Toàn tập Minh Châu Hương Hải - 05. Phần 1: IV-Vị Trí Văn Học

Đã đọc: 5379           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Minh Châu Hương Hải đã có những đóng góp mới. Ông đã không dùng thủ pháp dịch đuổi mà cho đến thời ông tương đối khá phổ biến và được thử thách, thể hiện qua các công trình dịch Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh và Cổ châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục của thiền sư Viên Thái thuộc thế kỷ thứ 15 cũng như Tân biên truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Thế Nghi thuộc thế kỷ 16.

IV

    VỊ TRÍ VĂN HỌC



    Việc tồn tại các kinh điển bằng tiếng Việt theo nghiên cứu của chúng tôi đã xuất hiện từ lâu, ngay khi những lời dạy của Ðức Phật được truyền thụ lại cho những người Phật tử Việt Nam như Chử Ðồng Tử và Tiên Dung. Ðiều bất hạnh là do thiên tai địch họa, đặc biệt là do dã tâm diệt chủng văn hoá của kẻ thù, số kinh điển này đã không được bảo lưu cho chúng ta ngày nay một cách nguyên vẹn. Dẫu thế chúng ta biết một số chúng đã có mặt rất sớm như Lục độ tập kinh, Cựu tạp thí dụ kinh, Tạp thí dụ kinh v.v…Và qua những năm tháng sau đó chắc chắn những kinh khác cũng đã được dịch ra tiếng Việt hoặc từ chữ Phạn, Pàli hay chữ Hán, nhưng hầu hết đã bị tán thất. Bản kinh sớm nhất còn nguyên vẹn bằng tiếng Việt mà ta có hiện nay là Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh có thể coi là được thiền sư Viên Thái (k.1400-1460) dịch vào khoảng giữa những năm 1440 khi đất nước đang nỗ lực dân tộc hoá các sinh hoạt văn hoá của mình sau thời gian bị giặc Minh chiếm đóng. Rồi thiền sư Pháp Tính (k.1470-1550) đã mạnh mẽ hô hào việc học tập tiếng Việt quốc âm :

    Hồng phúc tên Hương Chân Pháp Tính

    Bút hoa bèn mới đính nên thiên

    Soạn làm chữ cái chữ con

    San bản lưu truyền ai đặt thì thông…

    Vốn xưa làm nôm xe chữ kép

    Người thiểu học khôn biết khôn xem

    Bây chừ nôn dạy chữ đơn

    Cho người mới học nghĩ xem nghĩ nhuần .

    Trong Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa, chính trong phong trào dân tộc hoá đầy khí thế này, cả một cao trào sáng tác văn học bằng chữ Việt mới ra đời, và được bảo lưu cho tới ngày nay cho những tác gia lớn như Nguyễn Trãi, Viên Thái, Lê Thánh Tôn, Pháp Tính, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thọ Tiên Diễn Khánh, Phùng Khắc Khoan, Lê Ðức Mao, Nguyễn Giản Thanh v.v…Sinh ra và lớn lên trong khí thế của một cao trào đang phát triển ồ ạt như thế, ta không lạ gì khi hầu như toàn bộ tác phẩm của Minh Châu Hương Hải đều viết bằng tiếng Việt. Ðây là một đóng góp lớn lao của Minh Châu Hương Hải đối với lịch sử văn học dân tộc ta, đặc biệt là đối với nền văn xuôi Việt Nam. Lý do nằm ở chỗ nhiều người quan niệm nền văn học dân tộc ta phần lớn gồm những truyện thơ, tức là các loại truyện bằng văn vần và không có một nền văn xuôi hoàn chỉnh. Bây giờ với việc khám phá ra bản dịch Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh và Cổ châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục của Viên Thái cùng với Tân biên truyền kỳ mạn lục giả thiết là của Nguyễn Thế Nghi và ba bản giải kinh của Minh Châu Hương Hải, tức Giải Kim Cang kinh lý nghĩa, Giải Di Ðà kinh và Giải Tâm kinh ngũ chỉ, ta thấy nền văn xuôi Việt Nam đến thế kỷ thứ 17 đã phát triển rực rỡ và phong phú. Tiếng nói dân tộc được ghi lại một cách trung thành, sau các tác phẩm tiếng Việt đầu tiên hiện còn bảo tồn là Cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông (1258-1308) và Vân Yên tự phú của Huyền Quang (1251-1334) .

    Ngôn ngữ của bản kinh giải này đã đạt đến một vẻ đẹp văn học nhất định, chúng ta hiện có thể đọc các đoạn văn sau đây và cảm thấy chúng gần gũi với tiếng nói chúng ta ngày nay như thế nào, khi Minh Châu Hương Hải giải thích bài kệ cuối cùng của kinh Kim Cương :

    "Nhất thiết hữu vi pháp

    Như mộng huyễn bào ảnh

    Như lộ diệc như điện

    Ứng tác như thị quan

    Hết thảy hữu vi pháp là trên tự thiên địa tạo hoá, dưới đến nhân gian vạn vật, dầu sanh lão bệnh tử, giàu khó sang hèn, sĩ nông công thương, mọi loài sắc vật, dầu nhẫn xanh vàng thâm trắng thô tế thanh trọc, dầu có dầu không, dầu hư dầu thiệt, sâu cạn thấp cao, ách thật vọng tâm khởi diệt. Hết thảy thiện ác muôn pháp cũng là hưũ vi vậy …"

    Ðọc các đoạn văn như thế này, rõ ràng Minh Châu Hương Hải đã có những đóng góp mới. Ông đã không dùng thủ pháp dịch đuổi mà cho đến thời ông tương đối khá phổ biến và được thử thách, thể hiện qua các công trình dịch Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh và Cổ châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục của thiền sư Viên Thái thuộc thế kỷ thứ 15 cũng như Tân biên truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Thế Nghi thuộc thế kỷ 16. Dịch đuổi là dịch theo lối chữ nào nghĩa đó. Trường hợp các bản thích giải của Minh Châu Hương Hải không thuộc và sử dụng thủ pháp ấy, ông đã dựa vào một câu hay đoạn văn chữ Hán rồi giải thích bằng tiếng Việt quốc âm theo cách hiểu của bản thân ông, đây có thể nói là một đóng góp mới đối với lịch sử văn học tiếng Việt, bởi vì, tiếng Việt văn xuôi được dùng một cách tự nhiên, không bị gò bó bởi câu chữ của nguyên bản tiếng Hán. Có thể nói Minh Châu Hương Hải là người đầu tiên đã ghi lại những câu nói tiếng Việt bình thường của người Việt Nam vào thời ông trong khi trao đổi ý kiến hay giảng giải cho nhau nghe về những vấn đề gì, mà họ cảm thấy quan tâm hay thích thú. Việc này giúp ta xoá bỏ vĩnh viễn thành kiến cho rằng văn học dân tộc ta không có nền văn xuôi cho đến thời kỳ mất nước của thế kỷ 20, mà trước đây thường hay rao giảng một cách vô bằng .

    Ðiều quan trọng hơn nữa là văn xuôi hay của Minh Châu Hương Hải có thể nói là đại biểu cho tiếng nói của một dân tộc thống nhất mà vào thời ông các sử sách ta thường hay đề cập đến việc chia cắt đất nước thành hai miền khác nhau, và các nhà lãnh đạo chính trị của hai miền này thường được giả thiết là muốn biến thành hai nước khác nhau. Thực tế, Minh Châu Hương Hải đã sinh ra, lớn lên và thành đạt ở miền Nam của Tổ quốc, tức tại vùng Trị Thiên và Quảng Nam ngày nay. Rồi sau đó, ông đã ra sống 30 năm cuối cùng của đời mình tại miền Bắc, ở tỉnh Hưng Yên hiện tại. Những tác phẩm văn xuôi do ông để lại cho chúng ta vì thế, thể hiện được tiếng nói thống nhất của cả hai miền tổ quốc. Ðây là một đặc điểm khác của văn xuôi Minh Châu Hương Hải, mà ta cần nghiên cứu sâu hơn để hiểu được tiếng nói của dân tộc ta vào thời bấy giờ. Văn xuôi của Minh Châu Hương Hải không còn là loại văn xuôi dịch thuật, mà đã bắt đầu buớc qua địa hạt văn xuôi sáng tác, dùng văn xuôi tiếng Việt hàng ngày để thể hiện tư tưởng, tình cảm, quan điểm của mình, để vươn lên và đạt tới một nền văn xuôi văn học .

    Vậy thì Minh Châu Hương Hải đã có một vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học Việt Nam, người mở đầu cho nền văn xuôi sáng tác tại Việt Nam, mà ta hiện biết. Cho nên, phải nói rằng Hương Hải mới chính là người đã đặt nền móng cho nền văn xuôi Việt Nam bằng tiếng Việt chứ không phải tác giả Truyền kỳ mạn lục, như quan điểm của các sách về lịch sử văn học Việt Nam trước đây. Ai đã chịu khó đọc sơ qua lịch sử văn học hiện thực Trung quốc, thì cũng biết Nguyễn Dữ viết Truyền kỳ mạn lục đã mô phỏng theo Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu đời Minh Trung quốc, trong đó thậm chí có truyện đã lấy lại hẳn cốt truyện của Cù Hựu, với chỉ một vài thay đổi về nhân danh và địa danh. Vì vậy, nói đến văn xuôi sáng tác tiếng Việt, ta phải coi Minh Châu Hương Hải là người tiên phong, tối thiểu là trong lĩnh vực sở trường của ông, lĩnh vực tư tưởng Phật giáo và sử dụng tiếng nói dân tộc .

    Tất nhiên, tiếng Việt thời Minh Châu Hương Hải cách chúng ta gần 400 năm, có những nét đặc thù mà khi tiếp cận ta cảm thấy khó khăn cho việc nhận thức và lý hội. Chẳng hạn những từ như bui ( ), lệ ( ), hợp ( ) v.v… với nghĩa chỉ, sợ và nên ngày nay không còn dùng trong tiếng Việt hiện đại, nhưng không phải vì thế mà ta không hiểu tác phẩm văn xuôi của ông. Thực tế, như đoạn văn xuôi chúng tôi trích ở trên cho thấy tiếng Việt thời ông không xa với tiếng nói của người Việt chúng ta ngày nay bao nhiêu .

    Chúng ta hãy đọc một đoạn văn mở đầu cho bản Giải tâm kinh ngũ chỉ sau đây thì cũng có thể thấy :"Nương lời trong kinh, dịch rằng Thích Ca Thế Tôn thuở trú trong Linh thứu sơn, vào tọa thiền, nhập Quang minh đại định. Khi ấy Xá Lợi Tử bạch Quán Tự Tại Bồ Tát rằng :"Dầu có chúng sinh tu hành, muốn học cửa pháp Bát Nhã thần thông vi diệu, rằng làm sao cho hiểu thấu được"Quán Tự Tại Bồ tát bèn dạy bảo Xá Lợi Tử rằng :"Thích Ca Thế Tôn diễn thuyết đại bộ Bát Nhã 600 quyển. Một Bát nhã tâm kinh này lấy làm chí tinh chí yếu, , là mẹ đại bộ chư kinh, truyền sang Ðông Ðộ đã 5 lần dịch, đến đời Ðường Huyền Tráng pháp sư lại vâng chiếu dịch truyền để Ðông Ðộ lấy làm chính giáo thịnh hành …"

    Ðọc đoạn này, tiếng Việt của Minh Châu Hương Hải đâu có cách xa gì với tiếng Việt của chúng ta hiện nay. Chỉ có vấn đề là ông đã giới hạn việc sử dụng tiếng Việt trong việc giải thích các kinh điển Phật giáo, mà không mở rộng đến các lĩnh vực khác của đối tượng văn học, tất nhiên ta không thể đòi hỏi nhiều ở Minh Châu Hương Hải, những con người tiên phong .

    Ðiểm lôi cuốn hơn nữa là Minh Châu Hương Hải không phải không biết làm thơ bằng tiếng Việt. Sự lý dung thông là một điển hình, đây là một bài thơ hay, lời lẽ điêu luyện, hình tượng hấp dẫn dài 162 câu, được viết theo thể song thất lục bát, đứng vào hàng những bài thơ song thất lục bát đầu tiên của dân tộc, mở đầu cho những danh tác về sau như Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều và Chinh phụ ngâm của Phan Huy Ích. Vì vậy, việc ông dành một số lớn thời gian để thích giải các kinh điển Phật giáo bằng văn xuôi tiếng Việt đã chứng tỏ ông có một niềm đam mê và yêu mến như thế nào đó đối với tiếng nói hằng ngày của đồng bào mình. Tình cảm nồng đậm này phải kể là một điểm son khác của sự nghiệp Minh Châu Hương Hải. Sau ông vẫn còn tìm thâý những người Việt Nam khác đã dùng thơ truyện để diễn giải kinh truyện Phật giáo như Chân Nguyên trong Ðạt Na thái tử hạnh, Nam hải Quan âm bản hạnh, v.v…và Pháp Liên trong Pháp Hoa quốc ngữ kinh. Thế mà vào thời mình, ở thế kỷ thứ 17, Minh Châu Hương Hải đã mạnh dạn giảng giải kinh điển cho đồng bào mình bằng tiếng nói thường ngày của họ. Nói khác đi, không phải Minh Châu Hương Hải không có tài làm thơ, nên ông đã dùng văn xuôi để viết nên các tác phẩm của mình. Trái lại nữa là khác, nhưng ông đã viết hầu như toàn bộ tác phẩm của mình bằng văn xuôi, mà hiện tại ta đã tìm thấy 3 tác phẩm, thì đó là một biểu hiện tấm lòng yêu mến của Minh Châu Hương Hải đối với tiếng nói thường ngày của dân tộc ta.

    Ðây là một số những thu hoạch sơ bộ của chúng tôi, khi nghiên cứu các tác phẩm của Minh Châu Hương Hải, để cho ra đời toàn tập này. Chúng ta cần nghiêm chỉnh tìm hiểu sâu xa hơn để xác định đúng đắn không những vị trí của Minh Châu Hương Hải trong lịch sử văn học dân tộc, mà còn để làm rõ quá trình phát triển và tiến hoá của lịch sử văn học Việt Nam, giúp cho con cháu ta nhận thức chính xác những cống hiến to lớn của tổ tiên trong việc giữ gìn và bồi đắp tiếng nói của dân tộc. Quá trình phát triển văn học dân tộc bằng tiếng Việt là một quá trình đấu tranh cam go, khốc liệt chứ không phải là quá trình phát triển dễ dàng và êm thắm, đặc biệt là trong lĩnh vực văn xuôi. Quá trình này có sự đóng góp của nhiều người qua nhiều thế kỷ, mà ngày nay tác phẩm phần lớn đã bị thất truyền, từ những bản kinh đầu tiên thời Hùng vương cho đến những tác phẩm của Từ Ðạo Hạnh v.v…cuối cùng đến Trần Nhân Tông và Huyền Quang, chúng ta có được những tác phẩm đầu tiên của dân tộc được bảo tồn nguyên vẹn, rồi đến Trần Tùng Quang, Nguyễn Biểu, nhà sư chùa An Quốc, Nguyễn Trãi, Viên Thái v.v…chúng ta có một loạt những tác phẩm văn học được lưu truyền cho đến ngày nay. Tới nhóm thơ Tao Ðàn do Lê Thánh Tôn thành lập rồi các tác phẩm của Pháp Tính, Nguyễn Bỉnh Khiêm, v.v…cả một cao trào sử dụng tiếng Việt để làm thơ, văn đang hừng hực vươn lên chiếm lĩnh vị thế chủ đạo, Pháp Tính đã mạnh dạn nói rằng mình đã kế thừa sự nghiệp tự điển quốc âm của Sĩ nhiếp, thiết định lại chữ viết tiếng quốc âm cho mọi người dễ học, dễ nhớ. Nhưng tất cả các vị này hầu hết đều bằng tiếng Việt thơ mà không phải tiếng Việt văn xuôi, điều này ta phải đợi đến Minh Châu Hương Hải mới có được những thành tựu đầu tiên hiện được lưu truyền. Chúng ta cần phải trân trọng những thành tựu đó và cần nghiên cứu thêm hơn nữa để hiểu biết trọn vẹn hơn quá trình phát triển của lịch sử văn học dân tộc ta .

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập