Tinh thần hộ quốc an dân của Thiền sư Vạn Hạnh

Đã đọc: 1051           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Thiền sư Vạn Hạnh là vị Thiền sư lỗi lạc của Việt Nam thời nhà Lý. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là một sự nghiệp lớn, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và phát triển đất nước.

Thiền sư Vạn Hạnh là vị cao Tăng thời Lý, nối pháp thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đời thứ 12. Vốn tinh thông cả Nho, Lão, Phật đã nghiên cứu hàng trăm bộ kinh luận Phật giáo, ông là người đã dạy học cho cả vua Lê Đại Hành và Lý Thái Tổ, không những về chữ nghĩa văn chương mà còn dạy cả giáo lý Phật Đà. Tinh thần nhập thế, phụng sự chúng sanh. Thiền sư Vạn Hạnh đã giúp đỡ rất nhiều cho vua Lê Đại Hành trong các công việc quân quốc đại sự. Khi nhận biết đế nghiệp nhà Tiền Lê đã đến hồi mạt vận, Thiền sư Vạn Hạnh đã khéo léo vận động đưa Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế. Sau cuộc thay triều đổi đại không đổ máu ấy, Thiền sư Vạn Hạnh được vua Lý Thái Tổ sắc phong làm Quốc sư. Thiền sư Vạn Hạnh đã đem hết tài trí và tinh thần dung hợp Tam giáo Nho, Lão, Phật của mình để giúp vua Lý Thái Tổ trị quốc an dân đúng với vị trí của một vị lãnh đạo về mặt tinh thần và tâm linh. Với tinh thần nhập thế Thiền sư đã hành động để giúp dân an cư lạc nghiệp. Bàn tay và khối óc của Thiền sư Vạn Hạnh đã góp một phần không nhỏ cho việc hình thành và phát triển nhà Lý, một triều đại huy hoàng trong lịch sử dân tộc.

Người tinh thông "Sấm vĩ học và phong thủy học"

Nói đến thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi không thể không nhắc đến yếu tố Mật giáo trong thiền phái này. Các yếu tố Mật giáo đã được các vị Thiền sư trong thiền phái ứng dụng để cho ra đời hình thức “sấm vĩ” như một phương tiện để truyền đạo hữu hiệu. Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi do Thiền sư người Ấn Độ tên Tỳ Ni Đa Lưu Chi truyền vào nước ta năm 580. Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi là thiền phái đầu tiên du nhập vào Việt Nam và tồn tại suốt 633 năm với 19 đời truyền thừa từ Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến người cuối cùng là Thiền sư Y Sơn.

Từ các yếu tố Mật giáo trong tư tưởng thiền học của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã đưa đến việc hình thành “sấm vĩ học”, là môn học suy trắc về tương lai, căn cứ trên lý thuyết âm dương và lý thuyết ngũ hành tương sinh tương khắc. Thiền sư Vạn Hạnh là người kế thừa những tinh hoa của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi về phong thủy và sấm vĩ triệt để, là người đã ứng dụng nghệ thuật sấm vĩ một cách toàn diện và khéo léo, tài tình. Trong những bài sấm của Thiền sư Vạn Hạnh có thể kể đến lần sét đánh lên cây gạo do Thiền sư Đinh La Quý trồng ở chùa Minh Châu khi xưa. Sau khi bị sét đánh cháy trên thân cây gạo hiện ra bài sấm:

“Thụ căn diểu diểu

Mộc biểu thanh thanh

Hòa đao mộc lạc

Thập bát tử thành

Đông A nhập địa

Dị mộc tái sinh

Chấn cung kiến nhật

Đoài cung ẩn tinh

Lục thất niên gian

Thiên hạ thái bình”.

Dịch:             

“Gốc cây thăm thẳm

Ngọn cây xanh xanh

Cây hòa đao rụng

Mười tám hạt thành

Cành Đông xuống đất

Cây khác lại sinh

Đông mặt trời mọc

Tây sao lặn mất

Sáu bảy năm nữa

Thiên hạ thái bình”.[1]

Sấm vĩ học và Phong thủy học là những phương tiện để các Thiền sư hoằng dương chánh pháp, đem đạo lý Phật đà truyền đến cho bách tính thiên hạ.

Sách Đại Việt Sử ký toàn thư có chép: “Nhà sư Vạn Hạnh tự đoán riêng rằng: trong câu thụ căn diểu diểu, chữ căn là gốc, gốc tức là vua, chữ diểu đồng âm với yểu, thế là nhà vua chết yểu; trong câu mộc biểu thanh thanh, chữ biểu là ngọn, ngọn tức là bề tôi, chữ thanh đồng âm với chữ thịnh; hòa đao mộc là chữ Lê; thập bát tử là chữ Lý; Đông A là chữ Trần; nhập địa tức chỉ giặc phương Bắc vào cướp. câu dị mộc tái sinh tức là họ Lê khác lại nổi lên. Câu Chấn cung kiến nhật thì Chấn là phương Đông, kiến là mọc ra, nhật chỉ Thiên tử; Câu Đoài cung ẩn tinh thì Đoài là phương Tây, ẩn cũng như lặn, tinh là thứ nhân. Mấy câu ấy ý nói vua thì mệnh yểu, tôi thì cường thịnh, họ Lê mất thì họ Lý nổi lên. Thiên tử ở phương Đông mọc ra thì thứ nhân ở phương Tây lặn mất. Trải qua sáu bảy năm nữa thì thiên hạ thái bình”[2].

Về phương diện phong thủy học, Thiền sư Vạn Hạnh cũng là người tinh thông. Xét kĩ từ “Chiếu dời đô” có thể thấy tư duy của những con người thực sự am hiểu về địa lí, mà người giúp sức cho Lý Thái Tổ trong công cuộc dời đô ấy không ai khác ngoài Thiền sư Vạn Hạnh. Sấm vĩ học và Phong thủy học là những phương tiện để các Thiền sư hoằng dương chánh pháp, đem đạo lý Phật đà truyền đến cho bách tính thiên hạ. Truyền đến Thiền sư Vạn Hạnh, nghệ thuật sấm vĩ và phong thủy ấy đã được Thiền sư sử dụng với tinh thần tùy duyên bất biến, ứng dụng sấm vĩ và phong thủy một cách tài tình để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Việc làm ấy có thể coi là “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Mục đích cuối cùng của Thiền sư Vạn Hạnh cũng chỉ là giúp đất nước tránh một cuộc can qua, đưa người hiền lên ngôi đế vương để xây dựng đất nước cường thịnh và phát triển, xiển dương Phật pháp để xây dựng một xã hội theo tinh thần Phật giáo.

Cuộc đời và sự nghiệp của ông là một sự nghiệp lớn, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và phát triển đất nước.

Người thầy của Lý Công Uẩn

Đầu kỷ nguyên độc lập, lớp người tinh thông học vấn thường là Tăng nhân. Tăng sĩ lúc bấy giờ, ngoài việc phải chăm lo giáo dục đạo đức còn phải đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân trong việc học chữ. Có thể nói trong thời kì ấy chùa là nơi che chở hồn dân tộc. Chốn Già lam ấy là lớp học chữ trong thời gian dài của nhiều thế hệ người Việt. Trẻ em đến chùa học không phải để xuất gia cũng không phải chỉ học Phật giáo, mái chùa lúc bấy giờ là nơi dạy cả Nho, Lão, Phật và là nơi nuôi lớn tài năng của bao danh nhân đất Việt. Đại diện tiêu biểu cho hàng lớp trẻ em học tập từ trong mái chùa hồn hậu dưới sự hướng dẫn chỉ dạy của các vị Thiền sư mà bước ra cuộc đời là Lý Công Uẩn. Thực sự, Lý Công Uẩn đã nhận được sự giáo dục chuẩn mực từ Phật giáo mà người thầy trực tiếp của ông chính là Thiền sư Vạn Hạnh.

Trong buổi đầu giành được độc lập, các triều đại đầu tiên đều chưa dùng “đức trị” để cai trị thiên hạ. Thiền sư Vạn Hạnh với ý niệm chuyển hóa một xã hội sang “đức trị”, biến quốc gia Đại Cồ Việt thành một quốc gia phú cường, hưng thịnh, nhân dân ấm no hạnh phúc. Để có được việc đó, Thiền sư Vạn Hạnh đã hành động một cách kiên trì và âm thầm từ trong công việc giáo dục. Để có một cuộc cách mạng thay đổi triều đại mà không đổ máu năm 1009, Thiền sư Vạn Hạnh đã chuẩn bị rất nhiều tâm huyết trong hàng chục năm để trang bị cho Lý Công Uẩn một nền giáo dục toàn bích, kết hợp Phật giáo tính, dân tộc tính và thời đại tính. Đồng thời cũng mang trong nó bách khoa tính, thực dụng tính và lãnh đạo tính biến cậu bé Lý Công Uẩn thông minh khác thường thành một người tài đức vẹn toàn, đồng thời cũng thấm nhuần giáo lý Phật đà để có thể trở thành một vị quân vương Bồ tát, trị quốc an dân theo chánh pháp. Có thể nói công dạy Lý Công Uẩn của Thiền sư Vạn Hạnh rất to lớn. Việc giáo dục nhân cách và đạo đức một con người từ thuở còn thơ, rèn văn luyện võ như vậy có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành tư tưởng của Lý Công Uẩn trong việc trị quốc sau này.

Vạn Hạnh là vị Thiền sư lỗi lạc của Việt Nam thời nhà Lý.

Phò tá Lý Công Uẩn lên ngôi và trị nước

Việc giành lại độc lập chủ quyền dân tộc đến đầu thế kỷ XI đã có thể gọi là hoàn toàn. Nhà Tiền Lê với việc chống quân Tống xâm lược để bảo vệ độc lập dân tộc là một thiên sử vẻ vang trong lịch sử nước nhà. Có thể nói sứ mệnh lịch sử của nhà Tiền Lê đến thời Lê Long Đĩnh đã là hồi kết. Phú cường và an cư lạc nghiệp là nhu cầu thiết yếu của quốc gia dân tộc lúc bấy giờ. Để thực hiện nhu cầu ấy, Phật giáo với tinh thần nhập thế đã từng bước tiến hành công việc để đạt đến mục đích. Dưới sự chuẩn bị của Thiền sư Vạn Hạnh mọi việc đã diễn tiến thuận lợi. Năm 1009 khi Lê Long Đĩnh băng hà, Lý Công Uẩn đã lên ngôi. Thiền sư Vạn Hạnh từng nói với Lý Công Uẩn: “Mới rồi tôi trông thấy lời phù sấm kì lạ, biết rằng họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp, nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng thân vệ là người khoan thứ nhân từ được lòng dân lại nắm binh quyền, đứng đầu muôn dân chẳng phải thân vệ thì còn ai đương nổi nữa, tôi đã hơn bảy mươi tuổi rồi, mong được thư thái hãy chết, để xem đức hóa công như thế nào, thực là cái hay nghìn năm có một.[3] Thiền sư Vạn Hạnh lại nói với tướng Đào Cam Mộc: “Thân vệ là người khoan thứ nhân từ, lòng người chịu theo, hiện nay trăm họ mỏi mệt kiệt quệ, dân không chịu nổi, thân vệ nên nhân đó lấy ân đức mà vỗ về thì người ta tất xô nhau kéo về như nước chảy chỗ thấp, có ai ngăn được”. [4]

Việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi đã hoàn thành được chí nguyện xây dựng một triều đại có thể đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước phú cường và dân chúng được an cư lạc nghiệp. Sau khi đưa Lý Công Uẩn lên ngôi Thiền sư Vạn Hạnh còn là người cố vấn cho vua trong mọi việc quân quốc đại sự, để định cuộc đất nước, đưa ra các biện pháp trị quốc thích hợp. Có thể nói xã hội đời Lý thái bình thịnh trị là do nền tảng mà Thiền sư Vạn Hạnh đã âm thầm xây dựng và giúp đỡ Lý Công Uẩn thực hiện công việc ấy.

Sự hòa nhập giữa nội tâm và ngoại giới ở Thiền sư Vạn Hạnh đã đạt đến cảnh giới đỉnh cao, vượt lên mọi sự phân biệt của thế giới nhị nguyên.

Về chốn già lam

Thời gian cuối đời Thiền sư Vạn Hạnh lui về chốn Già lam u tịch phụng sự cho Đạo pháp. Thiền sư vẫn tiếp tục công việc giáo dục cho bao thế hệ trẻ thơ, đồng thời cũng làm cố vấn cho các việc quan trọng mà Lý Thái Tổ thỉnh ý. Năm Thuận Thiên thứ 16 (1025) Thiền sư không đau ốm gì mà thị tịch. Thi hài Thiền sư Vạn Hạnh được triều đình và môn đồ pháp quyến trà tỳ và đặt trong tháp thờ ở chùa Tiêu Sơn. Trước khi thị tịch Thiền sư Vạn Hạnh để lại bài kệ để răn dạy hàng đệ tử:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”.

Dịch:             

“Thân như bóng chớp có rồi không

Cây cối xuân tươi thu não nùng

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi

Kìa kìa ngọn cỏ hạt sương đông”. [5]

Chính trong bài kệ thị tịch của Thiền sư Vạn Hạnh đã thể hiện rõ nét tư tưởng của ông, một tư tưởng triết học Phật giáo thiền tông. Mọi sự vật, hiện tượng đều luôn biến động vô thường. Con người cũng không tránh khỏi quy luật vô thường. Vì phàm phu không hiểu được quy luật vô thường ấy mà có sự sợ hãi về cuộc thịnh suy của thời vận. Là bậc tu hành chứng đắc, đạt đến cảnh giới “nhậm vận” Thiền sư Vạn Hạnh đã hiểu rõ quy luật vô thường. Chính vì hiểu vậy nên Thiền sư trở về với bản tính chân như vốn có của con người, từ đó có thể thấy được cái “vô ngã” trong giáo lý nhà Phật. Chính vì lẽ ấy mà sự hòa nhập giữa nội tâm và ngoại giới ở Thiền sư Vạn Hạnh đã đạt đến cảnh giới đỉnh cao, vượt lên mọi sự phân biệt của thế giới nhị nguyên. Sự an nhiên trở về với tự tính, trở về với lẽ chân như mà diệu hữu của đạo Phật để thấy được bản thể trong sự vận động vĩnh cửu vô thủy, vô chung. Vì vậy khi ấy con người chỉ có thể coi như ánh chớp có rồi không ngắn ngủi. Và sự thịnh suy của cuộc đời cũng mong manh nhỏ nhoi như giọt sương đọng trên đầu ngọn cỏ. Theo giáo lý thiền tông thân xác chỉ là hóa thân có mất đi cũng chỉ là kết thúc một dạng tồn tại, chứ bản thể có mất đi bao giờ mà buồn thương tiếc nuối. Đó cũng là bài học mà Thiền sư Vạn Hạnh để lại cho đời sau.

Thi hài Thiền sư Vạn Hạnh được triều đình và môn đồ pháp quyến trà tỳ và đặt trong tháp thờ ở chùa Tiêu Sơn - Từ Sơn - Bắc Ninh

Có thể nói, Vạn Hạnh là vị Thiền sư lỗi lạc của Việt Nam thời nhà Lý. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là một sự nghiệp lớn, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và phát triển đất nước. Là một người rũ bỏ danh lợi tìm đến chốn Phật môn, nhưng Thiền sư Vạn Hạnh không phải là người lánh đời, tìm về chốn sơn lâm mà mai danh ẩn tính. Trái lại, Thiền sư Vạn Hạnh đã dấn thân vào cuộc đời, đem tinh thần nhập thế của Phật giáo vào cuộc đời một cách chủ động và linh hoạt. Con đường mà Thiền sư Vạn Hạnh đã bước đi là con đường hành động với trái tim vô cầu, với quyết chí đem tất cả tâm can phò trợ những người khoan dung, được lòng dân, có hoài bão làm cho dân giàu nước thịnh. Để ghi nhận vai trò của Thiền sư Vạn Hạnh đối với đất nước, dân tộc, vua Lý Nhân Tông đã tán thán Thiền sư với bài kệ rằng:

“Vạn Hạnh dung tam tế

Ưng phù cổ sấm thi

Hương quan danh Cổ Pháp

Trụ tích chấn vương kì”.

Dịch:             

“Hành tung thấu triệt ba đời

Ngữ ngôn phù hợp muôn lời sấm xưa

Quê hương Cổ Pháp bây giờ

Dựng cây tích trượng, kinh đô vững bền”.[6]

Chú thích:

[1] Nguyễn Lang (2011), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, tr 142.

[2], [3], [4] Ngô Sĩ Liên (2009), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Văn hóa – Tthông tin, tr 155-156.

[5], [6] Nguyễn Lang (2011), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, tr 144.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập