Quảng Nghiêm thiền sư và bài kệ thị tịch

Đã đọc: 655           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Mục đích của Như Lai là giúp chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến, là thấy được mặt trăng, bất kể bằng con đường nào. Nếu chỉ bước đi theo dấu chân của đức Như Lai, chỉ chấp vào lời dạy của Ngài, là không phải nương theo ý chỉ của Ngài vậy. Đạo lộ thênh thang, mục đích là khai mở Như Lai Tạng, trước khi khai mở Như Lai tạng, ta phải bỏ ra tất cả những gì có được, kể cả lời dạy của Ngài[3]. Cho nên ta từng thấy có Đơn Hà đốt tượng Phật, Lâm Tế tổ sư dùng gậy đánh người, tiếng thét “hàn thái hư” của thiền sư Không Lộ, và kể cả tiếng hát của Zarathustra trên ngàn cao đỉnh núi, tiếng “ừ” linh thánh của Nietche… mà không hề đi theo dấu chân của đức Như Lai.

Thiền sư Quảng Nghiêm (1121-1190) là người làng Đan Phượng, họ Nguyễn, đắc pháp với thiền sư Trí Thiền[1]. Sư thuộc dòng Vô Ngôn Thông đời thứ 11. Cha mẹ mất sớm nên Người theo cậu là Bảo Nhạc, sau khi cậu mất, sư hành cước phương xa và gặp được thiền sư Trí Thiền đang khai đàn giảng pháp, Ngài thọ học và đắc pháp với thiền sư Trí Thiền. Sau khi đắc pháp, Ngài hành đạo theo ý chỉ của thiền tông. Ngày rằm tháng hai năm Canh Tuất (1190), Sư chấp tay nói bài kệ và giã biệt mọi người. Bài kệ như sau:

Lý tịch phương ngôn tịch diệt khứ
Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh
Nam nhi tự hữu xung thiên chí
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.

Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát dịch là:

Lìa tịch mới bàn câu tịch diệt
Được vô sinh sau nói vô sinh
Làm trai có chí xông trời thẳm
Chớ hướng Như Lai hành xứ hành.

Có thể nói hầu hết các thiền sư khi duyên phần đã mãn, trước khi xả báo thân, các Ngài đều để lại một bài kệ gọi là kệ thị tịch, bài kệ chuyên chở tư tưởng một đời hành đạo, và là lời nhắn gửi cuối cùng cho hàng đệ tử trước khi quảy dép về Tây. “Hưu hướng Như Lai” là bài thơ như vậy. Bài kệ bàng bạc tinh thần phá chấp tuyệt đối theo phong cách của thiền. Có thể tạm chia làm hai phần.

I. Tịch diệt Niết-bàn là mục tiêu mà người tu theo đạo Phật đều muốn hướng đến, bởi vì ở đó có bình an hạnh phúc mà không có sinh tử khổ đau, không có những gì gọi là bất như ý. Tuy nhiên, nếu bảo Tịch diệt Niết-bàn là cảnh giới khác với cảnh giới này thì đó là điều không tưởng, là cái bánh vẽ ra chỉ để nhìn. Cảnh giới đó không phải có nhưng cũng không phải không, nếu bảo có thì nó vượt ra ngoài khả năng tư duy của con người làm sao biết có, nếu bảo không sao người ta lại theo đuổi? Nó vô hình vô tướng, vượt ngoài tầm nhìn và khả năng tư duy của con người. Thiền tông chỉ ra cho ta hay cảnh giới đó chính là ở đây, ngay trên thế gian này, ngay trên cái tâm lượng mà mỗi con người đang có. Trần Nhân Tông nói đạo chỉ là đói thì ăn mệt thì ngủ.

Phải quên hai chữ Niết-bàn đi để thấy được Niết-bàn là ở đây, bây giờ, bám chặt vào văn tự Tịch diệt Niết-bàn là ta đã rơi vào biến kế sở chấp như tưởng ra lông rùa sừng thỏ.

“Lìa tịch diệt mới bàn câu tịch diệt
Được vô sinh sau nói vô sinh”.

Hẳn lời thơ này không phải là đạo lý mới mẻ huyền mật đến lúc chết Ngài mới nói ra mà nó là nội dung cả một đời hành đạo của Ngài, bắt đầu từ sự tâm chứng khi Ngài được thiền sư Trí Thiền giải nghi. Thiền Uyển Tập Anh chép sự kiện này như sau:

Một hôm, Ngài nghe sư Trí Thiền giảng về sự sống chết, Ngài như có điều tỏ ngộ, liền hỏi: Một câu thoại đầu cổ nhân nói ấy ở trong sống chết còn có lý gì không?

Sư Trí Thiền đáp: Ngươi thể nhận được lý đó chăng?
Ngài thưa: Thế nào là lý không sanh tử?
Sư đáp: Chỉ ở trong sinh tử mới khéo hiểu được nó.
Ngài thưa: Thế nào là đã vô sinh?
Sư đáp: Tức cũng tự mình hiểu lấy.

Nghe xong sư hoàn toàn được giải đáp, bèn hỏi: Làm thế nào để quyết chắc?
Sư đáp: Rõ rồi cũng giống như chưa rõ.

Vâng, đạo là vậy, như người uống nước nóng lạnh tự mình biết, chứng ngộ rồi và chưa chứng ngộ nó cũng giống nhau, sự biến chuyển đó được thể hiện từ tâm chứ không phải từ tướng cho nên nói là giống nhau, giống mà chẳng giống, bởi nó còn tùy thuộc vào nhãn quan của con người.

Mẩu đối thoại trên liên quan mật thiết với bài kệ thị tịch, ở đó ý hướng đã được đặt ra. Niết-bàn trong trạng thái không sanh tử nó không lìa, không ở đâu khác ngoài sanh tử. Hay nói rõ hơn, Niết-bàn là ở tại nơi này, ngay trong cõi đời sanh tử, chỉ vì sự hạn định của tâm lượng mà phân biệt ra có một cái khác.

II. Phần thứ hai của bài kệ, là con đường đưa đến sự chứng ngộ, là con đường làm Phật theo nhãn quan của thiền sư, con đường làm Phật nhưng đừng đi theo dấu chân Phật. Nếu đứng trong phạm trù nhất định nào đó mà nói thì học làm Phật tức phải học theo giáo pháp của Phật, học theo lời dạy của Ngài, hạnh nguyện của Ngài, nếu không nương tựa vào pháp thì ta biết nương tựa vào đâu. Phật đã từng dạy, Pháp là ngọn đèn, là đấng Đạo sư cho chúng sanh sau khi Ngài diệt độ, điều đó ai cũng biết. Nhưng ở đây Thiền tông nói, Quảng Nghiêm Thiền sư nói đừng theo Phật, đừng dẫm lên dấu chân Phật, đó là phong cách của Quảng Nghiêm Thiền sư, là phong cách của thiền. Chẳng phải ngẫu nhiên, chẳng phải mới lạ, cũng không phải là vô căn cứ, bởi lẽ đức Thế Tôn đã từng tuyên bố rằng, “trong suốt bốn mươi chín năm qua Ngài chưa từng nói lời nào”. Ngài đã bảo là Ngài không nói sao lại ghép cho Ngài nói cái này cái kia. Cho nên Quảng Nghiêm thiền sư chủ trương “hưu hướng Như Lai hành xứ hành”, đó cũng là tinh thần của thiền tông, tinh thần đã từng được thể hiện ra trong cuộc đời hành đạo của Ngài như lời huấn thị cho đệ tử Thường Chiếu.[2]

Mục đích của Như Lai là giúp chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến, là thấy được mặt trăng, bất kể bằng con đường nào. Nếu chỉ bước đi theo dấu chân của đức Như Lai, chỉ chấp vào lời dạy của Ngài, là không phải nương theo ý chỉ của Ngài vậy. Đạo lộ thênh thang, mục đích là khai mở Như Lai Tạng, trước khi khai mở Như Lai tạng, ta phải bỏ ra tất cả những gì có được, kể cả lời dạy của Ngài[3]. Cho nên ta từng thấy có Đơn Hà đốt tượng Phật, Lâm Tế tổ sư dùng gậy đánh người, tiếng thét “hàn thái hư” của thiền sư Không Lộ, và kể cả tiếng hát của Zarathustra trên ngàn cao đỉnh núi, tiếng “ừ” linh thánh của Nietche… mà không hề đi theo dấu chân của đức Như Lai.

Mặc dù tư tưởng Hưu Hướng Như Lai của Quảng Nghiêm thiền sư không có gì mới lạ trong Phật giáo, đặc biệt là trongThiền tông, tuy nhiên, đứng về mặt lịch sử tư tưởng và Phật giáo Việt Nam thì bài kệ này có một vị trí rất quan trọng, đó là tiếng gọi thức thời trong tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Đại Việt ta vào cái thuở bắt đầu vươn mình đứng dậy, đòi hỏi người Việt ta cần có sự bứt phá ra khỏi những khuôn vàng thước ngọc từng được truyền dạy mà đã đến hồi giảm tính khế cơ và khế thời. Một yêu cầu rất xứng đáng và cần thiết để từ đó tạo tiền đề cho dòng thiền “tùy tục” của riêng người Việt Nam, dòng thiền Cư Trần Lạc Đạo, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông sau này. Như vậy, Quảng Nghiêm thiền sư và bài kệ của Ngài đóng vai trò là bước quá độ từ một nền Phật giáo cũ lên nền Phật giáo mới, nền Phật giáo đặc trưng với một dòng thiền của riêng Việt Nam.

Khải Tuệ
[Tập san Pháp Luân – số 25, tr.39, 2006]


[1] Thiền sư Trí Thiền, có nơi chép là Thiền Trí hay Minh Trí

[2] Thiền Uyển Tập Anh chép:
“Một hôm Thường Chiếu nêu kinh Kim cang ra hỏi: Pháp mà Như Lai đạt được, pháp đó không thật, không hư vậy, vậy nó là pháp gì?
Sư đáp: Ngươi đừng có chê khéo đức Như lai.
Chiếu đáp: Hòa thượng đừng có chê khéo lời kinh.
Sư hỏi: Kinh đó do ai nói?”
Chiếu đáp: Hòa thượng đừng có đùa lâu với con, há chẳng phải Phật nói sao?
Sư đáp: Nếu là Phật nói, tại sao trong kinh lại bảo: nếu nói Như lai có chỗ thuyết pháp, tức là huỷ báng Như lai.”

[3] Kinh Kim Cang nói: “Pháp ưng thị xả hà huống phi pháp”.

Nguồn: https://thuvienphatviet.com/

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập