HT. Thích Thiện Bình dạy về "khuôn phép" tôi hiểu thêm "tùy duyên"

Đã đọc: 2725           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Ôi! Xứ Trầm hương từ nay quạnh quẽ, bóng thiền sư đã rẽ lối xa khơi, cõi cao kia Ngài nhẹ bước rong chơi, Long Sơn đó ngôi thiền gia ẩn tích, miền thuỳ dương mây nhẹ trôi trắng mếch, dấu chân xưa lặng khuất bóng thời gian, nén tâm hương dâng lên đoá sen vàng, kính nguyện Ngài cõi phàm cư sớm quay lại.

Sáng nay, qua điện thoại Thượng tọa Tâm Hải báo: "Thầy Trí Chơn ơi, Ôn Thiện Bình đi rồi". Vừa hớp xong ngụm trà, cổ tôi như đắng và khô lại. Sao lại có chuyện hai vị Phó Pháp chủ cùng "tiếp nối" một cách buồn bã đến vậy. Vừa mới nhập tháp Ôn Tường vân - Huế xong vào buổi sáng, thì tối đến Ôn Long Sơn - Nha Trang lại ra đi!
Tôi vẫn ngồi trong bình lặng hướng tâm về Ngài. Nhớ lại cách đây chưa đầy một tháng, ra Nha Trang, tôi có ý nguyện đến thăm Hoà thượng, nhưng mấy phật tử nói Ngài đang được chăm sóc đặc biệt, bác sĩ rất hạn chế người vào, nên tôi chỉ đến thăm được Hoà thượng Trí Tâm.
 
Hôm rước linh mô Hoà thượng Chơn Thiện đến Học viện Phật giáo Huế, ngang qua một con hẻm nhỏ, Thượng toạ Viên Trí chỉ tay nói "Đây là lối vào chùa Thiền Tôn". Lúc đó tôi nhớ ngay đến Hoà thượng Thiện Bình, vì ngài là Trưởng tông môn Thiền Tôn và cũng là trụ trì ở đây. Rồi lòng trộm nghĩ "chắc cũng trong năm nay thôi!". Sở dĩ tôi suy nghĩ liều lĩnh vậy là vì hôm vào Nha Trang, cô Diệu Ngộ - một phật tử - bác sĩ hầu cận, chuyên chăm sóc Ngài đã nói "Nặng lắm rồi Thầy ơi!". Thế là, lòng lại miên man nghĩ về những lúc được thân cận ngài trong các chuyến phật sự.
 
Chụp tại Đại Sứ Quán Việt Nam tại Cộng hòa Pháp 
 
Tôi nhớ chuyến hoằng pháp khắp ba miền vào mùa hạ năm 2003, lúc bấy giờ Hoà thượng Trí Quảng là Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư làm Trưởng đoàn, tôi là Thư ký đoàn. Vào một sáng tinh sương, tiếng chuông mõ nhịp đều trên Chánh điện chùa Long Sơn giờ công phu khuya, cũng là lúc nhị vị Hoà thượng ngồi vững chãi bên bàn trà và tôi là người thứ 3 có mặt. Lúc bấy giờ Hoà thượng Thiện Bình kể về Phật học viện Hải Đức năm xưa và công đức của Cố Trưởng lão Trí Thủ, Cố Trưởng lão Trí Nghiêm; về Bồ tát Quảng Đức và phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963.
Tôi được ngồi lắng nghe những câu chuyện lịch sử sống động, thiêng liêng mà các bậc tôn túc chứng nhân kể lại. Tôi chiêm nghiệm, được ngồi với các ngài, được nghe những câu chuyện sử thời cận đại này, còn thiết thực, sống động và tính sự thật còn hơn đọc hằng trăm trang sách.
 
Năm 2005, đoàn Giáo hội sang thăm Thiền sư Nhất Hạnh ở Làng Mai, Pháp quốc, có HT. Trí Quảng, HT. Thiện Bình, Hòa thượng (bấy giờ là Thượng tọa) Bảo Nghiêm và tôi. Và cũng chính từ chuyến đi Pháp này mà tôi có được thời gian để thân cận nhiều với HT. Thiện Bình.
Một sáng Thiền hành ở Làng Mai 
Là bậc niên trưởng nhưng Ngài có đức tính hoan hỷ, dễ gần. Sự thân thiện, cởi mở của Ngài đã khiến chúng tôi bớt rụt rè, khép nép, dễ dàng thân cận với Ngài một cách thân kính.
 
Tôi còn nhớ, lúc TT. Pháp Ấn đến Trúc Lâm, Paris để đón đoàn về Làng Mai, Bordeaux. Ngồi trên tàu cao tốc, chính giữa có chiếc bàn, dãy ghế bên kia là HT. Trí Quảng, HT. Phước Đường và HT. Bảo Nghiêm ngồi. Dãy ghế bên này, TT. Pháp Ấn, HT. Thiện Bình và tôi. Thấy tôi ngại ngồi, Hoà thượng mỉm cười cầm tay tôi kéo xuống, rồi nói: "Khuôn phép được biểu hiện qua lễ nghi, mà lễ nghi thì cũng phải phát khởi từ trong lòng. Nơi không biểu hiện được lễ nghi nhưng lòng tôn kính thì đó là khuôn phép rồi. Sinh hoạt ở những nơi công cộng như ngồi tàu, ngồi xe mà y cứ phẩm trật thì đâu có được. Ngồi xuống đây với thầy".
Nghe Hoà thượng nói mà lòng nhẹ nhõm, Ngài chỉ dạy chữ "Khuôn phép" thôi nhưng giúp tôi ngộ thêm chữ "Tuỳ duyên". TT. Pháp Ấn rất chu đáo, đi tàu nhưng chuẩn bị bộ tách trà rất đẹp và bình trà được pha sẵn cũng rất thơm. Thượng tọa vừa rót trà ra, bên kia HT. Bảo Nghiêm mời HT. Trí Quảng, trong khi đó Hoà thượng bê tách để trước mặt tôi và mở lời "Uống đi con". Rồi sau đó cùng nhau trò chuyện.
 
Những ngày ở Paris, đoàn có được mấy buổi đi tham quan. Gia đình anh Lại Như Bằng, anh Bùi Khắc Viện đưa đi thăm một số chùa như: Hoa Nghiêm, Linh Sơn, Khuông Việt... Sư cô Thanh Nghiêm, Sư cô Thanh Lương đưa đi dạo những địa danh nổi tiếng Paris rồi sang cả Bỉ. Ngồi trên xe mới thấy Hoà thượng vui tính và thỉnh thoảng cũng có vài câu nói hài cho mọi người vui cười. Đến những nơi nổi tiếng, mới biết Hòa thượng thích ... chụp hình.
Thăm Hoà thượng Huyền Vi tại chùa Linh Sơn, Pháp Quốc 

 

Mỗi tấm hình Ngài muốn chụp, không đơn giản là chụp chơi, Ngài như muốn có dấu ấn ở đây. Lúc đến viện bảo tàng Louvre, Hoà thượng nói: "Trí Chơn à, cái viện bảo tàng này tuổi nó cũng gần bằng với Thăng Long nhà mình đấy, làm một tấm hình ở đây chơi". Rồi lúc đi ngang qua đại lộ Champs-Élysées, Hoà thượng nói người lái xe: "Tấp vô, tấp vô, làm thêm một tấm hình ở đây nữa. Cái Khải Hoàn Môn này là do ông Napoleon xây đã hằng trăm năm rồi nè". Thế là mấy thầy trò cứ vô tư ... đứng giữa đường mà nháy máy. Vâng, "Cái bảo tàng này bằng tuổi với Hoàng thành Thăng Long nhà mình", "Cái Khải Hoàn Môn kia do ông Napoleno xây", Ngài nói rất tự nhiên như đang nói về những di tích bên nhà. Vậy để thấy rằng, Ngài biết khá nhiều về văn hoá Pháp. 

Ngày cuối trước khi chia tay, có buổi họp mặt gần như toàn thể Tăng thân Làng Mai để tiễn đoàn. Thiền sư Nhứt Hạnh viết thư pháp tặng mỗi người một bức. Tôi được thiền sư tặng câu "Đến đi tự ngươi, đỉnh cao nào thích thú thì ngươi dừng lại". Như kệ truyền tâm, tôi ngộ ra rằng, hoá ra xưa nay "đến đi tự ngươi" vậy mà trước giờ mình cứ tự trói buộc mình. Nhờ vậy mà có những con đường hết lối tôi tự mở lối cho mình, có những cánh cửa đóng sầm, tôi tự mở một cánh cửa khác cho mình và thong dong trên mỗi bước chân.
Hoà thượng thì được thiền sư tặng câu thơ trong Kiều: "Trời còn để có hôm nay, tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời".
Thiền sư Nhất Hạnh tặng Hoà thượng bức thư pháp tại chùa Pháp Vân, Làng Mai 
  
Đọc câu thơ - mà tôi cho là câu thiền ngữ - mới hiểu được thâm tình của hai Ngài thủa thiếu thời. Kim cách Kiều chỉ sau mười lăm năm lưu lạc còn thốt lên vậy. Còn ở đây, nhị vị tôn trưởng xa cách nhau suốt bốn mươi năm biền biệt. Một cái bi rất tráng!
 
Năm 2012, Đại hội Giáo hội toàn quốc được tổ chức tại Cung Văn hoá Hữu Nghị Hà Nội. Lúc tôi vừa xuống xe thì cũng là lúc xe Hòa thượng cũng vừa rẽ vào. Tôi bước đến vái chào rồi cùng thầy thị giả đưa Ngài vào hội trường. Cái khoảnh khắc được cùng nhịp bước với Ngài trên mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn vật, bỗng văng vẳng trong tôi câu nói hôm nào của Ngài bên dòng sông Seine: "TC à, cái viện bảo tàng này tuổi nó bằng với Thăng Long nhà mình đấy!"
 
Rồi năm tháng dần trôi, cả năm mới gặp được Ngài trong hội nghị Giáo hội, tôi chỉ còn thấy được Ngài ngồi nơi bàn chứng minh trên cao kia.
 
Đột ngột sáng nay, nghe cuộc điện thoại: "Thầy TC ơi ...."để rồi, ngồi viết những dòng chữ này mà lòng đầy kính tiếc.
Giữa Đại lộ Champs-Élysées, chụp lấy Khải Hoàn Môn 
Ôi! Xứ Trầm hương từ nay quạnh quẽ, bóng thiền sư đã rẽ lối xa khơi, cõi cao kia Ngài nhẹ bước rong chơi, Long Sơn đó ngôi thiền gia ẩn tích, miền thùy dương mây nhẹ trôi trắng mếch, dấu chân xưa lặng khuất bóng thời gian, nén tâm hương dâng lên đóa sen vàng, kính nguyện Ngài cõi phàm cư sớm quay lại.
 
Xin bái biệt Hoà thượng!
 
Sài Gòn, ngày 19/11/2016
 
_Trí Chơn_

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập