Yết Bản Trùng Hưng Đại Già Lam Quốc Ân Khải Tường Tổ Ấn Phương Nam Truyền Đăng Tục Diệm

Đã đọc: 5244           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Quốc Ân nhuận thấm muôn dân, Phật ân, Tổ sư ân, chúng sanh ân, hết thảy thâm ân nguyện xin báo đáp. Khải Tường Phật Đạo khắp nơi, cát tường, diệu cát tường, tối cát tường, bao nhiêu cát tường mong đến mọi nhà.

Trời Long Thành nay kết tường vân, mây lành che ánh diệu, gió nhẹ đưa áo thiền Tăng, từng bước đi vào cõi tịnh. Hơn 100 năm qua đi, trăng khuyết lại tròn, tròn rồi lại khuyết, Già lam Quốc Ân Khải Tường, hưng rồi phế, phế rồi nay lại trùng hưng, ấy cũng vì nương theo vận nước thịnh suy, nhân dân sùng tín. Nay duyên lành lại đủ, có bậc long tượng nguyện ra gánh vác việc Thiền lâm, tín chúng phát tâm cúng dường trùng hưng Tổ viện, Quốc tự nương duyên tái hiện, điện đường theo cổ lệ trùng hưng.

Quốc tự Quốc Ân Khải Tường xưa, được xây dựng vào thế kỷ 18, nằm trên gò đất cao thuộc trung tâm Bến Nghé xưa. Chùa thuộc ấp Tân Lộc, huyện Bình Dương, thành Gia Định. Ở vị trí nay là Bảo tàng chứng tích chiến tranh, số 28, Võ Văn Tần, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chùa Quốc Ân Khải Tường do Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc khai sơn khoảng 1744, buổi đầu khai sơn chỉ là một thảo am nhỏ, nhưng do một hạnh duyên đặc biệt mà chùa Quốc Ân Khải Tường trở thành ngôi Quốc Tự nổi tiếng của Phật Giáo miền Nam. Vị vua thứ hai của triều đình nhà Nguyễn là Vua Minh Mạng được hạ sinh ở chùa này.

 

Tương truyền mẹ của vua Minh Mạng là Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, khi cùng với vua Gia Long khi chạy thoát khỏi sự truy đuổi của quân Tây Sơn, vào năm 1791 có vào ở trong chùa này hạ sinh hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm sau này lên ngôi là vua Minh Mạng. Năm 1804, vua Gia Long sau khi thống nhất đất nước lập ra triều Nguyễn, nhớ đến duyên xưa nơi chùa Quốc Ân Khải Tường, để báo ơn cứu độ của Đức Phật thuở xưa trong những tháng ngày cực khổ, nên đã phát nguyện tạo kim thân Đức Phật Thích Ca bằng gỗ sơn son thếp vàng dâng cúng dường chùa Quốc Ân Khải Tường. Pho tượng này hiện nay được trưng bày tại viện bảo tàng lịch sử Tp. Hồ Chí Minh.

Năm 1832, vua Minh Mạng cho trùng tu lại chùa, nơi ông được sinh ra vô cùng trang nghiêm tráng lệ, điện đường ngói hồng rạng rỡ, Phạm cung kim sắc huy hoàng, chùa Quốc Ân Khải Tường từ đây trở thành một trong những ngôi phạm vũ nổi tiếng của Phật Giáo đàng trong.

Năm 1821, Vua Minh Mạng sắc tứ chùa Quốc Ân Khải Tường thành Quốc Tự, với tự hiệu “Sắc tứ Quốc Ân Khải Tường Tự”,bảng hiệu sắc tứ này ngày nay được tôn trí tại chùa Từ Ân-Phú Lâm-Tp.HCM. Năm 1832, Vua Minh Mạng một lần nữa cho trùng tu lại chùa Quốc Ân Khải Tường, vào năm 1836 Vua Minh Mạng lệnh cho quan địa phương tỉnh Gia Định tái trùng tu chùa Quốc Ân Khải Tường, cho xây dựng hành cung của vua ở trước chùa.

 

Chùa Quốc Ân Khải Tường thuộc dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ, thuộc tông phong của Tổ Nguyên Thiều, truyền thừa theo kệ của tổ Vạn Phong Thời Ủy tổ đình Thiên Đồng Triết Giang Trung Quốc:

Đạo bổn nguyên thành Phật tổ tiên

Minh như hồng nhật lệ trung thiên

Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ

Chiếu thế chân đăng vạn cổ truyền. 

Chùa Quốc Ân Khải Tường không những trở thành ngôi đại tự của Phật Giáo miền Nam, đồng thời cũng là chốn già lam nổi tiếng có nhiều vị danh Tăng thạc đức trong chốn Thiền lâm làm phương trượng: như Tổ khai sơn Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc, đệ nhị tổ Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt, trụ trì chùa Khải Tường, sau được vua triệu về kinh đô Huế làm Tăng cang chùa Thiên Mụ thay thế cho Tăng cang Tổ Ấn – Mật Hoằng qua trụ trì chùa Quốc Ân ở kinh đô Huế. Hòa Thượng Tăng cang Liễu Đạt được thỉnh vào cung thuyết pháp, Hòa Thượng với trí đức nghiêm tịnh mọi người nể phục và cung kính, nên Ngài được triều đình sắc phong đức hiệu là Liên Hoa Hòa Thượng.

Đến năm 1860 – 1862 chùa Quốc Ân Khải Tường bị giặc Pháp phá huỷ, tượng thờ bị giặc chiếm, sau đó đưa vào tôn trí tại viện bảo tàng, còn một số tự khí, pháp khí đem vào tôn trí tại chùa Từ Ân Phú Lâm Tp. Hồ Chí Minh, còn một số đem về tôn trí tại chùa Khải Tường, Cái Thia, Mỹ Tho, Tỉnh Tiền Giang.

 

Từ đó Phạm vương thỉnh Phật về đế khuyết đợi duyên tế độ, Già lam thần tiễn La Hán đến Linh Thứu chờ thời hoằng dương, Long thiên tìm thỉnh Long tượng ứng thân, Hộ Pháp truy tầm Cấp Cô tái thế. Ngày qua tháng lại, thu đến xuân qua, trăm năm thoáng qua trong phút chốc, mưa nắng xóa dần dấu phạm cung, long tượng chưa đến thời ứng thế, Cấp Cô vẫn chưa đến trần gian, làm cho cháu con họ Thích nóng lòng vì tương lai Quốc tự, Thiền tông pháp từ lo cho đạo mạch duyên khó truyền lưu.

Năm 2007 duyên có Phật tử Huỳnh Văn Mạnh pháp danh Tuệ Cang, học hạnh Cấp Cô trưởng giả, bố thí tịnh tài trùng kiến đại già lam, hạnh phùng Truy y Thích tử Thích Lệ Trang hiệu Không Uẩn nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42 phát nguyện trùng hưng Tổ ấn, tái thiết Quốc Ân Khải Tường, báo đáp Tam Bảo thâm ân, kế thừa liệt Tổ di huấn, truyền đăng tục diệm.

Năm 2008 tháng Giêng ngày 24 âm lịch, chốn Quốc Ân Khải Tường đủ duyên hưng công động thổ, Tổ Đình thiền viện ngày hiện tướng sẽ chẳng còn xa. Chỉ tiếc chốn xưa không cách nào trở lại, điện đường ngày xưa nay dấu vết đã nhòa, muốn phục dựng như xưa việc này thật là khó.

Chư Tăng Phật tử trong Ban tái thiết chùa Quốc Ân Khải Tường quyết định đi tham cứu thập phương phạm sát, thực địa các chốn Tổ đình trong khắp bắc nam, tìm cho được mô hình phạm cung thanh tịnh, truy đến tận ngọn nguồn Thiên Đồng thiền lâm. Cuối cùng mô hình thiền lâm tái hiện, mọi người trên dưới một mực hết lòng chung tay xây dựng. Qua hai năm hưng kiến, nay phạm vũ như phước địa dõng liên hoa, mai Thiền đường trong Tòng lâm hiện tướng.

Năm 2009 Chùa Quốc Ân Khải Tường cụ túc thạnh duyên được viên ngọc bích, quý hiếm trong nhân gian, phát nguyện điêu khắc tượng Đức Thích Ca Thế Tôn, thể hiện tâm nối truyền thế cho pho tượng Thích Tôn ngày xưa do Vua hiến cúng. Chân thân diệu tướng, viên mãn đại từ, để tôn thờ vĩnh cửu tại Quốc Ân, làm pháp bảo chấn sơn khai giáo. Qua hai năm tinh điêu tế khắc, hình tướng của Như Lai dần hiện trên cỏi trần, trong ứng thân ngọc ngà tinh khiết. Đại từ, tướng xúc địa, phú kiên, ấn hàng ma, nguyện độ vô lượng chúng. Ngọc bích sự kết tinh của trời đất, qua tứ đại luyện thành tinh túy của nhân gian. Đại giác ngồi trên liên hoa thiên đài, Tu di bảo tọa. Đàn thành kết bằng bạch ngọc, hoa văn liên hoa làm chủ đạo trong trang trí Phật đài, sự trang nghiêm vượt qua khỏi phàm tình lộng lẫy.

Ngày 14 tháng 8 âm lịch năm 2011 dấu ấn lịch sử của chùa Quốc Ân Khải Tường ngày nay, chính thức được công nhận là ngôi tự viện của Phật Giáo Việt Nam, được thừa nhận là ngôi chùa tiếp nối Quốc tự Quốc Ân Khải Tường thuở trước. Phật ngọc trên bảo tòa chứng minh cho sự ứng tích hạ thiên cung, chư Tôn thiền đức quang lâm ấy nói lời núi Linh Sơn La Hán xuống thọ sự cúng dường của đại chúng .

 

Trụ trì lễ đại Tăng ứng với điềm Long tượng tái thế, mười phương Phật tử đến chùa có khác nào trưởng giả Cấp Cô Độc cùng quyến thuộc “Huỳnh kim bố địa”, chung tay đem vàng lót vườn cúng Phật ngày xưa, thật là hạnh duyên cụ túc, công quả trọn lành. Có ai nghĩ được mái chùa xưa nay dần hiện hữu, tông phong Tổ đạo nay có sự truyền lưu, thật đúng câu bất khả tư nghì, chẳng sai biệt với lời bất khả thuyết.

Chùa Quốc Ân Khải Tường chỉ mới đợt đầu trùng kiến, ấy mà công đức đã đủ đầy làm cảm động nhơn thiên, trời sáng ngày nay tường vân mật bố, khí thanh lương hòa diệu trong lành, nhơn gian diễn cảnh Pháp Hoa, Phật quốc nơi trần gian dần hiện. pháp lễ trang nghiêm, Tăng tục một lòng quy kính, cùng nguyện cầu Phật quốc tại nhân gian ngày thêm trang nghiêm tỏa sáng, Tổ đình nơi đất tịnh nhất chi ngũ diệp lợi nhân thiên.

Kính nguyện hồng ân Tam Bảo gia bị Thượng tọa trụ trì cùng môn đồ tứ chúng bổn đạo thập phương, tâm bồ đề kiên cố, vượt hết thảy chướng duyên, viên thành Quốc Ân Khải Tường Tổ Ấn, thứ nguyện Ngọc Phật oai linh gia hộ Gia Đình Phật tử Tuệ Cang Phước huệ song toàn, cụ túc vạn duyên, dõng mãnh tinh tấn trên Phật sự Quốc Ân Khai Tường, mong sao một ngày gần đây chùa Quốc Ân Khải Tường được sớm hoàn thành, trang nghiêm sáng chói như “Kim quang nội viện Đâu Suất” thanh tịnh thanh lương như “Phạm cung bằng ngọc bích ở cõi Phạm Thiên”, được như vậy là phước duyên của nước Việt, là niềm tự hào của Phật Giáo Việt Nam, là niềm vui chung cho mọi người con Phật. Nguyện chúc Phật sự viên thành.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nguồn: Chùa Minh Thành

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
Hư Trúc 29/09/2011 18:08:02
QUỐC ÂN KHẢI TƯỜNG TỰ

QUỐC giới an ninh binh cách tiêu
ÂN triêm bá tánh vũ phong điều
KHẢI nguyện sơn hà tề thiên địa
TƯỜNG quang xã tắc bất động diêu.

Nam Mô A Di Đà Phật
Hư Trúc
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập