Triển Vọng Phát Triển Du Lịch Của Ngôi Chùa ở Thành Phố Hồ Chí Minh

Đã đọc: 11489           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

I. DẪN NHẬP

Du lịch danh lam cổ tự là cụm từ mới ra đời gần đây. Nó là tên gọi môn học rất mới của chuyên ngành Phật giáo Việt Nam thuộc Học Viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh khóa sáu, năm tư, 2009. Tuy là môn học mới nhưng đây là môn học vô cùng lí thú và cần thiết. Từ môn học này ở Học viện Phật giáo Việt Nam, sẽ mở ra một hoạt động mới, hỗ trợ cho công cuộc hoằng pháp lợi sanh của Phật giáo, đó là du lịch danh lam cổ tự.

Có thể nói du lịch danh lam cổ tự ra đời sẽ khơi nguồn cho sự hình thành và phát triển du lịch Phật giáo trong tương lai. Từ trước đến nay, chưa có một công ty du lịch nào xem chùa là điểm tham quan du lịch nổi tiếng. Họ chỉ xem chùa là nơi thờ cúng hơn là điểm đến để thưởng ngoạn, tham quan du lịch. Ngay cả Phật giáo từ trước đến giờ cũng xem chùa là nơi tu tập và hành lễ của tăng ni, Phật tử. Các khía cạnh khác của ngôi chùa như: chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng; là cơ sở giáo dục . . . vẫn bị xem nhẹ, nói chi đến du lịch. Do đó, các chùa hầu hết không có chuyên viên hướng  dẫn, điều hành, tổ chức các hoạt động đa dạng vốn có của ngôi chùa. Về du lịch tâm linh, thiếu hẳn một đội ngũ chuyên trách về tiếp khách và hướng dẫn du khách hành hương hương, tham quan lễ bái và dĩ nhiên, những nhu cầu của khách tham quan liên quan đến sinh hoạt tâm linh sẽ không được đáp ứng (ví dụ như: nhu cầu được hướng dẫn hành lễ tập thể, thiền hành tập thể, dùng cơm chay tập thể . . .). Các chùa xưa nay thường, nếu có du khách đến thì cũng chỉ đến để lễ bái và vãn cảnh qua loa, không có ai đón tiếp, hướng dẫn và thuyết minh cho họhiểu về lịch sử hình thành ngôi chùa, ý nghĩa các tượng thờ và giáo lý Phật giáo nói chung cả. Các công ty du lịch phần thì không chú trọng đến vai trò vị trí của ngôi chùa, một phần không nắm vững lịch sử, văn hóa, kiến trúc của ngôi chùa, phần khác thiếu hiểu biết về đạo Phật nên cũng không sao hướng dẫn du khách được, nhất là du khách nước ngoài.

Tình trạng trên đã dẫn tới nhiều điều đáng tiếc. Du khách đến chùa mạnh ai nấy đi, không theo một trật tự thứ lớp gì cả. Khi đến chùa, ai muốn đi đâu đi, muốn xem gì xem, muốn hiểu sao hiểu, không hiểu thì chịu không biết hỏi ai. Có những ông Tây bà đầm mang cả dép vào chánh điện và khi vào chánh điện họ nhìn lơ ngơ, không biết vị ngôi trên bàn thờ là ai. Có hướng dẫn viên du lịch đã từng chỉ vào tượng Bồ tát Quán Thế Âm và nói với du khách đó là mẹ Maria!

Vì không xem ngôi chùa có thể là nơi tham quan du lịch lí tưởng và có sức thu hút du khách, nên đa số các chùa không chú ý đầu tư các dịch vụ phục vụ du khách và an toàn cho du khách. Thực tế, nhiều chùa Phật giáo có diện tích khá rộng, có nét kiến trúc và mỹ thuật rất đặc thù, có tương đối đầy đủ các tiện nghi vật chất và các hoạt động văn hóa giáo dục có khả năng phục vụ du lịch khá tốt. Nhưng do chưa quan tâm đầu tư đúng mức nên những tiềm năng du lịch của ngôi chùa bị bỏ ngỏ.

Nếu những tiềm năng của ngôi chùa được khai thác và những thiếu sót được khắùc phục, ngôi chùa sẽ là nơi tham quan du lịch tốt nhất, xét trên nhiều phương diện và khía cạnh.

Chúng tôi trong bài này, sẽ nói đến những ngôi chùa nói chung ở thành phố Hồ Chí Minh, giới thiệu một số ngôi chùa là điểm tham quan du lịch tiêu biểu. Sau đó đi sâu tìm hiểu về chùa Xá Lợi - một ngôi danh lam khá nổi tiếng ở Sài Gòn. Trên cơ sở tìm hiểu đó, thử đưa ra các tiềm năng du lịch của ngôi chùa, những điểm còn hạn chế và từ đó sẽ có những đề xuất làm thế nào phát triển du lịch danh lam cổ tự trong tương lai.

II.  NGÔI CHÙA PHẬT GIÁO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

1. Sơ Nét Về Ngôi Chùa Tại Thành Phố Hồ Chí Minh

Phật giáo Sài gòn - Thành Phố Hồ Chí Minh đã có 300 năm lịch sử. Vào khoảng thế kỷ XVII- XVIII làng chỉ lập nên một ngôi chùa, một ngôi đình để tổ chức cầu an, cầu phúc theo nghi thức Phật giáo. Cuối thế kỷ XVIII, một vài vị cao tăng từ vùng Qu?ng Nam - Bình Định vào Trấn Biên - Phiên An lập thảo am tu hành, hoằng dương Phật pháp. Những thảo am này về sau được trùng tu trở thành đại già lam như: Kim Chương (Sài Gòn), Tập Phước (Gò Vấp), Hội Sơn (Thủ Đức). Khi Pháp chiếm chùa làm đồn lũy, một số ngôi chùa đã mất hẳn chỉ còn tên trong sách vở như: Quốc Ân, Khải Tường, Ngự Tứ Quang Long, Sắc tứ Pháp Võ, Phước Hưng Tự, Mai Sơn Tự.

Đầu thế kỷ XX, Phật giáo Sài Gòn bắt đầu hưng thịnh. Các đại tổ đình, đại già lam như Giác Lâm, Giác Viên, Sắc tứ Tập Phước, Sắc tứ Trường Thọ được hình thành và phát triển. Các chùa nàyï là trung tâm tu học,  hoằng pháp và giáo dục nổi tiếng một thời. Chính từ những ngôi chùa trên đã đào tạo những cao tăng chân tu thật học, phục vụ cho công cuộc hoằng dương chánh pháp, truyền bá Phật pháp trong thời cận hiện đại.

Về phương diện kiến trúc, có thể nói hầu hết các chùa đều có những nét kiến trúc khác nhau, không chùa nào giống chùa nào cả. Tuy nhiên, ta có thể chia kiến trúc chùa ở Sài Gòn làm hai loại là kiến trúc cổ và kiến trúc mới. Các chùa kiến trúc cổ hầu hết làm bằng gỗ theo kết cấu vì kèo như chùa Giác Lâm, chùa Giác Viên, chùa Phụng Sơn . . . Các chùa có kiến trúc mới được xây dựng bằng bê tông cốt thép và đa số có lầu. Tiêu biểu cho loại kiến trúc mới này là chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Xá Lợi, chùa Ấn Quang . . .

Mỹ thuật trang trí họa tiết của các ngôi chùa cổ cũng khác các ngôi chùa mới.

Về bệ thờ: Ở các chùa cổ, bàn thờ thường được làm bằng gỗ qúi, chân không có chạm trổ, chỉ chạm trổ rèm phía trước. Ở các chùa mới, bàn thờ được chạm trổ công phu, sơn son thếp vàng hoặc phủ sơn mài (chùa Vĩnh Nghiêm, Ấn Quang).

Về các bao lam: Các chùa cổ, chùa nào cũng có bao lam chánh điện. Chùa có bao lam nhiều nhất và có giá trị nhất là chùa Giác Viên. Trong khi ở các chùa mới bao lam không nhiều. Đáng kể chỉ có bao lam tứ linh, cửu long phúng thủy chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Phổ Quang.

Về các câu đối: Ở các chùa cổ có rất nhiều câu đối bằng chữ Hán chạm trên gỗ hoặc nhấn trên cột gạch. Chùa Giác Lâm là ngôi chùa có nhiều câu đối nhất. Ngược lại, các chùa mới thường ít hoặc không có câu đối (chùa Xá Lợi), hoặc câu đối bằng chữ Việt để mọi người có thể đọc (câu đối ở Tam quan chùa Vĩnh Nghiêm).

Về các hoành phi: Các chùa cổ có rất nhiều hoành phi treo trên chánh điện hoặc nhà tổ. Các bức hoành phi thường được sơn son thếp vàng và viết bằng chữ Hán. Các chùa mới, có chùa có những bức hoành phi bằng gỗ, có chùa đúc hoành phi bằng xi măng.

Về các phù điêu: Chùa cổ thường khắc phù điêu trên khung câu đối, khung bàn thờ, mặt bàn thờ, đầu các cột hoặc đắp ở mặt tường. Phù điêu ở chùa cổ như Giác Lâm đề tài rất đơn giản và có tính cách dân gian. Còn các chùa mới đa số có khắc phù điêu và đề tài điêu khắc rất phong phú như phù điêu khắc các danh lam trong và ngoài nước trên hương án chùa vĩnh Nghiêm. Đặc biệt, chùa Xá Lợi phù điêu hình hoa sen được đắp trên tường thay cho các bao lam.

Về tượng thờ: Hầu hết các chùa cổ điều bài trí nhiều tượng thờ. Ngoài tượng Phật còn có cả tượng Thập điện, La hán, tượng Ngọc Hoàng . . . Nói chung là các chùa cổ có xen lẫn cả tín ngưỡng dân gian, nên số tượng thờ rất nhiều. Chùa Giác Lâm có đến 119 pho tượng, chùa Giác Viên có 153 pho. Trong khi các chùa mới thờ rất ít tượng. Có chùa chỉ thờ một tượng Phật Thích Ca (chùa Xá Lợi).

Những ngôi chùa ở Thành Phố Hồ Chí Minh hiện nay có đầy đủ ba hệ phái: Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ. M?i h? phái có phương pháp hành trì riêng và có những nét đặc thù riêng biệt về kiến trúc, mỹ thuật, sinh hoạt, hoằng pháp, giáo dục. Điều ấy làm nên sự phong phú đa dạng cho Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh. Sự phong phú, đa dạng ấy như một vườn hoa với đầy những kì hoa dị thảo, góp phần làm nên vẻ đẹp cho Phật giáo thành phố nói riêng, văn hóa thành phố nói chung.

Hằng năm, các tự viện, tịnh xá, tổ đình đều có lễ hội chung và riêng: Phật đản, An cư Kiết hạ, Rằm tháng Bảy, tết Nguyên đán, Rằm tháng Giêng, các ngày vía Phật, Bồ tát, các ngày lễ giỗ tổ.v. v. . . thu hút nhiều Phật tử và khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.


2. Một Số Ngôi Chùa Là Điểm Tham Quan Nổi Tiếng

2.1. Chùa Giác Lâm

Chùa tọa lạc ở số 118 đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Chùa được xây cất vào mùa xuân năm Giáp Tý (1744). Lúc đầu, chùa có tên là Sơn Cang, còn gọi là chùa Cẩm Đệm. Vào năm 1774, Thiền sư Phật Ý - Linh Nhạc, trụ trì chùa Từ Ân, đã đổi tên chùa Sơn Cang thành chùa Giác Lâm và cử Thiền sư Viên Quang về trụ trì, theo dòng thiền Lâm Tế.

Chùa đã được trùng tu nhiều lần, lớn nhất là lần trùng tu là vào các năm 1798-1880. Lần đại trùng tu thứ hai vào các năm 1908-1909. Kiến trúc chùa hiện nay mang rõ dấu ấn của lần trùng tu thứ hai này.

Các năm sau đó chùa sửa chữa và xây thêm các phần phụ. Năm 1939-1945, xây tường rào. Năm 1955, xây tam quan. Sau năm 1975, lợp lại ngói, lót gạch ở sân trước chánh điện, xây cổng tam quan bên ngoài.

Năm 1994, chùa hoàn thành bảo tháp Xá Lợi Phật 7 tầng, hình lục giác, cao 32,70m, diện tích hơn 600m2 .  Tầng dưới cùng thờ tượng Di Đà Tam Tôn, các tầng kế trên thờ nhiều tượng Phật, Bồ tát như: đức Phật Thích Ca, đức Phật Dược Sư, Bồ tát Quan Thế Âm, Bồ tát Chuẩn Đề, Bồ tát Di Lặc, giữa là tháp Xá lợi thờ đức Phật Thích Ca.

Chùa có hai tam quan và ba khu tháp mộ. Tam quan cũ được xây dựng năm 1955. Tam quan mới được xây dựng năm 1999, sát đường Lạc Long Quân, cách tam quan cũ khoảng 80m. Hai cổng đều xoay mặt về hướng Nam. Khu tháp mộ có tổng cộng 47 tháp. Trước khu tháp tổ có miếu Linh sơn thánh mẫu.

Kết cấu kiến trúc của chùa là hai nếp nhà tứ trụ bố trí theo kiểu trùng thiềm điệp ốc. Tổng các hạng mục của khu Tam Bảo gồm: chánh điện, trai đường và giảng đường, bố cục trên một mặt bằng hình chữ nhật, chiều rộng 22m, chiều dài 65m. Trước chánh điện có sân hình chữ nhật, ngang 20m, rộng 10m. Trước sân là sân vườn, có miếu nhỏ đặt tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng đá màu.  Trong sân vườn có cây Bồ đề do ngài Narada tặng.

Chùa có đến 119 pho tượng (trong đó có 113 pho tượng cổ) với nhiều chất liệu khác nhau. Điện Phật gồm có ba bàn: Bàn Di Đà, bàn Hội đồng, bàn Tam Bảo.

Chùa còn bảo tồn nhiều công trình chạm khắc gỗ có giá trị nghệ thuật cao: 23 bao lam chạm lộng, 23 bức hoành phi, 86 câu đối, 46 bàn thờ và nhiều pháp khí, đồ thờ cổ . . .

Lần trùng tu thứ hai, chùa đã sử dụng 7.454 đĩa kiểu cẩn dọc theo hai mặt tường của Tây đường, điện Phật, tháp Tổ, nóc mái v.v. . . và còn giữ đến nay. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

2.2. Chùa Vĩnh Nghiêm

Chùa tọa lạc ở số 339 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Chùa do Hòa thượng Tâm Giác thành lập và trụ trì đầu tiên. Đến năm năm 1973, Hòa thượng Thanh Kiểm kế vị trụ trì. Năm 2000, Hòa thượng Thanh Kiểm viên tịch, Đại đức Thích Thanh Phong được cử làm trụ trì.

Kiến trúc chùa Vĩnh Nghiêm theo kiểu chữ Công, được xây dựng từ năm 1964 đến năm 1971 , theo đồ án của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. Chùa gồm một tầng trệt và một tầng lầu. Tầng trệt có giảng đường, tổ đường, văn phòng, phòng khách, phòng chư tăng, cửa hàng pháp khí đồng, cửa hàng phát hành kinh sách. Ở lầu chính, sân thượng rộng, bái điện dài 35m, rộng 22m. Chánh điện Phật thờ Thích Ca Tam Tôn, giữa thờ Phật Thích ca cao 7m, hai bên là Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền cao 5m. Sát vách hai bên có bốn pho tượng đồng: Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan, La Hầu La. Có bao lam tứ linh, bao lam cửu long, phù điêu trên các hương án.

Trên chánh điện đặt sáu bức phù điêu La Hán. Ở hàng hiên, trước lối vào chánh điện, mỗi bên có một pho tượng Kim Cương lớn. Sau điện Phật là điện Địa Tạng thờ Bồ tát Địa Tạng, Bồ tát Quan Thế Âm, Hộ Pháp, Tiêu Diện và các bàn thờ chư Phật tử quá cố.

Tháp chuông bên phải lầu chính treo quả đại hồng chung do Phật giáo Nhật Bản hiến cúng cho chùa vào năm 1969. Tháp Quan Âm được xây bên trái chùa, có 7 tầng mái, cao 35m, mỗi tầng đều có bàn thờ Bồ tát Quan Thế Âm.

Năm 1982 -1984, chùa xây dựng tháp Xá lợi cộng đồng. Tháp có bốn tầng, cao 25m.

Ngoài ra, chùa còn có một tòa nhà lớn: Tầng trệt là Thanh trai đường, tầng giữa là Tăng khách đường, tầng trên cùng là thiền đường

Chùa Vĩnh Nghiêm đã và đang là ngôi chùa thu hút rất nhiều Phật tử đến lễ bái, du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

2.3. Chùa Phước Hải

Tọa lạc ở số 73, đường Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận I. Người ta thường gọi chùa này là chùa Ngọc Hoàng, nhưng tên chính là điện Ngọc hoàng, là cơ sở tín ngưỡng của người Hoa. Năm 1981, cơ sở này gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đổi tên là Phước Hải tự.

Khuôn viên chùa rất rộng. Sân hình chữ nhật, giữa sân là phương đình thờ Hộ pháp Vi Đà. Bên cạnh là ao phóng sinh hình chữ nhật. Điện Ngọc Hoàng làm theo kiểu nội công ngoại quốc. Khu vực chính là ba tòa thượng điện, trung điện, hạ điện xếp theo hình chữ tam. Hai bên là hai dãy đông sương và tây sương.

Trước khu thờ phượng là tấm ngạch gỗ tả cảnh thần tiên sinh hoạt. Sau cửa tiền điện thờ Môn Quan Vương Đại và Thổ Địa Phước Đức chính thần. Giữa Tử Tiêu điện là tượng Ngọc Hoàng thượng đế, hai bên có Tiên đồng và Tiên cô hầu, ngoài có Nam Tàu Bắc Đẩu, hai bên còn có sáu vị thiên thần coi về năm, tháng, ngày, giờ và trực điện Tử Tiêu.

Thủy Nguyệt cung thờ Chuẩn Đề Bồ tát. Phía trước có các bài vị thờ Quan Âm Bồ tát, Long Nữ, Thiện Tài, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Thủy Mẫu Nương Nương, Long Mẫu Nương Nương. Ngoài ra còn có rất nhiều vị thần khác thờ ở chùa này. Vào khoảng 1920, các vị Đường chủ đưa vào thượng điện tượng Phật Dược Sư bằng gỗ trầm đặt trong lòng kính. Hai bên vách điện có hương án thờ mười bức phù điêu. Mỗi bức phù điêu diễn tả một vị Minh vương đang xử án và cảnh hình phạt tội nhân trong địa ngục. Có điện thờ chính của các tín đồ đạo Minh Sư. v. v . . .

Chùa Phước Hải hiện nay thuộc hệ phái B?c tông (Bắc tông của người Hoa). Hàng năm vào ngày lễ vía Ngọc Hoàng Thượng đế (mồng 9 tháng Giêng), ngày Nguyên Tiêu, ngày Trung Nguyên, Hạ Nguyên có trên ba nghìn khách hành hương đến viếng chùa. Chùa Phước Hải đã được Bộ Văn hóa- Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

2.4. Chùa Hoằng Pháp

Chùa Hoằng Pháp tọa lạc ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh, điện thoại: 083.7130002, 083.7134307.

Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Trụ trì hiện nay là thượng tọa Thích Chân Tính

Chùa do Hòa thượng Ngộ Chân Tử lập vào năm 1957. Năm 1959, ngôi chùa tường gạch mái ngói  được xây dựng. Năm 1972, xây nối thêm mặt tiền chánh điện dài 28m.

Hòa thượng Ngộ Chân Tử  viên tịch vào năm 1988 ( nhằm ngày 16 tháng 10 năm Mậu Thìn).

Thượng tọa Thích Chân Tính thay thế trụ trì. Thượng tọa đã trùng tu lại chánh điện vào năm 1995. Chánh điện có chiều ngang 18m, chiều dài 42m. Điện Phật chỉ thờ một tượng Phật Thích Ca, cao khoảng 4,5m. Chung quanh chánh điện có 7 bức phù điêu bằng xi măng, mô tả cuộc đời đức Phật từ Đản sanh đến nhập Niết bàn.

Phía trước chùa bên phải có hòn non bộ cao 10m, rộng 20m, có tôn trí tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao 5m bằng cẩm thạch, nặng hơn 20 tấn.

Bắt đầu từ tháng 5 năm 1999, chùa Hoằng Pháp tổ chức khóa tu Phật thất cho Phật tử tại gia. Các khóa tu này được tổ chức đều đặn từ đó đến nay và ngày càng đông Phật tử tham dự.

Chùa Hoằng Pháp đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam  xác lập hai kỷ lục là Ngôi chùa tổ chức nhiều khóa tu Phật thất có số lượng Phật tử tham dự đông nhất Việt Nam và ngôi chùa tổ chức Lễ hội hoa đăng kỷ niệm đức Phật A Di Đà lớn nhất Việt Nam.

Chùa Hoằng Pháp đã và đang tổ chức các chương trình như: Phật Pháp nhiệm mầu, Ánh sáng Phật Pháp. . .

Phòng phát hành kinh sách của chùa đã tổ chức in sang nhiều sách báo, tài liệu, phim ảnh, băng đĩa để phát hành và ấn tống cho Phật tử khắp nơi.

II. CHÙA XÁ LỢI

1. Lịch sử và kiến trúc

Chùa Xá Lợi là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh. Sự hình thành và phát triển của ngôi chùa này gắn liền với sự ra đời và hoạt động của Hội Phật Học Nam Việt và nhiều sự kiện trọng đại của công cuộc chấn hưng và thống nhất Phật giáo.

Chùa Xá Lợi vừa là nơi thờ tự, vừa là trụ sở của Hội Phật Học Nam Việt. Hội thành lập ngày 19 tháng 09 năm 1950. Trụ sở của Hội đầu tiên được đặt tạm ở chùa Khánh Hưng, đường Cách Mạng Tháng Tám, sau dời về chùa Phước Hòa ở đường Nguyễn Đình Chiểu, khu Bàn Cờ. Sau khi chùa Xá Lợi xây dựng hoàn tất, Hội mới chính thức đặït trụ sở tại đây.

Chùa Xá Lợi hiện tọa lạc tại số 89 đường Bà Huyện Thanh Quan, Phường 7, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, điện thoại: 083.9307438, 083.9300114. Chùa thuộc hệ phái bắc tông. Số chư tăng thường trú hiện tại là 9 vị. Trụ trì hiện nay là Hòa thượng Thích Hiển Tu.

Lịch sử xây dựng chùa Xá Lợi gắn liền với việc nghinh thỉnh và phụng thờ Xá lợi Phật. Năm 1953, ngài Narada mang sang Việt Nam ba viên ngọc Xá lợi và ba cây Bồ đề tặng cho ba nơi: Phật giáo Cao Miên, Phật giáo Nguyên Thủy và Phật giáo Bắc Tông Việt Nam. Phần Xá lợi trao cho Phật giáo Bắc tông do có sự tranh chấp về vấn đề tổ chức nào có đủ tư cách để tôn thờ ngọc Xá lợi nên sau ba ngày đưa ra nhà kiếng cho công chúng chiêm bái, ngọc Xá lợi đã được trao cho bà Đoan Hy hoàng thái hậu. Sau hai năm thờ phụng tại tư dinh, bà Đoan Hy đã trao lại Xá lợi cho Hội Phật Học Nam Việt. Để có nơi thờ Xá lợi Phật cho trang nghiêm, Hội Phật Học Nam Việt cùng với các Chi hội trong hai mươi mốt tỉnh thành đã vận động xây dựng chùa, thay cho chùa Phước Hòa đã qúa cũ kỹ. Ngày 14 tháng 04 năm 1956, Hội đã được toà Chính phủ Nam Việt cho phép mở cuộc lạc quyên tối đa là năm triệu đồng.

Ngày 27 tháng 12 năm 1956 khóa sổ. Kết qủa thu được ba triệu đồng. Nhưng theo bản vẽ, chi phí dự toán khoảng bảy triệu đồng.

Chùa chính thức khởi công xây dựng ngày 05 tháng 08 năm 1956 (nhằm ngày  29 thang 06 năm Bính Thân) trên một diện tích 2500 m2, do câu lạc bộ Đông Dương nhượng lại với số tiền tượng trưng là một đồng bạc Việt Nam. Chùa được xây dựng theo bản vẽ của hai kiến trúc sư Trần Văn Đường và Đỗ Bá Vinh, với sự tham gia kỹ thuật của hai kỹ sư Lê Văn Hổ và Trương Văn Khoa cùng với sự đôn đốc thi công của hai kỹ sư Dư Ngọc Ánh và Hồ Tố Thuận.

Chùa được xây dựng trong vòng mười bảy tháng và hoàn thanh ngày 02 tháng 05 năm 1958. Chùa được khánh thành vào các ngày 02, 03, 04 tháng 05 năm 1958 (nhằm ngày 14, 15, 16 tháng 03 năm Mậu Tuất).

Chùa Xá Lợi là ngôi chùa Hội nên sự quản lí điều hành được chia thành hai hệ thống. Giới xuất gia giữ nhiệm vụ lãnh đạo tinh thần. Giới tại gia giữ nhiệm vụ điều hành Phật sự. Giơi xuất gia lại được chia thành hai cấp, cấp lãnh đạo là phẩm vị Chứng minh Đạo sư, cấp điều hành là phẩm vị Trụ trì. Giới tại gia cũng chia thành hai cấp. Cấp lãnh đạo là chức vụ Hội trưởng, cấp điều hành là chức vụ Tổng Thư ký. Các đời Chứng minh Đạo sư tuần tự là: Hòa thượng Thích Liễu Thiền, Hoà thượng Thích Như Ý, Hòa thượng Thích Đạt Thanh, Hòa thượng Thích Huệ Quang, Hòa thượng Thích Khánh Anh, Hoà thượng Thích Thiện Hòa, Hòa thượng Thích Hành Trụ, Hòa thượng Thích Thiện Hào. Các đời Trụ trì gồm: Hòa thượng Thích Trường Lạc, Hòa thượng Thích Huyền Qúy, Hòa thượng Thích Vĩnh Chơn, Hòa thượng Thích Thiện Thắng, Hòa thượng Thích Thiện Phước, Thượng tọa Thích Minh Hạnh, Thượng tọa Thích Minh Trí và hiện nay là Hòa thượng Thích Hiển Tu. Các đời Hội trưởng gồm: Pháp sư Quảng Minh, Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, Cư sĩ Mai Thọ Truyền, Bác sĩ Cao Văn Trí, Cư sĩ Nguyễn Văn Hoanh. Các đời Tổng Thư ký gồm: Cư sĩ Mai Thọ Truyền, cư sĩ Võ Đình Dần, Cư sĩ Lưu Văn Trừ, Cư sĩ Tống Hồ Cầm, Cư sĩ Đỗ Văn Giu, Cư sĩ Lê Ngọc Diệp, Cư sĩ tăng Quang.[1]

Chùa Xá Lợi chỉ mới trải qua một lần trùng tu duy nhất trong ba năm, từ 1999 đến 2001. Đợt trùng tu này đã giữ nguyên vẻ kiến trúc ban đầu của ngôi chùa.

Chùa được xây dựng theo phong cách kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống dân tộc. Đây là ngôi chùa lầu đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh, mở đầu cho lối kiến trúc mới của Phật giáo: Trên Bái đường, dưới Giảng đường. Đồng thời trên nóc Chánh điện là những đầu mái uốn cong truyền thống. Kiến trúc ngôi chùa có các hạng mục: cổng tam quan, ngôi chánh điện, giảng đường, tháp chuông bảy tầng, thư viện, văn phòng Ban quản trị, khu tăng phòng, nhà trai đường, phòng khách, đoàn quán gia đình Phật tử, phòng phát hành kinh sách, nhà vãng sanh và các vườn cảnh.

Trong số những công trình nêu trên thì, kiến trúc mang nét đặc trưng làm nên phong cách riêng của chùa Xá Lợi là ngôi Chánh điện và tháp Chuông bảøy tầng.

Ngôi Chánh điện có chiều rộng 15m2, chiều dài 31 m2 . Chánh điện được thiết kế rộng rãi, thoáng mát, hiệu quả ánh sáng được vận dụng tốt nhờ hệ thống các cửa sổ cao, cọng với mặt tường được tô đá rửa màu vàng lợt.

Trên tường xung quanh Chánh điện có 15 bộ tranh mô tả lịch sử cuộc đời đức Phật từ lúc Đản sanh đến khi nhập Niết bàn. Bộ tranh này do giáo sư Nguyễn Văn Long trường Đại học Mỹ Thuật Gia Định thực hiện năm 1958. Tranh được vẽ bằng chất liệu sơn bột màu, rất sinh động, trông vào như đắp nổi. Đây là tác phẩm rất có giá trị nghệ thuật về phong cách họa tiết.

Ngoài ra, trên Chánh điện còn có một tháp bằng vàng, hình lá Bồ đề, bên trong đựng ngọc Xá Lợi của Đức Phật Thích Ca. Tháp đựng Xá Lợi được tôn trí ở trên cao, ngay trước tượng Phật Thích Ca.

M?t tr??c chùa là cổng Tam Quan chính, nhìn ra đường Bà Huyện Thanh Quan. C?ng Tam quan ph? m? ra phía đường S? Thi?n Chi?u. Phía trong c?ng Tam quan chính, bên trái là tháp Chuông bảy tầng cao 32m được khởi công xây dựng ngày 15 tháng 12 năm 1960 và khánh thành ngày 23 tháng12 năm 1961. Trong tháp treo Đại  hồng chung. Đại hồng chung đã phải đúc hai lần. Lần đầu đúc ngày ngày 01 tháng 03 năm 1961 bị hỏng. Lần hai đúc ngày 15 tháng 04 năm 1961( nhằm ngày 01tháng 03 năm Tân Sửu), cân nặng 2 tấn, đường kính 1,2m, cao 1,6m, rót đồng tại phường Phường Đúc Huế theo mẫu của đại hồng chung chùa Thiên Mụ. Đại hồng chung được treo lên tháp ngày 17 tháng 10 năm1961 (nhằm ngày 08 tháng 09 năm Tân Sửu).

Ngoài sân bên trái chánh điện có một cây Bồ đề do ông Trần Văn Hậu mang về từ Colombo, thay thế cho cây Bồ đề do ngài Narada mang sang tặng năm 1953 đã bị chết. Cạnh cây Bồ đề có đài  Quan  Âm  Lộ Thiên.

Chùa Xá Lợi là ngôi chùa đặc biệt không có câu đối. Nhưng bù lại chùa lại có những pháp khí qúi giá khác như:

Bức hoành phi đề bốn chữ Hán tự “Đông thùy pháp vũ” do chính tay Từ Hy thái hậu viết. Bức hoành phi này được ông Bùi Văn Thương, Đại sứ Việt Nam Cọng Hòa tại Tokyo mua ở Nhật để tặng cho chùa vào tháng 03 năm 1963.

Một tháp bằng bạc trong đựng ngọc Xá lợi của Đức Hoạt Phật Chương Gia Đại Sư do Pháp sư Diễn Bồi mang từ Đài Loan sang tặng chùa Xá Lợi vào ngày 11 tháng 12 năm 1960.

Một ngọn tháp bằng đồng lấy kiểu từ ngọn tháp cổ đã tìm lại được dưới đất sâu tại Ấn Độ hồi thế kỉ 18. Ngọn tháp này do ông S. Gupta, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Việt Nam đến chùa Xá Lợi nhân danh Ban tổ chức lễ kỉ niệm Buddha Jayanti tặng cho ông Hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt vào ngày 25 tháng 08 năm 1957.

Về kinh điển, có thể nói, chùa Xá Lợi là ngôi chùa Bắc tông duy nhất ở Việt Nam hiện lưu giữ pho kinh Pali viết trên lá buôn cổ xưa nhất. Pho kinh này đã trên một ngàn năm tuổi. Bản kinh dài 45 cm, rộng 6cm, hai đầu có dùi lỗ để xỏ chỉ xâu lại. Bìa kinh làm bằng gỗ, sơn son thép vàng, có trang trí hoa văn cầu kì. Pho kinh được bọc trong một khăn lụa ngũ sắc. Pho kinh này do Giáo hội Tăng già Tích Lan tặng cho Hòa thượng Quảng Liên sau khi ngài học năm năm ở xứ sở này. Hoà thượng Quảng Liên đã cúng lại bản kinh cho Hội Phật Học Nam Việt để làm Pháp bảo thường trụ ở Việt Nam.

Theo Hòa thường Quảng Liên, kinh này chép những lời ngọc của đức Thế Tôn khi Ngài bắt đầu chuyển bánh xe Pháp luân.

Bản kinh được cung thỉnh về chùa Xá Lợi vào ngày 16 tháng 06 năm 1957.[1]

2. Tượng thờ và bài trí tượng thờ

Tượng thờ tại chùa Xá Lợi rất đơn giản. Chùa chỉ thờ duy nhất một tượng Phật Thích Ca trên chánh điện. Đây có thể là chủ trương ngay từ đầu của những thành viên Hội Phật Học Nam Việt là hướng tới Phật học hơn là tín ngưỡng thuần túy nên tổ chức cách thờ phụng đơn giản. Đồng thời cũng nằm trong chủ trương chấn hưng Phật giáo, trong phong trào chấn hưng Phật giáo lúc đó, có khởi xướng việc thờ phụng đơn giản, đúng Chánh pháp. Hội Phật Học Nam Việt là một trong những tổ chức nằm trong phong trào đó. Vì thế, họ phải đi tiên phong trong việc này.

Trần Hồng Liên trong bài “Khái quát về những ngôi chùa ở Nam Bộ”cho rằng: “Do ảnh hưởng của phật giáo Nam tông du nhập vào Nam Bộ hay của người Khmer sống lâu đời tại đây, đã đưa đến sự hình thành một Phật điện khá đặc biệt trong ngôi chùa Phật giáo Đại thừa (trường hợp chùa Xá Lợi).”[1]     

Ý kiến trên của Trần Hồng Liên có phần đúng. Cách bài trí tượng thờ ở chùa Xá Lợi có nét gần gũi với Phật giáo Nam tông hơn. Chánh điện chùa Phật giáo Bắc tông thường tôn trí nhiều bệ thờ, nhiều tượng Phật. Nhưng ngược lại, chánh điện chùa Xá Lợi chỉ có một pho tượng Thích Ca mà thôi. Ngay cách trang trí cũng thanh thoát, nhẹ nhàng nhưng vẫn không kém phần trang nghiêm, thành kính. 

Pho tượng Phật Thích Ca duy nhất thờ trên Chánh điện hiện nay là do cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đặt họa sĩ kiêm điêu khắc gia Lê Văn Mậu trường Mỹ Thuật Biên Hòa tạc. Tượng được làm bằng chất liệu đá cẩm thạch màu hồng. Tượng cao 6,5 m, tòa sen 1,36 m, ngang gối 3,62m, bệ cao 2 tấc, đường kính tòa sen 3,62 m x 2,64 m. Giá tiền chi phí để tạc pho tượng này 180.000 đồng.

Pho tượng sau khi được trường Mỹ Thuật Biên Hòa lên cốt, một phái đoàn của Giáo hội và Hội, có sự tham gia ý kiến của một giáo sư hội họa, đến xem, phê bình và bắt sửa chữa lại những chỗ khuyết điểm và thợ đã bắt đầu làm khuôn vào ngày 10 tháng 12 năm 1957. Như vậy, pho tượng Phật ngày nay đã được tạc rất kỹ lưỡng và công phu.

Tượng Phật được đúc xong ngày 24 tháng 12 năm 1958. Tượng Phật được làm lễ an vị vào ngày 12 tháng 02 năm 1958 (nhằm ngày 24 tháng 12 năm Đinh Dậu).

Đến năm 1968, tượng được thếp lại toàn thân màu vàng như hình dáng ngày nay.

Ban đầu khi chùa Xá Lợi được hoàn thành thì pho tượng Phật Thích Ca đã được ông Trương Đình Ý đắp. Nhưng vì pho tượng này qúa to và không chắc nên không thể đưa lên tòa sen được. Hơn nữa, tượng này còn nhiều khuyết điểm về nghệ thuật nên chùa đã cúng cho chùa khác (nay là tượng Phật Cô Đơn).

Cách bài trí một tượng Phật duy nhất, tôn nghiêm cọng với giá trị nghệ thuật của pho tượng đã góp phần làm nên nét đặc thù riêng của chùa Xá Lợi.

3. Sinh Hoạt và Lễ Hội

Ngôi chùa đối với người Việt Nam không những là nơi thờ tự mà còn là trung tâm văn hóa giáo dục, là nơi sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và hội hè của tất cả mọi người.

Chùa Xá Lợi, với truyền thống là ngôi chùa Phật học, nên những chức năng trên càng thể hiện rõ.

Về tu học, ngoài hai thời công phu Mai, Chiều, thời kinh Tịnh độ buổi tối theo truyền thống xưa nay của chư tăng, chùa Xá Lợi còn Đạo tràng trì niệm danh hiệu Đức Phật Dược Sư, tụng kinh Dược Sư và trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà vào mỗi buổi sáng sớm chủ nhật, có đến hàng trăm Phật tử tham dự.

Vào mùa An cư, chùa tổ chức Đạo tràng An cư Kiết hạ tại chỗ cho chư tăng tu học. Trong ba tháng An cư, có tổ chức tu Bát quan trai cho Phật tử tại gia vào chủ nhật hàng tuần.

Về thuyết giảng: Chùa Xá Lợi thuyết giảng Phật pháp vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần do Đại đức Thích Nhật Từ, Đại đức Thích Hoằng Dự và một số Chư tôn đức khác, theo lịch phân công của Giáo hội.

Về giáo dục: Có lớp giáo lí dành cho Phật tử tại gia do Thượng tọa Thích Minh Nhật phụ trách. Lớp học từ 2 giờ 00 đến 5 giờ 00 ngày chủ nhật hàng tuần.

Ngoài ra còn có lớp Thư pháp dành cho mọi đối tượng yêu thích môn nghệ thuật này. Lớp Thư pháp học vào các ngày thứ 2, thứ 3 và chủ nhật do thầy Chính Trung phụ trách.

Nằm trong phạm vi giáo dục, còn phải kể đến thư viện của chùa Xá Lợi. Thư viện hiện có trên 3000 đầu sách, trong đó có hai bộ Đại tạng king bằng chữ Hán rất có giá trị, đó là bộ Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh và bộ Tân Tu Tục Tạng. Thư viện mở cửa phục vụ ngày hai buổi suốt cả tuần. Từ thứ hai đến thứ năm dành cho bạn đọc người Việt, từ thứ sáu đến chủ nhật dành cho bạn đọc người Hoa.

Tại thư viện còn treo và trưng bày một số tranh thư pháp, thư họa của thầy Chính Trung. Thầy Chính Trung cũng là người quản lí thư viện chùa Xá Lợi.

Ngoài Thư viện còn có phòng phát hành kinh sách, phát hành hầu hết các kinh sách Phật giáo, các loại sách văn học, triết học, văn hóa, du lịch và một số văn hóa phẩm Phật giáo khác như: tranh, tượng, chuỗi, chuông mõ, đồ thờ cúng . . .

Về tri khách thì hiện tại, Thượng tọa Thích Đồng Bổn vừa là phó Trụ trì, vừa là thầy tri khách. Thượng tọa đã biên soạn và xuất bản sách Chùa Xá Lợi văn hóa và truyền thống bằng ba thứ tiếng Việt, Anh và Pháp để đáp nhu cầu cho những ai muốn tìm hiểu về ngôi chùa này và nhất là phục vụ cho khách du lịch trong và ngoài nước. Như tên gọi, cuốn sách ghi lại tương đối đầy đủ về lịch sử hình thành ngôi chùa, đặc điểm kiến trúc và những sự kiện Phật giáo gắn liền với ngôi chùa này.

Về lễ hộ: Ngoài các ngày lễ chung của Phật giáo như Phật đản,Vu lan, Rằm tháng Giâng, tết Nguyên đán, chùa còn có hai ngày lễ lớn nữa, đó là ngày lễ giỗ kị ông Hội trưởng Chánh Trí Mai Thọ Truyền vào ngày 15 tháng 03 Âm lịch và Đàn Dược Sư  vào tháng Giêng Âm lịch. Nhưng tất cả ngày lễ trên mới chỉ là Lễ, chưa thể gọi là Lễ Hội.

Nhà vãng sanh của chùa là nơi tổ chức tang lễ của nhiều gia đình có tang sự trong khắp thành phố.

Chùa Xá Lợi cũng là ngôi chùa thường hay tổ chức lễ Hằng thuận (lễ cưới) cho những cặp uyên ương là Phật tử và những ai muốn cử hành lễ cưới theo nghi thức Phật giáo.

III.  TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH, HẠN CHẾ VÀ ĐỀ XUẤT

1. Triển Vọng Phát Triển Du Lịch

Triển vọng phát triển du lịch của ngôi chùa Phật giáo hiện nay là rất lớn. Đây là miền đất du lịch có sức thu hút khách tham quan rất lớn và hấp dẫn mà lâu nay bị bỏ quên. Các công ty du lịch và các tour du lịch trước giờ chỉ xem chùa là nơi để du khách lễ bái hơn là thăm quan du lịch, tịnh dưỡng tâm hồn và vãn cảnh. Và thường họ chỉ mới dừng lại ở những ngôi chùa lớn, nằm trên lộ trình của tour du lịch, chứ chưa dành hẳn một chuyến du lịch hành hương đến các ngôi chùa. Ngôi chùa Phật giáo xưa nay được xem là nơi hội tụ bản sắc văn hóa dân tộc, là nơi sinh hoạt hội hè đình đám, là nơi diễn ra những hoạt động vui chơi giải trí và sinh hoạt tâm linh. Nếu xem du lịch là dịp để mở rộng tầm nhìn, vui chơi giải trí, thư giản tâm hồn thì ngôi chùa là điểm đến thích hợp và lý tưởng nhất.

Tại thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều ngôi chùa có tiềm năng phát triển du lịch và thực tế hầu hết khách thập phương, khách du lịch khi đến đây đều rất hài lòng và có những người đã đến rất nhiều lần. Chúng ta có thể kể đến các chùa có tiềm nănng du lịch lớn như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Giác Lâm, chùa Xá Lợi, chùa Hoằng Pháp, chùa Phước Hải và một số chùa khác nữa. Đặc biệt Chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Giác Lâm hiện nay đã nằm trong tour du lịch của các công ty.

Các chùa ở thành phố Hồ Chí Minh có kiến trúc đa dạng và phong phú. Ngoài kiến trúc và mĩ thuật của ngôi chùa Bắc tông, còn có chùa của hệ phái Khất sĩ và Nam tông. Mỗi một hệ phái đều có những nét đặc thù về kiến trúc, mỹ thuật, sinh hoạt tâm linh. Tất cả hòa quyện lại làm nên vẻ đẹp muôn màu muôn sắc của ngôi chùa thành phố.

Hầu hết chùa được đưa vào danh sách danh lam cổ tự đều có khá đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho sự tu học và hoằng dương Phật pháp. Ngoài sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, đa số các chùa này đều có những sinh hoạt giáo dục, hoằng pháp, văn hoá nghệ thuật, từ thiện xã hội. . . Điều kiện cơ sở vật chất và những hoạt động đa dạng đó, nếu biết vận dụng vào phát triển du lịch thì đây là lợi thế tuyệt vời nhất. Bởi vì một phần cơ sở vật chất và những sinh hoạt này của chùa đã nằm trong yêu cầu dịch vụ du lịch và phát triển du lịch rồi.

Có thể nói, những lợi thế lớn trên chỉ chùa Phật giáo mới có. Phát triển du lịch danh lam cổ tự không thể bỏ sót những lơiï thế này của ngôi chùa. Nó chính là một phần của nhu cầu tham quan du lịch. Đến chùa vừa có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp kiến trúc mỹ thuật, thanh tĩnh tâm hồn, lại vừa tham gia những hoạt động tôn giáo, văn hóa, văn nghệ thì còn nơi nào hơn. Tìm một địa điểm để thỏa mãn tất cả nhu cầu tinh thần vui tươi lành mạnh và bổ ích đó, chúng ta không thể tìm đâu khác ngoài ngôi chùa.

Riêng chùa Xá Lợi, dù là ngôi chùa chưa có bề dày lịch sử và diện tích không rộng, nhưng ngôi chùa này lại rất có tiềm năng về du lịch. Chùa Xá Lợi có đầy đủ các tiện nghi vật chất và các hoạt động văn hóa, giáo dục có thể phục vụ tốt cho du lịch. Chùa có đầy đủ các hạng mục phòng ốc như: Giảng đường có sức chứa khoảng 400 người, thư viện với trên 3000 đầu sách và tranh ảnh thư pháp, có văn phòng, phòng khách, phòng phát hành kinh sách và văn hóa phẩm Phật giáo, có các khu vườn cảnh, bãi giữ xe và hệ thống vệ sinh. Nơi đây thường tổ chức thuyết giảng, mở lớp dạy giáo lí, dạy thư pháp, sinh hoạt gia đình Phật tử và các hoạt động về tín ngưỡng lễ bái của thập phương Phật tử.

Khách tham quan đến chùa Xá lợi sẽ được chiêm ngưỡng nét kiến trúc hài hòa kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, đặc biệt là ngôi tháp chuông bảy tầng- kiến trúc đặc thù làm nên nét riêng và gần như biểu tượng của chùa Xá Lợi nói riêng và kiến trúc chùa thành phố nói chung. Đồng thời khi đến chùa này, du khách sẽ tận hưởng không khí trong lành, thanh thoát tĩnh lặng của cảnh Thiền môn. Đây là điều duy nhất chỉ có ở ngôi chùa này trong thành phố.

Với phong cách kiến trúc đa dạng, cơ sỡ vật chất tương đối đầy đủ cọng với những hình thức sinh hoạt phong phú gồm cả tín ngưỡng, văn hóa giáo dục, hoằng pháp . . .  ngôi danh lam Phật giáo ở thành phố Hồ Chí Minh đang mở ra tìm năng khá lớn về du lịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng trên, các ngôi danh lam ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.

2. Một Số Hạn Chế

Hạn chế lớn nhất của du lịch danh Phật giáo hiện nay là, Phật giáo thiếu hẳn một bộ phận chuyên môn tổ chức và điều hành các tour du lịch; thiếu hẳn đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp có kiến thức nghiệp vụ và khả năng ngoại ngữ để hướng dẫn các đoàn du lịch tham quan đến các chùa. Các công ty bên ngoài khi tổ chức tham quan du lịch, họ chỉ xem các chùa như một điểm dừng chân cho du khách lễ bái hơn là tham quan du lịch. Họ cũng chưa nhận thức hết tiềm năng và vai trò vị trí của ngôi chùa Phật giáo trong nền văn hóa dân tộc, nên họ không nghĩ chùa Phật giáo có thể mở ra những điểm du lịch lớn và đặc thù. Đội ngũ hướng dẫn viên bên ngoài do không hiểu biết về Phật giáo nói chung và lịch sử từng ngôi chùa nói riêng nên dẫn đến tình trạng hướng dẫn sai cho du khách. Có những hướng dẫn viên không phải tín ngưỡng Phật giáo, họ có thể có những thuyết minh sai lạc cho du khách về Phật giáo và ngôi chùa Phật giáo. Và điều này đã từng xảy ra, như trường hợp một hướng dẫn viên chỉ vào tượng Phật Quan Âm và nói với du khách đó là bà Maria mà chúng tôi đã nói ở trên.

Du lịch danh lam cổ tự là một là hoạt động hoàn toàn mới, rất đặc thù nhưng Phật giáo lại chưa có một tổ chức chuyên trách. Do đó, đa số các chùa, ngay đến các chùa đã là những chùa thường xuyên có các phái đoàn du khách đến tham quan, hiện tại vẫn chưa có một ban chuyên trách về tiếp khách và hướng dẫn khách tham quan, chiêm bái. Các phương tiện phục vụ khách du lịch như: Phòng chiếu phim, bản giới thiệu, tờ gấp, bưu ảnh, tập sách, phim VCD, DVD. . . bằng các ngôn ngữ hầu như không có hoặc thiếu. Các dịch vụ như: Quầy điện thoại, bưu điện, quầy bán phẩm vật lưu niệm, quầy chụp ảnh, quay phim, bãi đậu xe . . . đa số các chùa hầu như chưa có.

Về tổ chức các sự kiện, thuyết giảng, hành lễ, ẩm thực theo yêu cầu của du khách thì đa số chùa chưa thỏa mãn được. Lí do là chưa quen với việc tổ chức các sự kiện lớn.

Vấn đề an toàn cho du khách như nhà nghỉ, căn tin, hệ thống vệ sinh . . .  cũng là vấn đề mà các chùa chưa lưu tâm đến.

Đối với chùa Xá Lợi, dù là ngôi chùa Phật học, là trung tâm văn hóa giáo dục, hoằng pháp, nhưng bên cạnh những cơ sở vật chất và những hoạt động hiện có, cũng còn thiếu nhiều phương tiện để có thể phục vụ tốt cho du lịch. Chùa hiện chưa có ban chuyên trách tiếp khách và hướng dẫn du khách tham quan. Ngoài cuốn sách Lịch sử chùa Xá Lợi văn hóa và truyền thống của thầy Đồng Bổn, chùa chưa có bản giới thiệu, tờ gấp, bưu ảnh, phòng chiếu phim . . . Các dịch vụ phục vụ du khách như: Quầy bưu điện, quầy chụp ảnh, quay phim chưa có.

Về tổ chức các sự kiện, thuyết giảng, ẩm thực theo yêu cầu của du khách, không rõ trong tương lai có thể thực hiện không, còn hiện tại thì chưa thấy. Vấn đề an toàn du khách chưa được quan tâm đúng mức.

Để phục vụ du lịch danh lam cổ tự một cách hữu hiệu, các chùa Phật giáo tại thành phố Hồ Chí Minh nói chung, chùa Xá Lợi nói riêng cần khắc phục những thiếu sót và hạn chế trên.

3. Một Số Đề Xuất

Trong tương lai, nếu muốn mở rộng phát triển du lịch danh lam cổ tự và biến hoạt động này trở nên một bộ phận chuyên môn, làm công cụ hỗ trợ cho việc truyền bá Chánh pháp, Phật giáo cần gấp rút lập một ban chuyên trách về du lịch chùa Phật giáo. Ban này sẽ chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành các tour tham quan du lịch dến các ngôi chùa Phật giáo. Ban này sẽ chịu trách nhiệm biên soạn giáo trình và sách hướng dẫn du lịch về danh lam cổ tự, huấn luyện hướng dẫn viên du lịch có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ,  có khả năng tổ chức và hướng dẫn các chuyến du lịch hành hương đến các ngôi chùa.

Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo Phật giáo cần nhìn thấy được tiềm năng vô cùng to lớn của ngôi chùa Phật giáo cũng như vai trò vị trí của nó trong đới sống tinh thần của mọi người dân Việt Nam. Ngôi chùa Phật giáo xưa nay, không những là nơi sinh hoạt tâm linh mà còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của cọng đồng làng xã. Một khi nhìn thấy được tầm quan trọng của ngôi chùa đối với mọi tầng lớp nhân dân, khi đo, chắc chắn những nhà lãnh đạo Phật giáo không thể nào không quan tâm đầu tư thích cho ngôi chùa, trong đó có đầu tư phát triển du lịch danh lam cổ tự là điều không thể bỏ qua.

Các nhà lãnh đạo Phật giáo cần hỗ trợ kinh phí và mời gọi các cơ quan đoàn thể, các tổ chức và tư nhân ủng hộ cho dự án phát triển du lịch này.

Trước mắt Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh nên đầu tư vốn thành lập các công ty du lịch danh lam chuyên phục vụ du lịch danh lam cổ tự. Các công ty này sẽ chịu trách nhiệm tổ chức các tour du lịch đến các chùa nổi tiếng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, trên toàn quốc và có thể cả nước ngoài. Chuyên viên làm du lịch tạm thời có thể tuyển lựa qúy thầy trẻ vừa tốt nghiệp chuyên ngành Phật giáo Việt Nam, khóa 6 và các hướng dẫn viên Phật tử bên ngoài đã tốt nghiệp ngành du lịch hoặc đang làm việc cho các công ty du lịch. Sau khi tuyển chọn sẽ được đào tạo thêm chuyên môn qua một khóa học ngắn hạn.

Về lâu dài, ngoài ban chuyên trách về du lịch danh lam, Phật giáo cần thành lập trường nghiệp vụ du lịch riêng chuyên về du lịch danh lam để đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn, chuyên nghiên cứu về du lịch danh lam, tổ chức du lịch danh lam và hướng dẫn viên du lịch danh lam. Các trường đại học Phật giáo cần đưa vào giảng dạy bộ môn này. Nếu có thể, các trường đại học Phật giáo nên có chuyên ngành du lịch danh lam. Bộ môn này sẽ góp phần đào tạo những chuyên viên và hướng dẫn viên du lịch phục vụ cho yêu cầu phát triển du lịch lâu dài.

Các chùa Phật giáo nằm trong danh sách các chùa là điểm tham quan du lịch nổi tiếng cần có ban chuyên trách tiếp khách, hướng dẫn khách du lịch tham quan, chiêm bái và tổ chức các sự kiện về thuyết giảng, ẩm thực, hành lễ theo yêu cầu của du khách. Những người được cử vào ban này phải có kiến thức chuyên môn về du lịch, du lịch danh lam cổ tự, có khả năng tổ chức và phải thông thạo ngoại ngữ. Các chùa nằm trong danh sách du lịch danh lam cần phải đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ phục vụ du khách như: Phòng tiếp khách, phòng chiếu phim, nhà nghỉ, căn tin, quầy bưu điện, quầy chụp ảnh, quay phim, quầy bán vật phẩm lưu niệm, bãi đậu xe . . . Ở mỗi dịch vụ trên, cần bố trí nhân viên có khả năng chuyên môn phục vụ du khách. Các thông tin ngắn gọn về ngôi chùa như: Bản giới thiệu, tờ gấp, bưu ảnh, tập sách bằng nhiều thứ tiếng cần được in ấn với số lượng nhiều để phục vụ cho sự tìm hiểu về ngôi chùa của du khách.

Khi có một chuyến tham quan du lịch đến một ngôi chùa nào đó, các công ty du lịch danh lam cần liên hệ với ngôi chùa sắp hướng dẫn du khách tới, để có sự phối hợp nhịp nhàng, từ đó phục vụ du khách tốt hơn.

Một điểm tế nhị mà các chùa cần lưu tâm giải quyết triệt để là: Nạn ăn xin trước công chùa, trong khuôn viên chùa; nạn mua bán các loại sách vở nhảm nhí bói toán; nạn tranh giành mời gọi khách mua hàng; nạn xây cất các am miếu và câu khách vào lễ bái . . . và nhất là không nên bán vé vào cổng chùa.

Nếu biết tận dụng những thế mạnh và khắc phục những điểm yếu đã nêu trên, thì du lịch danh lam cổ tự sẽ phát triển lớn mạnh trong tương lai không xa.


IV. KẾT LUẬN

Du lịch danh lam cổ tự - cụm từ vừa nghe qua có thể mới và xem ra còn xa lạ với nhiều người, không chỉ riêng những người bên ngoài mà cả những người trong Phật giáo. Trước  nay, người ta vẫn đến chùa lễ lạy, vãn cảnh, lắng đọng tâm hồn, coi đó như truyền thống xưa nay vẫn vậy đối với người Việt Nam và phương Đông. Người ta không nghĩ rằng chùa có thể đồng thời là điểm tham quan du lịch rất lí tưởng và hay. Những gì phân tích ở phần trên cho thấy, ngôi chùa có rất nhiều chức năng và khai thác hết một trong những chức năng của ngôi chùa thôi đã có thể phục vụ du lịch rất tốt rồi.

Thực ra, khi đến chùa lễ bái, vãn cảnh, thanh tĩnh tâm hồn thì đã bao hàm cả yếu tố tham quan du lịch trong ấy rồi. Nhưng ở đây, người ta thường chỉ dừng lại với một người hay một nhóm người, thường là Phật tử đến chùa với tư cách tín ngưỡng tôn giáo nhiều hơn. Bây giờ, nếu chúng ta đã có tổ chức du lịch nữa thì sẽ kết hợp tất cả những yếu tố tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa, văn học nghệ thuật và du lịch trở lại thì sẽ làm nên nét đặc thù, rất đặc thù của du lịch danh lam, mà những loại hình du lịch khác không bao giờ có được.

Bên cạnh những tiềm năng rất lớn về du lịch, ngôi chùa Phật giáo vẫn thiếu nhiều về cơ sở vật chất phục vụ du lịch, đội ngũ làm du lịch, hướng dẫn du lịch. Nếu biết khai thác những thế mạnh và khắc phục những điểm yếu trên, thì cơ hội phát triển du lịch danh lam mới có thể thực hiện được. Tất nhiên, đây là công việc không phải một sớm một chiều và không là công việc của một cá nhân. Trước mắt, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện từng chùa mà tiến hành đào tạo và bổ cử nhân sự chuyên về phục vụ du lịch danh lam, xây dựng cơ sở phục vụ du lịch càng hoàn thiện càng tốt. Về lâu dài, một khi Phật giáo đã thành lập được trường đào tạo du lịch chuyên biệt, thành lập được các cơ sờ dịch vụ phục vụ du lịch danh lam, thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi.

Du lịch danh lam cổ tự đang mở ra nhiều triển vọng phát triển rất lớn, các nhà lãnh đạo Phật giáo và các chùa danh lam cần mạnh dạn đầu tư, chắc chắn hiệu qủa mang lại sẽ không nhỏ. Du lịch danh lam cổ tự là cơ hội để quảng bá hình ảnh chùa chiền và cũng là cơ hội mở rộng hoằng dương Phật pháp, đưa đạo Phật vào cuộc đời.

Du lịch danh lam cổ tự khi đi vào hoạt động, có thể gặp sự phản ứng của một số người bảo thủ, xem chùa là nơi tôn nghiêm thanh tịnh, nhưng đấy sẽ không là vấn đề. Bất cứ một điều gì mới, một trào lưu mới, một việc làm mới khi ra đời, bao giờ cũng gặp sự phản kháng, cũng chịu những tiếng búa rìu, nhưng dần dà sẽ quen. Do đó, những nhà lãnh đạo Phật giáo, các vị tọa chủ những ngôi chùa danh lam và những người có tâm huyết với hoạt động mới này này hãy mạnh dạn đi vào hoạt động. Và một khi hoạt động có hiệu qủa thì mọi người sẽ đi theo, không cần phải kêu gọi hay thuyết phục mà vẫn đạt được mục đích yêu cầu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

           

1. Nguyễn Quảng Tuân (chủ biên), Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên, Những ngôi chùa ở thành phố Hồ Chí Minh, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.

 

2. Trương Ngọc Tường, Võ Văn Tường, Những ngôi chùa nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh, NXB. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1996.

 

3. Võ Văn Tường, Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam, NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1994.

 

4. Võ Văn Tường, Việt Nam Danh Lam Cổ Tự, tái bản lần thứ tư, NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996.

 

5. Võ Văn Tường, 108 Danh Lam Cổ Tự Việt Nam, NXB. Thuận Hóa, Thừa Thiên Huế, 2007.

 

6. Võ Văn Tường, CD ROM Chùa Việt Nam xưa và nay, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2007.

 

7. Võ Văn Tường, 500 Danh Lam Việt Nam, NXB. Thông Tấn, Hà Nội, 2008.

 

8. Võ Văn Tường, Chùa Hoằng Pháp, TP. Hồ Chí Minh, Website Phattuvietnam.net, Hà Nội, ngày 02/11/2008.

 

 9. Nguyễn Quảng Tuân (chủ biên), Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên, Những ngôi chùa ở Nam Bộ,  NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, 1994.

 

10. Tạp chí Từ Quang các số 65, 68, 69, 70, 71, 75, 76.

                                                                                                                                                                            

                                                                                                                                                           

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập