Sanh Tâm Vô Trú (Sách) - Phần 3

Đã đọc: 7358           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Người niệm Phật cần phải đạt được nhất tâm bất loạn, không nên để ngoại cảnh nó làm dao động tâm thanh tịnh của chúng ta. Trong kinh Quán vô lượng thọ Phật, ở chương Thượng phẩm thượng sanh, đại sư Thiện Tôn đã khai thị rất rõ, đủ giúp cho chúng ta xác lập niềm tin kiên cố.

 11.

Gần đây người ta thường nêu lên một vấn đề có tính chất cộng đồng, đó là làm thế nào để tránh khỏi những hiểm họa có thể xảy ra trong xã hội hội hiện đại này? Đây là vấn đề mà tất cả chúng ta đều cảm thấy bức xúc và cần phải tìm ra biện pháp giải quyết. Chúng ta là những người học Phật, đối với Phật pháp, ít nhiều đều có nhận thức, đều có niềm tin sâu sắc vào luật nhân quả. Thật ra, trong đạo hay ngoài đời đều không thoát ra ngoài định luật nhân qu?. Tục ngữ có câu: "bát nước nắm cơm đều do tiền định". Trong cuộc đời của chúng ta gặp không biết bao nhiêu tai ương, hoạn nạn, tất cả đều có nguyên do của nó.

Bản thân tôi lúc mới học Phật, lão cư sĩ Chu Cảnh Trụ có kể cho tôi nghe một câu chuyện. Ông nói, vào năm Dân quốc thứ 21, khoảng ba tháng trước "Sự cố mồng 08 tháng 12"(1), bấy giờ ông hãy còn rất trẻ và làm giám đốc của một ngân hàng ở Tô châu. Những lúc rảnh rỗi, ông cùng một số bạn bè ngồi lại chuyện trò cho vui. Trong đó có hai người Trung Quốc nói rằng họ phải "tẩu âm sai", tức là đi làm người thông linh, bấy giờ trời đã tối, họ phải đến chỗ Thành hoàng âm phủ để làm việc. Mấy người bạn này có một điều nghi ngờ, nói rằng gần đây Thành hoàng ở Thượng Hải có đưa một cuốn danh bạ sanh tử, họ đang làm việc ở đó. Họ đọc danh bạ sanh tử nhưng chẳng hiểu gì cả, cảm thấy rất mơ hồ. Trong cuốn danh bạ ấy ghi tên người nào cũng có đến năm sáu chữ. Tên họ của người Trung Quốc dù cho là họ kép (phức tánh) cũng chỉ có bốn chữ, không có người nào có tên năm sáu chữ. Thế mà cuốn danh bạ ấy đại đa số là người có tên năm sáu chữ, khiến cho mọi người chẳng ai hiểu gì cả. Chu cư sĩ và mấy người bạn nghe nói cũng chẳng hiểu nguyên do vì sao. Qua ba tháng sau, ngày 8 tháng 12, người Nhật Bản phát động chiến tranh ở Thượng Hải. Trong cuộc chiến tranh này cả hai phía đều bị tổn thương rất nhiều. Bấy giờ mọi người mới hiểu ra, tên tuổi trong cuốn danh bạ sanh tử ấy là của người Nhật Bản đã bị tử vong trong cuộc chiến ở Thượng Hải.

Bấy giờ, ở dương gian, Tô Châu là một huyện, Thượng Hải là một thành phố đặc biệt. Nhưng ở âm phủ, Tô Châu là một tỉnh, thành hoàng là một chức vụ tương đương chủ tịch tỉnh (tỉnh trưởng) ở dương gian; còn Thượng Hải chỉ là một huyện mà thôi. Cho nên, ở Thượng Hải xảy ra việc gì đều phải báo cáo cho thành hoàng Tô Châu.

Kể xong câu chuyện, cư sĩ Chu nói với chúng tôi rằng, con người sống ở thế gian, trong một đời người, dù có gặp hoạn nạn gì, đều diễn ra theo định luật nhân quả hết. Nói một khác, những người chết trong cuộc chiến tranh ấy chắc chắn cũng tuân theo định luật nhân quả. Các bạn thử nhìn xem, khi cuộc chiến tranh chưa bùng nổ, thì trước đó ba tháng, một danh sách những người tử trận đã được gởi đến cho thành hoàng âm phủ Tô Châu. Đây là một câu chuyện có thật, chẳng phải bịa đặt ra để mê hoặc lòng người. Do đó, trong cuộc đời chúng ta, dù gặp bất cứ chuyện gì, lành hay dữ, đều do nhân duyên chúng ta đã gieo trồng.

Nhưng nếu nói vậy, chúng ta có thể thay đổi vận mạng cuộc đời mình hay không? Xin thưa rằng, chắc chắn thay đổi được. Vì sao? Bởi vì tất cả mọi sự việc đều có duyên do của nó. Cho nên, muốn tiêu tai miễn nạn thì phải biết được nguyên nhân đã gây ra nó, tức là phải tu học, phải có phương pháp. Cái nhân của tai hoạ chính là đã tạo ra các nghiệp xấu ác trong quá khứ, cái nhân này không thể thay đổi được. Nhưng từ nghiệp nhân muốn hình thành nên quả báo đòi hỏi phải có các duyên khác. Nhân thì không thể thay đổi, nhưng duyên thì có thể khống chế được. Cho nên, trong "Duyên sanh luận" của Phật pháp không nói nhân sanh mà nói duyên sanh, chính là muốn nói chúng ta có thể khống chế các duyên đưa tới quả. Nếu không muốn bị quả báo ác ngay đời này thì chúng ta phải cắt đứt tất cả mọi duyên xấu ác.

Chúng ta đề xướng "Tứ hảo", đó là giữ tâm tốt, làm việc tốt, nói lời tốt và làm người tốt. Đây là phương pháp tu học cụ thể nhất để tiêu tai miễn nạn, để thay đổi vận mạng cuộc đời chúng ta. Đây chính là con đường "đoạn ác tu thiện, tích luỹ công đức". Thực hành được "bốn điều tốt" này mới thực sự chặt đứt các duyên ác, khiến cho cái nhân ác không có điều kiện hình thành quả báo ác. Song, nên biết rằng, nếu như không thể giải thoát ra khỏi ba cõi, chỉ có thể ngặn chặn các duyên ác trong một đời này khiến cho cái nhân ác không có cơ hội hiện hành quả báo ác, còn đời sau không thể ngăn chặn được. Mà không thể ngăn chặn được thì vẫn bị quả báo ác như thường, cho nên mới nói "không phải là không có quả báo, chỉ là chưa tới lúc". Vả lại, định luật nhân quả chi phối cả ba cõi, nếu chưa thoát khỏi ba cõi, thì không thể tránh được. Cho nên, muốn vĩnh viễn thoát khỏi quả báo ác, hay nói cách khác, muốn thoát mọi khổ đau hệ luỵ trong cuộc đời này, chỉ còn một biện pháp duy nhất đó là phải nổ lực tu tập để vượt thoát sáu nẻo luân hồi. Đối với chúng sanh phàm phu như chúng ta, muốn thoát khỏi sáu nẻo luân hồi chỉ có một biện pháp duy nhất, đó là niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh độ. Do đó, phải biết rằng, pháp môn niệm Phật có thể tiêu trừ nghiệp chướng, có thể chuyển được nghiệp. Giải thoát khỏi ba cõi là việc lớn, tiêu tai miễn nạn là chuyện nhỏ. Việc lớn đã làm được, thì việc nhỏ không đáng để bận tâm.

Cho nên, có thể kết luận rằng, duy trì chánh niệm, chân thành niệm Phật, thì có thể tiêu trừ tất cả mọi tai nạn. Đây là pháp môn tu hành hiệu quả nhất. Cho nên, người tu pháp môn niệm Phật không cần phải dùng các pháp môn khác, như lạy Lương Hoàng Sám, Thuỷ Sám…

Đại sư Từ Vân từng nói, nghiệp ác cực trọng thì dù lạy sám bao nhiêu kinh cũng khó mà tiêu trừ, nhưng chỉ với một câu A Di Đà Phật, niệm niệm liên tục, giữ cho thanh tịnh, thì tiêu trừ tất cả. Cho nên, niệm Phật là pháp môn vi diệu, tiêu trừ tất cả các tội chướng. Nếu như có niềm tin sâu sắc, không nghi ngờ, y theo pháp môn này mà tu, thì người nào cũng có phước. Người có phước thì gặp hung cũng hoá kiết, gặp nạn hoá tường. Niệm Phật cầu sanh Tịnh độ là pháp môn duy nhất tiêu trừ tất cả tai nạn, hiểm nguy.

12

 Gần đây, sư Ngộ Hoằng ở Mỹ có đọc một báo cáo của Bác sĩ Ngụy Tư, có tựa đề: Sanh mạng luân hồi – phương pháp trị liệu vượt thời gian (bản dịch Trung văn), nội dung bản báo cáo này nói rằng ông ta đã dùng phương pháp thôi miên để trị bệnh cho bệnh nhân và có hiệu quả rất cao. Ông ta phát hiện gần đây có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm rất nặng mà tất cả thuốc men y học không thể nào điều trị được. Vì vậy ông đã dùng phương pháp thôi miên để tìm ra nguyên nhân của căn bệnh và ông đã phát hiện ra rằng, bệnh trạng của các căn bệnh như lo lắng, sợ hãi, bất an… nó có quan hệ mật thiết với những hành động mà họ đã tạo ra trong quá khứ. Phương pháp thôi miên có thể truy tìm về quá khứ một đời, hai đời, thậm chí nhiều đời về trước, và phát hiện được những nghiệp nhân đã tạo trong quá khứ có quan hệ rất mật thiết với căn bệnh hiện tại. Ông đem những điều đã phát hiện được trình bày rõ ràng cho bệnh nhân nghe. Sau khi bệnh nhân hiểu rõ, họ có thể tự biết phải làm gì. Từ đó về sau, những nỗi ưu tư, phiền muộn, lo âu, sợ hãi, bất an… đều biến mất hết, cho nên không cần thuốc men gì cả mà bệnh của họ vẫn được trị lành. Ông bác sĩ đã dùng phương pháp này trị lành cho nhiều bệnh nhân, do đó, ông đã viết lại công trình này báo cáo lên bộ y tế.

Sư Ngộ Hoằng nói với tôi, những điều trình bày trong bản báo cáo với những lời Phật dạy về Nhân duyên quả báo, thật không sai một chút nào. Vì thế, ông bác sĩ này đã có niềm tin sâu sắc đối với giáo lý nhân quả báo ứng của nhà Phật. Không chỉ tin nhân quả báo ứng, mà còn tin cả sự thật luân hồi. Thực ra, những điều ông phát hiện chỉ là những sự tướng đương nhiên, còn những nguyên lý bên trong nó, ông vẫn chưa phát hiện ra được. Ông ta chỉ biết có nhân quả báo ứng, có luân hồi, nhưng luân hồi là thế nào, đó là vấn đề ông ta chưa hiểu.

Thời xưa, ở Ấn Độ, những nhà tôn giáo lớn họ đều có công phu thiền định rất sâu, cho nên, những gì diễn ra trong lục đạo họ đều có thể lý giải rất rõ ràng, minh bạch. Tuy nhiên, đối với vấn đề luân hồi, họ không thể hiểu được nguyên lý của nó, không biết luân hồi về đâu, sanh ở chốn nào, và không có phương pháp để chấm dứt luân hồi. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện ở trần gian cũng vì một nhân duyên này. Từ đó mới có câu nói "Vì đại sự nhân duyên" mà xuất hiện ở đời. Nói một cách khác, những gì mà người đời có thể giải quyết được thì chư Phật và Bồ Tát không cần xuất hiện làm gì; nhưng nếu chúng sanh không có phương pháp giải quyết thì chư Phật, Bồ Tát không thể không xuất hiện ở đời để giúp đỡ chúng sanh giải quyết vấn đề. Vì vậy, những thắc mắc ấy đã có đáp án xác thực trong kinh luận Phật giáo.

Đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta thấy chân tướng của sáu nẻo luân hồi. Ở thế gian, những người sử dụng phương pháp thôi miên, thấy được quá khứ, đó không phải là những khám phá mới lạ; bằng công phu thiền định, thấy được cảnh giới hiện lượng(1), đó mới là những khám phá kỳ diệu. Nói đến thiền định thì, định lực của người đời không bằng một vị A la hán; định lực của A la hán không bằng Bồ Tát; định lực của Bồ Tát không bằng Phật. Cho nên, đối với tất cả các pháp thế gian cũng như xuất thế gian, đức Phật đều nhìn thấy bằng cảnh giới hiện lượng, tức là cảnh giới hiện tiền, trực giác, chứ không phải nhìn bằng tư duy phân biệt, không phải nhận thức bằng tỷ lượng(2).

Đức Phật dạy cho chúng ta đạo lý nhân duyên quả báo, đĩ là đạo lý hoàn toàn chân thật. Hiểu rõ đạo lý này tâm của chúng ta tự nhiên được bình an, tự tại. Tất cả những ân oán bất luận là trong đối nhân, xử thế, hay trong gia đình, sự nghiệp, bạn bè, hoặc là trong thuận cảnh, nghịch cảnh… đều có quan hệ mật thiết với đời trước. Nếu như ai cũng hiểu được đạo lý này thì tự nhiên thấy nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Từ đó, tiến thêm một bước nữa tu học Phật pháp để đạt được tâm thanh tịnh không phải là khó. Nếu như có duyên gặp được pháp môn Tịnh độ, lấy tâm thanh tịnh để niệm Phật, thì nhất định đạt được nhất tâm bất loạn, tự tại vãng sanh, thẳng đến thành Phật. Ở đây, điều then chốt là phải xem người đời có phước phần để gặp được giáo pháp Đại thừa và pháp môn Tịnh độ hay không. Đây cũng chính là điều mà trong kinh Di Đà đã nói: "Không thể dùng một ít thiện căn, một chút phước đức, một chút nhân duyên mà có thể vãng sanh Tịnh độ". Do đó, có niềm tin sâu sắc vào định luật nhân duyên quả báo, có thể nói đó là điều kiện, là cơ sở tốt nhất cho hành trình tu học Phật pháp.

 13

 Có một số người xuất gia, trong cuộc sống thường ngày, khi đối diện với công việc họ không biết phải giải quyết như thế nào? Trường hợp này cũng giống như những người ngày thường đọc thuộc binh thư nhưng khi ra chiến trường thì chẳng biết đánh giặc thế nào. Vấn đề này do đâu mà ra? Do "ăn mà không tiêu". Bình thường tụng đọc kinh luận rất nhiều, cũng có niệm Phật, cũng có tham thiền, nhưng không biết vận dụng trong cuộc sống, không biết phải làm những gì, không biết phải đối nhân, xử thế, tiếp vật ra sao. Nói cách khác, họ hoàn toàn không ứng dụng được những điều đã học vào trong đời sống tu tập. Đối với những đạo lý, những nguyên lý, nguyên tắc trong kinh luận họ không hiểu hết ý nghĩa của nó và không tiêu hoá được.

Chúng ta nói tiêu hoá, trong Phật pháp gọi là tiêu quy tự tánh, tức là phải biến những gì đã học trở về tự tánh của mình. Có khả năng tiêu quy tự tánh thì có tác dụng, có thể vận dụng vào trong cuộc sống; ngược lại, không thể tiêu quy tự tánh thì chẳng có tác dụng gì. Trường hợp này người ta gọi là đọc sách chết, còn gọi là làm con mọt sách. Đọc kinh sách Phật như thế thì biến thành con mọt trong sách Phật. Tu học như vậy, không phải do kinh luận có vấn đề, mà do thái độ và phương pháp tu học của bản thân mình có vấn đề. Do đó, cần phải biết điều chỉnh lại thái độ tu học. Phương pháp điều chỉnh như sau:

Một là, về lý luận kinh điển, nguyên tắc tu học, cùng với hết thảy cảnh duyên, đều phải hiểu rõ ràng, chính xác. Cảnh có nghĩa là hoàn cảnh vật chất; duyên có nghĩa là hoàn cảnh con người.

Hai là,phải ứng dụng những điều đã học vào trong cuộc sống hằng ngày.

Trong kinh Kim Cương, đoạn mở đầu, đức Phật đã thị hiện cho cho chúng thấy, ý nghĩa của nó cực kỳ sâu rộng, chúng ta không dễ gì hiểu hết được. Đức Thế Tôn từ khi mới phát tâm cho đến khi thành Phật, trong khoảng thời gian đó có vô lượng kiếp tu nhân giải thoát, đều ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày, như mặc áo, ăn cơm… Cho nên, mở đầu bản kinh chúng ta thấy hình ảnh đức Thế Tôn thức dậy, rửa mặt, rửa chân tay, đắp y, mang bát vào thành khất thực, cho đến khi trở về rửa tay chân, sớt bát, ngọ trai, rồi thuyết pháp, kinh hành v.v… Tất cả những sinh hoạt ấy đều mang ý nghĩa một bài pháp thoại sống động bằng thân hành mà không một bài pháp thoại bằng lời nào có thể so sánh được. Đó cũng chính là điều mà kinh Hoa Nghiêm gọi là một tức tất cả, tất cả tức một. Một tức là chỉ một việc duy. Chẳng hạn như đắp y, đức Thế Tôn đã thể hiện việc này từ khi mới phát tâm cho đến khi thành chánh giác không hề thay đổi. Đây là việc không thể nghĩ bàn.

Nói rõ hơn như trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thiện Tài đồng tử tham vấn năm mươi ba vị Bồ Tát. Sự thể hiện của năm mươi ba vị thiện tri thức này cùng với đức Phật Thích Ca Mâu Ni không có gì khác nhau, tất cả đều đem những gì mình học, mình tu ứng dụng vào trong cuộc sống hằng ngày. Cho nên, học và vận dụng những điều đã học vào trong cuộc sống là biểu hiện trí tuệ cao nhất, mới phát huy được năng lực tự tại. Chúng ta học Phật là phải học như vậy.

Sau khi hội Phật học Tịnh độ tông thành lập, chúng ta đã ký kết năm nguyên tắc bắt buộc phải tuân thủ thực hành trong sinh hoạt hằng ngày. Năm nguyên tắc này là những điều đã được ghi trong kinh Quán vô lượng thọ, đó là tu học và thực hành: tam phước, lục hoà, tam học, lục độ và 10 hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền. Chúng ta phải đem năm điều này ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày. Đồng thời, y theo năm điều này, chúng ta lấy những đạo lý, những lời giáo huấn trong kinh luận bổ sung thêm để xây dựng một cuộc sống toàn thiện, toàn mỹ và trí tuệ. Đó là nghệ thuật sống đạt đến cảnh giới cao nhất.

 14

 Trong cuốn "Niệm Phật luận", pháp sư Đàm Hư ghi lại trường hợp vãng sanh của ba vị cư sĩ thời cận đại. Và trong lần khai thị ở khoá tu Phật thất tổ chức tại Hương Cảng, ông đã tận mắt chứng kiến một người niệm Phật được vãng sanh. Theo Phật pháp, trong "tam chuyển pháp luân(1))", thì đây chính là "tác chứng chuyển". Chúng ta đã thấy, đã nghe, cho nên không thể không tin. Trước đây, tại Đài Loan, có bà mẹ của viên tướng quân Đài nam, đứng niệm Phật mà vãng sanh. Ở Đài bắc thì có cư sĩ Lý Tế Hoa biết trước giờ chết, cho gọi đại chúng lại khai thị một lúc, rồi từ biệt mọi người, ngồi vãng sanh một cách tự tại. Hiện nay, Cam lão cư sĩ ở núi Cựu Kim, đang tham gia hội niệm Phật, cũng là một trong những người chứng kiến.

Chúng tôi chỉ đặc biệt nêu ra vài vị vãng sanh thời cận đại, mà trong đó, mỗi người đều đạt đến cảnh giới tự do tự tại, thật sự khiến cho những người học Phật như chúng ta hâm mộ, kính trọng không thôi! Trong chúng ta cũng sẽ có người tu tập thành tựu như họ. Sự thành tựu này mới là chân thật. Tuyệt đối không phải như sự thành tựu công danh, lợi lộc ở ngoài đời, tất cả đều là hư vọng, không thật. Giống như trong kinh Kim Cương đã nói, tất cả các hình tướng đều là hư vọng, hay hết thảy các pháp hữu vi đều giống như giấc mộng, giả dối không thật, như bọt sóng, như tia chớp. Tất cả đều không thật. Duy chỉ có một niệm danh hiệu Phật được vãng sanh là chân thật, không có sự thành tựu nào có thể so sánh được. Người học Phật, nhất là người niệm Phật, không thể không biết, không thể không thành tựu.

Chúng ta thấy, những người được vãng sanh họ cũng là những người rất bình thường, họ có thể làm được, tại sao chúng ta không làm được? Vãng sanh sang thế giới Tây phương Cực lạc liền được thành Phật, thành Bồ Tát. Điều này chứng tỏ "Phật pháp có thể thành tựu ngay đời này", "nhân duyên hy hữu khó gặp". Hy vọng tất cả mọi người đừng nên bỏ qua cơ hội này, hãy cố gắng trong một kiếp này cùng sanh về cõi Cực lạc, tương lai mọi người đều có thể gặp nhau ở cõi Tịnh độ. Lấy cõi Tịnh độ làm đạo tràng tu tập của chúng ta, rồi tiến thêm một bước nữa là phát nguyện đem giáo pháp giáo hoá cho hết thảy mọi loài chúng sanh ở tận hư không, biến khắp pháp giới, nơi đâu cũng thấm nhuần mưa pháp. Giúp đức Phật Di Đà, cũng như tất cả chư Phật Như Lai, tiếp dẫn tất cả mọi loài chúng sanh. Nếu như chúng ta tu hành thành tựu, thì cuộc đời này của chúng ta thật sự có giá trị và ý nghĩa biết bao!

Nếu như không được vãng sanh, thì đừng nói đến công danh phú quý ở thế gian, mà ngay cả một chút công phu thiền định và trí tuệ trong Phật pháp cũng không giữ được. Nguyên nhân là không thoát ra được lục đạo, thì không tránh khỏi muôn kiếp luân hồi. Đây là sự thật mà tất cả chúng ta phải cảnh giác.

Quan sát kỹ giữa hai thế giới và so sánh thì tự nhiên chúng ta sẽ bỏ thế giới Ta bà mong được sang thế giới Cực lạc. Đó là một sự lựa chọn rất trí tuệ, rất thực tế, và rất lợi ích. Trong kinh đức Phật dạy cho chúng ta biết như vậy. Những người đã được vãng sanh là một tấm gương tốt, một chứng minh cụ thể cho chúng ta thấy những lời Phật dạy là hoàn toàn sự thật, tuyệt đối không giả dối. Bản thân chúng ta phải nỗ lực tu học, và còn phải đem những sự thật này nói cho người khác nghe, để cho mọi người đều hiểu sự thật này, khiến cho tất cả đều phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Làm được như vậy mới thực sự được gọi là "trên báo bốn ơn nặng, dưới cứu ba đường khổ".

 15

 Gần đây có nhiều người cho rằng bản soạn dịch kinh Vô lượng thọ(1) là không chính xác, cho nên chủ trương dùng bản dịch gốc. Vấn đề này chúng ta nghe nói rất nhiều. Trong bài tựa của bản soạn dịch, cư sĩ Mai Quang Hy và Hạ Liên Cư đã có nói rất rõ ràng. Cư sĩ Mai là người thâm Nho học, nhưng cũng rất am tường Phật học, hiểu và hành rất sâu, công phu rất nghiêm mật. Lúc bấy giờ trong giới cư sĩ tại gia lưu truyền danh hiệu "nam Mai bắc Hạ", đó chính là danh xưng mà giới Phật giáo suy tôn và kính trọng cư sĩ Mai Quang Hy và Hạ Liên Cư.

Kinh Vô lượng thọ được cư sĩ Vương Long Thư soạn dịch lần đầu vào triều nam Tống, niên hiệu Thiệu Hưng thứ 30 (1160 TL). Ông tham chiếu các bản dịch đang lưu hành để biên soạn lại kinh này mà không dịch trực tiếp từ bản chữ Phạn. Bản soạn dịch của Vương cư sĩ sớm được đưa vào Đại tạng kinh. Đến cuối đời nhà Minh, đại sư Liên Trì trước tác bộ Di Đà sớ sao, trong đó có trích dẫn rất nhiều đoạn kinh Vô lượng thọ, mà đa số là sử dụng bản soạn dịch của Vương Long Thư. Do đó có thể thấy bản soạn dịch này đã được lịch đại chư vị tổ sư đại đức tôn trọng. Bản soạn dịch ấy tất nhiên cũng có khuyết điểm, cho nên Ấn Quang đại sư đã có phê bình, nhưng không có nói là không thể dùng được. Sau này, cư sĩ Ngụy Nguyên biên tập lại, có phần tiến bộ và chính xác hơn bản dịch của cư sĩ Long Thư rất nhiều, nhưng vẫn còn có sai xót, cho nên cũng không phải là bản hoàn thiện. Mới đây, cư sĩ Hạ Liên Cư biên dịch lại lần thứ ba, hy vọng có thể đính chính những khuyết điểm của các bản dịch của các bậc tiền bối. Đây là bản dịch sau hết, bấy giờ đã được lão pháp sư Huệ Minh ấn chứng, lại được đại sư Từ Châu đem ra giảng ở Tề Nam, hơn nữa bản này dùng làm tư liệu cũng tốt. Hiện nay chúng ta đã in lại tất cả các tư liệu này, tổng cộng có 5 bản dịch gốc từ Phạn sang Hán, 3 bản soạn dịch bằng cách đối chiếu từ các bản Hán, 1 bản giáo khoa của Bành Tế Thanh. Như vậy, hiện nay kinh Vô lượng thọ có tất cả 9 bản khác nhau, đều đã được in lại, rất tiện lợi cho chúng ta tham khảo. Hy vọng rằng các bạn đồng tu khởi phát tín tâm đối với pháp môn Tịnh độ, có thể buông bỏ mọi duyên, một lòng niệm Phật, cầu sanh Tịnh độ. Đây là mục đích hoằng dương pháp môn Tịnh độ của chúng tôi.

Nếu như nhận thấy các bản soạn dịch có chỗ không thoả đáng, thì năm bản dịch gốc vẫn còn ở đây, xin các bạn vui lòng xem lại, chắc không có vấn đề gì. Bởi vì các kinh này đều giới thiệu thế giới Tây phương cực lạc. Nếu muốn vãng sanh qua đó thì nhất định phải có niềm tin sâu sắc, phải tha thiết, phải chân thành niệm Phật, niệm đến tiêu chuẩn mà Bồ tát Đại Thế Chí đã nói là "Tịnh niệm liên tục", thì chắc chắn được vãng sanh.

Chúng ta thấy, từ xưa đến nay, những người niệm Phật được vãng sanh một cách tự tại, thì quả thật công hạnh của họ đã đạt đến tịnh niệm liên tục, không có tâm hoài nghi, không gián đoạn, không để cho tạp niệm xen vào. Bồ tát Đại Thế Chí nói rằng "phải giữ cho tâm niệm thanh tịnh và liên tục" (tịnh niệm tương tục), thì cũng giống như đức Thế Tôn dạy trong kinh Kim Cương là "phải phát khởi cái tâm không ở đâu cả" (ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm).

Tịnh tức là phải vô sở trụ, nếu như còn có chỗ trụ, còn có chỗ bám víu, thì không phải là tịnh. Niệm tức là nhi sanh kỳ tâm. Tương tục tức là công phu không gián đoạn. Do đó, chúng ta thấy những người niệm Phật chân chính, họ chỉ cần công phu trong vòng 3 năm, 5 năm, liền được thành tựu, biết trước giờ chết, đến đi tự tại. Đó mới là thành tựu chân thật. Là người niệm Phật, chúng ta phải nhớ lấy điều này.

Chúng ta nên biết rằng, những người được vãng sanh, là do tín tâm của họ kiên định. Còn đối với vấn đề phê bình, nghiên cứu kinh điển, thật sự không liên quan gì đến họ hết. Chỉ cần trong cuộc đời này quyết tâm được sanh về Tịnh độ, được vãng sanh một cách tự tại, đó là mục đích của người niệm Phật như chúng ta. Còn về phần các bản kinh soạn dịch, nếu như trong tâm chúng còn có chỗ nghi ngờ, thì đó là tạp niệm, là chướng ngại, phải từ bỏ ý niệm đó đi. Chúng ta không thể vì sự tranh luận của một số người về bản kinh mà làm ảnh hưởng đến sự duy trì một niệm liên tục của bản thân mình, như vậy thật đáng tiếc! Nếu như chúng ta gặp những trường hợp tranh luận này thì nên lấy câu Nam mô A Di Đà Phật để trong lòng là tốt nhất, không cần phải đôi co, lý luận làm gì.

Người niệm Phật cần phải đạt được nhất tâm bất loạn, không nên để ngoại cảnh nó làm dao động tâm thanh tịnh của chúng ta. Trong kinh Quán vô lượng thọ Phật, ở chương Thượng phẩm thượng sanh, đại sư Thiện Tôn đã khai thị rất rõ, đủ giúp cho chúng ta xác lập niềm tin kiên cố.

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.50

Tags

Đăng nhập