Hành hương "làng chùa"

Đã đọc: 3527           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image Bảo tháp Minh Tích An tại Vĩnh Minh Tự Viện.

Không biết đã có thể xác lập kỷ lục cho vùng quê này hay chưa, đó là kỷ lục về một vùng dân cư gọi chung là Ðại Ninh thuộc hai xã nằm hai bên bờ con sông nhỏ Ðạ Nhim (thuộc huyện Ðức Trọng, Lâm Ðồng) có số lượng cơ sở thờ tự Phật giáo vào hàng nhiều nhất Việt Nam.

Vùng đất an lành

Thôn Phú An thuộc xã Phú Hội ở phía hữu ngạn sông chỉ với 2.170 nhân khẩu mà có tới 53 cơ sở thờ tự bao gồm chùa, tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường. Nếu tính trung bình, cứ 40 người dân tại địa phương này đã có một cơ sở thờ tự. Còn xã Ninh Gia ở phía tả ngạn sông cũng có tới 31 thiền thất. Như vậy, dù chưa có một thống kê cụ thể nhưng nhiều người đã khẳng định rằng, đây là địa phương có mật độ chùa chiền nhiều nhất nước hiện nay. Phòng Tôn giáo của UBND huyện Ðức Trọng cung cấp, hơn 14 xã và thị trấn của huyện này, có tất cả 165 cơ sở thờ tự thì hai xã trên đã chiếm gần một nửa và riêng thôn Phú An đã có tới 492 chức sắc và tăng ni đang hành đạo trên tổng số 650 vị trên địa bàn toàn huyện. Quả thật, đến bây giờ, vùng Ðại Ninh được mệnh danh là chốn 'đất lành' của những người hành đạo Thích Ca mà người dân qua đây thì không biết từ bao giờ đã quen gọi 'làng chùa'...

Phú Hội và Ninh Gia đã trở thành một vùng quê trù phú. Những cánh rừng tái sinh, những rẫy cà-phê tươi tốt đã phủ xanh trở lại đất này một màu no ấm. Cùng với sự có mặt của công trình thủy điện Ðại Ninh, một công trình quốc gia, nơi đây đã trở thành một thị tứ mang dáng dấp nông thôn thời công nghiệp hóa với rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thấp thoáng sau những tán rừng, những nương cà-phê đang mùa trổ hoa, hình ảnh những ngôi thiền thất như càng tôn thêm dáng nét an lành của quê hương trong thời thanh bình...

 

Các sư cô ở làng chùa Đại Ninh.

Tour du lịch 'làng chùa'

Nhìn từ quốc lộ, đã hiện lên hình ảnh những mái chùa cong, những tòa bảo tháp cao vút và nhiều mái tam quan giữa vườn cà-phê và cây ăn trái trĩu quả. Nhiều bóng áo cà sa thấp thoáng. Tiếng chuông chùa ngân vang, tiếng gõ mõ tụng kinh văng vẳng từ các triền đồi. Một không gian đậm chất thiền đã tạo cho mỗi ai đến đây cảm giác thật thanh thoát và an bình. Ngôi thiền thất đầu tiên chúng tôi vãn cảnh là chùa Thánh Ðức do thượng tọa Thích Thanh Thế trụ trì. Vị thượng tọa đang bận Phật sự nơi xa, người tiếp chúng tôi là đại đức Thích Thông Phương. Thầy Thông Phương nói: 'Chùa chúng tôi mới mở rộng từ năm 1997, trước đó chỉ là một tịnh thất nhỏ. Từ khi lập chùa, tăng ni và Phật tử một lòng hướng Phật với tinh thần đạo pháp gắn liền với dân tộc, tăng ni nhập thế, đạo và đời cùng hòa hợp, đồng hành trong bước phát triển đi lên của đất nước'.

Ở thôn Phú An, Vĩnh Minh Tự Viện là tòa phật đường nổi tiếng trong vùng. Ngôi chùa nằm trên một ngọn đồi cao rộng chừng 10 héc-ta, không gian rợp mát cây xanh, thoáng đạt và thanh tịnh. Tại đây, chúng tôi đã tìm hiểu về quá trình hình thành 'làng chùa' Phú An. Theo đó, những năm đầu thập niên 60, chán ghét chiến tranh, các hòa thượng Bửu Huệ, Bửu Lại và Thích Thiện Tâm đã cùng nhau đến vùng núi rừng hoang vu bên bờ sông Ða Nhim xa xôi này khai sơn, dựng thạch thất để mong tìm được chốn yên tĩnh tu hành. Tất nhiên, những năm chiến tranh ác liệt đã làm cho việc mở mang cửa Phật cũng gặp nhiều sóng gió. Ban đầu, hòa thượng Thích Thiền Tâm cho xây dựng tu viện và chùa Hương Nghiêm, ngôi chùa đầu tiên của vùng đất này, bây giờ được gọi là Tổ đình. Còn Vĩnh Minh Tự Viện được thành lập năm 1973 bởi hòa thượng Thích Tâm Thanh, học trò của ba vị hòa thượng đầu tiên đến đất Phú An. Ban đầu, hòa thượng Thích Tâm Thanh chỉ xây dựng một tịnh thất nhỏ để tĩnh tâm sau những ngày thuyết giảng. Sau ngày đất nước thống nhất, được sự ủng hộ của chính quyền, nhận thấy duyên hóa độ có nhiều thuận lợi, ông mở mang tịnh thất cũ thành Vĩnh Minh Tự Viện. Theo các chư tăng ni và phật tử, từ khi Vĩnh Minh Tự Viện hình thành, cùng với tài thuyết giảng của hòa thượng Tâm Thanh, nơi đây đã trở thành điểm tựa tinh thần cho những người theo đạo Phật khắp các làng quê quanh vùng. Tiếng lành đồn xa, từ đó, không chỉ tăng ni, phật tử trong huyện Ðức Trọng mà người tứ xứ đã tụ về đây để nghe thuyết giảng và thọ giáo quy y, tịnh xá, tịnh thất cũng từ đó mà mở mang nhiều thêm...

Hiếm nơi nào có 'duyên' như vùng đất Phú An, bởi vậy vào các dịp lễ Tết, Vu Lan, Phật Ðản và rằm tháng giêng gắn với lễ hội thác Pongour, rất nhiều du khách đến thăm 'làng chùa' độc đáo này. Sau một ngày tham quan làng chùa Phú An, chúng tôi cảm nhận được những nét văn hóa độc đáo, phong phú. Tại chùa tổ Hương Nghiêm có tháp mộ ba tầng khá đồ sộ của cố hòa thượng Thích Thiện Tâm. Ðến với Phương Liên Tịnh Xứ, ngoài ngôi chùa uy nghi, rộng lớn với kiến trúc Ðông - Tây kết hợp, còn có bảo tháp bảy tầng đồ sộ tọa lạc trên đỉnh đồi cao, nơi đây còn có tháp mộ của cố ni sư Thu Nguyệt, vị trụ trì chùa. Vĩnh Minh Tự Viện có cổng tam quan xếp bằng đá, bảo tháp xá lợi Minh Tích ấn cao chín tầng uy nghi, cùng nhiều tượng Phật đặc sắc. Dọc theo hữu ngạn và tả ngạn sông Ða Nhim còn có hàng chục ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường, mỗi thiền thất mỗi dáng vẻ kiến trúc khác nhau vừa mang nét cổ kính vừa xen lẫn tính hiện đại như tịnh xá Ngọc Thành, các chùa Hương Sen, Dược Sư, Ðạo Tràng Long Châu. Ðến với 'làng chùa' du khách còn có thể tiếp cận và đàm luận Phật học với những bậc chân tu như sư Tràng, sư bà Hải Triều Am, thượng tọa Thích Tâm Mãn...

Trong tương lai không xa, khi công trình thủy điện Ðại Ninh và dự án du lịch sinh thái hồ Ðại Ninh cách 'làng chùa' chưa đầy cây số xây dựng xong nơi đây sẽ trở thành một khu du lịch hấp dẫn.

 Theo: nhandan.com.vn

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập