Về miền Cực Lạc

Đã đọc: 4776           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

“Nhớ ngày mùng 6 tháng 3/ Ăn cơm với cà đi hội chùa Tây” - câu ca ấy từng hằn in vào tâm hồn người dân xứ Đoài mỗi dịp tháng ba đến. Bây giờ thì bữa cơm của người Việt không chỉ có dưa với cà, mà còn nhiều thứ khác, nhưng khách khi hành hương về hội chùa Tây Phương vẫn lẩm nhẩm đọc mấy câu ca ấy, và cũng không quên nhớ tới bài thơ nổi tiếng “Các vị La Hán chùa Tây Phương” của nhà thơ Huy Cận.

Hồi chùa Tây Phương chưa trở thành một di tích văn hóa của Hà Nội, mỗi khi đến mùa hội, chúng tôi thường rủ nhau đạp xe về xứ Đoài, tham dự lễ hội chùa Tây Phương (6-3) và chùa Thầy (7-3). Ngày đó, chúng tôi thường đi đường Hà Đông, qua những triền đê Thanh Quang gió lộng, và ngắt xanh cánh đồng lúa đang thì con gái. Bây giờ thì Đại lộ Thăng Long thẳng tắp đã nối gần lại con đường về xứ Đoài, về miền đất Phật Tây Phương. Chạy xe từ trung tâm về chỉ còn mất chừng 40 phút, thay vì 2, 3 tiếng đồng hồ như hồi xưa. Nhưng cũng vì sự “hiện đại” ấy, mà cảm xúc cũng hư hao đi ít nhiều, bởi bây giờ xung quanh Đại lộ, lúa đã ít đi, không có những triền đê cong vút, lại thiếu vắng những bãi cỏ có thể ngả xe mà nắm khểnh ngắm mây trời.

Nhưng dù thế, chùa Tây Phương vẫn là miền Cực Lạc để khi mùa lễ hội về, du khách gần xa lại hành hương trẩy hội cùng những câu thơ mà thi sĩ Huy Cận đã gieo vào lòng người: “Các vị La Hán chùa Tây Phương!/ Hôm nay xã hội đã lên đường/ Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại/ Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương”. Về với chốn này, chẳng những được thành tâm lễ Phật mà còn được đắm chìm trong không gian kiến trúc độc đáo, cổ kính, đẹp và bảng lảng khói hương của cõi tâm linh.

Tên chữ là Sùng Phúc tự, chùa Tây Phương nằm trên ngọn núi Câu Lậu thuộc thôn Yên, Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội. Theo một số tài liệu để lại thì chùa Tây Phương xây từ thế kỷ thứ 8, là ngôi chùa cổ thứ hai, sau chùa Dâu ở Bắc Ninh. Chùa Tây Phương đến nay đã được xây lại trên nền chùa cũ, đúc thêm chuông vào khoảng 1788-1789 dưới triều Tây Sơn, và gắn chữ “Tây Phương cổ tự” từ đó.

Trải qua bao nhiêu thăng trầm của thời gian và biết bao biến cố lịch sử, chùa Tây Phương hiện có kiến trúc độc đáo với 3 tòa xếp thành hình chữ Tam: chùa Thượng (thờ các vị La Hán), chùa Trung (thờ Phật Tuyết Sơn), chùa Hạ (thờ bát bộ Kim Cương). Nhưng một trong những nét độc đáo của chùa Tây Phương là nằm trên ngọn đồi cao, phóng tầm mắt ra xung quanh là ruộng đồng xanh mướt. Để có thể bước chân vào lễ Phật, du khách còn phải “chinh phục“ 239 bậc đá ong đượm hồn cốt xứ Đoài. Bước qua khoảng sân, là vào chùa Hạ đại diện của chữ Nhân, tiếp đến là chùa Trung - chữ Thiên, chùa Thượng - chữ Địa. Nhìn từ phía ngoài mỗi tòa có hai tầng, 8 mái và 8 đầu đao cong vút. Khác với nhiều chùa chiền ở Việt Nam, tòa giữa (chùa Trung) của chùa Tây Phương hẹp nhưng cao hơn tòa Thượng và Hạ. Toàn bộ ngôi chùa toát ra một tính cổ kính và phóng khoáng phù hợp với triết lý “sắc sắc không không” của nhà Phật.

Nói đến chùa Tây Phương không thể bỏ qua hệ thống tượng phong phú và độc đáo vào bậc nhất, đặc biệt là 18 vị La Hán đặt ở chùa Thượng mà nhà thơ Huy Cận đã đặc tả: “Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau/ Quay theo tám hướng hỏi trời sâu/ Một câu hỏi lớn. Không lời đáp/ Cho đến bây giờ mặt vẫn chau...”. Chùa Tây Phương có 72 pho tượng cùng với các bức phù điêu chạm khắc công phu, tinh sảo. Nhiều pho được tạc cao hơn người thật như 8 pho tượng Kim Cương và Hộ Pháp, cao chừng 3m, trang nghiêm phúc hậu.

Phần lớn các tượng này đều được coi là có niên đại cuối thế kỷ 18. Hệ thống tượng ở chùa Tây Phương gồm: bộ tượng Tam Thế Phật với ba pho tượng Phật: Quá khứ, Hiện tại, Vị lai; bộ tượng Di-đà Tam Tôn: gồm tượng đức Phật A-di-đà, đứng hai bên là Quan Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát; tượng Tuyết Sơn miêu tả đức Phật Thích ca trong thời kỳ tu khổ hạnh; hai bên tượng Tuyết Sơn có tượng A Nan và Ca Diếp đứng hầu; tượng đức Phật Di lặc tượng trưng cho vị Phật của thế giới cực lạc tương lai; tượng Văn thù Bồ Tát đứng chắp tay, chân đi đất, các ngón chân bấm móng xuống mặt bệ…

Từ đỉnh đồi Câu Lậu, men theo những bậc đá ong khá dốc, chùa Thanh Am (nằm trong quần thể chùa Tây Phương) là một không gian tâm linh mới được khôi phục từ năm 1996. Vắng vẻ và nhỏ nhắn hơn, nhưng nơi đây rất thích hợp với những người muốn tìm đến nơi sâu lắng của tâm hồn. Đi hết Thanh Am là những bậc thang ngoằn ngoèo dẫn xuống chân núi qua những ngôi nhà, bụi chuối, bờ tường bằng đá ong độc đáo chốn này. Chỉ mất nửa ngày về miền Cực Lạc, chắc chắn mỗi người sẽ tìm thấy sự bình yên thư thái để quay về cuộc sống bộn bề hàng ngày.

Nguồn: An Ninh Thủ Đô

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập