Di sản Đại sư Trí Quang để lại cho Việt Nam

Đã đọc: 4697           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đại sư Trí Quang có công bảo vệ Phật giáo Việt Nam trường tồn với lịch sử, đất nước và con người Việt Nam, giúp Phật giáo Việt Nam khỏi nạn diệt vong của chính quyền Ngô Đình Diệm. Đại sư Trí Quang có công làm cho chân lý Phật ở miền Nam tiếp tục tỏa sáng, nhờ đó, hàng chục triệu người biết đến Phật giáo, nhờ đó, sống an vui, hạnh phúc và hữu ích cho đời.

DI SẢN ĐẠI SƯ TRÍ QUANG ĐỂ LẠI CHO VIỆT NAM[1]

Thích Nhật Từ

 

1. KỶ NIỆM KHÓ QUÊN VỚI ĐẠI SƯ TRÍ QUANG

  Vào lúc 21h45, ngày 8/11/2019, cộng đồng Phật giáo Việt Nam trong nước và trên thế giới vô cùng đau xót khi biết tin Đại sư Trí Quang đã về cõi Phật.

Ngày 8/11/2019, tôi hoàn tất 13 ngày hướng dẫn đoàn hành hương Đạo Phật Ngày Nay bao gồn 159 thành viên chiêm bái các Phật tích tại Ấn Độ và Nepal. Tối cùng ngày, tôi bay từ Delhi đến Seoul, và hay tin Đại sư Trí Quang viên tịch vào tối ngày 8/11. Vì trong thời điểm đó, tôi đang cùng đoàn Phật tử 82 người phải di chuyển liên tục trong 5 ngày (9–13/11/2019) nên không có thời gian để chia sẻ về những đóng góp to lớn của Đại sư Trí Quang để lại cho Việt Nam.

Sáng 10/11/2019, tôi cùng với phái đoàn lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) chứng minh Lễ ra mắt Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay ở Hàn Quốc. Trước khi lễ ra mắt diễn ra, lãnh đạo GHPGVN và 500 Phật tử đại diện cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc làm Lễ tưởng niệm Đại sư Trí Quang.

Dù trong thâm tâm rất muốn nhưng tôi không có thời gian để dành một buổi chia sẻ về “Di sản Đại sư Trí Quang để lại cho Việt Nam”. Hôm nay, ngày 15/11/2019, sau 8 ngày về cõi Phật của Đại sư Trí Quang, tôi giới thiệu những đóng góp to lớn của Đại sư Trí Quang cho việc bảo vệ Phật giáo Việt Nam, điển hình là trong Pháp nạn 1963. Sau mùa xuân 1975, Đại sư Trí Quang dành trọn thời gian còn lại vào việc phiên dịch và chú giải hơn 40 tác phẩm Phật học, làm kim chỉ nam thực tập chân lý Phật, đạo đức Phật và thiền tập Phật giáo cho cộng đồng Phật giáo Việt Nam.

Vào ngày 29/9/1984, tôi được bổn sư là HT. Thích Thiện Huệ thế phát xuất gia tại Chùa Giác Ngộ, Q. 10, TP. HCM. Một ngày sau đó, tôi được TT. Thích Nhật Trí hướng dẫn đi đảnh lễ 10 vị Cao tăng Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ. Người đầu tiên là Đại sư Trí Quang, lúc bấy giờ, ngài đang hành đạo tại Chùa Ấn Quang. Tôi còn nhớ rất rõ, ngài xoa đầu tôi trong ngày xuất gia thứ 2 của tôi và nhắc nhở tôi nỗ lực hành trì, giới luật tinh nghiêm, làm các Phật sự để đóng góp cho Phật giáo.

Trong mấy chục năm qua, tôi được vinh dự tiếp kiến Đại sư Thích Trí Quang hơn 20 lần tại chùa Ấn Quang, nơi Đại sư Trí Quang hành đạo và 3 lần tại Chùa Già Lam, Quận Gò Vấp, Tp. HCM. Lần cuối cùng, tôi đến thăm ngài là năm 2016 tại Chùa Từ Đàm, TP. Huế.

Trong bài nói chuyện này, tôi chia sẻ ba di sản quan trọng mà Đại sư Trí Quang đã để lại cho đất nước và con người Việt Nam nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Trước khi nói về các di sản quan trọng này, tôi xin điểm lược đạo nghiệp của Đại sư Trí Quang, lễ tang đặc biệt của ngài và xá-lợi đầu tượng trưng cho trí tuệ, rất đặc biệt và duy nhất trên thế giới.

 

2. TIỂU SỬ CỦA ĐẠI SƯ TRÍ QUANG[2]

Sáng 11/11/2019, hàng trăm Tăng Ni và hàng nghìn Phật tử trong nước và nước ngoài đã đến chùa Từ Đàm từ 5h sáng. Sáng hôm đó, trời đổ cơn mưa lớn nhưng dòng người khắp nơi đổ về mặc áo mưa, che ô, đứng ngoài đội mưa đọc kinh, để có được cơ hội tiễn đưa Đại sư Trí Quang đến nơi làm lễ hỏa thiêu.

Dọc theo đoạn đường 11km, các Phật tử đã quỳ bên vệ đường dưới trời mưa để tiễn đưa Đại sư Trí Quang về nơi an nghỉ cuối cùng. Kim quan của Đại sư Trí Quang được làm lễ hoả thiêu tại Công viên Vĩnh Hằng, Vườn Địa Đàng (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, cách Tp. Huế khoảng 11km).

Ngài quê gốc Hải Dương, sinh tại tỉnh Quảng Bình vào 21/12/1923. Xuất gia năm 1936 tại Chùa Phổ Minh (Quảng Bình), được Bổn sư đặt pháp danh Nhật Quang, pháp tự Trí Hải, pháp húy Thiền Minh, đạo hiệu Trí Quang.

Đại sư Trí Quang không chỉ là bậc danh Tăng của Phật giáo thế giới trong thời hiện đại, mà còn là bậc cao Tăng và là một trong những nhân vật Phật giáo có những đóng góp rất to lớn cho lịch sử Phật giáo Việt Nam đương đại.

Về thân thế

Đại sư Trí Quang, thế danh Phạm Quang, sinh vào giờ Thìn, ngày 21 tháng 12 năm 1923 (Quý Hợi) tại làng Diêm Điền, tỉnh Quảng Bình. Ngài là người con thứ tư trong gia đình gồm 6 anh chị em. Thân phụ của Ngài pháp danh Hồng Nhật, Thân mẫu pháp danh Hồng Trí, đều là hai Phật tử rất thuần thành.

Về xuất gia tu học

Ngài xuất gia năm 1938 (Mậu Dần, có nơi nói là năm 1936) với Đại sư Hồng Tuyên ở Chùa Phổ Minh, Quảng Bình, thuộc dòng Thiền Lâm Tế Thiên Đồng Đạo Mân.

  Từ năm 1939 đến 1944, học tại Trường An Nam Phật Học do Hội An Nam Phật Học thành lập từ năm 1932 tại Cố đô Huế, được Đại Sư Giác Tiên làm Giám đốc và Đại Sư Trí Độ làm Đốc giáo, Giáo thọ tại trường Phật học còn có Cư sĩ Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám.

Đại sư Trí Quang là người đậu thủ khoa, vượt trội hơn các bạn đồng tu lúc bấy giờ bao gồm Đại sư Thiện Hoa, Đại sư Thiện Hoà, Đại sư Trí Tịnh, Đại sư Thiện Siêu, Đại sư Trí Minh và nhiều vị đại sư khác…

Về thời khành đạo

Sau khi tốt nghiệp chương trình Phật học vào năm 1944, Đại sư Trí Quang được  Đại sư Trí Độ đặt pháp hiệu Trí Quang.

Năm 1946 – PL. 2490 (Bính Tuất), Đại sư Hồng Tuyên tổ chức truyền thọ giới Tỳ-kheo và đặt pháp hiệu cho Ngài là Thiền Minh. Từ đó, ngài bắt tay vào soạn thảo đề án thống nhất Phật giáo Việt Nam trên toàn quốc để tạo ra sức mạnh hành chính và thống nhất về việc tu trì, và cách thức làm đạo, vốn đã bị yếu kém do chính sách vị Thiên Chúa giáo trong thời kỳ Pháp thuộc (1884 – 1945).

Năm 1947, ngài trở về quê nhà Quảng Bình, chính thức thọ Bồ-tát giới vào ngày 28/02/1947. 

Năm 1948 – PL. 2492 (Mậu Tý), Đại sư Trí Quang trở thành giảng viên Phật học tại Phật học đường Báo Quốc.

Năm 1949 – PL. 2493 (Kỷ Sửu), ngài được bầu làm Hội phó Tổng Trị sự Hội Phật Học do HT. Thích Đôn Hậu làm Hội chủ đích thân mời.

Năm 1950 - PL. 2494 (Canh Dần) Đại sư Trí Quang vào Sài gòn góp sức vận động thống nhất ba Phật học viện lúc bấy giờ: Phật Học Đường Liên Hải, Mai Sơn và Ứng Quang (về sau đổi thành Ấn Quang), nhằm thành lập Phật học đường Nam Việt. Đồng thời chung sức vận động thành lập Hội Phật học Nam Việt có uy tín thời bấy giờ.

Sau đó, ngài về Huế, làm chủ bút của Tạp chí Viên Âm. Cuối 1950, Đại sư Trí Quang được cử làm chủ tọa phiên họp sơ bộ để thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, do Đại sư Tố Liên đề xướng sau khi tham dự Đại hội Phật giáo Thế giới tại Tích Lan (Sri Lanka). Đại sư Trí Quang bắt đầu vận động thống nhất Phật Giáo Việt Nam, một phần do các tác động toàn cầu của phong trào chấn hưng Phật giáo do “Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới” khởi xướng tại Tích Lan vào năm 1950, một phần do nguyện vọng chính đáng của cộng đồng Phật giáo Việt Nam trong nước, và đó là nhu cầu cấp bách, thiết yếu nhằm làm lớn mạnh Phật giáo Việt Nam sau thời ký Pháp thuộc.

Năm 1952, Đại sư Trí Quang tham dự Đại hội kỳ 2 của Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới tại Nhật Bản.

Năm 1955, ngài làm Hội Trưởng Tổng Trị Sự Hội Phật Học, Ngài đã vận động đổi tên Hội Phật Học thành Hội Phật Giáo, và đưa Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam đặt trụ sở ở Sài Gòn để phát triển Phật giáo ngày một lớn mạnh hơn.

Năm 1963, Đại sư Trí Quang lãnh đạo phong trào đấu tranh Phật giáo bất bạo động chống chính sách kỳ thị, đàn áp Phật giáo của chính quyền Thiên chúa giáo Ngô Đình Diệm. Anh của Ngô Đình Diệm là Giám mục Ngô Đình Thục vì muốn Thiên Chúa giáo có vai trò độc tôn hướng đến quốc đạo ở Việt Nam và bản thân sớm được làm Hồng Y, nên ông Diệm đã xuống tay đàn áp Phật giáo một cách khốc liệt.

Đạo Dụ số 10 được xem Dụ bổ túc, nhằm tăng cường sự hạ giá và kỳ thị Phật giáo vốn là một ứng xử bất công và vi phạm luật pháp lúc bấy giờ. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho sửa điện Thái Hòa trong Hoàng Thành Huế, có lưỡng long mà không có nhật nguyệt để cắm cây Thánh Giá vào vị trí đó. Mọi việc suôn sẻ thì tòa Hồng Y sẽ đặt ở vị trí này.

Cao trào là mùa Phật đản 1963, Ngô Đình Diệm chính thức ra lệnh triệt hạ cờ Phật Giáo để Vatican có thể nhìn thấy tại Việt Nam, đặc biệt là dân Huế đều theo đạo Thiên Chúa. Điều này đã tạo ra những ứng xử rất bất công, đàn áp Phật giáo, bắt bớ Tăng Ni dẫn đến cái chết của một người vô tội.

Chính phong trào đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm đã trở thành cơ hội để Phật giáo đấu tranh bất bạo động đòi lại sự bình đẳng tôn giáo mà luật pháp lúc bấy giờ hứa hẹn nhưng không thực thi. Vai trò lãnh đạo Phật giáo đấu tranh bất bạo động của Đại sư Trí Quang là yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công bảo vệ Phật giáo khỏi sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm vốn thiên vị Thiên Chúa giáo.

Năm 1964, Đại sư Trí Quang được bầu chọn làm Chánh Thư ký Viện Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Năm 1966, Ngài bị bắt và bị quản thúc tại Sài Gòn. Ngài đã tuyệt thực 100 ngày[3]. Trong thời gian đó, ngài dành thời gian cho thiền định, thực tập tâm từ bi và viết 2 tác phẩm Phật học, đồng thời, kêu gọi mọi người hoá giải hận thù, cầu nguyện hoà bình tái lập tại Việt Nam.

Đại sư Trí Quang có một câu tuyên bố nổi tiếng như sau: “Chúng tôi nguyện đem xương máu để trang trải cho Phật Pháp và nếu chết là chết như cái chết của chân lý trước bạo lực, chứ không phải bạo lực này chết vì kém bạo lực khác”. Đó là một trong những tuyên bố hùng hồn của Đại sư Trí Quang vào năm 1966 và thể hiện được một phần nào quan điểm của Ngài trong cuộc đấu tranh bất bạo động từ 1963 – 1966 nhằm tìm lại công bằng xã hội cho miền Nam Việt Nam cũng như công bằng tôn giáo mà chính quyền Ngô Đình Diệm đã đàn áp.

  Sau vụ Sắc Luật 23/67, Đại sư Trí Quang đã trở về ẩn tu, nỗ lực phiên dịch kinh điển Phật giáo và hướng dẫn Tăng Ni tu học. Từ 1975 - 2012, Đại sư Trí Quang tịnh tu, nỗ lực trước tác, biên dịch, chú giải hơn 40 tác phẩm Phật học tại Chùa Ấn Quang và Tu Viện Quảng Hương Già Lam.

  Năm 2013, ở tuổi 91, sau hơn 50 năm lưu trú hành đạo tại Tp. HCM, Đại sư Trí Quang về thăm quê nhà Quảng Bình, nơi chôn nhau cắt rốn và được Bổn sư thế độ xuất gia, Ngài đã thăm lại mộ phần của song thân. Sau đó, quyết định lưu lại chốn cũ là Tổ đình Từ Đàm, tiếp tục việc dịch thuật kinh điển và chuyên tâm hành trì giới luật tới ngày viên tịch.

Sau vài ngày pháp thể khiếm an Đại sư Trí Quang đã thuận thế vô thường an nhiên viên tịch tại phương trượng Tổ đình Từ Đàm, Cố đô Huế lúc 21 giờ 45 phút, ngày 8 tháng 11 năm 2019 (nhằm ngày 12 tháng 10 năm Kỷ Hợi), trụ thế 97 năm, 72 hạ lạp.

 

3. LỄ TANG ĐẶC BIỆT CỦA ĐẠI SƯ TRÍ QUANG

Di nguyện của Đại sư Trí Quang về lễ tang của mình rất đơn giản. Di nguyện ấy đã được HT. Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Trụ trì Chùa Từ Đàm công bố. Trong công bố này, di nguyện của Đại sư Trí Quang gồm có 6 điều[4] như sau:

(i) Sau giờ chết rồi, độ 6 giờ là liệm

  Tức ngài mong mỏi việc liệm của ngài là 6 giờ sau khi về cõi Phật. Điều này vượt lên trên các mặc định của Tịnh độ tông cho rằng phải chờ sau 8 tiếng không được đụng vào cơ thể, vốn đó chỉ là quan niệm dân gian chứ không phản ánh được lời Phật dạy về thời gian sau khi chết bao lâu thì được liệm và làm lễ hoả thiêu.

Đối với những người theo Phật giáo Ấn Độ thì lễ hoả thiêu thường được diễn ra trong vòng 8 giờ kể từ lúc qua đời và hoàn toàn không lệ thuộc vào ý niệm 8 giờ sau khi chết, vì sợ rằng làm trước thì tâm thức của người chết chưa rời khỏi cơ thể có thể khởi dậy tâm lý bất thiện, ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh giới tái sinh và thái độ sống của người tái sinh sau đó.

(ii) Sau khi liệm xong, các pháp tử chỉ lạy 3 lạy rồi đưa ra xe tang

  Nguyện vọng của ngài là muốn tổ chức một lễ tang thật đơn giản, không nhiều hoa quả, đèn đuốc, nhang dầu v.v... như các tang lễ Phật giáo thường thấy. Cụ thể, HT. Thích Hải Ấn thay mặt cho Tổ đình Từ Đàm đã phương tiện, thay vì ban đầu di nguyện rằng sau 6 giờ kể từ giờ liệm thì các pháp tử chỉ cần lạy 3 lạy rồi đưa ra xe tang. Ban tổ chức đã để 3 ngày để chư Tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử xa gần có cơ hội đến chiêm bái Ngài trước khi lễ hoả thiêu chính thức được diễn ra.

(iii) Không bàn thờ, bát nhang, báo tang, thành phục, đưa đám và phúng điếu

  Ban tổ chức đã tuân thủ theo di huấn của Đại sư Trí Quang làm đúng phần này, mà mục đích để cho người tu học Phật nhớ về nguyên lý vô thường là một quy luật chi phối tất cả mọi người. Dù là ai, vị thế xã hội nào, sau khi chết thì tất cả chúng ta đều trở về với cát bụi. Là người tu học, chúng ta nhớ lời dạy của đức Phật: Thi thể này, gia tài, sự nghiệp, động sản, bất động sản, mọi thứ trên đời và những gì chúng ta tạo dựng được không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi không phải là sở hữu của tôi.

Đại sư Trí Quang đã nhắc nhở chúng ta về thực tập phi ngã để không quan trọng hoá thi thể, cũng như lễ tang mà thông thường người tại gia vướng bận vào tình cảm, mối quan hệ huyết thống thường để lại những giọt nước mắt trong sinh ly tử biệt. Ở đây, Đại sư Trí Quang đã vượt lên trên tất cả những giới hạn thông thường đó.

 

(iv) Chuyển đến lò thiêu. Thiêu rồi đem về chùa làm tuần, chung thất, trăm ngày, tiểu tưởng và đại tường.

  Ban tổ chức đã làm đúng với di nguyện này. Việc tiến hành các tuần thất cũng như là những dịp kỵ giỗ chủ yếu để nhắc lại cho tất cả Tăng Ni và Phật tử về những đóng góp to lớn của Đại sư Trí Quang trong việc bảo vệ Phật giáo khỏi nạn diệt vong của chính quyền Ngô Đình Diệm vào năm 1963, cũng như tấm gương sáng ngời, giới hạnh thanh cao và phụng sự Phật giáo để làm kim chỉ nam tu học cho cộng đồng Phật tử trong nước và nước ngoài.

(v) Mỗi lễ chỉ tụng một trong các Kinh: Địa Tạng, Kim Cương, Bồ-tát giới, Pháp Hoa và Thủy Sám

Đây là những bản Kinh, Sám văn và giới luật được Đại sư Trí Quang đã dày công phiên dịch, chú giải. Ngài gợi ý cho các pháp tử của Ngài cứ mỗi một tuần thất hoặc vào những ngày kỷ niệm chọn một trong các bài Kinh quen thuộc đó để đọc tụng, nhắc nhở cho tứ chúng về chân lý Phật, đạo đức Phật, đưa vào cuộc sống hành trì để được an vui hạnh phúc.

Cách làm tuần thất, tiểu tường và đại tường như thế này hoàn toàn khác với việc làm đám, cúng dường trai tăng tại các chùa. Chủ yếu đọc lại các bài kinh quan trọng của Phật giáo Bắc truyền để nhắc nhở sự hành trì của chúng đệ tử xuất gia và các Phật tử tại gia.

(vi)Mỗi lễ đều không thông báo và không mời ai dự cả

Ý nghĩa thâm sâu của di nguyện này là xem sự chết như điều hiển nhiên, sự ra đi của một bậc Đại sư âu cũng là quay trở về với cái quy luật vốn có của mọi sự vật. Đó là mọi vật có điều kiện được hình thành, tồn tại, phát triển một thời gian rồi đều phải có thời điểm kết thúc. Điểm khép lại của sự sống ở kiếp này đối với cơ thể của chúng ta không phải là dấu chấm cuối cùng của cuộc đời.

Đại sư nhắc nhở chúng ta điều đó, cho nên không nên quan trọng hoá việc làm lễ cúng thất, cúng 100 ngày, lễ tiểu tường, lễ đại tường và cũng không nên quan trọng hoá việc đưa kim thân của Ngài vào trong bảo tháp.

Vào thời đức Phật thì việc nhập bảo tháp được Ngài dạy trong Kinh Đại Bát Niết-bàn chỉ áp dụng cho 3 đối tượng: (i) Bậc Giác ngộ viên mãn (Phật), (ii) Thánh A-la-hán, và (iii) Chuyển luân thánh vương. Sau này các Chùa có khuynh hướng nhập bảo tháp các bậc cao tăng để các thế hệ đời sau nhớ đến công lao to lớn của các bậc tiền bối. Đó là phần phương tiện, mặc dù chư Tổ không hề có dụng ý như thế. Đại sư Trí Quang hoàn toàn không muốn các vị pháp tử làm tháp cho mình mà chọn giải pháp thiêu.

Lễ tang của Đại sư Trí Quang được xem là đơn giản nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tư duy sâu sắc hơn, những giá trị đóng góp của Ngài không thể bị giới hạn trong một bảo tháp, không giới hạn ở trong một buổi lễ, mà chúng mang ý nghĩa bất tận, bất khả tư nghì.

Cho đến lúc nào, chúng ta còn nghĩ đến việc bảo vệ Phật giáo, truyền bá Phật giáo, đưa Phật giáo vào trong cuộc sống như tinh thần phụng sự và đóng góp của Đại sư Trí Quang, thì đến lúc đó chúng ta còn gặp được Ngài dưới hình thức biểu tượng.

Lễ tang của Đại sư Trí Quang được xem là một “đại lễ” theo nghĩa bóng, mà trên thực tế là một lễ rất giản dị, không bê tích, lọng che, trống, kèn... Tất cả dựa trên sự tự giác, vì không hề có thông báo cùng vân tập về Tổ đình Từ Đàm tham dự lễ tang. Chư Tôn đức trong Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHGPVN, lãnh đạo 13 ban ngành Trung ương, 63 Ban Trị sự GHPGVN tại các tỉnh, thành, hàng nghìn Tăng Ni trên toàn quốc và hàng vạn các Phật tử vì lòng tôn kính bậc Đại sư có công lao to lớn trong suốt một đời tận tụy vì đạo mà đến viếng tang.

 

4. XÁ-LỢI XƯƠNG ĐẦU ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT TRÊN THẾ GIỚI

  Sau lễ hoả thiêu một ngày, vào ngày 12/11/2019, khi mở nắp lò hoả thiêu ra toàn bộ gỗ của quan tài chứa đựng nhục thân Đại sư Trí Quang đã trở thành tro bụi, toàn bộ các xương lớn và cứng như xương sườn, xương tay, xương chân, đã trở thành các mảnh xương rất nhỏ, vở vụn.

Rất ngạc nhiên khi nhìn thấy toàn bộ xương đầu của Đại sư Trí Quang, còn gọi là “Xá-lợi thượng thủ” hay “Xá-lợi đỉnh cốt”[5] vẫn còn y nguyên với màu trắng tinh nổi trội và trở thành tiêu điểm quan tâm của đông đảo Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong nước và nước ngoài. Xá-lợi của Ngài đã được chia làm 3 phần dành cho 3 ngôi Chùa[6] phụng thờ: (i) Chùa Đại Giác, đường Lê Lợi, phường Hải Đình, Tp. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, (ii) Chùa Từ Đàm, số 1 đường Liễu Quán, phường Trường An, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế và (iii) Tu Viện Quảng Hương Già Lam, 498/11 Lê Quang Định, phường 01, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh (nơi Ngài đã có khoảng 15 năm tu tập và dảo đính lại các tác phẩm dịch thuật & chú giải của Ngài).

Tôi rất lấy làm tiếc là Chùa Ấn Quang, nơi Đại sư Trí Quang đã có mấy chục năm hành đạo. Có lẽ đó là ngôi chùa mà Ngài gắn kết đời của mình nhiều nhất, dài nhất và các tác phẩm do Ngài phiên dịch & chú giải được ra đời tại Chùa Ấn Quang, lại không nằm trong danh sách được nhận xá-lợi của Ngài để tưởng niệm và tôn thờ. Giá như Ban tang lễ và các pháp tử dành thêm một phần xá-lợi cho Chùa Ấn Quang thì sẽ trọn tình đạo lý hơn

Khi mở lò hoả thiêu ra, "Xá-lợi thượng thủ" của Đại sư Trí Quang như một khối ngọc trắng giữa một đống tro tàn. Những phần xương khác đều đã cháy vỡ và xỉn màu. Đối với những người, Hội, Đoàn theo Việt Nam Cộng Hòa, hay chống phá Phật giáo, thiếu thiện cảm với đạo Phật, muốn phục hưng tinh thần Ngô Đình Diệm thì nhân dịp này họ đưa ra những ngụy thuyết rằng đầu là phần xương cứng nhất của thân thể, do đó, còn lại xương đầu là bình thường. Thực ra, sau khi thiêu 24h, tất cả xương cứng trở thành các mảnh vụn, xương đầu tuy cứng, nhưng không cứng hơn xương đùi mà còn nguyên vẹn. Đó là chưa nói đến gỗ áo quan cháy rồi sập xuống mà không làm bể xương đầu của ngài. Đó là điều hiếm thấy và trở thành biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo.

Những người muốn phục hưng tinh thần độc tài của Ngô Đình Diệm nhân dịp này thường dùng hình ảnh đầu lâu để nói về cái chết, nỗi sợ hãi để xuyên tạc, làm mất đi giá trị đóng góp của Đại sư Trí Quang trong Pháp nạn Phật giáo 1963, cũng như các di sản của Ngài về phiên dịch kinh sách và hướng dẫn Tăng Ni tu học.

Những người muốn phục hưng tinh thần của Ngô Đình Diệm đã cố tình dựng lên những lý giải sai lầm, các thuyết ngụy biện để làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của Việt Nam lần đầu tiên có “xá-lợi xương đầu”.

Đối với hàng nghìn người Việt Nam vô tội và hàng ngàn người Campuchia bị chủ nghĩa Khmer Đỏ[7] diệt chủng thì các nạn nhân đã để lại xương đầu, xương tay, xương chân, xương sườn là vì tất cả các loại xương này không qua hỏa thiêu, nên còn sót lại nhiều xương âu cũng là chuyện thường. Còn nhục thân của Đại sư khi đã qua trà tỳ 24h mà xương đầu vẫn còn nguyên là một điều vô cùng đắc biệt.

Xá-lợi (P=S. Śarīra) thường được phiên âm bằng những từ khác nhau, từ thông dụng nhất là xá-lợi hay thật-lợi (實利), thiết-lợi-la (設利羅), thất-lợi (室利)… Sarīra cũng có nghĩa là tử thi đối với người vừa mới chết hay di cốt còn sót lại sau lễ hỏa thiêu.

Đối với đức Phật, sau lễ hoả thiêu thì di cốt của Ngài được gọi là “Phật cốt” hay gọi là “Phật Xá-lợi”, được chia làm 8 phần để trao tặng cho 8 vị vua là đệ tử tại gia của đức Phật dựng tháp đá thờ ở tại nước của họ. Vào thời Đức Phật thì Ấn Độ là nước liên bang cộng hoà gồm 16 tiểu bang. Cho đến thời điểm hiện nay (2019), các nhà khảo cổ học mới khai quật được 3/8 tháp thờ xá-lợi thật của Đức Phật. Các xá-lợi Phật không có màu của các loại đá quý như ma-ni, mã não, trân châu, hổ phách, lưu ly như các phái đoàn Phật giáo Tây Tạng, Việt Nam đã trưng bày và triển lãm trong mấy thập niên qua. Thực ra xá-lợi thật không có màu ngọc đá. Xá-lợi thật trải qua giám định AND để xác định gien di truyền của Đức Phật Thích-ca và trải qua thử nghiệm C14 để đo được niên đại tương thích với Đức Phật Thích Ca.

Còn xá lợi được triển lãm bởi cộng đồng Phật giáo thế giới bao gồm Việt Nam và Tây Tạng trong thời gian qua, tạm gọi là “xá-lợi niềm tin”, chứ không phải là xá-lợi thật. Đó là những viên đá có màu sắc mà người ta đã mạo nhận làm xá-lợi của Đức Phật với mục đích vận động tài chính cho các Phật sự. Điều đó không được khích lệ vì nó sai với bản chất sự thật lịch sử. Để làm Phật sự thì chúng ta có nhiều cách để vận động chứ đừng đem những viên đá màu mà mạo nhận là xá-lợi thật của Đức Phật.

Trong Kinh Trường A-hàm, quyển 4, kinh Du hành; Bồ-tát xử thai Kinh (Kinh Trường A-hàm, quyển 3, phẩm Thường, Vô thường); Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Đề-bà-đạt-đa, có đề cập đến 2 loại xá lợi gồm xá-lợi toàn thân và xá-lợi toái thân.

Về toàn thân xá-lợi, sau khi viên tịch, một số Tăng sĩ Phật giáo dù không trải qua bất kỳ nghệ thuật ướp xác nào như trường hợp của các vua Pharaoh ở Ai Cập nhưng thân thể của các Ngài có thể tồn tại từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.

Ở Trung Quốc có xá-lợi toàn thân của Lục tổ Huệ Năng, Đại sư Hám Sơn… Tại Việt Nam, chúng ta có xá-lợi toàn thân của Thiền sư Vũ Khắc Minh, Thiền sư Vũ Khắc Trường, Thiền sư Trương Chuyết và Thiền sư Như Trí. Ít nhất cho đến thời điểm hiện nay cộng đồng người Việt Nam trong nước có được 4 xá-lợi toàn thân của bốn vị Thiền sư.

Tại Thái Lan thì cộng đồng Việt Nam có thêm xá-lợi toàn thân Thiền sư Bảo Soái là người có công phát triển cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại xứ sở chùa vàng, thành lập ra Tông An Nam, mà hiện nay các nhà sư Thái Lan kế thừa. An Nam Tông giữ truyền thống Phật giáo Việt Nam, mặc áo nhật bình của Phật giáo Việt Nam, tụng linh Hán - Việt của Phật giáo Việt Nam, sinh hoạt theo tập tục của Phật giáo Việt Nam. Thiền sư Bảo Soái khi qua đời đã để lại toàn thân xá-lợi, đó là hiện tượng rất quý, rất lạ của cộng đồng Phật giáo Việt Nam trong nước. Về phương diện “xá-lợi toàn thân” thì Phật giáo Việt Nam phá kỷ lục trên thế giới là nước có xá lợi toàn thân nhiều nhất (gồm 5 nhục thân).

Về xá-lợi một phần (toái thân xá-lợi): Xá lợi này là kết quả của tiến trình hỏa thiêu hoặc trong vòng 8 – 24h bằng lò thiêu củi gỗ, hoặc lò thiêu đện tử. Tất cả những phần xương còn lại sau khi lễ hoả thiêu kết thúc thì được gọi là toái thân xá-lợi. Sự kiện Bồ-tát Quảng Đức tự thiêu, phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm với những đạo luật khắc khe, phân biệt đối xử tôn giáo, đàn áp Phật giáo, sau khi hỏa thiêu lần thứ nhất tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là CMT8 và Nguyễn Đình Chiểu) và thiêu lần thứ hai tại lò thiêu với nhiệt độ 4.000 độ C vẫn còn lưu giữ lại “xá-lợi trái tim” là một dấu ấn gây chấn động Phật giáo Việt Nam và toàn thế giới. Hiện nay, “trái tim bất diệt” của Bồ-tát Quảng Đức (trái tim từ bi) đang được tôn trí tại Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, được bảo vệ rất là cẩn mật.

Tại Trung Hoa, Đại sư Cưu-ma-la-thập, người có công phiên dịch Kinh điển Phật giáo Đại thừa từ tiếng Sanskrit qua tiếng Hán để lại “xá-lợi lưỡi”. Đại sư phát nguyện rằng nếu các công trình của tôi phiên dịch kinh điển ra tiếng Trung Hoa trung thực với những gì đức Phật đã dạy thì hãy để lại cái gì đó làm bằng chứng cho những điều này. Cái lưỡi là cơ quan để phát ngôn tạo ra ngôn ngữ, mà tinh hoa của ngôn ngữ là chân lý (nói như sự thật). Như vậy xá-lợi lưỡi của Đại sư Cưu-ma-la-thập tượng trưng cho việc Ngài phiên dịch các kinh điển của Ngài trung thực và chuẩn xác với lời Phật dạy.

Tương tự, Bồ-tát Thích Quảng Đức vì lòng từ bi lớn, trước cảnh tượng Phật giáo bị đàn áp, Tăng Ni bị bắt bớ, Phật tử bị chính quyền Ngô Đình Diệm giết chết, và Phật giáo có thể bị diệt vong khỏi bản đồ văn hoá - tôn giáo - chính trị Việt Nam, nên Ngài đã phát nguyện tự thiêu và để lại “trái tim bất diệt”. Trái tim đó được gọi là “trái tim từ bi”.

Như vậy, xá-lợi sau khi thiêu tuỳ theo hình thù và bộ phận còn lại mà ý nghĩa biểu tượng và giá trị thông điệp tạo nên nhiều niềm tôn kính như trường hợp của xá-lợi lưỡi của Đại sư Cưu-ma-la-thập và xá-lợi tim của Bồ-tát Thích Quảng Đức.

Trong trường hợp của Đại sư Trí Quang thì chúng ta thấy là “xá lợi đầu”, mà đầu là nơi mà bộ não hoạt động. Khi ta nói người nào đó có “cái đầu thông minh”, “cái đầu trí tuệ”, “cái đầu sáng suốt” thì đều lấy cái đầu làm biểu tượng để đề cập đến. Do đó, không phải tình cờ do thiếu lửa hay lửa thiêu không đủ nóng mà xương đầu của Đại sư Trí Quang còn lại, trong khi toàn bộ các xương cứng khác trở thành vỡ vụn và xỉn màu.

Đại sư Trí Quang là linh hồn, là chìa khoá, là nhân vật quan trọng nhất của phong trào Phật giáo năm 1963, với phương thức đấu tranh bất bạo động, làm thức tỉnh chính thể Thiên Chúa giáo của Tổng thống Ngô Đình Diệm, Giám mục Ngô Đình Thục về việc đàn áp Phật giáo, vi phạm luật pháp lúc bấy giờ, dẫn đến nỗi khổ niềm đau của cộng đồng Phật giáo ở miền Nam Việt Nam. Đại sư Trí Quang là đạo diễn chính để lại “xá-lợi đầu” và Bồ-tát Thích Quảng Đức là diễn viên xuất sắc nhất để lại “xá-lợi trái tim”. Bồ-tát Quảng Đức để lại trái tim từ bi bất diệt thì Bồ tát Trí Quang để lại xá lợi đầu, tượng trưng cho trí tuệ.

Trí tuệ và từ bi được xem là hai giá trị cốt lõi, quan trọng nhất đối với sự tu tập và hành trì của người Phật tử. Trí tuệ là tinh hoa, trí tuệ là mẹ sinh ra các Đức Phật, tức là sự giác ngộ toàn mãn. Trí tuệ được miêu tả trong kinh điển Pali là “ngọn đuốc soi sáng thế giới” và trong kinh điển Đại thừa, trí tuệ được xem là sự nghiệp quan trọng nhất của mỗi con người (duy tuệ thị nghiệp). Hễ ai có trí tuệ thì người đó thành tựu được sự nghiệp với sự lập nghiệp bền vững và thành công.

Đối với người tu học Phật, có được trí tuệ thì chặt đứt tất cả mọi phiền não, khổ đau, giải phóng tâm khỏi các trói buộc từ tham ái, sân hận, hoài nghi, hôn trầm, thuỵ miên, trạo cử, để đạt được sự giải thoát đích thực. Trí tuệ và giải thoát là mục tiêu hướng đến của tất cả những người tu học Phật.

Về màu sắc, xá-lợi thật có màu xương chứ không có màu của các loại ngọc đá. Đối với xá lợi xương thì có màu trắng hoặc màu xám xương, còn đối với tóc thì xá lợi tóc có màu đen. Đức Phật Thích-ca đã tặng cho hai thương gia vào tuần lễ thứ 7 sau khi Ngài giác ngộ dưới cội Bồ-đề những sợi tóc của Ngài để kỷ niệm, sau khi ngày tiếp nhận bánh sữa từ họ. Tại đây đánh dấu việc Đức Phật thành lập “Nhị Bảo”, bao gồm Phật Bảo và Pháp Bảo (những học thuyết quan trọng được Ngài thành lập trong 7 tuần lễ đầu sau khi giác ngộ dưới cội Bồ-đề).

Xá-lợi tóc của đức Phật hiện nay đang được tôn thờ tại bảo tháp cao 100m ở thủ đô Yangon của nước Miến Điện, được xem là bảo vật thiêng liêng nhất của cộng đồng Phật giáo Miến Điện. Không phải ai cũng có cơ hội nhìn thấy được “xá-lợi tóc” đó.

Theo Kinh Kim Quang minhdo Đại sư Trí Quang chú giải (quyển 4, phẩm Xả thân) có đoạn: “Xá-lợi là kết quả của quá trình huân tu Giới, Định, Tuệ rất khó đạt được, cho nên nó là ruộng phước tối thượng trên đời”. Đoạn kinh này cho chúng ta thấy rằng các xá lợi biểu tượng như là xá-lợi lưỡi của Đại sư Cưu-ma-la-thập, xá-lợi trái tim của Bồ-tát Thích Quảng Đức, xá-lợi đầu tượng trưng cho trí tuệ của Đại sư Trí Quang…

Xá-lợi là kết quả của việc tu tập thanh tịnh về giới đức, hoàn thiện về thiền định và cao siêu về trí tuệ đạt được. Cho nên Tăng Ni và Phật tử phải tôn thờ các xá-lợi hình thù lục phủ ngũ tạng đó, mang tính cách biểu tượng đó như là ruộng phước để chúng ta chiêm bái, đảnh lễ, cúng dường, có giá trị như là việc chúng ta tạo phúc cho đời vậy.

Luận Đại Trí Độ, quyển 59 có đoạn như sau: “Xá-lợi là kết quả tu tập sáu pháp ba-la-mật”. Sáu pháp Ba-la-mật bao gồm bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ. Khi hoàn thiện được 6 toàn thiện mà các vị Bồ-tát thực tập thì sau khi viên tịch, làm lễ hoả thiêu, các bậc cao Tăng thường để lại xá-lợi, tạo niềm tin cho quần chúng nương vào tu tập, để phát huy nhiều hơn nữa sự hành trì Phật pháp, truyền bá chân lý Phật, mang lại lợi ích cho mình và cho nhân sinh.

Luận Đại Trí Độ tiếp tục dạy: “Cúng dường xá-lợi Phật, được phước báu vô lượng”. Tương tự các bậc đại sư hay cao Tăng thì xá-lợi của các Ngài trở thành niềm tin bất động về việc hành trì chân lý Phật đối với cộng đồng Tăng Ni và Phật tử trên toàn cầu.

Việc chúng ta tôn kính xá-lợi trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức, xá-lợi lưỡi của Đại sư Cưu-ma-la-thập, xá-lợi thượng thủ của Đại sư Trí Quang  tượng trưng cho trí tuệ, xá lợi toàn thân của Thiền sư Vũ Khắc Minh, Thiền sư Vũ Khắc Trường, Thiền sư Trương Chuyết và Thiền sư Như Trí, Thiền sư Bảo Soái của Việt Nam, Đại sư Huệ Năng, Đại sư Hám Sơn của Trung Hoa thì đạt được phước báu thật khó tính đếm.

Như vậy, đối với cộng đồng Phật giáo Việt Nam, ngoài 5 xá-lợi toàn thân, chúng ta có 2 xá-lợi biểu tượng rất đặc thù trong vòng 56 năm qua. Năm 1963, khắp thế giới này sửng sốt trước xá-lợi trái tim của Bồ-tát Thích Quảng Đức còn nguyên sau lễ tự thiêu lần thứ nhất tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt vào ngày 11 tháng 6 năm 1963, lần thứ hai tại lò hoả thiêu lên đến 4000 độ C suốt mấy tiếng đồng hồ mà trái tim vẫn còn nguyên, tượng trưng cho tinh thần từ bi, xoá bỏ hận thù, mong cho chính quyền Ngô Đình Diệm không nên phân biệt đối xử thiên vị Thiên chúa giáo để chà đạp lên nền Phật giáo, để mang lại niềm tin yêu đời sống hài hoà giữa những người theo các Tôn giáo khác nhau theo luật định.

Ngày 12 tháng 11 năm 2019, cộng đồng Phật giáo Việt Nam trong nước và trên thế giới vui mừng vì Việt Nam có xá-lợi đầu duy nhất và đầu tiên trên toàn cầu, tượng trưng cho trí tuệ. Phật giáo Việt Nam trong phong trào đấu tranh năm 1963 với sự lãnh đạo tài tình của Đại sư Trí Quang có 2 biểu tượng xá-lợi rất là đặc biệt: xá lợi trái tim tượng trưng cho sự từ bi của Bồ-tát Quảng Đức và xá-lợi đầu tượng trưng cho trí tuệ của Đại sư Trí Quang.

Trí tuệ là giải pháp cho tất cả mọi vấn nạn, từ chính trị, kinh tế, văn hoá, tôn giáo, xã hôi… ở phạm vi toàn cầu, phạm vi châu lục, phạm vi khu vực, phạm vi quốc gia, phạm vi cộng đồng, phạm vi gia đình hay là phạm vi cá nhân. Áp dụng trí tuệ như giải pháp chúng ta sẽ khép lại toàn bộ nổi khổ và niềm đau.

 

5. ĐẠI SƯ TRÍ QUANG LÀ NHÀ CHÍNH TRỊ HAY NHÀ TU HÀNH?

  Đại sư Trí Quang là bậc chân tu,[8] người có công làm đạo diễn lèo lái toàn bộ phong trào bất bạo động của Phật giáo hướng đến sự thành công.

Ngày 02/11/2019, cộng đồng những người Thiên Chúa giáo ở nước ngoài và trong nước trọng thể làm lễ tưởng niệm cựu Tổng thống Ngô Đình Diệm. Những người theo Thiên Chúa giáo với tinh thần cực đoan ,cố tình xuyên tạc, vu cáo lịch sử, thoá mạ Bồ-tát Thích Quảng Đức bằng nhiều hạ sách khác nhau. Những thủ đoạn dở nhất, tệ nhất, lưu manh nhất họ cũng có thể sử dụng. Họ cho rằng Bồ-tát Thích Quảng Đức không hề có ý nguyện tự thiêu và Ngài bị người ta thiêu. Đây là lý thuyết mà bà Trần Lệ Xuân đã từng tuyên bố ngay sau sự tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức vốn làm chấn động trên toàn cầu.

Lịch sử bao giờ cũng là lịch sử, sự thật bao giờ cũng là sự thật. Cho nên những người phục hưng tinh thần Ngô Đình Diệm dù có muốn vu cáo, xuyên tạc, thoá mạ Bồ-tát Thích Quảng Đức đi nữa thì việc mà Ngài tự thiêu để lại “trái tim từ bi” soi sáng cho thế giới thấy rõ về chính sách đàn áp của ông Diệm là điều mà chúng ta không thể phủ định.

Các nỗ lực tiêu cực, đánh lừa lịch sử của nhóm phục hưng tinh thần độc tài Ngô Đình Diệm hòng làm cho quần chúng Việt Nam hiểu sai về pháp nạn năm 1963 vốn do gia đình của Ông Ngô Đình Diệm tạo ra và bắt đầu là Tổng thống Ngô Đình Diệm và Giám mục Ngô Đình Thục. Những người phục hưng tinh thần của Ngô Đình Diệm đặt ra một số câu hỏi mà nói đúng hơn đó là nguỵ biện để làm giảm đi ý nghiã cao quý thiêng liêng từ việc tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức.

 

Nguỵ biện thứ nhất, những người phục hung tinh thần Ngô Đình Diệm cho rằng Đại sư Trí Quang là một nhà tu hành hoạt động chính trị mà cụ thể là theo Cộng Sản hoặc theo CIA.[9]

Như chúng ta biết, Cộng đồng Việt Nam tị nạn ở nước ngoài do bất đồng chính trị, bỏ đất nước ra đi cho nên họ rất là thù hận Cộng sản. Ở nước ngoài khi người ta ghét một người nào đó, chỉ cần gán cái mác Cộng sản lên nhân vật đó là có thể làm cho nhân vật đó bị cô lập bởi xã hội thậm chí bị chống đối và gặp rất nhiều khó khăn. Cho nên đội cái nón cộng sản lên cho Đại sư Trí Quang là một việc làm thiếu lương thiện.

Cũng có một số người cho rằng Đại sư Trí Quang là thuộc hạ của CIA. Có khi người ta nói Đại sư theo cộng sản để chống lại thể chế Việt Nam Cộng Hoà đệ nhất. Có khi thì cho rằng Ngài là thuộc hạ hay con cờ của chính trị Mỹ, để làm rối thêm nền chính trị tại Việt Nam. Đó là những luận điệu rất sai trái mà người ta cố tính gán ghép lên Đại sư Trí Quang để hòng làm cho đóng góp to lớn của Ngài cho sự cứu nguy Phật giáo mất hết ý nghĩa cao quý của nó. Mục đích nó nằm ở chỗ này.

Đại sư Trí Quang suốt mấy thập niên qua hầu như không đính chánh về các ngụy thuyết mà người ta đã tấn công và vu cáo ngài. Có một lần Ngài chỉ tâm sự: “Khi người ta cho tôi cái nón cối hay là nón sắt hoặc là đi theo Cộng sản hoặc theo CIA thì trên thực tế, tôi không có một cái mũ nào hết.” Người ta càng gán nhiều cái mũ lên đầu ngài thì chứng tỏ rằng Ngài không có đội một cái mũ nào hết. Ngài giữ được truyền thống cao quý của Tăng sĩ đó là đội Đức Phật, Chân lý Phật và Tăng đoàn Phật lên đầu. Không theo bất kỳ thể chế chính trị nào.

Ngay sau khi chính thể chế Việt Nam cộng hoà đệ nhất bị sụp đổ, tôi đặt một giả thuyết, nếu lúc đó Đại sư Trí Quang ứng cử Tổng thống của miền Nam Việt Nam thì Ngài có thể đắc cử đấy. Thực tế, Đại sư Trí Quang đã không làm việc đó. Công việc của Ngài không phải là đi tìm kiếm vị trí chính trị, quyền lực, thế lực mà vốn người Phật giáo mà đặc biệt người xuất gia chúng tôi xem nó như xọt rác thôi.

Đức Phật Thích Ca là người đầu tiên chối bỏ cơ hội làm Vua, chọn con đường làm nhà tâm linh vĩ đại để mang lại lợi lạc cho nhân sinh, tức là giải quyết các vấn nạn khổ đau của con người. Đại sư Trí Quang đã noi theo tấm gương cao quý của Đức Phật Thích Ca cho nên Ngài đã vượt lên trên tất cả ý thức hệ chính trị bao gồm chính trị theo hươngs Cộng sản Chủ nghĩa ở miền Bắc Việt Nam, chính trị theo hướng Tư bản Chủ nghĩa ở miền Nam Việt Nam, chính trị của Việt nam cộng hoà hay chính trị của Mỹ.

Tất cả những giới hạn chính trị của các thể chế chính trị đó là điều mà Đại sư Trí Quang đã nhìn thấy và nỗ lực vượt lên trên. Cho nên không nên bịa đặt, vu cáo Đại sư là đội nón cối theo Cộng sản hay đội nón sắt theo Hoa Kỳ. Đó là những luận điệu sai trái. Những luận điệu đó ra rả trong mười mấy ngày qua trong Cộng đồng chống Phật giáo ở nước ngoài. Đặc biệt, Thiếu ta Liên Thành trong 3 tác phẩm mang tính ngụy biện lịch sử của ông và những người đang nỗ lực phục hưng tinh thần Ngô Đình Diệm cố tình nói sai sự thật và gán tội cho đại sư Trí Quang. Trong khi trong lịch sử với 9 năm cai trị (1954-1963), Ngô Đình Diệm được chứng minh là người tàn ác, phân biệt đối xử tôn giáo, vi phạm luật pháp, đàn áp tăng ni, dẫn đến cố pháp nạn Phật giáo năm 1963.

 

Nguỵ biện thứ hai: Những người phục hung tinh thần Ngô Đình Diệm cho rằng Đại sư Trí Quang là ngườitiếp tay hỗ trợ làm sụp đổ chế độ Việt Nam Cộng hòa?[10]

Tôi cho rằng đây là điều rất là khôi hài, cũng giống như là “Cắm râu ông nọ vào cầm bà kia”, hoàn toàn không phù hợp, không có chút sự thật lịch sử. Chỉ là sự tưởng tượng khôi hài.

Toàn bộ phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963 độc lập hoàn toàn với các ý thức hệ chính trị của những người đi theo ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Thục, cũng như độc lập hoàn toàn với các thế lực đối đầu với chế độ ông Diệm dẫn đến sự ám sát ông ấy vào ngày 02-11-1963.

Trong suốt mấy tháng pháp nạn Phật giáo năm 1963, từ chủ trương đến các thông cáo báo chí, các hoạt động tuyệt thực, ngồi thiền, đấu tranh bất bạo động mà Đại sư Trí Quang đã lãnh đạo cộng đồng Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ, hoàn toàn không hề đề cập đến ý thức hệ chính trị Việt Nam cộng hoà, không hề nỗ lực lật đổ chính thể. Phật giáo năm 1963 không làm chính trị nhằm lật đổ chế độ.

Ám sát ông Ngô Đình Diệm và lật đổ thể chế Việt Nam cộng hòa đệ nhất là công việc của các đảng phái chính trị và quyết định của chính phủ Hoa Kỳ, đồng minh của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Đệ nhị Việt Nam cộng hoà lên thay là do những người đó bất đồng với ông Ngô Đình Diệm lật đổ ông bởi sự tàn ác của ông ấy, sự đàn áp Phật giáo một cách bất công của ông ấy và nhiều chính sách sai lầm của ông ấy trong 9 năm cai trị, hoàn toàn không có liên hệ gì đến phong trào bất bạo động của Phật giáo cả.

Phật giáo năm 1963 không làm chính trị lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Chúng ta phải xác định rõ điều đó để thấy rõ được cái nguỵ biện của những người theo tinh thần phục hưng Ngô Đình Diệm, nhất là thiếu tá Liên Thành và các phương tiện truyền thông của người Việt Nam ở hải ngoại vốn do người theo Thiên chúa giáo nắm, đã cố tình ngụy biện lịch sử trong 56 năm qua.

Pháp nạn kết thúc cuối năm 1963. Việt Nam Cộng hòa sụp đổ 1975, trải qua vài chính thể Việt Nam cộng hòa lên thay thế. Sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa thuộc về các đảng phái chính trị trong đó có việc quyết định tẩy chay, thay ngựa giữa dòng của chính phủ Hoa kỳ đối với chính quyền Ngô Đình Diệm và các tổng thống Việt Nam cộng hòa sau đó.

Tự thân Đại sư Trí Quang và phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963 không hề có mục tiêu dù chỉ là trong ý niệm, chứ đừng nói đến những hoạt động cụ thể nhằm lật đổ chính quyền Việt Nam cộng hòa lúc bấy giờ. Tôi khuyên ông Liên Thành và những người Thiên chúa giáo đang phục hưng tinh thần độc tài, độc ác Ngô Đình Diệm đừng nhập nhằn 2 vấn đề về bản chất vốn đã khác nhau làm một để đổ lỗi và quy trách nhiệm hết cho Đại sư Trí Quang. Đó là cái ác ý xấu xa của những người muốn phục hưng tinh thần Ngô Đình Diệm.

Hơn ai hết, nhóm ngụy biện lịch sử này biết rõ rằng Cộng đồng Việt Nam tị nạn ở nước ngoài ghét Cộng sản trong nước, phải gán ghép sự lãnh đạo của Đại sư Trí Quang mang lại hoà bình cho Phật giáo, công bằng cho Phật giáo làm sụp đổ chính quyền Ngô Đình Diệm để cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại căm thù Đại sư Trí Quang. Cái thâm ý của những người đưa ra thuyết nguỵ biện này nằm ở chỗ này.

Đáng tiếc nhất, gây phẫn nộ trong cộng đồng Phật tử chân chánh nhất là vụ việc ông thầy tự xưng, tự mặc áo tu sĩ Thích Thông Lai ở Hoa Kỳ là người tội lỗi nhất, kém văn hóa, thích nổ nhất, đã copy thuyết ngụy biện của thiếu tá Liên Thành, một người theo Thiên chúa giáo đóng vai Phật tử, đặc biệt lập lại ngụy thuyết này trong 2 quyển sách của Liên Thành gồm “Biến động miền Trung” xuất bản năm 2009 và “Thích Trí Quang, thần tượng hay tội đồ dân tộc” xuất bản năm 2014, đã hổn xược vu cáo và thóa mạ Đại sư Trí Quang là cộng sản, làm sụp đổ chế độ Việt Nam cộng hòa để những người chống cộng ở nước ngoài căm phẫn Đại sư Trí Quang.

Về bản chất, phong trào đấu tranh bất bạo động đầu năm 1963 của Đại sư Trí Quang là theo đường hướng của Thánh Gandhi của Ấn Độ, mà Thánh Gandhi học đường lối bất bạo động (Ahimsa)[11] của đức Phật Thích Ca. Mục tiêu đấu tranh bất bạo động của Phật giáo năm 1963 do đại sư Trí Quang lãnh đạo là để mang lại công lý, công bằng xã hội cho đạo Phật. Đồng thời, nhắc nhở chính quyền Thiên chúa giáo Ngô Đình Diệm và giám mục Ngô Đình Thục không nên vi phạm luật pháp mà chà đạp Phật giáo, ra lệnh cấm Phật giáo không được quyền treo cờ Phật giáo vào ngày Đại lễ Phật đản năm 1963, cũng như bắt bớ Tăng Ni một cách vô tội và giết chết 8 thiếu nhi tại đài phát thanh Huế.

Đại sư Trí Quang đã lãnh đạo phong trào đấu tranh vì công bằng cho Phật giáo và vì công bằng cho miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Phong trào đó là phong trào đấu tranh bất bạo động, rất độc lập với sự sụp đổ chính thể Ngô Đình Diệm, vốn do tướng lãnh của Ngô Đình Diệm tạo ra. Việc các tướng của Ngô Đình Diệm đã lật đổ ông ấy và ám sát ông ấy là quyết định chính trị của tướng lãnh Việt Nam cộng hòa, không có liên hệ gì đến phong trào bất bạo động của Phật giáo năm 1963. Nhập nhằng 2 vấn đề khác nhau làm một là để đổ lỗi cho Đại sư Trí Quang. Đây là cách thiếu tá Liên Thành và cộng đồng Thiên chúa giáo phục hưng tinh thần độc ác Ngô Đình Diệm đã làm một cách thiếu liêm khiết trong nhiều năm qua. Họ chỉ lừa bịp được những người nhẹ dạ, chứ không thể qua mặt lịch sử, không thể lừa bịp lịch sử được.

Điều cần lưu tâm là toàn bộ phong trào đấu tranh bất bạo động do Đại sư Trí Quang lãnh đạo hoàn toàn không chống Thiên chúa giáo. Mặc dù anh của Tổng thống Ngô Đình Diệm là Giám mục Ngô Đình Thục và cả dòng họ của ông đều đề cao và thiên vị Thiên chúa giáo, nỗ lực đưa Thiên chúa giáo trở thành tôn giáo độc tôn tại Việt Nam. Phong trào đó hoàn toàn không lấy Đạo Phật để chống Thiên chúa giáo, chỉ chống những chính sách bất công của Gia đình Thiên chúa giáo Ngô Đình Diệm để đòi lại công bằng cho Phật giáo theo luật định lúc bấy giờ.

Phong trào Phật giáo năm 1963 do đó không mở cửa, không tiếp tay, không hỗ trợ đưa dân tộc Việt Nam vào cuộc nội chiến khốc liệt nhất trong lịch sử như những người theo tinh thần Thiên chúa giáo của Ngô Đình Diệm đã vu cáo, xuyên tạc lịch sử, nhập nhằng nguỵ biện làm cho ý nghĩa tự thiêu của Bồ-tát Quảng Đức và cái tài trí tuệ lãnh đạo đạo diễn phong trào này của Đại sư Trí Quang mất hết ý nghĩa thiêng liêng của nó.

Cuộc nội chiến Việt Nam gần 30 năm là do bất đồng ý thức hệ chính trị ảnh hưởng trên toàn cầu. Một bên là do Mỹ lãnh đạo, đại diện cho Chủ nghĩa Tư bản, một bên do Liên Xô lãnh đạo đại diện cho ý thức hệ Cộng sản. Miền Nam Việt Nam theo ý thức hệ của Hoa kỳ, miền Bắc Việt Nam thì theo ý thức hệ của Liên xô. Đó là cuộc nội chiến có nguồn gốc từ ý thức hệ chính trị ở miền Bắc và miền Nam.

Dù gì đi nữa, Phật giáo Việt Nam là nạn nhân của cuộc đàn áp bất công do chính quyền Ngô Đình Diệm tạo ra cụ thể là chính quyền Thiên chúa giáo. Không thể ghép tội cho Phật giáo vốn nạn nhân tạo ra kịch tính khổ đau cho dân tộc Việt Nam trong suốt 30 năm nội chiến từng ngày như cách thức nguỵ biện của những người đi theo Thiên chúa giáo đang nỗ lực phục hưng tinh thần của Ngô Đình Diệm ở Phương Tây.

Nhân dịp này tôi xin trích một đoạn báo cáo đặc biệt của CIA vào ngày 11 tháng 9 năm 1964 cho giám đốc CIA lúc bấy giờ. Báo cáo này nói về động cơ, mục đích và ảnh hưởng của Đại sư Thích Trí Quang trong phong trào bất bạo động năm 1963. Nguyên văn bản dịch tiếng Việt của BBC tiếng Việt như sau: “Quan điểm của Thích Trí Quang và những ảnh hưởng chính trị hiện thời có những cội rễ lịch sử sâu xa cần được đánh giá, nếu như vị thế chính trị của ông cần được hiểu đúng. Sau khi nghiên cứu, cân nhắc tất cả những bằng chứng sẵn có, chúng tôi không nhìn nhận đại sư Trí Quang là người cộng sản hoặc đặc vụ cộng sản. Tuy nhiên, ông ấy là nhà yêu nước cuồng nhiệt và là người “chống Công giáo mạnh mẽ” và mong muốn thấy rằng Công giáo như là một ảnh hưởng tức thời, lớn hơn cả cộng sản.”[12]

Đó là một đoạn báo cáo đặc biệt trong một phút trình của CIA trình cho Giám đốc của cơ quan tình báo quan trọng nhất Hoa kỳ này vế biến cố pháp nạn Phật giáo năm 1963. Tôi tin rằng các nhà tình báo CIA thuộc hàng giỏi nhất thế giới nên đoạn tóm tắt đó cho ta thấy được đánh giá của chính quyền Hoa Kỳ rất chuẩn xác về Đại sư Trí Quang hơn chín mươi mấy phần trăm, còn lại vài phần trăm nhận xét Đại sư Trí Quang về Thiên chúa giáo là sai thôi.

Theo đánh giá của CIA nêu trên Đại sư Trí Quang không phải là người Cộng sản hoặc là đặc vụ cộng sản, vì không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy điều đó. Đại sư Trí Quang chỉ vì Phật giáo đang bị lâm nguy, bị ứng xử bất công, Tăng Ni bị bắt bớ, đạo Phật có rủi ro bị xoá khỏi bản đồ văn hoá, chính trị, tôn giáo Việt Nam bởi chính sách hà khắc của chính quyền Ngô Đình Diệm thiên vì Thiên chúa giáo một cách bất hợp pháp.

Trong đoạn nhận xét này có một phần sai khi cho rằng Đại sư Trí Quang là người chống Công giáo mạnh mẽ, vốn trái với chủ trương của Ngài. Đại sư Trí Quang không chống Công giáo, chỉ chống chính sách đàn áp Phật giáo của Ngô Đình Diệm một người Thiên chúa giáo và anh ruột là Giám mục Ngô Đình Thục, một người nỗ lực trở thành Hồng y, và có thể có lòng tham vọng sâu xa, muốn biến Thiên chúa giáo, một tôn giáo thiểu số, trở thành là quốc giáo của Việt Nam.

Cho rằng Đại sư Trí Quang nỗ lực chống Thiên chúa giáo là một sai lầm vì không có bằng chứng. Những người theo tinh thần Ngô Đình Diệm con nguỵ biện hơn khi cho rằng Ngô Đình Diệm là người hài hoà, bao dung. Thực ra Ngô Đình Diệm là một nhà lãnh đạo tài phiệt, một người đại gian ác, một người có tinh thần gia đình trị. Chính trị mà đưa gia đình trị vào là hỏng đất nước.

Ngô Đình Diệm đã để cho anh ruột của mình là Giám mục Ngô Đình Thục can thiệp quá nhiều vào chính trị ở miền Nam Việt Nam. Chính sách đàn áp Phật giáo bắt đầu tại đài phát thanh Huế lan rộng trên toàn miền Nam Việt Nam là có bàn tay và sự quyết định sai lầm của Giám mục Ngô Đình Thục. Đó là việc mà về phương diện lịch sử không thể phủ định được. Sau 50 năm, CIA đã bạch hoá các bằng chứng đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ấy thế mà những người phục hưng tinh thần Ngô Đình Diệm vẫn nguỵ biện cho rằng Ông Diệm là một người hài hoà đang khi ông ấy là một nhà tài phiệt, gian ác.

Để thấy rõ về vai trò trí tuệ của Đại sư Trí Quang không có dụng ý lật đổ chính quyền, không có dụng ý chống Thiên chúa giáo mà chỉ cứu nguy Phật giáo, tôi xin trích một đoạn nguyên văn trong Tự truyện[13] của Đại sư Trí Quang như sau:

“Tổng chi, tôi có tham vọng không? Có, mà có đến nỗi có người đã nói hơi chướng nữa. Tham vọng của tôi không mơ mộng Phật giáo trở lại vị thế quốc giáo như thời xa xưa, càng không mong muốn Phật giáo thành một Thiên Chúa giáo thứ hai. Tôi chỉ mong ước, trong cơn nghiêng ngửa của đất nước, ai nhìn vào Phật giáo cũng nghĩ rằng đất nước này còn có cái ấy” [công bằng, bình đẳng, dân chủ, quyền con người]. Nhưng tôi không chế ngự nỗi hoàn cảnh đó, sự mong ước như vậy thể hiện cho thật vừa ý. Truyện của tôi là truyện buồn cho tôi, ở chính cái điểm này. Truyện của tôi đúng là: “Cao cao sơn thượng hành thuyền, thâm tâm hải đề tẩu mã”, tạm dịch là: “ngựa phi dưới nước, thuyền chèo trên non.[14]

Như vậy, những nguỵ biện mà những người phục hưng tinh thần Thiên chúa giáo Ngô Đình Diệm cho rằng Đại sư Trí Quang nỗ lực lật đổ chính quyền là không có bằng chứng, cho rằng Đại sư chống Thiên chúa giáo lại càng phi lý. Suốt mấy tháng pháp nạn đó, Phật giáo chúng tôi là nạn nhân, chỉ chống những bất công, chứ không chống chính thể Việt Nam cộng hòa và không chống Tôn giáo.

Khái niệm còn “cái ấy” trong Tự truyện của Đại sư Trí Quang có thể hiểu là công bằng, bình đẳng, dân chủ và quyền con người. Trên mảnh đất miền Nam Việt Nam với ý thức hệ của chính thể Việt Nam Cộng hoà thì luật pháp lúc bấy giờ tôn trọng những giá trị công bằng, bình đẳng, dân chủ và tự do. Đại sư Trí Quang đã nỗ lực yêu cầu chính phủ thực thi các quyền đó thôi.

Mục đích của Đại sư Trí Quang không muốn biến Phật giáo trở thành quốc giáo để thay thế vai trò của Thiên chúa giáo tại miền Nam lúc bấy giờ. Ngài không có ý đồ đó, không có chủ trương và chính sách đó. Đại sư Trí Quang chỉ làm thế nào để Phật giáo thoát khỏi pháp nạn do sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm thế thôi.

Trọng tâm của phong trào bất bạo động năm 1963 nằm ở chỗ đó. Chúng ta đừng có nhập nhằng cắm râu ông này vào cằm bà kia để quy kết những điều mà Đại sư Trí Quang không làm rồi chụp mủ Ngài là chuyện không phù hợp. Các nỗ lực chụp mủ Đại sư Trí Quang làm lật đổ chính thể Việt Nam cộng hòa chẳng khác nào tự dựng lên một hình nộm rồi đập đổ hình nộm vậy.

 

Nguỵ biện thứ ba, những người phục hung tinh thần Ngô Đình Diệm cho rằng thái độ của Đại sư Trí Quang vào năm 1966, năng nỗ vận động đem bàn thờ Phật xuống đường, 100 ngày tuyệt thực là để góp phần lật đổ chính quyền Việt Nam cộng hòa. Sau năm 1975, Đại sư Trí Quang không hề lên một tiếng nào, ngài im lặng hoàn toàn có lẽ là ngài bịkhuất phục trước cường quyền hay là đang lặng thinh để ăn năn?[15]

Đây là luận điệu xuyên tạc tinh vi và khéo léo để hòng làm mất đi hết toàn bộ ý nghĩa của việc Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu bảo vệ Phật giáo và cũng như sự lãnh đạo tài tình của Đại sư Trí Quang.

Theo Tôi, Đại sư Trí Quang là đại anh hùng dân tộc, cứu nguy cho Phật giáo Việt Nam, cứu nguy cho miền Nam. Đại sư Trí Quang không hề phạm tội theo luật pháp của chính quyền Việt Nam Cộng hoà lúc bấy giờ. Đại sư Trí Quang cũng không phạm lỗi theo luật Phật. Đại sư Trí Quang, do vậy, không có gì phải ăn năn với ai, phải thống hối với ai mà phải giữ yên lặng. Yên lặng hay nói năng là cái quyền tự do của mỗi người và của Đại sư Trí Quang. Chúng ta sống trong đất nước có luật pháp phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận hay không ngôn luận của con người.

Đức Phật dạy tất cả Tu sĩ chúng tôi và các Phật tử hãy “nói năng như Chánh pháp” tức là truyền bá sự thật mà sự thật theo Đức Phật, sự thật là bất hư. Đức Phật dạy chúng tôi “hãy im lặng như thiền định” hay còn gọi là “im lặng như bậc Thánh”. Có nghĩa là trong những tình huống không tiện phát biểu, hay không được phát biểu thì mọi người phải làm chủ tâm, không để cho cơn giận dữ, hận thù, oan trái chi phối dòng cảm xúc của mình. Phải giữ im lặng như đang lúc tu thiền, làm chủ được thân, làm chủ được cảm xúc, làm chủ tâm, làm chủ các ý niệm, vượt lên trên các giới hạn nhị nguyên gồm chủ thể và khách thể, ta và người, bạn và thù và các ý thức hệ chính trị đối lập. Đại sư Trí Quang đã chọn giải pháp im lặng như thiền định và im lặng như bậc thánh. Đó là cái quyền lựa chọn tự do của mỗi người, luật pháp khắp thế giới và Việt Nam tôn trọng.

Tôi kêu gọi những người theo tinh thần Ngô Đình Diệm phải tôn trọng cái quyền lựa chọn im lặng của Đại sư Trí Quang. Đó là cái quyền thiêng liêng của Đại sư Trí Quang. Chúng ta không thể lấy cái quyền tự do thích nói của mình, thích phê bình, thích chỉ trích, thậm chí thích vu cáo, thích đi xuyên tạc để tấn công và phê phán Đại sư Trí Quang tại sao không nói sau năm 1975!

Hơn nữa, Đại sư Trí Quang là người đại hung, chưa bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ cường quyền nào như cường quyền ác đạo của Ngô Đình Diệm và Giám mục Ngô Đình Thục vốn muốn đẩy Phật giáo vào hoàn cảnh khổ đau cùng cực năm 1963. Đại sư Trí Quang cũng chưa bao giờ khuất phục trước cường quyền của thực dân Pháp gần 100 năm cai trị Việt Nam. Đại sư Trí Quang đã bất khuất trong 9 năm (1954-1963) cai trị hà khắc của chính quyền độc tài, gia đình trị Ngô Đình Diệm. Đại sư Trí Quang cũng chưa bao giờ khuất phục trước bất cứ thể chế chính trị nào bao gồm thể chế chính trị đương nhiệm từ năm 1975 cho đến bây giờ.

Đó là tinh thần “vô uý”, không sợ hãi của Đại sư Trí Quang, phù hợp với tinh thần “Bi - Trí - Dũng” được đức Phật đã chủ trương trong Kinh Đại Bát Niết Bàn thuộc Kinh điển Đại thừa. Đây cũng là tinh thần chung của Phật, Bồ-tát, A-la-hán, các bậc Đại sư và chân Tăng. Hành hoạt và sự làm đạo của các đại sư Phật giáo trong đó có Đại sư Trí Quang vượt lên trên các ý thức hệ chính trị, cho nên không bị khuất phục bởi bất cứ ý thức hệ chính trị nào.

Việc những người theo tinh thần Ngô Đình Diệm cố tình nguỵ biện rằng “Đại sư Trí Quang chọn con đường không phát biểu sau năm 1975 là ăn năn hay bị khuất phục trước cường quyền” là một sai lầm lớn, là quả đoán sai và vi phạm cái quyền tự do ngôn luận hay không ngôn luận của con người.

Hơn nữa, chúng ta nên hiểu mỗi người đóng một vai trò lịch sử trong một giai đoạn lịch sử, tại một thời điểm lịch sử. Chúng ta không có quyền bắt buộc Đại sư Trí Quang đóng tất cả vai trò lịch sử, trong các giai đoạn, thời điểm lịch sử, ở những không gian lịch sử khác nhau.

Xin nêu ví dụ, các vị Tổng thống Hoa kỳ, sau khi hết nhiệm kỳ làm Tổng thống, nhiều vị đã không tham gia chính trị sau đó. Có thể thỉnh thoảng làm tư vấn, cố vấn chính trị hoặc thỉnh thoảng có những phát biểu chính trị nhưng họ không trực tiếp tham gia chính trị. Là các nhà chính trị chuyên nghiệp, từng lãnh đạo đất nước Hoa Kỳ, vốn là nền chính trị mạnh nhất thế giới, chi phối chính trị toàn cầu, thế mà nhiều cựu Tổng thống Hoa kỳ còn không quan tâm đến chính trị, sau khi họ về hưu. Tại sao chúng ta phải bắt buộc một bậc Đại sư như ngài Trí Quang phải can thiệp vào các hoạt động chính trị, phải làm chính trị, phải phát biểu về chính trị. Sự bắt buộc Đại sư Trí Quang phải phát ngôn chính trị sau năm 1975 là vô lý, không phù hợp và thể hiện sự thiếu hiểu biết về luật pháp, chà đạp lên cái quyền tự do ngôn luận và không ngôn luận của Đại sư Trí Quang.

Sự áp đặt Đại sư Trí Quang phải phát biểu chính trị và làm chính trị sau 1975 là dụng ý xấu của những người không thích Đại sư Trí Quang. Những kẻ xấu bắt buộc một bậc chân tu như Đại sư Trí Quang phải làm chính trị vốn Ngài vượt lên trên các giới hạn chính trị như đức Phật Thích Ca đã từng trở thành tấm gương thoát tục như thế. Nói cách khác, không một ai có quyền bắt Đại sư Trí Quang phải nói nội dung chính trị và làm chính trị sau năm 1975. Cái quyền phát biểu hay yên lặng của Đại sư chúng ta phải tôn trọng vì luật pháp bảo hộ cho cái quyền đó. Ngôn luận hay không là quyền tự do của mỗi người.

Theo tôi, Đại sư Trí Quang là người "dấn thân cho Đạo pháp", là người "cứu nguy Phật giáo Việt Nam" khỏi pháp nạn 1963 và là "một bậc chân tu”, là “một Đại sư vĩ đại”, một người hết lòng vì đạo, đất nước, vì con người Việt Nam và vì Phật giáo Việt Nam.

Tờ báo Time của Mỹ đã gọi Đại sư Trí Quang là "người làm rung chuyển nước Mỹ" trong những năm thập niên 1963 - 1966. Về bản chất tinh thần đấu tranh của Phật giáo năm 1963 là bất bạo động, phù hợp với những gì Đức Phật Thích Ca đã chủ trương cũng như Thánh Gandhi của Ấn Độ đã làm.

Suốt mấy tháng đấu tranh bất bạo động năm 1963, chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm thiên vị Thiên chúa giáo, đàn áp Phật giáo hay phong trào đưa Phật xuống đường biểu tình năm 1965-1966 với đỉnh cao là tuyệt thực 100 ngày, Đại sư Trí Quang (chỉ còn lại da bọc xương) rất trung thành với quan điểm bất bạo động, không lật đổ chính quyền, không chống Thiên chúa giáo. Lịch sử xác quyết điều đó. Chúng ta phải nhớ điều đó.

Về nhân cách của Đại sư Trí Quang năm 1963 cho đến lúc Ngài qua đời, tôi khẳng định rằng: Đại sư Trí Quang là “Người nói năng như chánh pháp và im lặng như bậc Thánh”. Đại sư Trí Quang có cái quyền cao quý và đã thực hiện cái quyền cao quý đó một cách rất là sống động: Nói năng như chính pháp và im lặng như thiền định.

Ở giai đoạn lịch sử nào cần tiếng nói, cần đấu tranh chống lại sự bất công thì Đại sư Trí Quang trở thành ngôi sao sáng, là đạo diễn vĩ đại, là người dẫn đến sự thành công bảo vệ Phật giáo Việt Nam trước pháp nạn năm 1963. Sau năm 1975 Đại sư Trí Quang đã chọn con đường im lặng như Bậc thánh, im lặng trong thiền định để đầu tư thời gian, tâm huyết, công sức vào việc dịch thuật và chú giải hơn 40 tác phẩm Kinh điển, hướng dẫn sự tu học cho Tăng Ni qua trí tuệ học thuật uyên bác và cao cấp của Ngài.

Chuyên tu và trở thành nhà trước tác và dịch thuật của đại sư Trí Quang là điều này tất cả chúng ta phải trân trọng, pháp luật tôn trọng. Đó là quyền tự do ngôn luận hay không ngôn luận của Ngài.

Tóm lại, mọi võ đoán, áp đặt, nguỵ biện, gán ghép rằng Đại sư Trí Quang tiếp tay cho chính quyền sau năm 1975 là những điều mà những người phục hưng chủ nghĩa độc tài Ngô Đình Diệm đã cố tình dựng chuyện, ngụy biện, nói sai lịch sử, nói không đúng sự thật chỉ có mục đích duy nhất là muốn làm giảm đi giá trị đóng góp của Đại sư Trí Quang cho phong trào Phật giáo năm 1963.

 

V. PHÁP NẠN PHẬT GIÁO NĂM 1963

Cấm treo cờ Phật giáo và đàn áp Phật giáo trong lễ Phật đản

Nhân dịp này, tôi xin trình bày thêm để các Tăng Ni trong đó có tôi và các Phật tử sau năm 1975 hiểu rõ hơn bản chất của Pháp nạn 1963. Những người phục hưng tinh thần Ngô Đình Diệm và cực đoan Thiên chúa giáo họ đã cố tình ngụy biện, dựng chuyện, thêm thắt nhằm lạc dẫn về pháp nạn này.

Pháp nạn năm 1963 liên hệ đến Đại lễ Phật Đản ngày 8/5/1963 và Công điện số 5159 của Tổng thống Ngô Đình Diệm phát ra từ Phủ Tổng thống. Ngày 6 tháng 5 năm 1963 (trước Lễ Phật đản 2 ngày), Phủ Tổng thống gửi Công điện số 5159 cấm treo cờ Phật giáo ở những nơi công cộng, thậm chí cấm treo cờ ở các Tự viện và các cơ sở Tôn giáo.

Cùng thời điểm này, Giám mục Ngô Đình Thục tổ chức đại lễ mừng Ngân khánh (tức kỷ niệm 25 năm tấn phong) nên ông ra lệnh các nơi treo cờ tòa thánh Vatican khắp Sài gòn và Huế. Tiếc thay, số lượng những người Ki-tô hữu đi theo Thiên chúa giáo lúc bấy giờ quá ít, đang khi khắp nơi tại Huế thì cờ Phật giáo lại phất phới tung bay khắp các ngã đường, tại các khu công cộng, các Tự viện ở thành phố Huế.

Điều đó đã vô tình đã tạo ra một bức tranh tương phản cho thấy Thiên chúa giáo chỉ là một Tôn giáo thiểu số trong khi Giám mục Ngô Đình Thục muốn chứng minh với Vatican rằng tại Việt Nam Thiên chúa giáo là đa số, tối thiểu đủ túc số để ông ấy có cơ hội được Giáo hoàng phong làm Hồng y. Sự tương phản thực tế đó đã tạo ra cơn thịnh nộ, ganh tức ở trong lòng Giám mục Ngô Đình Thục cũng như chính quyền Thiên chúa giáo Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ.

Tỉnh trưởng Thừa Thiên Huế lúc đó là Ông Nguyễn Văn Đăng đã xin ý kiến của Cố vấn Ngô Đình Cẩn nhưng ông này rất bảo thủ, ra lệnh cấm đoán, tước quyền tự do tôn giáo của cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Huế, tức không cho phép họ treo cờ Phật giáo tại tư gia. Trong khi năm 1962 trở về trước, việc cấm đoán này chưa từng xảy ra.

Cái mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ ông Ngô Đình Thục với tư cách là Giám mục trong lúc tổ chức 25 năm tấn phong trong lễ ngân khánh để chứng tỏ với Vatican, theo đó ông ấy có thể được xem xét làm Hồng y thì cờ Phật giáo phất phới tung bay trên mọi ngã đường tại Huế. Chứng kiến điều đó làm cho Giám mục Ngô Đình Thục rất đau lòng và ông ấy muốn dẹp cờ Phật giáo đi, sau đó đàn áp và triệt hạ Phật giáo.

Đứng trước vấn nạn đau lòng đó, lãnh đạo Tổng hội Phật giáo Việt Nam ở Miền Trung đã có một phiên họp khẩn tại Chùa Từ Đàm từ 21 giờ ngày 6 tháng 5 cho đến 02 giờ sáng ngày 7 tháng 5 năm 1963 để tìm ra giải pháp. Đại sư Thích Trí Quang đã thay mặt Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo lúc bấy giờ soạn 3 văn bản phản đối Công điện 5159 của Phủ Tổng thống, gửi Chính quyền Ngô Đình Diệm, đồng thời gửi cho Hội Phật giáo Thế giới và Tổng hội Phật giáo Việt Nam ở Sài Gòn nhằm kêu gọi chính quyền ngừng đàn áp Phật giáo cũng như ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo là vi phạm luật pháp.

Trưa ngày 7/5, tại Huế, cảnh sát đệ nhất Việt Nam Cộng hoà đến từng nhà Phật tử buộc dân chúng phải hạ cờ Phật giáo, vứt xuống đất, xé cờ ra và hâm dọa cộng đồng Phật tử nếu treo cờ sẽ bị gặp nguy. Rất may là cộng đồng Phật tử đã không sợ hãi trước những lời đe doạ này và đã tạo ra sự bất bình lớn. Sự vi phạm luật pháp của chính quyền đã làm cho Lãnh đạo Phật giáo Miền Trung và tỉnh Thừa Thiên (cụ thể là Trưởng lão Tịnh Khiết cũng như Đại sư Thích Trí Quang lúc bấy giờ là Thượng toạ cùng với 500 Phật tử đã đến Tòa Hành chính Tỉnh để phản đối hành động của chính quyền về việc ra lệnh triệt hạ cờ Phật giáo vốn sai luật pháp, thiên vị Thiên chúa giáo.

Sáng ngày 8 tháng 5 năm 1963 (nhằm ngày Phật đản), lúc 06 giờ 30, Phật giáo đã biểu tình và rước kiệu Phật từ Chùa Diệu Đế đến Chùa Từ Đàm rất trang nghiêm, hàng ngàn người tham dự. Diễn văn của Đại sư Trí Quang trong đại lễ Phật đản 1963 đã lên án chế độ Việt Nam cộng hòa phân biệt đối xử đối với tôn giáo, thể hiện sự kỳ thị Phật giáo trong 9 năm (1954-1963), cấm treo cờ Phật giáo trong ngày Phật Đản trong khi cho treo công khai cờ Vatican. Chúng ta thấy sự thiên vị rõ rang, chính quyền cấm treo cờ Phật giáo ở nhà tư nhân nhưng lại khích lệ và cho phép tín hữu Thiên chúa giáo treo cờ Vatican tại nhà, như vậy chính quyền Ngô Đình Diệm thiên vị Thiên chúa giáo nói một đàng làm một nẻo.

Lúc đầu chính quyền nói không cho treo cờ Phật giáo ở nơi công cộng nhưng họ lại cho treo cờ Vatican ở nơi công cộng thì bình thường. Phật tử treo cờ Phật giáo ở nhà của họ thì bị phạm pháp, bị hăm doạ, bị xé cờ và gặp trở ngại. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ Ngô Đình Diệm muốn Thiên chúa giáo trở thành độc tôn nhân ngày lễ kỷ niệm ngân khánh 25 năm của anh trai mình là Giám mục Ngô Đình Thục.

Về sách lược, cuộc đấu tranh Phật giáo năm 1963 đối với chính quyền Ngô Đình Diệm được Đại sư Trí Quang lãnh đạo và công bố gồm Tuyên Ngôn 5 điều sau đây:

1.Phật Giáo tự giới hạn, chỉ phản đối chính sách ngược đãi Phật Giáo của chính phủ. Phật Giáo không bước qua những địa hạt khác, nhất là địa hạt quyền chức chính quyền.

2. Phật Giáo tuyệt đối sử dụng phương pháp “bất bạo động”.

3. Phật Giáo không mưu độc tôn, không cầu độc tôn, nên không thấy ai, kể cả Thiên Chúa Giáo là đối nghịch.

4. Phật Giáo không mưu hại ai, không thiên ai để hại ai. Nếu thất bại, Phật Giáo coi là sự thất bại của chân lý trước bạo lực, không phải thất bại như bạo lực kém bạo lực.

5. Sau hết, nhưng quan trọng nhất, là Phật Giáo thỉnh cầu các bậc lãnh đạo thực thể đối trận, đừng khai thác gì về cuộc vận động của Phật giáo. Vì làm như vậy thì đối phương quí vị lấy cớ để hại Phật giáo mà thôi.

Đó là 5 điều tuyên ngôn do Đại sư Trí Quang biên soạn và ký. Trong 5 điều này, chúng ta thấy Đại sư Trí Quang đã thấy rõ cái nguỵ biện mà những người theo chủ nghĩa tài phiệt Ngô Đình Diệm có thể sử dụng để chống lại phong trào đấu tranh bất bạo động năm 1963, cho nên Ngài đã nói rõ: hoàn toàn không tham gia chính trị, không lấn lướt vào quyền chức chính trị để lật đổ chính quyền để thay thế chính quyền lúc bấy giờ, cũng không chống Thiên chúa giáo, không chống, không hại bất cứ một ai theo Thiên chúa giáo, mà là chống lại các hình thức bất công của chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp và triệt hạ cờ Phật giáo.

Đại sư Trí Quang cũng kêu gọi các bậc lãnh đạo Phật giáo đừng để kẻ xấu lợi dụng vào đối trận để khai thác cuộc đấu tranh bất bạo động Phật giáo nhằm minh hoạ cho việc thay thế thể chế chính trị, từ thể chế chính trị Việt Nam Cộng hoà 1 thành Việt Nam Cộng hoà 2, 3... Nếu để sơ xuất một phần nhỏ nào đó thôi thì chính quyền Ngô Đình Diệm và những người ngụy biện theo chính sách thiên vị Thiên chúa giáo sẽ nguỵ biện cho rằng phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo là phong trào chính trị lật đổ chính quyền. Đại sư Trí Quang đã có tầm nhìn trí tuệ rất rõ ngay từ ban đầu nên đã đưa ra Tuyên ngôn 5 điều, tránh tình trạng bị ngộ nhận, bị nguỵ biện, bị quy kết tội, đổ lỗi về sau.

Ấy thế mà trong 56 năm qua, những người đi theo chủ nghĩa tài phiệt Ngô Đình Diệm ở nước ngoài, gồm đại tá Liên Thành, nhà báo Mặc Lâm, cựu biên tập viên của Đài Châu Á tự do, ông Trương Nhân Tuấn, một nhân sĩ trí thức theo Thiên chúa giáo trả lời phỏng vấn của Đài BBC tối hôm 14 tháng 11 năm 2019 vẫn sử dụng thuyết nguỵ biện rẻ tiền đó nhằm tấn công và thóa mạ Đại sư Trí Quang. Những người Phật giáo chúng tôi không xa lạ gì về thuyết nguỵ biện của những người theo tinh thần phục hưng Ngô Đình Diệm cực đoan nêu trên.

Tóm lại, bản chất của phong trào đấu tranh bất bạo động năm 1963 do Đại sư Trí Quang lãnh đạo là bất bạo động, không chống Thiên chúa giáo, không lật đổ chính quyền. Cụ thể hơn như dưới đây.

Về phương pháp, phong trào Phật giáo 1963 là cuộc đấu tranh bất bạo động giống như cách của thánh Gandhi Ấn Độ.

Về đối tượng, phong trào Phật giáo 1963 nhằm phản đối chính sách bất công về Tôn giáo của chính quyền Thiên chúa giáo Ngô Đình Diệm, không chống chính phủ, không chống đạo Thiên Chúa.”

Về mục tiêu, phong trào Phật giáo 1963 mong đạt được sự tự do tín ngưỡng cho Phật giáo một cách bình đẳng so với Thiên chúa giáo, một tôn giáo rất thiểu số lúc bấy giờ. Bình đẳng tôn giáo cho Phật giáo theo tinh thần mọi Tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật là mục tiêu hướng đến của phong trào.

Mặc dù Ngô Đình Diệm là người Thiên chúa giáo với vai trò Tổng thống, cố vấn của ông là Giám mục Ngô Đình Thục và những anh em của ông đều là các con chiên Thiên chúa giáo cực đoan, hòng biến Thiên chúa giáo thành Quốc đạo. Phong trào năm 1963 không hề chống Thiên chúa giáo vì Thiên chúa giáo không có tội lỗi gì trong vấn đề này. Tội ác 1963 là do ông Ngô Đình Diệm và chính quyền của ông tạo ra pháp nạn đối với Phật giáo. Tội ác của gia đình Ông Diệm đã dẫn đến hậu quả ông Ngô Đình Diệm đã bị chính tướng lãnh của ông ám sát chết.

 

Ngọn lửa từ bi của Bồ-tát Thích Quảng Đức[16]

Đánh giá về vấn đề này, tôi xin trích dẫn Giáo sư Trần Văn Giàu, một nhà tri thức lớn, đứng độc lập khỏi phong trào năm 1963, không đứng từ phía Mỹ hay phía Việt Nam Cộng hoà mà đứng từ gốc độ một nhà nghiên cứu, nhận xét như sau:

“Kết tinh trong một vị chân tu những nỗi căm hờn đối với một chế độ độc tài cá nhân gia đình trị, vô nhân đạo và bạo ngược, hành động dũng cảm của Hoà thượng Thích Quảng Đức là một bản án không gì bôi được với chế độ bù nhìn của Mỹ ở Sài Gòn, đồng thời là một lời kêu gọi đồng bào Phật tử đấu tranh chống phát-xít, dù chết không chịu lùi bước. Thật không phải thường có những cái chết kích động nhân tâm sâu sắc và rộng rãi như cái chết của Hoà thượng Thích Quảng Đức”.[17]

Nhận xét của Giáo sư Trần Văn Giàu về ngọn đuốc từ bi tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức để lại trái tim bất diệt nói riêng và phong trào đấu tranh bất bạo động Phật giáo năm 1963 nói chung rất chuẩn. Chỉ có một vài khái niệm về thái độ thì tôi cho rằng Giáo sư Trần Văn Giàu miêu tả chưa chính xác, còn bản chất nhận xét về phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo rất là chuẩn.

Thứ nhất, cho rằng Bồ-tát Thích Quảng Đức phát xuất từ “nỗi căm hờn” đối với chế độ độc tài Ngô Đình Diệm là không đúng. Với lòng từ bi lớn, Bồ-tát Thích Quảng Đức chưa bao giờ căm phẫn ông Ngô Đình Diệm, Giám mục Ngô Đình Thục, gia đình và chính thể Thiên chúa giáo Ngô Đình Diệm. Trong lời phát nguyện tự thiêu, Bồ-tát Thích Quảng Đức nói rất rõ về lòng từ bi và muốn kêu gọi chính quyền Ngô Đình Diệm tôn trọng công bằng và bình đẳng tôn giáo thôi.

Thứ hai, cho rằng cái chết của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã “kích động” nhân tâm sâu sắc. GS. Trần Văn Giàu dùng từ “kích động” là quá mạnh, chưa phù hợp, tạo ra cái tiền đề làm xúc động nhân tâm, dẫn đến phong trào đấu tranh của Tăng Ni và Phật tử bất chấp luôn cả cái chết để mang lại công bằng Tôn giáo cho Đạo Phật và miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.

Đó là hai điều tôi cho rằng GS. Trần Văn Giàu phản ánh chưa đúng tâm trạng từ bi, cao thượng của Bồ-tát Thích Quảng Đức lúc bấy giờ. Đó là điều hơi đáng tiếc. Toàn bộ nội dung đánh giá còn lại của GS. Giàu đã phản ánh rất đúng với bản chất của phong trào đấu tranh bất bạo động năm 1963.

Nhân đây, tôi trích nguyên phát nguyện văn tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức để độc giả có thể hiểu toàn diện về bản chất và ý nghĩa của việc tự thiêu. Bài “Lời nguyện tâm quyết”[18] được Bồ-tát Quảng Đức viết vào ngày 4 tháng 6 năm 1963 tại Chùa Ấn Quang với nguyên văn như sau:

Tôi là Tỳ kheo Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quan Thế Âm Phú Nhuận Gia Định. Nhận thấy Phật giáo nước nhà đang lúc nghiêng ngửa. Tôi là một tu sĩ mệnh danh là trưởng tử của Như Lai, không lẽ cứ ngồi điềm nhiên toạ thị để cho Phật giáo tiêu vong, nên tôi vui vẻ phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dưỡng chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo. Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại Đức, Tăng ni chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện như sau:

Một là mong ơn Phật Trời gia hộ cho tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên cáo.

Hai là nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.

Ba là mong nhờ hồng ân Đức Phật gia hộ cho chư Đại đức, Tăng ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố, bắt bớ, giam cầm của kẻ ác.

Bốn là cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.

Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, đều thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để nước nhà xưng yến muôn thuở. Tôi thiết tha kêu gọi chư Đại đức, Tăng ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo.

Nam-mô A-di-đà Phật.

Nam-mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Làm tại chùa Ấn Quang ngày 4/6/1963.

Tỳ-kheo Thích Quảng Đức thủ ký”.

Qua lời phát nguyện nêu trên, chúng ta thấy rất rõ không hề có tâm căm hờn, sự phẫn nộ mà chỉ có tâm từ bi đối với gia đình và chính thể Ngô Đình Diệm - Giám mục Ngô Đình Thục vốn là các tác nhân ra lệnh đàn áp Phật giáo. Thế mà Bồ-tát Thích Quảng Đức vẫn dùng những từ rất lịch sự và từ bi, “mong Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận 5 nguyện vọng của Phật giáo”, mong cho Phật giáo thoát khỏi tai ương bắt bớ, giam cầm của kẻ ác, nguyện cầu cho đất nước Việt Nam thanh bình Quốc dân an lạc. Hoàn toàn không có lời căm phẫn nào hết.

Bồ-tát Thích Quảng Đức đã vượt lên trên những giới hạn bạn và thù, như trong nhận xét của Giáo sư Trần Văn Giàu. Với tấm lòng từ bi vĩ đại của Bồ-tát Thích Quảng Đức, Phật giáo năm 1963 đã thành công trong việc tái thiết lập lại công bằng tôn giáo, công bằng xã hội cho cộng đồng Phật tử ở miền Nam lúc bấy giờ.

 

Biến cố 8 trẻ em bị chính quyền Diệm giết chết tại Đài phát thanh Huế

Đề cập đến phong trào năm 1963, có một điểm mà chúng ta không thể quên: Biến cố 8 Phật tử bị chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh giết chết tại Đài phát thanh Huế. Trong suốt 56 năm qua, những người theo tinh thần phục hưng chủ nghĩa tài phiệt Ngô Đình Diệm và một tướng tá Việt Nam cộng hòa ở hải ngoại, cụ thể đứng đầu là thiếu tá Liên Thành đã cố tình xuyên tạc bản chất của phong trào đấu tranh bất bạo động 1963 và biến cố 8 trẻ em bị giết chết tại Đài phát thanh Huế này.

Theo Giáo sư Trần Hữu Thế, cựu bộ trưởng Giáo dục thì chính Ngô Đình Thục đã ra lệnh cho Thiếu tá Đặng Sỹ phải "dẹp" đám đông Phật tử tại đài Phát thanh Huế tối 8/5/1963. Ông viết như sau: “Chính tối hôm Phật đản cũng đã có một bữa tiệc tại nhà Ngô Đình Cẩn với sự hiện diện của Tổng giám mục Ngô Đình Thục, một số bộ trưởng và nhiều nhân vật cao cấp trong chính phủ. Đang giữa bữa ăn thì Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng và Phó Tỉnh trưởng Đặng Sĩ hốt hoảng xin vào trình bày tình hình rất căng thẳng vì mấy ngàn Phật tử đang tụ họp trước Đài Phát thanh. Vì phụ trách các vấn đề an ninh, Thiếu tá Đặng Sĩ xin chỉ thị để đối phó… Sau báo cáo của Đặng Sĩ, Tổng giám mục Ngô Đình Thục đang ăn bỗng ngưng lại, giơ tay ra hiệu cho Thiếu tá Đặng Sĩ: "Dẹp…!”.[19]

Ở đây, chúng ta thấy có sự nhúng tay của Giám mục Ngô Đình Thục trong việc ra lệnh “dẹp” tức tiêu diệt, đàn áp Phật giáo. Sự nhúng tay của Giám mục Ngô Đình Thục cũng dễ hiểu thôi. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thụ phong, Giám mục Ngô Đình Thục nỗ lực chứng minh Vatican biết Việt Nam có đa số dân chúng theo Thiên chúa giáo để ông có cơ hội được giáo hoàng tấn phong làm Hồng y trong tương lai. Trên đường về Quảng Trị tham dự lễ hội đức Mẹ tại La Vang, ông nhìn thấy cờ Phật giáo treo khắp nơi, Thiên chúa giáo chỉ thiểu số. Sự cay cú, bực tức, ganh tị, tủi hỗ đó cộng với sự thiếu sáng suốt đã làm cho Giám mục Ngô Đình Thục đổ dầu vào lửa, khi ra lệnh cho Đặng Sỹ “dẹp”, mà lẽ ra cái quyền treo cờ Phật giáo thuộc về mọi công dân và việc không cho thuộc về chính quyền chứ không phải quyền của một ông Giám mục (lãnh đạo của Thiên chúa giáo).

Điều đó cho thấy Giáo hội Thiên chúa giáo của Ngô Đình Thục một cách gián tiếp, mà ở đây, cụ thể là Giám mục Ngô Đình Thục đã trực tiếp can thiệp vào thể chế chính trị do em mình là Ngô Đình Diệm đứng ở vị trí nguyên thủ Quốc gia. Việc Giám mục Ngô Đình Thục ra lệnh cho Đặng Sỹ “dẹp” và “giết” chết 8 trẻ em Phật tử tại đài phát thanh Huế đã dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng, tạo ra đại nạn cho miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.

Bác sĩ người Đức Erich Wulff chứng kiến sự việc xảy ra đau lòng tại đài phát thanh Huế và sau đó đến nhà xác quan sát các thi thể, khẳng định rằng: “Có 5 trong 8 nạn nhân bị xe bọc thép chính quyền Ngô Đình Diệm bắn mất đầu.”[20] Ông Erich Wulff là một Bác sĩ người Đức, hoàn toàn độc lập với Phật giáo, không phải là Phật tử, đã nói lên những gì mà ông nhìn thấy rất chính xác.

Ấy thế mà trong 56 năm qua, những người theo tinh thần Ngô Đình Diệm vẫn nguỵ biện và gán tội cho chính quyền Việt Nam đương nhiệm khi cho rằng 8 người bị chết ở Đài phát thanh trong đó có 7 thiếu nhi Phật tử là do Cộng sản làm ra; không phải do chính quyền Ngô Đình Diệm làm. Chính thể Ngô Đình Diệm đang nắm chính quyền. Lính của Đặng Sỹ mù quáng nghe lệnh của Giám mục Ngô Đình Thục bắn chết 8 trẻ em. Lúc đó, Việt cộng làm gì mặt tại đài phát thanh Huế mà nguỵ biện, tráo trở lịch sử để vu cáo cho Cộng sản tạo ra các cái chết oan trái.

Không dừng ở sự vu cáo Việt cộng một cách trắn trợn, những người phục hưng chủ nghĩa tài phiệt Ngô Đình Diệm còn ngụy biện rằng đạo Phật làm nổi loạn vụ việc đó cho nên chính quyền mới dẹp loạn. Chiêu tuyên truyền “lộng giả thành chân” này có mục tiêu đổ lỗi cho Phật giáo bằng mọi giá, nhằm chạy tội, tức là thủ đoạn biến đạo Phật vốn là thành nạn nhân lại trở thành chủ thể tạo ra pháp nạn lịch sử năm 1963, tức tội đồ. Việc thiếu tá Liên Thành và những nhà tri thức Thiên chúa giáo trong cộng đồng người Việt Nam ở phương Tây đã làm và đổ lỗi cho Phật giáo và chính quyền Việt Nam hiện tại là không thể chấp nhận được.

Cùng thời điểm đó tại Sài Gòn, ngày 9/5/1963, Giám đốc Cảnh sát là ông Nguyễn Văn Thành và Giám đốc Cảnh sát Đặc biệt là ông Dương Văn Hiếu đã đến Chùa Ấn Quang, gặp Lãnh đạo Phật giáo Nam Bộ để nhờ trấn an dư luận. Chỉ là trấn an thôi khi chính sách đàn áp không dừng thì làm sao dứt được sự khủng hoảng chính trị, xã hội và tôn giáo ở miền Nam.

Lúc đó, Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ và Bộ trưởng Công dân vụ Ngô Trọng Hiếu đã gặp Thượng tọa Thích Tâm Châu xin hoãn lễ Cầu siêu nạn nhân ở Đài Phát thanh Huế mà vốn dự định tổ chức vào ngày 12/5/1963. Vì sợ rằng Lễ cầu siêu đó sẽ làm dấy khởi lên phong trào đấu tranh bất bạo động chống chính quyền Ngô Đình Diệm nên chính quyền Ngô Đình Diệm tìm cách hoãn binh bằng nhiều phương thức mưu mẹo, trong khi chính sách đàn áp không chịu dừng thì làm sao cuộc đấu tranh bất bạo động kết thúc được. Phật giáo đâu phải là đối tượng gây sự với chính quyền của Ngô Đình Diệm. Thực chất là chính quyền Ngô Đình Diệm bất tuân luật pháp, gây sự, đàn áp tăng ni, giết chết Phật tử và biến Phật giáo thành nạn nhân với chính sách cai trị đầy bất bình đẳng.

Sáng ngày 9 tháng 5 năm 1963, rất nhiều Phật tử ở Huế đã biểu tình, tố cáo chính quyền tàn sát tín đồ Phật giáo. Đại sư Trí Quang và Tỉnh trưởng Thừa Thiên đã nỗ lực dùng xe phóng thanh để kêu gọi Phật tử giải tán, để làm bớt đi sự căng thẳng đang diễn ra lúc bấy giờ. Điều đó cho thấy là Đại sư Trí Quang là người rất có lòng với dân tộc và vì đại cuộc lúc đó. Làm thế nào để hạ nhiệt, để cho sự đàn áp của Thiên chúa giáo Ngô Đình Diệm sớm kết thúc và các Phật tử cũng không cần thiết phải tiếp tục biểu tình. Nhưng sự việc đã nằm ngoài tầm tay vì chính sách đàn áp Phật tử của chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn không dứt. Cho nên sự biểu tình bất bạo động của cộng đồng Phật tử một cách tự nguyện đã lan nhanh ở khắp Cố đô Huế và lan rộng đến Sài Gòn.

 

Lại dụ số 10 thiên vị Thiên chúa giáo

Nếu gắn kết sự kiện chính quyền Ngô Đình Diệm thiên vị Thiên chúa giáo, đàn áp Phật giáo như là hệ quả tất yếu từ Lại dụ số 10[21] thì chúng ta sẽ thấy rõ được suốt 9 năm (1954-1963) cai trị của ông Ngô Đình Diệm, ngoài vấn đề ủng hộ Thiên chúa giáo công khai một cách sai luật pháp thì Lại dụ số 10 có nhiều quy định bất công cho Phật giáo và các tôn giáo khác lúc bấy giờ.

Do đi theo chính quyền bảo hộ Pháp, Quốc gia Việt Nam lúc đó đã có chính sách thiên vị Công giáo, sau này được Việt Nam Cộng hoà của Ngô Đình Diệm kế thừa có chủ ý, dĩ nhiên có sự tác động lớn của Giám mục Ngô Đình Thục. Cấm treo cờ Phật Đản năm 1963 chỉ là sự bùng nổ của các mâu thuẫn đè nặng sự bất công vì chính quyền thiên vị Thiên chúa giáo và chống đạo Phật. Chính sách thiên vị Thiên chúa giáo một cách bất công với Phật giáo đã làm tích tụ trong lòng người dân trong xã hội suốt 9 năm trời (1954-1963). Sự đè nén đó có mức chịu đựng nhất định khi mà quá mức, nó bùng nổ thành một phong trào nhân dân tự nguyện, chứ không nhằm lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm.

Trong Lại dụ 10 có điều khoản 44 quy định như sau: “Chế độ đặc biệt dành cho các Hội Truyền giáo Thiên Chúa và Gia-tô, các Hoa Kiều Lý Sự Hội, sẽ được ấn định sau”. Như vậy, trong đạo dụ này khoản 44 đã quy định Thiên chúa giáo và các tổ chức Gia-tô được quyền đúng trên luật pháp, được quyền tối ưu, quyền ưu tiên hưởng tất cả các chính sách đặc biệt của chính quyền Ngô Đình Diệm trong khi Phật giáo được liệt vào các Tôn giáo còn lại, bị xem ngang bằng các hội thông thường, không được cái quyền bình đẳng tôn giáo với Thiên chúa giáo. Thiên chúa giáo được quyền ưu tiên treo cờ Vatican trên các ngã đường và tại tư gia của các tín hữu Thiên chúa nhưng Phật giáo không được quyền treo cờ ở các nơi công cộng và tư gia tương tự. Đó là một sự bất công và vi phạm luật pháp trắng trợn của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Thiên chúa giáo được ưu đãi so với các tôn giáo khác trong đó có Phật giáo. Giáo hội Thiên chúa giáo, dù chỉ là thiểu số không đáng kể, được là tôn giáo duy nhất theo đúng nghĩa tại Việt Nam, được công nhận như là “hiệp hội công cộng”, trong khi Phật giáo và các tôn giáo khác chỉ được gọi là “hiệp hội tư nhân”. Đó là cách khéo léo và nguỵ biện trong cách dùng từ, tạo ra cái quyền lợi ích cao nhất, hợp pháp nhất cho Thiên chúa giáo và các hội Gia tô cũng như cho các tổ chức của Thiên chúa giáo tại Việt Nam lúc bấy giờ.

“Hiệp hội công cộng” mới hưởng được chính sách của Nhà nước, trong khi Phật giáo và các tôn giáo khác bị xem là các “hiệp hội tư nhân” nên không được cái quyền đó. Đó là chủ trương thâm hiểm của chính quyền thực dân Pháp mà chính quyền Ngô Đình Diệm đã kế thừa từ Lại dụ 10.

Toàn bộ viện trợ thực phẩm của Hoa kỳ (Chương trình thực phẩm vì hòa bình) đã bị các tổ chức xã hội Thiên chúa giáo và các linh mục tại các thôn xã, quận huyện lợi dụng để vận động dân chúng theo đạo Thiên chúa, qua công thức: “theo Đạo có gạo mà ăn”. Nghĩa là ai muốn được hỗ trợ viện trợ vật chất thì phải đi theo Thiên chúa giáo. Đó là lý do tại sao có chính sách bất công trong Lại dụ 10 này vì mục đích của chính quyền lúc bấy giờ muốn cải đạo những người theo đạo Phật và các tôn giáo khác trở thành tín hữu của Thiên chúa giáo.

Đối với Thiên chúa giáo khi mở Bệnh viện, Trường học, Hiệp hội và các hoạt động tôn giáo, không phải xin phép. Nhưng nếu Phật giáo làm các dự án và sự kiện tương tự thì phải xin phép. Các đơn xin phép của Phật giáo chỉ được chấp nhận sau khi trải qua rất nhiều thủ tục khó khăn, rất chậm trễ, 10 đơn xin thì chỉ có 1-2 đơn được duyệt. Trong khi các hội đoàn, Nhà thờ của Thiên chúa giáo thì được cho phép mọc lên như nấm. Đó là chính sách bất công của đạo dụ số 10. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã thừa hưởng tinh thần của dụ 10 đó tạo ra bất công đối với Phật giáo trong suốt 9 năm (1954 - 1963) Ngô Đình Diệm cai trị. Đây là lý do phong trào đấu tranh bất bạo động của Phật giáo nổi lên rất mạnh vào đỉnh điểm năm 1963 khi bị cấm treo cờ Phật giáo, đang khi chính quyền Ngô Đình Diệm đề cao và thiên vị Thiên chúa giáo.

Tôi hy vọng rằng qua việc giải thích ngắn gọn này thì chúng ta thấy rõ bức tranh khách quan về biến cố Phật giáo năm 1963 mà chủ thể tạo ra sự đàn áp khốc liệt và đau lòng này chính là chính quyền Thiên chúa giáo Ngô Đình Diệm, chứ không phải là Phật giáo vì Phật giáo chỉ là nạn nhân của chính quyền. Phật giáo năm 1963 không có tham vọng, không có chủ trương lật đổ chính quyền, không có chính sách chống Thiên chúa giáo, mà chỉ chống chính sách bất công của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo mà thôi.

 

VI. DI SẢN CỦA ĐẠI SƯ TRÍ QUANG ĐỂ LẠI CHO VIỆT NAM

Mục đích các nhà phục hưng chủ nghĩa tài phiệt Ngô Đình Diệm tạo các nguỵ biện với những điều không có thật trong lịch sử 1963-1966 là nhằm đi đến kết luận rằng di sản mà Đại sư Trí Quang để lại cho đời là cuộc nội chiến Việt Nam dài đăng đẳng. Thiếu tá Liên Thành và nhà biên khảo Thiên chúa giáo Trương Nhân Tuấn chỉ là vài nhân vật điển hình về thuyết ngụy biệ và vu cáo Phật giáo 1963.

Những người phục hưng chủ nghĩa tài phiệt Ngô Đình Diệm còn nguỵ biện rằng di sản Đại sư để lại là ra sự ra đời của chính quyền Cộng sản của Việt Nam. Thống nhất 2 miền Nam Bắc là bước ngoặc tất yếu của lịch sử, diễn ra sau pháp nạn Phật giáo 1963 đến 12 năm, không có liên hệ gì đến Đại sư Trí Quang cũng không liên hệ gì đến phong trào Phật giáo năm 1963. Độc lập và thống nhất đất nước là mong mỏi của tất cả công dân tại bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử của nhân loại. Độc lập và thống nhất Việt Nam năm 1975 không phải là ngoại lệ.

Việc Mỹ ngưng viện trợ đối với Việt Nam Cộng hoà đó là quyết định của chính phủ Mỹ và Việt Nam lúc đó chỉ là một con chốt trên bàn cờ chính trị thê giới. Các chính thể Việt Nam Cộng hoà nối tiếp theo sau phải chịu trách nhiệm về những khổ đau trong chiến tranh do giai đoạn mình cai trị xảy ra, không thể đổ lỗi cho Đại sư Trí Quang và Phật giáo đã tạo ra những việc đó. Việc những người theo Thiên chúa giáo, phục hưng chủ nghĩa tài phiệt Ngô Đình Diệm đổ lỗi cho đại sư Trí Quang không phải hành động liêm khiết tri thức.

Đại sư Trí Quang có công bảo vệ Phật giáo Việt Nam trường tồn với lịch sử, đất nước và con người Việt Nam, giúp Phật giáo Việt Nam khỏi nạn diệt vong của chính quyền Ngô Đình Diệm. Đại sư Trí Quang có công làm cho chân lý Phật ở miền Nam tiếp tục tỏa sáng, nhờ đó, hàng chục triệu người biết đến Phật giáo, nhờ đó, sống an vui, hạnh phúc và hữu ích cho đời.

Bảo vệ quyền tự do tôn giáo của Phật giáo năm 1963 được Hiến pháp và Luật pháp thừa nhận và bảo vệ. Nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm đã đi ngược lại với chủ trương của chính mình, đó là sai lầm lớn của chính quyền. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã tạo ra pháp nạn năm 1963, Phật giáo là nạn nhân có lòng từ bi, không trả thù từ những khổ đau do biến cố đàn áp Phật giáo năm 1963. Đại sư Trí Quang đã Bảo vệ Phật giáo khỏi những chính sách bất công, thiên vị Thiên chúa giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Ngoài những điều nêu trên, có 2 di sản quan trọng được Đại sư Trí Quang cống hiến cho Việt Nam gồm xá-lợi đầu, tượng trưng cho trí tuệ và hơn 40 tác phẩm Phật học sâu sắc.

Việc Đại sư Trí Quang đã để lại Xá-lợi đầu, tượng trưng cho trí tuệ, là xá-lợi đầu tiên và duy nhất trên thế giới, do đó, rất đặc biệt đối với cộng đồng Phật giáo thế giới. Cái đầu tượng trưng cho trí tuệ. Sau khi thiêu gần 24 tiếng, bao nhiêu xương cứng hơn đều bị cháy vụn nát và ngã màu xám, riêng xá-lợi toàn đầu của Đại sư Trí Quang vẫn còn nguyên một khối tinh anh, rất là đặc biệt, hiếm có trong đời. Trong Phật giáo, xá-lợi thượng đỉnh, hay xá-lợi đầu tượng trưng cho trí tuệ, vốn được xem là sự kết tinh từ mấy chục năm hành đạo và phụng sự nhân sinh của Đại sư Trí Quang cho đất nước và con người Việt Nam.

Di sản quan trọng khác được Đại sư Trí Quang đã để lại cho Việt Nam là hơn 40 chục công trình sáng tác, dịch thuật và sớ giải Kinh sách Phật giáo rất đáng được trân trọng, được xuất bản. Các tác phẩm này chia làm 2 nhóm gồm (i) Tâm ảnh lục là các trước tác riêng, cụ thể các bài nghiên cứu và báo viết và in từ năm 1948, và (ii) Pháp ảnh lục gồm các dịch thuật về kinh sách, sám văn Phật giáo từ năm 1944 đến 2016. Bộ sách Trí Quang toàn tập này có bìa cứng, giấy đẹp, in trang trọng, được xuất bản chính thức và tái bản, ấn tống nhiều lần trong nước.[22]Có thể chia các tác phẩm và dịch phẩm này làm 4 nhóm:

Về kinh điển có 18 tác phẩm Kinh thuộc Phật giáo đại thừa

(i) Kinh Bốn Mươi Hai Bài, (ii) Phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền, (iii) Kinh Duy-ma, (iv) Kinh Báo Ân Cha Mẹ, (v) Kinh Vu Lan, (vi) Kinh Kim Cương, (vii) Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim, (viii) Kinh Viên Giác, (ix) Kinh Giải Thâm Mật, (x) Kinh Hoa Sen Chánh Pháp, (xi) Kinh Thắng Man, (xii) Thủy Sám, (xiii) Dược Sư Kinh Sám, (xiv) Kinh Địa Tạng, (xv) Lương Hoàng Sám, (xvi) Hai Thời Công Phu, (xvii) Mười Điều Tâm Niệm, (xviii) Kinh Giáo huấn vắn tắt của Phật lúc sắp niết bàn, (xix) Kinh Hoa Nghiêm (Phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền).

Đó là các tác phẩm Kinh và Sám văn mà Đại sư Trí Quang đã dày công dịch thuật và chú giải rất chi tiết. Về phương diện học thuật, tôi ghi nhận rằng Đại sư Trí Quang đạt đẳng cấp học thuật như là các Giáo sư giỏi trên thế giới, mặc dù về bằng cấp thì Ngài chỉ có lớp 12 và về Phật học chỉ học Phật từ năm 1939-1944. Về phong cách học thuật, chúng ta khó có thể tìm thấy các Giáo sư đẳng cấp có những công trình nghiên cứu công phu tương đương như Ngài. Đó là điều chúng ta cần trân trọng.

Về Luật tạng có 6 dịch phẩm. Đại sư Trí Quang đã dịch và chú giải 6 dịch phẩm về Luật học Phật giáo gồm toàn bộ lộ trình thực tập đạo đức từ tại gia đến xuất gia gồm: (i) Bồ-tát giới Phạn võng, (ii) Tỳ-kheo giới, (iii) Tỷ-kheo-ni giới, (iv) Thức-xoa-ma-na-ni giới, (v) Sa-di và Sa-di-ni giới, (vi) Quy Sơn cảnh sách.

Tất cả các bản văn về luật Phật giáo cần thiết cho người tập sự tu, chú tiểu, thọ giới Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-ni, Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni cho Luật Bồ-tát để hành trì suốt kiếp người nhằm đạt được chánh niệm tỉnh thức trong các oai nghi thì Đại sư Trí Quang đã dành thời gian cống hiến các dịch phẩm với chú thích đẳng cấp về phương diện học thuật.

Về Luận tạng có 5 tác phẩm triết luận Đại thừa quan trọng gồm (i) Luận Khởi Tín, (ii) Luận Đại Trượng Phu, (iii) Dị bộ tông luân luận: Lược thuật học thuyết của các bộ phái Tiểu thừa, (iv) Luận Chỉ Quán, (v) Nhiếp đại thừa luận: Luận văn Tổng quát về Đại thừa.

Đây là 5 bộ luận rất quan trọng trong các chương trình Phật học tại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Bắc Triều Tiên. Những người tu học Phật muốn hiểu sâu Phật giáo về triết lý và hành trì, những điểm tương đồng và dị biệt, các giai đoạn phát triển Phật giáo, các tông phái Phật giáo, những phương pháp hành trì trong Đạo Phật nên nghiên cứu 5 bộ luận quan trọng này.

Về các sáng tác khác, Đại sư Trí Quang đã viết và đăng trên nhiều tạp chí Phật học khác nhau những bài nghiên cứu nổi tiếng cũng như xuấ bản các sách bao gồm: (i) Tiểu truyện tự ghi, (ii) Vài đặc điểm của Phật Giáo, (iii) Cao Tăng Pháp Hiển, (iv) Ngọn lửa Quảng Đức, (v) Từ Rạch Cát tới Tòa Đại Sứ, (vi) Người Xuất gia, (vii) Vua Lương Võ Đế, (vii) Lời tụng Tôn kính đức Phật đương lai, (viii) Đọc Pháp Cú Nam Tông, (ix) Người Phật tử tại gia v.v…

Đó là những tác phẩm và dịch phẩm tiêu biểu của Đại sư Trí Quang. Ngoài ra còn nhiều sáng tác khác đã được đăng trên nhiều tạp chí trong suốt hown6 thập niên qua.

Tóm lại, khi đề cập đến Đại sư Trí Quang, chúng ta nên nhớ có 3 di sản mà Ngài đã để lại cho đất nước và con người Việt Nam:

-   Di sản Thứ nhất: Đại sư Trí Quang lãnh đạo thành công phong trào Phật giáo năm 1963, mang lại công bằng bình đẳng cho đạo Phật, chấm dứt sự đàn áp tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, nhờ đó Phật giáo tiếp tục trường tồn từ năm 1963 đến nay. Nếu không có phong trào bất bạo động 1963 do Đại sư Trí Quang lãnh đạo thành công thì Phật giáo đã có thể bị diệt vong và mất khỏi bản đồ văn hoá, tôn giáo, chính trị Việt Nam rồi.

-   Di sản Thứ hai: Sau khi thiêu 1 ngày, vào ngày 12-11-2019, Đại sư Thích Trí Quang đã để lại “Xá lợi xương đầu” đầu tiên trên thế giới và độc nhất cho đến thời điểm hiện nay. Mặc dù các xương khác cứng hơn như là xương đùi, xương chân đã trở thành các mãnh vụn, trong khi xương đầu của Đại sư Trí Quang vẫn còn nguyên sau gần 1 ngày thiêu. Xá-lợi đầu tượng trưng cho trí tuệ siêu việt của Đại sư Trí Quang trở thành niềm kính tin Tam bảo đối với sự tu học của Tăng Ni và Phật tử Việt Nam.

-   Di sản Thứ ba:Hơn 40 dịch phẩm và tác phẩm về Kinh, Luật, Luận và những tác phẩm khác của Đại sư Trí Quang thể hiện tầm nhìn sâu sắc về Phật pháp và sự thực chứng của ngài trên con đường hành trì Phật pháp, chuyển hoá khổ đau. Các tác phẩm Phật học của Đại sư Trí Quang đã giúp nhiều thế hệ Tăng, Ni trong quá khứ, ở hiện tại và tiếp tục trong tương lai như nguồn trí tuệ dẫn dắt và khai sáng mắt tuệ cho người tu học Phật.

Đó là 3 di sản quan trọng Đại sư Trí Quang đã để lại cho đời. Tôi rất kính mong chư tôn đức Tăng, Ni và các quý Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước hãy trân trọng các di sản cao quý của Đại sư Trí Quang.

Trong những ngày qua và những ngày sắp tới, hay đến ngày 2 tháng 11 dương lịch mỗi năm, khi mà cộng đồng Thiên chúa giáo cực đoan và những người phục hưng tinh thần Ngô Đình Diệm tổ chức tưởng niệm Ông Diệm độc tài mà họ gọi là Thánh lễ, thì họ sẽ đưa ra nhiều thuyết nguỵ biện để thóa mạ, vu cáo Bồ-tát Thích Quảng Đức và Đại sư Trí Quang, nhằm chống đối và bôi nhọ phong trào Phật giáo bất bạo động năm 1963. Họ sẽ dựng lên các tà thuyết, những câu chuyện sai với lịch sử nhằm kết tội Phật giáo là tội đồ của dân tộc, trong khi Phật giáo là nạn nhân do chính quyền Ngô Đình Diệm tạo ra.

Những chủ trương thâm độc của những người theo tinh thần phục hưng Ngô Đình Diệm sẽ không thể thay đổi được vết nhơ lịch sử cho ông Ngô Đình Diệm và chính quyền của ông tạo ra. Nên nhớ, lịch sử bao giờ vẫn là lịch sử, sự thật bao giờ vẫn là sự thật. Cộng đồng Phật giáo Việt Nam đã, đang đứng về phía sự thật cho nên không sợ những luận điệu xuyên tạc và sự nguỵ biện của những người không biết tôn trọng sự thật.

Nếu ông Ngô Đình Diệm do chính sách đàn áp Phật giáo, giết trẻ em vô tội dẫn đến tình trạng bị thuộc hạ của ông ám sát thì các thuyết nguỵ biện, vu cáo, xuyên tạc, thóa mạ Bồ-tát Thích Quảng Đức, Đại sư Trí Quang và phong trào Phật giáo đấu tranh bất bạo động năm 1963 sẽ tự diệt vong, giống như bóng tối bị tan biến khi vầng thái dương ló dạng và tỏa chiếu khắp nơi.

Kính chúc chư tôn đức Tăng, Ni an lành và hanh thông Phật sự. Kính chúc các quý Phật tử tinh tấn hơn nữa trên con đường học chân lý Phật, tu dưỡng đạo đức Phật, thực tập thiền định Phật và ứng dựng chân lý Phật, chia sẻ chân lý Phật trong cuộc sống, góp phần khép lại toàn bộ nỗi khổ, niềm đau, mở ra an vui hạnh phúc cho đời.

 

 



[1] Pháp thoại do TT. Thích Nhật Từ thuyết giảng tại Chùa Giác Ngộ, ngày 15/11/2019, do Thích Ngộ Trí Viên và Trần Lý Phương Nguyên phiên tả và biên tập. Xem toàn Video pháp thoại này trên kênh Youtube của Đạo Phật Ngày Nay: https://youtu.be/wKMqN5xRbUI hoặc Video trên Facebook Thích Nhật Từ: https://www.facebook.com/ThichNhatTu/videos/2668365213228951?vh=e&d=n&sfns=mo

[2] Dữ liệu phần này dựa vào Tiểu sử của Đại sư Trí Quang do Ban Tổ chức Tang lễ công bố trên các phương tiện truyền thông. Xem trang nhà Quảng Đức: https://quangduc.com/a66796/so-luoc-tieu-su-dai-lao-hoa-thuong-thich-tri-quang-1923-2019

[3] Đọc thêm Trí Quang tự tuyệntại đây: https://thuvienhoasen.org/images/file/BifOXptG0QgQANN2/triquangtutruyen.pdf

[4] Theo Báo Giác Ngộ, https://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2019/11/08/1744D8/

[5] Xem phóng sự của báo Thanh Niên: https://thanhnien.vn/thoi-su/hoa-thieu-nhuc-the-dai-lao-hoa-thuong-thich-tri-quang-1147348.html hoặc Báo Giác Ngộ, https://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2019/11/20/17C6D1/

[6] Trên mạng facebook, người ta còn cho rằng hai chùa sau đây cũng được thờ xá-lợi của đại sư Trí Quang gồm (i) Chùa Phật Ân, xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (nơi mà đệ tử của Ngài là HT. Thích Minh Tâm làm Trụ trì) và (ii) Chùa Linh Thái, đường Xuân Thới 6, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP. HCM (nơi đệ tử của Ngài là HT. Thích Trung Hậu làm Trụ trì). Sau khi kiểm chứng, thông tin này được xem là không chính xác.

 

[7] Khmer Đỏ: Diệt chủng Campuchia do Pol Pot lãnh đạo khoảng giữa năm 1975 đến 1979.

[8] Xem bài viết “Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang: 'Một trang lịch sử” của GS.TS. Cao Huy Thuần đăng trên BBC tiếng Việt, ngày 10-11-2019, tại https://www.bbc.com/vietnamese/forum-50364375  hoặc Báo Giác Ngộ, với tựa đề: “Thầy Trí Quang - Một trang lịch sử” đăng ngày 10-11-2019 tại https://giacngo.vn/lichsu/nhanvat/2019/11/10/3356D0/

[9] Xem chương trình Bàn tròn thứ Năm trên BBC tiếng Việt lúc 19:08, ngày 14-11-2019 sẽ thấy quan điểm của ông Trương Nhân Tuấn và Mặc Lâm đại diện cho thuyết ngụy biện, kết tội đại sư Trí Quang.

[10] Hai quyển sách của thiếu tá Liên Thành gồm “Biến động miền Trung” xuất bản năm 2009 và “Thích Trí Quang, thần tượng hay tội đồ dân tộc” xuất bản năm 2014 là đại diện tiêu biểu của những người theo Thiên chúa giáo, phục hưng tinh thần độc tài của Ngô Đình Diệm, dựng lên thuyết ngụy biện, nhằm chụp mủ, xuyên tạc Đại sư Trí Quang và phong trào Phật giáo 1963.

[11] Ahimsa trong tiếng Sanskrit có nghĩa là tính bất hại, bất bạo động. Ahimsa được xem là nguyên tắc đạo đức, tư tưởng cốt lõi của các Tôn giáo ở Ấn Độ, đặc biệt của Phật giáo, nhằm phát triển tâm từ bi, bảo vệ hòa bình, tôn trọng sự sống, thương yêu loài vật và góp phần bảo vệ môi trường.

[12] Xem MC Quốc Phương dịch trong chương trình Bàn tròn thứ Năm trên BBC tiếng Việt, lúc 19:08 ngày 14-11-2019.

[13] Tác phẩm “Trí Quang tự truyện”, Nhà Xuất Bản Tổng TP.HCM 2011. Có thể xem file PDF tại link sau đây: https://thuvienhoasen.org/a15441/tri-quang-tu-truyen

[14] Tác phẩm Trí Quang tự truyện đã dẫn nêu trên.

[15] Mặc Lâm trong chương trình Bàn tròn thứ Năm trên BBC tiếng Việt, lúc 19:08 ngày 14-11-2019. Thiếu tá Liên Thành trong 2 tác phẩm của ông là “Biến động miền Trung” xuất bản năm 2009 và “Thích Trí Quang, thần tượng hay tội đồ dân tộc” xuất bản năm 2014.  Quan điểm của Emily Langer đăng trên tờ Washington Post, ra ngày 14-11-2019 với tựa đề “Thích Trí Quang, một nhà sư Phật giáo nắm quyền lực chính trị trong chiến tranh Việt Nam, qua đời ở tuổi 95”. Cuối bài, tác giả Thiên chúa giáo này viết sai lệch như sau: “Trong câu chuyện chính năm 1966, tờ Time đã đưa tin rằng đại sư Trí Quang đã sống ít nhất một thời gian trong một phòng giam nhỏ ở chùa, nơi ông không ăn thịt, thuốc lá hay rượu. Ông đã vươn lên với mặt trời, một phóng viên viết, dành một phần ba ngày thức dậy để cầu nguyện, một phần ba để hoạt động và một phần ba để suy ngẫm về những sai lầm của mình. Paul Mooney tại Hà Nội đã đóng góp cho bản tin này.” Toàn bản tin có thể xem tại link: https://www.washingtonpost.com/local/obituaries/thich-tri-quang-buddhist-monk-who-wielded-political-might-during-vietnam-war-dies-at-95/2019/11/13/ec573008-0588-11ea-8292-c46ee8cb3dce_story.html?fbclid=IwAR2p3n1BDmM0dsU2h2Qngtnp0nxCLPf6PTqBKCCgV-2RHP2Uem6JZQJhcTg

 

[16] Tham khảo chi tiết các tác phẩm sau đây: Thích Nhật Từ và GS. Nguyễn Tri Ân, Bồ-tát Thích Quảng Ðức: Cuộc đời và lửa từ bi. Sài Gòn: Nhà xuất bản Phuong Ðông, 2013; Lê Mạnh Thát, Bồ-tát Thích Quảng Đức: Ngọn lửa và trái tim (Nhà xuất bản. TP.HCM, 2005). Nghe thêm TT. Nhật Từ phỏng vấn Hòa thượng Phó pháp chủ Thích Đức Nghiệp, nhân chứng lịch sử, tường thuật về việc Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu: https://www.youtube.com/watch?v=ZHSmT6CyyG4

[18] Xem Thích Nhật Từ và Nguyễn Kha, Pháp nạn Phật giáo 1963: Nguyên nhân, bản chất và tiến trình. NXB. Hồng Đức, 2015, tr. 595. Xem thêm tác phẩm, Thích Nhật Từ và PGS. Nguyễn Công Lý, Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 (Nhà xuất bản Phương Đông, 2013).

[19] Xem Thích Nhật Từ và Nguyễn Kha, Pháp nạn Phật giáo 1963: Nguyên nhân, bản chất và tiến trình. NXB. Hồng Đức, 2015, tr. 398. Xem nhanh trên Wikipedia: https://vi.wikipedia.org/wiki/Biến_cố_Phật_giáo_năm_1963

[20] Hồi ký của Bác sĩ E. Wulff về Pháp nạn 1963 do Minh Nguyện dịch, đăng trên Sách Hiếm gồm 5 bài về pháp nạn 1963, đêm Phật đản 8/5/1963, tuyệt thực tháng 5/1963, tường trình tại Liên Hợp Quốc 9/1963, chuyến trở lại Việt Nam 1964: https://sachhiem.net/LICHSU/E/Erichwulff.php   Có thể xem nhanh trên Wikipedia, https://vi.wikipedia.org/wiki/Biến_cố_Phật_giáo_năm_1963

[21] Lại dụ số 10 của tác giả Trần Gia Phụng, trích trong sách “1963-2013: Năm mươi năm nhìn lại”, tập 2/3, tuyển tập của 99 tác giả và những lời Phê phán của 100 Chứng nhân về chế độ Ngô Đình Diệm. Nhà xuất bản Thiện Tri Thức, 2013, chương 5 về Ma giữa ban ngày: Những ngụy biện và tráo trở lịch sử của tàn dư chế đô Diệm. Xem nhanh trên Thư viện Hoa Sen, https://thuvienhoasen.org/a16532/30-lai-du-so-10-tran-gia-phung. Hãy xem bài viết của Dương Kinh Thành về Lại dụ số 10 trên trang nhà Đạo Phật Ngày Nay: http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/lich-su/13175-dao-du-so-10.html

[22] Trước đây, bộ sách Trí Quang toàn tập được HT. Thích Trung Hậu, pháp tử của Đại sư Trí Quang ấn tống. Mấy năm trở lại đây, bộ sách này được Tu viện Quảng Hương Già Lam, nơi Đại sư Trí Quang ở 15 năm, ấn tống. Danh mục các sách của Đại sư Trí Quang có thể xem tại link: https://thuvienhuequang.vn/blogs/bai-viet/chua-quang-huong-gia-lam-tang-thu-vien-hue-quang-bo-phap-anh-luc-cua-truong-lao-ht-thich-tri-quang

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

2.33

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập