Nguồn gốc Phật giáo của mô típ tái sinh trong truyện kể dân gian Việt Nam

Đã đọc: 15030           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Phật giáo quan niệm rằng con người có cả phần xác và phần hồn, khi chết chỉ có phần xác là thực sự mất đi còn phần hồn thì ở lại. Linh hồn sẽ lẩn quẩn ở đâu đó, nhập vào cây cỏ, động vật… trong vũ trụ đợi đến ngày được đầu thai kiếp khác, trong một hình hài mới. Có thể cho rằng mô típ tái sinh trong truyện cổ tích ít nhiều chịu ảnh hưởng của chuỗi truyện tiền thân (Jakata) của đức Phật.

 Nghiên cứu truyện kể dân gian bằng mô típ là một phương pháp nghiên cứu rất được ưa chuộng trong khoa nghiên cứu văn học dân gian từ trước đến nay. Sự lặp lại các mô típ là một đặc điểm dễ nhận thấy và rất đặc trưng của thể loại truyện kể dân gian ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Việc nghiên cứu truyện kể dân gian bằng mô típ có thể giúp khám phá được mối dây liên hệ trong những tác phẩm thuộc cùng một kiểu truyện hay cùng chứa đựng những mô típ như nhau và ý nghĩa của nó cùng được thể hiện như thế nào trong văn hóa học và dân tộc học. Nghiên cứu mô típ truyện kể dân gian dựa vào dân tộc học là một trong những bước cơ bản trong việc nghiên cứu những gốc rễ lịch sử của truyện kể.

Thuật ngữ Mô típ dùng để chỉ những yếu tố đơn giản nhất nhưng có ý nghĩa trong cấu tạo đề tài, cốt truyện của tác phẩm nghệ thuật (còn được gọi là mẫu đề). Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì mô típ là những yếu tố, những bộ phận lớn hay nhỏ đã được hình thành ổn định bền vững và được sử dụng nhiều lần trong sáng tác văn học nghệ thuật, nhất là trong văn học nghệ thuật dân gian [1]. Trong truyện kể dân gian, mô típ được xem là công thức để triển khai cốt truyện hay còn được xem là yếu tố hợp thành cốt truyện. Mô típ còn là sự khái quát nghệ thuật nguyên sơ, phản ánh những ấn tượng quan trọng nhất và có tính lặp lại mà con người tiếp nhận được trong quá trình quan sát, nhận thức cuộc sống

Trong khi tiến hành khảo sát kho tàng truyện kể dân gian các dân tộc Việt Nam, chúng tôi nhận thấy có một mô típ xuất hiện rất phổ biến trong nhiều cốt truyện khác nhau, tạm gọi đó là mô típ tái sinh. Mô típ này không chỉ phổ biến trong truyện kể dân gian mà còn phổ biến trong quan niệm tôn giáo, trong nghi lễ, trong tín ngưỡng và phong tục dân gian của các dân tộc Việt Nam.  Khi tiếp cận với các truyện kể cụ thể, chúng tôi lọc ra những tình tiết có chứa đựng mô típ tái sinh trong truyện  rồi đối chiếu so sánh văn học dân gian với các dữ kiện dân tộc học để  đề xuất giả thuyết về nguồn gốc hình thành mô típ. Và một trong những giả thuyết chúng tôi nhận thấy được là tính Phật giáo trong nguồn gốc hình thành của mô típ này.

Theo Từ điển Tiếng Việt, tái sinh tức là “sinh lại một kiếp khác, theo thuyết luân hồi của đạo Phật” [2]. Nghĩa thứ hai là “làm cho hoặc được làm cho sống lại”. Tái sinh còn có ý nghĩa như tái thế, tức là “trở lại sống ở cõi đời sau khi đã chết” [3]. Gắn liền với những ý nghĩa nêu trên, chúng tôi định nghĩa môtíp tái sinh trong truyện kể dân gian là những tình tiết chỉ hiện tượng sống lại của nhân vật trong truyện kể sau khi đã chết đi vì một lý do nào đó.

Theo chúng tôi, nội dung khái niệm tái sinh nhất thiết phải bao hàm hai yếu tố:1. Chết (đã chết); 2. Sống (sống lại). Vì vậy, khi đi vào khảo sát kho tàng truyện kể dân gian các dân tộc Việt Nam, chúng tôi chỉ chọn lọc những truyện nào có chi tiết nhân vật chết đi rồi sống lại. Những nhân vật ấy có thể sống lại ngay trong hình dạng cũ trước khi chết đi, cũng có thể là sống lại trong một hình dạng mới khác hẳn với hình dạng trước khi chết. Những cốt truyện có chứa đựng chi tiết nhân vật người đội lốt vật sau đó cởi bỏ lốt và trở lại làm người sẽ không thuộc đối tượng nghiên cứu của chúng tôi, lý do là ở hình tượng nhân vật người mang lốt này không bao hàm hai yếu tố chết đisống lại.

Khi khảo sát mô típ này chúng tôi thấy hiện tượng tái sinh của nhân vật được thể hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau như tái sinh do đầu thai, do hóa thân thành nhiều hình dạng khác nhau, trải qua nhiều thử thách mới trở lại thành người, do sự tác động của ngoại vật (thần tiên, người, động thực vật, các loài ma quỷ…) sự tác động này thường kèm theo các hình thức ma thuật bao gồm luyện phép, hóa phép, cho uống nước thần, băm chặt thân thể nhân vật và nấu với nước phép… V.Ia. Propp cho rằng  không thể so sánh truyện kể dân gian với một chế độ xã hội nào đó, cũng như không thể so sánh nó với một tôn giáo nói chung. Nó cần phải được so sánh với các hình thức cụ thể của tôn giáo [4]. Do đó mà sau khi liệt kê các dạng thức và đối chiếu với các hình thức và các lý thuyết tôn giáo của đạo Phật, chúng tôi thấy nội dung của mô típ tái sinh trong truyện kể dân gian dưới dạng thức đầu thai thành người và hóa kiếp thành vật có nguồn gốc từ thuyết luân hồi của đạo Phật.

Phật giáo quan niệm rằng con người có cả phần xác và phần hồn, khi chết chỉ có phần xác là thực sự mất đi còn phần hồn thì ở lại. Linh hồn sẽ lẩn quẩn ở đâu đó, nhập vào cây cỏ, động vật… trong vũ trụ đợi đến ngày được đầu thai kiếp khác, trong một hình hài mới. Có thể cho rằng mô típ tái sinh trong truyện cổ tích ít nhiều chịu ảnh hưởng của chuỗi truyện tiền thân (Jakata) của đức Phật. Tuy nhiên, do đã được thế tục hóa nên chúng chuyển tải nhiều hơn những tập tục và những quan niệm xã hội của quần chúng nhân dân thời xưa.

Để nhận diện rõ hơn tính Phật giáo trong nguồn gốc hình thành của mô típ này, trước tiên chúng tôi tiến hành mô tả những biểu hiện của mô típ này dưới hình thức đầu thai thành kiếp người và hóa thân thành kiếp vật. Sau đó chúng tôi sẽ đi vào khảo sát ý nghĩa của mô típ này dưới ảnh hưởng của thuyết luân hồi, duyên nghiệp của Phật giáo.

 

I. Miêu tả mô típ tái sinh

1. Tái sinh do đầu thai vào xác của một người khác

Ở dạng thức tái sinh này, sau khi nhân vật chết đi (thường là bị chết oan) sẽ được một lực lượng thần linh nào đó giúp đỡ cho đầu thai vào xác của một người khác cũng vừa mới qua đời. Nhân vật sống lại trong thân xác của người kia nhưng phần hồn vẫn là con người cũ. Truyện đền thờ Trương Ba có kể lại câu chuyện về cái chết không rõ nguyên nhân của nhân vật Trương Ba, sau đó thần cờ Đế Thích cho Trương Ba đầu thai vào xác một anh hàng thịt vừa mới qua đời và Trương Ba sống lại trong thân thể của anh hàng thịt. Tuy nhiên, Trương Ba vẫn là Trương Ba, quay trở lại nhà mình tiếp tục một cuộc sống như trước đây.

Dạng thức tái sinh thành người bằng cách đầu thai vào thân xác người khác còn được tìm thấy trong Truyện tiền kiếp luân hồi. Truyện kể rằng có một anh học trò nghèo và một cô gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau vì cô gái bị ép gả cho một gia đình giàu có khác. Cô thắt cổ tự tử và đầu thai vào xác của một cô gái bán trầu cũng ở trong vùng đó vừa mới qua đời. Sau này, cô gặp lại anh học trò đã đỗ đạt làm quan và hai người lấy được nhau

2.Tái sinh do đầu thai  làm con của một gia đình khác

Cũng là đầu thai, nhưng ở dạng này, nhân vật không đầu thai vào thân thể của người khác nữa mà đầu thai vào bụng của một người phụ nữ nào đó, sau đó nhân vật sẽ được người phụ nữ ấy sinh ra dưới hình dạng của một đứa bé. Điểm chung của dạng đầu thai này là sự không thay đổi về mặt giới tính, nếu như người chết trước đây là đàn ông thì sẽ đầu thai thành một đứa bé trai và ngược lại. Đặc biệt, cho dù có đầu thai làm một đứa trẻ nhưng những đứa trẻ ấy, một là lớn rất nhanh trở về hình dạng cũ, hai là vẫn trưởng thành bình thường nhưng đến một độ tuổi nào đó sẽ nhớ lại tất cả những chuyện đã xẩy ra trong tiền kiếp của mình. Như truyện Mối tình chung thủy kể về tình yêu ngang trái của nàng con gái họ Phàng và người con trai họ Tráng. Vì bị cha mẹ ép duyên, nàng con gái họ Phàng tự tử trên kiệu hoa, sau đó đầu thai làm con gái của nhà họ Đặng, trên lưng còn hình hai bông hoa gạo. Trong hình dạng của một đứa bé, nàng đã trưởng thành rất nhanh và mau chóng trở thành một cô gái giống hệt như xưa. Chàng trai họ Tráng đến gặp gia đình họ Đặng kể rõ sự tình và xin được cưới con gái của họ – do người yêu xưa của chàng đầu thai, về làm vợ.

Truyện Con gà trắng và chiếc nhẫn đồng kể chuyện Thành Chớ và Mơ Nai là kẻ ăn người ở cho nhà giàu, hai người yêu thương nhau thắm thiết và bẻ đôi chiếc nhẫn đồng cho nhau mỗi người giữ một nửa để nguyện ước. Nhưng do Mơ Nai ngày càng xinh đẹp nên con trai nhà giàu muốn lấy nàng làm vợ lẽ. Thành Chớ bị đuổi đi, Mơ Nai đau lòng sinh bệnh và chết, Thành Chớ nuôi dưỡng mẹ Mơ Nai và xuống âm phủ tìm người yêu. Hai người gặp Diêm vương tỏ rõ sự tình. Diêm Vương thương tình cho Mơ Nai đầu thai lại vào bụng mẹ nàng. Mẹ Mơ Nai xinh ra một bé gái, chỉ 3 mùa lúa đã thành một cô gái xinh đẹp tuyệt trần  nhưng bàn tay phải cứ nắm chặt. Cuối cùng chỉ có Thành Chớ mới giúp cô mở được bàn tay và trong bàn tay ấy là một nửa chiếc nhẫn đồng. Hai người nhận ra nhau và kết hôn.

Duyên nợ tái sinh cũng là một câu chuyện tình tuyệt vọng. Con gái phú ông và một anh học trò nghèo yêu nhau nhưng không được lấy nhau, cô gái tự tử. Anh học trò lấy mực son ghi vào lòng bàn tay người yêu mấy chữ “Thử sinh duyên vị liễu, nguyện kết hậu duyên sinh” và chôn cô dưới gầm giường. Cô gái đầu thai làm con gái của một nhà quý tộc khác, trên tay vẫn còn dòng chữ đó. Hai người lấy được nhau.

Cái kiến mày kiện cụ khoai kể về một chàng trai vì nghe lời dèm pha của bà mối nên bạc tình với người mình yêu,  nên cô gái ôm hận mà chết. Sau này họ được Diêm Vương cho đầu thai về lại dương thế. Bà mối trở thành cô gái bị phụ tình, chàng trai là anh học trò lận đận. Và oan hồn của cô gái ngày xưa vẫn tiếp tục ở âm cung để gây cho hai nhân vật kia nhiều điều oan trái

Nội dung có khác hơn, không liên quan đến tình yêu nam nữ là truyện Nguyễn Khắc Hoành. Làng Mìn có 1 người tên Nguyễn Khắc Hoành, có con tên  là Khoan, học hành đổ đạt, 20 tuổi đậu ông Nghè. Khi con trai của Khoan lên 6 tuổi thì Hoành chết, đầu thai làm con một người mõ ở làng Dương Trạch. Hậu thân của Hoành lên 6 tuổi mới biết nói, gặp Khoan đi qua thì gọi vào xưng là cha và kể vanh vách chuyện cũ, Khoan rước cha (là em bé 6 tuổi) về phụng dưỡng.

Truyện  Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông có nội dung kể về hai nhân vật Giáp và Ất. Giáp cho Ất mượn tiền nhưng sau đó lại bị Ất giết chết. Giáp đầu thai vào làm con Ất, gặp quan kể tội Ất. Ất bị trừng trị còn Giáp trở về nhà mình sống lại như xưa.  

3. Tái sinh thành kiếp vật do bị thần linh trừng phạt.

Mụ Lường làm nghề bắt mối các ghe từ phương xa và đã tương kế tựu kế lừa được rất nhiều thương nhân thua sạch tài sản vào tay mụ.Cuối cùng mụ cũng gặp được kẻ cao thủ hơn, mụ thua hết tài sản và trở thành nô lệ, uất ức mụ nhảy xuống biển tự tử. Đức Phật cho mụ hóa thành cá he, vì xót của nên cứ lặn ngụp mãi trong biển nước (Truyện Con mụ lường )

Có một  nhà sư ngoan đạo, không quản vất vả tìm đường đến đất Phật. Nghỉ đêm tại nhà ác lai và bị ác lai đòi ăn thịt nhưng sau khi nghe sư giảng đạo, ác lai hồi tâm và muốn gởi quà dâng lễ Phật. Sư bảo tâm thức thị phật, phật tức thị tâm . Ác lai mổ bụng đưa bộ lòng cho nhà sư nhờ sư mang đến dâng Phật, dọc đường bộ lòng bốc mùi hôi thối, sư không chịu nỗi nên vứt xuống biển. Đến khi vào diện kiến Phật đã  thấy ác lai đứng sau lưng phật  thành chánh quả. Sư hóa thành cá he suốt ngày lăn ngụp tìm bộ lòng ( Sự tích cá he)

Sự tích con nhái cũng kể về một vị chân tu, vua mời về cung nhưng từ chối chỉ muốn đi khắp thiên hạ xem cảnh chùa chiền. Đến một nơi, Phật bà hóa thành cô gái đẹp xin lên thuyền rồi dụ dỗ nhà sư. Đến lần thứ 9 thì sư không giữ được mình, Phật bà tức giận ném xuống sông cho hóa thành loài nhái. Từ đó có câu “đi tu mà chẳng trót đời, sinh ra con ếch cho người lột da”

Sự tích chim tu hú kể về hai nhân vật tu hành Bất Năng và Bất Nhẫn. Do thành tâm tu tập nên Bất Năng mau chóng đắc đạo, Bất Nhẫn vì lòng sân hận vẫn còn nên phải tiếp tục tu hành, qua năm lần bảy lượt nhẫn nhịn chịu đựng, đến lúc sắp thành công, Phật bà hóa thành người đàn bà qua sông để thử lòng, liên tục bắt Bất Nhẫn quay đò trở lại trong thời tiết mưa gió. Lòng sân nỗi lên, Bất nhẫn mắng chửi người đàn bà, bị Phật bà cho hóa thân thành chim tu hú

 

II. Nguồn gốc Phật Giáo của mô típ tái sinh

Về nguồn gốc sớm nhất, quan niệm về sự tái sinh có mối quan hệ với tín ngưỡng Tôtem của những cộng đồng người cổ xưa khi mới bắt đầu sống định cư bằng nông nghiệp. Thời nguyên thủy là thời kỳ mà loài người vẫn chưa thực sự ý thức được rằng mình với cỏ cây, muôn thú là khác nhau, có đời sống khác nhau, có sự sinh sản, phát triển và hủy diệt khác nhau. Họ cho rằng giữa mình và cỏ cây muôn thú có sự chuyển biến qua lại lẫn nhau, có đời sống gắn bó với nhau, có chu kỳ tồn tại như nhau. Cho nên khi quan sát sự sinh nở của cỏ cây, sự phát triển và chết đi của muôn thú, con người mới cho rằng chu kỳ đời sống của mình cũng như vậy, như muôn vàn sinh vật khác, sinh ra, lớn lên và chết đi, rồi lại được sinh ra, cứ thế tiếp diễn mãi mãi. Quan niệm này đã được Phật giáo kế thừa và phát triển thêm thành một học thuyết tôn giáo về hiện tượng tái sinh, tạo thành một trong những tư tưởng đặc trưng của Phật giáo. Đó là thuyết luân hồi.

Với Phật giáo, hiện tượng tái sinh trong thuyết luân hồi gắn liền với triết lý duyên nghiệp. Những gì con người được nhận ở kiếp này là do duyên nghiệp của kiếp trước để lại. Và những gì con người thực hiện trong kiếp hiện tại sẽ tạo duyên nghiệp cho những kiếp sau… Chu kỳ đời người được tượng trưng bằng một bánh xe luân hồi, hay còn gọi là bánh xe sinh tử, cứ quay quay mãi đưa con người từ kiếp này sang kiếp khác chứ không bao giờ dừng lại. Chết rồi lại tái sinh, rồi lại chết, mãi mãi muôn đời như vạn vật đã được tạo hóa sinh ra trong cõi đời này. 

Quan niệm về sự tái sinh trong thuyết luân hồi của Phật Giáo giúp giải toả bi kịch lớn nhất trong tâm lý của con người về cái chết. Theo quan niệm này thì cuộc sống là một quá trình liên tục và cái chết chỉ là sự gián đoạn tạm thời bởi thân xác vật chất đã không còn đáp ứng được việc tiếp tục tồn tại, sau khi thân xác vật lý ngừng hoạt động và dừng lại (chết) thì linh hồn rơi vào trạng thái không còn thân xác. Cho đến khi kết hợp đủ các yếu tố cần thiết và hội đủ nhân duyên thì linh hồn ấy lại được tái sinh vào một thân xác mới. Bên trong thân xác mới đó linh hồn lại tiếp tục được vận hành theo một chu kỳ sự sống mới trên cơ sở kế thừa tất cả những cái đã có, đã làm, đã gây ra từ những chu kỳ sống trước đó. Và đồng thời cũng trong thân xác này, linh hồn bắt đầu tạo nghiệp cho chu kỳ sống tiếp theo sau khi thân xác hiện tại này lại ngừng hoạt động

“Thuyết Tái sinh khẳng định rằng, con người cũng như mọi loài hữu tình, không phải chỉ sống một đời, mà đã từng sống nhiều đời, và sau đời sống này, sẽ tiếp tục sống nhiều đời nữa. Và sức mạnh, dẫn con người sống đi sống lại nhiều đời như vậy là nghiệp lực, tức là sức mạnh của nghiệp. Thành quả của mọi việc làm của chúng ta trong đời này, tạo thành một sức mạnh, gọi là sức mạnh của nghiệp Tái sinh, đẩy chúng ta tới một cuộc sống mới, một cuộc đời khác, trong đó thân phận và hoàn cảnh sống của chúng ta là do thành quả các nghiệp của đời này quyết định” [5] Với quan niệm trên Phật giáo khẳng định rằng mỗi con người là sản phẩm của chính mình, chúng ta hiện tại là sản phẩm do chính chúng ta tạo nhân trong quá khứ và lúc này ta đang tạo ra chính mình trong tương lai

Nhân vật trung tâm của dạng thức tái sinh do đầu thai và do hóa kiếp trong những truyện kể mà chúng tôi đưa ra ở trên đều  là con người, là những linh hồn hiện diện trong thân xác con người và tùy duyên tu tập của kiếp này hoặc nhiều kiếp khác nữa mà sau khi thân xác hiện tại ngừng hooạt động thì linh hồn ấy lại tiếp tục được đầu thai vào kiếp người hay bị đày ải thành kiếp vật.

Trong Thuyết Luân hồi và Phật giáo Tây Phương, tác giả Martin Willson đã đưa ra những bằng chứng về thuyết luân hồi là con người sau khi tái sinh có thể nhớ lại kiếp trước của mình hay  được người khác nói cho biết về kiếp trước [6]. Trong mô típ tái sinh ở dạng thức đầu thai mà chúng tôi chọn lọc được cũng có bao hàm cả 2 hình thức đó,  nhân vật sau khi tái sinh tự nhớ lại kiếp trước của mình (Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông, Đền thờTrương Ba và Nguyễn Khắc Hoành) và sau khi sống lại trong thân xác khác, nhân vật được người khác nói cho biết kiếp trước của mình (Duyên nợ tái sinh, mối tình chung thủy, Truyện tiền kiếp luân hồi, Con gà trắng và chiếc nhẫn đồng)

Với nhóm truyện nhân vật tái sinh do đầu thai trong truyện kể thì cái chết của họ thường có nguyên nhân là do tự tử vì bị ép duyên hoặc do người khác hãm hại mà chết đi một cách tức tưởi. Sau khi chết đi, họ đầu thai vào xác của một người khác hoặc đầu thai làm con của một gia đình khác. Và trong hình dạng mới ấy, thực ra họ cũng chính là con người cũ, nhận biết tất cả những sự việc đã diễn ra trước khi chết. Sau khi đầu thai họ được toại nguyện lựa chọn tình yêu và hạnh phúc hoặc có nhân vật thì tố cáo những kẻ trước đây đã hãm hại mình. Chủ đề của kiểu truyện này là chủ đề đấu tranh xã hội, nhân vật trong truyện đã bằng mọi cách phải dành lấy công bằng cho mình, nếu không thực hiện được ở kiếp này thì tiếp tục thực hiện ở những kiếp sau (Duyên nợ tái sinh, mối tình chung thủy, Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông).

Bên cạnh đó, sự thưởng phạt công bằng cũng là một ý nghĩa sâu sắc của mô típ tái sinh trong dạng thức này. Càng yêu thương, cảm thông với những số phận hiền lành, bất hạnh, dân gian càng căm ghét những thế lực xấu xa, độc ác. Và theo quan niệm của dân gian bao đời nay thì những thế lực ấy đáng bị trừng phạt, chúng phải gánh chịu lấy những tội ác mà chúng gây ra cho người khác. Do đó, các câu truyện kể dân gian thuộc kiểu này thường kết thúc bằng cái chết của các nhân vật phản diện, có thể là do người bị hại trả thù, cũng có thể là do bị thần linh trừng phạt. Ở đây mô típ truyện mang một ý nghĩa nhân sinh to lớn, bênh vực cho những con người hiền lành nhân hậu phải gánh chịu những thiệt thòi đau khổ từ kiếp trước. Do đó sau khi được tái sinh, họ phải được nhận lấy niềm an vui hạnh phúc

Trong dạng thức nhân vật tái sinh thành kiếp vật do bị thần linh trừng phạt ta phần nào thấy rõ lên sự tác động trực tiếp của Phật giáo trong quá trình hóa thân của nhân vật (dù cho đức Phật trong truyện dân gian không hẳn là đức Phật của tôn giáo nhưng thật ra đó cũng là một hình ảnh của đấng Thích Ca Mâu Ni qua sự nhào nặn của dân gian sao cho gần gũi với tâm thức của người bình dân hơn)  Trong các  ví dụ mà chúng tôi miêu tả ở trên, ngoài nhân vật mụ Lường (truyện Con mụ Lường) là người buôn bán mối lái thì các nhân vật chính còn lại đều được miêu tả như là những bậc chân tu. Tuy nhiên đấy lại là những nhà sư “đi tu mà chẳng trót đời” dù cho có thông tuệ nhiều kinh kệ, giáo lý nhưng họ vẫn còn thiếu một chút gì đó để có thể đắc đạo. Kẻ thì chưa vượt qua được thất tình lục dục (Sự tích chim tu hú, Sự tích con nhái) dù đã cố công tu tập bao nhiêu năm cuối cùng cũng bị đày thành kiếp vật do không vượt qua được sắc giới. Kẻ thì vì một chút phiền não thế gian mà không ngộ được đạo pháp để phải chịu tái sinh vào làm con cá ngoi lên lặn xuống giữa biển cả mênh mông để sám hối tội lỗi của mình (Sự tích cá he)

Dưới con mắt nhìn của phật giáo thì việc các nhân vật lương thiện được tái sinh lại kiếp người và sống vui vẻ hạnh phúc hay các nhân vật có lòng dạ tham lam, sân hận bị tái sinh vào kiếp vật điều là do cái nhân họ đã tạo ra từ kiếp trước. “Thuyết Nghiệp báo Tái sinh của đạo Phật đề cao trách nhiệm của con người đối với cuộc sống của mình ở đời này và cả đời sau. Do đấy cũng kêu gọi con người phải có ý thức trách nhiệm đầy đủ về mọi hành vi, lời nói và ý nghĩ của mình hàng ngày, hàng giờ, thậm chí trong từng giây phút của cuộc sống, khuyến khích con người luôn luôn nghĩ thiện, làm thiện, tránh mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm bất thiện. Có thể nói, thuyết Nghiệp báo và Tái sinh động viên mọi người luôn nỗ lực để sống thiện, đạo đức  [7]  Ở đây, thuyết nghiệp báo của Phật giáo gần gũi với triết lý “làm lành tránh dữ” “ở hiền gặp lành” hay “gieo gió gặt bão” của dân gian, là sự đề cao cái thiện và khả năng hướng thiện của con người, là sự tẩy chay cái xấu, cái ác, là mong ước hồn nhiên về một thế giới công bằng trong xã hội còn nhiều lắm bất công.

Lời kết

Với khuôn khổ của một bài  khảo sát về nguồn gốc Phật giáo của mô típ tái sinh, chúng tôi chỉ dừng lại ở việc phát hiện và mô tả các dạng thức của mô típ có liên quan đến thuyết luân hồi của Phật giáo. Đồng thời liên hệ để thấy được mức độ biến đổi của mô típ dân tộc học đến mô típ truyện kể. Chúng tôi không có tham vọng đi sâu vào tìm hiểu ý nghĩa tư tưởng Phật giáo được thể hiện như thế nào qua mô típ truyện kể dân gian này. Một phần do những hạn chế về kiến thức Phật học, một phần do sự chuyển nghĩa của các mô típ được cho là thoát thai từ tôn giáo. Có thể nói rằng, mô típ tái sinh từ ý nghĩa phong tục tín ngưỡng trong mô típ dân tộc học đã chuyển thành ý nghĩa xã hội, ý nghĩa nhân sinh trong mô típ truyện kể dân gian

 

Chú thích:

[1]. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên) (1997); Từ điển thuật ngữ văn học; NXB Đại học Quốc gia; HN.- tr 136

[2] và [3]. Nhiều tác giả, Viện Ngôn Ngữ học, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (1988); Từ điển Tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội; HN. Tr.  915, 916

 [4]. Nhiều tác giả dịch (2003); Tuyển tập V.Ia.Propp; Tập 1; NXB Văn hóa Dân tộc; HN. Tr. 193

[5] và [7]. Giáo sư Nguyễn Minh Chi  -  Thuyết Tái Sinh  - Nghiên Cứu Phật Học - Kinh Nghiệm Sống Chết. (xin xem thêm tại  http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/050-taisanh.htm)

[6].  Martin Willson , Trong thuyết Luân hồi và Phật giáo tây Phương (Thích Nguyên  Tạng dịch) , NXB Phương Đông


Tài liệu tham khảo

1.                  Nàrada (2006); Học thuyết tái sanh (Phương Thảo dịch); NXB Tôn Giáo

2.                  Thích Như Điển (2009); Sống và chết theo quan niệm của Phật giáo; NXB Phương Đông

3.                  Martin Willson , Thuyết luân hồi và Phật giáo Tây Phương (Thích Nguyên  Tạng dịch) , NXB Phương Đông

4.                  Thích Nguyên Tạng (soạn dịch – 2007); Chết và tái sinh; NXB Phương Đông

5.                  Vũ Minh Chi (2004); Nhân học văn hoá - con người với thiên nhiên, xã hội và thế giới siêu nhiên; NXB Chính trị Quốc gia; HN.

6.                  Nguyễn Tấn Đắc (2001); Truyện kể dân gian đọc bằng type và motif; NXB Khoa học xã hội; TPHCM.

7.                  Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên) (1997); Từ điển thuật ngữ văn học; NXB Đại học Quốc gia; HN.

8.                  Nhiều tác giả, Viện Ngôn Ngữ học, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (1988); Từ điển Tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội; HN.

9.                  Nhiều tác giả dịch (2003); Tuyển tập V.Ia.Propp; Tập 1,2; NXB Văn hóa Dân tộc; HN.

10.              Nhiều tác giả (2004); Từ điển văn học (bộ mới); NXB Thế Giới.

11.              Nguyễn Đổng Chi (2000); Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam; Tập 1,2 ; NXB Giáo Dục.

12.              Trung tâm Khoa học Xã hội & Nhân Văn Quốc gia, Viện Văn học (2001); Văn học dân gian Việt Nam, Tập 2, Quyển 1,2 – Truyện cổ tích; NXB Giáo Dục; ĐN.

13.              Trung tâm Khoa học Xã hội & Nhân Văn Quốc gia, Viện Văn học (2001); Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, Tập 2 – Truyện cổ dân gian.

 

ThS. La Mai Thi Gia

(Khoa Văn học và Ngôn ngữ,

Trường ĐH KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
L_T_A 31/05/2011 02:59:52
hay,tuyệt vời không thể tin được!!!!!Đúng là không hổ danh học trong khi đó tôi chỉ là nhóc tì cấp 2 mà thôi!!!
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

1.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập