Về thăm di tích nghìn năm tuổi

Đã đọc: 2349           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image Toàn cảnh ngôi chùa nghìn năm, nay đã được tôn tạo khang trang hơn.

i đã về xã Đông Mỹ (Thanh Trì - Hà Nội) hẳn sẽ biết đến một địa chỉ tâm linh nổi tiếng: chùa Hưng Long ở làng Đông Phù. Đây là ngôi chùa được khởi dựng từ năm 1011, do chính vua Lý Thái Tổ ban chiếu và cấp tiền xây dựng. Bước sang năm 2011, ngôi chùa tròn 1.000 tuổi.

Giá trị lịch sử - văn hóa của di tích ngàn năm

Chùa Hưng Long còn có tên gọi là Long Hưng, Hưng Hóa, Nhót, Phù Liệt hay Đông Phù.... Sở dĩ có nhiều tên gọi khác nhau là do tập quán của cư dân địa phương, thường gọi tên chùa gắn với tên làng nơi ngôi chùa đó tọa lạc, hoặc trong quá trình tu tạo phát hiện ra những dấu ấn, sự kiện đặc biệt, nên gọi theo nhằm ghi lại dấu ấn, sự kiện đó.

Tương truyền, đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072), có hai vị công chúa là Lý Từ Thục và Lý Từ Huy cùng hai thị giả Quỳnh Hoa và Quế Hoa về ngôi chùa này xuất gia. Sau đó, các vị cùng thu thần thị tịch tại lăng Liên Hoa (cách chùa Hưng Long khoảng 1 km) nhằm ngày 15 tháng 3 năm Ất Hợi, niên hiệu Hội Phong thứ 4 (1095) đời vua Lý Nhân Tông. Từ đó, dân trong vùng gọi theo đạo hiệu là Đại thánh Bồ tát Lý Từ Thục và Đại thánh Bồ tát Lý Từ Huy, hai vị trở thành sư tổ của chùa (dân gian thường gọi là Nhị vị Bồ Tát). Đến thời Lê sơ, hai công chúa được phong là Linh Thông Đại Bồ Tát.

Hàng năm, vào ngày 14, 15, 16 tháng Ba (âm lịch), nhân dân các làng Đông Phù, Đông Trạch, Mỹ Ả, Chanh Khúc, Văn Uyên, Tương Trúc, Tự Khoát, Mỹ Liệt và Ninh Xá tổ chức mở hội tri ân công đức của hai công chúa nhà Lý đã cấp đất cho dân sản xuất, dạy dân làm nghề phụ lúc nông nhàn. Để tỏ lòng thành kính trước đức hạnh tu tập và công lao đóng góp của hai công chúa nhà Lý cùng hai thị giả, sau khi viên tịch, các tín đồ, phật tử đã tạc tượng và thờ ở vị trí trang trọng tại chùa Hưng Long.

Theo các cụ cao niên làng Đông Phù, trong chùa còn lưu giữ được một số cây có tuổi thọ trên 700 năm như đại, nhãn, mít; những cây thông lớn bên đường cái (nay gọi là đường 70) là do các bà (tức Lý Từ Thục và Lý Từ Huy) trồng từ ngày ấy, hơn 10 năm trước vẫn còn toả bóng. Chuyện kể rằng, khi các bà mất, dân 9 làng đều muốn giữ việc thờ phụng. Các làng bèn họp bàn, làng nào xây được lăng trước, làng đó được giữ trưởng nam. Kết quả, người Ninh Xá hoàn thành trước được giữ trọng trách này. Dưới các triều đại phong kiến, dân Ninh Xá được miễn sưu thuế, cấp 10 mẫu 5 sào đất cấy hàng năm lấy hoa lợi thờ cúng. Lệ này được giữ đến đời vua Gia Long.

Chùa Hưng Long không chỉ có giá trị lịch sử văn hóa, mà đây còn là một di tích cách mạng. Trong những ngày đầu của cuộc cách mạng do Đảng khởi xướng, lãnh đạo và chỉ đạo, chùa là nơi hội họp của tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội (1929), của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở ngoại thành Hà Nội (1930) và là nơi tập hợp quần chúng trong những ngày Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền năm 1945.

 

Một hiện vật có giá trị của chùa Hưng Long.

 

Xuất phát từ những giá trị truyền thống, Đông Mỹ trở thành mảnh đất địa linh nhân kiệt. Nơi đây là quê hương của nhiều vị khoa bảng, lão thành cách mạng có công với đất nước như đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Thọ Chân, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, đồng chí Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều vị lão thành cách mạng khác.

Năm 1990, Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) quyết định công nhận chùa Hưng Long là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đến năm 2004, UBND TP. Hà Nội công nhận quần thể di tích này là Di tích cách mạng.

Quần thể kiến trúc mới, hài hòa kim cổ

Kiến trúc của chùa mang đậm nét truyền thống của ngôi cổ tự vùng Đồng bằng Bắc Bộ theo kiến trúc nội công ngoại quốc, tiền Phật hậu Thánh. Chính điện là ban thờ Phật, hai bên thờ tượng Thập Điện và Quán Thế âm Bồ Tát (tọa sơn). Hai đầu hồi tiền đường đắp theo hình núi đá để thờ điện Phật và các cảnh giới tu tập, thiện ác, nhân quả, luân hồi, nghiệp báo theo tư tưởng của giáo lý nhà Phật, chính giữa có tượng Quán Thế âm Bồ Tát (chuẩn đề) và Phật Di Lặc.

Nối tiếp giữa tiền đường chính điện là hai dãy hành lang, mỗi bên gồm 11 gian thông nhau thờ tượng Đức ông và tượng Đức Thánh Hiền. Sau hậu cung tòa Tam Bảo là nhà tế, phía trước gồm 3 gian thờ Nhị vị Bồ Tát và hai nàng hầu Quỳnh Hoa, Quế Hoa.

Di tích lịch sử văn hóa cách mạng chùa Hưng Long cùng với di tích đình Đông Phù đã tạo nên cảnh quan kiến trúc hoàn chỉnh về tín ngưỡng tâm linh và văn hóa địa phương.

Có được quần thể di tích nổi bật như hôm nay, nhiều người nhắc đến công đầu của thầy trụ trì chùa là Đại đức Thích Minh Tiến, Phó chánh văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ngày 19/8/2008, Đại đức Thích Minh Tiến được Thành hội Phật giáo Hà Nội và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm về trụ trì chùa Hưng Long. Cảm kích về lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng mà ngôi chùa chứa đựng, thầy Tiến đã bàn với chính quyền và nhân dân địa phương triển khai trùng tu ngôi chùa.

Tháng 9/2008, nhà chùa phối hợp với UBND xã Đông Mỹ cùng các phòng ban chức năng của huyện Thanh Trì và thành phố Hà Nội tổ chức quy hoạch tổng thể các hạng mục công trình còn lại. Sau khi được sự chấp thuận của thành phố, ngày 8 tháng Giêng năm Kỷ Sửu (2009) nhà chùa đã chính thức tổ chức khởi công trùng tu, tôn tạo tổng thể các công trình thuộc quần thể di tích. Đến tháng 11/2009 đã cơ bản hoàn tất và đưa vào sử dụng.

Chia tay chúng tôi, Đại đức Thích Minh Tiến chắp tay từ biệt, và như chợt nghĩ ra điều gì, thầy chậm rãi tâm sự: “Phật giáo ở Việt Nam có lịch sử rất lâu đời, mang ý nghĩa nhập thế sâu sắc với quan niệm luôn đồng hành cùng dân tộc. Về phần mình, tôi chỉ muốn xây dựng chùa Hưng Long ngày càng khang trang mà vẫn giữ được các giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống của ông cha”.

Nguồn: Kinh Tế Nông Thôn

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập