Phát biểu khai mạc lễ khánh thành chùa Giác Ngộ

Đã đọc: 13839           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Từ nay trở đi, Chùa Giác Ngộ sẽ được sử dụng theo tông chỉ “nhập thế phụng sự, tốt đời đẹp đạo”, không chỉ là địa chỉ tu tập quen thuộc, mà còn là nơi thường xuyên tổ chức các Phật sự nhập thế như hoằng pháp, giáo dục, văn hóa và từ thiện, nhằm mang lại phúc lạc và hạnh phúc cho số đông như đức Phật đã chủ trương.

PHÁT BIỂU KHAI MẠC

LỄ KHÁNH THÀNH CHÙA GIÁC NGỘ 

Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni

Kính thưa quý quan khách và các quý Phật tử 

Hôm nay, ngày 28-8-2016 (nhằm 26-7 Bính Thân), trong không khí trang nghiêm, thấm tình đạo vị, thay mặt Tăng đoàn và Phật tử Chùa Giác Ngộ chúng con thành kính đảnh lễ chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM và chư Tôn đức Tăng Ni đã từ bi, quang lâm chứng minh lễ Khánh thành Chùa Giác Ngộ và lễ kỷ niệm 24 năm ngày Bổn sư của chúng con là HT. Thích Thiện Huệ viên tịch. Trong giờ phút trọng thể này, chúng tôi hân hoan chào đón các quan khách và quý Phật tử đến tham dự lễ khánh thành. Kính chúc chư tôn đức và liệt quý vị “an lạc thân tâm, pháp hỷ sung mãn.”

“Dù chỉ có diện tích 750m2, Chùa Giác Ngộ là nơi các bậc cao tăng đã từng hành đạo, nổi bật trong số đó là HT. Thích Đạt Thanh (1853 – 1973), Thượng thủ của Giáo hội Tăng già Nam Việt là trụ trì đầu tiên của Chùa; HT. Thích Thiện Hòa (1918-1973), Phó Pháp chủ GHPGVNTN, người xây dựng mới Chùa lần thứ 1; HT. Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ GHPGVN, đã từng ở Chùa Giác Ngộ vào thập niên 50 khi là học tăng, và HT. Thích Thiện Nhơn, đương kim Chủ tịch GHPGVN, nguyên là Hiệu trưởng Phật học viện Thiện Hòa đặt trụ sở tại Chùa Giác Ngộ, suốt 6 năm.” 

Trong suốt 2000 năm đồng hành với đất nước và dân tộc Việt Nam, hàng vạn ngôi chùa đã tô điểm cho làng quê và làm đẹp thành thị Việt Nam. Với không gian xanh, hòa quyện với cây đa, bến nước, ngôi chùa đã trở thành một phần quan trọng của nền văn hóa Việt Nam. Tiếng chuông Chùa ngân vang vào buổi khuya và buổi tối đã gắn liền với đời sống thường nhật của người dân. Tiếng trống và mỏ vang vọng trong mỗi thời Kinh như âm thanh thúc giục khách trần lìa cõi mộng, sống chánh niệm tỉnh thức trong từng phút giây.

Không gian Chùa từ rất xa xưa trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục, đạo đức và tâm linh của người Việt. Nền minh triết và đạo đức Phật giáo đã trở thành lối sống của người dân Việt Nam xưa và nay. Đi chùa, lễ Phật, viếng cảnh tâm linh đã trở thành một nét đẹp của dân tộc Việt. Xây dựng thêm một ngôi chùa là góp phần giảm đi các bất hạnh, chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, mang lại hạnh phúc và an vui cho các gia đình và mỗi người.

Xuất phát từ tinh thần này, vào năm 1946, cư sĩ Trần Phú Hữu, một công chức của chính phủ, đã phát tâm xây dựng ngôi Chùa Giác Ngộ trên lô đất 695m2 của chính ông, lòng những mong giúp cho người hữu duyên tìm về chánh đạo, tu tâm dưỡng tánh, ngỏ hầu xóa dần những hệ lụy thương đau của cuộc đời. Lúc ấy, ngoài chính điện nhỏ, chỉ đủ chỗ cho khoảng 80 Phật tử tu học, còn lại chỉ là mấy căn nhà nhỏ, xen lẫn với một số mồ mả.

Vào ngày 21-5-1956, cư sĩ Trần Phú Hữu đã hiến cúng toàn bộ đất và chùa Giác Ngộ cho Giáo hội Tăng Già Nam Việt. Trị sự trưởng của Giáo hội lúc bấy giờ là Hòa thượng Thích Thiện Hòa, đại diện giáo hội tiếp nhận. Sau đó, cư sĩ đã phát tâm xuất gia và trở thành thầy Thích Thiện Đức.

Năm 1959, Giáo hội Tăng già Nam Việt thành lập trường Trung-Tiểu học Bồ Đề Chợ Lớn. Đây là trường tư thục Phật giáo đầu tiên tại Sài Gòn – Chợ Lớn, góp phần đào tạo thế học song song với minh  triết Phật giáo cho hàng ngàn thanh thiếu niên Phật tử, nhờ đó giới trẻ Phật giáo sống có lý tưởng, an vui và hạnh phúc. Chương trình tiểu học từ lớp Năm đến lớp Nhất có 12 lớp, mỗi lớp 120 học sinh. Chương trình Trung học từ đệ nhất cấp đến đệ tứ có 16 lớp, mỗi lớp có 65 học sinh. Tổng cộng tiểu học có 1.440 học sinh, trung học đệ nhất cấp có 1.040 học sinh.

Vào ngày 21/5/1970, Chùa Giác Ngộ được HT. Thích Thiện Hòa trùng tu lần thứ nhất. Đây là diện mạo của Chùa Giác Ngộ như chúng ta thấy cho đến thời điểm cuối năm 2012.

Vào năm 1979, HT. Thích Trí Tịnh, lúc đó là Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN, Cố vấn Hội đồng Quản trị Tổ đình Ấn Quang, đã thành lập Phật học viện Thiện Hòa tại Chùa Giác Ngộ. Chương trình học chia làm 3 cấp. Sơ cấp 1 gồm 2 năm, học tại Chùa Giác Ngộ. Sơ cấp 2 gồm 2 năm, học tại Chùa Giác Sanh. Trung cấp 3 năm, học tại Chùa Ấn Quang. Từ năm 1981 đến 1984, Phật học viện Sơ đẳng Thiện Hòa tại Chùa Giác Ngộ trực thuộc quản lý hành chính của Ban Giáo dục Tăng Ni TP.HCM. Với số lượng hơn 300 Tăng Ni sinh, chia làm 3 lớp, tồn tại 6 năm, cho đến lúc Trường Cơ Bản Phật học TP.HCM được thành lập tại Chùa Vĩnh Nghiêm thì kết thúc sứ mệnh lịch sử về đào tạo Phật học sơ đẳng.

Từ năm 1992 đến nay, Chùa Giác Ngộ, dưới sự cố vấn của quý Hòa thượng Tổ đình Ấn Quang, đặc biệt là HT. Thích Trí Quảng, đã trở thành nơi sinh hoạt tu học thịnh hành của hơn 30 tăng sĩ và hàng ngàn Phật tử. Nhiều thầy xuất thân từ Chùa Giác Ngộ đã xuất dương làm đạo thành công tại Hoa Kỳ, châu Âu, châu Úc và Canada. Trong nước, hiện có hơn 100 vị tốt nghiệp cử nhân Phật học, 7 vị đỗ thạc sĩ, 5 thầy đã đỗ tiến sĩ. Cũng có thầy đang giảng dạy tại HVPGVN tại TP.HCM. Có nhiều thầy làm trụ trì ở nhiều tỉnh thành, gánh vác nhiều Phật sự quan trọng của Giáo hội. Cũng có thầy hiện là giảng sư được nhiều Phật tử mến mộ trong và ngoài nước.

Kiến trúc và mỹ thuật Chùa mang đậm nét văn hóa thời Lý nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Hơn một năm trước, dù việc trang trí mỹ thuật và nội thất chưa xong, ngôi chính điện và thiền đường của Chùa đã đón nhận hơn 800 Phật tử tham dự khóa tu Ngày an lạc và khóa tu Tuổi trẻ hướng Phật, mỗi tháng 2 lần.

Từ nay trở đi, Chùa Giác Ngộ sẽ được sử dụng theo tông chỉ “nhập thế phụng sự, tốt đời đẹp đạo”, không chỉ là địa chỉ tu tập quen thuộc, mà còn là nơi thường xuyên tổ chức các Phật sự nhập thế như hoằng pháp, giáo dục, văn hóa và từ thiện, nhằm mang lại phúc lạc và hạnh phúc cho số đông như đức Phật đã chủ trương.

Trên tinh thần “phụng sự nhân sinh là thiết thực cúng dường đức Phật”, chúng con/ chúng tôi trân trọng tuyên bố khai mạc lễ khánh thành Chùa Giác Ngộ. 

Xem video bài phát biểu này tại đây: 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
tonydo 18/08/2017 06:56:11
Xin mạo muội nói thêm vài lời với bài phát biểu trên:Đức tL HT Long Quang-Đạt thanh thế thứ đời thứ 38 dòng LT Chánh Tông cao đồ của Đức Tổ sư Hoằng Ân-Minh Khiêm[Liễu Kiêm-Diệu Nghĩa] chùa Tổ Giác Lâm;Tây An và Giác Viên;Ngài thọ 112 tuổi;đám tang rất long trọng từ chùa Long Quang di quan về chùa Trường Thạnh quàn cả tuần nhựt để tăng tín đồ trong GH Tăng Già Toàn Quốc đến thọ tang và chiêm bái.riêng TL HT Viện chủ chùa ấn Quang hiệu Thiện Hoà-Tâm Lợi phái Liễu Quán đời thứ 43 đầu sư nơi chùa Long Triều tại Chơ Lớn xưa !!!; được cung thỉnh làm Phó Tăng Thống GH PG VNTN đến khi viên .Cố HT Thiện Huệ nhằm chử Hồng đời thứ 40 dòng LT Gia Phổ;trước đó có TL HT Chơn Niệm dòng LT Chánh Tông đời thứ 40 gốc chùa Long Hưng còn gọi là Giòng Thành ở Tân Châu .Xin phơi bày để quý vị tăng ni lãm tường chuyện xưa tích củ giai thoại chốn am thiền coi như điếu cổ hạ kim
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập