Viết Về Thầy Thích Nhật Từ

Đã đọc: 4093           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tôi không nhớ chính xác lần đầu nghe tên Thầy Thích Nhật Từ là khi nào. Chỉ nhớ là khoảng trong thập niên cuối thế kỷ 20. Lúc đó, các bạn Giao Điểm nói rằng có một vị tăng trẻ đang du học Ấn Độ, thuộc thành phần cấp tiến, viết một số bài hoằng pháp tốt đẹp. Hình như người đầu tiên nói với tôi như thế là đại lão cư sĩ Phan Mạnh Lương, người giữ chức Chủ Bút Tạp Chí Giao Điểm cho tới khi cư sĩ xuất gia, rời Quận Cam để về thọ giới tỳ kheo với Thầy Thích Thanh Từ, và rồi bây giờ về ngồi lặng lẽ nơi Thiền Viện Đại Đăng ở San Diego.

Những ấn tượng ban đầu như thế thực sự là mờ nhạt, cho tới khi đọc nhiều bài viết của Thầy Thích Nhật Từ. Xin nói rõ rằng không phải lý luận nào của Thầy Thích Nhật Từ tôi cũng đồng ý, nhưng đa số là tán đồng các đề nghị cấp tiến của thầy. Thí dụ, một đề nghị gây nhiều tranh luận nhất là cải cách Bát Kỉnh Pháp. Tôi là người thế tục, cho nên không muốn bước vào những cuộc tranh luận có tính cách thể chế như vậy. Nhưng theo những gì tôi biết, trong Phật Giáo Tây Tạng và trong Thiền Tông Trung Hoa không phân biệt thứ cấp nam nữ, như hình ảnh nữ của Đức PhậtQuan Thế Âm, hay như truyện tích một bà già hiểu đạo cũng được trân trọng hơn một giảng sư nổi tiếng(như tích Đức Sơn gặp lão bà). Thầy Thích Nhật Từ nói lên để đề nghị cải cách bát kỉnh pháp là phải lẽ, gặp nhiều sóng gió chống đối cũng là dễ hiểu. Điểm hay của vấn đề là, tất cả mọi người đều công nhận có những vị nữ lưu kiệt xuất, như trong thời cận đại nổi bật là Ni Trưởng Trí Hải. Khi đọc vấn đề bát kỉnh pháp, tôi biết rằng Thầy Thích Nhật Từ muốn nói chuyện cho giới trẻ tương lai. Và nhu cầu nói chuyện cho giới trẻ thâm nhập Kinh Phật là phải vận dụng nhiều kỹ năng khéo léo, trong đó Bát Kỉnh Pháp có thể là một vấn đề.

Hay như khi đưa âm nhạc vào sinh hoạt Phật giáo. Nhiều năm sau, được biết rằng Thầy Thích Nhật Từ đã thực hiện, hay góp phần biên tập, góp phần hướng dẫn cho hàng trăm CD, DVD âm nhạc, phim, kịch…  Chuyện này ít gây tranh luận hơn, vì cuộc đời là một dòng sông đầy những chuyển biến, và chúng ta buộc phải giao tiếp bằng sinh ngữ, không phải cổ ngữ, nơi đó âm nhạc là một phần của cuộc đời. Một điểm để tôi ủng hộ quan điểm sử dụng âm nhạc, phim ảnh để hoằng pháp cũng vì nhìn thấy quanh mình, những cô dì chú bác và cả giới trẻ đều mê âm nhạc, hoặc tân nhạc hoẳc cổ nhạc. Nếu tắt hết những âm thanh này, chúng ta không tiếp cận được Phật Tử.

Từ hướng khác, các bạn Giao Điểm nhìn Thầy Thích Nhật Từ như một trong những người hộ pháp. Khi đại lão cư sĩ Phan Mạnh Lương chưa xuất gia, khi cư sĩ còn ở trong khu nhà sau bệnh viện Fountain Valley, thỉnh thoảng tôi vẫn tới thăm, nói chuyện về hướng đi tương lai  của Phật giáo trong nước, trong khi bi quan vì nhiều tỉnh Miền Bắc không có tăng ni nào hiện diện, lòng vẫn giữ được lạc quan khi nhắc về Thầy Thích Nhật Từ, bày tỏ tin cậy rằng một học giả nhiệt tâm như Thầy tất sẽ còn làm nhiều việc hữu ích.

Thực sự, tôi chỉ gặp Thầy Thích Nhật Từ khoảng nửa giờ đồng hồ, trong một dịp Thầy ghé thăm Quận Cam, khoảng cuối năm 2008. Trí nhớ của tôi mờ nhạt, cùng một bạn trong làng báo Phật Tử lái xe tới nhà một bạn khác ở Santa Ana, gặp trong buổi Thầy gặp riêng vài người. Tôi chỉ ngồi nghe, và nhớ rằng đó là một vị sư trẻ, nhiệt tâm. Lúc đó là vài năm sau khi Thầy Thích Nhất Hạnh về thăm Việt Nam (lần đầu, năm 2005)   và hoằng pháp.  

Sau này, tôi thấy rằng, cho dù Thầy Thích Nhật Từ không đưa ra những cải tổ quyết liệt hay tự lập ra môn phái riêng như Thầy Thích Nhất Hạnh, nhưng Thầy Nhất Hạnh ít trở ngại nhờ đa số Phật tử hải ngoại và quốc tế (lúc đầu là người Pháp, rồi Châu Âu, rồi Hoa Kỳ…) đều cấp tiến. Dĩ nhiên, hai thầy không giống nhau, có nhiều dị biệt lắm, chỉ có điểm chung là muốn cải cách, và mỗi thầy nhìn cải cách theo một cách riêng. Nơi đây, tôi không bàn về giáo pháp, chỉ thuần túy nói về quan điểm Phật giáo vào đời (có khi gọi là nhập thế, dấn thân…).

Trong một lần gặp anh Hồng Quang (nhớ là năm 2013), tôi được nghe nói rằng Đại Lễ Vesak  LHQ 2014 sẽ không có tham dự của Thầy Thích Nhật Từ, và anh bày tỏ lo ngại rằng khi giao tiếp với Phật giáo quốc tế, Ban tổ chức có thể sẽ thiếu đi một vị sư năng động, có kinh nghiệm ngoại giao và có giao tiếp thân tình sẵn có với quốc tế như Thầy Thích Nhật Từ.

Tôi nói, nếu thuần về tổ chức các sự kiện quốc tế, các công ty du lịch trong nước có nhiều kinh nghiệm, sẽ hỗ trợ được cho quý Thầy trong Vesak LHQ 2014,  nhưng vắng mặt một chiếc cầu với nhiều vị sư quốc tế như Thầy Thích Nhật Từ hẳn là một bất lợi. Vài ngày sau, tôi viết bài "Nghĩ Về Đại Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2014" (1) để nói về Thầy đã sẵn có kinh nghiệm Đại Lễ Vesak LHQ 2008 và kinh nghiệm này cần thiết cho Đại Lễ Vesak LHQ 2014.

Tôi không được đọc hết những gì Thầy Thích Nhật Từ đã viết. Trong những gì đọc được, tôi thích nhất là cuốn “Kinh Phật Cho Người Tại Gia.” Đó là một tuyển tập các Kinh Phật thích nghi cho mọi gia đình, sử dụng ngôn ngữ thân cận với đời thường.

Tôi đã trân trọng viết về công trình này của Thầy Thích Nhật Từ, trích như sau:

“Đây là một tác phẩm hiếm gặp, được biên soạn công phu bởi Thầy Thích Nhật Từ, thích hợp và cần thiết cho hầu hết các gia đình cư sĩViệt Nam. Có thể nói, đây là một tuyển tập kinh cực kỳ quan trọng, vì nơi đây biên dịch lại tất cả những lời dạy thích nghi của Đức Phật để xây dựng một xã hội hòa hài, người người tôn trọng và yêu thươngnhau, và trong tận cùng là xa lìa tham sân si để chứng ngộ Niết bàn.

Đọc xong tuyển tập dày 900 trang này, người viết chỉ ước mơ rằng tất cả các gia đình Việt Nam đều có một cuốn này trên bàn thờ, và ngày ngày trong gia đình sẽ thay nhau tụng đọc nghe hiểu và thọ trì.

Tuyển tập có 63 Kinh, nhưng thực tế là nhiều hơn. Vì trong đó có một số là  tổng hợp từ nhiều kinh, thí dụ, Kinh Chuyển Pháp Luân (trang 437-442) kết hợp hai kinh từ Tam Tạng Pali, hay Kinh Mười Hai Nhân Duyên (trang 443-458) kết hợp ba kinh trong đó một từ Tạng Pali và  hai  từ Kinh A Hàm.

Trong “Kinh Phật Cho Người Tại Gia” cũng có toàn bộ Kinh Pháp Cú, nơi đây được Thầy Thích Nhật Từ đặt tên là Kinh Lời Vàng Phật Dạy (trang 83-180), dịch từ Tạng Pali ra thể thơ song thất lục bát để dễ học thuộc lòng và tụng đọc. Đây cũng là một điểm tế nhị để đưa Phật GiáoVN tới gần với Phật Giáo quốc tế, vì kinh này được các Phật tử Hoa Kỳ và Châu Âu ưa thích đặc biệt – chỉ cần thấy rằng đã có ít nhất 25 bản Anh dịch của kinh Pháp Cú là thấy tầm quan trọng của kinh này, trong khi ít Phật Tử tại Việt  Nam biết tới kinh này. Cũng nên ghi nhận rằng, nhiều Phật tử Hoa Kỳ thường tặng nhau kinh này trong những dịp lễ.

Đọc kỹ sách này, chúng ta có thể thấy những cách ứng biến tinh tế của Thầy Thích Nhật Từ  trong khi soạn dịch. Nhưng ứng biến như thế cho thấy cách suy nghĩ tìm phương tiện chuyển Đạo  Phật tới thật thuận lợi cho các Phật Tử Việt Nam. Thấy rõ, từng trang, từng dòng chữ, từng âm vận sử dụng đều được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng…

… toàn bộ cuốn này có thể gọi là trường thiên thơ 4 chữ... trừ các bài kệ hay kinh đã thi hóa. Công phu là như thế. Chỉ vì lợi ích cho người Phật tử Việt Nam.

Tấm lòng của Thầy Nhật Từ cũng hiển lộ nơi cách sử dụng ngôn ngữ. Thí dụ, nơi Kinh Nền Tảng Đức Tin(trang 513-518) trong đó có một tiểu đề là “Đừng Để Bị Cải Đạo.”

Hiển nhiên, bất kỳ ai lướt mắt qua trang giấy này đều giựt mình  vì đọc Kinh xưa mà nhớ tới chuyện nay. Bản gốc kinh này là Kinh Kalama ở Tạng Pali.

Trong kinh có người trình với Đức Phật (cũng ở thể vần 4 âm cho dễ nhớ, và hy vọng tất cả Phật Tử sẽ nhớ mãi Kinh này):

“Bạch Đức Thế Tôn! Có các Sa môn và Bà la môn đi đến nơi này truyền đạo của họ, vị nào cũng dụ tất cả chúng con cải đạo theo họ, đồng thời nhiều vị  buông lời chê bai, kinh miệt các lời giảng dạy tôn giáo của các vị khác. Sự việc này làm chúng con phân vân: Vị nào tuyên bố sự thật chân chính? Đạo nào chân lý?”…”(hết trích) (2)

Bây giờ nhìn lại, tôi vẫn giữ ước mơ rằng cuốn tuyển tập trên của Thầy Thích Nhật Từ sẽ được in và tặng cho tất cả Phật Tử. Hy hữu mới có một tuyển tập như thế.

Sau cùng, để nói ngắn gọn về Thầy Thích Nhật Từ, sẽ khó tìm được ngôn ngữ nào chính xác. Vì Thầy hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực. Riêng trong những gì tôi có cơ duyên biết về Thầy, có thể nói rằng Phật Giáo Việt Nam cần rất nhiều tu sĩ như Thầy. Cần rất nhiều vậy. Để nói kiêu văn chương nhà Phật, Thầy Thích Nhật Từ là một viên ngọc quý của Phật Giáo Việt Nam.

Nguyên Giác 

GHI CHÚ:

(1) Xem: http://thuvienhoasen.org/a18355/nghi-ve-dai-le-vesak-lien-hiep-quoc-2014

(2) Xem: http://www.daophatngaynay.com/vn/tai-lieu/diem-sach/15190-kinh-phat-cho-nguoi-tai-gia-can-co-cho-moi-phat-tu.html

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
Le Hoang Cuong 06/07/2017 14:35:17
Quyển Kinh Phật cho người tại gia quả thực là rất hay ah
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập