Phật Dạy Sắc Thân Giả Hợp Vô Thường Tạm Bợ

Đã đọc: 3749           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Phật dạy thân này sinh già bệnh chết, chỉ giả có, huyễn hóa nên không thật, mà lâu nay ta cứ lầm chấp, rồi cố gắng gìn giữ, bảo vệ nó, ai đụng đến là có chuyện. Như câu chuyện ngụ ngôn về hai con quỷ ăn thịt người, người trí liền nhận ra thân này không phải thật ta, là của ta, cái gì thiệt thì trước sau như một không đổi thay. Tuy thân giả tạm vô thường không thật có, nhưng chúng ta phải biết bảo vệ nó để làm phương tiện tiến tu, như người đi qua sông thì cần có chiếc bè, khi đến bờ rồi mới bỏ bè.

 Có một hạng người vì quá bi quan về thân này, cho nó là bất tịnh, xấu xa nhơ nhớp, nên chán ghét, muốn hủy hoại vì nghĩ rằng nó là nguyên nhân gây ra đau khổ cho chính mình. Từ ngàn xưa, khi Phật còn tại thế cho đến ngày hôm nay, tại Ấn Độ vẫn còn tồn tại lối tu khổ hạnh ép xác, vì họ cho rằng chính thân này làm cho ta đau khổ, nên họ bằng đủ mọi cách để hành hạ thân thể, họ nghĩ như vậy sẽ mau chứng quả giác ngộ, giải thoát.

 

      Chính đức Phật ngày xưa đã từng tu khổ hạnh như thế liền sáu năm cho đến thân thể tiều tụy chỉ còn da bọc xương, và cuối cùng Ngài ngất xỉu, may nhờ bát sữa của cô thôn nữ chăn bò đã giúp Ngài tỉnh lại. Từ đó, sức khỏe dần dần hồi phục trở lại nhờ biết ăn uống điều độ vừa đủ để nuôi thân, Ngài bắt đầu có sức định tĩnh, và sáng suốt để tìm ra pháp tu trung đạo, và cuối cùng thực chứng quả vị Vô Thượng Bồ Đề.

 

      Để phá sự chấp ngã bám víu vào sắc thân này, Phật dạy các thầy tỳ kheo hãy nên quán thân bất tịnh, các thầy quán thấy thân này nhơ nhớp xú uế quá, nên nhàm chán muốn xa lìa, mà mướn người giết đi để không còn thấy thân gớm ghiết đó nữa. Mùa hạ năm đó, Phật tránh duyên ba tháng lên cõi trời Đao Lợi để độ mẹ của mình là hoàng hậu Ma Da, sau khi trở về thấy chúng tỳ kheo thưa thớt, Phật hỏi thị giả A Nan mới biết nguyên nhân, kể từ đó Phật chế giới không ai được mướn người giết, nếu mướn hay tự tay giết mình đều là phạm giới cấm.

 

      Thời đó, có một số thầy tỳ kheo vì quá chấp trước, Phật dạy quán bất tịnh để ta không còn chấp thân này là thật của mình nữa, mà dễ dàng buông xả, diệt trừ tâm luyến ái, tham đắm sắc thân. Tuy nhiên, Phật vẫn dạy thân người khó được, không phải để ta quý thân, mà để tranh thủ tận dụng thời gian nương nơi thân này để tu hành. Với cặp mắt của người giác ngộ, ta vẫn thấy thân này giả có tạm bợ vô thường, nhưng ta phải giữ thân để làm phương tiện tiến tu.

 

       Hình ảnh bà vợ thứ nhất là chỉ cho sắc thân mỗi người chúng ta, do ta lầm chấp thân này là ta, là tôi, là của tôi, nên ta một bề cưng yêu chiều chuộng, đắm mến luyến ái thân này quá đáng, làm cái gì cũng để phục vụ cho ta và của ta. Từ chỗ chấp ngã đó nên có ngã sở là của ta như tài sản, vợ con và người thân. Chính vì vậy, thân ta đen lùn xấu, mà ai khen đẹp thì ta khoái chí và hãnh diện vô cùng. Nhưng có ai hỏi ta là cái gì, thì mình không biết. Ta không biết mình là gì thì cuộc sống này trở nên vô nghĩa và không có giá trị thiết thực.

 

      Từ chỗ không biết mình là gì, nên ta coi trọng trời đất, ta vô tình coi thường mình. Trời ở đây nói cho đủ là bầu trời nên có mây, có mưa, sấm chớp, điện năng, mặt trời, mặt trăng, nhờ vậy giúp cho ta đủ điều kiện để sống trên thế gian này.

 

      Đất ở đây nói cho đủ là trái đất, nhờ đất che chở nên trong đất có đủ thiên hình vạn trạng, nào hồ ao, sông suối nước chảy, biển cả mênh mông, thiên nhiên đồi núi bạt ngàn cỏ cây hoa lá. Nhưng trời đất là vô tri, chỉ con người là có hiểu biết, nhận thức và tri giác, nên con người là trọng tâm của trời đất. Vậy mà ta cứ sợ trời phạt, đất không thương, mà lãng quên chính mình, hiểu biết như thế thì tội nghiệp cho ta quá chừng.

 

Chấp thân thật nên con người bám víu và sinh ra khổ đau

 

Bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu phần thô của thân này trước. Thân có bốn chất hòa hợp, chất cứng là đất, chất ướt là nước, hơi thở là gió, hơi ấm là lửa. Phật dạy, thân này tạm bợ giả có nên nó bị sinh, già, bệnh, chết chi phối.

 

      Chuyện kể rằng, có một chàng trai nọ trên đường về quê thăm cha mẹ, đường xá xa xôi hiểm trở. Trời tối, anh ghé lại một chòi hoang không người ở, nghỉ tạm qua đêm để sáng mai tiếp tục cuộc hành trình. Anh vừa chợp mắt, bỗng có tiếng chân dồn dập nặng nề làm anh giựt mình tỉnh giấc. Cánh cửa được mở ra, một con quỷ to lớn đang vác xác người chết liệng xuống nền nhà. Chàng trai nọ quá hoảng sợ nên nép sát vào bên kẹt cửa. Lúc đó, lại xuất hiện thêm con quỷ thứ hai muốn giành ăn với con quỷ thứ nhất, nên chúng cãi nhau kịch liệt, “xác này do tao thấy trước thì tao có quyền ăn”, ai cũng cho rằng mình thấy trước.

 

      Trong lúc hai con quỷ đang cãi nhau, nó vô tình thấy chàng trai đứng sát kẹt cửa. Mừng quá! Con quỷ thứ nhất nhờ anh ta làm chứng coi ai mang xác vào trước. Chàng trai nghe nói vậy sợ điếng cả hồn, trong tâm nghĩ thầm trong bụng, “nếu mình nói sự thật thì sẽ bị con quỷ thứ hai xé xác, ngược lại nếu nói không đúng sự thật thì con quỷ thứ nhất sẽ giết mình, đằng nào cũng phải chết, thôi thì ta thà giữ giới nói đúng sự thật, dù có chết vẫn vui lòng”.

 

      Anh ta nói, “hồi nãy tôi thấy con quỷ đen vác cái xác này vô đây trước”. Con quỷ đỏ nghe nói vậy liền tức quá, giựt đứt một cánh tay của anh. Con quỷ đen thấy vậy thương tình, nên lấy cánh tay của xác chết thế vô cho anh. Con quỷ đỏ lại không chịu nên giựt cánh tay kế tiếp quăng ra. Con quỷ đen lại ráp vô, rồi chân cẳng đầu mình cũng lại như thế, một con vứt ra, một con ráp vô.

 

      Cuối cùng, hai con quỷ không thèm tranh giành nữa, chúng lấy phần bị vứt ra của chàng trai, mạnh con nào nấy ăn một cách ngấu nghiến. Thừa lúc hai con quỷ đang ăn, chàng trai hồn vía lên mây, nhân cơ hội đó liền bỏ chạy để thoát khỏi nanh vuốt của chúng. Chạy được một khoảng cách an toàn, mừng quá anh ta đứng lại rờ xem thân thể của mình từ đầu tới chân, coi có phải là mình nữa hay không? Rõ ràng, anh ta thấy thân này không phải là của mình, mà đang vay mượn của xác chết kia, vậy mình trước kia đâu rồi?

 

      Phật dạy thân này sinh già bệnh chết, chỉ giả có, huyễn hóa nên không thật, mà lâu nay ta cứ lầm chấp, rồi cố gắng gìn giữ, bảo vệ nó, ai đụng đến là có chuyện. Như câu chuyện ngụ ngôn về hai con quỷ ăn thịt người, người trí liền nhận ra thân này không phải thật ta, là của ta, cái gì thiệt thì trước sau như một không đổi thay. Tuy thân giả tạm vô thường không thật có, nhưng chúng ta phải biết bảo vệ nó để làm phương tiện tiến tu, như người đi qua sông thì cần có chiếc bè, khi đến bờ rồi mới bỏ bè.

 

      Bây giờ, chúng ta thử xem xét về thân này từ đâu mà ra, muốn có thân trước tiên phải nhờ tinh cha huyết mẹ, kết hợp với nghiệp thức của một chúng sinh, phải có đủ ba yếu tố trên mới hình thành được sắc thân. Nhưng thân này do bốn chất đất, nước, gió, lửa hòa hợp lại mới duy trì được sự sống, hằng ngày phải nhờ bốn đại bên ngoài bồi bổ đưa vô. Chính vì vậy, mỗi ngày chúng ta vẫn phải ăn uống, làm việc, để duy trì mạng sống nhờ bốn chất này, nếu thiếu đi một chất thì thân sẽ ngừng hoạt động.

 

      Rõ ràng, chúng ta chỉ toàn vay mượn, sáng sớm đưa vô chút thức ăn thức uống vào, rồi trưa chiều đưa ra, rõ ràng ta vay mượn liên tục, cứ đưa vô rồi lại xả ra, lỡ bữa nào đưa vô mà xả ra không được thì khó chịu, khổ sở vô cùng.

 

      Như thời gian mẹ chúng tôi bệnh nặng chờ chết, ăn uống không được phải trực tiếp bơm vào, nhưng vẫn đi tiểu đại bình thường. Rồi chỉ trong vòng mười hai đến hai mươi bốn tiếng đồng hồ cũng bơm thức ăn, thức uống đó vào mà không thấy xả ra, tay chân mình mẩy cứ phù lên, và huyết áp tuột xuống thấp. Đó là dấu hiệu một con người sắp sửa ra đi và đúng như vậy.

 

       Trở lại câu chuyện hai con quỷ, chàng trai từ khi gặp nhân duyên đó nên cứ thắc mắc hoài, “rõ ràng thân mình đang mang là của cái xác chết kia, vậy mình là gì?”. Anh ta cứ ôm thắc mắc đó hoài mà không nhớ nghĩ chuyện gì khác. Cho đến khi gặp một vị sa môn, anh mới đem sự nghi ngờ đó ra mà thưa hỏi. Thay vì trả lời tường tận cho anh ta, vị sa môn này mới hỏi lại, “bộ thân này là thật của anh hay sao?”. Ngay nơi câu nói đó, anh ta nhận ra thân này nhân duyên hòa hợp giả có.

 

       Vậy mà ông trưởng giả kia, khi còn sống chỉ một bề yêu thương, chiều chuộng, luyến ái, tham đắm thân, làm cái gì cũng để cho thân này hết, ai đụng đến thì bản ngã phình to ra; nếu làm vua thì muốn giết ai thì giết, muốn phong tiến chức cho ai thì phong, khi đã nghi ngờ một ai thì tru di luôn ba họ theo kiểu nhổ cỏ phải diệt tận gốc để khỏi phải sợ báo thù.

 

      Chính vì quan niệm sai lầm đó mà nhân quả thù hằn vay trả không có ngày thôi dứt, nên thế gian này lúc nào cũng xảy ra chiến tranh, binh đao, tàn sát, giết hại lẫn nhau, chỉ vì sự chấp ngã cho thân này là thiệt ta.

 

      Người Phật tử chân chính phải khôn ngoan sáng suốt, thường xuyên xem xét và quán sát về thân, nhờ vậy biết thân này vô thường, giả tạm, không thật có mà ít đắm nhiễm, mê muội, nhờ vậy ít làm tổn hại cho người và vật. Tuy biết thân vô thường, huyễn hóa do bốn chất đất, nước, gió, lửa hợp thành, nhưng ta không vì thế mà hủy diệt chúng như trường hợp ở trên, ta phải biết dùng thân này để tiến tu mà làm lợi ích cho mình và người.

 

      Như khi ta bị trúng gió thì đau nhức khắp toàn thân, phải cạo gió hoặc giác hơi. Có gì lạ đâu vì gió thổi mạnh thì đất rung rinh, ê mình, đánh gió một hồi nghe nhẹ người trở lại và bớt đau. Nước với lửa cũng lại như thế. Hôm nào nghe đầu nóng hổi thì biết lửa trong người mạnh quá, phải kiếm thuốc mát uống vô. Khi nào thấy người sưng phù lên là biết nước tăng, phải uống đồ ấm nóng để được bình thường trở lại.

 

      Thân này do bốn thứ chống chọi nhau mà hợp thành, nhiều khi quán chiếu lại chúng ta thấy tức cười. Bản thân mình thực tế đã không hòa thuận, nên mình phải điều hòa hoài? Tâm cũng vậy, có lúc nghĩ tốt, có khi nghĩ xấu, hết nghĩ chuyện này lại đến chuyện kia. Cái suy tư nghĩ tưởng, bản chất nó đã tự mâu thuẫn với nhau. Bản thân mình tự không thể hòa được, nên phải chịu sự chi phối của già bệnh chết, thì thử hỏi làm sao chúng ta có thể sống hòa hợp với tất cả mọi người được. Nếu chúng ta tự điều hòa được thì khỏi cần phải đi bác sĩ  khám chữa bệnh.

 

      Trong cơ thể chúng ta nước và đất cứ lấn nhau, gió và lửa cũng cự nhau hoài, không cho mình được yên thân chút nào. Cho nên điều hòa thân mình đã khó, điều hòa tâm mình lại càng khó hơn, huống nữa là chúng ta điều hòa để sống thuận thảo, vui vẻ với tất cả mọi người.

 

      Cho nên, chúng ta sống giữa cuộc đời này là cái vòng lẩn quẩn, hết mâu thuẫn này lại đến mâu thuẫn kia. Về thân bốn thứ đất, nước, gió, lửa thường chống trái nhau, về tâm cũng lại như thế. Vì vậy, nói tới tu hành để chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau, thành an vui hạnh phúc là điều hết sức cay đắng. Chỉ khi nào ta sống được bằng trái tim yêu thương và hiểu biết, ta mới thương xót và cảm thông cho người khác. Ông trưởng giả đó là hiện thân của mỗi người chúng ta, vì chấp thân và luyến tiếc nên mới hỏi bà vợ thứ nhất có chấp nhận đi theo hay không?

 

      Trong khi đó, Phật dạy thân này do bốn chất đất, nước, gió, lửa hòa hợp lại mà thành, nên không có gì là thực thể cố định cả. Cái được gọi là ta, là của ta, nó cũng không thật, ai chấp vào đó thì sinh ra luyến ái, bám víu mà lầm tưởng là thật ta, nên mới chấp ngã rồi từ đó sinh ra chiếm hữu, ai nghĩ và làm như vậy tức là người vô minh nên lúc nào cũng sống trong đau khổ lầm mê.

 

Chấp tâm suy tư nghĩ tưởng là thật nên mọi người tranh đấu giết hại lẫn nhau

Do vô minh mà sinh ra vọng động. Do có vọng động mà sinh ra vọng thức. Do có vọng thức mà sinh ra phân biệt có đủ thứ ta, người, chúng sinh. Do có sự phân biệt ta người, mà sinh ra xúc chạm. Do có sự xúc chạm mà sinh ra cảm thọ. Do có cảm thọ mà sinh ra tham ái, luyến tiếc, và từ đó bám víu, dính mắc vào sự hiện hữu của nó, nên sống chết, khổ não, ưu sầu, buồn lo đủ thứ.

 

      Phật dạy ngay nơi thân vô thường đó có tính biết thanh tịnh sáng suốt, nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, sự vật như thế nào thì biết rõ như thế đó. Có vật thì thấy có vật, không vật thì thấy không vật vì tính biết ấy vẫn thường hiện hữu đâu có vắng thiếu bao giờ? Tai mũi lưỡi thân ý cũng lại như thế.

 

      Còn tâm suy tư nghĩ tưởng, hết nhớ chuyện này đến nhớ chuyện kia, không lúc nào dừng nghĩ. Khi thì nghĩ tốt, lúc thì nghĩ xấu, có khi thì hiền như nai tơ, có lúc thì lại dữ như cọp sói. Như người có chút ít công phu do kiên trì, bền bỉ, biết cách buông xả vọng niệm, nên có khi ngưng bặt mọi suy nghĩ.

 

      Vậy lúc đó chẳng lẽ mất mình hay sao? Tuy không có suy nghĩ phân biệt, nhưng vẫn thấy, vẫn nghe rõ ràng từng hình sắc, âm thanh. Mắt vẫn thấy hình ảnh sự vật, tai nghe thấu suốt mọi âm thanh lớn nhỏ, trời nắng thì biết nóng, gió thổi đến thì biết mát. Vậy ngay khi đó là ai biết?

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

1.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập