Phật Giáo Hoa Kỳ (Phần 1)

Đã đọc: 1856           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Nhiều người Mỹ cho rằng Thiền là một thực tập của Phật giáo mà không cần nghi thức lễ bái, và dĩ nhiên điều đó không đúng. Lúc đầu, nhiều sách viết về Thiền đã giới thiệu cho người Mỹ về cách thực tập thiền và họ xem Thiền tập như là triết học, lối sống hơn là truyền thống tôn giáo.

Phật giáo – Từ xa lạ kỳ thú đến gần gũi, thực tế

Là một vùng đất mới (Tân thế giới- như cách gọi của nhà thám hiểm Colombus khi phát hiện ra Châu Mỹ vào thế kỷ XV), Hoa Kỳ chịu ảnh hưởng tôn giáo của các vương triều thực dân Công giáo Châu Âu (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha). Chính Columbus đã mang Thập tự giá đặt lên vùng đất mới (bây giờ là là Bahama, một nước cộng hòa trong vùng Caribe) khi họ lần đầu tiên đặt chân lên Tân thế giới. Công giáo Châu Âu đã theo chân những nhà thực dân Châu Âu bám rể vào Châu Mỹ nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Sau này (những năm đầu tiên của thế kỷ XVII), cũng chính những người Thanh giáo Anh vì bất mãn với giáo hội Công giáo Anh, rời quê hương (Vương Quốc Anh) mang tinh thần tự do tôn giáo đến vùng đất mới (vùng New England gồm sáu tiểu bang ở Đông Bắc Hoa Kỳ ngày nay, là cái nôi cho việc tiến hành lập quốc của Hoa Kỳ sau này) để an cư lạc nghiệp. Chính tinh thần cởi mở, mong muốn tự do tôn giáo của những người ly hương đến vùng đất mới, sau này đã tạo điều kiện cho nhiều tôn giáo khác, trong đó có Phật giáo phát triển trên đất nước nhiều sắc tộc này, và hiện nay Phật giáo là tôn giáo đang phát triển nhanh nhất tại Hoa Kỳ.

Ngày Chủ nhật, gần giờ trưa, ở thành phố náo nhiệt Los Angeles, tiểu bang California, chuông trống Bát Nhã vang lên từ ngôi chùa xưa nhất của Phật giáo trên đất Mỹ, chùa BCA (Buddhist Churches of America) của người Nhật. Thời tụng kinh ngân nga và những bài thuyết pháp gợi cho Richa Hughes Seager (tác giả cuốn sách Buddhism in America-Phật giáo ở Hoa Kỳ) liên tưởng tới những nhà thờ Tin Lành ở Hoa Kỳ. Qua cách thức và thời gian của buổi lễ, chứng tỏ rằng BCA cũng phải biến hóa để thích nghi với dòng chảy xã hội Hoa Kỳ. Sau hơn một trăm năm trên đất nước Hoa Kỳ, BCA đã xoay xở với sự Mỹ hóa mà hầu hết các tôn giáo và cộng đồng sắc tộc phải đối mặt. Seager nói rằng, một người quan sát bình thường nhất cũng có thể thấy sự khác biệt rõ rệt của một ngôi chùa với nhà thờ Tin Lành, đó chính là bàn thờ Phật linh thiêng ngay giữa chánh điện. Ngoài tụng kinh, thuyết pháp, cúng hương linh, BCA cũng như các chùa khác còn tổ chức các buổi mừng sinh nhật cho các thanh thiếu niên sinh hoạt tại chùa. Không khí thân thuộc, thoải mái không mang tính thần học, giáo điều, ép buộc.  Đó cũng là cảm nhận chung của người Mỹ về Phật giáo chứ không riêng gì của Seager.

Đây hình như cũng là cảm nhận chung của phương Tây về Phật giáo, có chút khác biệt về cách cảm nhận của người phương Đông. Dĩ nhiên, nền văn minh phương Đông là cái nôi của Phật giáo. Phật giáo được người phương Đông đặc biệt tôn sùng, linh thiêng hóa và Phật tử rất thuần thần, mộ đạo. Thậm chí nhiều người đến với Phật giáo chỉ để bái lạy, cầu xin phước, lộc, tài, danh, … chứ không xem pháp của Phật là một phương pháp để chuyển hóa tâm thức như cách tiếp cận của người phương Tây đối với Phật giáo. Nhưng trải qua hơn hai thiên niên kỳ, chính người châu Á đã diễn giải Phật giáo dưới nhiều góc độ khác nhau. Nhiều người còn hiểu sai lệch. Thậm chí, người ta còn tiếp thu méo mó tư tưởng “tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, là tinh thần của những trật tự không có tinh thần, tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” của Karl Marx để bài xích tôn giáo và đề cao lối sống không có tâm linh. Giá trị nhân văn, giải thoát, giá trị giáo dục tâm linh hướng thượng của Phật giáo bị một số người nơi cái nôi văn minh phương Đông hiểu lệch lạc, méo mó. Ngược lại, phương Tây tiếp thu Phật giáo muộn màng sau hơn phương Đông hai thiên niên kỷ, lại có cái nhìn tích cực hơn về Phật giáo và ứng dụng giá trị giáo dục chuyển hóa của Phật giáo thực tiễn hơn.

Giống như BCA, hầu hết 99% các chùa ở Mỹ đều tổ chức các buổi lễ vào chủ nhật, từ lễ tụng kinh hằng tuần, giỗ kỵ, ma chay cho thân nhân của Phật tử, cho đến các Đại lễ như Vu Lan, Phật Đản đều phải tổ chức vào ngày Chủ Nhật, vì ngày các ngày khác trong tuần, mọi người đều đi làm, không tham gia được. Hai ngày Sóc, Vọng (Rằm, Mồng Một) hầu như ít được nghe nhắc đến ở Mỹ, riết rồi người ta cũng không nhớ đến lịch của dân tộc mình, tất cả đều phải vận hành theo cuộc sống mới, và lịch làm việc đương nhiên cũng phải theo.

Chiều Chủ nhật cùng ngày, sau khi đã ở chùa BCA, tối về, nhóm cư sỹ người Nhật tập trung tại phòng khách của một nhà Phật tử, thực tập thiền, cũng bàn thờ Phật chính giữa, cũng xướng tụng đảnh lễ Tam Bảo, rồi tự mình ngồi thiền, không có sự hướng dẫn của người xuất gia. Hàng triệu người Mỹ, không hiểu biết nhiều về Phật giáo, quá quen thuộc với lối thực tập thiền này của người Nhật (Zen).

Ngoài Zen của người Nhật, người Hoa Kỳ tiếp nhận nhiều truyền thống thiền tập khác nhau đến từ Châu Á. Hiện nay nhiều trung tâm thiền tập do chính người Mỹ lập ra, nhiều trường đại học ở Hoa Kỳ đưa thiền tập ứng dụng cho sinh viên tham gia, và nhiều bệnh viện Mỹ ứng dụng Thiền trị liệu để chữa bệnh cho bệnh nhân. Một trong những trung tâm nổi tiếng mà tình cơ tôi được biết đó là Trung Tâm Chánh Niệm (Center For Mindfulness) của Đại học Y Dược và Bệnh viện Umass Memorial (Tiểu bang Massachusetts). Đây cũng là địa chỉ được giới thiệu nhiều trong các sách giáo khoa của các chuyên ngành liên quan cho sinh viên. Ngoài việc ứng dụng Thiền trị liệu cho bệnh nhân, CFM mở các khóa thiền chánh niệm (Quán sổ tức-Chánh niệm hơi thở, Thiền tâm từ,…) miễn phí hằng tuần cho mọi đối tượng bên cạnh các khóa thu lệ phí. Sinh viên Y khoa được khuyến khích tham gia bằng cách giảm lệ phí. Đặc biệt, trung tâm CFM có các khóa đào tạo chuyên viên ứng dụng Thiền trị liệu và cấp bằng hẳn hoi với học phí từ vài ngàn USD lên đến mười mấy ngàn USD/ khóa. Sau khi được cấp bằng, chuyên viên đó đủ tiêu chuẩn để đảm trách các chương trình huấn luyện và trị liệu hợp tác Umass và các bên trên khắp thế giới.

Muôn màu muôn sắc Phật giáo tại Hoa Kỳ

 Nhiều người Mỹ cho rằng Thiền là một thực tập của Phật giáo mà không cần nghi thức lễ bái, và dĩ nhiên điều đó không đúng. Lúc đầu, nhiều sách viết về Thiền đã giới thiệu cho người Mỹ về cách thực tập thiền và họ xem Thiền tập như là triết học, lối sống hơn là truyền thống tôn giáo.

Nói về Thiền thì ở Hoa Kỳ cũng như các nước khác, có rất nhiều truyền thống và cách thức thiền tập khác nhau. Không phải là cứ ngồi tréo chân, nhắm mắt hoặc dán mắt vô tường mới là thiền. Chính phương pháp Thiền Chánh Niệm đơn giản, có thể thực tập mọi lúc mọi nơi (như chú ý cử chỉ và sự di chuyển của tay chân, động niệm của tâm) đã giúp cân bằng cuộc sống của nhiều người Mỹ.  

Bên cạnh Zen của Nhật, người Mỹ cũng thực tập thiền Mật Tông Tây Tạng, khó hơn và phức tạp hơn. Cho dù hành thiền trong một trung tâm Phật học sang trọng ở tiểu bang Vermont, hay trong một túp lều tịnh tu, hay ở trên núi, hay trong một căn phòng hội nghị thuê trong khách sạn hay thực tập ở nhà, đều phải đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và phải thực tập trong nhiều năm.

Thiền Vipassana (Thiền Minh Sát Tuệ-Thiền Quán) theo truyền thống Theravada cũng được người Mỹ hưởng ứng. Thiền sư Mahasi của Myanmar có ảnh hưởng rất lớn đến sự hành trì, thực tập Thiền Quán Vipassana ở Hoa Kỳ những thập niên cuối của thế Kỷ XX. Trung tâm thiền Insight Meditation Society do học trò của Thiền sư Mahasi lập vào năm 1975 có ảnh hưởng lớn đến phong trào thiền tập ở Hoa Kỳ.

Trong nỗ lực Mỹ Hóa Phật pháp, một số Phật tử Hoa Kỳ (cải đạo từ tôn giáo truyền thống) cố gắng tách thiền tập ra khỏi nghi lễ bái sám (như truyền thống Phật giáo Châu Á), và xem nghi lễ bái tụng là một yếu tố không cần thiết của văn hóa Châu Á. Một số người khác, vẫn duy trì và thực tập theo.

Bên cạnh phong trào thiền tập của các truyền thống trên, Phật giáo Việt Nam, Hàn Quốc, Tích Lan, Campuchia…cũng phát triển nhanh chóng. Trước thế kỷ XIX, đa số Phật tử là người Hoa, nhưng đến 50 năm đầu của thế kỷ XX, trên đất nước Hoa Kỳ, Phật giáo của người Nhật chiếm ưu thế, 50 năm sau của thế kỷ XX lại là giai đoạn phát triển của Phật giáo nhập cư của luồng di dân tỵ nạn đến từ các nước châu Á khác (trong đó có Việt Nam).

Một ngày nọ, Seager đến thăm một tu viện ở California (có lẽ là một ngôi chùa theo truyền thống Nam Tông-người viết). Một nhóm Phật tử, dân nhập cư Châu Á có, Phật tử người bản địa cải đạo có, sau khi tụng kinh sáng xong, xúm xít trong nhà bếp, chuẩn bị thức ăn sáng cho các sư, dâng cơm cho quý sư dùng bửa xong rồi, Phật tử cũng dùng cơm, rồi thầy trò làm lễ, tụng kinh, thuyết pháp. Hầu như cách thức sinh hoạt của chùa đều được Seager quan sát tỷ mĩ, từ việc lạy Phật sát đất, tụng kinh, nấu nướng, dâng thức ăn cho quý sư. Seager đi khảo sát nhiều và tìm hiểu Phật giáo nhiều, thấy hàng cư sỹ đến chùa tu học, làm việc công quả, phụ giúp hàng ngũ xuất gia vận hành ngôi chùa, với ông, đó là điều tất nhiên như con chiên thì phải đi nhà thờ ngày Chủ Nhật.

Bản thân những người xuất gia từ nhỏ sống trong cửa chùa, cho dù đi bất cứ nơi đâu, cũng vẫn sống sau cánh cửa chùa nên khung cảnh thiền môn đã là nhà mình, như cá ở trong nước, như chim trong rừng, không có gì xa lạ. Cũng vậy, một ngôi chùa trên đất Mỹ, cũng như ngôi chùa trên bất kỳ đất nước nào khác, sáng sớm sẽ là hoặc tụng kinh, hoặc ngồi thiền, rồi sinh hoạt, làm việc chùa, rồi đám tang, đám giỗ, rồi việc nọ việc kia, rồi tụng kinh tối, ... Chưa kể các ngôi chùa Bắc Tông phải tự túc làm kinh tế để trang trải bill bọng như bao nhiêu người chủ của những ngôi nhà khác trên xứ sở bận rộn này.

Đó là một ngày bình thường và một lối sinh hoạt bình thường, nhưng với một người Mỹ như Seager, một ngày quan sát cách thức sinh hoạt chốn cửa chùa mang đến cho ông nhiều điều thú vị, khác lạ và không khỏi so sánh với cách thức của các nhà thờ tôn giáo truyền thống của ông. Cũng may khi đi khảo sát thực tế để viết sách về Phật giáo, ông chỉ đến những chùa lớn và quan sát cặn kẻ những ngôi chùa ‘tiêu biểu’ người ta giới thiệu cho ông, nên cách tiếp cận Phật giáo của ông cũng ‘tiêu biểu’ đúng ‘chuẩn’ như đầu óc người phương Tây nhìn nhận về Phật giáo.

Trong cách nghĩ và qua quan sát của Seager, người xuất gia chỉ biết lo tu tập và hướng dẫn cuộc sống tâm linh, người cư sỹ thì làm đúng bổn phận của người Phật tử tại gia-hộ trì Phật pháp, hỗ trợ mọi mặt nhu cầu vật chất cho hàng xuất gia. Đó chỉ là truyền thống trong kinh luật Phật giáo được Đức Phật chỉ dạy và ngày nay chỉ duy trì ở các ngôi chùa theo truyền thống Nam Tông. Bắc Tông đã “cách tân” hơi nhiều theo tinh thần tùy duyên bất biến và tinh thần Phật giáo nhập thế, ‘một ngày không làm là một ngày không ăn’. Quả đó là một cái nhìn hơi phiến diện khi nhìn nhận về Phật giáo ở xứ Hoa Kỳ này, khi mà, bao nhiêu người xuất gia nhập cư phải cố gắng trăm ngàn lần để bươn chải nơi xứ người, vừa phải duy trì cuộc sống cơ bản ổn định, vừa phải giữ chiếc áo người tu để làm đạo trên đất khách quê người. Đó là chưa nói đến những thử thách khác về tinh thần. Nói như vậy để thấy rằng, các thế hệ cha ông chúng ta, những người đi tiên phong, đã vất vả biết chừng nào mới cắm được ngọn cờ Phật giáo trên xứ sở cờ hoa này, để thấy rằng sự hy sinh mở đường của các Ngài là quá lớn, cho dù họ là những vị danh tăng tài ba lỗi lạc từ Việt Nam, Myanmar, Tích Lan, hay những cư sỹ từ Nhật, hay những thuyền nhân vượt biển, đến những người tỵ nạn chiến tranh, những di dân tự do. Tất cả họ đã cố gắng duy trì truyền thống Phật giáo mà họ mang theo đến xứ sở này, để rồi hôm nay, trên đất nước Hoa Kỳ, khi nói đến Phật giáo, người ta vẫn dành cho Phật giáo và những người con Phật, tại gia cũng như xuất gia những cảm tình, thiện chí và mến mộ./.

Phân loại Phật tử tại Hoa Kỳ

Ngày nay, có rất nhiều người Mỹ theo Đạo Phật, nhưng cũng có nhiều người Mỹ khác còn xa lạ với Phật giáo và coi đó là một tôn giáo và một lối thực hành của một nhóm người nước ngoài xa lạ. Nhưng cho dù như thế nào, Phật giáo cũng là một phần không thể thiếu trong sự da dạng văn hóa và đa tôn giáo của xã hội Mỹ. Dưới góc độ lịch sự, Phật giáo Hoa Kỳ đã đánh dấu một bước chuyển thời đại: Một tôn giáo lớn của Châu Á đã được truyền vào phương Tây.

Trong vòng bốn trăm năm, các nhà truyền giáo phương Tây, các nhà thám hiểm, học giả, các nhà tìm kiếm đã thăm dò lùng sục châu Á, thắc mắc tò mò về Phật giáo và đã nghiên cứu Phật giáo. Một số ít xuất gia thực hành theo Phật giáo. Nền tảng cho sự truyền bá Phật giáo qua Châu Mỹ đã được chuẩn bị trong nhiều thập niên bởi nhiều người nhưng Phật giáo trở thành một yếu tố quan trọng của tôn giáo Hoa Kỳ thì chỉ mới phát triển gần đây thôi.

Nhưng Phật giáo Hoa Kỳ là gì? Suốt những năm 1980-1990, nhiều người Mỹ còn tranh cải nhau Phật giáo ở Mỹ là Phật giáo gì và họ muốn nó như thế nào. Cuối cùng họ có rất nhiều ý kiến khác nhau chứ không đơn thuần là chỉ một câu trả lời về việc tạo lập một nền Phật giáo mang sắc thái Hoa Kỳ. Phật tử Hoa Kỳ là ai? Câu hỏi này chỉ có thể trả lời chung chung, bởi vì không có Phật tử đúng nghĩa ở Mỹ. Phật tử ở đây rất đa dạng về sắc tộc, nguồn gốc văn hóa, ngành nghề. Một số người Mỹ rất ý thức và tự hào, tự nhận mình là Phật tử, một số khác thì nghĩ rằng mình là Phật tử theo kiểu ‘ngoại giao’ giao lưu văn hóa.

Nếu từ góc nhìn khác, có thể ‘phân loại’ Phật tử ở Hoa Kỳ ra thành ba:

Một là Phật tử người bản địa (trong khoảng thời gian 50 năm trở lại đây, cải đạo sang đạo Phật). Họ là một phần của phong trào xã hội rộng lớn bắt đầu từ những năm 1940, 1950 tiếp tục cho đến cuối thế kỷ XX. Họ còn được gọi là Phật tử cải đạo, Phật tử người Tây, Phật tử da trắng, nhưng thật tế họ bao gồm cả người châu Phi, châu Á và người Mỹ bản địa.

Nhóm thứ hai là Phật tử nhập cư, tỵ nạn từ những nước châu Á. Sự phát triển của nhóm Phật tử này liên quan đến sự cải cách của Luật nhập cư Mỹ trong những năm 1960. Năm 1965, chính phủ Mỹ thông qua luật nhập cư sửa đổi, dẫn đến sự tăng vọt số lượng người nhập cư đến từ Châu Á. Đa số Phật tử Hoa Kỳ là trong những cộng đồng nhập cư châu Á. Phật tử nhập cư đã dạy Phật pháp cho người Mỹ.

Nhóm thứ ba là nhóm Phật tử người Mỹ gốc châu Á, chủ yếu là người Hoa và người Nhật, đã theo Phật giáo bốn, năm thế hệ, sinh sống tại Hoa Kỳ (Người Việt hiện nay mới chỉ thế hệ thứ 3). Cộng đồng Phật giáo ở Chùa BCA của người Nhật là tiêu biểu. Họ là cộng đồng Phật giáo lâu đời ở Mỹ, mà trong bối cảnh Phật giáo Mỹ, người ta không biết xếp họ vào nhóm nào, người châu Á di dân nhập cư hay là người Mỹ cải đạo. Nhưng họ, như đã nói ở trên, là lực lượng Phật giáo chính trước năm 1900 đến 1950.

                Thomas Tweed, giáo sư tôn giáo học của Đại học North Carolina cho rằng chúng ta cần tính đến số lượng lớn người Hoa Kỳ thuộc nhóm “Phật tử đầu giường” (Nightstand Buddhists). Họ là những người thích đọc và nghiên cứu về Phật giáo và bị thu hút bởi những gì họ đọc, một số người thậm chí có thể nhận mình là Phật tử. Họ là những người cảm mến Phật giáo và chúng ta có thể gọi việc đọc sách đêm (sách gối đầu giường đọc trước giờ ngủ) của họ là “Phật giáo công cộng” hoặc “Phật giáo truyền thông”. (We might describe their nightstand reading as “public Buddhism” or “media Buddhism.”).

Trong những thập niên cuối của thế kỷ XX, cả Phật tử nhập cư và Phật tử cải đạo ở Hoa Kỳ đã làm nên những cột móc quan trọng cho Phật giáo, làm cho Phật giáo tỏa sáng và đa dạng hơn. Dĩ nhiên sự tiếp cận với Phật giáo (tôn giáo có nguồn gốc từ châu Á) của họ có khác do mối liên hệ của họ với Phật giáo và do sự khác nhau về vị trí địa lí của Hoa Kỳ. Nhiều người Mỹ cải đạo sang Phật giáo là do họ tự tìm hiểu, khám phá qua sách vở, sau đó họ đi qua các nước Phật giáo châu Á để học hỏi, nghiên cứu. Một số khác thì tìm thầy học đạo ngay trên đất Mỹ, một điều rất khó khăn vào thời điểm đó.

Những năm 1980, Phật tử cải đạo bắt đầu có tiếng nói hơn khi có những người con cháu của họ sinh ra tại Mỹ bắt đầu trở thành những nhà học giả, nghiên cứu, giảng dạy Phật pháp và lãnh đạo cộng đồng. Cũng thời gian này, Phật tử cải đạo bắt đầu có những phương cách tiếp cận và những hình thức để đem Phật pháp đến những người Mỹ chính gốc, được sinh ra và nuôi dưỡng trong dòng chảy văn hóa Mỹ.

Thời gian này, Phật tử nhập cư cũng thiết lập những hình thức sinh hoạt Phật giáo mới để để thích ứng với xã hội Hoa Kỳ. Cũng như Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo trong một, hai thế kỷ trước, người nhập cư tiếp cận những hình thức phát triển của Phật giáo Hoa Kỳ như là một trải nghiệm của dân nhập cư bên cạnh các vấn đề về kinh tế, văn hóa và ngôn ngữ. Thế hệ những người nhập cư đầu tiên phải vất vả với cơm áo gạo tiền để ổn định cuộc sống mới nơi xứ lạ, lại vừa cố gắng tạo lập truyền thống tôn giáo, văn hóa để truyền đạt, giải thích cho con cháu của họ, những người đang được Mỹ hóa rất nhanh chóng. Rất khó để đánh giá sự đóng góp lâu dài của người nhập cư cho nền Phật giáo Hoa Kỳ vì bản chất của trải nghiệm nhập cư là sự thích nghi xảy ra suốt cả quá trình mấy thế hệ.

Số liệu Phật tử Hoa Kỳ

Phật giáo không hề yêu cầu một hình thức cải đạo chính thức nào nên việc thống kê số liệu Phật tử cũng không được rõ ràng.

Có rất ít nguồn thống kê về số lượng Phật tử Hoa Kỳ nhưng cũng đáng để xem xét. Một số liệu thống kê cho rằng số lượng Phật tử khoảng 1 triệu người vào năm 1990, nhưng chỉ vài năm sau đó có nguồn thống kê khác cho rằng số lượng Phật tử Hoa Kỳ vào khoảng 5 hoặc 6 triệu người. Một sự ước tính gần đây có thể coi là sơ sài nhưng cũng đáng để xem xét. Martin Baumann (người Đức) cho rằng có khoảng 3 hoặc 4 triệu Phật tử vào năm 1997, nhưng đa số là những người này từ những nước phương Tây (trong khi đó ở Pháp có khoảng 650,000 Phật tử và ở Anh có khoảng 180,000).

Martin cũng cho rằng số lượng Phật tử cải đạo ít hơn Phật tử nhập cư. Hoa Kỳ trong năm đó có khoảng 2.2 đến 3.2 triệu Phật tử nhập cư nhưng chỉ có 800,000 Phật tử cải đạo (con số này ở Pháp và ở Anh lần lượt là 500,000 với 150,00 người và 130,000 với 50,000 người). Tuy nhiên, tạp chí Time cho rằng trong năm 1997, Hoa Kỳ chỉ có 100,000 Phật tử cải đạo và không hề ước tính số lượng Phật tử nhập cư.

Năm 2010, Trung tâm nghiên cứu Pew (trụ sở tại Washington DC) xếp Phật giáo là tôn giáo lớn thứ tư tại Hoa Kỳ sau Tin Lành, Công giáo và Do Thái giáo. Pew cho rằng 32% Phật tử Hoa Kỳ là người nhập cư Châu Á và 53% là Phật tử người da trắng (bao gồm Phật tử cải đạo và Phật tử được sinh ra tại Hoa Kỳ) và và cũng theo Pew, có khoảng 1.2 % dân số Mỹ là Phật tử. Dĩ nhiên đó là những dữ liệu thống kê cứng nhắc. (Cũng như 16.4% của Việt Nam, không ai nghĩ số lượng Phật tử Việt Nam lại chỉ chiếm 16.4% dân số theo thống kê của Pew, con số nhìn vào thực tế là hơn một nửa dân số Việt Nam là Phật tử).

            Theo một khảo sát mới đây thì có 12% người trả lời rằng Phật giáo ảnh hưởng quan trọng đến tôn giáo và tinh thần của họ. Và nếu theo đánh giá này thì số lượng Phật tử Hoa Kỳ phải lên đến 25 triệu người. Nếu cộng số lượng cả ba nhóm (Phật tử, nhóm người nghiên cứu Phật giáo, nhóm người chịu ảnh hưởng của Phật giáo) thì số lượng lên đến 30 triệu.

Tóm lại, không có số liệu thống kê chính thức về số lượng Phật tử ở Hoa Kỳ vì đa số những thống kê là do người Mỹ đa trắng tiến hành và họ không có sự kết nối với người Châu Á nhập cư (chiếm số lượng lớn Phật tử của cộng đồng Phật giáo Hoa Kỳ. Seager trong sách Buddhism in America mới tái bản năm 2012 của ông cũng nói rằng không có một số liệu thống kê nào về số lượng Phật tử ở Hoa Kỳ là đáng tin tưởng hoàn toàn.

Giáo sư Carl Bielefeldt, người nghiên cứu tôn giáo và đồng giám đốc trung tâm nghiên cứu Phật giáo của Đại học Stanford-Hoa Kỳ, cho rằng không ai có thể biết được có bao nhiêu triệu Phật tử ở Hoa Kỳ vì không người nào tìm ra được ai là Phật tử (No one seems to know just how many millions of Buddhists there are in America, in part because no one has figured out who “counts” as a Buddhist).

Thật ra, chúng ta không cần xác định thông tin chính xác về số lượng Phật tử Hoa Kỳ. Một điều quan trong và hoan hỷ hơn nhiều, đó là trên thực tế có rất nhiều người Mỹ thực tập Phật pháp dưới nhiều hình thức khác nhau. Họ không thuộc thành viên của chùa, hội nào nhưng họ thực tập Phật giáo ở nhà như ngồi thiền, đọc sách, ăn chay. Và dĩ nhiên, họ không nằm trong số liệu được thống kê. Một điều quan trọng khác, đó là sự quan tâm lớn của độc giả Hoa Kỳ làm động lực thúc đẩy Phật giáo trở thành một ngành học thuật nghiên cứu phát triển nhanh ở Hoa Kỳ.

 

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập