Bàn Về Chân Đế, Tục Đế và Nhân Quả, Sinh Diệt

Đã đọc: 4600           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đời sống con người chỉ là giả tạm, và nó như là một giấc mộng vậy. Vì rồi tất cả mọi thứ sẽ thay đổi và hủy diệt hết. Bởi vì bản chất của vật thể thuộc các pháp hữu vi, là chuyễn động không ngừng. Và chính vì nó luôn chuyễn động, cho nên nó cũng luôn sinh diệt không ngừng trong thực tại.

Nếu chúng ta nghĩ rằng mọi hiện tượng sinh diệt, đang xảy ra trong thực tại đều là tự nhiên. Tức là những vấn đề nhân quả của các hiện tường này, lại chính xác đến tuyệt đối như vậy, thì có phải là do tự nhiên hay không? Do đó với vấn đề này chúng ta phải có hai cách nhìn khác nhau trước một hiện tượng. Đó chính là cách nhìn của tục đế, sẽ khác với cách nhìn của chân đế vậy.

 

Cho nên nếu xét vấn đề duyên khởi ở cách nhìn chân đế, thì mọi hiện tượng sinh diệt xảy ra trong thực tại đều là tự nhiên. Là tự nó phải luôn thay đổi, chứ không có hình thức gì là vĩnh cửu cả. Vì ở đây chỉ có tính tương đối ước lượng mà thôi. Vì trên trời nó khác với ở dưới đất mà. Vì rằng trên trời không có các điểm bắt đầu, để xác định phương hướng đông, tây, nam, bắc, như ở dưới đất. Cho nên trên trời cũng không có điểm kết thúc luôn.

 

Do đó quy luật tương đối của minh triết, sẽ bao gồm tất cả các quy luật tuyệt đối của các hệ ý thức triết học. Vậy thì cái tương đối bao giờ cũng chứa nhiều cái tuyệt đối trong nó. Và những gì mà con người không thể xác định được, thì nó luôn chứa đựng tất cả những cái gì mà chúng ta, đã có thể xác định rõ ràng rồi.

 

Tuy nhiên nếu nhìn vấn đề ở chân đế, thì mọi sự sinh diệt xảy ra trong thực tại đều là tự nhiên, vô tư mà không có chủ ý. Là bởi ở đây không mang theo ý chí của con người. Nhưng nếu chúng ta nhìn vấn đề ở tục đế, thì mọi việc nó đều xảy ra là có nguyên nhân xác định của nó hết. Vì vấn đề ở đây chỉ được xét trong giới hạn, suy nghĩ của con người của chúng ta thôi.

 

Cho nên vấn đề duyên khởi, thì chúng ta chỉ có thể xét nó ở cái giá trị toàn thể của chân đế. Vì ở đây chúng ta mới thấy rằng, mọi sinh diệt trên đời đều là tự nhiên, không do sự sắp đặt của con người. Vì thế mọi sự của thế cuộc đều vận động theo quy luật tự nhiên, như các vật thể tồn tại trong không gian và thời gian vậy. Và nếu không gian và thời gian biến mất, thì vật thể cũng không còn. Do đó sự tồn tại của con người, đều phải được xét trên nhiều khía cạnh khác nhau thì mới được.

 

Vì thế có nghĩa là đủ duyên thì nó kết hợp lại, còn hết duyên thì nó sẽ tan rã ra. Mà tới đó thì nó cũng không phải là hết đâu. Vì cái gì là đủ duyên, và cái gì là hết duyên. Đủ hay thiếu là dư thừa với thiếu hụt sao. Vì khi chúng ta phân tích ở đây thì thấy rõ hai cái như thế. Nhưng khi nó xảy ra thì chỉ có một cái thôi, nhưng mà chúng ta nhìn thấy thành hai. Có nghĩa là trong cái hợp sẽ có chứa cái tan, và trong cái tan sẽ có chứa cái hợp. Và vấn đề này là một vấn đề lớn của tư tưởng con người, chứ không phải nói chơi khơi khơi, khi chúng ta đang sống lặn hụp trong cõi đời tục đế xác định này.

 

Tuy nhiên, cái gọi là “cõi tục đế” này, chỉ tồn tại trong suy nghĩ của con người chúng ta thôi. Chứ trên thực tế là không có đâu. Và chúng ta suy nghĩ thế nào, thì chúng ta sẽ đi đến một kết cục như thế đó. Chứ thật ra bản thân con người chúng ta, cũng chỉ là những vật thể thuộc về “vạn pháp vô ngã” trong thực tại mà thôi.

 

Do đó cái thế giới chân đế là chân thật, và chúng ta đang tồn tại trong nó mà không biết vậy. Vì chúng ta vẫn mãi nghĩ về một cái gì đó, đang xảy ra trong chính con người mình. Chứ không phải là chúng ta đang nghĩ tới cái gì nằm ngoài con người mình, như là một thế giới có thực rộng lớn hơn sự hiểu biết của mình. Do đó chúng ta thường là không giải quyết được vấn đề của chính mình.

 

Cho nên khi con người đang sống trong dòng suy nghĩ tục đế của mình, thì chúng ta lúc nào cũng có nhiều mơ ước cao hơn chính nó. Nhưng sự thật là chúng ta đã và đang sống trong đó mà không biết. Vậy thì mọi sự thành bại trong cuộc đời con người, thì đều do chúng ta có “cảm tưởng” về nó mà thôi. Chứ thật ra nếu nhìn ở góc độ duyên khởi, thì nó hoàn toàn là tự nhiên. Và chính chúng ta cũng không có dính dáng gì với nó hết.

 

Và từ đây có thể nói vấn đề nhân quả cũng sẽ bị triệt tiêu luôn, nếu như chúng ta thật sự biết được cái thế giới thật, mà mình đang sống trong đó là gì.

 

Vậy nên con người thường hy vọng gì đó ở cái thế giới chân đế kia, như những phép màu để an ủi chính mình chẳng hạn, khi chúng ta cảm thấy thất vọng trong cuộc sống này. Nhưng thật ra cái chúng ta sống thật ở đây, là chúng ta đang sống với thế giới chân đế này thôi. Còn cái gọi là “sự thật tục đế” trong suy nghĩ của chúng ta, thì nó chỉ là một thế giới ảo tưởng xa vời.

 

Do đó trước khi nhận chân ra bản chất của thực tại này, thì chúng ta chỉ cần xét về dòng suy nghĩ của chính mình là xong. Vì vậy cho nên đạo Phật mới nói rằng, đời sống con người chỉ là giả tạm, và nó như là một giấc mộng vậy. Vì rồi tất cả mọi thứ sẽ thay đổi và hủy diệt hết. Bởi vì bản chất của vật thể thuộc các pháp hữu vi, là chuyễn động không ngừng. Và chính vì nó luôn chuyễn động, cho nên nó cũng luôn sinh diệt không ngừng trong thực tại.

 

Nhưng nói như thế thì chúng ta sẽ hy vọng gì ở đây.

 

Vì rằng bản chất của tinh thần hữu vi cũng sinh diệt không ngừng. Vì nó không phải là pháp vô vi niết bàn vô sinh bất diệt. Vì bởi chỉ có đức Phật mới chứng được pháp vô vi bất sinh bất diệt này thôi. Cho nên trên con đường tu tập hướng đến Phật quả Chánh Đẳng Chánh Giác, thì con người luôn luôn phải chịu sự chi phối của quy luật vô thường. Có nghĩa là từ tinh thần cho đến thể xác của con người chúng ta, đều bị sinh tử luân hồi cuốn đi bất tận. Mà tất cả những điều này chỉ xảy ra trong tư tưởng của con người chúng ta thôi, chứ thực chất thì nó hoàn toàn khác hết.

 

Và hãy nhớ! Cả vật chất và tinh thần đều không mất đi, mà nó vẫn hằng tồn tại quanh đây, như những vật thể khác và linh hồn khác với chinh nó. Vì cây cối đất đai sông hồ núi rừng ở đây, cho đến cái bàn cái tủ cái ghế cái nhà kia, đều có chứa quá khứ vị lai của chúng ta trong đó. Và Khi chúng ta đã trở về với đất, thì chúng ta cũng sẽ trở thành những cái đó, để có mặt trên đời này như vậy đó.

 

Còn linh hồn của chúng ta cũng thế. Vì trước kia chúng ta đã sống làm người, nhưng hôm nay chúng ta đã trở thành những chúng sanh khác, vẫn đang có mặt nơi đây. Vì bản chất tự tánh của chúng ta là có thật, là không sanh không diệt, nên nó vẫn còn mãi nơi này như vậy. Nhưng cái hình tướng của chúng ta là giả tạm, nên nó luôn thay đổi từ cái này sang cái khác không ngừng. Và chúng ta khổ đau là do luôn hoảng sợ bởi những thay đổi này. Là bởi vì chúng ta chỉ trụ trong một khoảng thời gian rất ngắn, so với cái khoảng thời gian sinh diệt rất dài của trời đất này vậy.

 

Do đó chính nhân quả đã tạo ra sinh diệt tuần hoàn trong vũ trụ này. Và bản chất của nhân quả cũng chính là một mà thôi. Vì nhân này là cái quả kia, và cái quả kia cũng chính là cái nhân nọ. Và cứ thế kế tiếp nhau kéo đi mãi, trong một vòng tròn luân hồi không bao giờ dứt. Vậy thì duyên khởi nằm ở đâu trên một loạt “phản ứng dây chuyền” đó. Và nó có phải chăng cũng chính là một trong những hiện tượng sinh diệt đó hay không.

 

Vậy cho nên nếu tinh thần con người còn nằm trong giới hạn hữu vi, thì vẫn phải còn nằm trong cái vòng sinh diệt này mãi mãi. Và sự tướng sinh diệt của nó cũng chỉ có vậy thôi. Có nghĩa là nó rất đơn giản, như cái này sinh, thì cái kia sinh, và cái này diệt thì cái kia diệt. Và đồng thời cả hai cái đó vẫn đang trộn lẫn với nhau. Mà người đứng ở bờ bên này thì thấy khác, còn người đứng ở bờ bên kia thì thấy khác. Vì rằng chúng ta luôn nhìn nhận nó dưới nhiều giả thuyết khác nhau, nên chúng ta mới thấy nó là nhân là quả, là sinh là diệt, là duyên khởi là duyên sinh. vv và vv…

 

Tuy nhiên cái này sinh ra, thì trong đó cũng có cái kia đã diệt, và ngược lại cũng vậy. Là trong cái này diệt, thì luôn khai phóng cho một cái khác sinh ra. Và đó chính là hai mặt của một hiện tượng biến đổi của vật chất trong thực tại. Và còn nếu như có sự sinh diệt xảy ra kiểu dây chuyền, như những quân bài đô mi nô, thì đó cũng chỉ là ảo tưởng. Vì thực tế cái gọi là “vô minh” chỉ là nằm trong suy nghĩ của con người mà thôi. Cho nên “vô minh” mãi mãi là vô hình, và nó sẽ không có khả năng tác động trực tiếp đến thực tại được.

 

Nhưng vấn đề cần nói ở đây rằng. Nếu chúng ta nhìn vấn đề theo kiểu nhân quả, thì đó là những vấn đề thuộc về tục đế rồi. Còn nếu chúng ta nhìn vấn đề theo kiểu duyên khởi vô ngã, thì đó là vấn đề thuộc chân đế. Vì khi bạn nhìn cái gì ở chân đế, thì có nghĩa là bạn đã nhìn thấy vấn đề rộng thoáng hơn, không còn câu chấp vào đối tượng nào cả. Do đó khi nhìn vấn đề ở đây, thì chúng ta sẽ không còn đối tượng để đổ thừa cho nó nữa. Vì vấn đề của chân đế là vấn đề chung của trời đất rồi. Đó là điều tự nhiên tất phải xảy ra như vậy thôi.

 

Và cái sai lầm lớn nhất của người tu đạo, là luôn nhầm lẫn giữa chân đế và tục đế mãi. Cho nên chúng ta đã khơi lên những hệ giá trị cao siêu này kia, nhưng chúng ta hoàn toàn không biết cách, để giải quyết vấn đề hiện tại của mình như thế nào. Vì nếu bạn chấp nhận vấn đề của chân đế là thực, thì bạn phải thấy cái tục đế là giả tạm. Vì thế nói gì thì nói, thì bạn cũng phải biết cách thích nghĩa rõ ràng, cho cái chân đế kia là gì. Chứ không thể khơi khơi bạn nói đạo là hư không, không không như vậy đó là xong.

 

Vì cái gì có sự tác ý, hay tính toán chính xác được thì đều là tục đế cả.

 

Ví dụ những cái gì chúng ta tính toán được chính xác, và quyết tâm thực hiện nó bằng được, thì đó là vấn đề chủ động của con người, mang tính chiến thuật mà thôi, và cái đó thuộc về tục đế. Vì đó là những vấn đề ở dưới đất. Còn những cái gì chuyễn động theo các quy luật tự nhiên, và sự thay đổi của thực tại. Là chúng ta không thể tính toán cho chính xác được, thì đó là các vấn đề thuộc chân đế ở trên trời.

 

Tuy nhiên, mặc dù chúng ta tính toán để thực hiện nó không chính xác được, nhưng chúng ta luôn phải hướng về nó, như là những định hướng đúng đắn nhất. Và chiến lược là để định hướng, chứ không phải là để thực hiện. Vì chiến lược là tĩnh, còn chiến thuật là động. Và vấn đề tục đế và chân đế cũng vậy. Vì nếu bạn lẫn lộn hai cái này, thì bạn tu ngàn kiếp vẫn như không thôi.

 

Vì thế nếu chúng ta nhìn xa trông rộng, là phải nhìn theo hướng chiến lược. Là phải dựa vào khuynh hướng phát triển của thời đại mà nương theo nó, một cách khách quan. Là nhìn thấy vấn đề tương đối thuộc chân đế rồi. Còn nếu không bạn cứ hoạch định những chiến lược, hoàn toàn chủ quan theo ý thích của mình. Rồi bạn nhất quyết phải thực hiện nó, cho chính xác như lý thuyết đã đề ra, thì sẽ sai lầm hoàn toàn. Vì thế triết học phương tây, do không thể có cái nhìn chân đế như minh triết phương đông được. Cho nên các loại triết học đó để cải tạo đời sống thì đều thất bại cả. Là vì nó giải quyết vấn đề lớn một cách chủ quan, theo ý thích của con người. Chứ nó không theo những vận hành của quy luật tự nhiên của trời đất.

 

Do đó chúng ta thấy rằng: Khi đến với đạo, những bài học về nhân quả là cần thiết. Nhưng đó cũng chỉ là những quan điểm, còn phải có cái mốc khởi đầu để nương vào đó mà tu, rồi sẽ có đích cuối cùng để mà tới. Và đó là những vấn đề còn thấp thuộc tục đế mà thôi. Vì rằng chúng ta đi tu là để thành Phật, hay để kiếp sau được hưởng phước giàu sang. Hoặc là để mau tiến bộ trên con đường thoát khỏi sanh tử luân hồi. Hay là cố tu để được vãng sanh lên thế giới Tây Phương Cực Lạc. Và những vấn đề ở đây đều thuộc “ý muốn” của chúng ta cả. Là tác ý phan duyên muốn tu cho được như thế. Cho nên chúng ta đi tu ở đây, là bằng sự thúc đẩy của cái bản ngã của mình. Chứ hoàn toàn không phải là những bức bách tự nhiên, của con người cần được giải thoát khỏi khổ đau chính đáng.

 

Và vì thế cho nên chúng ta đi tu, là rất khó đạt được những thành quả tự nhiên như của chư Phật đạt được. Vì những thành quả đó của các Ngài, vốn là không do tác ý phan duyên gì hết thì mới có được. Cho nên mọi việc của đạo là phải nhận thức, ngược lại hết với những quy luật nhân quả tục đế thông thường. Vì nếu bạn không mong cầu gì cả thì mới có được đạo. Điều này có nghĩa là, do bạn đã chẳng tạo ra cái nhân gì cho nó cả, nhưng tự nhiên bạn lại thành tựu quả vị niết bàn, thì đó mới chính là pháp vô ngã thuộc chân đế tối thượng rất khó hiểu vậy.

 

Vậy thì vấn đề tu hành chân chính là phải xét theo duyên khởi, duyên sinh và vô ngã. Chứ không phải cứ xét theo kiểu một chiều “nhân quả” mãi đâu. Tại vì lúc nào chúng ta cũng hiểu một cách nằm lòng rằng. Tại vì cái nhân nó như vậy, cho nên cái quả của nó phải như vậy thôi. Còn những cái gì chúng ta không thể giải thích được trong hiện tại, thì lại đổ thừa cho kiếp trước, kiếp trước kia nữa là xong. Và tu hành học đạo, mà luôn gắn với những quan điểm theo kiểu mặc định như thế, thì cũng bằng không. Vì rằng suốt đời bạn chỉ cứ lý luận Phật pháp, trong cái vòng tục đế nhị nguyên mà thôi.

 

Do đó có người chưa học đạo ngày nào, chưa biết vô ngã là gì, nhưng họ có một tình yêu mạnh mẽ, hồn nhiên và tràn đầy với cuộc đời này. Thì đó chính là bắt đầu bước vào cái vòng nhân sinh vô ngã rồi. Và khi bạn biết Phật pháp, và nhận thức vấn đề là vô ngã là tự nhiên không tác ý. Và cứ thế mà bạn tiến lên đỉnh đầu của khối khổ đau chất ngất một mình thôi. Bạn cứ lầm lũi đi trong bóng tối tù đày suốt dọc theo năm tháng tuổi trẻ của mình. Mà bạn không hề biết rằng ngoài kia người ta tính toán đủ thứ hết chứ bộ. Do đó những cố gắng miệt mài theo kiểu vô ngã của bạn đã được đền đáp. Là đến một ngày đủ duyên lành, thì bạn đã hoát nhiên đại ngộ. Cho dù bạn chưa bao giờ nghĩ mình đã cố gắng là để đạt được như thế.

 

Cho nên một con người có thiên tính, là một con người có nhiều may mắn hơn là có tài năng gì đó. Vì rằng bạn đang sống dưới mặt đất, mà bạn suốt ngày cứ suy nghĩ việc trên trời, thì hỏi làm sao bạn tồn tại cho được đây. Vì sống trên đời ai cũng phải tự lo liệu toan tính đủ thứ, thì mới tồn tại được chứ. Nếu không bạn sẽ bị cuộc đời độc ác này dìm chết ngay. Và vì bạn có thiên tính, cho nên lòng chân thành của bạn đã động thấu trời xanh. Vì thế dù có bao nhiêu tai nạn bạn cũng không sao. Nhưng qua đó chúng ta phải biết rằng. Sống trên đời là phải yêu chính cuộc đời của mình, dù sướng dù khổ gì thì mới tồn tại được. Nếu không bạn sẽ thấy cuộc sống này, thật nhàm chán và vô nghĩa biết bao. Và đó chính là điều đau khổ nhất, mà con người chúng ta phải chịu đựng ở cõi thế này.

 

Tuy nhiên làm người không dễ gì, chúng ta có thể thoát ra được những quy luật tục đế ràng buộc mình. Để nhận thức được mình và mọi người đều do duyên sinh, duyên khởi mà có, chứ không phải là nhân quả. Vì khi bạn hiểu vấn đề theo kiểu nhân quả, thì tất nhiên nó sẽ có sự phân biệt rằng, là có ác và có thiện. Và chúng ta biết rằng. Nếu cái ác nhìn theo nghĩa tốt đẹp, thì chính nó là để cảnh báo và răn đe chúng ta, không được làm việc ác nữa. Còn cái thiện là để dẫn dụ và khuyến khích chúng ta, đi vào con đường tốt lành nhất. Và đó dĩ nhiên cũng là những vấn đề tục đế, để thử thách cho cái bản ngã của chúng ta mà thôi.

 

Vậy nên Bồ Tát dấn thân hành trì 6 pháp ba la mật, nhưng hoàn toàn không biết mình hành trì 6 pháp ba la mật đó gì cả, thì mới đúng là Bồ Tát đã hành trì 6 pháp ba la mật.

 

Và điều đó có nghĩa là, nếu cái bản tâm như thị của bạn là toàn thiện, thì bạn tu học và hành đạo cũng chẳng cần biết đến nhân quả làm gì cho mệt. Vì mọi việc làm của bạn, rồi cũng sẽ tan biến trong cõi đời hư không này, như những cơn gió lớn đã thổi bay đi những đám mây đen u ám trên bầu trời. Và đó chính là duyên khởi để mở ra một thời đại mới tinh khôi. Với những quan điểm mới, để đánh đổ những quy ước ràng buột cứng ngắc, do tư tưởng chủ quan của con người tạo ra. Và điều đó đã xảy ra, như một thiên mệnh của thời đại, chứ nó không hề là do con người tác ý mà có được.

 

Vậy cho nên khi học đạo, với những bài giảng của Thế Tôn. Và chúng ta biết cái này cái kia trên danh tự, mà không biết và hằng sống với cái nghĩa lý của nó, thì chúng ta cũng không thể hiểu nó được. Vì tất cả các pháp của Thế Tôn, nói cho cùng đều là các pháp tục đế, để cải tạo con người trở thành bậc thánh nhân. Và nếu như khi chúng ta giác ngộ và đã hiểu được các pháp đó rồi, thì chúng ta sẽ thấy nó chính là các pháp chân đế rất là vi diệu.

 

Vậy thì vấn đề duyên khởi và vô ngã, là những pháp chân đế gắn liền với nhau, trong một thế giới vô sở trụ hoàn toàn của tâm. Vì nó chẳng nói do nhân này nhân kia, mà sanh ra quả này quả kia. Tuy nhiên trong cái không có gì để trụ, là có nghĩa nó không có điểm khởi đầu và điểm sau cuối, để chúng ta nhận định và đánh giá nó như thế nào. Là bởi vì nó không cần xác định đối tượng gì gì đó, trên cái vòng tròn luân hồi, luôn chuyển động vô cùng kia. Vì rằng nó đã biết cái vòng luân hồi đó hết rồi, cho nên bây giờ nó không cần biết tới nó nữa.

 

Và điều này là rất cần thiết cho người học đạo. Vì rằng có những việc chúng ta không cần đến nó nữa, còn quan trọng hơn là phải có nó để làm cái gì đó cho mình. Và chính vì sự tròn đầy viên mãn của đạo là ở cái nghĩa lý này đây. Vì khi anh đã bị mất hết rồi, thì sự trống không kia đã trở thành sự tròn đầy của cái vô hình thuộc tinh thần. Vì đó có thể là sự thất vọng đau thương đối với kẻ phàm phu, hoặc là sự hân hoan không còn bị trói buộc nữa đối với con người tự do. Cho nên người học nhiều nhất, chính là người không còn vướng mắc vào những quan điểm lý luận tục đế mà mình đã học.

 

Do đó nếu chúng ta biết cách nhìn vấn đề theo kiểu duyên khởi và vô ngã, thì quả nhiên sự sinh diệt cũng sẽ bị triệt tiêu. Vì rằng không thể bàn vấn đề nhân quả ở đây, thì còn nói gì là sinh diệt nữa. Nhưng như ở trên mà xét. Thì khi chúng ta nhìn vấn đề sinh diệt, và bên trong nó cũng có cả nhân quả luôn. Và như thế thì khi chúng ta cũng nhìn vô cái đó, để thấy duyên khởi là như thế nào đây. Vì rằng cái nhìn này cũng không tác ý mà thành, nên chúng ta rất khó lý giải cho rõ ràng được.

 

Cho nên vấn đề lúc này chúng ta chỉ có thể nhìn thấy nó, như một quá trình vận động của các pháp hữu vi lướt trôi qua mà thôi. Và đó chính là một dòng sông, trôi về hướng thành tựu của cái toàn thiện. Chứ chúng ta không còn nhìn thấy nó như những đối tượng riêng biệt, hay là những hiện tượng sinh diệt gì đó nữa. Vì có thể nói cái nhìn này, là cái nhìn vào nó mà không thấy gì hết, thì cũng đúng luôn. Vì đó là cái nhìn vô ngã của chân đế tối thượng mà.

 

Vì rằng khi chúng ta luôn nhìn vào đối tượng, bao giờ cũng là cái nhìn tục đế. Còn nếu như chúng ta có cái nhìn vào cái toàn thể có chứa nhiều vấn đề hơn, thì đó chính là cái nhìn chân đế. Cho nên khi chúng ta sống với nhiều khó khăn đau khổ trên đời. Là bởi vì chúng ta không biết thay đổi cách suy nghĩ của mình, trước một dòng đời luôn thay đổi rất nhanh. Bởi vì cái suy nghĩ tục đế mãi mãi chỉ là một ảo tưởng do con người tạo ra mà thôi.

 

…………………………………………………………..

 

Không nên mơ mộng trên trời. Vì trên trời là vô sở trụ không có cái gì để bám víu hết.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập