Phật Giáo tại Hoa Kỳ

Đã đọc: 13331           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Phật giáo chính thức truyền vào Hoa Kỳ từ cuối thế kỷ thứ 19 do nỗ lực truyền giáo của hai đạo hữu người Mỹ ông Henry Steel Olcott và bà Phật tử người Nga Petrova Blavatsky. Cụ thể là hai vị này đã thành lập Hội Thông Thiên Học Phat giaó (Buddhist Theosophical Society) vào năm 1875 tại New York.

Hoa Kỳ, một quốc gia ở lục địa Bắc Mỹ, gồm 50 tiểu bang. Diện tích 9,4 triệu m2, dân số 255,2 triệu người (dân số Hoa Kỳ đứng hàng thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ), mật độ dân cư: 26,6 người/km2 . Tuổi thọ trung bình: 75,9 tuổi; học sinh cấp 2: 98%; thu nhập bình quân đầu người: 21.925 đô la. Đây là một quốc gia được thành lập từ cuối thế kỷ 18 (từ 13 thuộc địa của Anh quốc). Nhưng đến cuối thế kỷ 19 đã trở thành một nước tư bản phát triển đến giai đoạn chủ nghĩa, bắt đầu đi xâm lược và mở rộng thị trường trên khắp hoàn cầu. Từ sau thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ đã trở thành một nước tư bản độc quyền, đứng đầu hệ thống các nước tư bản chủ nghĩa trên thế giới. Hoa Kỳ cũng được xem là một quốc gia có nền dân chủ xưa nhất trong các nền dân chủ lớn hiện đại.

QUÁ TRÌNH DU NHẬP, HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO TẠI HOA KỲ:
Phật giáo chính thức truyền vào Hoa Kỳ từ cuối thế kỷ thứ 19 do nỗ lực truyền giáo của hai đạo hữu người Mỹ ông Henry Steel Olcott và bà Phật tử người Nga Petrova Blavatsky. Cụ thể là hai vị này đã thành lập Hội Thông Thiên Học Phat giaó (Buddhist Theosophical Society) vào năm 1875 tại New York. Đó là tổ chức PG đầu tiên tại Hoa Kỳ và tổ chức này đã nhanh chóng gây được sự chú ý của giới trí thức Mỹ, cùng với sự nỗ lực của Olcott và Blavatsky, các thành viên quan trọng khác có công truyền bá trong giai đoạn đầu ở đất nước này phải được kể đến như R. W. Emerson, W. Whitman (người Mỹ); A. Dharmapala (người Tích Lan); Soyen Shaku (người Nhật); Paul Carus (người Đức) ...

Cuối thế kỷ 19, đột nhiên làn sóng người phương Tây muốn tìm về phương Đông để tìm hiểu và học hỏi đạo lý. Do nhu cầu này mà 1893 Đại Hội Tôn giáo Thế giới (World Parliament of Religion) được tổ chức tại tiểu bang Chicago. Trong kỳ hội nghị này có rất nhiều đại biểu Phật giáo nổi tiếng từ châu Á về dự.

Đến năm 1896, "Hội Thanh Niên Phật Tử" (Young Men Buddhist Association) ra đời tại San Francisco. Cũng trong năm 1896, đặc biệt có sự viếng thăm của Pháp sư Dharmapala (lúc ấy đang là Chủ Tịch Hội Maha Bodhi Ấn Độ), Ngài đến hoằng pháp tại Hoa Kỳ theo lời mời của ông Paul Carus. Ngài đã đến thuyết pháp tại các tiểu bang như New York, Chicago, San Francisco, Cincinnati, Minneapolis, Lowa, California, District of Columbia.... Đề tài đầu tiên được Ngài tuyên thuyết là "Sự hòa giải của Phật giáo và Ky Tô giáo" (Reconciliation of Buddhism and Christianity). Báo chí Mỹ lúc bấy giờ đã ca ngợi sự kiện truyền giáo này của Pháp Sư Dharmapala. Một năm sau đó, Pháp sư Dharmapala đã tổ chức đại lễ Phật Đản lần đầu tiên tại Hoa Kỳ. Ba mươi bảy ngọn nến (tượng trưng cho 37 phẩm trợ đạo) được thắp sáng trước tượng đài Đản sinh và khoảng 400 Phật tử Mỹ thành kính lắng nghe Ngài tụng kinh Mangala, từ một bản kinh chép tay trên lá bối. Từ đó đến năm ngài qua đời (1933), Ngài thường xuyên đến Hoa Kỳ để hoằng pháp.

Đến năm 1899, Hội Phật giáo Bắc Mỹ (North American Buddhist Mission) ra mắt tại bang San Francisco và tổ chức này hoạt động đến năm 1944 thì đổi tên thành Hội Phật giáo Mỹ Quốc. Vào tháng 6 năm 1905, sau 20 năm dự Đại Hội Tôn Giáo Thế Giới tại Chicago, Đại sư Soyen Shaku đã trở lại Mỹ (từ Nhật Bản) để hoằng pháp theo lời thỉnh cầu của hai vợ chồng thương gia người Mỹ Alexander Russel ở San Francisco. Sự hiện diện của Đại sư Shaku đã giúp cho Phật giáo tại Mỹ phát triển thêm một bước nữa với ba người Mỹ phát tâm xuất gia tu học và Phật tử tại gia quy tựu rất đông.

Mặc dù Phật Giáo được truyền vào nước Mỹ từ cuối thế kỷ 19, nhưng Phật Giáo thực sự phát triển và gây ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội Mỹ chỉ xảy ra vào đầu năm 1960 của thế kỷ này. Sự tiếp nối và phát triển đó là nhờ có nhiều nhà truyền giáo từ châu Á sang như Đại sư Suzuki, Lạt ma Thubten Yesbe, Hòa Thượng Seon Sanim, HT Thiên Ân, Thiền Sư Nhất Hạnh, Hòa Thượng Tuyên Hóa, Hòa Thượng Kalu Rinpoche.... Đồng thời cũng trong giai đoạn này, nhiều phong trào chống chiến tranh đã nổi dậy khắp nơi trên đất Mỹ. Họ đã nói rằng chính bản chất tham lam, hận thù và chủ nghĩa tôn thờ vật chất đã đẩy Hoa Kỳ lún sâu vào cuộc chiến đáng chê trách tại VN. Các nhà lãnh đạo phong trào này đã nhìn thấy đạo Phật như là một phương thuốc hữu hiệu để chữa khỏi những căn bệnh thời đại của nước Mỹ.
Điều lạ lùng thay, Phật Giáo tại Hoa Kỳ thời nay, dường như bao gồm nhiều thành phần như chính bản thân của nước Mỹ. Rõ ràng người ta thấy có nhiều tông phái Phật Giáo khác nhau đang tồn tại ở Mỹ như Theravada, Mahayana và những trường phái Kim Cương Thừa khác.
Năm 1967, nhiều Trung tâm Thiền học ra đời tại bang New York và dọc theo miền duyên hải phía Tây của nước Mỹ, đặc biệt là bang California. Hầu hết hội viên của các trung tâm này đều là giới trí thức, giới thượng lưu, giàu có, và những người có quyền thế trong xã hội. Họ kết hợp những kiến thức nghiên cứu từ nền văn minh Đông-Tây cùng với pháp môn thiền Phật Giáo để tạo nên một lối tu riêng cho mình. Người có chủ trương này là một tăng sĩ người Mỹ Roshi Philip Kapleau. Ngài xuất gia theo truyền thống của Phật Giáo Nhật và cũng là tác giả của hai tác phẩm nổi tiếng là "Ba Trụ Thiền" (Three Pillars of Zen) và "Thiền, ánh bình minh ở phương Tây" (Zen, Dawn in the West).

Cũng trong năm 1967, Trung tâm Thiền Học Quốc tế được thành lập tại California do một tăng sĩ người Việt, Hòa thượng Thích Thiên Ân khởi xướng. Trung tâm này thu hút đông đảo giới trẻ Mỹ đến học và hành thiền. Đến năm 1973, HT Thiên Ân còn kết hợp với các nhà giáo dục Mỹ, Nhật, Triều Tiên, Tây Tạng, Tích Lan để sáng lập Trường Đại học Đông phương (University of Oriental Studies).

Đầu năm 1975, Hội Bảo Vệ Truyền thống Phật Giáo Đại Thừa (Foundation for Preservation of the Mahayana Tradition) được Lạt ma Tây Tạng Thubten Yeshe sáng lập, đặt văn phòng trung ương tại Los Angeles , bang California và cho xuất bản tờ tạp chí Mandala để phổ biến giáo lý. Đến nay tổ chức này đã có trên 100 chi nhánh trên khắp thế giới. Đầu năm 1998, tổ chức này có mở một Website để phổ biến giáo lý, địa chỉ vào xem là: http://www.fpmt.org.
Đến năm 1976, HòaThượng Tuyên Hóa, người Trung Hoa, đã xây dựng "Vạn Phật Thánh Thành" (City of Ten Thousand Buddhas), một đại tùng lâm với hơn 70 tòa nhà tọa lạc trên một vùng đồi 500 mẫu ở Talmage thuộc miền Bắc California. Cũng trong năm 1976, HT Tuyên Hóa còn thành lập Trường Đại học Pháp giới với mục đích làm lớn mạnh nền giáo dục PG trên đất Mỹ. Trang nhà của tổ chức này là http://www.drba.org

Một tổ chức quan trọng khác của Phật Giáo Hoa Kỳ là Trung tâm Shambala, tọa lạc tại bang Massachusetts. Đây cũng là một trung tâm Phật Giáo tầm cỡ tại Mỹ và châu Âu do người Mỹ sáng lập và điều hành. Trung tâm đã xây dựng một nhà in cùng tên và đã cho xuất bản tờ tạp chí Tricycle (Tam Thừa) để truyền bá giáo lý, đến nay số lượng phát hành lên đến 40.000 tờ mỗi kỳ và có thể nói đây là một tờ báo phản ánh được những tinh hoa văn hóa của PGHK, là một phương tiện truyền thông có chất lượng cao, là tiếng nói của PG Mỹ trong nỗ lực cung cấp những nguyên tắc đạo đức có liên quan đến những vấn đề thời đại như phá thai, bệnh sida, vấn đề chết có sự can thiệp của bác sĩ, v.v.

PHẬT GIÁO VÀ TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ VỚI XÃ HỘI MỸ:
Về tầm ảnh hưởng sâu rộng của Phật Giáo trong xã hội Mỹ ngày nay có phần phấn khởi hơn, vì trong một chừng mực nào đó, xã hội Mỹ đã ít nhiều đều có sự ảnh hưởng của Phật Giáo. Phil Jackson, huấn luyện viên của đội tuyển bóng rổ bang Chicago, từng đoạt cúp vô địch thế giới, đã tuyên bố rằng, thiền học Phật Giáo đã giúp ông trở nên bình tĩnh hơn khi đối đầu với những tình huống căng thẳng nhất trong khi ông làm công tác huấn luyện. Ông cũng thường khuyến khích học trò của ông loại bỏ cái bản ngã cố hữu của họ, nếu họ muốn có một đội bóng tốt. Nhà khiêu vũ bậc thầy của Mỹ, Erick Hawkins, lý luận rằng thiền định đã cho phép ông tìm đến đỉnh cao của nghệ thuật biểu diễn. Trong khi Richard Gere, ngôi sao điện ảnh hàng đầu của Holywood, thì tuyên bố "Đạo Phật đã dạy cho tôi sự khoan dung, lắng nghe và cố gắng hiểu người khác". Trong lĩnh vực ca nhạc, ngôi sao gạo cội Tina Turner cũng thổ lộ "Tôi cứ nghĩ đó là trò phù thủy, nhưng kỳ thực Đạo Phật đã thay đổi cả đời tôi". Và nhiều người làm công tác ủng hộ, vận động nam nữ bình quyền cũng đã trở về với Phật Giáo, vì họ cho rằng chính giáo lý bình đẳng của Phật Giáo đã giúp cho phụ nữ Mỹ nhận ra được tiềm năng và kỷ năng đầy ắp bên trong họ. Các nhà bảo vệ môi trường cũng xem giáo lý từ bi của Phật Giáo như là những nguyên tắc cơ bản để kêu gọi mọi người trân trọng và giữ gìn môi trường sinh thái.

PHẬT GIÁO VÀ NỀN GIÁO DỤC MỸ:
Phật giáo không những tạo sự ảnh hưởng rộng rãi ngoài xã hội mà còn đi thẳng vào học đường Mỹ. Hiện tại ở Mỹ có trên 15 Đại học có phân khoa Phật học, cung cấp đầy đủ chương trình Phật học cùng với việc cấp phát văn bằng từ cử nhân cho đến tiến sĩ Phật học. Được kể đến trong nhóm này là hầu hết các đại học lớn và uy tín tại HK. Đặc biệt, ở các đại học này có nhiều giáo sư đã nghiên cứu Phật học toàn thời gian để giảng dạy hoặc viết về Phật học như Đại Học Virginia có các giáo sư Jeffrey Hopkins, Paul Groner, Karen Lang, David Germano và L. Senaviratne ; ĐH Chicago có quý GS Frank Reynolds, Paul Griffiths, Gary Ebersole và Steven Collins ; ĐH Harvard có các GS Masatoshi Nagatomi, Helen Hardacre, Charles Hallisey ; ĐH Columbia có các GS Robert Thurman, Matthew Kapstein, Ryuich Abé ; ĐH Michigan có các GS Luis Gomez, Donald Lopez, Griffith Foulk ; ĐH Princeton có các GS Gananath Obeyesekere, Jacqueline Stone, Steven Teiser ; ĐH Wisconsin có GS Minoru Kiyota và Geshe Sope ; ĐH McMaster có các GS Robert Scharf, Phyllis Granoff và K. Shinohara ; ĐH Stanford có các GS Bernard Faure và Card Bielefeldt ; ĐH California có các GS Lewis Lancaster và Padmanabh ; ĐH Northwestern có các GS George Bond và Isshi Yamada ; ĐH Hawaii có các GS David Chappell và David Kalupahana ; ĐH Carleton có các GS Bardwell Smith và Roger Jachson ; ĐH Pennsylvania có các GS Charles Prebish và Steven Heine ; ĐH Calgary có các GS Leslie Kawamura và A.W. Barber ; ĐH Saskatchewan có các GS Braj Shina và Julian Pas ; ĐH McGill có GS Richard Hayes và Arvind Sharma v.v...

Trong 30 năm gần đây , các ĐH Hoa Kỳ đã cấp phát văn bằng tiến sĩ Phật Học cho các học giả Phật Học (Buddhological Scholars), tuổi trung bình của họ là 35. Chẳng hạn như ĐH Wisconsin đã cấp phát học vị cho 10 vị ; ĐH Harvard 10 vị ; ĐH Chicago 8 vị ; ĐH Virginia 7 vị ; ĐH Yale 6 vị ; ĐH Columbia 5 vị ; ĐH Temple 5 vị ; ĐH California 4 vị ; ĐH Princeton 3 vị ; ĐH NorthWestern 3 vị ; ĐH Stanford 2 vị.

Từ lập trường kinh viện hàn lâm của mình, Phật Giáo đã thích nghi dễ dàng trên nền giáo dục của Hoa Kỳ. Ở tất cả thư viện của đại học Mỹ đều có sách báo về PG. Chẳng hạn tại đại học Kentucky, người ta có thể tìm thấy ở thư mục Phật học trên máy vi tính thì đã có 556 bài báo, 400 quyển sách và 1557 mục từ chuyên môn Phật học trên mạng Internet...

PHẬT GIÁO VÀ CÁC TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC:
Ngoài các Đại Học Hoa Kỳ , có hơn mười tổ chức chuyên môn nghiên cứu về Phật Học tại Hoa Kỳ , bao gồm : ( 1 ) Học Viện Tôn Giáo Hoa Kỳ (American Academy of Religion) có 66 thành viên ; ( 2 ) Hội Nghiên Cứu Châu Á (Association for Asian Studies) có 50 người ; ( 3 ) Hội Nghiên Cứu Phật Học Quốc Tế (International Association of Buddhist studies) có 38 vị ; ( 4 ) Hội Nghiên Cứu Phật Giáo - Ky Tô Giáo (Society for Buddhist - Christian Studies) có 17 người ; ( 5 ) Hiệp Hội châu Á và Triết Học Tỷ Giảo ( Society for Asian và Comparative Philosophy ) có 15 người ; ( 6 ) Hội Đông Phương Hoa Kỳ (American Oriental Society) có 14 người ; ( 7 ) Hội Nghiên Cứu Tôn Giáo Nhật Bản (Society for the Study of Japanese Religions) có 9 người ; ( 8 ) Hội Nghiên Cứu Tôn Giáo Trung Hoa ( Society for the Study of Chinese Religion ) có 7 người ; ( 9 ) Hội Nghiên Cứu Tây Tạng (Tibet Study Society) có 7 người ; ( 10 ) Hội Pali Text (Pali Text Society) có 6 người v.v.... Các Hiệp hội trên, mỗi hội đều có ấn hành báo và tạp chí để phổ biến quan điểm của mình.

PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI HOA KỲ:
Người Việt tỵ nạn di cư đến Hoa Kỳ vào giữa những năm bảy mươi của thế kỷ này, tính đến nay có khoảng gần một triệu người Việt định cư trên đất Mỹ, phần lớn cư ngụ tại hai tiểu bang California và Texas. Theo thống kê của Bộ Lao Động Hoa Kỳ, năm 1988 có khoảng 100 ngàn kỷ sư người Mỹ gốc Việt tốt nghiệp từ các đại học Mỹ, bốn năm sau con số này được nâng lên là một 150.000. Đặc biệt năm 1999 này, cũng theo thống kê của Bộ Lao Động Hoa Kỳ, có trên 350.000 chuyên viên người Việt đang có mặt trong hầu hết mọi lĩnh vực của xã hội Mỹ, từ ngành thương mại, chính trị, giáo dục, điện toán, kinh tế, y tế, pháp luật…. cho đến các ngành khoa học kỷ thuật cao cấp như không gian, quốc phòng… tất cả đều được người Việt tích cực góp sức mình vào tiến trình phát triển của đất nước mà họ đang lưu trú. Có khoảng năm mươi tờ nhật báo, tuần báo tiếng Việt, và có khoảng hai mươi chương trình truyền thanh và truyền hình tiếng Việt để phục vụ cho cộng đồng.

Về tình hình Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, cũng đang phát triển mạnh như cộng đồng của mình. Đại lễ Phật Đản năm 1998, do các Hội đoàn PGVN kết hợp tổ chức tại tiểu bang California, quy tựu gần 50 ngàn người về dự là một minh chứng cho sự lớn mạnh ấy. Hiện nay có khoảng 20 Hội Đoàn PGVN tại Mỹ, đặc biệt trong số đó có các giáo hội như : Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Tại Hoa Kỳ; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ ; Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ ; Giáo Hội Phật Giáo Liên Tông ; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới ; Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới..v.v…

Có khoảng 20 tờ báo Phật giáo được phát hành hằng tháng hoặc mỗi ba tháng, đáng lưu ý là các tờ Phật Giáo Hải Ngoại, Phật Giáo Việt Nam, Hoa Sen, Giao Điểm, Chân Nguyên, Phật Học, Viên Thông…

Có trên hai mươi Website Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ để phổ biến giáo lý cho Phật tử mười phương nâng cao tầm hiểu biết của mình. Một trong những Web site PGVN đầu tiên ở Hoa Kỳ là Hoa Sen, do đạo hữu Tâm Diệu chủ trương cùng kết hợp với một nhóm nghiên cứu Phật học và hành trì Phật pháp ở quận hạt Orange County, miền Nam California, thiết lập vào năm 1994. Đây là web site tiếng Việt đầu tiên sử dụng kỹ thuật hiện đại vi tính dynamic font và doc-true để độc giả Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới có thể đọc được chữ Việt mà không cần phải có bộ chữ Việt cài vào máy. Về nội dung, Hoa Sen tựa như một thư viện Phật học nhỏ mở cửa 24 giờ một ngày, lưu trữ các sách vở kinh điển Phật giáo của tất cả các truyền thống và các bài giảng pháp của nhiều Thầy có khuyng hướng tu tập khác nhau.. Địa chỉ vào xem Hoa Sen là http://www.jps.net/hoasen và một địa chỉ khác của Hoa Sen là: Http://www.saigon.com/~hoasen .

Một Website đặc biệt khác là Lotusnet, do đạo hữu Tâm Kiến Chánh ( hiện đang cư ngụ tại tiểu bang Oklahoma) thành lập vào năm 1996. Ông Tâm Kiến Chánh là một Phật tử thuần thành, đến định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1975. Vì nhìn thấy sự lợi ích trong việc chuyển lời Phật dạy đến với mọi người Việt trên thế giới qua hệ thống điện toán toàn cầu, nhanh và rất tiện lợi cho tất cả mọi người, nên ông đã phát tâm mở trang Web trên( địa chỉ vào xem là http://www.lotuspro.net ). Hiện tại website này đã mở được một số trang đáng kể như sau : Trang Đại Tạng Kinh Việt Nam (bản dịch c?a Hòa Thượng Minh Châu) ; Trang Đề tài giảng Pháp (có hơn 400 bài Pháp Luận Phật học) ; Trang giới thiệu những tác phẩm Phật giáo mới ; Trang Phật giáo quốc tế ; Trang Pháp thoại ; Trang Hành hương Trung Quốc với nhiều bài viết giá trị và hình ảnh về những thắng tích Phật giáo ; Trang Phát thanh Phật giáo gồm ba chương trình : Ánh Đạo Vàng, Diệu Âm, Tiếng Chuông và những băng đọc Kinh truyện Phật giáo qua nhiều giọng đọc khác nhau của các đạo hữu như Tâm Từ, Tâm Kiến Chánh, Bạch tuyết, Bích Phượng, Phương Hồng Quế, Hồng Vân, Đoàn Yên Linh, Mai Hiên, Thúy Vinh….

Tính đến nay, Lotusnet đã thực hiện và phát hành được 100 bộ băng đủ các thể loại, đặc biệt số băng cassette ấn tống hằng tháng khoảng 6000 băng, phần lớn đều gởi về ấn tống bên nhà ở những vùng quê nghèo, xa xôi hẻo lánh, những nơi chưa có chùa và điều kiện học Phật. Lotusnet cũng thiết lập những chi nhánh phát hành băng Kinh Sách ở các nước như Thụy Sỹ, Pháp, Canada và tại Việt Nam (xin liên lạc trực tiếp với ông Tâm Kiến Chánh để biết thêm chi tiết). O⮧ Tâm Kiến Chánh cũng cho biết thêm, trong năm nay Lotusnet sẽ cho phổ biến cuốn Tự Điển Phật Học Việt Anh (Vietnamese-English Buddhist Dictionary) và một chương trình phát hình trên trang Website này. Điều đáng mừng là có khoảng 2000 người vào xem trang Lotusnet mỗi ngày và tính đến nay có khoảng trên một triệu rưỡi người đã vào đọc trang Web này (tính theo sự ghi nhận của Web Trends).

Nhìn chung, PGVN đang phát triển mạnh và đầy lạc quan tại Hoa Kỳ, tính đến nay có khoảng 250 chùa Việt được xây dựng rải rác trên đất nước này. Theo sự ghi nhận gần đây của giới báo chí, cộng đồng người Việt rất thành công trên đất Mỹ, đặc biệt là thế hệ trẻ VN thứ hai và thứ ba tại HK, 80% trong số đó là tín đồ Phật giáo, điều này đã giúp cho số lượng đoàn sinh Gia Đình Phật Tử VN tại Hoa Kỳ ngày càng gia tăng, tính đến nay đã có 55 đơn vị GĐPT, gồm hơn 5000 đoàn sinh và trên 600 huynh trưởng sinh hoạt trên khắp đất nước Hoa Kỳ. Về mặt in ấn Kinh sách, có hơn 10 nhà xuất bản PG do người Việt chủ trương và phát hành, đáng kể trong số này là nhà in Lá Bối, nhà xuất bản Sinh Thức, nhà XB thuộc Phật Học Viện Quốc Tế, nhà XB Chiêu Hà…đã lần lược tái bản những Kinh sách cũ và ấn hành những tác phẩm Phật học mới để đáp ứng nhu cầu học Phật ngày càng đông của mọi giới. Có thể nói, Hoa Kỳ là nơi cung cấp Kinh sách và tài liệu học Phật cho người Việt trên toàn thế giới.

CÁC SÁCH VIẾT VỀ LỊCH SỬ PHẬT GIÁO TẠI MỸ :
1 . How the Swans came to the lake, a narrative history of Buddhism in America (Làm sao những con Thiên nga đến được cái hồ, tường thuật về Lịch sử PG ở Mỹ) tác giả Rich Fields, nhà xuất bản Shambhala in năm 1981, tái bản năm 1986 và năm 1992.
2 . The Awakening of the West (Sự Thức tỉnh của phương Tây), tác giả Stephen Batchelor Parallax Pressin năm 1994.
3 . Brief History of Buddhist Studies in Europe and America (Lược Sử Nghiên Cứu PG ở châu Âu và châu Mỹ), tác giả De Tong, 1987.

CÁC NHÀ XUẤT BẢN PHẬT GIÁO TẠI HOA KỲ:
Có hơn 10 nhà xuất bản PG tại Hoa Kỳ, điển hình như Nhà XB Snow Lion ; nhà XB Wisdom Publication ; Asian Humanities Press ; Motilai Banaridass ; Harper và Row ; (6) Shambhala, Parallax Press…Có hơn 10 tờ báo, tạp chí PG ấn hành tại Mỹ, nổi bật trong số này có tạp chí Tricycle Buddhist Review ; tạp chí Mandala, tạp chí Shambhala Sun, tạp chí Turning Wheel v.v...

Tóm lai, Phật Giáo hiện nay đang trên đà phát triển tại Hoa Kỳ. Theo thống kê của đài truyền hình Mỹ SBS và NBC cho biết hiện nay (1999) có trên 2000 tự viện , tịnh thất , niệm Phật đường , trung tâm tu học trên khắp nước Mỹ và có khoảng 4 triệu tín đồ Phật tử tại xứ sở này. Theo các nhà bình luận thì sự phát triển đó chỉ là bước khởi đầu và theo họ các nhà lãnh đạo Phật Giáo tại Hoa Kỳ phải chuẩn bị một dự án hoằng pháp rộng lớn hơn trong tương lai để đáp ứng nhu cầu phát triển tâm linh cho xứ sở này. Vì dường như đã đến lúc mọi người Mỹ đều khám phá rằng thông điệp của Đức Phật như là một chiếc chìa khóa cần có để mở tung mọi cái khó khăn đang và sẽ bao trùm trên nước Mỹ.

Tổng hợp theo các tài liệu :
- Robert Topmiller, Newsletter of University of Kentucky, 01/1997
- Rick Fields, How the Swans Came to the Lake, a narrative history of Buddhism in America, Shambhala, U.S.A / 1992
- Survey Article : The academic study of Buddhism in the United State, 1994
- Directory of Buddhist Temples and Organisations in United States, tháng 2/1999

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
06/07/2014 12:52:12
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT......
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập