Sanh Tâm Vô Trú

Đã đọc: 6973           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

21

Từ xưa đến nay, bất cứ làm việc gì, muốn thành công đòi hỏi con người ta phải có niềm tin. Pháp thế gian còn thế huống nữa là pháp Phật. Học Phật mà không có niềm tin, không thật lòng thì không có kết quả gì hết. Trong kinh đức Phật thường nói “tín là mẹ đẻ của công đức”. Tịnh độ tông rất xem trọng tín – nguyện – hạnh, vì đây là ba điều kiện căn bản để có thể vãng sanh Tịnh độ. Trong kinh Di Đà giảng giải, Ngẫu Ích đại sư nói rằng, không những phần chính văn của bản kinh trình bày rõ ràng về tín – nguyện – hạnh, mà ngay phần tựa và phần lưu thông, cũng gồm đủ ba phần ấy. Không chỉ kinh Di Đà, mà tất cả các kinh khác, phần mở đầu luôn luôn là phần xác định niềm tin (chứng tín phần). Do đó, phải biết rằng, tín là điều kiện quan trọng nhất trong sự nghiệp tu học và hoằng truyền Phật pháp. Người Trung Quốc thuở xưa thường nói, người nào không còn niềm tin thì không có chỗ đứng trong xã hội, điều này chúng ta ai cũng biết. Cho nên, khi chúng ta tiếp xúc với ai hay làm bất cứ việc gì, đều nên xuất phát từ sự thành tín. 

Cùng một đạo lý như vậy, chúng ta lấy trí tuệ để quán sát sự việc, nếu là việc thiện, thì đừng có tâm nghi ngờ, do dự, mà phải tranh thủ tận tâm tận lực làm liền. Pháp thế gian gian hay xuất thế gian, nói cho cùng cũng chỉ là một chuỗi dài nhân quả tương tục. Gieo nhân thiện nhất định được quả báo thiện. Gieo nhân xấu ác nhất định bị quả báo xấu ác. Vấn đề nhân – quả – quả – nhân vô cùng phức tạp. Cho nên, trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật nói, thế giới chúng sanh là ảnh tượng của một chuỗi dài vô lượng nhân duyên tiếp nối nhau. Nhân biến thành quả, quả lại biến thành nhân, nhân quả tuần hoàn, tương tục. Nếu bỏ đi nhân quả thì chẳng còn pháp gì tồn tại. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, phải thấy được chân tướng sự thật này, thì mới có khả năng thể hội được chân lý “vạn pháp vô thường, vạn pháp nhất như”.

Trong kinh điển Đại thừa đức Phật thường nói: “Tất cả các pháp, hình tướng thì có, nhưng bản thể thì không, nên không thể thủ đắc”. Những hình danh sắc tướng mà chúng ta đang thấy hiện hữu đây, thực ra chỉ là hình ảnh của một chuỗi dài nhân quả tương tục. Hình ảnh đó tồn tại lâu hay mau còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố nhân duyên. Nhân duyên tương tục thì quả báo tương tục. Ví dụ như nói về sự giàu có. Mỗi con người ai cũng muốn mình được phát tài, ai cũng muốn mình được giàu sang phú quý, nhưng trên thực tế, không ai có thể duy trì, nắm giữ tài sản của cải được mãi mãi, bởi vì tất cả vạn pháp đều vô thường, không bền vững. Nhưng nếu muốn duy trì, giữ gìn sản nghiệp giàu có một thời gian dài có được không? Câu trả lời là nhất định được, nhưng với điều kiện phải tiếp tục tu tập và gieo trồng cái nhân bố thí tài vật, thì cái quả báo giàu sang phú quý mới không bị gián đoạn trong hiện đời.

Nếu như hiểu rõ đạo lý này thì tất cả mọi sự lý trong cuộc đời chúng ta có thể suy nghiệm ra được hết. Nếu nhân duyên sai lạc thì quả báo không thể hiện tiền, nó sẽ biến đổi. Đây là chân tướng của sự thật mà người ta gọi là chân lý. Chỉ có chư Phật và Bồ Tát mới thấy được sự thật chân tướng này một cách rõ ràng, triệt để, và vì tất cả chúng sanh mà nói ra. Nếu chúng ta tin điều này một cách chân thành thì có được rất nhiều phước đức. Phước từ đâu mà có? Từ bản thân chúng ta tu cái nhân thiện. Nhân thiện thì quả báo sẽ tốt đẹp, đó là phước.

Từ đây chúng ta có thể biết được rằng, tất cả các pháp không có tướng đoạn diệt, chỉ có tướng tương tục, tướng biến hoá mà thôi. Đó là sự tương ưng giữa tánh và tướng, giữa thể và dụng. Bởi vì, thể là vĩnh hằng, bất sanh bất diệt, cho nên, cái tướng của nó hiện ra cũng không thể tiêu mất đi được. Tướng của nó chỉ có thể chuyển biến từ hình dạng này sang hình dạng khác, nó không tự mất đi. Một khi tướng trạng của mười pháp giới vắng mặt, thì lập tức tướng của thế giới nhất chân hiện tiền.

 

22

 

Có người nói, học Phật nhất định phải hiểu rõ, mà muốn hiểu rõ thì phải nghe nhiều. Trong Tứ hoằng thệ nguyện có câu: “pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học”. Câu nói này rất đúng. Nhưng cũng có người nói, học Phật không cần phải học nhiều, chỉ cần để trong tâm một danh hiệu Phật là đủ thành tựu. Câu nói này đúng hay không? Cũng đúng! Nhưng rốt cuộc chúng ta theo ai? Trong kinh Kim Cương có nói rất rõ, đức Phật không những không có pháp nhất định để thuyết, mà còn nói đức Phật chưa từng thuyết pháp nữa! Bởi vì không có pháp để thuyết, cho nên cả hai câu nói trên đều đúng cả.

Để trả lời cho câu hỏi chúng ta phải theo ai, trước hết chúng ta phải tự xem lại căn tánh của bản thân mình, đồng thời phải xem lại hoàn cảnh sinh hoạt của mình. Chúng ta học Phật vì mục đích gì? Nếu như căn tánh mình lanh lợi, thông minh, hoàn cảnh ít bị chướng ngại, có thầy lành, bạn tốt, thì nên bắt đầu công việc học Phật bằng cách học rộng nghe nhiều. Ngược lại, nếu căn tánh mình chậm lụt, hoàn cảnh khó khăn, gặp nhiều chướng ngại, thì tốt nhất nên quyết định niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Sau khi vãng sanh sang thế giới Tây phương Cực lạc rồi học rộng nghe nhiều cũng chưa muộn; sau đó lại phát nguyện sanh trở lại cõi Ta bà, rộng độ chúng sanh, đầy đủ đại nguyện. Do đó, hai câu nói đã nêu trên, câu nào cũng có đạo lý của nó.

Thành tựu chân thật của sự học Phật là được vãng sanh. Vãng sanh được kiến lập trên cơ sở tín – nguyện – hạnh. Mà niềm tin chân thật, chí nguyện thiết tha, siêng năng niệm Phật lại được kiến lập trên cơ sở “thâm hiểu nghĩa lý”. Do đó, mục đích của học rộng nghe nhiều là để thâm hiểu nghĩa lý, mà thọ trì sáu chữ hồng danh cũng là để thâm hiểu nghĩa lý.

Chúng ta xem trong cuốn Niệm Phật luận, pháp sư Đàm Hư nói đến những người niệm Phật được vãng sanh thời cận đại, có thể chứng minh rằng, họ bắt đầu tu tập không phải bằng con đường học rộng nghe nhiều, mà từ chỗ thâm nhập một pháp môn – chỉ cần một bộ kinh A Di Đà là đã thành tựu rồi. Cho nên, học một bộ kinh hay học nhiều bộ kinh điều đó không quan trọng, điều quan trọng nhất là phải hiểu được nghĩa lý của kinh. Điều đó cũng có nghĩa là, trong quá trình tu tập đòi hỏi chúng ta phải thật lòng, phải chân thật: niềm tin chân thật, chí nguyện chân thật, việc làm chân thật, và thật lòng muốn vãng sanh. Do đó, tất cả đều quý nhất ở chỗ chân thành. Người có lòng chân thật thì không việc gì là không thành tựu. Học rộng nghe nhiều mà không chân thành, không hiểu được nghĩa lý, thì vẫn không thể nào thoát ra khỏi sanh tử trong tam giới. Đây là sự thật mà tất cả chúng ta không thể không biết, không thể không cảnh giác, ngàn vạn lần đừng để kiếp sống này trôi qua một cách vô ích. Trong kinh thường nói: “thân người khó được, Phật pháp khó nghe”, cho nên, niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh độ, là pháp môn mà cổ nhân thường nói nhân duyên kỳ diệu từ vô lượng kiếp khó gặp mà nay được gặp. Xin đại chúng đồng tu hãy nỗ lực tinh tấn và trân trọng!

 

23

 

Kẻ phàm phu vì chấp trước nên có lục đạo luân hồi, vì vọng tưởng nên có mười pháp giới. Do đó có thể biết, mười pháp giới dù hiện ra cảnh giới y chánh trang nghiêm, thực chất cũng chỉ là ảo ảnh của một chuỗi dài nhân duyên quả báo tương tục sản sinh ra mà thôi. Điều này trong kinh đức Phật gọi là: duyên khởi tánh không. Do nhiều yếu tố, nhân duyên để từ nghiệp nhân tạo thành nghiệp quả, gọi là duyên khởi. Vì duyên khởi cho nên thật tướng của nó vốn không. Trong kinh đức Phật thường dùng những hình ảnh như giấc mộng, bọt sóng, giọt sương, ánh chớp để làm thí dụ cho sự tạm bợ, giả dối của cõi đời này. Những thí dụ đó thật vô cùng sâu sắc, sinh động và giúp chúng ta dễ dàng tiếp cận với chân lý. Ngày nay, khi xem truyền hình, nếu như chúng ta để tâm một chút, cũng có thể ngộ được chân tướng sự thật cuộc đời, tất cả đều giống như hình ảnh trong phim. Vậy mà chúng ta lại khởi tâm phân biệt, chấp thủ cho là thật có, rồi vui rồi buồn theo số phận của nhân vật! Thấy được chân tướng sự thật rồi, thì sẽ không phân biệt chấp trước nữa, tự nhiên sẽ có khả năng “nhìn sâu, buông xả”.

Thế nhưng, sau khi buông xả rồi, không còn khởi tâm phân biệt chấp trước nữa, thì những hiện tượng y chánh trang nghiêm trong mười pháp giới có còn tồn tại hay không? Vẫn còn tồn tại. Bởi vì chỉ mới một mình bạn buông xả thôi, còn những người khác thì vẫn còn chấp trước, phân biệt; bạn không vọng tưởng điên đảo, nhưng người khác thì vẫn còn vọng tưởng điên đảo. Điều này trong kinh gọi là “cộng nghiệp” và “biệt nghiệp”. Biệt nghiệp là nghiệp riêng của mỗi người. Một cá nhân tu tập chứng quả giải thoát, vượt ra khỏi sự trói buộc của sáu nẻo luân hồi trong ba cõi, chứng nhập pháp giới nhất chân. Nhưng chúng sanh có “nghiệp chung” với cá nhân ấy họ vẫn còn mê muội, điên đảo, tham luyến thế gian. Cho nên, sáu nẻo luân hồi, mười pháp giới vẫn còn hiện hữu và tồn tại.

Trong kinh Hoa Nghiêm, ở đoạn cuối của phẩm Hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, cũng có nói rất rõ hiện tượng này. Kinh nói: “Chúng sanh và phiền não không bao giờ chấm dứt”. Tức là “nghiệp quả tương tục, không bao giờ chấm dứt”. Cho nên, sau khi Bồ Tát thành Phật phải giong lên cánh buồm từ bi, chèo thuyền trí tuệ qua lại trong ba cõi để cứu độ chúng sanh. Quý ngài đã từ cõi đời này mà giác ngộ, rồi phát nguyện trở lại để hoá độ chúng sanh, nên quý ngài hiểu rõ bản chất của cuộc đời như trong lòng bàn tay. Quý ngài tự nguyện đến đây, nên đến đi rất tự tại, không bị trói buộc trong lục đạo, thập giới. Tuy quý ngài có thị hiện và thuyết pháp giữa cuộc đời, nhưng xem tất cả các Phật sự ấy như một giấc mộng lớn, như trăng dưới nước mà thôi. Từ hình ảnh Phật sự như trong mộng, đạo tràng như trăng dưới nước, chúng ta hiểu được nhân quả nghiệp báo của chư Phật và Bồ tát đều như cảnh huyễn mộng, đó là điều mà chúng ta gọi là du hí thần thông.

Người học Phật nếu như không hiểu được đạo lý này, không hiểu được sự thật chân tướng của vũ trụ vạn hữu, thì không có cái nhìn sâu sắc. Mà không có cái nhìn sâu sắc thì khó mà buông xả được! Cho nên, nhìn sâu, hiểu thấu chính là thấy được cái tướng tương tục của nghiệp nhân quả báo của chúng sanh trong lục đạo và mười pháp giới.

Trong kinh Lăng nghiêm có nói, hiện tượng giới luôn luôn biến chuyển không dừng, và được đức Phật kết luận: “Sanh ngay nơi chỗ này, và cũng diệt ngay nơi chỗ này”. Do đó, chư Phật và Bồ tát ứng hiện “tùy chúng sanh tâm, ưng sở tri lượng”.

 

24

 

Đạo Phật là đạo giác ngộ. Học Phật là học làm người giác giác ngộ, làm người không mê hoặc, đó mới là sự học Phật chân chính. Giác ngộ bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ, thứ nhất tin sâu nhân quả, thứ hai thông đạt nhất tâm.

Thế nào là tin sâu nhân quả? Tin rằng có ba cõi, tin rằng có sáu nẻo luân hồi, tin rằng quả vị Phật có thể tu thành, tin rằng có cõi Tịnh độ có thể sanh về, tin rằng gieo nhân thiện sẽ gặt quả báo thiện, gieo nhân ác sẽ gặt quả báo ác, tin rằng nhân quả nghiệp báo không bao giờ chấp dứt. Tin như vậy gọi là tin sâu nhân quả. Nghĩa lý và cảnh giới của hai chữ nhân quả sâu rộng vô cùng. Nếu như có thể hiểu được một cách sáng suốt, có thể giác ngộ được lý nhân quả thì, mọi hiện tượng trong cuộc đời như giàu sang nghèo khó, tốt xấu, thọ yểu,… tự nhiên không còn nghi ngờ nữa. Một khi không còn nghi ngờ về định lý nhân quả, thì chúng ta có thể xây dựng, kiến tạo một xã hội an lạc, hạnh phúc mỹ mãn, chân thật. Cho nên, sự giác ngộ trong đạo Phật nhất định phải bắt đầu từ sự tin sâu vào lý nhân quả.

Người học Phật trước hết phải hành trì giới luật mà mình đã thọ. Phải “nghiêm trì giới luật”, lời dạy này chúng ta phải hiểu cho thật rõ ràng và luôn đặt nó ở trong tâm để y theo đó mà phụng hành. “Trì giới” có nghĩa là tuân thủ giới pháp, bao gồm cả luật pháp thế gian. Luật pháp, đạo đức, phong tục tập quán… mỗi thời đại, mỗi quốc gia, mỗi địa phương đều khác nhau, cho nên “nhập gia phải tuỳ tục”. Có thể nói rằng, đời sống của chúng ta không thể tách rời khỏi đời sống xã hội. Xã hội có những quy ước, phép tắc của xã hội, chúng ta phải tôn trọng, tuân thủ, thì mới có thể sống chung hoà hợp với nhau được.

Thế nào là thông đạt nhất tâm? Đó là tinh hoa của Phật pháp, cũng là chân tướng của nhân sinh và vũ trụ. Chúng ta phải đọc tụng kinh điển Đại thừa, thâm nhập nghĩa của nó thì mới có khả năng hiểu rõ tất cả mọi sự mọi vật trong tận cùng thế gian và khắp cả pháp giới này đều không ra ngoài cái tâm. Chỉ cần thấu suốt được nhất tâm, chính như Lục tổ Huệ Năng nói: “Tự tánh nó như thế nào? Vốn tự đầy đủ tất cả”. Tự tánh chính là nhất tâm. Một bộ kinh “Kim cương bát nhã ba la mật” là đem sự thông đạt nhất tâm ra mà hiển thị chứ không gì khác. Bộ kinh này thật thâm thuý, tu tập phải thể hội cái tâm vi tế này thì mới có thể biết được rằng, trong cái tâm thanh tịnh vốn không có bồ đề để chứng, cũng không có tịnh độ để sanh. Ở trong cái vô sanh, vô chứng đó mà mở bày phương tiện trang nghiêm cõi Phật, nhưng thực chất đều như mộng, như huyễn, trong một sát na, thành Phật viên mãn, độ sanh viên mãn, đó là ý nghĩa của cái sự thông đạt nhất tâm. Cái nhân là lìa khỏi nhất tâm này, mà chẳng khác nhân quả, nhưng một khi có thể thông đạt được nhất tâm, thì không còn mê nhân quả. Cho nên, đã tin sâu nhân quả, lại còn có thể thông đạt nhất tâm, thì có thể nhập vào trí Phật, đi vào cảnh giới Phật.

Trong kinh Kim cương nói: ly tứ tướng, ly tứ kiến. Lìa tất cả pháp, lìa không phải pháp, và lìa cả chẳng phải pháp chẳng phải không pháp, mà thực hành bố thí. Bố thí như vậy chính là phương tiện trang nghiêm cõi Phật. Như vậy có nghĩa là không bám trụ và nhị biên có và không, nhất định được vãng sanh tịnh độ và chắc chắn được thượng phẩm thượng sanh. Thế gian có không ít học giả, họ có trí tuệ, lại có phước báo, nhưng đối với các thứ trong cuộc đời cái tâm niệm tham muốn không bao giờ dừng, đó chính là cái chướng ngại cho sự tu tập pháp môn này, vì vậy mà mãi mãi không có cách gì thoát khỏi luân hồi.

Chúng ta hãy quan sát cho thật kỹ càng cái nguyên nhân hiện tại của chúng ta, thật chưa có thâm tín nhân quả, cũng không thông đạt nhất tâm. Do đó, quả nhiên chấp trước, quả nhiên mê hoặc, chưa có thể giác ngộ được chân tướng của nhân sinh và vũ trụ. Đây là điều thật đáng lo ngại của chúng ta.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

4.50

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập