Quá trình thâm nhập và phát triển của Phật giáo tại Việt Nam

Đã đọc: 40662           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Theo đường biển, các nhà sư Ấn Độ đã đến Việt Nam ngay từ đầu Công nguyên. Luy Lâu, trụ sở quận Giao Chỉ, đã sớm trở thành một trung tâm phật giáo quan trọng. Từ đây, có những người như Khương Tăng Hội (gốc Trung Á) hoặc Ma-ha-kì-vực (Mahajivaka, nhà sư Ấn Độ), đã đi sâu vào Trung Hoa truyền đạo. Sau này, khi trả lời vua Tùy Văn Đế về tình hình Phật giáo Giao Châu, nhà sư Đàm Thiên đã nói rằng: “Xứ Giao Châu có đường thông sang Thiên Trúc. Phật giáo truyền vào Trung Hoa chưa phổ cập đến Giang Đông, mà xứ ấy đã xây ở Luy Lâu hơn 20 bảo tháp, độ được hơn 500 tăng và dịch được 15 bộ kinh rồi. Thế là xứ ấy theo đạo Phật trước ta”.

chua_quynhlam2

Chùa Quỳnh Lâm

Cũng do Phật giáo đã được truyền trực tiếp từ Ấn Độ vào Việt Nam ngay từ đầu công nguyên nên từ Buddha  tiếng Phạn đã được phiên âm trực tiếp sang tiếng Việt thành Bụt. Phật giáo lúc này mang màu sắc Tiểu thừa Nam tông. Và trong con mắt của người Việt Nam nông nghiệp, Bụt như một vị thần luôn có mặt ở khắp nơi, sẵn sàng xuất hiện cứu giúp người tốt và trừng trị kẻ xấu. Sau này, sang thế kỷ IV – V, lại có thêm luồng Phật giáo Đại thừa Bắc tông từ Trung Hoa tràn vào. Chẳng mấy chốc, nó đã lấn át và thay thế luồng Nam tông có từ trước đó. Từ Buddha  vào tiếng Hán phiên âm thành Phật; từ đây từ Phật dần dần thay thế cho từ Bụt: Bụt chỉ còn trong các quán ngữ với nghĩa ban đầu (ví dụ: Gần chùa gọi Bụt bằng anh), hoặc chuyển thành nghĩa ông tiên trong các truyện dân gian (như Tấm Cám).

Từ Trung Hoa, có ba tông phái Phật giáo được truyền vào Việt Nam: Thiền tông, Tịnh Đồ tông, Mật tông.

Thiền tông là tông phái phật giáo do nhà sư Ấn Độ Bồ-đề-đạt-ma (Bodhidharma) sáng lập ra ở Trung Quốc vào đầu thế kỷ VI. “Thiền” (rút gọn của Thiền-na, phiên âm Hán – Việt từ Dhiana tiếng Sanscrit nghĩa là “tĩnh tâm”) chủ trương tập trung trí tuệ suy nghĩ (thiền) để tự mình tìm ra chân lý. Thiền tông Việt Nam luôn đề cao cái Tâm. Phật tại tâm, tâm là niết bàn, là Phật. Quốc sư Yên Tử nói với Trần Thái Tông: “Núi vốn không có Phật, Phật ở tại tâm, tâm lặng lẽ sáng suốt ấy là chân Phật”. Tu theo Thiền tông đòi hỏi nhiều công phu và khả năng trí tuệ, do vậy chỉ phổ biến ở giới trí thức thượng lưu, cũng nhờ họ ghi chép lại mà nay ta được biết về lịch sử Thiền tông Việt Nam khá rõ.

Khác với Thiền tông, Tịnh Độ tông chủ trương dựa vào sự giúp đỡ từ bên ngoài để cứu chúng sinh thoát khổ. Đó là việc họ hướng đến một cõi niết-bàn cụ thể  gọi là cõi Tịnh Độ (=yên tĩnh, trong sáng), được hình dung như một nơi Cực Lạc do đức Phật A-di-đà (Amitabha = vô lượng quang) cai quản. Đó còn là việc bản thân họ cần thường xuyên đi chùa lễ Phật, thường xuyên tụng niệm danh hiệu Phật A-di-đà. Hình dung cụ thể về niết bàn là để có đích mà hướng tới; còn tượng Phật và niệm danh Phật là để thường xuyên nhớ đến những lời dạy của Người mà ráng làm theo. Nhờ cách tu đơn giản như vậy, Tịnh Độ tông trở thành Phật giáo của giới bình dân và phổ biến khắp cõi Việt Nam: đâu đâu ta cũng gặp người dân trụng niệm Nam mô A-di-đà Phật! (= Nguyện quy thep đức phật A-di-đà). Tượng A-di-đà cũng thuộc loại tượng Phật lâu đời và phổ biến hơn cả (tới nay còn giữ được pho tượng A-di-đà bằng đá cao khoảng 2,5 mét, tạc năm 1057 ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), phía ngoài tượng này xưa vốn dát vàng).

Mật tông là phái chủ trương sử dụng những phép tu huyền bí (bí mật) như dùng linh phù, mật chú, ấn quyết… để thu hút tín đồ và mau chóng đạt đến giác ngộ và giải thoát. Vào Việt Nam, Mật tông không tồn tại độc lập như một tông phái riêng mà nhanh chóng hòa vào dòng tín ngưỡng dân gian với những truyền thống cầu đồng, dùng pháp thuật, yểm bùa trị tà ma và chữa bệnh…

Do thâm nhập một cách hòa bình, ngay từ thời Bắc thuộc, Phật giáo đã phổ biến rộng khắp. Đến thời Lý – Trần, Phật giáo Việt Nam phát triển tới mức cực thịnh. Nhà nho Lê Quát, học trò Chu Văn An, đã lấy làm khó chịu khi thấy toàn dân theo Phật: “Phật chỉ lấy điều họa phúc mà động lòng người, sao mà sâu xa và bền chắc đến như vậy? Trên từ vương công, dưới đến thứ dân, hễ làm cái gì thuộc về việc Phật, thì hết cả gia tài cũng không tiếc. Nếu hôm nay đem tiền của để làm chùa, xây tháp thì hớn hở vui vẻ, như trong tay đã cầm được cái biên lai để ngày sau đi nhận số tiền trả báo lại. Cho nên, trong từ kinh thành ngoài đến châu phủ, đường cùng, ngõ hẻm, chẳng khiến đã theo, chẳng thề mà tin; hễ chỗ nào có nhà thì ở đó có chùa Phật; bỏ đi tì làm lại, hư đi thì sửa lại”.

chuamotcot_flickr_600

Chùa Một Cột

Rất nhiều chùa tháp có quy mô to lớn hoặc kiến trúc độc đáo được xây dựng trong thời gian này như chùa Phật Tích, chùa Dạm (chùa Đại Lãm), chùa Diên Hựu (Một Cột); chùa Phổ Minh, chùa Quỳnh Lâm, chùa Hương Lãng, chùa Linh Xứng, chùa Bối Khê, chùa Thái Lạc, hệ thống chùa Yên Tử, tháp Bình Sơn…

Khâm phục những thành tựu của văn hóa Phật giáo Việt Nam thời Lý – Trần, sách vở Trung Hoa đời Minh truyền tụng nhiều về bốn công trình nghệ thuật lớn mà họ gọi là An Nam tứ đại khí. Đó là:

1) Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm: Chùa Quỳnh Lâm ở Đông Triều (Quảng Ninh) được xây dựng vào khoảng thế kỷ XI, có pho tượng Di-lặc bằng đồng. Theo văn bia nay vẫn còn giữ được trong chùa thì tượng cao 6 trượng (xấp xỉ 24m), đặt trong một tòa Phật điện cao 7 trượng. Đứng từ bến đò Đông Triều, cách xa 10 dặm vẫn còn trông thấy nóc điện.

2) Tháp Báo Thiên: Gồm 12 tầng, cao 20 trượng, do vua Lý Thánh Tông cho xây dựng vào năm 1057 trên khuôn viên chùa Sùng Khánh ở phía tây hồ Lục Thủy (tức hồ Gươm, Hà Nội) bằng đá và gạch, riêng tầng thứ 12 đúc bằng đồng. Tháp là đệ nhất danh thắng đế đô một thời. Đến năm 1414, tháp bị quân Vương Thông tàn phá, nền tháp còn lại to như một quả đồi, có thời dùng làm nơi họp chợ. Thời Pháp, những gì còn sót lại đã bị phá hủy hoàn toàn để xây nhà thờ lớn trên đất ấy.

3) Chuông Quy Điền: Năm 1101, vua Lý Nhân Tông cho xuất kho hàng vạn cân đồng để đúc quả chuông này và dự định treo tại chùa Diên Hựu (tiền thân chùa Một Cột sau này), trong một tòa tháp bằng đá xanh cao 8 trượng. Nhưng chuông đúc xong to quá (tương truyền có đường kính 1,5 trượng (gần 6m), cao 3 trượng (gần 12m), nặng tới vài vạn cân), không treo lên nổi đành để ở ngoài ruộng. Mùa nước ngập, rùa bò ra bò vào nên dân gian gọi là chuông Quy Điền (= ruộng rùa).

4) Vạc Phổ Minh: Đúc bằng đồng vào thời Trần Nhân Tông, đặt tại sân chùa Phổ Minh (tức Mạc, ngoại thành Nam Định). Vạc sâu 4 thước (gần 1,6m), rộng 10 thước (gần 4m), nặng trên 7 tấn. Vạc to tới mức có thể nấu được cả một con bò mộng; trẻ con có thể chạy nô đùa trên thành miệng vạc. Đến nay vẫn còn 3 trụ đá kê chân vạc trước sân chùa.

Sang đời Lê, nhà nước tuyên bố lấy Nho giáo làm quốc giáo, Phât giáo dần dần suy thoái. Đầu thế kỷ XVIII, vua Quang Trung có quan tâm chấn hưng đạo Phật, xuống chiếu chỉnh đốn việc cất chùa, cho cất các chùa lớn đẹp, chọn các tăng nhân có học thức và đạo đức cho coi chùa, song vì vua mất sớm nên việc này ít thu được kết quả.

Đến thế kỷ XX, đứng trước trào lưu Âu hóa và những biến động do sự giao lưu với phương Tây mang lại, phong trào chấn hưng Phật giáo được dấy lên, khởi đầu từ các đô thị miền Nam. Những năm 30, các hội Phật giáo ở Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ lần lượt ra đời với những cơ quan ngôn luận riêng. Cho đến nay, Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất ở Việt Nam. Pho tượng đồng lớn nhất được đúc trong thời hiện đại cũng là tượng Phật – đó là pho tượng Phật A-di-đà cao 4m, trọng lượng kể cả tòa sen 14 tấn, đúc trong 3 năm (1949 – 1952), hiện đặt tại chùa Thần Quang làng Ngũ Xã (thường đọc chệch thành Ngũ Xá), bên hồ Trúc Bạch, Hà Nội.

Theo Sách Cơ sở Văn hóa Việt Nam (PGS. Trần Ngọc Thêm – 1999)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.44

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Bác Hồ và Phật giáo Bác Hồ và Phật giáo
09/01/2010 02:48:00
Phật Giáo Tại Việt Nam Phật Giáo Tại Việt Nam
24/12/2009 08:27:00
Next

Đăng nhập