Xá-Lợi Xương Đầu Của Đại Sư Trí Quang (1)

Đã đọc: 2609           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Rất ngạc nhiên khi nhìn thấy toàn bộ xương đầu của Đại sư Trí Quang, còn gọi là “Xá-lợi thượng thủ” hay “Xá-lợi đỉnh cốt” (2) vẫn còn y nguyên với màu trắng tinh nổi trội và trở thành tiêu điểm quan tâm của đông đảo Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong nước và nước ngoài. Xá-lợi của Ngài đã được chia làm 3 phần dành cho 3 ngôi Chùa (3) phụng thờ: (i) Chùa Đại Giác, đường Lê Lợi, phường Hải Đình, Tp. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, (ii) Chùa Từ Đàm, số 1 đường Liễu Quán, phường Trường An, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế và (iii) Tu Viện Quảng Hương Già Lam, 498/11 Lê Quang Định, phường 01, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh (nơi Ngài đã có khoảng 15 năm tu tập và dảo đính lại các tác phẩm dịch thuật & chú giải của Ngài).

Sau lễ hỏa thiêu một ngày, vào ngày 12/11/2019, khi mở nắp lò hoả thiêu ra toàn bộ gỗ của quan tài chứa đựng nhục thân Đại sư Trí Quang đã trở thành tro bụi, toàn bộ các xương lớn và cứng như xương sườn, xương tay, xương chân, đã trở thành các mảnh xương rất nhỏ, vở vụn.

Rất ngạc nhiên khi nhìn thấy toàn bộ xương đầu của Đại sư Trí Quang, còn gọi là “Xá-lợi thượng thủ” hay “Xá-lợi đỉnh cốt” (2) vẫn còn y nguyên với màu trắng tinh nổi trội và trở thành tiêu điểm quan tâm của đông đảo Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong nước và nước ngoài. Xá-lợi của Ngài đã được chia làm 3 phần dành cho 3 ngôi Chùa (3) phụng thờ: (i) Chùa Đại Giác, đường Lê Lợi, phường Hải Đình, Tp. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, (ii) Chùa Từ Đàm, số 1 đường Liễu Quán, phường Trường An, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế và (iii) Tu Viện Quảng Hương Già Lam, 498/11 Lê Quang Định, phường 01, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh (nơi Ngài đã có khoảng 15 năm tu tập và dảo đính lại các tác phẩm dịch thuật & chú giải của Ngài).

Tôi rất lấy làm tiếc là Chùa Ấn Quang, nơi Đại sư Trí Quang đã có mấy chục năm hành đạo. Có lẽ đó là ngôi chùa mà Ngài gắn kết đời của mình nhiều nhất, dài nhất và các tác phẩm do Ngài phiên dịch & chú giải được ra đời tại Chùa Ấn Quang, lại không nằm trong danh sách được nhận xá-lợi của Ngài để tưởng niệm và tôn thờ. Giá như Ban tang lễ và các pháp tử dành thêm một phần xá-lợi cho Chùa Ấn Quang thì sẽ trọn tình đạo lý hơn

Khi mở lò hoả thiêu ra, "Xá-lợi thượng thủ" của Đại sư Trí Quang như một khối ngọc trắng giữa một đống tro tàn. Những phần xương khác đều đã cháy vỡ và xỉn màu. Đối với những người, Hội, Đoàn theo Việt Nam Cộng Hòa, hay chống phá Phật giáo, thiếu thiện cảm với đạo Phật, muốn phục hưng tinh thần Ngô Đình Diệm thì nhân dịp này họ đưa ra những ngụy thuyết rằng đầu là phần xương cứng nhất của thân thể, do đó, còn lại xương đầu là bình thường. Thực ra, sau khi thiêu 24h, tất cả xương cứng trở thành các mảnh vụn, xương đầu tuy cứng, nhưng không cứng hơn xương đùi mà còn nguyên vẹn. Đó là chưa nói đến gỗ áo quan cháy rồi sập xuống mà không làm bể xương đầu của ngài. Đó là điều hiếm thấy và trở thành biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo.

Những người muốn phục hưng tinh thần độc tài của Ngô Đình Diệm nhân dịp này thường dùng hình ảnh đầu lâu để nói về cái chết, nỗi sợ hãi để xuyên tạc, làm mất đi giá trị đóng góp của Đại sư Trí Quang trong Pháp nạn Phật giáo 1963, cũng như các di sản của Ngài về phiên dịch kinh sách và hướng dẫn Tăng Ni tu học.

Những người muốn phục hưng tinh thần của Ngô Đình Diệm đã cố tình dựng lên những lý giải sai lầm, các thuyết ngụy biện để làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của Việt Nam lần đầu tiên có “xá-lợi xương đầu”.

Đối với hàng nghìn người Việt Nam vô tội và hàng ngàn người Campuchia bị chủ nghĩa Khmer Đỏ (4) diệt chủng thì các nạn nhân đã để lại xương đầu, xương tay, xương chân, xương sườn là vì tất cả các loại xương này không qua hỏa thiêu, nên còn sót lại nhiều xương âu cũng là chuyện thường. Còn nhục thân của Đại sư khi đã qua trà tỳ 24h mà xương đầu vẫn còn nguyên là một điều vô cùng đắc biệt.

Xá-lợi (P=S. Śarīra) thường được phiên âm bằng những từ khác nhau, từ thông dụng nhất là xá-lợi hay thật-lợi (實利), thiết-lợi-la (設利羅), thất-lợi (室利)… Sarīra cũng có nghĩa là tử thi đối với người vừa mới chết hay di cốt còn sót lại sau lễ hỏa thiêu.

Đối với đức Phật, sau lễ hoả thiêu thì di cốt của Ngài được gọi là “Phật cốt” hay gọi là “Phật Xá-lợi”, được chia làm 8 phần để trao tặng cho 8 vị vua là đệ tử tại gia của đức Phật dựng tháp đá thờ ở tại nước của họ. Vào thời Đức Phật thì Ấn Độ là nước liên bang cộng hoà gồm 16 tiểu bang. Cho đến thời điểm hiện nay (2019), các nhà khảo cổ học mới khai quật được 3/8 tháp thờ xá-lợi thật của Đức Phật. Các xá-lợi Phật không có màu của các loại đá quý như ma-ni, mã não, trân châu, hổ phách, lưu ly như các phái đoàn Phật giáo Tây Tạng, Việt Nam đã trưng bày và triển lãm trong mấy thập niên qua. Thực ra xá-lợi thật không có màu ngọc đá. Xá-lợi thật trải qua giám định AND để xác định gien di truyền của Đức Phật Thích-ca và trải qua thử nghiệm C14 để đo được niên đại tương thích với Đức Phật Thích Ca.

Còn xá lợi được triển lãm bởi cộng đồng Phật giáo thế giới bao gồm Việt Nam và Tây Tạng trong thời gian qua, tạm gọi là “xá-lợi niềm tin”, chứ không phải là xá-lợi thật. Đó là những viên đá có màu sắc mà người ta đã mạo nhận làm xá-lợi của Đức Phật với mục đích vận động tài chính cho các Phật sự. Điều đó không được khích lệ vì nó sai với bản chất sự thật lịch sử. Để làm Phật sự thì chúng ta có nhiều cách để vận động chứ đừng đem những viên đá màu mà mạo nhận là xá-lợi thật của Đức Phật.

Trong Kinh Trường A-hàm, quyển 4, kinh Du hành; Bồ-tát xử thai Kinh (Kinh Trường A-hàm, quyển 3, phẩm Thường, Vô thường); Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Đề-bà-đạt-đa, có đề cập đến 2 loại xá lợi gồm xá-lợi toàn thân và xá-lợi toái thân.

Về toàn thân xá-lợi, sau khi viên tịch, một số Tăng sĩ Phật giáo dù không trải qua bất kỳ nghệ thuật ướp xác nào như trường hợp của các vua Pharaoh ở Ai Cập nhưng thân thể của các Ngài có thể tồn tại từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.

Ở Trung Quốc có xá-lợi toàn thân của Lục tổ Huệ Năng, Đại sư Hám Sơn… Tại Việt Nam, chúng ta có xá-lợi toàn thân của Thiền sư Vũ Khắc Minh, Thiền sư Vũ Khắc Trường, Thiền sư Trương Chuyết và Thiền sư Như Trí. Ít nhất cho đến thời điểm hiện nay cộng đồng người Việt Nam trong nước có được 4 xá-lợi toàn thân của bốn vị Thiền sư.

Tại Thái Lan thì cộng đồng Việt Nam có thêm xá-lợi toàn thân Thiền sư Bảo Soái là người có công phát triển cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại xứ sở chùa vàng, thành lập ra Tông An Nam, mà hiện nay các nhà sư Thái Lan kế thừa. An Nam Tông giữ truyền thống Phật giáo Việt Nam, mặc áo nhật bình của Phật giáo Việt Nam, tụng linh Hán - Việt của Phật giáo Việt Nam, sinh hoạt theo tập tục của Phật giáo Việt Nam. Thiền sư Bảo Soái khi qua đời đã để lại toàn thân xá-lợi, đó là hiện tượng rất quý, rất lạ của cộng đồng Phật giáo Việt Nam trong nước. Về phương diện “xá-lợi toàn thân” thì Phật giáo Việt Nam phá kỷ lục trên thế giới là nước có xá lợi toàn thân nhiều nhất (gồm 5 nhục thân).

Về xá-lợi một phần (toái thân xá-lợi): Xá lợi này là kết quả của tiến trình hỏa thiêu hoặc trong vòng 8 – 24h bằng lò thiêu củi gỗ, hoặc lò thiêu đện tử. Tất cả những phần xương còn lại sau khi lễ hoả thiêu kết thúc thì được gọi là toái thân xá-lợi. Sự kiện Bồ-tát Quảng Đức tự thiêu, phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm với những đạo luật khắc khe, phân biệt đối xử tôn giáo, đàn áp Phật giáo, sau khi hỏa thiêu lần thứ nhất tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là CMT8 và Nguyễn Đình Chiểu) và thiêu lần thứ hai tại lò thiêu với nhiệt độ 4.000 độ C vẫn còn lưu giữ lại “xá-lợi trái tim” là một dấu ấn gây chấn động Phật giáo Việt Nam và toàn thế giới. Hiện nay, “trái tim bất diệt” của Bồ-tát Quảng Đức (trái tim từ bi) đang được tôn trí tại Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, được bảo vệ rất là cẩn mật.

Tại Trung Hoa, Đại sư Cưu-ma-la-thập, người có công phiên dịch Kinh điển Phật giáo Đại thừa từ tiếng Sanskrit qua tiếng Hán để lại “xá-lợi lưỡi”. Đại sư phát nguyện rằng nếu các công trình của tôi phiên dịch kinh điển ra tiếng Trung Hoa trung thực với những gì đức Phật đã dạy thì hãy để lại cái gì đó làm bằng chứng cho những điều này. Cái lưỡi là cơ quan để phát ngôn tạo ra ngôn ngữ, mà tinh hoa của ngôn ngữ là chân lý (nói như sự thật). Như vậy xá-lợi lưỡi của Đại sư Cưu-ma-la-thập tượng trưng cho việc Ngài phiên dịch các kinh điển của Ngài trung thực và chuẩn xác với lời Phật dạy.

Tương tự, Bồ-tát Thích Quảng Đức vì lòng từ bi lớn, trước cảnh tượng Phật giáo bị đàn áp, Tăng Ni bị bắt bớ, Phật tử bị chính quyền Ngô Đình Diệm giết chết, và Phật giáo có thể bị diệt vong khỏi bản đồ văn hoá - tôn giáo - chính trị Việt Nam, nên Ngài đã phát nguyện tự thiêu và để lại “trái tim bất diệt”. Trái tim đó được gọi là “trái tim từ bi”.

Như vậy, xá-lợi sau khi thiêu tuỳ theo hình thù và bộ phận còn lại mà ý nghĩa biểu tượng và giá trị thông điệp tạo nên nhiều niềm tôn kính như trường hợp của xá-lợi lưỡi của Đại sư Cưu-ma-la-thập và xá-lợi tim của Bồ-tát Thích Quảng Đức.

Trong trường hợp của Đại sư Trí Quang thì chúng ta thấy là “xá lợi đầu”, mà đầu là nơi mà bộ não hoạt động. Khi ta nói người nào đó có “cái đầu thông minh”, “cái đầu trí tuệ”, “cái đầu sáng suốt” thì đều lấy cái đầu làm biểu tượng để đề cập đến. Do đó, không phải tình cờ do thiếu lửa hay lửa thiêu không đủ nóng mà xương đầu của Đại sư Trí Quang còn lại, trong khi toàn bộ các xương cứng khác trở thành vỡ vụn và xỉn màu.

Đại sư Trí Quang là linh hồn, là chìa khoá, là nhân vật quan trọng nhất của phong trào Phật giáo năm 1963, với phương thức đấu tranh bất bạo động, làm thức tỉnh chính thể Thiên Chúa giáo của Tổng thống Ngô Đình Diệm, Tổng giám mục Ngô Đình Thục về việc đàn áp Phật giáo, vi phạm luật pháp lúc bấy giờ, dẫn đến nỗi khổ niềm đau của cộng đồng Phật giáo ở miền Nam Việt Nam. Đại sư Trí Quang là chỉ huy chính để lại “xá-lợi đầu” và Bồ-tát Thích Quảng Đức là diễn viên xuất sắc nhất để lại “xá-lợi trái tim”. Bồ-tát Quảng Đức để lại trái tim từ bi bất diệt thì Bồ tát Trí Quang để lại xá lợi đầu, tượng trưng cho trí tuệ.

Trí tuệ và từ bi được xem là hai giá trị cốt lõi, quan trọng nhất đối với sự tu tập và hành trì của người Phật tử. Trí tuệ là tinh hoa, trí tuệ là mẹ sinh ra các Đức Phật, tức là sự giác ngộ toàn mãn. Trí tuệ được miêu tả trong kinh điển Pali là “ngọn đuốc soi sáng thế giới” và trong kinh điển Đại thừa, trí tuệ được xem là sự nghiệp quan trọng nhất của mỗi con người (duy tuệ thị nghiệp). Hễ ai có trí tuệ thì người đó thành tựu được sự nghiệp với sự lập nghiệp bền vững và thành công.

Đối với người tu học Phật, có được trí tuệ thì chặt đứt tất cả mọi phiền não, khổ đau, giải phóng tâm khỏi các trói buộc từ tham ái, sân hận, hoài nghi, hôn trầm, thuỵ miên, trạo cử, để đạt được sự giải thoát đích thực. Trí tuệ và giải thoát là mục tiêu hướng đến của tất cả những người tu học Phật.

Về màu sắc, xá-lợi thật có màu xương chứ không có màu của các loại ngọc đá. Đối với xá lợi xương thì có màu trắng hoặc màu xám xương, còn đối với tóc thì xá lợi tóc có màu đen. Đức Phật Thích-ca đã tặng cho hai thương gia vào tuần lễ thứ 7 sau khi Ngài giác ngộ dưới cội Bồ-đề những sợi tóc của Ngài để kỷ niệm, sau khi ngày tiếp nhận bánh sữa từ họ. Tại đây đánh dấu việc Đức Phật thành lập “Nhị Bảo”, bao gồm Phật Bảo và Pháp Bảo (những học thuyết quan trọng được Ngài thành lập trong 7 tuần lễ đầu sau khi giác ngộ dưới cội Bồ-đề).

Xá-lợi tóc của đức Phật hiện nay đang được tôn thờ tại bảo tháp cao 100m ở thủ đô Yangon của nước Miến Điện, được xem là bảo vật thiêng liêng nhất của cộng đồng Phật giáo Miến Điện. Không phải ai cũng có cơ hội nhìn thấy được “xá-lợi tóc” đó.

Theo Kinh Kim Quang minhdo Đại sư Trí Quang chú giải (quyển 4, phẩm Xả thân) có đoạn: “Xá-lợi là kết quả của quá trình huân tu Giới, Định, Tuệ rất khó đạt được, cho nên nó là ruộng phước tối thượng trên đời”. Đoạn kinh này cho chúng ta thấy rằng các xá lợi biểu tượng như là xá-lợi lưỡi của Đại sư Cưu-ma-la-thập, xá-lợi trái tim của Bồ-tát Thích Quảng Đức, xá-lợi đầu tượng trưng cho trí tuệ của Đại sư Trí Quang…

Xá-lợi là kết quả của việc tu tập thanh tịnh về giới đức, hoàn thiện về thiền định và cao siêu về trí tuệ đạt được. Cho nên Tăng Ni và Phật tử phải tôn thờ các xá-lợi hình thù lục phủ ngũ tạng đó, mang tính cách biểu tượng đó như là ruộng phước để chúng ta chiêm bái, đảnh lễ, cúng dường, có giá trị như là việc chúng ta tạo phúc cho đời vậy.

Luận Đại Trí Độ, quyển 59 có đoạn như sau: “Xá-lợi là kết quả tu tập sáu pháp ba-la-mật”. Sáu pháp Ba-la-mật bao gồm bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ. Khi hoàn thiện được 6 toàn thiện mà các vị Bồ-tát thực tập thì sau khi viên tịch, làm lễ hoả thiêu, các bậc cao Tăng thường để lại xá-lợi, tạo niềm tin cho quần chúng nương vào tu tập, để phát huy nhiều hơn nữa sự hành trì Phật pháp, truyền bá chân lý Phật, mang lại lợi ích cho mình và cho nhân sinh.

Luận Đại Trí Độ tiếp tục dạy: “Cúng dường xá-lợi Phật, được phước báu vô lượng”. Tương tự các bậc đại sư hay cao Tăng thì xá-lợi của các Ngài trở thành niềm tin bất động về việc hành trì chân lý Phật đối với cộng đồng Tăng Ni và Phật tử trên toàn cầu.

Việc chúng ta tôn kính xá-lợi trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức, xá-lợi lưỡi của Đại sư Cưu-ma-la-thập, xá-lợi thượng thủ của Đại sư Trí Quang  tượng trưng cho trí tuệ, xá lợi toàn thân của Thiền sư Vũ Khắc Minh, Thiền sư Vũ Khắc Trường, Thiền sư Trương Chuyết và Thiền sư Như Trí, Thiền sư Bảo Soái của Việt Nam, Đại sư Huệ Năng, Đại sư Hám Sơn của Trung Hoa thì đạt được phước báu thật khó tính đếm.

Như vậy, đối với cộng đồng Phật giáo Việt Nam, ngoài 5 xá-lợi toàn thân, chúng ta có 2 xá-lợi biểu tượng rất đặc thù trong vòng 56 năm qua. Năm 1963, khắp thế giới này sửng sốt trước xá-lợi trái tim của Bồ-tát Thích Quảng Đức còn nguyên sau lễ tự thiêu lần thứ nhất tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt vào ngày 11 tháng 6 năm 1963, lần thứ hai tại lò hoả thiêu lên đến 4000 độ C suốt mấy tiếng đồng hồ mà trái tim vẫn còn nguyên, tượng trưng cho tinh thần từ bi, xoá bỏ hận thù, mong cho chính quyền Ngô Đình Diệm không nên phân biệt đối xử thiên vị Thiên chúa giáo để chà đạp lên nền Phật giáo, để mang lại niềm tin yêu đời sống hài hoà giữa những người theo các Tôn giáo khác nhau theo luật định.

Ngày 12 tháng 11 năm 2019, cộng đồng Phật giáo Việt Nam trong nước và trên thế giới vui mừng vì Việt Nam có xá-lợi đầu duy nhất và đầu tiên trên toàn cầu, tượng trưng cho trí tuệ. Phật giáo Việt Nam trong phong trào đấu tranh năm 1963 với sự lãnh đạo tài tình của Đại sư Trí Quang có 2 biểu tượng xá-lợi rất là đặc biệt: xá lợi trái tim tượng trưng cho sự từ bi của Bồ-tát Quảng Đức và xá-lợi đầu tượng trưng cho trí tuệ của Đại sư Trí Quang.

Trí tuệ là giải pháp cho tất cả mọi vấn nạn, từ chính trị, kinh tế, văn hoá, tôn giáo, xã hôi… ở phạm vi toàn cầu, phạm vi châu lục, phạm vi khu vực, phạm vi quốc gia, phạm vi cộng đồng, phạm vi gia đình hay là phạm vi cá nhân. Áp dụng trí tuệ như giải pháp chúng ta sẽ khép lại toàn bộ nổi khổ và niềm đau.

 

CHÚ THÍCH

(1) Trích từ pháp thoại của Thích Nhật Từ, “Di sản Đại sư Trí Quang để lại cho Việt Nam” giảng tại Chùa Giác Ngộ, ngày 15-11-2019. Video pháp thoại trên Youtube của Đạo Phật Ngày Nay: https://youtu.be/wKMqN5xRbUI hoặc Video trên Facebook Thích Nhật Từ: https://www.facebook.com/ThichNhatTu/videos/2668365213228951?vh=e&d=n&sfns=mo

(2) Xem phóng sự của báo Thanh Niên: https://thanhnien.vn/thoi-su/hoa-thieu-nhuc-the-dai-lao-hoa-thuong-thich-tri-quang-1147348.html hoặc Báo Giác Ngộ, https://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2019/11/20/17C6D1/

(3) Trên mạng facebook, người ta còn cho rằng hai chùa sau đây cũng được thờ xá-lợi của đại sư Trí Quang gồm (i) Chùa Phật Ân, xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (nơi mà đệ tử của Ngài là HT. Thích Minh Tâm làm Trụ trì) và (ii) Chùa Linh Thái, đường Xuân Thới 6, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP. HCM (nơi đệ tử của Ngài là HT. Thích Trung Hậu làm Trụ trì). Sau khi kiểm chứng, thông tin này được xem là không chính xác.

(4) Khmer Đỏ diệt chủng Campuchia do Pol Pot lãnh đạo khoảng giữa năm 1975 đến 1979.

 

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập