Đến Chiang Mai viếng chùa cổ

Đã đọc: 2758           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Thái Lan là đất nước theo đạo Phật. Ở đây có rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng. Ngày xuân, nhiều du khách có thói quen đi du lịch kết hợp lễ chùa ở Thái Lan. Và Phrathat Doi Suthep – ngôi chùa trên đỉnh Doi Suthep (Chiang Mai), một tỉnh phía Bắc Thái Lan, được nhiều du khách Việt viếng thăm.

Hướng dẫn viên người Thái - anh Happy - người phụ trách hướng dẫn cho đoàn chúng tôi tại Chiang Mai cho biết, ở Chiang Mai có hàng ngàn ngôi chùa nhưng Phrathat Doi Suthep là một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất, được nhiều người Thái tin sùng. Thực tế, đây là nơi nhiều tín đồ Phật giáo trong và ngoài nước Thái Lan hành hương về trong các ngày lễ lớn. Và người Thái thường bảo với du khách: "Chưa đến Phrathat Doi Suthep là bạn chưa đến Chiang Mai”.

Phrathat Doi Suthep nằm trên đỉnh núi Doi Suthep, ở độ cao gần 3.500 feet (khoảng 1.050m) so với mực nước biển, có tuổi thọ hơn 600 năm. Qua thời gian, ngôi chùa nhiều lần được tu sửa, hiện nay rất đẹp. Theo anh Happy, trước đây khi chưa có con đường lên chùa như hiện nay, người ta phải tốn đến 5 giờ để chinh phục con đường hẹp và nhấp nhô mới lên được chùa. Năm 1934, nhà sư Kruba Srivichai đến chùa đã đứng ra vận động Phật tử khắp nơi góp công sức và tiền bạc để mở đường. Với con đường này, từ trung tâm TP. Chiang Mai, du khách có thể tự thuê xe máy hoặc xe xoỏng thẻo (giống loại xe Daisu ở Việt Nam) để lên chùa với quãng đường 11km và đi hết khoảng 30 phút. Tuy nhiên, đường lên chùa khá nguy hiểm, có nhiều đoạn cua gấp khuỷu tay và chỉ những tài xế quen đường mới dễ dàng đi được.

 

Lên đến đỉnh Doi Suthep, du khách phải chinh phục thêm những hơn 300 bậc thang bộ. Cũng may, đường lên chùa còn có... thang máy nên ai không mặn mà với môn leo núi có thể thở phào nhẹ nhõm. Trước khi vào viếng chùa, khách cần gửi lại giày dép trong các tủ giữ đồ, sau đó qua quầy hàng mua một bó sen trắng hoặc cành hoa hồng, 3 nén hương cùng 2 cây nến. Theo tục lệ của người Thái, trước đây, sau khi thắp hương và đốt nến, khách hành hương thường dán những miếng giấy vàng vào từng vị trí trên tượng Phật (ở sân chùa có rất nhiều tượng nhỏ) để cầu xin ước nguyện của mình. Chẳng hạn, dán vào miệng để cầu việc buôn bán được may mắn, nói năng dễ nghe, được nhiều người yêu thích; dán vào trái tim thì được hạnh phúc; dán vào tai thì ông bà, cha mẹ được thọ lâu, mạnh khỏe... Tuy nhiên, những năm gần đây tục lệ này đã được thay thế bằng việc đính những đồng tiền xu Thái vào một tấm bảng đặt cạnh tượng Phật.      

Nhà sư làm phép và buộc chỉ vào cổ tay cho một du khách Ảnh: H.Thư

Chùa Phrathat Doi Suthep có một ngôi tháp mạ vàng rất lớn chứa xá lợi Phật. Xung quanh tòa tháp chứa xá lợi Phật là những dây chuông màu vàng ghi tên của du khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Theo phong tục của người Thái, họ tin rằng khi gió làm rung lên tiếng chuông sẽ mang theo ước nguyện của mình vào thế giới Phật để Phật phù hộ cho sự may mắn. Sau khi viếng chùa, lễ Phật, khách hành hương thường được các nhà sư làm phép bằng cách buộc vào cổ tay một sợi dây màu trắng và vẩy lên người vài giọt nước và tụng kinh, rồi thỉnh vài tiếng chuông. Người Thái cho rằng, người được các nhà sư làm phép cũng sẽ được Phật phù hộ cho may mắn, mạnh khỏe, bình an.

Truyền thuyết kể rằng, chùa Phrathat Doi Suthep và vị trí hiện nay của nó vốn gắn với câu chuyện về nhà sư tên là Sumanathera đêm nằm mơ thấy Phật tổ truyền phải đi tìm di vật của Phật. Sau đó nhà sư này tìm đến nơi Phật tổ đã chỉ thì thấy một mảnh xương vai của Phật tổ. Mẩu xương này thể hiện phép lạ là phát ra ánh sáng, có thể biến mất, có thể tự chuyển động và tự tái tạo nên nhà sư đem dâng cho nhà vua Dharammaraja trị vì vùng Sukhothai. Tuy nhiên, nhà vua không thấy di vật thể hiện phép mầu như nhà sư đã nói nên trả lại. Sau đó, vua Nu Naone của vương quốc Lanna (Chiang Mai ngày nay) nghe tin về di vật này đã yêu cầu nhà sư đem đến cho ông vào năm 1368. Lập tức mảnh xương này tự phân chia thành hai phần, một phần kích cỡ như cũ, một phần nhỏ hơn. Phần nhỏ hơn được cất giữ ở Wat Suan Dok (một ngôi chùa khác nằm ở dưới TP. Chiang Mai). Phần kia được nhà vua đặt lên một con voi trắng. Con voi được thả đi. Nó leo lên đỉnh Doi Suthep và rống lên ba lần rồi chết. Vì thế vua Nu Naone quyết định cho xây chùa ở nơi đây vào cuối thế kỷ XIV.

Doi Suthep là đỉnh núi có chùa cao nhất ở Thái Lan. Những ai từng đặt chân đến đây đều không bỏ qua cơ hội ngắm toàn cảnh TP. Chiang Mai từ đỉnh Doi Suthep. Chiang Mai đẹp nhất là vào lúc mặt trời sắp lặn. Ánh nắng cuối ngày như khoác lên thành phố tấm áo choàng màu vàng nhạt. Trên đỉnh núi, mây vờn thấp thoáng, cảm giác như tay chạm vào mây, lòng thấy thật nhẹ nhõm như vừa giũ bỏ bao bụi trần...

Nguồn: Đại Đoàn Kết

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập