Đại Sư Trí Quang Cứu Nguy Phật Giáo Việt Nam Khỏi Pháp Nạn Năm 1963

Đã đọc: 1988           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đứng trước vấn nạn đau lòng đó, lãnh đạo Tổng hội Phật giáo Việt Nam ở Miền Trung đã có một phiên họp khẩn tại Chùa Từ Đàm từ 21 giờ ngày 6 tháng 5 cho đến 02 giờ sáng ngày 7 tháng 5 năm 1963 để tìm ra giải pháp. Đại sư Thích Trí Quang đã thay mặt Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo lúc bấy giờ soạn 3 văn bản phản đối Công điện 5159 của Phủ Tổng thống, gửi Chính quyền Ngô Đình Diệm, đồng thời gửi cho Hội Phật giáo Thế giới và Tổng hội Phật giáo Việt Nam ở Sài Gòn nhằm kêu gọi chính quyền ngừng đàn áp Phật giáo cũng như ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo là vi phạm luật pháp.

1. Cấm treo cờ Phật giáo và đàn áp Phật giáo trong lễ Phật đản

Nhân dịp này, tôi xin trình bày thêm để các Tăng Ni trong đó có tôi và các Phật tử sau năm 1975 hiểu rõ hơn bản chất của Pháp nạn 1963. Những người phục hưng tinh thần Ngô Đình Diệm và cực đoan Thiên chúa giáo họ đã cố tình ngụy biện, dựng chuyện, thêm thắt nhằm lạc dẫn về pháp nạn này.

Pháp nạn năm 1963 liên hệ đến Đại lễ Phật Đản ngày 8/5/1963 và Công điện số 5159 của Tổng thống Ngô Đình Diệm phát ra từ Phủ Tổng thống. Ngày 6 tháng 5 năm 1963 (trước Lễ Phật đản 2 ngày), Phủ Tổng thống gửi Công điện số 5159 cấm treo cờ Phật giáo ở những nơi công cộng, thậm chí cấm treo cờ ở các Tự viện và các cơ sở Tôn giáo.

Cùng thời điểm này, Tổng giám mục Ngô Đình Thục tổ chức đại lễ mừng Ngân khánh (tức kỷ niệm 25 năm tấn phong) nên ông ra lệnh các nơi treo cờ tòa thánh Vatican khắp Sài gòn và Huế. Tiếc thay, số lượng những người Ki-tô hữu đi theo Thiên chúa giáo lúc bấy giờ quá ít, đang khi khắp nơi tại Huế thì cờ Phật giáo lại phất phới tung bay khắp các ngã đường, tại các khu công cộng, các Tự viện ở thành phố Huế.

Điều đó đã vô tình đã tạo ra một bức tranh tương phản cho thấy Thiên chúa giáo chỉ là một Tôn giáo thiểu số trong khi Tổng giám mục Ngô Đình Thục muốn chứng minh với Vatican rằng tại Việt Nam Thiên chúa giáo là đa số, tối thiểu đủ túc số để ông ấy có cơ hội được Giáo hoàng phong làm Hồng y. Sự tương phản thực tế đó đã tạo ra cơn thịnh nộ, ganh tức ở trong lòng Tổng giám mục Ngô Đình Thục cũng như chính quyền Thiên chúa giáo Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ.

Tỉnh trưởng Thừa Thiên Huế lúc đó là Ông Nguyễn Văn Đăng đã xin ý kiến của Cố vấn Ngô Đình Cẩn nhưng ông này rất bảo thủ, ra lệnh cấm đoán, tước quyền tự do tôn giáo của cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Huế, tức không cho phép họ treo cờ Phật giáo tại tư gia. Trong khi năm 1962 trở về trước, việc cấm đoán này chưa từng xảy ra.

Cái mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ ông Ngô Đình Thục với tư cách là Tổng giám mục trong lúc tổ chức 25 năm tấn phong trong lễ ngân khánh để chứng tỏ với Vatican, theo đó ông ấy có thể được xem xét làm Hồng y thì cờ Phật giáo phất phới tung bay trên mọi ngã đường tại Huế. Chứng kiến điều đó làm cho Tổng giám mục Ngô Đình Thục rất đau lòng và ông ấy muốn dẹp cờ Phật giáo đi, sau đó đàn áp và triệt hạ Phật giáo.

Đứng trước vấn nạn đau lòng đó, lãnh đạo Tổng hội Phật giáo Việt Nam ở Miền Trung đã có một phiên họp khẩn tại Chùa Từ Đàm từ 21 giờ ngày 6 tháng 5 cho đến 02 giờ sáng ngày 7 tháng 5 năm 1963 để tìm ra giải pháp. Đại sư Thích Trí Quang đã thay mặt Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo lúc bấy giờ soạn 3 văn bản phản đối Công điện 5159 của Phủ Tổng thống, gửi Chính quyền Ngô Đình Diệm, đồng thời gửi cho Hội Phật giáo Thế giới và Tổng hội Phật giáo Việt Nam ở Sài Gòn nhằm kêu gọi chính quyền ngừng đàn áp Phật giáo cũng như ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo là vi phạm luật pháp.

Trưa ngày 7/5, tại Huế, cảnh sát đệ nhất Việt Nam Cộng hoà đến từng nhà Phật tử buộc dân chúng phải hạ cờ Phật giáo, vứt xuống đất, xé cờ ra và hâm dọa cộng đồng Phật tử nếu treo cờ sẽ bị gặp nguy. Rất may là cộng đồng Phật tử đã không sợ hãi trước những lời đe doạ này và đã tạo ra sự bất bình lớn. Sự vi phạm luật pháp của chính quyền đã làm cho Lãnh đạo Phật giáo Miền Trung và tỉnh Thừa Thiên (cụ thể là Trưởng lão Tịnh Khiết cũng như Đại sư Thích Trí Quang lúc bấy giờ là Thượng toạ cùng với 500 Phật tử đã đến Tòa Hành chính Tỉnh để phản đối hành động của chính quyền về việc ra lệnh triệt hạ cờ Phật giáo vốn sai luật pháp, thiên vị Thiên chúa giáo.

Sáng ngày 8 tháng 5 năm 1963 (nhằm ngày Phật đản), lúc 06 giờ 30, Phật giáo đã biểu tình và rước kiệu Phật từ Chùa Diệu Đế đến Chùa Từ Đàm rất trang nghiêm, hàng ngàn người tham dự. Diễn văn của Đại sư Trí Quang trong đại lễ Phật đản 1963 đã lên án chế độ Việt Nam cộng hòa phân biệt đối xử đối với tôn giáo, thể hiện sự kỳ thị Phật giáo trong 9 năm (1954-1963), cấm treo cờ Phật giáo trong ngày Phật Đản trong khi cho treo công khai cờ Vatican. Chúng ta thấy sự thiên vị rõ rang, chính quyền cấm treo cờ Phật giáo ở nhà tư nhân nhưng lại khích lệ và cho phép tín hữu Thiên chúa giáo treo cờ Vatican tại nhà, như vậy chính quyền Ngô Đình Diệm thiên vị Thiên chúa giáo nói một đàng làm một nẻo.

Lúc đầu chính quyền nói không cho treo cờ Phật giáo ở nơi công cộng nhưng họ lại cho treo cờ Vatican ở nơi công cộng thì bình thường. Phật tử treo cờ Phật giáo ở nhà của họ thì bị phạm pháp, bị hăm doạ, bị xé cờ và gặp trở ngại. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ Ngô Đình Diệm muốn Thiên chúa giáo trở thành độc tôn nhân ngày lễ kỷ niệm ngân khánh 25 năm của anh trai mình là Tổng giám mục Ngô Đình Thục.

Về sách lược, cuộc đấu tranh Phật giáo năm 1963 đối với chính quyền Ngô Đình Diệm được Đại sư Trí Quang lãnh đạo và công bố gồm Tuyên Ngôn 5 điều sau đây:

1.Phật Giáo tự giới hạn, chỉ phản đối chính sách ngược đãi Phật Giáo của chính phủ. Phật Giáo không bước qua những địa hạt khác, nhất là địa hạt quyền chức chính quyền.

2. Phật Giáo tuyệt đối sử dụng phương pháp “bất bạo động”.

3. Phật Giáo không mưu độc tôn, không cầu độc tôn, nên không thấy ai, kể cả Thiên Chúa Giáo là đối nghịch.

4. Phật Giáo không mưu hại ai, không thiên ai để hại ai. Nếu thất bại, Phật Giáo coi là sự thất bại của chân lý trước bạo lực, không phải thất bại như bạo lực kém bạo lực.

5. Sau hết, nhưng quan trọng nhất, là Phật Giáo thỉnh cầu các bậc lãnh đạo thực thể đối trận, đừng khai thác gì về cuộc vận động của Phật giáo. Vì làm như vậy thì đối phương quí vị lấy cớ để hại Phật giáo mà thôi.

Đó là 5 điều tuyên ngôn do Đại sư Trí Quang biên soạn và ký. Trong 5 điều này, chúng ta thấy Đại sư Trí Quang đã thấy rõ cái nguỵ biện mà những người theo chủ nghĩa tài phiệt Ngô Đình Diệm có thể sử dụng để chống lại phong trào đấu tranh bất bạo động năm 1963, cho nên Ngài đã nói rõ: hoàn toàn không tham gia chính trị, không lấn lướt vào quyền chức chính trị để lật đổ chính quyền để thay thế chính quyền lúc bấy giờ, cũng không chống Thiên chúa giáo, không chống, không hại bất cứ một ai theo Thiên chúa giáo, mà là chống lại các hình thức bất công của chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp và triệt hạ cờ Phật giáo.

Đại sư Trí Quang cũng kêu gọi các bậc lãnh đạo Phật giáo đừng để kẻ xấu lợi dụng vào đối trận để khai thác cuộc đấu tranh bất bạo động Phật giáo nhằm minh hoạ cho việc thay thế thể chế chính trị, từ thể chế chính trị Việt Nam Cộng hoà 1 thành Việt Nam Cộng hoà 2, 3... Nếu để sơ xuất một phần nhỏ nào đó thôi thì chính quyền Ngô Đình Diệm và những người ngụy biện theo chính sách thiên vị Thiên chúa giáo sẽ nguỵ biện cho rằng phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo là phong trào chính trị lật đổ chính quyền. Đại sư Trí Quang đã có tầm nhìn trí tuệ rất rõ ngay từ ban đầu nên đã đưa ra Tuyên ngôn 5 điều, tránh tình trạng bị ngộ nhận, bị nguỵ biện, bị quy kết tội, đổ lỗi về sau.

Ấy thế mà trong 56 năm qua, những người đi theo chủ nghĩa tài phiệt Ngô Đình Diệm ở nước ngoài, gồm đại tá Liên Thành, nhà báo Mặc Lâm, cựu biên tập viên của Đài Châu Á tự do, ông Trương Nhân Tuấn, một nhân sĩ trí thức theo Thiên chúa giáo trả lời phỏng vấn của Đài BBC tối hôm 14 tháng 11 năm 2019 vẫn sử dụng thuyết nguỵ biện rẻ tiền đó nhằm tấn công và thóa mạ Đại sư Trí Quang. Những người Phật giáo chúng tôi không xa lạ gì về thuyết nguỵ biện của những người theo tinh thần phục hưng Ngô Đình Diệm cực đoan nêu trên.

Tóm lại, bản chất của phong trào đấu tranh bất bạo động năm 1963 do Đại sư Trí Quang lãnh đạo là bất bạo động, không chống Thiên chúa giáo, không lật đổ chính quyền. Cụ thể hơn như dưới đây.

Về phương pháp, phong trào Phật giáo 1963 là cuộc đấu tranh bất bạo động giống như cách của thánh Gandhi Ấn Độ.

Về đối tượng, phong trào Phật giáo 1963 nhằm phản đối chính sách bất công về Tôn giáo của chính quyền Thiên chúa giáo Ngô Đình Diệm, không chống chính phủ, không chống đạo Thiên Chúa.”

Về mục tiêu, phong trào Phật giáo 1963 mong đạt được sự tự do tín ngưỡng cho Phật giáo một cách bình đẳng so với Thiên chúa giáo, một tôn giáo rất thiểu số lúc bấy giờ. Bình đẳng tôn giáo cho Phật giáo theo tinh thần mọi Tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật là mục tiêu hướng đến của phong trào.

Mặc dù Ngô Đình Diệm là người Thiên chúa giáo với vai trò Tổng thống, cố vấn của ông là Tổng giám mục Ngô Đình Thục và những anh em của ông đều là các con chiên Thiên chúa giáo cực đoan, hòng biến Thiên chúa giáo thành Quốc đạo. Phong trào năm 1963 không hề chống Thiên chúa giáo vì Thiên chúa giáo không có tội lỗi gì trong vấn đề này. Tội ác 1963 là do ông Ngô Đình Diệm và chính quyền của ông tạo ra pháp nạn đối với Phật giáo. Tội ác của gia đình Ông Diệm đã dẫn đến hậu quả ông Ngô Đình Diệm đã bị chính tướng lãnh của ông ám sát chết.

 

2. Ngọn lửa từ bi của Bồ-tát Thích Quảng Đức (1)

Đánh giá về vấn đề này, tôi xin trích dẫn Giáo sư Trần Văn Giàu, một nhà tri thức lớn, đứng độc lập khỏi phong trào năm 1963, không đứng từ phía Mỹ hay phía Việt Nam Cộng hoà mà đứng từ gốc độ một nhà nghiên cứu, nhận xét như sau:

“Kết tinh trong một vị chân tu những nỗi căm hờn đối với một chế độ độc tài cá nhân gia đình trị, vô nhân đạo và bạo ngược, hành động dũng cảm của Hoà thượng Thích Quảng Đức là một bản án không gì bôi được với chế độ bù nhìn của Mỹ ở Sài Gòn, đồng thời là một lời kêu gọi đồng bào Phật tử đấu tranh chống phát-xít, dù chết không chịu lùi bước. Thật không phải thường có những cái chết kích động nhân tâm sâu sắc và rộng rãi như cái chết của Hoà thượng Thích Quảng Đức”.(2)

Nhận xét của Giáo sư Trần Văn Giàu về ngọn đuốc từ bi tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức để lại trái tim bất diệt nói riêng và phong trào đấu tranh bất bạo động Phật giáo năm 1963 nói chung rất chuẩn. Chỉ có một vài khái niệm về thái độ thì tôi cho rằng Giáo sư Trần Văn Giàu miêu tả chưa chính xác, còn bản chất nhận xét về phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo rất là chuẩn.

Thứ nhất, cho rằng Bồ-tát Thích Quảng Đức phát xuất từ “nỗi căm hờn” đối với chế độ độc tài Ngô Đình Diệm là không đúng. Với lòng từ bi lớn, Bồ-tát Thích Quảng Đức chưa bao giờ căm phẫn ông Ngô Đình Diệm, Tổng giám mục Ngô Đình Thục, gia đình và chính thể Thiên chúa giáo Ngô Đình Diệm. Trong lời phát nguyện tự thiêu, Bồ-tát Thích Quảng Đức nói rất rõ về lòng từ bi và muốn kêu gọi chính quyền Ngô Đình Diệm tôn trọng công bằng và bình đẳng tôn giáo thôi.

Thứ hai, cho rằng cái chết của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã “kích động” nhân tâm sâu sắc. GS. Trần Văn Giàu dùng từ “kích động” là quá mạnh, chưa phù hợp, tạo ra cái tiền đề làm xúc động nhân tâm, dẫn đến phong trào đấu tranh của Tăng Ni và Phật tử bất chấp luôn cả cái chết để mang lại công bằng Tôn giáo cho Đạo Phật và miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.

Đó là hai điều tôi cho rằng GS. Trần Văn Giàu phản ánh chưa đúng tâm trạng từ bi, cao thượng của Bồ-tát Thích Quảng Đức lúc bấy giờ. Đó là điều hơi đáng tiếc. Toàn bộ nội dung đánh giá còn lại của GS. Giàu đã phản ánh rất đúng với bản chất của phong trào đấu tranh bất bạo động năm 1963.

Nhân đây, tôi trích nguyên phát nguyện văn tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức để độc giả có thể hiểu toàn diện về bản chất và ý nghĩa của việc tự thiêu. Bài “Lời nguyện tâm quyết” (3) được Bồ-tát Quảng Đức viết vào ngày 4 tháng 6 năm 1963 tại Chùa Ấn Quang với nguyên văn như sau:

Tôi là Tỳ kheo Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quan Thế Âm Phú Nhuận Gia Định. Nhận thấy Phật giáo nước nhà đang lúc nghiêng ngửa. Tôi là một tu sĩ mệnh danh là trưởng tử của Như Lai, không lẽ cứ ngồi điềm nhiên toạ thị để cho Phật giáo tiêu vong, nên tôi vui vẻ phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dưỡng chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo. Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại Đức, Tăng ni chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện như sau:

Một là mong ơn Phật Trời gia hộ cho tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên cáo.

Hai là nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.

Ba là mong nhờ hồng ân Đức Phật gia hộ cho chư Đại đức, Tăng ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố, bắt bớ, giam cầm của kẻ ác.

Bốn là cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.

Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, đều thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để nước nhà xưng yến muôn thuở. Tôi thiết tha kêu gọi chư Đại đức, Tăng ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo.

Nam-mô A-di-đà Phật.

Nam-mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Làm tại chùa Ấn Quang ngày 4/6/1963.

Tỳ-kheo Thích Quảng Đức thủ ký”.

Qua lời phát nguyện nêu trên, chúng ta thấy rất rõ không hề có tâm căm hờn, sự phẫn nộ mà chỉ có tâm từ bi đối với gia đình và chính thể Ngô Đình Diệm - Tổng giám mục Ngô Đình Thục vốn là các tác nhân ra lệnh đàn áp Phật giáo. Thế mà Bồ-tát Thích Quảng Đức vẫn dùng những từ rất lịch sự và từ bi, “mong Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận 5 nguyện vọng của Phật giáo”, mong cho Phật giáo thoát khỏi tai ương bắt bớ, giam cầm của kẻ ác, nguyện cầu cho đất nước Việt Nam thanh bình Quốc dân an lạc. Hoàn toàn không có lời căm phẫn nào hết.

Bồ-tát Thích Quảng Đức đã vượt lên trên những giới hạn bạn và thù, như trong nhận xét của Giáo sư Trần Văn Giàu. Với tấm lòng từ bi vĩ đại của Bồ-tát Thích Quảng Đức, Phật giáo năm 1963 đã thành công trong việc tái thiết lập lại công bằng tôn giáo, công bằng xã hội cho cộng đồng Phật tử ở miền Nam lúc bấy giờ.

 

3. Biến cố 8 trẻ em bị chính quyền Diệm giết chết tại Đài phát thanh Huế

Đề cập đến phong trào năm 1963, có một điểm mà chúng ta không thể quên: Biến cố 8 Phật tử bị chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh giết chết tại Đài phát thanh Huế. Trong suốt 56 năm qua, những người theo tinh thần phục hưng chủ nghĩa tài phiệt Ngô Đình Diệm và một tướng tá Việt Nam cộng hòa ở hải ngoại, cụ thể đứng đầu là thiếu tá Liên Thành đã cố tình xuyên tạc bản chất của phong trào đấu tranh bất bạo động 1963 và biến cố 8 trẻ em bị giết chết tại Đài phát thanh Huế này.

Theo Giáo sư Trần Hữu Thế, cựu bộ trưởng Giáo dục thì chính Ngô Đình Thục đã ra lệnh cho Thiếu tá Đặng Sỹ phải "dẹp" đám đông Phật tử tại đài Phát thanh Huế tối 8/5/1963. Ông viết như sau: “Chính tối hôm Phật đản cũng đã có một bữa tiệc tại nhà Ngô Đình Cẩn với sự hiện diện của Tổng giám mục Ngô Đình Thục, một số bộ trưởng và nhiều nhân vật cao cấp trong chính phủ. Đang giữa bữa ăn thì Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng và Phó Tỉnh trưởng Đặng Sĩ hốt hoảng xin vào trình bày tình hình rất căng thẳng vì mấy ngàn Phật tử đang tụ họp trước Đài Phát thanh. Vì phụ trách các vấn đề an ninh, Thiếu tá Đặng Sĩ xin chỉ thị để đối phó… Sau báo cáo của Đặng Sĩ, Tổng giám mục Ngô Đình Thục đang ăn bỗng ngưng lại, giơ tay ra hiệu cho Thiếu tá Đặng Sĩ: "Dẹp…!” (4)

Ở đây, chúng ta thấy có sự nhúng tay của Tổng giám mục Ngô Đình Thục trong việc ra lệnh “dẹp” tức tiêu diệt, đàn áp Phật giáo. Sự nhúng tay của Tổng giám mục Ngô Đình Thục cũng dễ hiểu thôi. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thụ phong, Tổng giám mục Ngô Đình Thục nỗ lực chứng minh Vatican biết Việt Nam có đa số dân chúng theo Thiên chúa giáo để ông có cơ hội được giáo hoàng tấn phong làm Hồng y trong tương lai. Trên đường về Quảng Trị tham dự lễ hội đức Mẹ tại La Vang, ông nhìn thấy cờ Phật giáo treo khắp nơi, Thiên chúa giáo chỉ thiểu số. Sự cay cú, bực tức, ganh tị, tủi hỗ đó cộng với sự thiếu sáng suốt đã làm cho Tổng giám mục Ngô Đình Thục đổ dầu vào lửa, khi ra lệnh cho Đặng Sỹ “dẹp”, mà lẽ ra cái quyền treo cờ Phật giáo thuộc về mọi công dân và việc không cho thuộc về chính quyền chứ không phải quyền của một ông Tổng giám mục (lãnh đạo của Thiên chúa giáo).

Điều đó cho thấy Giáo hội Thiên chúa giáo của Ngô Đình Thục một cách gián tiếp, mà ở đây, cụ thể là Tổng giám mục Ngô Đình Thục đã trực tiếp can thiệp vào thể chế chính trị do em mình là Ngô Đình Diệm đứng ở vị trí nguyên thủ Quốc gia. Việc Tổng giám mục Ngô Đình Thục ra lệnh cho Đặng Sỹ “dẹp” và “giết” chết 8 trẻ em Phật tử tại đài phát thanh Huế đã dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng, tạo ra đại nạn cho miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.

Bác sĩ người Đức Erich Wulff chứng kiến sự việc xảy ra đau lòng tại đài phát thanh Huế và sau đó đến nhà xác quan sát các thi thể, khẳng định rằng: “Có 5 trong 8 nạn nhân bị xe bọc thép chính quyền Ngô Đình Diệm bắn mất đầu.” (5) Ông Erich Wulff là một Bác sĩ người Đức, hoàn toàn độc lập với Phật giáo, không phải là Phật tử, đã nói lên những gì mà ông nhìn thấy rất chính xác.

Ấy thế mà trong 56 năm qua, những người theo tinh thần Ngô Đình Diệm vẫn nguỵ biện và gán tội cho chính quyền Việt Nam đương nhiệm khi cho rằng 8 người bị chết ở Đài phát thanh trong đó có 7 thiếu nhi Phật tử là do Cộng sản làm ra; không phải do chính quyền Ngô Đình Diệm làm. Chính thể Ngô Đình Diệm đang nắm chính quyền. Lính của Đặng Sỹ mù quáng nghe lệnh của Tổng giám mục Ngô Đình Thục bắn chết 8 trẻ em. Lúc đó, Việt cộng làm gì có mặt tại đài phát thanh Huế mà nguỵ biện, tráo trở lịch sử để vu cáo cho Cộng sản tạo ra các cái chết oan trái.

Không dừng ở sự vu cáo Việt cộng một cách trắn trợn, những người phục hưng chủ nghĩa tài phiệt Ngô Đình Diệm còn ngụy biện rằng đạo Phật làm nổi loạn vụ việc đó cho nên chính quyền mới dẹp loạn. Chiêu tuyên truyền “lộng giả thành chân” này có mục tiêu đổ lỗi cho Phật giáo bằng mọi giá, nhằm chạy tội, tức là thủ đoạn biến đạo Phật vốn là nạn nhân lại trở thành chủ thể tạo ra pháp nạn lịch sử năm 1963, tức tội đồ. Việc thiếu tá Liên Thành và những nhà tri thức Thiên chúa giáo trong cộng đồng người Việt Nam ở phương Tây đã làm và đổ lỗi cho Phật giáo và chính quyền Việt Nam hiện tại là không thể chấp nhận được.

Cùng thời điểm đó tại Sài Gòn, ngày 9/5/1963, Giám đốc Cảnh sát là ông Nguyễn Văn Thành và Giám đốc Cảnh sát Đặc biệt là ông Dương Văn Hiếu đã đến Chùa Ấn Quang, gặp Lãnh đạo Phật giáo Nam Bộ để nhờ trấn an dư luận. Chỉ là trấn an thôi khi chính sách đàn áp không dừng thì làm sao dứt được sự khủng hoảng chính trị, xã hội và tôn giáo ở miền Nam.

Lúc đó, Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ và Bộ trưởng Công dân vụ Ngô Trọng Hiếu đã gặp Thượng tọa Thích Tâm Châu xin hoãn lễ Cầu siêu nạn nhân ở Đài Phát thanh Huế mà vốn dự định tổ chức vào ngày 12/5/1963. Vì sợ rằng Lễ cầu siêu đó sẽ làm dấy khởi lên phong trào đấu tranh bất bạo động chống chính quyền Ngô Đình Diệm nên chính quyền Ngô Đình Diệm tìm cách hoãn binh bằng nhiều phương thức mưu mẹo, trong khi chính sách đàn áp không chịu dừng thì làm sao cuộc đấu tranh bất bạo động kết thúc được. Phật giáo đâu phải là đối tượng gây sự với chính quyền của Ngô Đình Diệm. Thực chất là chính quyền Ngô Đình Diệm bất tuân luật pháp, gây sự, đàn áp tăng ni, giết chết Phật tử và biến Phật giáo thành nạn nhân với chính sách cai trị đầy bất bình đẳng.

Sáng ngày 9 tháng 5 năm 1963, rất nhiều Phật tử ở Huế đã biểu tình, tố cáo chính quyền tàn sát tín đồ Phật giáo. Đại sư Trí Quang và Tỉnh trưởng Thừa Thiên đã nỗ lực dùng xe phóng thanh để kêu gọi Phật tử giải tán, để làm bớt đi sự căng thẳng đang diễn ra lúc bấy giờ. Điều đó cho thấy là Đại sư Trí Quang là người rất có lòng với dân tộc và vì đại cuộc lúc đó. Làm thế nào để hạ nhiệt, để cho sự đàn áp của Thiên chúa giáo Ngô Đình Diệm sớm kết thúc và các Phật tử cũng không cần thiết phải tiếp tục biểu tình. Nhưng sự việc đã nằm ngoài tầm tay vì chính sách đàn áp Phật tử của chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn không dứt. Cho nên sự biểu tình bất bạo động của cộng đồng Phật tử một cách tự nguyện đã lan nhanh ở khắp Cố đô Huế và lan rộng đến Sài Gòn.

 

4. Lại dụ số 10 thiên vị Thiên chúa giáo

Nếu gắn kết sự kiện chính quyền Ngô Đình Diệm thiên vị Thiên chúa giáo, đàn áp Phật giáo như là hệ quả tất yếu từ Lại dụ số 10 (chú thích 6) thì chúng ta sẽ thấy rõ được suốt 9 năm (1954-1963) cai trị của ông Ngô Đình Diệm, ngoài vấn đề ủng hộ Thiên chúa giáo công khai một cách sai luật pháp thì Lại dụ số 10 có nhiều quy định bất công cho Phật giáo và các tôn giáo khác lúc bấy giờ.

Do đi theo chính quyền bảo hộ Pháp, Quốc gia Việt Nam lúc đó đã có chính sách thiên vị Công giáo, sau này được Việt Nam Cộng hoà của Ngô Đình Diệm kế thừa có chủ ý, dĩ nhiên có sự tác động lớn của Tổng giám mục Ngô Đình Thục. Cấm treo cờ Phật Đản năm 1963 chỉ là sự bùng nổ của các mâu thuẫn đè nặng sự bất công vì chính quyền thiên vị Thiên chúa giáo và chống đạo Phật. Chính sách thiên vị Thiên chúa giáo một cách bất công với Phật giáo đã làm tích tụ trong lòng người dân trong xã hội suốt 9 năm trời (1954-1963). Sự đè nén đó có mức chịu đựng nhất định khi mà quá mức, nó bùng nổ thành một phong trào nhân dân tự nguyện, chứ không nhằm lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm.

Trong Lại dụ 10 có điều khoản 44 quy định như sau: “Chế độ đặc biệt dành cho các Hội Truyền giáo Thiên Chúa và Gia-tô, các Hoa Kiều Lý Sự Hội, sẽ được ấn định sau”. Như vậy, trong lại dụ này khoản 44 đã quy định Thiên chúa giáo và các tổ chức Gia-tô được quyền đúng trên luật pháp, được quyền tối ưu, quyền ưu tiên hưởng tất cả các chính sách đặc biệt của chính quyền Ngô Đình Diệm trong khi Phật giáo được liệt vào các Tôn giáo còn lại, bị xem ngang bằng các hội thông thường, không được cái quyền bình đẳng tôn giáo với Thiên chúa giáo. Thiên chúa giáo được quyền ưu tiên treo cờ Vatican trên các ngã đường và tại tư gia của các tín hữu Thiên chúa nhưng Phật giáo không được quyền treo cờ ở các nơi công cộng và tư gia tương tự. Đó là một sự bất công và vi phạm luật pháp trắng trợn của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Thiên chúa giáo được ưu đãi so với các tôn giáo khác trong đó có Phật giáo. Giáo hội Thiên chúa giáo, dù chỉ là thiểu số không đáng kể, được xem là tôn giáo duy nhất theo đúng nghĩa tại Việt Nam, được công nhận như là “hiệp hội công cộng”, trong khi Phật giáo và các tôn giáo khác chỉ được gọi là “hiệp hội tư nhân”. Đó là cách khéo léo và nguỵ biện trong cách dùng từ, tạo ra cái quyền lợi ích cao nhất, hợp pháp nhất cho Thiên chúa giáo và các hội Gia tô cũng như cho các tổ chức của Thiên chúa giáo tại Việt Nam lúc bấy giờ.

“Hiệp hội công cộng” mới hưởng được chính sách của Nhà nước, trong khi Phật giáo và các tôn giáo khác bị xem là các “hiệp hội tư nhân” nên không được cái quyền đó. Đó là chủ trương thâm hiểm của chính quyền thực dân Pháp mà chính quyền Ngô Đình Diệm đã kế thừa từ Lại dụ 10.

Toàn bộ viện trợ thực phẩm của Hoa kỳ (Chương trình thực phẩm vì hòa bình) đã bị các tổ chức xã hội Thiên chúa giáo và các linh mục tại các thôn xã, quận huyện lợi dụng để vận động dân chúng theo đạo Thiên chúa, qua công thức: “theo Đạo có gạo mà ăn”. Nghĩa là ai muốn được hỗ trợ viện trợ vật chất thì phải đi theo Thiên chúa giáo. Đó là lý do tại sao có chính sách bất công trong Lại dụ 10 này vì mục đích của chính quyền lúc bấy giờ muốn cải đạo những người theo đạo Phật và các tôn giáo khác trở thành tín hữu của Thiên chúa giáo.

Đối với Thiên chúa giáo khi mở Bệnh viện, Trường học, Hiệp hội và các hoạt động tôn giáo, không phải xin phép. Nhưng nếu Phật giáo làm các dự án và sự kiện tương tự thì phải xin phép. Các đơn xin phép của Phật giáo chỉ được chấp nhận sau khi trải qua rất nhiều thủ tục khó khăn, rất chậm trễ, 10 đơn xin thì chỉ có 1-2 đơn được duyệt. Trong khi các hội đoàn, Nhà thờ của Thiên chúa giáo thì được cho phép mọc lên như nấm. Đó là chính sách bất công của Lại dụ số 10. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã thừa hưởng tinh thần của dụ 10 đó tạo ra bất công đối với Phật giáo trong suốt 9 năm (1954 - 1963) Ngô Đình Diệm cai trị. Đây là lý do phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo nổi lên rất mạnh vào đỉnh điểm năm 1963 khi bị cấm treo cờ Phật giáo, đang khi chính quyền Ngô Đình Diệm đề cao và thiên vị Thiên chúa giáo.

Tôi hy vọng rằng qua việc giải thích ngắn gọn này thì chúng ta thấy rõ bức tranh khách quan về biến cố Phật giáo năm 1963 mà chủ thể tạo ra sự đàn áp khốc liệt và đau lòng này chính là chính quyền Thiên chúa giáo Ngô Đình Diệm, chứ không phải là Phật giáo vì Phật giáo chỉ là nạn nhân của chính quyền. Phật giáo năm 1963 không có tham vọng, không có chủ trương lật đổ chính quyền, không có chính sách chống Thiên chúa giáo, mà chỉ chống chính sách bất công của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo mà thôi.

 

CHÚ THÍCH

(1) Tham khảo chi tiết các tác phẩm sau đây: Thích Nhật Từ và GS. Nguyễn Tri Ân, Bồ-tát Thích Quảng Ðức: Cuộc đời và lửa từ bi. Sài Gòn: Nhà xuất bản Phuong Ðông, 2013; Lê Mạnh Thát, Bồ-tát Thích Quảng Đức: Ngọn lửa và trái tim (Nhà xuất bản. TP.HCM, 2005). Nghe thêm TT. Nhật Từ phỏng vấn Hòa thượng Phó pháp chủ Thích Đức Nghiệp, nhân chứng lịch sử, tường thuật về việc Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu: https://www.youtube.com/watch?v=ZHSmT6CyyG4

(2) GS. Trần Văn Giàu trong bài “Bàn thêm về phong trào Phật giáo Miền Nam năm 1963”, đăng trong giáo trình “Lịch sử Việt Nam Hiện đại” ở bậc Đại học và Cao đẳng.

(3) Xem Thích Nhật Từ và Nguyễn Kha, Pháp nạn Phật giáo 1963: Nguyên nhân, bản chất và tiến trình. NXB. Hồng Đức, 2015, tr. 595. Xem thêm tác phẩm, Thích Nhật Từ và PGS. Nguyễn Công Lý, Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 (Nhà xuất bản Phương Đông, 2013).

(4) Xem Thích Nhật Từ và Nguyễn Kha, Pháp nạn Phật giáo 1963: Nguyên nhân, bản chất và tiến trình. NXB. Hồng Đức, 2015, tr. 398. Xem nhanh trên Wikipedia: https://vi.wikipedia.org/wiki/Biến_cố_Phật_giáo_năm_1963

(5) Hồi ký của Bác sĩ E. Wulff về Pháp nạn 1963 do Minh Nguyện dịch, đăng trên Sách Hiếm gồm 5 bài về pháp nạn 1963, đêm Phật đản 8/5/1963, tuyệt thực tháng 5/1963, tường trình tại Liên Hợp Quốc 9/1963, chuyến trở lại Việt Nam 1964: https://sachhiem.net/LICHSU/E/Erichwulff.php   Có thể xem nhanh trên Wikipedia, https://vi.wikipedia.org/wiki/Biến_cố_Phật_giáo_năm_1963

(6) Lại dụ số 10 của tác giả Trần Gia Phụng, trích trong sách “1963-2013: Năm mươi năm nhìn lại”, tập 2/3, tuyển tập của 99 tác giả và những lời Phê phán của 100 Chứng nhân về chế độ Ngô Đình Diệm. Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2013, chương 5 về Ma giữa ban ngày: Những ngụy biện và tráo trở lịch sử của tàn dư chế đô Diệm. Xem nhanh trên Thư viện Hoa Sen, https://thuvienhoasen.org/a16532/30-lai-du-so-10-tran-gia-phung. Hãy xem bài viết của Dương Kinh Thành về Lại dụ số 10 trên trang nhà Đạo Phật Ngày Nay: http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/lich-su/13175-dao-du-so-10.html

 

 

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

1.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập