Lược sử Trúc Lâm Tam tổ

Đã đọc: 1319           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Nhà Trần là một trong những triều đại thịnh trị nhất trong lịch sử dân tộc. Phật giáo vào triều đại này cũng phát triển rực rỡ và đã ảnh hưởng sâu sắc vào mọi phương diện xã hội, lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam một dòng thiền của người Việt được thành lập, đó là Thiền phái Trúc Lâm.

Thiền phái Trúc Lâm mặc dù tồn tại không lâu nhưng đã tạo nên được những dấu ấn nhất định trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Bài viết này trình bày một vài nét sơ lược về ba vị Tổ của Thiền phái này là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang.

Tượng Tam tổ Trúc Lâm tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)

Sơ tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) 

Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng: “Trần Nhân Tông, tên húy là Khâm, con trưởng của Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu, sinh năm Mậu Ngọ, Nguyên Phong năm thứ 8, tháng 11, ngày 11, được tinh anh thánh nhân, thuần tuý đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng. Hai cung đồng tử. Trên vai bên trái có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn, ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, băng ở am Ngọa Vân núi Yên Tử, đưa về táng ở Đức Lăng. Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần”.(1) 

Sơ tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308)

Trần Nhân Tông là vị vua có công lao rất lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1287-1288). Sau khi đẩy lùi được hai cuộc chiến tranh xâm lược, vua Trần Nhân Tông đã xây dựng nước Đại Việt hưng thịnh và thi hành chính sách ngoại giao phù hợp. Năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông và lên làm Thái thượng hoàng, rồi sau đó xuất gia theo Phật. Theo Thánh đăng lục chép: “Tháng 10 năm Kỷ Hợi niên hiệu Hưng Long thứ bảy (1299), ngài đi thẳng vào núi Yên Tử, siêng năng chuyên lo tu hành, sống theo mười hai hạnh đầu đà, tự lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngài lập chùa chiền, cất tinh xá, thuyết pháp độ Tăng, học chúng tụ về đông đảo. Sau đó, ngài đến chùa Phổ Minh ở phủ Thiên Trường đón chư Tăng về đây lập hội giảng pháp trải qua mấy năm. Kế ngài lại đi vân du thong thả, đến trại Bố Chính lập am Tri Kiến ở lại đây”. Trần Nhân Tông thực hiện các hoạt động hoằng pháp, đi khắp nơi để giáo hóa dân chúng, khuyên bỏ các dâm từ, dạy thực hành mười điều thiện, xây dựng một nền đạo đức cho xã hội. Ngài là Sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền dung hợp tư tưởng của ba dòng phái Tỳ Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Thiền phái Trúc Lâm là một dòng thiền mang đặc trưng Phật giáo Việt Nam, mang lại một luồng sinh khí mới thời đó. 

Sơ tổ - Phật hoàng Trần Nhân Tông từng đến chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang hiện nay) trụ trì, an cư kiết hạ, giảng kinh tại đây. Ngài đã để lại những tác phẩm thơ văn, phú, ngữ lục, văn thư… Trong đó có tác phẩm “Cư trần lạc đạo phú”, gồm có 10 hội, thể hiện tử tưởng và phương pháp hành trì của Thiền phái Trúc Lâm:

 “Ở đời vui đạo, cứ tùy duyên, Đói phải ăn thôi, mệt ngủ liền. Của quý trong nhà, tìm đâu nữa, Vô tâm đối cảnh, hỏi chi thiền”. (Cư trần lạc đạo phú - Kệ vân) 

Ngoài ra, ngài còn đưa ra quan điểm về Tịnh độ: 

“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương; 

Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc”. (Cư trần lạc đạo phú - Đệ nhị hội) 

Tác phẩm của Phật hoàng Trần Nhân Tông gồm có: Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, Hậu lục, Đại hương hải ấn thi tập, Tăng-già toái sự, Thạch thất mỵ ngữ, Cư trần lạc đạo phú, và nhiều thơ văn khác. 

Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị vua có công lao rất lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1287-1288).

Nhị tổ Pháp Loa (1284-1330)

Tổ tên thực là Đồng Kiên Cương, sinh năm 1284, quê làng Cửu La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Trước đó mẹ ngài sinh liền tám người con gái nên vô cùng chán ngán; do đó khi mang thai Tổ bà cố tình uống thuốc phá thai, tuy nhiên đều vô hiệu. Đến khi sinh ra Tổ, bà mừng lắm, đặt tên là Kiên Cương. Tổ thiên tư dĩnh ngộ, miệng không nói lời ác, không thích ăn thịt cá. Năm 1304, Phật hoàng Trần Nhân Tông (Điều ngự) dạo đi các nơi, phá trừ dâm từ và bố thí pháp dược để trị bệnh khổ. Khi Điều ngự đến sông Nam Sách, Pháp Loa đến xin xuất gia, lúc này Tổ 21 tuổi. Điều ngự trông thấy bằng lòng, nói: “Kẻ này có đạo nhãn, sau ắt là bậc pháp khí”, và rồi đặt tên là Thiện Lai. Sau đó Kiên Cương trở về liêu Kỳ Lân ở Linh Sơn để làm lễ thế phát và thọ giới Sa-di. 

Tam Tổ thực lục ghi: “Một ngày kia, từ bên Hòa thượng Tính Giác trở về để tham vấn Điều ngự, vừa gặp lúc Điều ngự thượng đường đọc bài tụng “Thái dương ô kê”, Sư (Pháp Loa) liền tỉnh ngộ. Điều ngự biết Sư đã tỏ ngộ, bèn dạy theo hầu bên mình. Một đêm nọ, nhân trình ba bài tụng cốt yếu đều bị Điều ngự sổ toẹt, Sư thưa hỏi đến bốn lần mà Điều ngự vẫn bảo phải tự tham cứu lấy. Trở về phòng tâm thần rất xao xuyến, đến nửa đêm thấy hoa đèn rơi, Sư bỗng nhiên đại ngộ, bèn đem những gì đã tỏ ngộ trình lên Điều ngự, Điều ngự rất bằng lòng. Từ đó, Sư thệ nguyện tu theo mười hai hạnh Đầu đà” (2).

Năm 1305, Tổ thọ giới Tỳ-kheo và Bồ-tát tại liêu Kỳ Lân, được ban pháp hiệu là Pháp Loa. Năm 1306, tại chùa Báo Ân ở Siêu Loại, Điều ngự cử sư giảng pháp. Năm 1307, Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông tại am Thiên Bảo trao truyền y bát và tâm kệ cho Nhị tổ Pháp Loa. Năm 1308, Sơ tổ làm lễ truyền thừa cho Nhị tổ và Sư kế thừa trụ trì chùa Siêu Loại. Sơ tổ còn trao truyền Đại tạng viết bằng máu và ngoại điển cho Nhị tổ. Năm 1308, Sơ tổ viên tịch. Nhị tổ viết niêm tụng cho quyển Thạch Thất mỵ ngữ, là tác phẩm của Sơ tổ lúc ở Thạch Thất. 

Nhị tổ Pháp Loa (1284-1330)

Năm 1310, vua Trần Anh Tông ban chiếu, cứ 3 năm độ Tăng một lần, ban ruộng đất cho nông phu để cung cấp lương thực cho các chùa. Nhị tổ ngày đêm hành trì tu tập, lễ bái, tụng kinh, phát nguyện ngày đêm sáu thời (lục thời nghi) và giảng kinh. Năm 1311, Nhị tổ phụng chiếu khắc bản Đại tạng kinh. Cũng năm này, Tổ thâu nhận ngài Huyền Quang làm đệ tử. Năm 1312, vua Trần Anh Tông ban chiếu mời Tổ vào chùa Tư Phúc giảng Đại tuệ ngữ lục. Năm 1313, Nhị tổ phụng chiếu đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang ngày nay, quy định các chức vụ của Tăng sĩ, và từ đó mới có sổ bộ dành cho chư Tăng Ni. Nhị tổ độ được rất nhiều Tăng, về sau cứ ba năm một lần độ Tăng như thế. Năm 1314, tại chùa Siêu Loại, ngài cho đúc ba tượng Phật cao 17m, xây điện Phật, gác kinh và nhà Tăng. Năm 1316, ngài truyền Bồ-tát giới cho Trần Anh Tông, lúc đó Anh Tông đang làm Thái thượng hoàng. Năm 1317, Nhị tổ đem y của Điều ngự và viết bài tâm kệ trao cho ngài Huyền Quang, đệ Tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Năm 1327, Nhị tổ đúc tượng Di Lặc và Thánh tăng tại viện Quỳnh Lâm. Năm 1329, Nhị tổ kiến tạo thắng cảnh Côn Sơn và Thanh Mai Sơn. 

Ngày 3 tháng 3 năm 1330, Nhị tổ viên tịch. Trước khi viên tịch, Nhị tổ để lại bài kệ thị tịch như sau: 

“Muôn duyên cắt đứt, một thân nhàn 

Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng 

Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi

 Bên kia trăng gió rộng thênh thang”. 

Nhị tổ đã xây dựng nhiều chùa tháp, kiến tạo hàng ngàn tượng Phật lớn nhỏ, cho in Đại tạng kinh, độ hơn 15.000 vị Tăng, trong đó có nhiều vị Tăng tài đắc pháp. Những tác phẩm của Nhị tổ Pháp Loa gồm: Đoạn sách lục, Tham thiền chỉ yếu, Kim cương đạo tràng Đà-la-ni kinh, Tán Pháp hoa kinh khoa số, Bát-nhã Tâm kinh khoa, và bài kệ thị tịch.

Năm 1305, Tổ thọ giới Tỳ-kheo và Bồ-tát tại liêu Kỳ Lân, được ban pháp hiệu là Pháp Loa. Năm 1306, tại chùa Báo Ân ở Siêu Loại, Điều ngự cử sư giảng pháp.

Tam tổ Huyền Quang (1254-1334) 

Ngài Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm Giáp Dần (1254), tại làng Vạn Tải, hạ lưu sông Bắc Giang (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Thân phụ là Tuệ Tổ, thuộc dòng họ làm quan từ thời Lý. Thân mẫu là Lê Thị. Khi ngài sinh ra có nhiều điều kỳ lạ xuất hiện. Tổ gia thực lục ghi: “Khi sinh có tia sáng mờ ảo, mùi hương thơm phức. Người ta gọi đó là đứa hài đồng có mùi hương thanh tịnh. Lê Thị mang thai Tổ đến 12 tháng mà bụng bà không chuyển động. Bà nghi mắc bệnh nên uống nhiều thuốc phá thai mà thai không hư. Khi Tổ sinh ra, lại là một đứa bé trai cứng cáp. Đến tuổi đồng ấu, thể mạo Tổ dị thường, có chí của bậc trác việt vĩ nhân, cha mẹ đều yêu thương, dạy cho học nghề. Tổ nghe một hiểu mười, có tài như Nhan Hồi Á Thánh nên được gọi là Tải Đạo”3. 

Năm 1274, Đạo Tái đỗ khoa thi Hương, năm sau đỗ khoa thi Hội, được bổ vào chức quan Hàn lâm, đảm nhận văn thư, tiếp sứ giả phương Bắc. Thuở thiếu thời, ngài từ chối cuộc hôn nhân với công chúa Liễu Nữ. Nhân một hôm cùng vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh, Đạo Tái nói rằng: “Làm quan lên Bồng đảo, đắc đạo đến Phổ Đà, trên cõi nhân gian là Tiên, cảnh giới Tây phương là Phật. Phú quý vinh hoa nào khác lá vàng mùa thu, mây trắng ngày hạ, há nên lưu luyến mãi mãi”4. Nhân đó, dâng sớ xin từ chức để xuất gia tu hành và được vua chấp thuận. Năm 1305, ngài xuất gia với pháp hiệu là Huyền Quang. Về sau ngài trụ trì chùa Vân Yên ở núi Yên Tử. Tổ Huyền Quang tinh thông Phật pháp, học rộng hiểu nhiều, chư Tăng theo học rất đông. Điều ngự cùng với Pháp Loa và Huyền Quang thường đi khắp các nơi để khuyến khích dân chúng tu tập, bỏ ác làm lành. Huyền Quang theo lời chỉ dạy của Điều ngự soạn Chư phẩm kinh, Công văn tập, v.v... Điều ngự khen ngợi: “Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn thì không thể thêm hay bớt một chữ nào nữa”. Tam tổ còn đăng đàn thuyết pháp, đặc biệt còn được Điều ngự ban tòa trầm hương để giảng kinh.

Tam tổ Huyền Quang (1254-1334)

Năm 1308, Điều ngự mất, Huyền Quang theo hầu Thiền sư Pháp Loa. Ngày rằm tháng Giêng năm Quý Sửu (1313), Tổ về kinh thành thăm vua Trần Anh Tông, rồi tới chùa Báo Ân giảng kinh Lăng nghiêm. Sau đó, Tổ dâng chiếu xin phép về làng quê thăm viếng cha mẹ. Nhân đó, ngài lập một ngôi chùa và đặt tên là chùa Đại Bi. Khi Tổ trở về chùa Vân Yên, lúc đó đã 60 tuổi. Vì muốn thử lòng tổ và công phu tu tập của ngài nên nhà vua đã cho Thị Bích bày cơ mưu, quyến rũ bằng sắc đẹp, rồi lấy ngân lượng về làm bằng chứng. Thị Bích nói dối với Tổ để được ngân lượng, rồi về trình với vua. Khi nghe tin, vua rất buồn lòng, liền mở trai đàn chẩn tế mời Sư vào đàn. Khi thấy sự linh nghiệm của đàn tràng do Tổ cúng: mây đen xuất hiện, bụi tung mù mịt, các thứ tạp vật cuốn bay hết, chỉ còn hương đăng lục cúng, vua liền lạy xuống tạ lỗi. Còn Thị Bích sau đó bị phạt quét dọn và trông nom chùa trong cung Cảnh Linh ở nội điện. 

Sau đó Tổ trụ trì ở Thanh Mai Sơn sáu năm, tiếp đó sang Côn Sơn giáo hóa đồ chúng, lập ra đài Cửu phẩm liên hoa. Đến ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1334), Tổ Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn, thọ 80 tuổi. Những tác phẩm của Tam tổ Huyền Quang gồm: Ngọc tiên tập, Chư phẩm kinh, Công văn tập, Phổ tuệ ngữ lục, và nhiều thơ văn khác. 

Chú thích:

(1) Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư (bản pdf), NXB.Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 2001, tr.185-186. 

(2) Thích Phước Sơn (dịch), Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1995, tr.39. 

(3) Thích Phước Sơn (dịch), Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1995, tr.79. 

(4) Sđd, tr.80. 

Tài liệu tham khảo:

- Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư (pdf), NXB.Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 2001. 

- Thích Phước Sơn (dịch), Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1995. 

- Thích Thanh Từ, Thánh đăng lục giảng giải, NXB.TP.Hồ Chí Minh, 1999.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

4.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập