Chùa Lệ Ngạc - Công trình văn hóa tôn giáo bên sườn Tây Yên Tử

Đã đọc: 2517           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Chùa Lệ Ngạc, di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh ở xã Nghĩa Phương (Lục Nam) là một trong số ít ngôi chùa cổ mang dấu ấn văn hoá thời Trần, gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ở Bắc Giang.

Ngôi chùa thuộc vùng phụ cận dãy Huyền Đinh - Yên Tử, cách khu Di tích danh thắng Suối Mỡ chỉ vài cây số. Di tích có lịch sử từ lâu đời và đã được tu sửa qua nhiều giai đoạn. Dấu hiệu nhận biết ngôi chùa cổ thể hiện trên phần nền móng được tôn đẩy lên ở vị trí cao. Mặt khác, chùa Lệ Ngạc nằm gần sông Lục Nam, bên kia là dãy núi Ải (Lục Ngạn) vào mùa mưa lũ thường bị ngập lụt, có thể do tránh ngập lụt nhân dân địa phương đã tôn phần nền chùa, đẩy ngôi chùa lên ở vị trí cao hẳn. Điểm nhận biết thứ hai là trong chùa còn lưu giữ được một bệ chân tảng đá hoa sen thời Trần. Đặc điểm nhận dạng, bệ đá chân tảng hình vuông cạnh 80 cm, chất liệu đá nhám, trên bề mặt trang trí hoạ tiết hoa văn hình 27 cánh sen. Mỗi cánh sen dài 10cm, rộng 9cm. Căn cứ vào những nhận định trên, cho thấy chùa Lệ Ngạc là công trình văn hoá tôn giáo được xây dựng từ thời Trần và đã được tu sửa qua nhiều giai đoạn. Phần kiến trúc vì mái hiện nay mang phong cách thời Nguyễn thế kỷ 19. Các đồ thờ tự, hệ thống tượng Phật có sự đan xen của thời Lê và thời Nguyễn.

Di tích hiện nay có bình đồ kiến trúc hình chữ đinh, gồm toà tiền đường ba gian, nối với toà thượng điện hai gian. Phần liên kết các vì mái bằng các cấu kiện kiến trúc gỗ chắc chắn. Hai vì mái gian giữa liên kết theo kiểu con chồng giá chiêng. Hai vì mái còn lại liên kết theo kiểu vì kèo cột ván. Trong chùa còn lưu giữ được 18 pho tượng Phật, mang phong cách thời Lê và thời Nguyễn, có giá trị lịch sử văn hoá và giá trị nghệ thuật. Chùa Lệ Ngạc là trung tâm văn hoá tôn giáo, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Hội lệ hàng năm tổ chức ngày 8 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội có nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.

Như vậy bước đầu có thể thấy, chùa Lệ Ngạc đã được xây dựng từ lâu đời và đã được tu sửa ở thời Lê, thời Nguyễn và các giai đoạn sau này. Việc phát hiện bệ đá chân tảng hoa sen thời Trần, cùng dấu tích nền móng, các đồ thờ tự, đặc  biệt là cách bài trí tượng Phật theo phái Tịnh Độ Tông và Thiền Tông của Thiền phái Trúc Lâm, cho thấy chùa Lệ Ngạc là công trình văn hoá tôn giáo mang đậm dấu ấn Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm bên sườn Tây Yên Tử.

Thời Trần, đạo Phật tiếp tục phát triển. Vua Trần Nhân Tông rời bỏ ngai vàng đi tu, lập ra phái Thiền Trúc Lâm. Thiền phái này bắt nguồn từ cơ sở thiền học vốn có ở núi Yên Tử (thời Lý). Khi đó, Trần Nhân Tông đã chủ trương chuyển đạo Phật về gần dân, với quan niệm “ Phật tức Tâm - Tâm tức Phật”. Nói đến Phật giáo thời Trần, không thể không chú ý đến sự hình thành của Thiền phái Trúc Lâm. Người mở đầu cho phái Trúc Lâm là vua Trần Nhân Tông, chính là tổ thứ nhất của phái Trúc Lâm. Tổ thứ hai là sư Pháp Loa và tổ thứ ba là sư Huyền Quang. Sách tìm hiểu Văn hoá Việt Nam thời Trần, tác giả Nguyễn Duy Hinh viết: “Phái Trúc Lâm là một hiện tượng xã hội nó phải nảy sinh trên cơ sở xã hội, đáp ứng một yêu cầu xã hội, là một khâu trong quá trình xã hội, không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên đột xuất. Trúc Lâm - một bước ngoặt thành công trong lịch sử Phật giáo Việt Nam”. Ông cho rằng: “Mặc dù quan điểm Trúc Lâm vẫn là duy tâm trong tác dụng cụ thể, nó không gây cho con người bi quan chán nản cuộc đời mà được đến một sự rèn luyện bản thân thực tế mang tính chất luân lý đạo đức xã hội hội hơn là tôn giáo, nó có tác dụng duy trì xã hội”.

Vua Trần Nhân Tông sau khi xuất gia tu đạo ở chùa Hoa Yên núi Yên Tử, lập ra Thiền phái Trúc Lâm, ngoài những mùa kết hạ còn về nhiều nơi để truyền đạo và đi vân du hoàng đạo đây đó. Cùng với việc khẳng định vị trí vai trò của Thiền phái Trúc Lâm, thời gian này trên các đỉnh núi cao thuộc dãy Yên Tử, địa phận Bắc Giang đã xuất hiện nhiều ngôi chùa cổ được xây dựng, như: Chùa Am Vãi, chùa Bình Long, chùa Hồ Bấc, chùa Mã Yên…Trong các làng xã có các chùa, như: Chùa Quả, chùa Tó, chùa Khám, chùa Canh Bầu, chùa Triển, chùa Nguyệt Nham…tiêu biểu nhất là chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng. Đã có lúc chùa Vĩnh Nghiêm là nơi tập trung hàng trăm tăng ni Phật tử để nghe giảng đạo. Nơi đây đã trở thành trung tâm Phật giáo thời Trần, của nước ta lúc bấy giờ.

Khảo sát các công trình văn hoá tôn giáo thuộc sườn Tây Yên Tử, cho thấy có rất nhiều các di tích lịch sử văn hoá và dấu tích của những ngôi chùa cổ như đã nói ở trên. Thiết nghĩ, cùng với việc truyền bá khẳng định vị trí dòng Thiền thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - mang bản sắc văn hoá Việt, việc xuất hiện những công trình văn hoá tôn giáo vùng ven sườn Tây Yên Tử liên quan đến Phật giáo của dòng Thiền này cũng là điều dễ hiểu. Chùa Lệ Ngạc có lẽ chỉ là một trong số những ngôi chùa cổ thuộc vùng ven sườn Tây Yên Tử. Sẽ còn những ngôi chùa khác như thế, đang rất cần những nhà nghiên cứu văn hoá quan tâm làm sáng tỏ.

Nguồn: Văn hóa Bắc Giang

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập