Bồ Tát đời thường và dòng chảy tư tưởng Phật học

Đã đọc: 5855           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Ở nước ta nửa đầu thế kỷ XX từng có một vị "Đại Bồ Tát bằng xương bằng thịt hiện thực giữa cõi đời". Ông chủ trương hoạt động tín ngưỡng là ở trong tâm mỗi người chứ không nhất thiết phải vào chùa tu hành.

Một vài quan điểm của ông thật sự cấp tiến, như chủ trương trả lại chùa cho dân làm trường học, thư viện, nhà dưỡng lão; tăng sĩ phải lao động tự nuôi mình…

Vị Bồ Tát ấy là cư sĩ Nguyễn Hữu Kha (1902-1954), quê xóm Cam Đường, làng Trung Tự, phường Đông Tác, nay là địa bàn tổ dân phố 81, phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. 

Giới Phật Tử biết ông dưới bút danh Thiều Chửu – "cái chổi lau" dùng để quét sạch bụi bặm trong lòng mình và mọi thứ rác rưởi trên đời. 

Theo nhà Phật học Edward Conze, Bồ Tát là vị Phật có ba đặc điểm: 1) Khao khát đạt được sự giác ngộ hoàn toàn như Phật Tổ; 2) Giàu lòng từ bi và trí tuệ; 3) Có mối quan hệ gắn bó với những người thường và các suy nghĩ, cảm xúc như họ [1].

Và ở nước ta nửa đầu thế kỷ XX, vị "Đại Bồ Tát bằng xương bằng thịt hiện thực giữa cõi đời" Nguyễn Hữu Kha, như lời học giả Lê Mạnh Thát [2], hội tụ đủ ba đặc điểm trên. 

Trong sạch và hiểu biết

Cư sĩ Kha thuộc đời thứ XIV dòng họ Nguyễn Đông Tác, một dòng họ có mặt tại thành Thăng Long từ cuối thế kỷ XV. Tổ ba đời ông là Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý (1795-1868), nhà văn hóa nổi tiếng, là bạn của Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Vũ Tông Phan. 

Cha ông là Cử nhân Nguyễn Hữu Cầu (1879-1946), đồng sáng lập viên phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT), từng bị đày ra Côn Đảo nhiều năm vì tội chống Pháp, một  "đại sĩ phu" (Une Grande Figure de Lettré), như cách gọi của học giả Nguyễn Văn Tố [3]. Anh ruột ông là giáo sư - nhà sư phạm mẫu mực Nguyễn Hữu Tảo (1900-1966).

Nhưng Nguyễn Hữu Kha không kế tục truyền thống văn nhân của cha mà chọn con đường làm một cư sĩ khổ hạnh suốt đời chỉ lo cứu giúp người cùng khổ.

Cậu bé Hữu Kha bẩm sinh đa sầu đa cảm lại lớn lên dưới ảnh hưởng sâu sắc của bà nội giàu lòng nhân ái và người cha say sưa hoạt động yêu nước chống Pháp. 

Những đêm cùng anh ruột đun nước pha trà điếu đóm cho các cuộc họp kín của nhóm sĩ phu ĐKNT tại nhà mình, rồi lại được đọc nhiều "Tân thư" và tài liệu cách mạng cha mang về đã sớm hun đúc trong cậu bé ý chí yêu nước, thương nòi.

Ông kể về tuổi thơ của mình: "Nhà nghèo quá, chị em tôi 7-8 tuổi đã phải chăn bò cắt cỏ, gánh nước, thổi cơm nấu cám, 10 tuổi tát nước, 12 tuổi cày bừa. Năm tôi 13 tuổi, bố bị giặc Pháp bắt, được hai tháng thì mẹ sinh con thứ 8. Đẻ được ba ngày mẹ đã phải đi làm đồng. 

Tôi suốt ngày đứng rình ở cổng nhà pha (Hỏa Lò) Hà Nội, hễ thấy bố bị giải sang Tòa án thì chạy theo, bị lũ mật thám đánh rất đau.

Đọc truyện ông Gia Phú Nhĩ (Garibaldi) thấy ông nói với bạn làm mối vợ cho mình rằng "Ý Đại Lợi là vợ, Ý Đại Lợi là con", từ đó tôi nảy ra ý muốn học ông ở điểm đó... Sau đấy tôi không hề nghĩ tới cái đời riêng của tôi nữa. Người ta cho là tôi tin đạo Phật mà không lập gia đình, họ chưa biết nỗi uẩn khúc của tôi từ thủa còn thơ dại" [5]

16 tuổi, Hữu Kha một mình xuống Đồ Sơn bán thuốc Nam và bánh kẹo kiếm sống. Vì tin người nên mất hết vốn, ông phải làm phu kéo thuyền, đẩy xe, thậm chí đi ăn xin. Hai năm trời cực nhục ấy khiến ông ngày càng tin yêu triết lý cứu khổ cứu người của đạo Phật.

Cuối năm 1920, cụ Cử Cầu được ra tù, Hữu Kha về giúp cha mở hiệu thuốc Lợi Nhân Đường ở Ngã Tư Sở. Hiệu đông khách nhưng chủ yếu giúp đỡ người nghèo, "vì thế 3 năm trời hai bố con chỉ đủ ăn chẳng thừa đồng nào” [6] 

Bù lại, ông học được nghề thuốc Nam và trở thành vị lương y suốt đời chữa bệnh không công. Ông lấy hiệu Tịnh Liễu (Tịnh: trong sạch, Liễu: hiểu biết), bắt đầu tự học đạo Phật và ngoại ngữ.

Suốt đời học, lao động chân tay và trí óc, miệng nói tay làm

19 tuổi, Tịnh Liễu đi nhiều chùa tham thiền vấn đạo, gặp các vị chân tu nổi tiếng như Hòa thượng (HT) Thích Thanh Hanh ở Lạng Giang, Hòa thượng Thích Thanh Thuyền ở Nam Định, cư sĩ Lê Đình Thám ở Huế… Qua chuyến khảo sát này, ông nhận ra xu hướng suy tàn của Phật Giáo: 

"Khi đi sâu vào nhà chùa, tôi thấy sự tổ chức ở chùa không đúng một chút nào với lời Phật dạy; trái lại hoàn toàn dập theo khuôn khổ phong kiến chia giai cấp rất khắc nghiệt, hưởng thụ xa xỉ, bỏ mất hẳn cái tinh thần trọng lao động, không theo quy chế "một ngày không làm một ngày nhịn ăn’ của Tổ Bách Trượng. 

Lại còn dùng thuật mê tín vẽ ra đàn tràng cúng bái, đục khoét nhân dân để sống một đời nhàn rỗi. Vì thế tôi nhất định không theo chế độ đó; cho tới ngày nay tôi cũng chỉ là một tín đồ tín ngưỡng triết lý mà thôi. Hơn nữa, nếu có dịp, tôi sẽ đánh đổ cái chế độ mục nát ấy. Sau đó tôi theo đuổi việc chấn hưng Phật Giáo"  
[7] 

Qua đây, ta hiểu vì sao Nguyễn Hữu Kha không vào chùa làm sư, mà chỉ làm cư sĩ tu tại gia, vừa lao động kiếm sống vừa hoằng dương Phật pháp.

Do không mất thì giờ vào các nghi thức tôn giáo ở chùa nên cư sĩ có điều kiện học kiến thức nhiều mặt, nghiên cứu triết lý đạo Phật một cách khách quan, từ nhiều góc độ. 

Năm 26 tuổi Nguyễn Hữu Kha lấy bút danh Lạc Khổ (vui trong cảnh khổ), bắt đầu dịch kinh Phật ra Quốc ngữ, vì ông thấy người ta toàn tụng kinh chữ Hán nên chẳng hiểu gì. Dịch kinh đúng là khổ thật, cực kỳ khó nhọc, phải giỏi cả Hán học, Phật học, nhưng ông quyết làm với suy nghĩ: 

"Vì kém tinh thần tự lập cho nên ta cứ vùi đầu với kinh chữ Hán, ít người dám dịch kinh sang tiếng ta. Kinh chữ Phạn dịch ra chữ Hán được, thì dịch ra chữ ta cũng được chứ sao! Chữ Quốc ngữ của ta rất dễ phổ biến, dịch âm lại đúng hơn chữ Hán" [8]

Tuyển tập gồm 16 cuốn kinh cơ bản do Thiều Chửu dịch được nhà xuất bản Tôn Giáo in lại năm 2002 là một ghi nhận cố gắng ấy.

Năm 1932 ông tự in tác phẩm của mình là bản dịch “Kinh Vô Thường”; năm 1934 dùng bút danh Thiều Chửu in “Khóa Hư Kinh dịch nghĩa” – bản dịch ra Quốc ngữ tác phẩm “Khóa Hư Lục” nổi tiếng của Trần Thái Tông. 

Học giả Nguyễn Lang (tức thiền sư Thích Nhất Hạnh) nhận xét: "Thiều Chửu là một cây bút rất vững chãi và sâu sắc; căn bản Hán văn của ông rất vững; văn Khóa Hư là văn biền ngẫu rất khó dịch nhưng bản dịch của ông rất đặc sắc, đọc êm tai, nghĩa lý khá rõ ràng" [9]

Thiều Chửu chưa ngày nào được đi học, chỉ được bà nội dạy chữ Hán và Quốc ngữ. Sau đó nhờ công phu tự học mà ông sớm tinh thông Tứ Thư Ngũ Kinh, đến tuổi "tam thập nhi lập" đã thạo dùng tiếng Pháp, tiếng Anh, và đặc biệt am hiểu Hán học, Phật học. 

Suốt đời học, lao động chân tay và trí óc, miệng nói tay làm, nên việc gì ông cũng giỏi, từ cày cấy đến viết lách. Ông dùng thuốc Nam chữa khỏi bệnh cho nhiều người, và viết loạt bài "Bà Lang Nhà" rất thú vị đăng nhiều kỳ trên báo Đuốc Tuệ. 

Ông có một học trò là Ni sư Thích Đàm Ánh, 85 tuổi, hiện trụ trì chùa Phụng Thánh [10]. Ni sư Đàm Ánh có câu cửa miệng: "Chẳng ai giỏi bằng thầy tôi" và hay kể: ông đỡ đẻ mát tay đến mức nhiều gia đình đến nhờ trước hàng tháng.

Nhân vật Thiều Chửu ấy đã đi xa hơn nửa thế kỷ nhưng tên tuổi, tư tưởng, sự nghiệp cùng di sản vô giá ngót một trăm tác phẩm của ông vẫn sống mãi với dân tộc...

>> Phần tiếp theo: "Thiều Chửu - nhân vật Phật giáo xuất chúng thế kỷ XX"

-------------

Ghi chú: 

[1] Edward Conze: Lược sử Phật Giáo, Nxb Tổng hợp TPHCM

[2] Nguyễn Đại Đồng: Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2008

[3] Chương Thâu và Hồ Anh Hải: Nguyễn Hữu Cầu, chí sĩ yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội 2007

[4] Edward Conze, ibid.

[5] [6] [7] Tự Bạch của Thiều Chửu

[8] Thiều Chửu: Lời tựa bản dịch kinh A Di Đà

[9] Nguyễn Lang: Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập III, Nxb Văn Học, Hà Nội 1994

[10] Địa chỉ chùa Phụng Thánh: Ngõ Cống Trắng, Khâm Thiên, Hà Nội; Điện thoại 04-38512547

Nguồn: TuanVietNam

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập