo một số tài liệu về việc Chánh quyền tàn sát Phật giáo ở đài Phát thanh và đàn áp Phật giáo ở Huế. Chiều hôm đó, trong lúc tăng ni và Phật tử đang lo làm lễ đài chuẩn bị cho lễ cầu siêu thì Tỉnh Hội nhậân được Công văn của Tỉnh trưởng Bình Thuận (Trung tá Nguyễn Quốc Hoàng) cho phép làm lễ cầu siêu, nhưng Hội viên mỗi Khuôn hội không quá 20 người. Như vậy, trong Lễ cầu siêu, thành phố Phan Thiết có 4 khuôn hội, nên chỉ có 80 người được tham dự.
20 giờ, Đại đức Chánh Lạc và một số Đạo hữu trong Tỉnh hội thảo luận để viết Bản Kiến nghị yêu cầu Chánh phủ (Tổng thống Ngô Đình Diệm) thu hồi Công điện Triệt hạ cờ Phật giáo, ban hành qui chế bình đẳng tôn giáo ; và tổ chức cuộc biểu tình đến Tòa Hành chánh tỉnh đưa Kiến nghị cho Tỉnh trưởng vào sáng hôm sau.
Trong buổi lễ Cầu siêu ngày 21-5-1963 có Phó Tỉnh trưởng đến dự cùng mấy trăm tăng ni và tín đồ. Buổi lễ cầu siêu diễn ra tốt đẹp, Phật giáo trao Bản Kiến nghị cho ông Phó Tỉnh trưởng tại chùa Tỉnh Hội.
Ngày 24-5-1963, hai Đại đức Phước Lâm và Chúc Tài tổ chức tuyệt thực 48 giờ để cầu nguyện cho Năm nguyện vọng của Phật giáo được thành tựu, có 200 tăng ni và Phật tử tham dự. Từ hạ tuần tháng 5 năm 1963, Tỉnh hội tổ chức Tuyệt thực tại chùa Tỉnh hội thường xuyên : Ngoài Ban tụng niệm còn có Ban tuyệt thực. Ban ngày có các buổi tụng kinh Pháp Hoa, ban đêm có khóa lễ cầu an (tụng kinh Phổ Môn), trước chùa có treo hai biểu ngữ :
- Chúng tôi  yêu cầu Chánh phủ thực thi bình đẳng tôn giáo.
- Chúng tôi tuyệt thực để cầu nguyện cho 5 nguyện vọng của Phật giáo được thành tựu.        
Sau ngày Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn (11-6-1963), phong trào tranh đấu của Phật giáo ở Phan Thiết tăng thêm. Thiện nam tín nữ đến chùa dự các lễ ngày đêm, nhất là các ngày lễ cầu siêu cho Bồ tát Quảng Đức.
Sau khi Bản Thông cáo chung của Ủy ban Liên Phái Bảo vệ Phật giáo và Ủy ban Liên Bộ được phổ biến (16-6-1963), Tỉnh hội Phật giáo làm lễ tạ Phật rồi tăng ni, Phật tử giải tán, ai về nhà nấy.
Sau khi Bản Thông cáo chung được công bố một tháng, đến ngày 14-7-1963, mà Chánh quyền từ Trung ương đến địa phương (Tỉnh, quận) vẫn không thực thi điều nào cả, trái lại, nhiều nơi, chánh quyền còn khủng bố, bắt bớ, giam cầm tăng ni và tín đồ Phật giáo, nên Ủy ban Liên Phái Bảo vệ Phật giáo ra chỉ thị Phật giáo tiếp tục phong trào tranh đấu bất bạo động như trước.
Ngày 17-7-1963, Tăng Ni Phật tử tập trung về chùa Tỉnh hội PG Bình Thuận cầu nguyện đợt II nầy cũng đông như đợt I, cũng có hai Ban Tụng niệm và Tuyệt thực . Hằng đêm, rất đông thiện nam tín nữ đến chùa lễ Phật và lễ di tượng Bồ tát Quảng Đức, cùng nghe tin tức về cuộc đấu tranh của Phật giáo. Lễ chung thất cho Hòa thượng Quảng Đức (30-7-1963) số người dự lễ càng đông hơn nữa.
Cũng như  đợt trước, Đại đức Nguyên Hương trụ trì chùa Bửu Tích cũng  về chùa Tỉnh hội Bình Thuận ở Phan Thiết để dự các kỳ tuyệt thực 48 giờ cầu nguyện cho 5 nguyện vọng của Phật giáo được thành tựu với nhiều tăng ni và tín đồ.
Ngày 30 tháng 7 năm 1963, tại chùa Tỉnh hội PG, Đại đức Nguyên Hương đã có ý nguyện tự thiêu theo gương Hòa thượng Quảng Đức, nên Đại đức với pháp hiệu Thích Đức Phong bí mật viết bản thảo Trần Tình Thư gởi cho Hội chủ Tổng hội Phật giáo VN và quí Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni và Tín đồ Phật giáo trong và ngoài nước, trong đó có viết : “Nhận thấy nạn kỳ thị tôn giáo ngày một thêm trầm trọng, máu của Tăng, Ni và Tín đồ Phật giáo đã đổ càng lúc càng nhiều mà chính phủ vẫn khư khư giữ mãi luận điệu đánh lừa Phật giáo. Cố Hòa thượng Thích Quảng Đức đã phát nguyện tự thiêu vì  sứ mạng bảo vệ chánh pháp, ảnh hưởng ấy đã và đang lan tràn khắp thế giới, thế mà 5 nguyện vọng chính yếu của Ngài vẫn không thành. Ôi ! Đó phải chăng là thâm ý muốn kéo dài thời gian, để thối chí ngã lòng của quý hàng Phật tử có trách nhiệm duy trì chánh pháp. Vì thế, tôi một chú tiểu quét lá đa nhà chùa không thể ngồi yên nhìn cảnh đau thương của bao triệu Phật giáo đồ đang quằn quại dưới sự đàn áp bất lương của những người tàn bạo. Thế nên tôi đã tự phát nguyện đem tấm thân hèn mọn này dâng cúng mười phương chư Phật để yêu cầu chính phủ thực thi đúng đắn bản Thông Cáo Chung ………………………..
 Tôi tự phát nguyện hỏa thiêu thân này cúng dường ngôi Tam ba3ova2 cầu nguyện cho cuộc tranh đấu hợp lý của Phật giáo được mau thành tựu và Chánh pháp được trường tồn.
Chánh pháp đang buồn vương oan nghiệt
Bao người tranh đấu được trường tồn
Ai người tin tưởng lời Từ Phụ
Há lại làm ngơ liếc mắt nhìn.
                *    *    *
Chánh pháp đạo buồn vương oan trái
Ai người bảo vệ lá cờ thiêng
Đem thân thiêu đốt nơi công lộ
Một mất một còn dạ sắc son
                *   *    *
Hy sinh chánh pháp gương cao cả
Thi Thủy (1) lừng danh chí nhiệm mầu
Đem thân thiêu đốt nơi công lộ
Để tỏ gương lành khắp mọi nơi
                *   *   *
Hy sinh chánh pháp không danh lợi
Chỉ muốn chúng sanh thoát cảnh sầu
Chánh pháp sâu xa vô cùng tận
Thấy đó noi gương rất nhiệm mầu.
…………………………………………………………………………..”
Ngày 02 tháng 8 năm 1963, Đại đức Nguyên Hương viết Thư  gởi lại cho Cha mẹ.
Ngày 03 tháng 8 năm 1963, Trong lễ Khai mạc Khóa III Phụ nữ Bán quân sự tại Tòa Đô chánh Sài Gòn, bà Trần Lệ Xuân là người lãnh đạo Phụ Nữ Bán Quân sự và Phụ nữ Liên đới phát biễu miệt thị tăng ni, lên án Phật giáo, kêu gọi chống lại Thông Cáo Chung.
Ngày 03 tháng 8 năm 1963, trong số chư tăng ni, tín đồ phát nguyện tuyệt thực 48 giờ tại chùa Tỉnh Hội PG tỉnh Bình Thuận ở Phan Thiết có Đại đức Nguyên Hương và 10 em nam nữ Gia đình Phật tử. Trong đêm hôm đó đến rạng sáng  ngày hôm sau, Đại đức thức thâu đêm để viết lại 3 Bức Thư  mà Đại đức đã thảo ra mấy hôm trước để lưu lại khi tự thiêu : Thư gởi cho Giáo hội, Thư gởi cho cha mẹ, Thư gởi cho Bổn đạo chùa Bửu Tích.
Trong Thư mới viết gởi lại cho bổn đạo chùa Bửu Tích vào rạng sáng ngày 04 tháng 8 năm 1963, tại chùa Tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận (nay là chùa Phật Ân) trước khi tự thiêu, Đại đức Nguyên Hương kể sơ lược về việc chánh quyền đàn áp Phật giáo và cho biết chí nguyện tự thiêu như sau : “….. Giáo pháp Đức Thích Ca truyền bá đến Việt Nam đã gần 18 thế kỷ nhưng chưa bao giờ có sự kỳ thị như hiện nay dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Quý Thiện tín, máu Phật tử đã chảy lần đầu tiên trong dịp lễ Phật Đản tại cố đô Huế. Rồi tiếp các chùa bị phong tỏa, chư tăng ni bị bắt cóc và đánh đập một cách tàn nhẫn. Vì vậy, tôi quá đau lòng nên xin tự thiêu trước cúng dường thập phương chư Phật sau nguyện cho chính phủ mở lòng từ bi để thực thi nghiêm chỉnh năm nguyện vọng của Phật giáo….”
Sáng ngày 4-8-1963 (Rằm tháng 6 năm Quý Mão), tại chùa chỉ còn mấy chục tăng ni và Đoàn sinh Gia đình Phật tử tuyệt thực 48 giờ. Đại đức Nguyên Hương vẫn thản nhiên và trò chuyện thân mật với các đoàn sinh Gia đình Phật tử đang cùng tuyệt thực  một cách từ hòa, hoan hỷ như thường ngày, không ai trong chùa biết được việc Đại đức viết 3 Thư Di bút để lại, cũng như không biết gì về ý chí quyết định tựï thiêu thân vì Đạo pháp (theo gương Hòa thượng Quảng Đức), đấu tranh bất bạo động đòi chánh quyền giải quyết 5 nguyện vọng chính đáng của Phật giáo và phản đối chánh sách đàn áp tàn bạo của chánh quyền đối với Phật giáo … của Đại đức.
Đến hơn 11 giờ, Đại đức Nguyên Hương (Đức Phong) một mình, tay xách bình (4 lít) mua xăng pha nhớt (vì sợ người khác biết ý định tự thiêu), tay ôm chiếc cà sa, đi đến Đài Chiến sĩ ở bên cạnh Tòa Hành chánh tỉnh Bình Thuận tại Phan Thiết, khoát y hậu vàng, ngồi kiết già, tự tay chế xăng và tự tay quẹt diêm tự thiêu. Lửa bùng lên trong mấy phút, thân bị cháy, nhưng vẫn ngồi ngay ngắn trong tư thế tọa thiền và tay vẫn kiết ấn. Một phu xe xích lô thấy cảnh tự thiêu nên về chùa Tỉnh hội báo. Cảnh sát đến đưa nhục thân của Ngài lên xe jeep chở đến bệnh viện Phan Thiết.
Nghe tin nầy, Sư bà Huyền Học và một số sư cô chùa Bình Quang Ni Tự  và một số đoàn sinh Gia đình Phật tử vội vã đến bệnh viện và vào Nhà xác để giữ xác Đại đức Nguyên Hương. Cơ quan công lực đến bao vây quanh bệnh viện nghiêm ngặt, lực lượng canh phòng càng lúc càng đông hơn, nên tăng ni và tín đồ hay tin đến sau không vào được, ngược lại, mấy chục sư cô và Phật tử ở bên trong bệnh viện cũng không ra ngoài được, bị giam lỏng, không ăn, không uống, không biết tin tức …
Sư bà Huyền Học cùng mấy chục sư cô và đoàn sinh Gia đình Phật tử ở trong bệnh viện sợ chánh quyền cướp xác Đại đức đem đi mất, nên nằm trong nhà xác để canh giữ. Phía ngoài bệnh viện, khoảng 200 tăng ni và thiện nam tín nữ đang ngồi tụng kinh. Công an cảnh sát đến canh gác trước chùa Tỉnh Hội.
Suốt buổi chiều hôm ấy, Chánh quyền cho xe phóng thanh chạy khắp thành phố Phan Thiết rêu rao rằng : - Có một thanh niên thua bạc ở Sài Gòn đã đến tự thiêu  tại Đài Chiến sĩ Phan Thiết, đồng bào hãy bình tĩnh ; - Có một thanh niên bị bệnh và thất tình ở Phan Rí vào tự tử tại đài Chiến sĩ Phan Thiết.
Phật tử trong chùa Tỉnh Hội gắn loa trên cột cờ lớn phản công lại : Toàn thể Phật giáo đồ và đồng bào nên nhận định và đề cao cảnh giác, đừng nghe những lời xuyên tạc, che dấu sự thật của xe phóng thanh loan tin. Sự thật, người đã tự thiêu trước đài chiến sĩ chính là một vị Tăng thuộc Giáo hội Tăng già tỉnh Bình Thuận đã tự thiêu để phản đối việc Chánh phủ không thực tâm thi hành Bản Thông Cáo Chung đã ký kết với Phật giáo và vẫn tiếp tục đàn áp Phật giáo đồ.
Chánh quyền bảo tăng ni và tín đồ ở trong và ngoài bệnh viện giải tán, đêm nay (04-8-63), họ sẽ chở xác về chùa Tỉnh Hội. Nhưng nhờ rút kinh nghiệm ở Sài Gòn và các tỉnh khác nên những người ở trong và ngoài bệnh viện nhất định không ra về.
Đêm hôm đó, quân đội được tăng cường, bố phòng canh gác nghiêm ngặt hơn, và tìm cách cắt đứt liên lạc của các tăng ni và Phật tử bên trong và phía ngoài bệnh viện.
7 giờ sáng hôm sau (05-8-1963), chánh quyền cho đặt  nhiều máy ghi âm ở trước nhà xác. Sau đó có ba xe tiến vào nhà xác : một xe chở Dân vệ và lính Bảo an ở quê của Đại đức Nguyên Hương (Tuy Phong), một xe chở song thân của Đại đức, một xe chở quan tài. Xuống xe, nhân viên công lực dẫn song thân của Đại đức vào một phòng riêng để chỉ bảo những lời phải tuyên bố trước tăng ni và tín đồ ở trước nhà xác. Sau khi ra khỏi phòng, mẫu thân của Đại đức đến trước nhà xác lạy các sư cô khóc lóc thảm thiết và phải nói y theo những lời gian trá mà chánh quyền đã bảo trước đó : Con tôi [Đại  đức Nguyên Hương], tôi nuôi từ nhỏ đến giờ,  bỏ nhà đi tu  mới  có ba năm nay [sự thật thì Đại đức tu từ lúc 6 tuổi, đến lúc đó đã 23 tuổi]. Giờ đây nó đã chết rồi, có chánh quyền làm chứng, tôi xin các Sư Cô hãy cho tôi đem nó về quê  an táng …. Chánh quyền cho thu băng những lời nói đó, ngoài ra, vài nhân viên công lực la ó những câu xuyên tạc và phỉ báng Phật giáo.
Sau khi chụp ảnh và thu băng những lời kêu khóc của song thân Đại đức xong, chánh quyền cho lính Bảo an đưa chiếc quan tài vào nhà xác , Sư bà Huyền Học và các sư cô đẩy ra, dằng co mãi. Họ la hét, hăm dọa, rút súng đòi bắn … nhưng vẫn vô hiệu trước sự đồng tâm nhất trí của những người con Phật quyết bảo vệ chánh pháp dù phải hy sinh …
Đến trưa, 200 lính Bảo an, Công an, Mật vụ, Cảnh sát, Dân vệ đến tăng cường, ra lệnh đóng kín các cửa sổ bệnh viện, không cho bệnh nhân thấy cảnh đàn áp Phật giáo. Ba bốn lính hay nhân viên công lực bắt một tăng hay ni hay Phật tử đưa vào Phòng bệnh nhân điên, phòng đầy người, họ bắt trói thúc ké cho đứng ở sân bệnh viện. Trong khi đó, một số đông tăng ni, tín đồ ở phía ngoài hàng rào bệnh viện  kêu cứu, phản đối , chánh quyền cho máy phóng thanh phát lớn tiếng để lấp tiếng phản đối …
Toán Dân vệ do Quận trưởng quận Tuy Phong (Đại úy Chi) vào nhà xác bẻ gãy xương Đại đức Nguyên Hương để bỏ vào quan tài, vì lúc đó, dù bị thiêu cháy, nhưng nhục thân Đại đức vẫn còn trong tư thế ngồi thiền và tay vẫn bắt ấn. Xe GMC của quân đội chở quan tài của Đại đức Nguyên Hương đưa về an táng ở nghĩa địa xã Long Hương (nay là xã Liên Hương), quận Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận mà không cho hỏa táng.
Sau đó, chúng thả 26 tăng ni và tín đồ trong bệnh viện ra, nhưng cổng bệnh viện bị khóa, không thể ra được. Hơn 15 giờ, Hiến binh đến làm Biên bản. Sư bà Huyền Học cùng tăng ni và tín đồ ngồi sắp hàng tụng kinh. Đến 18 giờ, xe chở Thượng tọa Huyền Minh và chư tăng trong Ủy ban Liên Phái  đến bệnh viện. Thượng tọa Huyền Minh sụp lạy chư tăng ni đang tụng kinh. Tất cả nhìn nhau khóc. Sau khi hỏi thăm sức khỏe và hỏi qua sự việc, thu thập tin tức, rồi xe đưa nhau về chùa Tỉnh Hội.
Kề từ ngày Đại đức Nguyên Hương tự thiêu, tình hình căng thẳng, chánh quyền tỉnh Bình Thuận phải ra lệnh Giới nghiêm (từ 23 giờ đêm đến 5 giờ sáng).
Ngày 07-8-1963, Phái đoàn Hội Phật giáo Trung phần do Thượng tọa Mật Nguyện làm Trưởng đoàn đến chùa Tỉnh hội Phật giáo Bình Thuận. Đêm đó, phái đoàn và Ban Đại diện Tỉnh hội PG Bình Thuận họp mật để thảo luận về kế hoạch đấu tranh bất bạo động đòi Chánh Phủ thi hành Thông Cáo Chung của Ủy ban Liên Bộ và Ủy Ban Liên Phái.
Ủy ban Liên Phái gởi Văn thư cho Tổng thống NĐD phản đối việc bà Ngô Đình Nhu (Trần Lệ Xuân) đã mạ lỵ Phật giáo trong bài phát biểu ngày 03-8-63, và lưu ý Tổng thống về sự khuynh loát của bà Nhu.
Tổng hội Phật giáo VN gởi liên tiếp hai Văn thư  đến Tổng thống NĐD tố cáo âm mưu thực hiện “Kế hoạch Nước lũ” và các cuộc Đảo chánh “giả” Bravo I và Bravo II của Ngô Đình Nhu để đàn áp và phân hóa Phật giáo.
Ngày 12-8-1963, Tổng hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ Cầu siêu cho cố Đại Đức Nguyên Hương tại chùa Xá Lợi (Sài Gòn) và các chùa trên  toàn quốc.
 Lúc 12 giờ đêm, sau khi dự lễ Cầu siêu cho Đại đức Nguyên Hương ở chùa Xá Lợi, nữ sinh Mai Tuyết An (18 tuổi) dùng dao tự chặt bàn tay trái để cúng dường mười phương chư Phật hộ trì cho các Nguyện vọng của Phật giáo Việt Nam được mau đạt thành, cầu siêu cho các Thánh Tử đạo, và phản đối việc Bà Ngô Đình Nhu (Trần Thị Lệ Xuân) đã xúc phạm đến quý vị tôn túc trong Phật giáo. Chặt nhưng tay không đứt, phải đưa vào bệnh viện.
Ngày 13-8-1863, Tăng sinh Thanh Tuệ (17 tuổi) tự thiêu ở chùa Phước Duyên (Huế). Sau đó xảy ra cuộc tranh giành di hài Tăng sinh Thanh Tuệ để đưa về chùa Từ Đàm làm lễ khâm liệm và cầu siêu. Tiếp theo đó là cuộc biểu tình lớn ở Huế, Chánh quyền đàn áp dã man, nhiều Phật tử bị thương. Chánh quyền phải ban hành lệnh Giới nghiêm.
Ngày 14-8-1963, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (U Thant) gởi Thư cảnh cáo Tổng thống Ngô Đình Diệm và thông báo việc nhiều nước, cùng nhiều tổ chức trên thế giới đề nghị đưa vấn đề kỳ thị tôn giáo của chánh quyền Ngô Đình Diệm ra Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
Ủy ban Liên Phái Bảo vệ Phật giáo kêu gọi tăng ni hạn chế việc tự thiêu.
Ngày 15-8-1963, sư cô Diệu Quang (20 tuổi) tự thiêu tại Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa để lãi Di Thư cầu cho Năm nguyện vọng của Phật giáo mau thành tựu. Chánh quyền “tịch thu” di hài Sư cô, tạo ra cuộc đấu tranh kịch liệt giữa tăng ni và tín đồ Phật giáo với cảnh sát và lính Bảo an, 3 người bị thương, 200 người bị bắt giam. Nha Trang ban hành lệnh giới nghiêm, nam công chức phải ở lại tại công sở, nữ công chức phải đến công sở vào các ngày nghỉ.
 Ngày 15 -8-1963, 8 giờ 30 Sư cô Thích Nử Diệu Quang tự thiêu ở cạnh Trường Hòa Xuyên, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; chánh quyền cướp xác, phong tỏa chùa Long Sơn và Phật Học viện Nha Trang. Ngày hôm sau, hơn 600 tăng ni và Phật tử ở Nha Trang biểu tình phản đối chính quyền giữ xác ni cô Diệu Quang và “cướp” xác Tăng sinh Thanh Tuệ.
 Ngày 16-8-1963, Thượng tọa Tiêu Diêu hay Thiện Huệ (71 tuổi) sau hai ngày tuyệt thực đã tự thiêu tại chùa Từ Đàm (Huế). Ngày hôm sau, Hơn 40 Giáo sư Viện Đại học Huế từ chức, hàng ngàn sinh viên bãi khóa … phản đối sự đàn áp Phật giáo của anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn.
Ngày 20-8-1963, biểu tình lớn ở thành phố Đà Nẳng, chánh quyền phải ban hành lệnh giới nghiêm.

Chiến dịch Nước lũ (Đêm 20-8-1963).
Trước các cuộc tự thiêu và các cuộc biểu tình chống Chánh quyền của Phật giáo ngày càng phát triển mạnh, Chánh quyền Diệm-Nhu lập “Chiến dịch Nước Lũ” nhằm bắt các vị lãnh đạo Phật giáo, để trấn áp, tiêu diệt tinh thần đấu tranh của Phật giáo :
Ngày 18 và 19-8-1963, Hội trưởng Hội Phật giáo Nguyên Thủy (cụ Hiếu) biết âm mưu triệt hạ Phật giáo trong “Chiến dịch Nước Lũ” của anh em Diệm-Nhu và muốn cứu các Vị lãnh đạo Phật giáo, nên đến chùa Xá Lợiõ nói riêng với Thượng tọa Trí Quang rằng: ông Đại sứ Thái Lan quen cụ, nhắn lời với Thượng tọa Trí Quang và các vị Lãnh đạo Phật giáo có thể vào tị nạn ở tòa Đại sứ Thái nếu các ông muốn. Thượng tọa Trí Quang nói với cụ Hiểu xin gửi lời cám ơn, nhưng không có ý tị nạn. Thượng tọa Tâm Giác cũng đến chùa Xá Lợi nói tương tự, Thượng tọa Trí Quang cũng trả lời tương tự.
19 giờ ngày 20-8-1963, Thượng tọa Tâm Giác đưa một người Nhật là nhân viên tòa Đại sứ Nhật đến chùa Xá Lợi gặp Thượng tọa Trí Quang cho biết : Đêm nay, Chánh quyền Ngô Đình Diệm sẽ tấn công chùa để bắt các vị lãnh đạo Phật giáo, nếu Thượng tọa Trí Quang và các vị Lãnh đạo Phật giáo cần vào Tòa Đại sứ Nhật để tỵ nạn thì Ông nầy sẽ đưa đi. Thượng tọa Trí Quang cám ơn lòng tốt của Đại sứ Nhật, nhưng các vị không chịu đi. Dù vậy, người Nhật nầy và Thượng tọa Tâm Giác  vẫn ngồi ở đó chờ xem vào giờ chót Thượng tọa Trí Quang có thể thay đổi quyết định. Thầy Tâm Giác và người Nhật ấy đợi đến gần 23 giờ khuya, hỏi Thượng tọa Trí Quang lần chót, ghi nhận lãnh đạo Phật giáo có ý thức không tị nạn , hai vị mới ra về. Họ về quãng nửa giờ thì cảnh sát Dã chiến và quân đội Đặc biệt của Đại tá Tung tấn công chùa Xá Lợi. Cùng lúc đó, tại Sài Gòn, Mật vụ Phủ Tổng thống, Biệt kích, Cảnh sát Dã chiến tấn công các chùa: Giác Minh, Ấn Quang, Chantaransay, Huệ Nghiêm; tại Huế, cảnh sát, mật vụ … tấn công vào chùa Từ Đàm, Linh Quang, Diệu Đế, …; … để bắt các lãnh các nhà lãnh đạo Phật giáo và mấy trăm tăng ni.
Tại chùa Xá Lợi, Thượng tọa Trí Quang và nhiều vị lãnh đạo Phật giáo (Tịnh Khiết, Thiện Luật, Hộ Giác, cư sĩ Mai Thọ Truyền …) đều bị bắt. Các Thượng tọa Trí Quang, Thiện Luật, Hộ Giác và mấy trăm tăng ni, tín đồ bị bắt đưalên 5 xe chở về giam ở Rạch Cát. Nhưng nhờ may mắn, chính quyền Diệm không phát hiện ra Thượng tọa Trí Quang (có một vài Cảnh sát và Mật vụ biết Tt Trí Quang nhưng không báo cáo cho cấp trên …). Nhờ đó, Thượng tọa Trí Quang giả làm tăng sĩ Phật giáo Nguyên Thủy, được thả về chùa Pháp Quang ở cầu Băng Ky (Gia Định) cùng với các tăng ni Phật giáo Nguyên Thủy thuộc Tổ chức của Thiện Luật, Hộ Giác, Hộ Tông, Giới Nghiêm ….
Sau đó, Thượng tọa Trí Quang dùng mưu trí, cùng Đại đức Nhật Thiện, và sư Nhâm chạy vào Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn (gần Chợ Cũ) tỵ nạn chính trị . Thượng tọa được tiếp xúc trực tiếp với Đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge, trình bày hết những việc đàn áp, bắt bớ tăng ni và Phật tử của chánh quyền Ngô Đình Diệm. Thượng tọa Trí Quang ở tòa Đại sứ Mỹ từ đó cho đến khi quân đội đảo chánh lật đỗ chế độ Ngô Đình Diệm, mới về chùa Ấn Quang.
Trong Bài Tham luận “Từ Rạch Cát tới Tòa Đại sứ” trích Hồi ký chưa xuất bản của Tỳ kheo Thích Trí Quang, Bản riêng Mai Lan – Lệ Ân, viết :
“ … Khi [cảnh sát] tấn công chùa Xá Lợi, chúng dỡ họa đồ ra tìm đúng chỗ tôi là các tầng tháp Xá Lợi. Chỗ nằm, chỗ làm việc, chúng tìm không sai. Nhưng chúng không ngờ một tuần trước đó, vì chịu không nổi mùi sơn viết biểu ngữ, tôi đã xuống hậu tẫm của chánh điện Xá Lợi. Ở đó sát vách với bộ phận tăng ni đánh máy quay ronéo. Nên tôi  bị bắt với bộ phận ấy. Vì vậy mà chúng tìm không ra. Lúc lên xe tải, cảnh sát lái xe  và cảnh sát gác hỏi nhỏ có ông lớn nào thóat không ? Chúng tôi không trả lời gì. Sau đó biết cảnh sát trên các xe khác cũng hỏi như vậy. Rồi cả đòan xe chạy. Một hồi thì ngừng. Thì ra chiếc xe đi trước hết bị hỏng (sau này nghe nói là cố ý). Mà đường thì hẹp. Nhìn ra thấy đường nằm trên cánh đồng. Đường thấp, đồng có nước mà chắc là cạn. Các anh cảnh sát nói chuyện với chúng tôi, nói rất nhỏ, rằng ai muốn thì thóat đi. Nhưng không ai làm việc ấy cả.
Một hồi thì xe lại chạy. Đến một nơi, sau đó mới biết là đồn Rạch Cát. Bấy giờ quãng 3, 4 giờ sáng. Không mưa nhưng lạnh. Chúng tôi bị lùa vào hai dãy nhà. Tôi với một số chư tăng vào một nhà. Thì đã thấy có chư tăng ở trước đó. Mới biết [các chùa] Giác Minh, Ấn Quang, Già Lam, Huệ Nghiêm, Pháp Quang, Changransey cũng bị bắt cả rồi. Bên dãy nhà chư ni và Phật tử cũng là như vậy. Tôi hơi mệt, nền nhà lạnh và dơ mà vẫn nằm. Thì có một tăng sĩ, mà đến nay tôi vẫn chưa biết là ai, đến ngồi xếp bằng bảo tôi gối đầu lên vế của thầy mà ngủ. Quảng một giờ cả nhà nhốn nháo. Thì ra cụ Chánh Trí [Mai Thọ Truyền] bị buộc đi theo hai cảnh sát ruồng trong các nhà. Vừa đi, cụ vừa nhìn vừa nói không có, không có. Khi đến tôi, chúng tôi nhìn nhau mà cụ càng nói không có, không có. Mới hay chúng dẫn cụ đi nhìn mặt để bắt tôi.Sau đó biết các lãnh đạo cấp cao và cấp kế đều bị bắt đi  riêng cả. Ai chưa thì họ lùng trại Rạch Cát mà bắt. Thế nhưng sót lại còn ngài Thiện Luật, tôi với thầy Huyền Quang, thầy Hộ Giác. Phần tôi, họ lùng không ra, lại nghi tị nạn ở Tòa Đại sứ nào rồi. Sau đó tin cho biết như vậy. Lại cho biết, họ vẫn còn nghi, đã cho một thầy vốn cùng Phật học viện với tôi, làm như bị bắt mà vào Rạch Cát dò xét. Quả có thầy ấy. Thầy giáp mặt tôi mà không nói gì, rồi cũng không thấy gì.
Nay hãy tiếp tục câu chuyện. Khi họ lùng rồi, vị tăng sĩ trên nói với tôi, bây giờ gần sáng rồi. Khi thầy ngủ chúng con bàn với nhau. Bây giờ xin thầy mặc y Nam Tông (đã có một tăng sĩ Nam Tông đợi đổi y với tôi). Rồi dời qua ở bên nhà của chư tăng Nam Tông. Ở đó có cả chư tăng chùa Changransay, sẽ bảo hộ thầy. Ngòai ra chư tăng Già Lam được phân công theo dõi mà giúp đỡ. Bổn phận con đến đây là hết. Tôi ngạc nhiên và cảm kích sự giúp đỡ ấy, nên bấy giờ nằm sát với ngài Thiện Luật, thầy Hộ Giác.Tăng ni hỏíy kiến gì thì tôi bàn với hai vị này mà chỉ bày.
Ở đây nói trước về tăng ni Phật tử trẻ đã. Suốt cuộc vận động 1963 của Phật giáo, không một ai bị bắt trước hay sau thiết quân luật mà để cho đối phương khinh thường. Tăng ni lớn tuổi đã đành như thế. Tăng ni Phật tử trẻ càng là như thế. Họ thật khôn ngoan, trung hậu và rất anh hùng. Họ tin tưởng và bảo vệ lãnh đạo đến kỳ lạ. Chính những ngày ở Rạch Cát với họ mà tôi thấy rõ và tin tưởng họ hơn lên. Nội việc trên dưới 500 người ở chung mà tin tức về tôi không bị lộ ra, đã là cả một vấn đề. Sau Cách mạng 01 tháng 11, tin tức nghe được từ mọi phía, tại Sài Gòn cũng như các tỉnh, không ai mà không thán phục tăng ni Phật tử trẻ mà cang cường. Không ai gặp một tăng ni Phật tử trẻ nào bị tra tấn mà khuất phục, phản bội. Cũng không ai mà không công nhận rằng, trong tình trạng giới nghiêm, tăng ni Phật tử trẻ đã gây ra bao nhiêu là xúc động, cảm phục, tích cực họat động theo.
Lại tiếp tục câu chuyện. Ở  trại Rạch Cát sau một ngày bị bắt, thầy Nhật Thiện (vốn đồng sư và đồng châu với tôi) và thầy Hành Tuệ (sau chết trong chuồng cọp ở Côn Đảo) bàn nhau cùng ở sát tôi, dời ở một nơi nhỏ hơn. Họ lo cho tôi hết sức hết lòng. Trong thì gian này họ bắt khai lý lịch, lăn tay, chụp ảnh. Đến  lượt tôi, thầy Nhật Thiện kéo một tăng sĩ Nam Tông nữa cùng đi với tôi. Đến bàn làm việc họ cùng ngước lên nhìn rồi cũng cúi xuống cả. Rõ ràng có cái gì đó. Nên lời khai thì tôi đọc, hình thì thầy Nhật Thiện chụp, dấu tay thì tăng sĩ kia lăn. Họ làm việc mà không hỏi hay nhìn kỹ đối phương là ai. Thầy Nhật Thiện nói lý lịch nầy không dùng được vào việc gì cả, Ni sư Huệ Nghiêm qua thăm, tôi dặn kỹ công việc khi được phóng thích. Rồi viết một bài gọi là Thiền của ngài Qui Sơn, bằng cách nhớ và dịch giải bài minh trong Văn Cảnh sách của ngài….
Thời gian này thầy Nhật Thiện và ni sư Huệ Nghiêm bàn riêng với nhau, sắp đặt cho tôi thóat ra.Họ liên lạc được với một cảnh sát vốn là công chức bị bắt mặc đồ cảnh sát vào gác ban đêm. Người này chịu, hẹn tối hôm đó, mang thêm một bộ đồ cảng sát vào cho tôi thay để sáng hôm sau đèo xe người ấy chở ra. Nhưng gần trưa hôm sau đã được phóng thích. Việc phóng thích cũng ngồ ngộ.
Nguyên trước đó, thầy Thiện Hòa vào thăm trại, có xuống thăm riêng tôi, nói hễ được phóng thích thì thầy đua về Ấn Quang. Nhưng khi phóng thích thì cả thầy ấy và thầy Nhật Minh cho người xuống nói với tôi, rằng họ biết đích xác có tôi ở đây rồi. Xin thầy tự liệu. Tôi chẳng liệu gì cả. Cũng không phiền gì. Nguyên lãnh đạo Phật giáo có đem việc bị bắt ra bàn, rằng ai ở ngòai được thì nên ở. Nhưng chẳng ai chịu cả. Đến nay tôi cũng chẳng thiết gì lắm được phóng thích ra. Chúng tôi ý thức bị bắt, hơn nữa bị giết thì rất có tác dụng. Nên bấy giờ tôi vẫn thản nhiên. Nhưng một tăng sĩ Nam tông, người Huế, miệng nói, tay đẩy, thúc tôi đi ra với nhóm chư tăng Pháp Quang.
Khi điểm danh, đúng lúc thầy Hộ Giác bị bắt xuống xe tải thì tôi lên xe tải ấy, trước cái nhìn của thầy Thiện Luật. Ngài thản nhiên. Nhưng ai cũng biết ngài vừa thương vừa mừng. Chư ni đứng chờ, mừng lộ quá, thấy là biết liền, không hiểu tại sao chẳng xảy ra chuyện gì. Về Pháp Quang thì tôi đi tắm giặt, thầy Nhật Thiện xuống Xá Lợi, chạy về với ni sư Huệ Nghiêm, cùng báo tin họ biết tôi không ra với chư tăng Changransay thì với chư tăng Pháp Quang. Họ sắp đến đây. Quả nhiên, trời mưa như trút nước mà nhìn thấy họ họ bao vây bốn phía Pháp Quang, súng đã chĩa vào hàng rào.
Cùng lúc bộ phận chỉ huy vào thưa với ngài Thiện Luật bảo chư tăng ra cho họ kiểm tra, “kẻo thiếu ai thì họ chịu trách nhiệm”, ngài giằng co, từ chối, hẹn sáng mai; nói hôm nay mới về, chư tăng có người thưa tôi đi ra ngòai không ít. Họ không chịu. Đúng lúc ấy, với ý nghĩ vừa phát sinh, tôi bảo thầy Nhật Thiện và thầy Nhâm đi với tôi, xuống thưa ngài Thiện Luật, ngay trước mặt họ rằng chúng con đã viết thư ngài bảo (mà thật ra tôi mới viết vội vàng). Xin ngài ký cho để chúng con đưa về thầy ThiệnHòa. Thư có nội dung cám ơn việc phóng thích mà chúng tôi qui công cho thầy ấy. Biết ý, ngài bảo đọc, rồi ký, lại nói trời sắp tối rồi, các thầy đi mau mà về. Đi bây giờ để tỏ lòng chân thành.
Chúng tôi vâng dạ rồi đội mưa mà đi. Thì trước sân chùa, gần ngòai ngõ, đã có hai chiếc taxi đậu ở đó, không bình thường. Xe sơn vành đỏ, có nghĩa tài xế có thể bắt về Tổng nha Công an. Nhưng tôi vẫn đi một trong hai chiếc xe ấy, bụng nghĩ mọi việc ở chính cái anh chàng tài xế công an này. Thật ra hai thầy vẫn nghĩ tôi đi Ấn Quang, nhưng biết rằng cần yên lặng để tôi liệu.
Xe ra đến đường lớn, tôi nói với hai thầy, kỳ hạn xuất gia của tôi quá hơn một tháng rồi. Chuyến này tôi sẽ xin sư cụ trở về lập gia đình, hiểu ý, hai thầy nói anh em tôi cũng vậy. Anh tài xế bèn lên tiếng, vậy ra các ông không muốn tu nữa? Tôi cắt nghĩa cái lệ xuất gia có kỳ hạn của Phật giáo Nam tông là thế nào : ai muốn tu một thời gian để kiếm phước và tập tánh tốt thôi, thì có thể xuất gia từ một tháng đến vài ba năm, tùy ý, sau đó về nhà như thường. Ở các xứ Miên. Lào còn được mến trọng hơn lên.
Tài xế hỏi, các ông vừa rồi có bị bắt không ? Tôi nói bị bắt mới được thả ra trưa nay. Tại sao bị bắt? Tại đi biểu tình. Ai bảo các ông đi biểu tình ? Thấy trên đi thì đi. Tôi nói thế, nghĩ vừa phải rồi nên bẻ qua chuyện khác. Rằng từ chùa về tới Ấn Quang mà chỉ được 20 đồng tiền xe. Mấy ngày nay tù túng qua, chúng tôi muốn ra bến tàu chơi một chút rồi đi Ấn Quang, anh giúp được không ? Được, được.
Tôi biết chắc anh sẽ trả lời như vậy để có dịp dò xét hơn nữa. Tôi nghĩ,  thế  thì được quá đi rồi. Và biết hai thầy đã thừa hiểu ý tôi. Ra bến tàu, đến gần đường Hàm Nghi, tôi nói khi sáng đến giờ nặng đầu quá, anh làm ơn quẹo vào đây cho tôi tìm hiệu thuốc mua vài viên aspirine, được không ? Anh lại nói được, được, và thêm , kể như làm phước giúp mấy ông vậy mà. Vừa đi vào hiệu thuốc tôi vừa hỏi nhỏ thầy Nhật Thiện, biết Tòa Đại sứ Mỹ ở ngay trước cửa hiệu thuốc, lại biết luôn luôn mở cửa. Ra khỏi hiệu thuốc, tôi nói với tài xế, anh cứ lái xe theo chúng tôi ra bến tàu, chúng tôi đi bộ chút nữa; nói rồi tôi đi luôn, không để tài xế phản ứng  gì.
Tòa Đại sứ Mỹ bấy giờ nằm trên đường Hàm Nghi, cùng phía với hiệu thuốc. Hiệu thuốc ở góc trên, tòa Đại sứ ở góc dưới của con đường nhỏ hơn, băng ngang đường Hàm Nghi. Nhưng khi đi qua thấy cửa hơi khép. Tôi đi thẳng. Đi qua chiếc xe ca đang đậu ở đó, ngóai lại thì cửa mở rộng; thế là chúng tôi bất ngờ quay lại, đi nhanh vào. Công an cảnh sát gác ngòai cửa ấy càng bất ngờ, không phản ứng kịp, chỉ nắm được tay thầy Nhâm, nhưng thầy ấy giựt ra.
Anh lính Mỹ đứng sẵn nơi cửa, hai tay khoanh lại cho đúng thủ tục, nhưng xê ra cho chúng tôi vào phòng anh, nhỏ và gần sát lề đường. Anh đóng cửa lại liền, hỏi các ông là phe ông Trí Quang ? Thầy Nhật Thiện chỉ tôi, nói thầy Trí Quang là vị nầy. Không hỏi gì nữa, anh kéo ba chiếc ghế mời chúng tôi ngồi, rồi gọi điện thọai.
Một lát, người Mỹ đã gặp tôi ở chùa Từ Đàm đến, nói gì đó, mà tôi chắc là xác nhận về tôi. Thế là chúng tôi được đưa vào thang máy, lên một phòng có vẻ là nơi làm việc. Rồi ba người Mỹ nữa đến, mà sau này tôi biết một trong ba người là ông cố vấn chính trị tòa Đại sứ. Họ chỉ hỏi thăm bình thường. Rồi đem một chiếc radio, mở đài BBC cho tôi nghe. Thì ra đài này đang loan tin tôi đã vào tòa Đại sứ Mỹ. Từ khi vào đây đến lúc nghe BBC chỉ non một tiếng đồng hồ.
Trong khi nghe đài BBC, có tiếng chiến xa chạy tiếp nhau quanh quẩn tòa đại sứ. Mấy người nói với tôi, chắc là quân đội đang bao vây. Họ trịnh trọng nói, nếu thầy có ý tỵ nạn thì thầy là người khách của chúng tôi. Tôi nói, “tôi vào đây là để, xin lỗi, coi người Mỹ giải quyết thế nào về sự việc mà , dầu sao, người Mỹ cũng có trách nhiệm liên đới. Tôi yêu cầu tị nạn chính trị một thời gian cần thiết mà thôi”. Họ xác nhận với tôi, trịnh trọng mời lên nghỉ tạm tại phòng họp của họ. ……………………………………..
Khi ở tòa Đại sứ Mỹ, họ mời tôi lên sân thượng hứng gió chiều tối, nhìn xuống thấy quần chúng bên kia đường Hàm Nghi có vẻ nhận ra tôi và vui mừng. Thế là không bao giờ tôi lên nữa. Tôi nói với người Mỹ rằng không muốn một ai nghĩ tôi ỷ vào các ông nên không e ngại gì cả !”
Hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết và Sư Bà Diệu Huệ (mẹ của Đại sứ Bửu Hội) bị bắt giam trong một phòng đặc biệt ở Bệnh viện Cộng hòa (Sài Gòn).
Ngày 21-8-1963, Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu xin từ chức và cạo tóc để phản đối chánh quyền Ngô Đình Diệm, sau đó qua Ấn Độ viếng các Phật tích và lưu vong ở nước ngoài. Đại sứ Việt Nam ở Hoa Kỳ Trần Văn Chương (Thân phụ của Trần Lệ Xuân) cũng xin từ chức.
Ngày 23-8-1963, Cabot Lodge được cử làm Đại sứ Hoa Kỳ thay cho Frederic E. Nolting.Thượng tọa Trí Quang được tiếp xúc với Đại sứ Cabot Lodge, trình bày hết những việc đàn áp, bắt bớ, khủng bố, chụp mũ Việt Cộng ...tăng ni và tín đồ Phật giáo của Chánh quyền Ngô Đình Diệm. Thượng tọa tạm ngụ ở Tòa Đại sứ Mỹ cho đến khi Quân đội đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm (01-11-1963) mới về chùa Ấn Quang.
Đại sứ Sri Lanka (Tích Lan) và 16 quốc gia khác tại Liên Hiệp quốc công bố Chánh quyền Ngô Đình Diệm vi phạm nhân quyền.
Các Trường Đại học và Cao đẳng ở Sài Gòn và Huế tiếp tục biểu tình ủng hộ Phật giáo và chống chánh phủ, nên Tổng thống NĐD ra lệnh đóng cửa Đại học và Cao đẳng, lùng bắt các sinh viên lạnh đạo phong trào ủng hộ Phật giáo chống chánh quyền.
Ngày 24-8-1963, Tổng thống Hoa Kỳ gởi Công điện cho Đại sứ Cabot Lodge : Nếu Tổng thống Ngô Đình Diệm vẫn ngoan cố đàn áp Phật giáo thì không ủng hộ nữa (ngầm bật đèn xanh cho quân đội đảo chánh).

Ngày 02-10-1963, Hoa Kỳ tuyên bố : “Tình hình chính trị Miền Nam VN còn hết sức nghiêm trọng. Hoa Kỳ tiếp tục phản đối các hành động đàn áp Phật giáo tại Miền Nam VN.
Ngày 05-10-1963, 11 giờ 30 phút, Đại đức Quảng Hương tự thiêu trước chợ Bến Thành., có nhiều phóng viên Mỹ bị cảnh sát đánh khi họ chụp hình cảnh tự thiêu nầy.
Ngày 07-10-1963, Đại sứ Sri Lanka ở Liên Hiệp Quốc  tiếp tục tố cáo chánh quyền NĐD đàn áp Phật giáo và vi phạm Nhân quyền, đề nghị LHQ cử Phái đoàn đến VN điều tra.
Ngày 24-10-1963, Phái đoàn Điều tra của LHQ đến VN.   
Ngày 27-10-1963, 10 giờ, Đại đức Thiện Mỹ tự thiêu trước Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, có 4 người trong Phái đoàn LHQ chứng kiến.
Phái đoàn LHQ gặp riêng Hòa thượng Hội chủ Tổng hội Phật giáo VN Thích Tịnh Khiết. Sau đó vào trại giam của Đại tá Lê Quang Tung nắm tình hình học sinh, sinh viên, Phật tử bị giam tại đây.
Trong các ngày 30 và 31-10-1963 và sáng 01-11-1963, Phái đoàn LHQ đến phỏng vấn  Hòa thượng Trí Thủ, các Thượng tọa Thiện Minh, Tâm Châu, Tâm Giác, Quảng Liên, Đức Nghiệp , cư sĩ Mai Thọ Truyền … đang bị giam.
Ngày 01-11-1963, 9 giờ, Đại sứ Cabot Lodge và Đô đốc Felt (Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương) giả vờ đến ghé thăm Tổng thống NĐD để lực lượng Đảo chánh thuận lợi trong việc quân đội điều quân chuẩn bị Đảo chánh. 11 giờ, hai Ông rời dinh Tổng thống.
Trong khi đó, các Tướng lãnh Quân đội Việt Nam Cộng hòa họp tại Bộ Tổng Tham mưu thành lập Hội đồng Quân nhân Cách mạng, bầu Trung tướng Dương Văn Minh làm Chủ tịch để đảo chánh lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm.
13 giờ 30, ngày 01-11-1963, quân đội Cách mạng tấn công Dinh Gia Long của Tổng thống Ngô Đình Diệm, và thành Cộng hòa của Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống, mở đầu cuộc đảo chánh … Quân Nhảy dù tiến chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn và Tổng Nha Cảnh sát Quốc gia. Ngay sau đó, Đài Phát thanh Sài Gòn loan tin quân Cách mạng đang  tấn công và bao vây Dinh Tổng thống và thành Cộng hòa, dân chúng cả nước đều vui mừng.    
Đêm đó, hai anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu trốn ra nhà Mã Tuyên (thương gia Tàu), ở Chợ Lớn.  
6 giờ sáng ngày 02-11-1963, hai anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu qua Nhà thờ Cha Tam xin đầu hàng quân Cách mạng và bị giết chết trên xe tăng M113 khi chở về Tổng Tham mưu, Hội đồng Quân nhân Cách mạng tuyên bố Cách mạng thành công.
8 giờ các vị lãnh đạo Phật giáo, tăng ni, tín đồ Phật giáo, học sinh, sinh viên  bị chánh quyền Ngô Đình Diệm giam cầm được trả tự do.
Cách mạng 01 tháng 11 năm 1963 chấm dứt chế độ Thiên Chúa giáo Độc tài, Gia đình trị Ngô Đình Diệm, và chấm dứt nạn kỳ thị, đàn áp Phật giáo của Chánh quyền Ngô Đình Diệm.
Noi gương ngọn lửa đại hùng, đại lực, đại từ bi của Bồ tát Quảng Đức, Ngài Thích Nguyên Hương và các Thánh vị pháp Thiêu thân : Thanh Tuệ, Tiêu Diêu, Quảng Hương, Thiện Mỹ, và Thích Nữ Diệu Quang làm chấn động dư luận thế giới, hầu hết các nước đều kính phục và ủng hộ Phật giáo Việt Nam trong phong trào Đấu tranh bất bạo động chống chế độ đàn áp Phật giáo của Gia đình Ngô Đình Diệm; đưa đến cuộc Cách mạng ngày 01 tháng 11 năm 1963 lật đổ chế độ Độc tài của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Để tưởng niệm Ngài Thích Nguyên Hương và Chư vị Thánh Tử đạo, Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Thuận và Ban Đại diện Phật giáo huyện Tuy Phong quyết định xây dựng “Khu Di tích Thánh Tử Đạo Thích Nguyên Hương” tại khu phố 5, làng Long Tĩnh, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận./.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
DƯƠNG kinh THÀNH 29/01/2010 08:59:27
Cảm ơn tác giả NHĐ đã khái quát toàn bộ công cuộ đấu tranh của PGVN năm 1963.
Tuy nhiên,chúng ta muốn nhắc đến sự hy sinh cao cà của chư Thánh Tử Đạo cùng thời mà bài viết này đang nói về một trong nhiều điển hình cao đẹp đó.Đó là Ngài Thích Nguyên Hương.RẤT tiếc,bài viết đã không xoáy trọng tâm vào nhân vật chủ thể,trong khi sử liệu về Ngài
Nguyên Hương còn rất nhiề hạn chế,nếu có cũng chỉ là đôi dòng chắp vá.Ngay cả ngôi chùa mang tên Ngài hiện nay ở quận 3 Sàigon(D(ang được xây cất quy mô),nếu dựa vào đó để sưu tầm tài liệu về cuộc đời cũng như sự hy sinh cao cả về Ngài Nguyên Hương cũng sẽ là điều vô ích.
Công việc của những nhà viết sử PGVN xem ra vẫn còn nhiều khó khăn.
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Bác Hồ và Phật giáo Bác Hồ và Phật giáo
09/01/2010 02:48:00
Phật Giáo Tại Việt Nam Phật Giáo Tại Việt Nam
24/12/2009 08:27:00
Next

Đăng nhập