...Như chùa Bà Đanh

Đã đọc: 3939           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image Khung cảnh thanh vắng trước tam quan chùa Bà Đanh - Ảnh: Binh Nguyên

“Vắng như chùa Bà Đanh!”, vì sao lại có câu thành ngữ ấy? Nhưng rất có thể trong tương lai phải nói “đông như chùa Bà Đanh!”...

Trên đường từ thành phố Phủ Lý về huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) chưa đầy 15km, vượt qua cầu treo Cấm Sơn lữ khách như lạc vào không gian khác: bên kia sông là chóp mái nhà thờ cao vút với phố thị ồn ào, bên này là một ngôi chùa u tịch nép mình ngay khúc uốn lượn của dòng sông Đáy trong khung cảnh làng quê thanh bình.

Bên ngoài Bảo Sơn tự - tên chữ của chùa Bà Đanh - vắng lặng đến mức nghe được tiếng động của những chiếc lá khô rơi trước sân chùa. Nhưng bên trong chánh điện có nhiều phật tử đang lâm râm tụng niệm. Họ là người làng Đanh Xá, mỗi chiều sau việc đồng áng lại đến chùa tụng kinh niệm Phật. Ngay cách tụng niệm ở đây cũng thì thầm, khe khẽ như muốn giữ đúng “thương hiệu” chốn thiền môn này!

Sau buổi kinh chiều cùng phật tử làng Đanh Xá, sư bà trụ trì Thích Đàm Đam mời khách phương xa xơi trầu nước và mở lời: “Tôi tu ở chùa này đã hơn 30 năm. Ngày trước chùa còn có sư thầy Thích Đàm Nê, đến năm 1987 sư thầy viên tịch. Từ nhiều đời qua, chùa lúc nào cũng chỉ độc một vị trụ trì, lại ở giữa khu rừng hoang vắng, theo tôi, có lẽ đó là một trong những lý do để có câu: vắng như chùa Bà Đanh”.

Anh Lại Tú Anh, người làng Đanh Xá, gần như ngày nào cũng đến chùa để làm công quả và giúp sư bà hương khói, cho biết thêm: “Ông nội tôi kể rằng ngày xưa nơi đây toàn là rừng rậm, ba mặt giáp sông và bên kia là ngọn núi Ngọc linh thiêng. Rừng có nhiều thú dữ, đêm đêm cọp về tận cổng chùa cào cửa, vì thế ít ai dám lui tới cổng chùa.

Vì thương các sư thầy ở một mình giữa rừng, dân làng Đanh cùng nhau đốt đuốc đến viếng chùa, giúp tu bổ chùa và chống thú dữ. Có lẽ do cảnh chùa u tịch quanh năm nên người làng đến viếng chùa cũng đi lại, nói năng nhẹ nhàng, càng tạo ra sự lặng lẽ. Gần đây khá đông phật tử khắp nơi đến vãng cảnh chùa trong những ngày lễ lớn, dù vậy ai cũng tôn trọng không khí trầm lặng ở đây”.

 

 

Người làng Đanh Xá ngày nào cũng đến chùa tụng niệm - Ảnh: Binh Nguyên

Sư bà Thích Đàm Đam cho biết thật ra chùa còn là đền: chánh điện thờ Phật, phía sau lúc nào cũng cửa đóng then cài là phủ thờ đạo Mẫu và Tứ Pháp - tín ngưỡng dân gian phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc bộ từ thế kỷ thứ 7. Trong phủ thờ có tượng bà Chúa Đanh, tương truyền là một nữ thần trông coi việc điều mưa khiển gió, nhờ bà mà vùng đất này không còn cảnh thiên tai mất mùa, đời sống người dân trở nên sung túc ấm no.

Tượng bà Chúa Đanh có từ đời vua Lê Hy Tông (1675-1705), do dân làng tự làm từ thân cây gỗ mít ngàn năm tuổi, rồi lập đền thờ gọi là đền Bà Đanh. Về sau dân làng mới thỉnh tượng Phật về thờ, dần dà đền trở thành chùa Bà Đanh. Chùa Bảo Sơn được công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia năm 1994, đến năm 2008 tỉnh Hà Nam đầu tư hơn 20 tỉ đồng tu bổ chùa và làm con đường đi xuyên qua rừng cây đại, cây hoàng lan cổ thụ vào tận cổng chùa.

Sư bà Thích Đàm Đam cho biết: “Cứ mười người đến vãng cảnh chùa thì có đến chín hỏi tôi đúng một câu “Vì sao lại vắng như chùa Bà Đanh?”, dù khi ấy sân chùa đông kịt người. Dù vậy tôi cũng vui vì gần như ai cũng biết đến chùa Bà Đanh nhờ câu thành ngữ dân gian ấy. Chắc ít lâu nữa người ta phải đổi câu ấy thành “đông như chùa Bà Đanh” mới đúng! Riêng tôi chỉ lo mỗi việc tuổi đã cao mà vẫn chưa tìm được ai nối tiếp việc nhang khói, chăm sóc cho chùa mai sau. Có khi đó chính là số phận đã làm nên sự nổi tiếng của ngôi chùa này...”.

 

Cầu treo Cấm Sơn nối liền đôi bờ sông Đáy dẫn vào chùa Bà Đanh - Ảnh: Binh Nguyên

 

 

Trước chánh điện - Ảnh: Binh Nguyên

 

Ngoài chùa Bà Đanh ở làng Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam), tại Hà Nội cũng có một ngôi chùa mang tên Bà Đanh. Đó là chùa Châu Lâm trên đường Thụy Khuê. Theo Tây Hồ chí, chùa Châu Lâm do vua Lê Thánh Tông lập vào năm 1470 để các tù binh Chiêm Thành bị bắt trong công cuộc bình Chiêm có nơi tụng kinh niệm Phật.

Tương truyền có một người phụ nữ tên Đanh thường hay lui tới cúng dường để tôn tạo, tu bổ chùa nên có tên gọi chùa Bà Đanh. Ngôi chùa này đã bị phá bỏ vào năm 1689, đồ cúng tế được chuyển sang chùa Phúc Lâm gần đó.

Nguồn: Tuổi Trẻ

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập