Sanh Tâm Vô Trú

Đã đọc: 4639           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Bốn loại ma thì có hết ba loại là chủ tể thân tâm của chính mình. Do đây mà biết, nếu trong tâm chúng ta không có vọng niệm phân biệt, chấp trước thì cho dù con ma bên ngoài có mạnh cách mấy cũng không thể làm gì được.

 

26



Tu hành thời mạt pháp thì ‘pháp nhược ma cường’, vì vậy chúng ta phải có khả năng để phân biệt được chánh tà. Ma chướng là gì ? Thật ra, ma chướng không phải nằm ở bên ngoài, ma chướng chính là những phiền não, tập khí ở trong tâm của chúng ta.

Trong Kinh Bát đại nhân giác, Đức Phật cho biết có bốn loại ma. Thứ nhất là ma ngũ ấm. Ngũ ấm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Thứ hai là ma phiền não. Thứ ba là ma chết. Ma chết là chỉ cho con ma cướp mất mạng sống của một người tu học chưa thành tựu đạo quả. Nói đại khái là, đời nay tu học chưa thành tựu gì cả. Lúc tái sanh thì còn mê muội khi đầu thai, vả lại thân người khó được, đời sau không biết có được làm người hay không, được làm người không biết có được nghe Phật pháp hay không, cho nên con ma chết là một trong những con ma gây chướng ngại rất nghiêm trọng. Thứ tư là ma ba-tuần, tức là thiên ma. Nếu nói theo ngôn ngữ thời nay thì thiên ma chính là hoàn cảnh xã hội mà chúng ta đang sống.

Bốn loại ma thì có hết ba loại là chủ tể thân tâm của chính mình. Do đây mà biết, nếu trong tâm chúng ta không có vọng niệm phân biệt, chấp trước thì cho dù con ma bên ngoài có mạnh cách mấy cũng không thể làm gì được. Ngoại cảnh bên ngoài nếu có thể gây chướng ngại cho chúng ta thì thật ra, nguyên nhân chính là do trong tâm của chúng ta có phiền não. Vọng tưởng phiền não là nội gián, là những con ma bên trong, nó làm gián điệp, khi gặp ngoại duyên nhiễm ô, thì trong ngoài hợp tác với nhau, từ đó con ma bên ngoài mới có cơ hội phát huy tác dụng. Nếu như nội tâm của mình thanh tịnh thì thế lực của con ma bên ngoài có mạnh cách mấy cũng không thể nào phát huy được tác dụng. Do đó, hàng phục ma chướng, điều quan trọng nhất là khắc phục phiền não, tập khí của mình. Điều cần phải chú ý là, chúng ta học Phật, tương lai sẽ thành Phật, thành Bồ-tát, chứ không phải thành yêu ma quỷ quái ! Điều này mọi người phải thời thời khắc chắc ghi nhớ, phải để vào trong tâm, luôn luôn cảnh tỉnh để tự mình chân chính giác ngộ ; người học Phật ngàn vạn lần ghi nhớ là để thành Phật, không phải để thành ma !

Tại sao tôi phải nhấn mạnh điểm này ? Quý vị hãy bình tĩnh quan sát cái xã hội này đi, biết bao nhiêu người bạn đồng tu học Phật không hay không biết mình đang rơi vào đường ma. Những người ấy cũng có thiện tâm, cũng là người tốt, đáng tiếc là không hiểu được giáo nghĩa của Phật-đà, không có khả năng phân biết chánh tà, đúng sai, lại thêm không có được nhân duyên thù thắng, không gặp được chánh pháp ; hoặc có gặp được chánh pháp nhưng không có thiện tri thức, hiểu sai lệch nghĩa kinh điển, phiền não tập khí vẫn còn y nguyên như cũ, cho nên học Phật như vậy thì học đến trọn đời vẫn bị lạc vào đường ma. Đây là một việc vô cùng đáng tiếc, cho nên chúng ta không thể không lưu tâm, để ý, không thể không thận trọng. Muốn tu hành nhất định phải bắt đầu hạ thủ công phu từ chỗ đoạn trừ phiền não tập khí, tức là phải khắc phục những thói quan không tốt của mình, phải bồi dưỡng cái tâm thanh tịnh, bình đẳng, từ bi. Nếu lấy sự tu học này làm phương hướng, mục tiêu thì không dễ gì bị đoạ lạc vào đường ma.

27



Chúng ta tu học không thể thành tựu, và trong cuộc sống hằng ngày chúng ta không có được những lợi ích chân thật, nguyên nhân chủ là do ‘tình chấp’ của chúng ta quá nặng. ‘Tình’ là vọng tưởng, ‘chấp’ là chấp trước. Cho nên, nguồn gốc của mọi khổ đau vẫn là vọng tưởng, chấp trước. Trong kinh điển Đại thừa dạy chúng ta làm sao để hoá giải được ‘tình chấp’ ? Phương pháp hữu hiệu nhất là ‘phát tâm bồ-đề’. Chỉ có cách chân chính phát tâm bồ-đề thì mới hoá giải được ‘tình chấp’. Người ‘tình chấp’ nặng thì khởi tâm động niệm đều nghĩ đến lợi ích của bản thân mình, phàm những gì có lợi cho bản thân mình thì nghĩ hết cách, tận hết sức để chiếm đoạt, đối với những gì không có lợi ích cho bản thân mình thì nghĩ cách trốn tránh. Như vậy, vọng tưởng, tình chấp trong cuộc sống hằng ngày, không những chướng ngại sự tu học của bản thân mình mà còn chướng ngại phát triển trí tuệ của mình, làm cho mình không thể lãnh ngộ được ý nghĩa chân thật của Phật pháp. Đây chính là ‘nghiệp chướng’.

Người phát tâm bồ-đề rộng lớn thì khởi tâm động niệm đều nghĩ ‘chúng sanh vô biên thệ nguyện độ’ ; nghĩ phải làm sao để giúp đỡ chúng sanh khai ngộ, giúp chúng sanh tu hành, giúp chúng sanh chứng quả. Giữ được cái tâm này thường xuyên thì ‘tình chấp’ tự nhiên giảm dần. Chúng ta có tâm từ bi rộng lớn muốn cứu độ chúng sanh thì phiền não vô tận cũng tự nhiên tiêu mất. Từ đó chúng ta sẽ có khả năng lãnh hội được ý nghĩa trong kinh đã dạy : ‘hoàn cảnh thay đổi theo tâm’. Trước đây cái tâm của mình là cái tâm tự tư tự lợi, bây giờ mình đem nó biến đổi, biến thành một cái tâm hoàn toàn vì lợi ích cho chúng sanh.

Nếu cái tâm tự tư tự lợi còn tồn tại thì trong cuộc sống hằng ngày chắc chắn chúng ta sẽ còn đối đầu với nhiều oan gia trái chủ. Hơn nữa, trong vô lượng kiếp quá khứ chúng ta cũng đã gây thù chuốc oán với vô lượng vô biên chúng sanh, cho nên trong cuộc sống hiện tại, mỗi cử chỉ hành động đều gặp chướng duyên trắc trở với người này việc kia, những chướng duyên ấy chính là quả báo. Có quả đương nhiên phải có nhân. Bây giờ, chúng ta thay đổi tâm niệm, mỗi niệm mỗi niệm thay vì nghĩ đến lợi ích của bản thân, thì mình nghĩ đến lợi ích của chúng sanh, tức là mình thay đổi cái nguyên nhân từ gốc rễ. Thay đổi cái tâm niệm được rồi thì bao nhiêu oan gia trái chủ từ vô lượng kiếp đến nay đều hoá giải hết, từ đó mình có được công đức của tâm bồ-đề không thể nghĩ bàn. Nếu như mình có khả năng kiên trì tu tập, giữ gìn chánh niệm, lâu ngày thuần thục thì sẽ đạt đến cảnh giới mà người xưa thường nói : ‘sanh xứ chuyển thục, thục xứ chuyển sanh’ (chuyển chỗ sống thành chính, chuyển chỗ chín thành sống – ý nói chuyển những chủng tử, những hạt giống tốt trong tâm chưa chính thành hiện hành).

Trước đây, khi chưa phát tâm bồ-đề, những phiền não, tập khí, tình chấp trong tâm chúng ta là chỗ chín, khi đó, chúng ta chưa cần tác ý, chỉ mới khởi tâm động niệm thì tình chấp lập tức xuất hiện. ‘Bồ-đề tâm’ tức là tâm của chúng sanh, cái tâm này rất bạc nhược, thường xuyên thay đổi. Công phu tu tập của Bồ-tát không có gì khác biệt, chính là đem cái tâm chúng sanh này chuyển biến cho thành thục, cho chín muồi ; đem cái tâm tự kỷ từ vô lượng kiếp đến nay chuyển thành cái tâm ban sơ (chưa có tình chấp). Nếu có thể dùng phương pháp này để quán tưởng thì đó chính là sự giác ngộ chân chính, sự tu hành chân chính. Sự tu tập này tự nhiên làm cho tình thức tiêu trừ và đạt đến cảnh giới như trong Kinh Kim cương đã nói, là ‘phá bốn tướng, phá bốn kiến’. Bốn tường là phân biệt, chấp trước. Bốn kiến là mê tình, vọng tưởng.

Trong Kinh Hoa nghiêm có nói : ‘Tất cả mọi chúng sanh đều có đầy đủ đức tướng, trí tuệ của Như Lai, chỉ vì vọng tưởng, chấp trước nên không thể chứng đắc’. Vọng tưởng tức là ‘bốn kiến’, chấp trước tức là ‘bốn tướng’. Chúng ta có thể phát đại tâm, tu đại hạnh, thì bốn tướng, bốn kiến tự nhiên tiêu trừ lúc nào không hay biết, và tự nhiên khế nhập được cảnh giới của chư Phật, Bồ-tát, tức là thể nhập ‘nhất chân pháp giới’. Nếu lấy công hạnh này để niệm Phật cầu sanh Tịnh độ thì đương nhiên được vãng sanh lên bậc thượng phẩm thượng sanh, sự thành tựu thật không thể nghĩ bàn. Sự thành tựu này giúp chúng ta, ngay trước khi vãng sanh, ngay trong cuộc sống hiện tại này, hưởng được một cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn, với một thái độ thong dong, nhìn sâu, buông xả, tự tại, tuỳ duyên, hạnh phúc, đồng thời khiến cho nhiều người nhìn thấy đều ngưỡng mộ, cung kính, giác ngộ và phát tâm tâm tu học theo chúng ta. Sự phát đại tâm, tu đại hạnh như vậy thì đồng với chư Phật và Bồ-tát thị hiện ở cõi đời này để tự mình tu tập và giáo hoá người khác tu tập, không có gì khác biệt.

28



Thuở tôi còn công tác trong nhà trường, trước đây là do tiên sinh Chu Bang Đạo làm hiệu trưởng, ông từng lấy thân phận của một đốc học của bộ giáo dục quay trở lại trường hai lần. Trong hai lần ấy tôi đều thấy mặt ông hiệu trưởng. Nhưng sau này, tôi được thân giáo với ông một thời gian khá dài tại Đài Loan. Đó là năm 1958, tôi từ bỏ công tác, đến Đài Trung để thân cận và học Phật với cư sỹ Lý Bỉnh Nam. Bấy giờ ông hiệu trưởng cũng ở tại Đài Trung, đảm nhiệm khoa Nông học. Ông ta cũng học Phật, vậy là chúng tôi gặp nhau và mối quan hệ trở nên thân thiết.

Tại Đài Trung, cư sỹ Lý sáng lập Từ Quang Đồ Thư Quán, ông hiệu trưởng cũng là một người đồng sự. Sau khi xuất gia, tôi trở lại Đài Trung cầu học, ông hiệu trưởng khích lệ tôi rất nhiều. Ông nói việc học chưa thành thì quyết không rời khỏi bậc thiện tri thức, việc học đạo quan trọng nhất là phải có kiên nhẫn, thầy Lý là một đại thiện tri thức hiếm có trong thời đại này, chúng ta có duyên được thân cận, thật là một đại hạnh !

Tại Từ Quang Đồ Thư Quán mỗi tuần có ba buổi giảng kinh, ông hiệu trưởng đến nghe giảng không vắng một buổi, ông nghe giảng kinh không những rất chú tâm mà còn ghi chép cẩn thận, thật tại mà nói, đối với chúng tôi, ông là một tâm gương học tập vĩ đại. Khó khăn lắm thầy Lý mới mở được một ban Phật pháp, bồi dưỡng nhân tài giảng kinh tại Liên Xã, Đài Trung. Khi tôi đến Đài Trung thì cơ duyên đã rất tốt, cũng được tham gia vào ban này. Các bạn đồng học trong ban đều là những người mới có trình độ sơ đẳng Phật học, đương nhiên cũng là lần đầu tiên học giảng kinh. Khi ấy, tất cả chúng tôi có khoảng hơn 20 người, tuổi tác đều đã lớn mà chương trình học lại rất thấp, trong đó nội dung cơ hồ hết một phần ba là trình độ tiểu học. Người tuổi lớn nhất là cư sỹ Lâm Khán Trị, bấy giờ tuổi đã ngoài 60, cũng phải học trình độ tiểu học.

Thầy Lý chia nam, nữ thành hai chúng để tập luyện giảng kinh. Chúng nam thì luyện giảng vào ngày thứ hai tại chùa Linh Sơn, Đài Trung. Chúng nữ thì luyện giảng vào ngày thứ sáu tại Liên Xã, Đài Trung. Lúc các học sinh luyện giảng, ông hiệu trưởng cũng đến nghe giảng mỗi ngày, và cũng rất chú tâm, cũng cùng một thái độ như khi nghe thầy Lý giảng kinh.

29



Cách đây mấy hôm tôi có nhận một cái tin từ Malaysia, báo cho tôi biết là cư sỹ Thái Kim Hoa đã vãng sanh. Cái tin này làm cho tôi vô cùng kinh ngạc. Bởi vì, mới đầu năm nay, lúc tôi giảng kinh ở Singapo, Thái cư sỹ từng hai lần đến thăm tôi. Tôi thấy tinh thần, khí sắc của cư sỹ vẫn còn rất tốt, không có dấu hiệu cho thấy suy yếu, vậy mà, không biết sao đột nhiên vãng sanh, làm cho tôi cảm thấy khó tiếp nhận.

Tôi quen cư sỹ Thái vào năm 1962. Lúc đó, tôi đang học Phật với thầy Lý, còn cư sỹ là sinh viên đại học khoa Trung văn, mang thân phận của du học sinh, thường đến Đài Loan đọc sách. Mùa hè năm 1962, cư sỹ cùng với một du học sinh khác là cư sỹ Lý Tướng Giai, người Áo Môn (thuộc huyện Trung Sơn, Quảng Đông) và thêm hai vị học sinh nữa, cả thảy bốn người tìm đến Đài Trung để thỉnh giáo với thầy Lý. Trong số bốn người họ, cư sỹ Thái là nói nhiều nhất và cũng là người đặt câu hỏi nhiều nhất. Bấy giờ, chúng tôi cùng với thầy Lý bị những người học trò này bao quanh cơ hồ phát ngán, nhưng mà thầy Lý thì đối với những học sinh còn trẻ tuổi này rất từ tốn và đầy lòng thương yêu, thật đúng với tinh thần câu nói ‘dạy không biết mệt (giáo bất quyện). Sách xưa có câu ‘học không biết mệt’ (học bất yếm), chúng tôi ở gần bên thầy Lý thì chứng nghiệm được câu ‘giáo bất quyện’ ; đối với chúng tôi thầy Lý là một tấm gương mô phạm tuyệt vời nhất. Thầy chưa bao giờ tỏ vẻ mệt mỏi, ngược lại còn thúc đẩy tinh thần học của học sinh, vì học trò mà khai đạo.

Không lâu sau đó, thầy Lý đã vì những học sinh này mà chính thức khai giảng một phân khoa nhỏ, số lượng học sinh là chỉ có bốn người họ. Trước tiên, thầy Lý dùng phương thức biểu giải, cho họ biên chép rồi giảng nghĩa từng phần, gồm tất cả ‘14 bài giảng Phật học khái yếu’. Lúc đầu thầy nghĩ rằng mỗi một lần giảng một giờ, hết khoá học là 14 giờ. Nhưng bởi vì thời gian cư trú ở Đài Trung của những người này quá ngắn cho nên mỗi ngày phải giảng hai giờ, trong vòng một tuần thì kết thúc khoá học. Tôi cùng với nhóm người này có cơ hội ở chung trong Từ Quang Đồ Thư Quán tại Đài Trung, đã cùng sinh hoạt, lên lớp, nghiên cứu thi luận với nhau. Sau này Từ Quang trở thành Chuyên khoa Phật học. Thầy Lý chịu trách nhiệm soạn giáo trình và tìm mời giáo sư giảng dạy. Mấy việc này tôi đều được may mắn tham dự, cho nên đối với cư sỹ Thái tôi biết rất rõ. Sau khi cư sỹ tốt nghiệp và quay về Malaysia, tôi có tặng cư sỹ một bộ ‘Du-già sư địa luận’. Ngoài ra, có một nam du học sinh, cũng người Malaysia, rời khỏi Đài Loan muộn hơn cư sỹ Thái một chút, tôi cũng có tặng anh ta một bộ ‘Pháp uyển châu lâm’. Đây là những bộ sách mà tôi vô cùng kính quý và ưa thích, chúng tôi tặng cho họ để làm kỷ niệm.

Cư sỹ Thái Vinh Hoa sau khi về nước thì làm công tác giáo dục ở Nam Dương. Trong thời gian làm công tác ở đó có vài lần trở lại Đài Loan, cư sỹ nhất định ghé đến thăm tôi và đi tham quan Đồ Thư Quán. Có một lần, tôi đến giảng ở Singapo, cư sỹ từ Nam Dương đến thăm tôi hai lần, nói với tôi rằng, sau khi rời khỏi Đài Loan, có một thời gian bà làm công tác giáo dục tại Singapo; sau đó trở về lại quốc gia của mình cũng phục vụ trong ngành giáo dục. Những lúc công việc rảnh rang công việc, cư sỹ cũng truyền bá Phật pháp ở Malaysia, chỉ cần có địa phương nào thỉnh mời giảng kinh là cư sỹ nhất định không từ lao nhọc. Cho nên, giới Phật giáo tại Maylaysia rất kính trọng cư sỹ. Trong trí nhớ của tôi, tôi vẫn còn hết sức khích lệ cư sỹ, hy vọng sau khi cư sỹ nghĩ hưu, thì dùng thì giờ để chuyên môn làm công tác hoằng pháp lợi sanh, tuỳ theo điều kiện khả năng mà kiến lập một đạo tràng nơi địa phương của mình. Cư sỹ nghe tôi kiến nghị như vậy thì cũng rất hoan hỷ. Chúng tôi cũng rất vui khi được tận lực giúp sức cho cư sỹ, hy vọng Phật pháp có cơ hội phát dương quang đại tại Malaysia. Cư sỹ Thái cũng là người có tấm lòng như thầy Lý, rất thương yêu và bảo hộ học sanh. Bà cũng là một học giả nỗi danh.

Những bài học, thư từ, văn thư hỏi đáp với thầy Lý, cư sỹ Thái đều giữ gìn cẩn trọng và đầy đủ. Bà đã từng đem cho tôi xem, tôi vô cùng cảm động, và gợi nhớ những kỷ niệm một thời tuổi trẻ chúng tôi cùng học chung một trường. Trong số những kỷ vật đó còn có hai lá thơ của tôi đại diện thay cho thầy Lý trả lời những câu hỏi của cư sỹ Thái. Cư sỹ Thái vãng sanh khiến cho tôi cảm nhận sâu sắc hơn về sự vô thường của thế gian.

Những bạn bè cùng học chung thời trẻ chúng tôi, bây giờ cơ hồ còn lại không được một nửa. Những người cùng lứa tuổi với tôi còn lại không nhiều, mà ngay cả thế hệ sau tôi một vài năm, trẻ hơn chúng tôi một vài tuổi còn lại cũng không nhiều.

Nhớ lại thời tuổi trẻ, thấy năm tháng vừa qua như mới một đêm. Kinh nói : ‘Tất cả các pháp hữu vi đều như một giấc mộng, như trò ảo thuật, như bong bóng nước, như ảo ảnh’. Những câu kinh này đã giúp chúng ta lãnh ngộ sâu xa ý nghĩa của Phật pháp. Chỉ cần y theo lời dạy đó mà thực hành, y theo kinh đã nói mà ‘thọ trì, đọc tụng, giảng dạy cho người khác nghe’ thì chúng ta mới hoàn thành sứ mạng, và đó cũng là sanh mạng của chúng ta. Chỉ có làm như vậy mới có thể báo đáp được ân đức của chư Phật và thầy Tổ, mới có thể báo đáp được thâm tình của bạn hữu đồng tu. Đồng thời, tôi cũng nhân sự kiện này mà khích lệ các bạn đồng tu đang hiện diện ở đây, rằng mạng sống của con người xác thật chỉ có trong một hơi thở, vạn sự vạn vật đều chuyển biến vô thường, cho nên phải thời thời khắc chắc cảnh giác, nhận chân sự thật để nỗ lực tu học, trước mắt thì có thể tiếp nối tuệ mạng Phật pháp, sau này thì có thể vãng sanh Tịnh độ. Làm được như vậy mới không uổng phí một kiếp người mà phải có nhân duyên lớn lắm, hy hữu lắm mới có được.

30



Qua các tạp chí, sách báo, chúng tôi được biết, thường có không ít những người có học, có kiến thức rộng lớn đã đưa ra những lời cảnh cáo về những nguy cơ tiêu cực của xã hội hiện tại, với mục đích là hy vọng xã hội loài người đề cao cảnh giác, sáng suốt tìm ra nguyên nhân để tiêu trừ tai nạn, kỳ vọng có thể cứu vãn nhân loại thoát qua khỏi kiếp nạn, hoặc chí ít cũng có thể làm cho thời gian xảy ra kiếp nạn này chậm lại một chút, hoặc làm cho kiếp nạn giảm nhẹ lại đôi ba phần. Đây có thể nói là những nhân sỹ, trí thức có tấm lòng thương nghĩ đến nhân loại, biết rõ có những việc không thể làm mà vẫn cứ làm, cũng có thể nói họ có tâm bồ-đề, tâm bồ-tát rất vững mạnh, thật khiến cho người ta kính phục. Tuy nhiên, sự thật khách quan đã phơi bày ra trước mắt, là nguy cơ của kiếp nạn này, chính như cư sỹ Lý Bỉnh Nam trước khi vãng sanh đã có nói, ‘ngay cả chư Phật, Bồ-tát, thần tiên có hạ phàm cũng không có cách gì để cứu vãn được’.

Chúng ta muốn thoát khỏi kiếp nạn này cần phải chuyển hoá nó từ căn bản. Căn bản hay cái nguyên nhân của kiếp nạn này là do chúng sanh đã nhận thức sai lầm về vũ trụ nhân sanh nên dẫn đến mê hoặc điên đảo, hình thành nên vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nghiêm trọng. Đây chính là nguyên nhân tạo thành nguy cơ kiếp nạn ngày nay. Vậy làm thế nào để có thể khiến cho tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ ? Chỉ có cách làm cho tất cả mọi chúng sanh giác ngộ, hiểu rõ nhân quả, bỏ thói thị phi, sửa đổi lỗi lầm, bỏ ác tu thiện thì mới có thể vãn trừ được kiếp nạn. Do đây mà biết, giáo dục của Phật-đà là một thứ lương dược tuyệt đối hữu hiệu. Không những tự bản thân chúng ta cần phải tận lực thọ trì, đọc tụng, vì người khác diễn thuyết, mà còn phải tập hợp những người cùng chung chí hướng, những bạn đồng tu hợp sức với chúng ta để tận lực phát huy giáo lý Phật giáo Đại thừa, thì hy vọng có thể có chuyển biến hiệu quả. Tại Đài Loan đã có không ít những bạn đồng tu có nhiệt tâm rất lớn, đã huy động mọi người cùng góp sức truyền bá chánh pháp, đặc biệt là lợi dụng phương tiện truyền thông, mạng lưới toàn cầu để truyền bá cho nhanh chóng và hữu hiệu.

Một địa phương có nhiều người tiếp nhận sự giáo dục của Phật-đà thì chắc chắn xã hội ở đó được hoà bình, vì tâm lý phân biệt chấp trước cùng với những vọng tưởng điên đảo của mọi người đều được giảm thiểu. Trong kinh Phật thường dạy : ‘Y báo sẽ thay đổi theo chánh báo’. Điều này là sự thật. Nếu như chúng ta để tâm yên tĩnh quán sát sẽ thấy rằng, trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, trong mọi việc xử thế, đối người, tiếp vật, chúng ta đều có thể hiểu rõ và chứng thật những lời dạy của Đức Phật đều đúng với sự thật. Ngày nay, nhân loại trên toàn thế giới đều có chung một vận mệnh. Trong quá khứ, tại nạn chỉ có tính chất cục bộ, trong phạm vi nhỏ. Còn bây giờ, tai nạn đã có tính chất toàn cầu. Do đó, đối tượng hoằng pháp của chúng ta không thể tiếp tục hạn cục trong một địa phương nữa, mà đòi hỏi chúng ta phải có tư tưởng đột phá ra khỏi giới hạn của địa phương, đột phá ra khỏi phạm vi quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, tín ngưỡng… cần phải có tinh thần niệm tưởng đến tất cả mọi chúng sanh. Dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm đại từ đại bi để giúp đỡ tất cả mọi chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui ; cần phải đem sứ mạng này biến thành sanh mạng của chúng ta. Sanh mạng và sứ mạng kết hợp thành một thể, quyết không tách lìa. Cần có thái độ và nhận chân được sứ mạng Đức Phật đã dạy cho chúng ta để nỗ lực thực hành. Giống như Kinh Kim Cương đã nói : ‘Không nắm bắt các tướng, như như bất động’, và ‘nên ở nơi không có chỗ trụ mà phát khởi tâm’. Làm được như vậy chúng ta mới có hy vọng thay đổi được hoàn cảnh hiệu quả, mới không trở ngại công việc niệm Phật vãng sanh Tịnh độ, và đây là việc làm chân chinh tự lợi lợi tha viên mãn.

Chúng ta nếu có những lý giải như vậy, khẳng định như vậy, y theo lời Phật dạy mà phụng hành thì con đường phía trước tự nhiên sáng tỏ, quả báo tự nhiên được thù thắng, hạnh phúc nhất định mỹ mãn. Đây là những lời dạy chân thật của chư Phật và Bồ-tát giành cho chúng ta, nếu chúng ta có thể tin sâu vào những lời dạy này không chút nghi ngờ, y theo lời dạy mà thực hành thì có thể thay đổi được mệnh vận, cải tạo được thể chất, thay đổi được hoàn cảnh sanh hoạt. Hoàn cảnh sanh hoạt tức là phong thuỷ, nó đều nằm trong một ý niệm của chúng ta mà thôi. ‘Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi’ lưu lộ từ đức tánh của chúng ta. Từ tự tánh biến hiện ra cảnh giới, đó là cảnh giới mà chư Phật và Đại Bồ-tát đã thân chứng. Do đây có thể biết, vào trong cảnh giới của chư Phật không phải là việc khó không thể làm được, điều quan trọng là phải hiểu rõ đạo lý và chân tướng sự thật, y theo lời dạy mà tu hành, thì không có việc gì là không thành tựu. Nguyện tất cả mọi người đồng học đều được thành tựu vậy !

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập