Điều hòa thân tâm

Đã đọc: 2107           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Phật tử Chơn Tịnh Tâm hỏi: Muốn làm người Phật tử chân chính, chúng con phải điều hòa thân tâm như thế nào? Xin thầy hoan hỷ chỉ cho.

Thầy trả lời: Tâm là một danh từ ai cũng có thể nói được, nhưng tâm là gì thì chẳng ai biết rõ ràng. Cái gốc của Phật pháp chinh là tâm. Người học Phật pháp phải biết rõ nguồn gốc đó chính là tâm của mình chứ chẳng phải tìm cầu nơi khác mà được. Trong thực tế cuộc sống, Phật giáo là nền giáo dục nhân bản, giúp cho con người nhận ra tâm pháp để giác ngộ, giải thoát và thành Phật ngay nơi thân này. 

Nhưng tâm chia ra làm hai phần: Tâm chơn còn gọi là tâm thường biết rõ ràng, tâm vọng còn gọi là tâm phân biệt hư dối. Tâm chơn thì không thể dùng lời nói luận bàn, hay ý thức suy nghĩ mà được, chỉ thấy nghe hay biết mà không vọng động, hình ảnh sự vật như thế nào thì biết rõ như thế đó. Tâm vọng hư dối là hay suy nghĩ phân biệt tốt xấu, đúng sai, ta người…..

Tâm vọng hư dối là "cái hiểu biết phân biệt tốt xấu, đúng sai", hay còn gọi là phần tinh thần. Tâm không có hình tướng dài, ngắn, vuông, tròn, hay có màu sắc xanh, đỏ, vàng, trắng, đen, nâu. Chúng ta không thể dùng con mắt mà thấy được tâm; cũng không thể dùng tay chơn sờ mó rờ đụng được tâm; chỉ thấy cái tác dụng của nó qua mắt tai mũi lưỡi thân ý, nên biết có tâm.

Tâm chân thật được hiển lộ qua sự thấy và nghe, khi thấy chỉ là thấy mà vẫn thường biết rõ ràng mọi hình ảnh sự vật, màu sắc xanh, trắng, đỏ, vàng. Khi nghe chỉ là nghe mà không dính mắc vào âm thanh lớn nhỏ, dễ chịu hay không dễ chịu, nhờ vậy ta luôn sống với tính nghe thường hằng.

Cũng như "điện", người ta không thể thấy nghe hay rờ mó được điện; chỉ do thấy cái tác dụng của nó mà biết có điện. Như cho điện vào bóng đèn thì thấy đèn sáng, cho điện vào quạt thì thấy quạt xoay, cho điện vào bàn ủi thì thấy nóng, cho điện vào tủ lạnh thì thể lỏng đông đặc lại v.v…. Chính vì vậy mà người ta biết là có điện. Tâm Phật chúng ta cũng lại như thế, vì nó có tác dụng thấy, nghe hay biết nương nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà không dấy niệm phân biệt tốt xấu, đúng sai v.v… nên chúng ta biết là có tâm Phật sáng suốt ngay nơi thân này.

Có một bài Kinh Phật nói: Thuở ấy Phật đang giáo hóa tại nước Xá-Vệ. Vua Ba Tư Nặc sau một thời gian đắm mình trong thú vui ngũ dục, do ăn uống quá nhiều nên chẳng mấy chốc thân thể ông béo phì! Cho nên trở ngại trong việc đi đứng chậm chạp và mệt nhọc. Một hôm vua đến Tịnh xá, khi đảnh lễ Phật phải có lính hầu phía sau, giữ cho ông mới đứng vững được.

Kính Bạch Thế Tôn! Đã lâu lắm rồi con chẳng đến thăm Ngài bởi vì thân thể con quá béo phì, nên việc đi lại cũng khó khăn. Con thiệt hết sức khổ tâm vì cơ thể quá khổ này, chẳng biết Thế Tôn có phương cách nào giúp cho con trở lại hình dáng bình thường, như xưa không ạ?

Phật bảo ông ta: Ham ăn uống quá độ, mê ngủ nghỉ quá nhiều, ít vận động tay chân, làm biếng và không làm chủ bản thân. 

Nếu đại vương muốn hết bệnh béo phì, thì chỉ có một biện pháp duy nhất là phải ăn ít lại. Ví dụ một bữa vua ăn sáu chén, thì hôm sau ráng bớt đi một chút, cứ như thế mà bớt từ từ cho đến khi nào trọng lượng cơ thể trở lại bình thường. 

Ngoài ra vua không được ăn đồ có nhiều chất béo, mà phải ăn nhiều rau quả, ăn vừa đủ, ăn đúng thời và không nên ăn vặt nữa... như vậy mới mong ốm lại được. Ngoài ra bệ hạ phải siêng năng vận động, chịu khó đi bộ hay tập thể dục thường xuyên, có vậy mới giúp cho thân thể được khỏe mạnh và sống lâu... 

Vua Ba Tư Nặc nghe Phật dạy xong, quay qua bảo người tùy tùng: Các ngươi phải nhớ kỹ lời Phật bảo, trước khi ta dùng bữa thì các ngươi sẽ nhớ đọc lên để nhắc nhở trẫm, nhé! Ai giúp ta làm chủ trong lúc ăn uống, ta sẽ ban thưởng cho.

Thế là mỗi ngày, trước khi vua Ba Tư Nặc dùng bữa, các lính hầu liền đọc to những lời Phật dạy khiến vua Ba Tư Nặc dù có thèm ăn, muốn ăn thêm nữa, cũng cảm thấy xấu hổ với mọi người, nên đã ăn ít lại.

Sáng sớm ông còn cùng lính hầu chạy bộ, tập thể dục, ông còn sai hoạ sĩ vẽ hình các vóc dáng mập khủng khiếp treo khắp nơi, để răn mình và còn căn dặn đầu bếp không được dâng lên các thức ăn nhiều chất béo, nhiều dầu mỡ. Ông có bốn lính hầu thường theo sát bên cạnh để nhắc ông bớt ngủ, bớt ăn, giựt dây, hỗ trợ giúp những khi ông mất tự chủ.

Nhờ vậy, nhà vua cố gắng tiết chế trong ăn uống, thực hành đúng theo lời Phật khuyên, vóc dáng ông lần hồi thon gọn trở lại bình thường. Ông trở nên mạnh khoẻ, đi đứng nhanh lẹ. Thế là một ngày đẹp trời, ông đến thăm Phật, vừa để tạ ơn, vừa để khoe thân thể tráng kiện của mình.

Phật hỏi: Vì sao hôm nay ông lại đi bộ đến đây? Vua Ba Tư Nặc hớn hở thưa: Bạch Thế Tôn! Từ khi rời Tịnh xá về cung, con đã thực hành theo đúng như lời Ngài dạy, nhờ vậy mà con hết bệnh béo phì. Chính vì thế con đi bộ đến đây để vừa tập thể dục và bái kiến tạ ơn Ngài luôn! Như vậy vẫn là tốt hơn, vì vừa đi vừa rèn luyện sức khỏe?
Phật mỉm cười, nói: Đúng vậy! Đại vương! Và Phật dạy tiếp:

Người đời không biết mạng sống vô thường
Nên si mê hưởng thụ, phóng túng sa đọa
Không lo gieo trồng phức đức
Sau khi chết thần thức lìa khỏi 
Bỏ thân xác hư hoại nằm một đống
Người trí thì lo bồi dưỡng tâm linh 
Người ngu chỉ biết vỗ béo cho thân
Người biết sống, phải khéo điều hòa thân tâm.

Vua Ba Tư Nặc nghe xong, rất hân hoan, tâm ý sáng tỏ, phát tâm Bồ-đề tu học đúng theo chánh pháp của Như Lai và phát nguyện làm người Phật tử chân chính, kêu gọi mọi người cùng vui vẻ thực hành theo.

Qua bài kinh trên Phật dạy về cách ăn uống hoạt động sau cho hài hòa. Ở đời thường có những việc cần thiết mà chúng ta không lo, chỉ cố tâm lo phần không quan trọng mà lãng quên phần lợi ích lâu dài.

Con người hay lạm dụng ăn uống quá mức cho nên khổ

Trong cuộc sống chúng ta thường chỉ lo ăn với uống cho đó là vấn đề chính yếu. Tối ngày chúng ta làm lụng vất vả chỉ để ăn với uống sao cho ngon miệng nên ta phải giết hại các sinh vật rồi tham đắm, dính mắc vào đó mà chịu quả báo xấu khi đủ nhân duyên.

Đối với thức ăn vật chất, Đức Phật dạy mọi người không nên ăn nhiều, chỉ ăn vừa đủ giúp cơ thể khỏe mạnh, không nên ăn những gì không thích hợp với cơ thể.

Người cư sĩ tại gia nên ăn nhiều rau và trái cây, ăn ít thịt nhiều cá nhưng phải biết chọn lựa loại nào ít nhiễm độc, vì một số lớn các bệnh tật phát xuất từ việc ăn uống không điều độ hay không biết chọn lựa thức ăn. Giảm bớt chất béo trong máu sẽ tránh được bệnh tim, huyết áp cao và ung thư gan. 

Để quân bình trong cuộc sống ăn uống hằng ngày, cơ thể chúng ta cần có đủ chất bổ đến từ thịt, cá và chất xơ trong các thứ rau, đậu và trái cây. Chất xơ giúp tiêu hóa dễ dàng và loại bỏ các thứ mỡ không cần thiết cho cơ thể. 

Nói chung, thức ăn kho và luộc tốt hơn là chiên, xào, nướng. Ngoài ra, chúng ta nên để ý cách dùng các gia vị âm dương trong nghệ thuật nấu nướng và ăn uống của người Việt Nam. Theo đó, các loại thịt cá thuộc loại âm thường được nấu nướng hay ăn với các thứ gia vị và rau thuộc loại dương và ngược lại.

Ta không biết trân quý sức khỏe sẽ làm tổn thương thân này. Rất nhiều bệnh tật phát xuất từ tình trạng máu huyết lưu thông không đều đặn do ít hoạt động chân tay. Do đó, một trong những cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là hay siêng năng hoạt động chân tay, tập thể dục, đi bộ, bơi lội, làm vườn, lau dọn nhà cửa và siêng năng lạy Phật-Bồ-tát mỗi ngày. 

Người Phật tử chân chính, phải biết chọn lựa những thức ăn và thức uống không làm ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Cho nên, người tu theo đạo Phật dù tại gia hay xuất gia cũng phải ý thức chỗ này mỗi khi thọ thực. Hoặc chúng ta chắp tay cầu nguyện cho tất cả chúng sinh ít ra cũng đều có những bữa cơm đạm bạc như mình vậy, vì sự ăn của mình không làm tổn hại đến các loài vật. 

Bệnh có hai dạng là thân bệnh và tâm bệnh, nhưng phần nhiều thân bệnh là do tâm điều hành, sai sử. Thân chúng ta tại sao lại bệnh? Vì tâm tham ăn uống nên ta đưa nhiều các thức ăn uống nhiễm độc vào cơ thể. Do tâm tham muốn quá nhiều nên trở thành tâm bệnh, vì tham nên chúng ta muốn thân sung sướng, không ngờ cái sung sướng trong khoái khẩu lại là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật.

Tâm chi phối, tâm sai sử, tâm điều hành bởi người bệnh béo phì là do tâm tham ăn uống quá đáng, khi ăn đã no rồi còn ráng ăn thêm hỏi sau không bệnh, không béo phì.
Phật pháp đã lan rộng trên 2600 năm qua, đã giúp cho nhiều người thật sự giác ngộ, giải thoát. Còn lại đa phần sống bình thường, nên luôn phải đối mặt về những vấn đề thực tế như: cơm, áo, gạo, tiền, sức khỏe và bệnh tật,… để bảo tồn sự sống và mưu cầu hạnh phúc.

Những ai từng học hỏi, xem xét suy nghiệm và thực hành lời Phật dạy, họ đều cảm nhận được an lạc, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Trong khi sức khỏe, năng lực, hiểu biết của con người không phát triển tốt mà mỗi ngày họ đều phải xử lý một lượng lớn công việc, thông tin,… để duy trì nền kinh tế không bị lui sụt. Đó là chưa kể đến những trò vui chơi trác táng trong cuồng loạn, bởi tệ nạn xã hội tràn lan, tội phạm dưới nhiều hình thức đang làm cho xã hội phải đau đầu.

Người tốt, kẻ xấu cũng đều bị cuốn theo guồng máy phát triển thiếu cân bằng về nhu cầu đời sống con người, làm cho áp lực xã hội căng thẳng đến tột độ. Con người trở nên mất thăng bằng giữa thân và tâm, dẫn đến phát sinh nhiều bệnh tật.

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập