Chùa Hàn Sơn, một lần ghé thăm

Đã đọc: 4912           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tô Châu, có tên gọi cổ là Câu Ngô, Ngô, Cối Kê , Ngô Châu, Ngô Quận, Bình Giang Đẳng, Ngô Đô, Ngô Hội, Ngô Môn, Đông Ngô, Ngô Trung, Ngô Hạ, Cô Tô, Trường Châu, Mậu Uyển Đẳng, các tên này được gọi theo những địa giới thay đổi bởi những biến động nỗi trôi của dòng lịch sử .

Người Việt Nam chúng ta, hầu như là không ai mà không biết về truyền kỳ lịch sử “Tây Thi, gái nước Việt” , và nàng Tây Thi là mỹ nhân đứng đầu Tứ Đại Mỹ Nhân Trung Hoa. Thế nhưng, lại ít ai biết về nước Việt thời ấy nằm ở đâu ?

Tô Châu, có tên gọi cổ là Câu Ngô, Ngô, Cối Kê , Ngô Châu, Ngô Quận, Bình Giang Đẳng, Ngô Đô, Ngô Hội, Ngô Môn, Đông Ngô, Ngô Trung, Ngô Hạ, Cô Tô, Trường Châu, Mậu Uyển Đẳng, các tên này được gọi theo những địa giới thay đổi bởi những biến động nỗi trôi của dòng lịch sử .

Theo Wiki, vào năm 473 TTl, nghĩa là trước đây 2485 năm, tính từ thời điểm 2012, nước Ngô , tức Tô Châu, bị nước Việt đánh bại và sáp nhập vào nước Việt.

Vậy trước đó, nước Việt nằm ở đâu ? Chắc chắn rằng Ngô-Việt giáp ranh nhau, giáp ranh Tô châu là Chiết Giang. Và lịch sử Trung Hoa cho rằng vua khai quốc nước Việt cổ, lại có dòng dõi tôn thất vua Vũ đế, đời nhà Hạ (2200-2100 TTl , nghĩa là hơn 4000 năm văn hiến). Mà Vũ đế là một vị vua huyền thoại của Trung Hoa. Nói vậy chứ không phải vậy, nền văn minh Việt cổ xuất hiện cùng lúc với văn minh Trung Hoa, nhưng sử Hán nói vậy để mặc nhiên xem phần đất các bộ tộc Việt là của họ mà thôi.

Lúc khởi đầu, các bộ tộc Việt cổ sinh sống tại Cối Kê phần đất Tô châu, nay thuộc huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết giang. Ngày xưa, khu vực nam Chiết Giang nằm ngoài bán kính ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa thời cổ, cho đến đời nhà Thương, những bộ tộc Việt cổ thời đó được gọi chung là các bộ tộc người Việt, như Đông Việt, Mân Việt, Âu Việt….gọi chung là Bách Việt. Bách chẳng phải là 100, mà là nhiều vậy.

Cho đến thời Xuân Thu, một vị vua của một bộ tộc người Việt đã nổi lên thành lập nước Việt ở phía Bắc Chiết Giang, nơi chịu ảnh hưởng nặng của nền văn minh Trung Hoa ở phương Bắc. Phía Bắc Chiết giang, có thể là Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết giang ngày nay chăng ?.

Như vậy, nàng Tây Thi của nước Việt Câu Tiễn ngày xưa, gốc ở Tô châu, lại có họ Thi, làm ta liên tưởng đến chàng Thi Sách . Và nước Việt của Câu Tiễn ngày xưa có thể khá lớn, bao gồm cả Tô Châu.

Năm 333 TTl, đến lượt nước Việt bị nước Sở ở phía Tây đánh bại. Năm 221 TTl, đến lượt nước Tần chinh phục được tất cả các tiểu quốc ở Trung Hoa và thành lập một đế quốc thống nhất.

Nước Việt của nàng Tây Thi và Câu Tiễn đã mất đi, nhưng sử thi về người đẹp Tô châu vẫn còn đó, để ngàn đời sau còn ngậm ngùi về lẽ thịnh suy trớ trêu do nhân duyên, nghiệp quả và lẽ vô thường . Nhưng đến ngày hôm nay, vẫn còn đó, tiếng đồn về những người đẹp Tô châu đẹp nhất Trung Hoa, đến nỗi một nhạc sĩ đã từng mơ sống trong lòng người đẹp Tô Châu (Bên cầu biện giới) .

Tô Châu ngày xưa, việc vận chuyển đường thuỷ rất phát triển, nhiều nhánh sông đào lớn nhỏ nối với các sông hay kinh lớn làm thành một mạng lưới đường thuỷ thuận tiện, mà trong đó, có một bến đỗ, tên bến Cầu Cây Phong, nơi các thuyền lỡ đường neo đậu qua đêm, dưới một chiếc cầu bắc ngang và những cây phong bên bờ.

Vào một đêm nào đó giữa thế kỷ thứ 6, có một văn nhân thi rớt trở về bằng đường thuỷ, qua đêm tại bến Cầu Cây Phong. Khấp như thiếu nữ vu qui nhật; tiếu tựa văn nhân lạc đệ thì”. Khóc như thiếu nữ trong ngày vu qui và cười như văn nhân lúc thi rớt . Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười !

Đêm ấy, sương xuống lạnh cả không gian tĩnh mịch, chỉ có tiếng quạ kêu và những ngọn đèn câu le lói trong đêm mù sương, chàng văn nhân cô đơn “cười như muốn khóc” ấy, buồn không ngủ được, bỗng nghe tiếng chuông công phu khuya của chùa Hàn Sơn vẳng lại, chàng đã xuất thần phóng tác một bài thơ tứ tuyệt. Bài thơ ấy đã làm chàng văn nhân vô danh thi rớt, đột nhiên nỗi tiếng ngang hàng với hàng đại thi nhân lúc bấy giờ .

Chẳng những bài thơ ấy làm chàng nỗi tiếng, mà còn làm bến Cầu Cây Phong cùng chùa Hàn Sơn nỗi tiếng theo, đó là chàng Trương Kế với bài Phong Kiều Dạ Bạc . Nỗi tiếng đến mức, bài thơ sau này đã được Khang Hữu Vi đời nhà Thanh khắc trên tấm bia lớn dựng trong chùa Hàn Sơn để cho người đời sau qua đây thưởng lãm.

Tô châu ngày nay vẫn còn nhiều chùa và các lâm viên, tuy không như 700 năm về trước, nhưng vẫn có hai ngôi chùa được UNESCO công nhận là di tích văn hoá lịch sử nhân loại. Đó là chùa Hổ Khâu và chùa Hàn Sơn. Và du khách khắp thế giới thường ghé chùa Hàn Sơn, chứ rất ít ai ghé chùa Hổ Khâu. Phải chi đêm xưa, Trương Kế cưỡi ngựa về làng, qua đêm tại chùa Hổ Khâu !? . Sự việc gì cũng phải hội đủ nhân duyên mới thành, đừng nên hối tiếc quá khứ , cũng đừng vọng cầu tương lai .

Chúng tôi cũng thế, công ty du lịch cũng chỉ biết Hàn Sơn tự, chứ chẳng biết Hổ Khâu tự, và đưa chúng tôi đến nhiều chỗ-chẳng-muốn-đến, ít chỗ muốn-đến . Ít chỗ ấy, có chùa Hàn Sơn, vào một buổi trưa trong một ngày thu, tháng tám.

Đây là một ngôi chùa đẹp và sang trọng, do được làm mới lại hoàn toàn và hiện đại. Chúng tôi vào chùa, vé vào cổng đã mua sẵn, cầm trong tay . Bên trong là một sân vườn, một lâm viên đúng hơn, sạch sẽ và chi tiết .

 

 

 Qua khỏi hành lang (hình bên phải, hành lang che ngói màu vàng), một con đường lót đá phẳng và sạch sẽ ngăn cách lâm viên và ngôi chùa . Qua cổng, trên cao mái chùa, là phù điêu hai Ngài Hàn Sơn và Thập Đắc, những nhà sư là tổ kiến lập ngôi chùa .

 

 

 

Có một bức tường hai bên ngõ vào, một bên ghi tên chùa, bên còn lại là sơ đồ mặt bằng chùa. Trên sơ đồ, có đến 3 bến thuỷ, chẳng biết bến cầu cây phong có phải là một chăng ?

Chúng tôi không biết chữ Tàu, dù có cầm bản đồ Tô Châu trong tay và đứng sát để xem bản đồ trên vách. Hỏi hướng dẫn viên, anh ta dẫn chúng tôi đến bến cây phong phía sau chùa (nhưng chẳng biết có đúng không ?) , trên thành cầu, có 3 chữ Tàu. Thôi cứ cho là đúng đi . Sau đó chúng tôi trở vào bên trong chùa .

 

 

 

Khách tham quan và dân bản xứ vào chùa rất nhiều, vì thời gian có hạn, nên chúng tôi tập trung vào tháp chuông để xem và nghe tiếng chuông năm xưa có lay động tâm linh trở về ngàn năm về trước hay không . Tháp không cao lắm, bằng gỗ, trang trí trau chuốt đặc chất của văn hoá Trung Hoa. Cầu thang bằng gỗ hẹp, từng người đi. Mỗi tầng đều có tượng Phật bốn mặt bảo đảm khách tham quan luôn thấy Phật trong mỗi bước đi lên. Mỗi tầng đều chừa hành lang bên ngoài để du khách ngắm cảnh từ trên cao .

 

 

 Tầng cuối cùng không được phép vào, có lẽ tránh cho những kẻ tò mò làm động chuông chăng?

Tuy nhiên muốn thỉnh tiếng chuông, phải bỏ ra 50 tệ, và có quá nhiều người muốn thỉnh, cho nên chúng tôi không cần góp tiền, cũng đủ nghe tiếng chuông trong suốt chuyến tham quan.

Tiếng chuông ngày xưa, có lẽ thong dong buông từng tiếng một giữa đêm khuya thanh vắng, ngân dài trong màn sương lạnh, còn tiếng chuông ngày nay, vội vã vang lên giữa không gian ồn ào tiếng khấn vái, mong cầu, và tiếng chuông này chưa tắt hẵn, tiếng chuông khác đã vang lên. Đâu tiếng chuông ngày xưa mà lữ khách trong đêm đã lắng nghe, tiếng chuông đã thổi hồn vào thơ ? Đâu tiếng chuông ngày xưa, tiếng chuông trong hư không, vô tác, vô nguyện, vô sở cầu ?

Chúng tôi trở xuống, đi vào điện Phật. Đức Thế Tôn ngự chính điện, hai bên có lẽ là Ngài A Nan và Ngài Đại Ca Diếp thì phải. Bởi vì một bên với vẻ mặt thanh tú và một bên, khắc khổ và cương nghị .

 

 

 Hai bên là hai hàng Bồ Tát, mỗi hàng 9 vị. Số 9, cửu cửu càn khôn dĩ định đã ăn sâu vào tâm thức văn minh Trung Quốc từ khi lập quốc ở lưu vực sông Hoàng Hà với Hà đồ và Lạc thư . Dấu ấn văn hoá này dĩ nhiên cũng đã đóng thêm vào Phật giáo Trung Hoa, làm sao khác được chứ ? Dù rằng Đại Bát Nhã đã nói rằng hết thảy thực tại đều không tự có, không tự tánh, không tướng, ra ngoài ý niệm, vượt khỏi khái niệm, chẳng thể nghĩ suy và bàn luận . Ừ nhỉ, cái “không”, đã được tâm thức điểm xuyết để thành cho có vậy .

Hậu điện là điện thờ Quán Thế Âm với vạn Phật chung quanh . Sau lưng mỗi tượng Phật nhỏ là tấm có ghi mấy hàng chữ Hán – có lẽ ghi tên người hiến tặng .

Khung cảnh chợt gợi nhớ về cố hương với chùa Vạn Phật Đại Tòng Lâm, nơi có Phật điện vạn Phật huy hoàng ít nơi sánh bằng. Dưới ánh đèn trần và đèn flash chụp ảnh, điện Phật lấp lánh ánh sáng vàng, lung linh như cõi Cực lạc Tây phương .

 

 

 

 

Ngôi chùa Hàn Sơn rất rộng, cho nên đi khắp các nơi cũng mất gần mấy tiếng đồng hồ, cảnh quan và các nơi thờ Phật, Bồ Tát cũng nhiều và chùa cũng dành hẵn một nơi cho bức tượng lớn hai vị Thập Đắc và Hàn Sơn ….nhưng chúng tôi không thể đi cho hết, vì đã hết giờ tham quan và cũng vì có quá nhiều người dân bản xứ vai chen vai lũ lượt đến cầu xin cúng vái, nhang khói mịt mù .

Cứ tính mỗi người một vé vào cửa, thì biết thu nhập của chùa ra sao. Thế cho nên, đã có chùa dự định cổ phần hoá, có chùa mua hẵn một máy soát vé như vào ga xe điện ngầm vậy…chùa trở thành một cỗ máy kiếm tiền, nhưng tiền nhiều thế để làm gì ? Có làm vẫn đục tâm hồn với hơi hám của tờ giấy có thể đổi chác bất cứ thứ gì, ngoại trừ hạnh phúc và an lạc ?

Chúng tôi ra về, lòng chẵng đọng chút gì, có chăng, chỉ là niềm bâng khuâng lắng đọng với hồn thơ tuyệt tác của Trương Kế mà thôi .

Nguyệt lạc Ô đề sương mãn thiên,

Giang phong Ngư hoả đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự

Dạ bán chung thinh đáo khách thuyền

Thế cho nên, Trương Kế dù đã chết từ mấy trăm năm qua, nhưng chàng vẫn sống từng ngày trong vần thơ tứ tuyệt và bài thơ ấy đã dẫn dắt khách thập phương tìm về Hàn Sơn tự, để rồi khách ra đi và lại nhớ đến chàng .

Thế nào là Sống và Chết ? Hay chỉ là khái niệm mà thôi.? Thế nào là thực danh, thế nào là hư danh ? Có phải Thực và Hư chỉ là hai mặt của tiếng chuông chùa trong đêm sương lạnh ?.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập