Đại Sư Trí Quang Là Nhà Chính Trị Hay Nhà Tu Hành?(1)

Đã đọc: 1928           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Việc Đại sư Trí Quang đã để lại Xá-lợi đầu, tượng trưng cho trí tuệ, là xá-lợi đầu tiên và duy nhất trên thế giới, do đó, rất đặc biệt đối với cộng đồng Phật giáo thế giới. Cái đầu tượng trưng cho trí tuệ. Sau khi thiêu gần 24 tiếng, bao nhiêu xương cứng hơn đều bị cháy vụn nát và ngã màu xám, riêng xá-lợi toàn đầu của Đại sư Trí Quang vẫn còn nguyên một khối tinh anh, rất là đặc biệt, hiếm có trong đời. Trong Phật giáo, xá-lợi thượng đỉnh, hay xá-lợi đầu tượng trưng cho trí tuệ, vốn được xem là sự kết tinh từ mấy chục năm hành đạo và phụng sự nhân sinh của Đại sư Trí Quang cho đất nước và con người Việt Nam.

  Vào lúc 21h45, ngày 8/11/2019, cộng đồng Phật giáo Việt Nam trong nước và trên thế giới vô cùng đau xót khi biết tin Đại sư Trí Quang đã về cõi Phật.

Vào ngày 29/9/1984, tôi được bổn sư là HT. Thích Thiện Huệ thế phát xuất gia tại Chùa Giác Ngộ, Q. 10, TP. HCM. Một ngày sau đó, tôi được TT. Thích Nhật Trí hướng dẫn đi đảnh lễ 10 vị Cao tăng Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ. Người đầu tiên là Đại sư Trí Quang, lúc bấy giờ, ngài đang hành đạo tại Chùa Ấn Quang. Tôi còn nhớ rất rõ, ngài xoa đầu tôi trong ngày xuất gia thứ 2 của tôi và nhắc nhở tôi nỗ lực hành trì, giới luật tinh nghiêm, làm các Phật sự để đóng góp cho Phật giáo.

Trong mấy chục năm qua, tôi được vinh dự tiếp kiến Đại sư Thích Trí Quang hơn 20 lần tại chùa Ấn Quang, nơi Đại sư Trí Quang hành đạo và 3 lần tại Chùa Già Lam, Quận Gò Vấp, Tp. HCM. Lần cuối cùng, tôi đến thăm ngài là năm 2016 tại Chùa Từ Đàm, TP. Huế.

Trong bài này, tôi chia sẻ ba di sản quan trọng mà Đại sư Trí Quang đã để lại cho đất nước và con người Việt Nam nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng.

 

I. ĐẠI SƯ TRÍ QUANG LÀ NHÀ CHÍNH TRỊ HAY NHÀ TU HÀNH?

  Đại sư Trí Quang là bậc chân tu,(2) người có công dẫn dắt, lèo lái toàn bộ phong trào bất bạo động của Phật giáo hướng đến sự thành công.

Ngày 02/11/2019, cộng đồng những người Thiên Chúa giáo ở nước ngoài và trong nước trọng thể làm lễ tưởng niệm cựu Tổng thống Ngô Đình Diệm. Những người theo Thiên Chúa giáo với tinh thần cực đoan ,cố tình xuyên tạc, vu cáo lịch sử, thoá mạ Bồ-tát Thích Quảng Đức bằng nhiều hạ sách khác nhau. Những thủ đoạn dở nhất, tệ nhất, lưu manh nhất họ cũng có thể sử dụng. Họ cho rằng Bồ-tát Thích Quảng Đức không hề có ý nguyện tự thiêu và Ngài bị người ta thiêu. Đây là lý thuyết mà bà Trần Lệ Xuân đã từng tuyên bố ngay sau sự tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức vốn làm chấn động trên toàn cầu.

Lịch sử bao giờ cũng là lịch sử, sự thật bao giờ cũng là sự thật. Cho nên những người phục hưng tinh thần Ngô Đình Diệm dù có muốn vu cáo, xuyên tạc, thoá mạ Bồ-tát Thích Quảng Đức đi nữa thì việc mà Ngài tự thiêu để lại “trái tim từ bi” soi sáng cho thế giới thấy rõ về chính sách đàn áp của ông Diệm là điều mà chúng ta không thể phủ định.

Các nỗ lực tiêu cực, đánh lừa lịch sử của nhóm phục hưng tinh thần độc tài Ngô Đình Diệm hòng làm cho quần chúng Việt Nam hiểu sai về pháp nạn năm 1963 vốn do gia đình của Ông Ngô Đình Diệm tạo ra và bắt đầu là Tổng thống Ngô Đình Diệm và Tổng giám mục Ngô Đình Thục. Những người phục hưng tinh thần của Ngô Đình Diệm đặt ra một số câu hỏi mà nói đúng hơn đó là nguỵ biện để làm giảm đi ý nghiã cao quý thiêng liêng từ việc tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức.

 

1.1. Nguỵ biện thứ nhất, những người phục hung tinh thần Ngô Đình Diệm cho rằng Đại sư Trí Quang là một nhà tu hành hoạt động chính trị mà cụ thể là theo Cộng Sản hoặc theo CIA. (3)

Như chúng ta biết, Cộng đồng Việt Nam tị nạn ở nước ngoài do bất đồng chính trị, bỏ đất nước ra đi cho nên họ rất là thù hận Cộng sản. Ở nước ngoài khi người ta ghét một người nào đó, chỉ cần gán cái mác Cộng sản lên nhân vật đó là có thể làm cho nhân vật đó bị cô lập bởi xã hội thậm chí bị chống đối và gặp rất nhiều khó khăn. Cho nên đội cái nón cộng sản lên cho Đại sư Trí Quang là một việc làm thiếu lương thiện.

Cũng có một số người cho rằng Đại sư Trí Quang là thuộc hạ của CIA. Có khi người ta nói Đại sư theo cộng sản để chống lại thể chế Việt Nam Cộng Hoà đệ nhất. Có khi thì cho rằng Ngài là thuộc hạ hay con cờ của chính trị Mỹ, để làm rối thêm nền chính trị tại Việt Nam. Đó là những luận điệu rất sai trái mà người ta cố tình gán ghép lên Đại sư Trí Quang để hòng làm cho đóng góp to lớn của Ngài cho sự cứu nguy Phật giáo mất hết ý nghĩa cao quý của nó. Mục đích nó nằm ở chỗ này.

Đại sư Trí Quang suốt mấy thập niên qua hầu như không đính chánh về các ngụy thuyết mà người ta đã tấn công và vu cáo ngài. Có một lần Ngài chỉ tâm sự: “Khi người ta cho tôi cái nón cối hay là nón sắt hoặc là đi theo Cộng sản hoặc theo CIA thì trên thực tế, tôi không có một cái mũ nào hết.” Người ta càng gán nhiều cái mũ lên đầu ngài thì chứng tỏ rằng Ngài không có đội một cái mũ nào hết. Ngài giữ được truyền thống cao quý của Tăng sĩ đó là đội Đức Phật, Chân lý Phật và Tăng đoàn Phật lên đầu. Không theo bất kỳ thể chế chính trị nào.

Ngay sau khi chính thể chế Việt Nam cộng hoà đệ nhất bị sụp đổ, tôi đặt một giả thuyết, nếu lúc đó Đại sư Trí Quang ứng cử Tổng thống của miền Nam Việt Nam thì Ngài có thể đắc cử đấy. Thực tế, Đại sư Trí Quang đã không làm việc đó. Công việc của Ngài không phải là đi tìm kiếm vị trí chính trị, quyền lực, thế lực mà vốn người Phật giáo mà đặc biệt người xuất gia chúng tôi xem nó như xọt rác thôi.

Đức Phật Thích Ca là người đầu tiên chối bỏ cơ hội làm Vua, chọn con đường làm nhà tâm linh vĩ đại để mang lại lợi lạc cho nhân sinh, tức là giải quyết các vấn nạn khổ đau của con người. Đại sư Trí Quang đã noi theo tấm gương cao quý của Đức Phật Thích Ca cho nên Ngài đã vượt lên trên tất cả ý thức hệ chính trị bao gồm chính trị theo hươngs Cộng sản Chủ nghĩa ở miền Bắc Việt Nam, chính trị theo hướng Tư bản Chủ nghĩa ở miền Nam Việt Nam, chính trị của Việt nam cộng hoà hay chính trị của Mỹ.

Tất cả những giới hạn chính trị của các thể chế chính trị đó là điều mà Đại sư Trí Quang đã nhìn thấy và nỗ lực vượt lên trên. Cho nên không nên bịa đặt, vu cáo Đại sư là đội nón cối theo Cộng sản hay đội nón sắt theo Hoa Kỳ. Đó là những luận điệu sai trái. Những luận điệu đó ra rả trong mười mấy ngày qua trong Cộng đồng chống Phật giáo ở nước ngoài. Đặc biệt, Thiếu ta Liên Thành trong 3 tác phẩm mang tính ngụy biện lịch sử của ông và những người đang nỗ lực phục hưng tinh thần Ngô Đình Diệm cố tình nói sai sự thật và gán tội cho đại sư Trí Quang. Trong khi trong lịch sử với 9 năm cai trị (1954-1963), Ngô Đình Diệm được chứng minh là người tàn ác, phân biệt đối xử tôn giáo, vi phạm luật pháp, đàn áp tăng ni, dẫn đến biến cố pháp nạn Phật giáo năm 1963.

 

1.2. Nguỵ biện thứ hai: Những người phục hung tinh thần Ngô Đình Diệm cho rằng Đại sư Trí Quang là ngườitiếp tay hỗ trợ làm sụp đổ chế độ Việt Nam Cộng hòa? (4)

Tôi cho rằng đây là điều rất là khôi hài, cũng giống như là “Cắm râu ông nọ vào cầm bà kia”, hoàn toàn không phù hợp, không có chút sự thật lịch sử. Chỉ là sự tưởng tượng khôi hài.

Toàn bộ phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963 độc lập hoàn toàn với các ý thức hệ chính trị của những người đi theo ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Thục, cũng như độc lập hoàn toàn với các thế lực đối đầu với chế độ ông Diệm dẫn đến sự ám sát ông ấy vào ngày 02-11-1963.

Trong suốt mấy tháng pháp nạn Phật giáo năm 1963, từ chủ trương đến các thông cáo báo chí, các hoạt động tuyệt thực, ngồi thiền, đấu tranh bất bạo động mà Đại sư Trí Quang đã lãnh đạo cộng đồng Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ, hoàn toàn không hề đề cập đến ý thức hệ chính trị Việt Nam cộng hoà, không hề nỗ lực lật đổ chính thể. Phật giáo năm 1963 không làm chính trị nhằm lật đổ chế độ.

Ám sát ông Ngô Đình Diệm và lật đổ thể chế Việt Nam cộng hòa đệ nhất là công việc của các đảng phái chính trị và quyết định của chính phủ Hoa Kỳ, đồng minh của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Đệ nhị Việt Nam cộng hoà lên thay là do những người đó bất đồng với ông Ngô Đình Diệm lật đổ ông bởi sự tàn ác của ông ấy, sự đàn áp Phật giáo một cách bất công của ông ấy và nhiều chính sách sai lầm của ông ấy trong 9 năm cai trị, hoàn toàn không có liên hệ gì đến phong trào bất bạo động của Phật giáo cả.

Phật giáo năm 1963 không làm chính trị lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Chúng ta phải xác định rõ điều đó để thấy rõ được cái nguỵ biện của những người theo tinh thần phục hưng Ngô Đình Diệm, nhất là thiếu tá Liên Thành và các phương tiện truyền thông của người Việt Nam ở hải ngoại vốn do người theo Thiên chúa giáo nắm, đã cố tình ngụy biện lịch sử trong 56 năm qua.

Pháp nạn kết thúc cuối năm 1963. Việt Nam Cộng hòa sụp đổ 1975, trải qua vài chính thể Việt Nam cộng hòa lên thay thế. Sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa thuộc về các đảng phái chính trị trong đó có việc quyết định tẩy chay, thay ngựa giữa dòng của chính phủ Hoa kỳ đối với chính quyền Ngô Đình Diệm và các tổng thống Việt Nam cộng hòa sau đó.

Tự thân Đại sư Trí Quang và phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963 không hề có mục tiêu dù chỉ là trong ý niệm, chứ đừng nói đến những hoạt động cụ thể nhằm lật đổ chính quyền Việt Nam cộng hòa lúc bấy giờ. Tôi khuyên ông Liên Thành và những người Thiên chúa giáo đang phục hưng tinh thần độc tài, độc ác Ngô Đình Diệm đừng nhập nhằn 2 vấn đề về bản chất vốn đã khác nhau làm một để đổ lỗi và quy trách nhiệm hết cho Đại sư Trí Quang. Đó là cái ác ý xấu xa của những người muốn phục hưng tinh thần Ngô Đình Diệm.

Hơn ai hết, nhóm ngụy biện lịch sử này biết rõ rằng Cộng đồng Việt Nam tị nạn ở nước ngoài ghét Cộng sản trong nước, phải gán ghép sự lãnh đạo của Đại sư Trí Quang mang lại hoà bình cho Phật giáo, công bằng cho Phật giáo làm sụp đổ chính quyền Ngô Đình Diệm để cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại căm thù Đại sư Trí Quang. Cái thâm ý của những người đưa ra thuyết nguỵ biện này nằm ở chỗ này.

Đáng tiếc nhất, gây phẫn nộ trong cộng đồng Phật tử chân chánh nhất là vụ việc ông thầy tự xưng, tự mặc áo tu sĩ Thích Thông Lai ở Hoa Kỳ là người tội lỗi nhất, kém văn hóa, thích nổ nhất, đã copy thuyết ngụy biện của thiếu tá Liên Thành, một người theo Thiên chúa giáo đóng vai Phật tử, đặc biệt lập lại ngụy thuyết này trong 2 quyển sách của Liên Thành gồm “Biến động miền Trung” xuất bản năm 2009 và “Thích Trí Quang, thần tượng hay tội đồ dân tộc” xuất bản năm 2014, đã hổn xược vu cáo và thóa mạ Đại sư Trí Quang là cộng sản, làm sụp đổ chế độ Việt Nam cộng hòa để những người chống cộng ở nước ngoài căm phẫn Đại sư Trí Quang.

Về bản chất, phong trào đấu tranh bất bạo động đầu năm 1963 của Đại sư Trí Quang là theo đường hướng của Thánh Gandhi của Ấn Độ, mà Thánh Gandhi học đường lối bất bạo động (Ahimsa) (5) của đức Phật Thích Ca. Mục tiêu đấu tranh bất bạo động của Phật giáo năm 1963 do đại sư Trí Quang lãnh đạo là để mang lại công lý, công bằng xã hội cho đạo Phật. Đồng thời, nhắc nhở chính quyền Thiên chúa giáo Ngô Đình Diệm và Tổng giám mục Ngô Đình Thục không nên vi phạm luật pháp mà chà đạp Phật giáo, ra lệnh cấm Phật giáo không được quyền treo cờ Phật giáo vào ngày Đại lễ Phật đản năm 1963, cũng như bắt bớ Tăng Ni một cách vô tội và giết chết 8 thiếu nhi tại đài phát thanh Huế.

Đại sư Trí Quang đã lãnh đạo phong trào đấu tranh vì công bằng cho Phật giáo và vì công bằng cho miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Phong trào đó là phong trào đấu tranh bất bạo động, rất độc lập với sự sụp đổ chính thể Ngô Đình Diệm, vốn do tướng lãnh của Ngô Đình Diệm tạo ra. Việc các tướng của Ngô Đình Diệm đã lật đổ ông ấy và ám sát ông ấy là quyết định chính trị của tướng lãnh Việt Nam cộng hòa, không có liên hệ gì đến phong trào bất bạo động của Phật giáo năm 1963. Nhập nhằng 2 vấn đề khác nhau làm một là để đổ lỗi cho Đại sư Trí Quang. Đây là cách thiếu tá Liên Thành và cộng đồng Thiên chúa giáo phục hưng tinh thần độc ác Ngô Đình Diệm đã làm một cách thiếu liêm khiết trong nhiều năm qua. Họ chỉ lừa bịp được những người nhẹ dạ, chứ không thể qua mặt lịch sử, không thể lừa bịp lịch sử được.

Điều cần lưu tâm là toàn bộ phong trào đấu tranh bất bạo động do Đại sư Trí Quang lãnh đạo hoàn toàn không chống Thiên chúa giáo. Mặc dù anh của Tổng thống Ngô Đình Diệm là Tổng giám mục Ngô Đình Thục và cả dòng họ của ông đều đề cao và thiên vị Thiên chúa giáo, nỗ lực đưa Thiên chúa giáo trở thành tôn giáo độc tôn tại Việt Nam. Phong trào đó hoàn toàn không lấy Đạo Phật để chống Thiên chúa giáo, chỉ chống những chính sách bất công của Gia đình Thiên chúa giáo Ngô Đình Diệm để đòi lại công bằng cho Phật giáo theo luật định lúc bấy giờ.

Phong trào Phật giáo năm 1963 do đó không mở cửa, không tiếp tay, không hỗ trợ đưa dân tộc Việt Nam vào cuộc nội chiến khốc liệt nhất trong lịch sử như những người theo tinh thần Thiên chúa giáo của Ngô Đình Diệm đã vu cáo, xuyên tạc lịch sử, nhập nhằng nguỵ biện làm cho ý nghĩa tự thiêu của Bồ-tát Quảng Đức và cái tài trí tuệ lãnh đạo, chỉ huy phong trào này của Đại sư Trí Quang mất hết ý nghĩa thiêng liêng của nó.

Cuộc nội chiến Việt Nam gần 30 năm là do bất đồng ý thức hệ chính trị ảnh hưởng trên toàn cầu. Một bên là do Mỹ lãnh đạo, đại diện cho Chủ nghĩa Tư bản, một bên do Liên Xô lãnh đạo đại diện cho ý thức hệ Cộng sản. Miền Nam Việt Nam theo ý thức hệ của Hoa kỳ, miền Bắc Việt Nam thì theo ý thức hệ của Liên xô. Đó là cuộc nội chiến có nguồn gốc từ ý thức hệ chính trị ở miền Bắc và miền Nam.

Dù gì đi nữa, Phật giáo Việt Nam là nạn nhân của cuộc đàn áp bất công do chính quyền Ngô Đình Diệm tạo ra cụ thể là chính quyền Thiên chúa giáo. Không thể ghép tội cho Phật giáo vốn nạn nhân tạo ra kịch tính khổ đau cho dân tộc Việt Nam trong suốt 30 năm nội chiến từng ngày như cách thức nguỵ biện của những người đi theo Thiên chúa giáo đang nỗ lực phục hưng tinh thần của Ngô Đình Diệm ở Phương Tây.

Nhân dịp này tôi xin trích một đoạn báo cáo đặc biệt của CIA vào ngày 11 tháng 9 năm 1964 cho giám đốc CIA lúc bấy giờ. Báo cáo này nói về động cơ, mục đích và ảnh hưởng của Đại sư Thích Trí Quang trong phong trào bất bạo động năm 1963. Nguyên văn bản dịch tiếng Việt của BBC tiếng Việt như sau: “Quan điểm của Thích Trí Quang và những ảnh hưởng chính trị hiện thời có những cội rễ lịch sử sâu xa cần được đánh giá, nếu như vị thế chính trị của ông cần được hiểu đúng. Sau khi nghiên cứu, cân nhắc tất cả những bằng chứng sẵn có, chúng tôi không nhìn nhận đại sư Trí Quang là người cộng sản hoặc đặc vụ cộng sản. Tuy nhiên, ông ấy là nhà yêu nước cuồng nhiệt và là người “chống Công giáo mạnh mẽ” và mong muốn thấy rằng Công giáo như là một ảnh hưởng tức thời, lớn hơn cả cộng sản.” (6)

Đó là một đoạn báo cáo đặc biệt trong một phúc trình của CIA báo cáo cho Giám đốc của cơ quan tình báo quan trọng nhất Hoa kỳ này vế biến cố pháp nạn Phật giáo năm 1963. Tôi tin rằng các nhà tình báo CIA thuộc hàng giỏi nhất thế giới nên đoạn tóm tắt đó cho ta thấy được đánh giá của chính quyền Hoa Kỳ rất chuẩn xác về Đại sư Trí Quang hơn chín mươi mấy phần trăm, còn lại vài phần trăm nhận xét Đại sư Trí Quang về Thiên chúa giáo là sai thôi.

Theo đánh giá của CIA nêu trên Đại sư Trí Quang không phải là người Cộng sản hoặc là đặc vụ cộng sản, vì không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy điều đó. Đại sư Trí Quang chỉ vì Phật giáo đang bị lâm nguy, bị ứng xử bất công, Tăng Ni bị bắt bớ, đạo Phật có rủi ro bị xoá khỏi bản đồ văn hoá, chính trị, tôn giáo Việt Nam bởi chính sách hà khắc của chính quyền Ngô Đình Diệm thiên vì Thiên chúa giáo một cách bất hợp pháp.

Trong đoạn nhận xét này có một phần sai khi cho rằng Đại sư Trí Quang là người chống Công giáo mạnh mẽ, vốn trái với chủ trương của Ngài. Đại sư Trí Quang không chống Công giáo, chỉ chống chính sách đàn áp Phật giáo của Ngô Đình Diệm một người Thiên chúa giáo và anh ruột là Tổng giám mục Ngô Đình Thục, một người nỗ lực trở thành Hồng y, và có thể có lòng tham vọng sâu xa, muốn biến Thiên chúa giáo, một tôn giáo thiểu số, trở thành quốc giáo của Việt Nam.

Cho rằng Đại sư Trí Quang nỗ lực chống Thiên chúa giáo là một sai lầm vì không có bằng chứng. Những người theo tinh thần Ngô Đình Diệm con nguỵ biện hơn khi cho rằng Ngô Đình Diệm là người hài hoà, bao dung. Thực ra Ngô Đình Diệm là một nhà lãnh đạo tài phiệt, một người đại gian ác, một người có tinh thần gia đình trị. Chính trị mà đưa gia đình trị vào là hỏng đất nước.

Ngô Đình Diệm đã để cho anh ruột của mình là Tổng giám mục Ngô Đình Thục can thiệp quá nhiều vào chính trị ở miền Nam Việt Nam. Chính sách đàn áp Phật giáo bắt đầu tại đài phát thanh Huế lan rộng trên toàn miền Nam Việt Nam là có bàn tay và sự quyết định sai lầm của Tổng giám mục Ngô Đình Thục. Đó là việc mà về phương diện lịch sử không thể phủ định được. Sau 50 năm, CIA đã bạch hoá các bằng chứng đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ấy thế mà những người phục hưng tinh thần Ngô Đình Diệm vẫn nguỵ biện cho rằng Ông Diệm là một người hài hoà đang khi ông ấy là một nhà tài phiệt, gian ác.

Để thấy rõ về vai trò trí tuệ của Đại sư Trí Quang không có dụng ý lật đổ chính quyền, không có dụng ý chống Thiên chúa giáo mà chỉ cứu nguy Phật giáo, tôi xin trích một đoạn nguyên văn trong Tự truyện (7) của Đại sư Trí Quang như sau:

“Tổng chi, tôi có tham vọng không? Có, mà có đến nỗi có người đã nói hơi chướng nữa. Tham vọng của tôi không mơ mộng Phật giáo trở lại vị thế quốc giáo như thời xa xưa, càng không mong muốn Phật giáo thành một Thiên Chúa giáo thứ hai. Tôi chỉ mong ước, trong cơn nghiêng ngửa của đất nước, ai nhìn vào Phật giáo cũng nghĩ rằng đất nước này còn có cái ấy” [công bằng, bình đẳng, dân chủ, quyền con người]. Nhưng tôi không chế ngự nỗi hoàn cảnh đó, sự mong ước như vậy thể hiện cho thật vừa ý. Truyện của tôi là truyện buồn cho tôi, ở chính cái điểm này. Truyện của tôi đúng là: “Cao cao sơn thượng hành thuyền, thâm tâm hải đề tẩu mã”, tạm dịch là: “ngựa phi dưới nước, thuyền chèo trên non.”(8)

Như vậy, những nguỵ biện mà những người phục hưng tinh thần Thiên chúa giáo Ngô Đình Diệm cho rằng Đại sư Trí Quang nỗ lực lật đổ chính quyền là không có bằng chứng, cho rằng Đại sư chống Thiên chúa giáo lại càng phi lý. Suốt mấy tháng pháp nạn đó, Phật giáo chúng tôi là nạn nhân, chỉ chống những bất công, chứ không chống chính thể Việt Nam cộng hòa và không chống Tôn giáo.

Khái niệm còn “cái ấy” trong Tự truyện của Đại sư Trí Quang có thể hiểu là công bằng, bình đẳng, dân chủ và quyền con người. Trên mảnh đất miền Nam Việt Nam với ý thức hệ của chính thể Việt Nam Cộng hoà thì luật pháp lúc bấy giờ tôn trọng những giá trị công bằng, bình đẳng, dân chủ và tự do. Đại sư Trí Quang đã nỗ lực yêu cầu chính phủ thực thi các quyền đó thôi.

Mục đích của Đại sư Trí Quang không muốn biến Phật giáo trở thành quốc giáo để thay thế vai trò của Thiên chúa giáo tại miền Nam lúc bấy giờ. Ngài không có ý đồ đó, không có chủ trương và chính sách đó. Đại sư Trí Quang chỉ làm thế nào để Phật giáo thoát khỏi pháp nạn do sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm thế thôi.

Trọng tâm của phong trào bất bạo động năm 1963 nằm ở chỗ đó. Chúng ta đừng có nhập nhằng cắm râu ông này vào cằm bà kia để quy kết những điều mà Đại sư Trí Quang không làm rồi chụp mủ Ngài là chuyện không phù hợp. Các nỗ lực chụp mủ Đại sư Trí Quang làm lật đổ chính thể Việt Nam cộng hòa chẳng khác nào tự dựng lên một hình nộm rồi đập đổ hình nộm vậy.

 

1.3. Nguỵ biện thứ ba, những người phục hung tinh thần Ngô Đình Diệm cho rằng thái độ của Đại sư Trí Quang vào năm 1966, năng nỗ vận động đem bàn thờ Phật xuống đường, 100 ngày tuyệt thực là để góp phần lật đổ chính quyền Việt Nam cộng hòa. Sau năm 1975, Đại sư Trí Quang không hề lên một tiếng nào, ngài im lặng hoàn toàn có lẽ là ngài bịkhuất phục trước cường quyền hay là đang lặng thinh để ăn năn? (9)

Đây là luận điệu xuyên tạc tinh vi và khéo léo để hòng làm mất đi hết toàn bộ ý nghĩa của việc Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu bảo vệ Phật giáo và cũng như sự lãnh đạo tài tình của Đại sư Trí Quang.

Theo Tôi, Đại sư Trí Quang là đại anh hùng dân tộc, cứu nguy cho Phật giáo Việt Nam, cứu nguy cho miền Nam. Đại sư Trí Quang không hề phạm tội theo luật pháp của chính quyền Việt Nam Cộng hoà lúc bấy giờ. Đại sư Trí Quang cũng không phạm lỗi theo luật Phật. Đại sư Trí Quang, do vậy, không có gì phải ăn năn với ai, phải thống hối với ai mà phải giữ yên lặng. Yên lặng hay nói năng là cái quyền tự do của mỗi người và của Đại sư Trí Quang. Chúng ta sống trong đất nước có luật pháp phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận hay không ngôn luận của con người.

Đức Phật dạy tất cả Tu sĩ chúng tôi và các Phật tử hãy “nói năng như Chánh pháp” tức là truyền bá sự thật mà sự thật theo Đức Phật, sự thật là bất hư. Đức Phật dạy chúng tôi “hãy im lặng như thiền định” hay còn gọi là “im lặng như bậc Thánh”. Có nghĩa là trong những tình huống không tiện phát biểu, hay không được phát biểu thì mọi người phải làm chủ tâm, không để cho cơn giận dữ, hận thù, oan trái chi phối dòng cảm xúc của mình. Phải giữ im lặng như đang lúc tu thiền, làm chủ được thân, làm chủ được cảm xúc, làm chủ tâm, làm chủ các ý niệm, vượt lên trên các giới hạn nhị nguyên gồm chủ thể và khách thể, ta và người, bạn và thù và các ý thức hệ chính trị đối lập. Đại sư Trí Quang đã chọn giải pháp im lặng như thiền định và im lặng như bậc thánh. Đó là cái quyền lựa chọn tự do của mỗi người, luật pháp khắp thế giới và Việt Nam tôn trọng.

Tôi kêu gọi những người theo tinh thần Ngô Đình Diệm phải tôn trọng cái quyền lựa chọn im lặng của Đại sư Trí Quang. Đó là cái quyền thiêng liêng của Đại sư Trí Quang. Chúng ta không thể lấy cái quyền tự do thích nói của mình, thích phê bình, thích chỉ trích, thậm chí thích vu cáo, thích đi xuyên tạc để tấn công và phê phán Đại sư Trí Quang tại sao không nói sau năm 1975!

Hơn nữa, Đại sư Trí Quang là người đại hùng, chưa bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ cường quyền nào như cường quyền ác đạo của Ngô Đình Diệm và Tổng giám mục Ngô Đình Thục vốn muốn đẩy Phật giáo vào hoàn cảnh khổ đau cùng cực năm 1963. Đại sư Trí Quang cũng chưa bao giờ khuất phục trước cường quyền của thực dân Pháp gần 100 năm cai trị Việt Nam. Đại sư Trí Quang đã bất khuất trong 9 năm (1954-1963) cai trị hà khắc của chính quyền độc tài, gia đình trị Ngô Đình Diệm. Đại sư Trí Quang cũng chưa bao giờ khuất phục trước bất cứ thể chế chính trị nào bao gồm thể chế chính trị đương nhiệm từ năm 1975 cho đến bây giờ.

Đó là tinh thần “vô uý”, không sợ hãi của Đại sư Trí Quang, phù hợp với tinh thần “Bi - Trí - Dũng” được đức Phật đã chủ trương trong Kinh Đại Bát Niết Bàn thuộc Kinh điển Đại thừa. Đây cũng là tinh thần chung của Phật, Bồ-tát, A-la-hán, các bậc Đại sư và chân Tăng. Hành hoạt và sự làm đạo của các đại sư Phật giáo trong đó có Đại sư Trí Quang vượt lên trên các ý thức hệ chính trị, cho nên không bị khuất phục bởi bất cứ ý thức hệ chính trị nào.

Việc những người theo tinh thần Ngô Đình Diệm cố tình nguỵ biện rằng “Đại sư Trí Quang chọn con đường không phát biểu sau năm 1975 là ăn năn hay bị khuất phục trước cường quyền” là một sai lầm lớn, là quả đoán sai và vi phạm cái quyền tự do ngôn luận hay không ngôn luận của con người.

Hơn nữa, chúng ta nên hiểu mỗi người đóng một vai trò lịch sử trong một giai đoạn lịch sử, tại một thời điểm lịch sử. Chúng ta không có quyền bắt buộc Đại sư Trí Quang đóng tất cả vai trò lịch sử, trong các giai đoạn, thời điểm lịch sử, ở những không gian lịch sử khác nhau.

Xin nêu ví dụ, các vị Tổng thống Hoa kỳ, sau khi hết nhiệm kỳ làm Tổng thống, nhiều vị đã không tham gia chính trị sau đó. Có thể thỉnh thoảng làm tư vấn, cố vấn chính trị hoặc thỉnh thoảng có những phát biểu chính trị nhưng họ không trực tiếp tham gia chính trị. Là các nhà chính trị chuyên nghiệp, từng lãnh đạo đất nước Hoa Kỳ, vốn là nền chính trị mạnh nhất thế giới, chi phối chính trị toàn cầu, thế mà nhiều cựu Tổng thống Hoa kỳ còn không quan tâm đến chính trị, sau khi họ về hưu. Tại sao chúng ta phải bắt buộc một bậc Đại sư như ngài Trí Quang phải can thiệp vào các hoạt động chính trị, phải làm chính trị, phải phát biểu về chính trị. Sự bắt buộc Đại sư Trí Quang phải phát ngôn chính trị sau năm 1975 là vô lý, không phù hợp và thể hiện sự thiếu hiểu biết về luật pháp, chà đạp lên cái quyền tự do ngôn luận và không ngôn luận của Đại sư Trí Quang.

Sự áp đặt Đại sư Trí Quang phải phát biểu chính trị và làm chính trị sau 1975 là dụng ý xấu của những người không thích Đại sư Trí Quang. Những kẻ xấu bắt buộc một bậc chân tu như Đại sư Trí Quang phải làm chính trị vốn Ngài vượt lên trên các giới hạn chính trị như đức Phật Thích Ca đã từng trở thành tấm gương thoát tục như thế. Nói cách khác, không một ai có quyền bắt Đại sư Trí Quang phải nói nội dung chính trị và làm chính trị sau năm 1975. Cái quyền phát biểu hay yên lặng của Đại sư chúng ta phải tôn trọng vì luật pháp bảo hộ cho cái quyền đó. Ngôn luận hay không là quyền tự do của mỗi người.

Theo tôi, Đại sư Trí Quang là người "dấn thân cho Đạo pháp", là người "cứu nguy Phật giáo Việt Nam" khỏi pháp nạn 1963 và là "một bậc chân tu”, là “một Đại sư vĩ đại”, một người hết lòng vì đạo, đất nước, vì con người Việt Nam và vì Phật giáo Việt Nam.

Tờ báo Time của Mỹ đã gọi Đại sư Trí Quang là "người làm rung chuyển nước Mỹ" trong những năm thập niên 1963 - 1966. Về bản chất tinh thần đấu tranh của Phật giáo năm 1963 là bất bạo động, phù hợp với những gì Đức Phật Thích Ca đã chủ trương cũng như Thánh Gandhi của Ấn Độ đã làm.

Suốt mấy tháng đấu tranh bất bạo động năm 1963, chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm thiên vị Thiên chúa giáo, đàn áp Phật giáo hay phong trào đưa Phật xuống đường biểu tình năm 1965-1966 với đỉnh cao là tuyệt thực 100 ngày, Đại sư Trí Quang (chỉ còn lại da bọc xương) rất trung thành với quan điểm bất bạo động, không lật đổ chính quyền, không chống Thiên chúa giáo. Lịch sử xác quyết điều đó. Chúng ta phải nhớ điều đó.

Về nhân cách của Đại sư Trí Quang năm 1963 cho đến lúc Ngài qua đời, tôi khẳng định rằng: Đại sư Trí Quang là “Người nói năng như chánh pháp và im lặng như bậc Thánh”. Đại sư Trí Quang có cái quyền cao quý và đã thực hiện cái quyền cao quý đó một cách rất là sống động: Nói năng như chính pháp và im lặng như thiền định.

Ở giai đoạn lịch sử nào cần tiếng nói, cần đấu tranh chống lại sự bất công thì Đại sư Trí Quang trở thành ngôi sao sáng, là chỉ huy vĩ đại, là người dẫn đến sự thành công bảo vệ Phật giáo Việt Nam trước pháp nạn năm 1963. Sau năm 1975 Đại sư Trí Quang đã chọn con đường im lặng như Bậc thánh, im lặng trong thiền định để đầu tư thời gian, tâm huyết, công sức vào việc dịch thuật và chú giải hơn 40 tác phẩm Kinh điển, hướng dẫn sự tu học cho Tăng Ni qua trí tuệ học thuật uyên bác và cao cấp của Ngài.

Chuyên tu và trở thành nhà trước tác và dịch thuật của đại sư Trí Quang là điều mà tất cả chúng ta phải trân trọng, pháp luật tôn trọng. Đó là quyền tự do ngôn luận hay không ngôn luận của Ngài.

Tóm lại, mọi võ đoán, áp đặt, nguỵ biện, gán ghép rằng Đại sư Trí Quang tiếp tay cho chính quyền sau năm 1975 là những điều mà những người phục hưng chủ nghĩa độc tài Ngô Đình Diệm đã cố tình dựng chuyện, ngụy biện, nói sai lịch sử, nói không đúng sự thật chỉ có mục đích duy nhất là muốn làm giảm đi giá trị đóng góp của Đại sư Trí Quang cho phong trào Phật giáo năm 1963.

 

II. DI SẢN CỦA ĐẠI SƯ TRÍ QUANG ĐỂ LẠI CHO VIỆT NAM

Mục đích các nhà phục hưng chủ nghĩa tài phiệt Ngô Đình Diệm tạo các nguỵ biện với những điều không có thật trong lịch sử 1963-1966 là nhằm đi đến kết luận rằng di sản mà Đại sư Trí Quang để lại cho đời là cuộc nội chiến Việt Nam dài đăng đẳng. Thiếu tá Liên Thành và nhà biên khảo Thiên chúa giáo Trương Nhân Tuấn chỉ là vài nhân vật điển hình về thuyết ngụy biện và vu cáo Phật giáo 1963.

Những người phục hưng chủ nghĩa tài phiệt Ngô Đình Diệm còn nguỵ biện rằng di sản Đại sư để lại là ra sự ra đời của chính quyền Cộng sản của Việt Nam. Thống nhất 2 miền Nam Bắc là bước ngoặc tất yếu của lịch sử, diễn ra sau pháp nạn Phật giáo 1963 đến 12 năm, không có liên hệ gì đến Đại sư Trí Quang cũng không liên hệ gì đến phong trào Phật giáo năm 1963. Độc lập và thống nhất đất nước là mong mỏi của tất cả công dân tại bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử của nhân loại. Độc lập và thống nhất Việt Nam năm 1975 không phải là ngoại lệ.

Việc Mỹ ngưng viện trợ đối với Việt Nam Cộng hoà đó là quyết định của chính phủ Mỹ và Việt Nam lúc đó chỉ là một con chốt trên bàn cờ chính trị thế giới. Các chính thể Việt Nam Cộng hoà nối tiếp theo sau phải chịu trách nhiệm về những khổ đau trong chiến tranh do giai đoạn mình cai trị xảy ra, không thể đổ lỗi cho Đại sư Trí Quang và Phật giáo đã tạo ra những việc đó. Việc những người theo Thiên chúa giáo, phục hưng chủ nghĩa tài phiệt Ngô Đình Diệm đổ lỗi cho đại sư Trí Quang không phải hành động liêm khiết tri thức.

Đại sư Trí Quang có công bảo vệ Phật giáo Việt Nam trường tồn với lịch sử, đất nước và con người Việt Nam, giúp Phật giáo Việt Nam khỏi nạn diệt vong của chính quyền Ngô Đình Diệm. Đại sư Trí Quang có công làm cho chân lý Phật ở miền Nam tiếp tục tỏa sáng, nhờ đó, hàng chục triệu người biết đến Phật giáo, sống an vui, hạnh phúc và hữu ích cho đời.

Bảo vệ quyền tự do tôn giáo của Phật giáo năm 1963 được Hiến pháp và Luật pháp thừa nhận và bảo vệ. Nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm đã đi ngược lại với chủ trương của chính mình, đó là sai lầm lớn của chính quyền. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã tạo ra pháp nạn năm 1963, Phật giáo là nạn nhân có lòng từ bi, không trả thù từ những khổ đau do biến cố đàn áp Phật giáo năm 1963. Đại sư Trí Quang đã Bảo vệ Phật giáo khỏi những chính sách bất công, thiên vị Thiên chúa giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Ngoài những điều nêu trên, có 2 di sản quan trọng được Đại sư Trí Quang cống hiến cho Việt Nam gồm xá-lợi đầu, tượng trưng cho trí tuệ và hơn 40 tác phẩm Phật học sâu sắc.

Việc Đại sư Trí Quang đã để lại Xá-lợi đầu, tượng trưng cho trí tuệ, là xá-lợi đầu tiên và duy nhất trên thế giới, do đó, rất đặc biệt đối với cộng đồng Phật giáo thế giới. Cái đầu tượng trưng cho trí tuệ. Sau khi thiêu gần 24 tiếng, bao nhiêu xương cứng hơn đều bị cháy vụn nát và ngã màu xám, riêng xá-lợi toàn đầu của Đại sư Trí Quang vẫn còn nguyên một khối tinh anh, rất là đặc biệt, hiếm có trong đời. Trong Phật giáo, xá-lợi thượng đỉnh, hay xá-lợi đầu tượng trưng cho trí tuệ, vốn được xem là sự kết tinh từ mấy chục năm hành đạo và phụng sự nhân sinh của Đại sư Trí Quang cho đất nước và con người Việt Nam.

Di sản quan trọng khác được Đại sư Trí Quang đã để lại cho Việt Nam là hơn 40 công trình sáng tác, dịch thuật và sớ giải Kinh sách Phật giáo rất đáng được trân trọng, được xuất bản. Các tác phẩm này chia làm 2 nhóm gồm (i) Tâm ảnh lục là các trước tác riêng, cụ thể các bài nghiên cứu và báo viết và in từ năm 1948, và (ii) Pháp ảnh lục gồm các dịch thuật về kinh sách, sám văn Phật giáo từ năm 1944 đến 2016. Bộ sách Trí Quang toàn tập này có bìa cứng, giấy đẹp, in trang trọng, được NXB. Tổng hợp TP.HCM xuất bản chính thức và tái bản, ấn tống nhiều lần trong nước.(10)Có thể chia các tác phẩm và dịch phẩm này làm 4 nhóm:

Về kinh điển có 18 tác phẩm Kinh thuộc Phật giáo đại thừa

(i) Kinh Bốn Mươi Hai Bài, (ii) Phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền, (iii) Kinh Duy-ma, (iv) Kinh Báo Ân Cha Mẹ, (v) Kinh Vu Lan, (vi) Kinh Kim Cương, (vii) Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim, (viii) Kinh Viên Giác, (ix) Kinh Giải Thâm Mật, (x) Kinh Hoa Sen Chánh Pháp, (xi) Kinh Thắng Man, (xii) Thủy Sám, (xiii) Dược Sư Kinh Sám, (xiv) Kinh Địa Tạng, (xv) Lương Hoàng Sám, (xvi) Hai Thời Công Phu, (xvii) Mười Điều Tâm Niệm, (xviii) Kinh Giáo huấn vắn tắt của Phật lúc sắp niết bàn, (xix) Kinh Hoa Nghiêm (Phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền).

Đó là các tác phẩm Kinh và Sám văn mà Đại sư Trí Quang đã dày công dịch thuật và chú giải rất chi tiết. Về phương diện học thuật, tôi ghi nhận rằng Đại sư Trí Quang đạt đẳng cấp học thuật như là các Giáo sư giỏi trên thế giới, mặc dù về bằng cấp thì Ngài chỉ có lớp 12 và về Phật học chỉ học Phật từ năm 1939-1944. Về phong cách học thuật, chúng ta khó có thể tìm thấy các Giáo sư đẳng cấp có những công trình nghiên cứu công phu tương đương như Ngài. Đó là điều chúng ta cần trân trọng.

Về Luật tạng có 6 dịch phẩm. Đại sư Trí Quang đã dịch và chú giải 6 dịch phẩm về Luật học Phật giáo gồm toàn bộ lộ trình thực tập đạo đức từ tại gia đến xuất gia gồm: (i) Bồ-tát giới Phạn võng, (ii) Tỳ-kheo giới, (iii) Tỷ-kheo-ni giới, (iv) Thức-xoa-ma-na-ni giới, (v) Sa-di và Sa-di-ni giới, (vi) Quy Sơn cảnh sách.

Tất cả các bản văn về luật Phật giáo cần thiết cho người tập sự tu, chú tiểu, thọ giới Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-ni, Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni cho Luật Bồ-tát để hành trì suốt kiếp người nhằm đạt được chánh niệm tỉnh thức trong các oai nghi thì Đại sư Trí Quang đã dành thời gian cống hiến các dịch phẩm với chú thích đẳng cấp về phương diện học thuật.

Về Luận tạng có 5 tác phẩm triết luận Đại thừa quan trọng gồm (i) Luận Khởi Tín, (ii) Luận Đại Trượng Phu, (iii) Dị bộ tông luân luận: Lược thuật học thuyết của các bộ phái Tiểu thừa, (iv) Luận Chỉ Quán, (v) Nhiếp đại thừa luận: Luận văn Tổng quát về Đại thừa.

Đây là 5 bộ luận rất quan trọng trong các chương trình Phật học tại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Bắc Triều Tiên. Những người tu học Phật muốn hiểu sâu Phật giáo về triết lý và hành trì, những điểm tương đồng và dị biệt, các giai đoạn phát triển Phật giáo, các tông phái Phật giáo, những phương pháp hành trì trong Đạo Phật nên nghiên cứu 5 bộ luận quan trọng này.

Về các sáng tác khác, Đại sư Trí Quang đã viết và đăng trên nhiều tạp chí Phật học khác nhau những bài nghiên cứu nổi tiếng cũng như xuấ bản các sách bao gồm: (i) Tiểu truyện tự ghi, (ii) Vài đặc điểm của Phật Giáo, (iii) Cao Tăng Pháp Hiển, (iv) Ngọn lửa Quảng Đức, (v) Từ Rạch Cát tới Tòa Đại Sứ, (vi) Người Xuất gia, (vii) Vua Lương Võ Đế, (vii) Lời tụng Tôn kính đức Phật đương lai, (viii) Đọc Pháp Cú Nam Tông, (ix) Người Phật tử tại gia v.v…

Đó là những tác phẩm và dịch phẩm tiêu biểu của Đại sư Trí Quang. Ngoài ra còn nhiều sáng tác khác đã được đăng trên nhiều tạp chí trong suốt hơn 56 năm qua.

Tóm lại, khi đề cập đến Đại sư Trí Quang, chúng ta nên nhớ có 3 di sản mà Ngài đã để lại cho đất nước và con người Việt Nam:

-   Di sản Thứ nhất: Đại sư Trí Quang lãnh đạo thành công phong trào Phật giáo năm 1963, mang lại công bằng bình đẳng cho đạo Phật, chấm dứt sự đàn áp tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, nhờ đó Phật giáo tiếp tục trường tồn từ năm 1963 đến nay. Nếu không có phong trào bất bạo động 1963 do Đại sư Trí Quang lãnh đạo thành công thì Phật giáo đã có thể bị diệt vong và mất khỏi bản đồ văn hoá, tôn giáo, chính trị Việt Nam rồi.

-   Di sản Thứ hai: Sau khi thiêu 1 ngày, vào ngày 12-11-2019, Đại sư Thích Trí Quang đã để lại “Xá lợi xương đầu” đầu tiên trên thế giới và độc nhất cho đến thời điểm hiện nay. Mặc dù các xương khác cứng hơn như là xương đùi, xương chân đã trở thành các mãnh vụn, trong khi xương đầu của Đại sư Trí Quang vẫn còn nguyên sau gần 1 ngày thiêu. Xá-lợi đầu tượng trưng cho trí tuệ siêu việt của Đại sư Trí Quang trở thành niềm kính tin Tam bảo đối với sự tu học của Tăng Ni và Phật tử Việt Nam.

-   Di sản Thứ ba:Hơn 40 dịch phẩm và tác phẩm về Kinh, Luật, Luận và những tác phẩm khác của Đại sư Trí Quang thể hiện tầm nhìn sâu sắc về Phật pháp và sự thực chứng của ngài trên con đường hành trì Phật pháp, chuyển hoá khổ đau. Các tác phẩm Phật học của Đại sư Trí Quang đã giúp nhiều thế hệ Tăng, Ni trong quá khứ, ở hiện tại và tiếp tục trong tương lai như nguồn trí tuệ dẫn dắt và khai sáng mắt tuệ cho người tu học Phật.

Đó là 3 di sản quan trọng Đại sư Trí Quang đã để lại cho đời. Tôi rất kính mong chư tôn đức Tăng, Ni và các quý Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước hãy trân trọng các di sản cao quý của Đại sư Trí Quang.

Trong những ngày qua và những ngày sắp tới, hay đến ngày 2 tháng 11 dương lịch mỗi năm, khi mà cộng đồng Thiên chúa giáo cực đoan và những người phục hưng tinh thần Ngô Đình Diệm tổ chức tưởng niệm Ông Diệm độc tài mà họ gọi là Thánh lễ, thì họ sẽ đưa ra nhiều thuyết nguỵ biện để thóa mạ, vu cáo Bồ-tát Thích Quảng Đức và Đại sư Trí Quang, nhằm chống đối và bôi nhọ phong trào Phật giáo bất bạo động năm 1963. Họ sẽ dựng lên các tà thuyết, những câu chuyện sai với lịch sử nhằm kết tội Phật giáo là tội đồ của dân tộc, trong khi Phật giáo là nạn nhân do chính quyền Ngô Đình Diệm tạo ra.

Những chủ trương thâm độc của những người theo tinh thần phục hưng Ngô Đình Diệm sẽ không thể thay đổi được vết nhơ lịch sử do ông Ngô Đình Diệm và chính quyền của ông tạo ra. Nên nhớ, lịch sử bao giờ vẫn là lịch sử, sự thật bao giờ vẫn là sự thật. Cộng đồng Phật giáo Việt Nam đã, đang đứng về phía sự thật cho nên không sợ những luận điệu xuyên tạc và sự nguỵ biện của những người không biết tôn trọng sự thật.

Nếu ông Ngô Đình Diệm do chính sách đàn áp Phật giáo, giết trẻ em vô tội dẫn đến tình trạng bị thuộc hạ của ông ám sát thì các thuyết nguỵ biện, vu cáo, xuyên tạc, thóa mạ Bồ-tát Thích Quảng Đức, Đại sư Trí Quang và phong trào Phật giáo đấu tranh bất bạo động năm 1963 sẽ tự diệt vong, giống như bóng tối bị tan biến khi vầng thái dương ló dạng và tỏa chiếu khắp nơi.

Kính chúc chư tôn đức Tăng, Ni an lành và hanh thông Phật sự. Kính chúc các quý Phật tử tinh tấn hơn nữa trên con đường học chân lý Phật, tu dưỡng đạo đức Phật, thực tập thiền định Phật và ứng dựng chân lý Phật, chia sẻ chân lý Phật trong cuộc sống, góp phần khép lại toàn bộ nỗi khổ, niềm đau, mở ra an vui hạnh phúc cho đời.

 

CHÚ THÍCH

(1) Pháp thoại do TT. Thích Nhật Từ thuyết giảng tại Chùa Giác Ngộ, ngày 15/11/2019, do Thích Ngộ Trí Viên và Trần Lý Phương Nguyên phiên tả và biên tập. Xem toàn Video pháp thoại này trên kênh Youtube của Đạo Phật Ngày Nay: https://youtu.be/wKMqN5xRbUI hoặc Video trên Facebook Thích Nhật Từ: https://www.facebook.com/ThichNhatTu/videos/2668365213228951?vh=e&d=n&sfns=mo

(2) Xem bài viết “Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang: 'Một trang lịch sử” của GS.TS. Cao Huy Thuần đăng trên BBC tiếng Việt, ngày 10-11-2019, tại https://www.bbc.com/vietnamese/forum-50364375  hoặc Báo Giác Ngộ, với tựa đề: “Thầy Trí Quang - Một trang lịch sử” đăng ngày 10-11-2019 tại https://giacngo.vn/lichsu/nhanvat/2019/11/10/3356D0/

(3) Xem chương trình Bàn tròn thứ Năm trên BBC tiếng Việt lúc 19:08, ngày 14-11-2019 sẽ thấy quan điểm của ông Trương Nhân Tuấn và Mặc Lâm đại diện cho thuyết ngụy biện, kết tội đại sư Trí Quang.

(4) Hai quyển sách của thiếu tá Liên Thành gồm “Biến động miền Trung” xuất bản năm 2009 và “Thích Trí Quang, thần tượng hay tội đồ dân tộc” xuất bản năm 2014 là đại diện tiêu biểu của những người theo Thiên chúa giáo, phục hưng tinh thần độc tài của Ngô Đình Diệm, dựng lên thuyết ngụy biện, nhằm chụp mủ, xuyên tạc Đại sư Trí Quang và phong trào Phật giáo 1963.

 (5) Ahimsa trong tiếng Sanskrit có nghĩa là tính bất hại, bất bạo động. Ahimsa được xem là nguyên tắc đạo đức, tư tưởng cốt lõi của các Tôn giáo ở Ấn Độ, đặc biệt của Phật giáo, nhằm phát triển tâm từ bi, bảo vệ hòa bình, tôn trọng sự sống, thương yêu loài vật và góp phần bảo vệ môi trường.

 (6) Xem MC Quốc Phương dịch trong chương trình Bàn tròn thứ Năm trên BBC tiếng Việt, lúc 19:08 ngày 14-11-2019.

 (7) Tác phẩm “Trí Quang tự truyện”, Nhà Xuất Bản Tổng TP.HCM 2011. Có thể xem file PDF tại link sau đây: https://thuvienhoasen.org/a15441/tri-quang-tu-truyen

 (8) Tác phẩm Trí Quang tự truyện đã dẫn nêu trên.

 (9) Mặc Lâm trong chương trình Bàn tròn thứ Năm trên BBC tiếng Việt, lúc 19:08 ngày 14-11-2019. Thiếu tá Liên Thành trong 2 tác phẩm của ông là “Biến động miền Trung” xuất bản năm 2009 và “Thích Trí Quang, thần tượng hay tội đồ dân tộc” xuất bản năm 2014.  Quan điểm của Emily Langer đăng trên tờ Washington Post, ra ngày 14-11-2019 với tựa đề “Thích Trí Quang, một nhà sư Phật giáo nắm quyền lực chính trị trong chiến tranh Việt Nam, qua đời ở tuổi 95”. Cuối bài, tác giả Thiên chúa giáo này viết sai lệch như sau: “Trong câu chuyện chính năm 1966, tờ Time đã đưa tin rằng đại sư Trí Quang đã sống ít nhất một thời gian trong một phòng giam nhỏ ở chùa, nơi ông không ăn thịt, thuốc lá hay rượu. Ông đã vươn lên với mặt trời, một phóng viên viết, dành một phần ba ngày thức dậy để cầu nguyện, một phần ba để hoạt động và một phần ba để suy ngẫm về những sai lầm của mình. Paul Mooney tại Hà Nội đã đóng góp cho bản tin này.” Toàn bản tin có thể xem tại link: https://www.washingtonpost.com/local/obituaries/thich-tri-quang-buddhist-monk-who-wielded-political-might-during-vietnam-war-dies-at-95/2019/11/13/ec573008-0588-11ea-8292-c46ee8cb3dce_story.html?fbclid=IwAR2p3n1BDmM0dsU2h2Qngtnp0nxCLPf6PTqBKCCgV-2RHP2Uem6JZQJhcTg

(10) Trước đây, bộ sách Trí Quang toàn tập do NXB Tổng hợp TP.HCM cấp giấy phép in và được HT. Thích Trung Hậu, pháp tử của Đại sư Trí Quang ấn tống. Mấy năm trở lại đây, bộ sách này được Tu viện Quảng Hương Già Lam, nơi Đại sư Trí Quang ở 15 năm, ấn tống. Danh mục các sách của Đại sư Trí Quang có thể xem tại link: https://thuvienhuequang.vn/blogs/bai-viet/chua-quang-huong-gia-lam-tang-thu-vien-hue-quang-bo-phap-anh-luc-cua-truong-lao-ht-thich-tri-quang

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập