Chùa Tây An - Châu Đốc: Xưa và nay

Đã đọc: 1404           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image Cổng tam quan chùa Tây An

Chùa Tây An được xây dựng kiên cố trên nền cao, tường bằng gạch, cột bằng chất liệu gỗ quý, nền xây bằng đá xanh...

Bối cảnh chung
 
Theo giả thuyết khoa học, vùng đất An Giang được các chúa Nguyễn và cư dân người Việt thành lập vào khoảng năm 1700. Trong công cuộc khai hoang lập làng, Phật giáo là một trong những ý thức hệ mà những cư dân người Việt mang theo đi mở đất. Bởi vì, Phật giáo luôn là người bạn đồng hành với dân tộc trong mọi giai đoạn lịch sử, nhất là trong công cuộc khai hoang lập làng này, Phật giáo là người bạn thân thiết nhất của nhân dân “vui cái vui của đồng bào, khổ cái khổ của đồng đạo”. Qua đó, Phật giáo đã có mặt rất sớm tại An Giang và luôn thể hiện tinh thần nhập thế tích cực của mình, chia sẻ đắng cay ngọt bùi với nhân dân, nhất là an ủi nhân dân về mặt tinh thần trong mọi lúc mọi nơi.
 
Khi có mặt tại vùng đất mới An Giang, các cư dân người Việt đã dung hòa được nền văn hóa có trước và ý thức hệ mà người dân mở đất mang theo, từ đó hình thành truyền thống tu hành của Phật giáo An Giang: Phật giáo Bắc tông của người Việt, Phật giáo của người Hoa; Phật giáo Nam tông của người Khmer, trong đó có sự cộng cư của người Chăm theo đạo Hồi.
 
Vùng đất An Giang luôn năng động, trù phú, xinh đẹp, giao thông được mở rộng, nên có nhiều người dân Việt từ các vùng miền Việt Nam lần lượt về đây sinh sống lập nghiệp. Bằng tư tưởng “hộ quốc an dân” và “tứ ân” của Phật giáo được các bậc tiền nhân người Việt mang theo trong công cuộc khai hoang lập ấp, giữ vững bờ cõi của Tổ quốc tại vùng đất mới An Giang. Chánh sách “khai hoang - lập chùa - an dân” của chúa Nguyễn đã thúc đẩy nơi nào có cư dân người Việt đến khai hoang lập ấp đều cho xây dựng chùa.
 
Để ăn mừng đại công chiến thắng giặc ngoại xâm, giữ vững biên cương Việt Nam tại vùng đất cực Nam của Tổ quốc, cũng như phục vụ nhu cầu tín ngưỡng đạo Phật của cư dân người Việt tại An Giang, vào năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), ngài Doãn Uẩn - Tổng đốc An - Hà (An Giang, Hà Tiên) cho xây dựng chùa Tây An tại thôn Vĩnh Tế, huyện Tây Xuyên, tỉnh An Giang (nay là phường Núi Sam, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang). Đây là ngôi chùa đầu tiên tại vùng An Giang - biên cương Tây Nam của Tổ quốc. Tên gọi “Tây An”, mang ý nghĩa trấn an bờ cõi phía Tây của đất nước.
 
Sau khi xây dựng xong chùa Tây An, Tổng đốc Doãn Uẩn đã cung thỉnh Thiền sư Tiên Giác - Hải Tịnh (1788 - 1875), đang trụ trì chùa Giác Lâm - Gia Định, về Châu Đốc đảm nhận cương vị trụ trì.
 
Năm 1861, Hòa thượng Minh Khiêm - Hoằng Ân (thế danh Nguyễn Nhất Thừa), trụ trì đời thứ 2 cho đại trùng tu lại chánh điện và hậu Tổ.
 
Năm 1958, Hòa thượng Thích Bửu Thọ (Nguyễn Thế Mật), trụ trì đời thứ 6 tiến hành đại trùng tu chùa và có diện mạo như ngày nay.
 
Ngày 10 tháng 7 năm 1980, chùa Tây An được Bộ Văn hóa xếp hạng là “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia” theo Quyết định số 92/VH.QĐ; được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đây là “ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ của dân tộc đầu tiên tại Việt Nam”.
 
Chánh điện chùa Tây An
Kiến trúc
 
Chùa Tây An được xây dựng kiên cố trên nền cao, tường bằng gạch, cột bằng chất liệu gỗ quý, nền xây bằng đá xanh và lót gạch bông, mái lợp ngói đại ống (ngói âm dương), màu sắc sơn phết rực rỡ nhưng hài hòa, khuôn viên thoáng rộng. Mặt trước hướng ra trung tâm Châu Đốc, mặt sau lưng tựa vào núi Sam, tạo thành bức bình phong vững chắc. Điểm ấn tượng nhất của chùa là xây dựng theo lối chữ “tam”, có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ (nóc cổ lầu hình vòm), một số nét nghệ thuật của người Khmer và kiến trúc cổ dân tộc Việt theo phong cách Nam Bộ, phía trước cổng tam quan là tượng Quan Âm Thị Kính.
 
Mặt tiền chùa, ở giữa là tháp thờ Phật cao hai tầng. Tầng trên là tượng Phật Di Đà đứng giữa lầu cao, có mái vòm cong, đỉnh nhọn như các tháp xưa ở Ấn Độ. Bốn cột tháp ở tầng dưới có các Hộ pháp trấn giữ, phía trước có tượng hai con voi: Bạch tượng và Hắc tượng.
 
Chính điện rộng gồm hai tầng mái, hai bên là lầu chuông và lầu trống hình tứ giác, trên đỉnh trang trí các tượng tứ linh (long, lân, qui, phụng) rất mỹ thuật. Đại hồng chung ở lầu chuông được đúc vào năm Tự Đức thứ 32 (1879).
 
Trong chính điện có khoảng 150 pho tượng lớn nhỏ: tượng Phật, Bồ-tát, La-hán, Bát bộ Kim cang v.v… Đa số tượng đều làm bằng danh mộc, chạm trổ công phu và mỹ thuật, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam vào thế kỷ XIX. Ngoài ra, chùa còn có nhiều hoành phi và câu đối, chạm trổ rất tinh vi.
 
Chư vị trụ trì các thế hệ
 
Trải qua hơn 170 năm, chùa có 9 đời trụ trì đã viên tịch, bao gồm: Tăng cang Tiên Giác - Hải Tịnh, thế danh Nguyễn Văn Giác, trụ trì từ năm 1847-1875; Thiền sư Minh Khiêm - Hoằng Ân, thế danh Nguyễn Nhất Thừa, trụ trì từ năm 1875-1893; Hòa thượng Như Nghĩa - Huệ Quang, thế danh Nguyễn Trang Nghiêm, trụ trì từ năm 1893-1902; Hòa thượng Như Đắc - Thuần Hậu, thế danh Huỳnh Văn Đắc, trụ trì từ năm 1902-1911; Hòa thượng Như Hòa - Thiện Pháp, thế danh Ngô Văn Hòa, trụ trì từ năm 1911-1913; Hòa thượng Như Mật - Bửu Thọ, thế danh Nguyễn Thế Mật, trụ trì từ năm 1913-1972; Hòa thượng Hồng Hùng - Huệ Châu, thế danh Hồ Thạch Hùng, trụ trì từ năm 1972-1983; Hòa thượng Hồng Trực - Thiện Ngọc, thế danh Phạm Văn Trực, trụ trì từ năm 1983-1990; Hòa thượng Hồng Cung - Huệ Kỉnh, thế danh Trần Văn Cung, trụ trì từ năm 1990-2012.
 
Với trách nhiệm của người trụ trì trong việc chọn người kế tục sự nghiệp trang nghiêm ngôi Tam bảo chùa Tây An, ngày 10-3-2009 và ngày 10-3-2010 tại phiên họp thường kỳ của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang, HT. Thích Huệ Kỉnh chính thức công bố tâm nguyện bằng văn bản: giao chùa Tây An cho Ban Trị sự tỉnh An Giang, HT. Thích Huệ Tài và TT. Thích Thiện Thống quản lý và làm trụ trì. Sau khi HT. Thích Huệ Kỉnh viên tịch, theo Quyết định số 082/QĐ.BTS ngày 25-10-2012, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang chính thức bổ nhiệm: HT. Thích Huệ Tài, thế danh Nguyễn Văn Ly, đảm nhiệm cương vị viện chủ; TT. Thích Thiện Thống, pháp húy Nhựt An, thế danh Nguyễn Văn Ninh, đảm nhiệm cương vị trụ trì đời thứ 10.
 
Khi tiếp nhận trọng trách, HT. Thích Huệ Tài, TT. Thích Thiện Thống đã tiến hành các thủ tục sửa chữa di tích theo Luật Di sản nhằm chỉnh trang, duy tu chùa Tây An - Di tích văn hóa cấp quốc gia ngày một khang trang, tú lệ, giữ nguyên các họa tiết, hoa văn của di tích để xứng tầm là một di tích cấp quốc gia tại An Giang nói riêng và cả nước nói chung.
 
“Ngày hôm nay,
An Giang thịnh vượng, công mở đất sử sách mãi lưu danh
Tây An danh thắng, gương đạo đức đời đời luôn sáng tỏ.
Chuông chùa vang vọng, từ vùng đất anh hùng
Tiếng mõ trầm hùng, giữa bầu trời đại nghĩa
Vì nước vì dân, chí lớn tiền nhân mãi mãi nêu cao
Đạo đời trọn vẹn, khí tiết hậu thế đời đời sáng tỏ
Trên không trung rực sáng tình dân tộc
Dưới trần thế tỏ rõ nghĩa đồng bào.
Rồi mai đây,
Tưởng người xưa, còn nặng nghĩa ân tình
Nhìn chùa cũ, chưa vơi câu nguồn cội
Quê hương phồn thịnh, mãi mãi vọng tiền nhân
Danh thắng trang nghiêm, luôn luôn giữ vẹn Tứ ân.
 
TT.Thích Thiện Thống
Trụ trì chùa Tây An

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập