Tránh Xa Ác Khẩu (Phẩn 1)

Đã đọc: 830           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Quả báo có thể xảy ra trong kiếp này hay nhiều kiếp về sau: chỉ cần nhìn quả báo của lời nói “chế nhạo” - một dạng ác khẩu tương đối nhẹ hơn các dạng ác khẩu khác- ở câu chuyện kể trên để suy ra quả báo của những lời nói độc ác khác.

Đức Đạt Lai Lạt Ma có lời dạy như sau:         

“Ác khẩu, mãi mãi đừng để nó thốt ra từ miệng chúng ta, cho dù người ta có xấu bao nhiêu, có ác bao nhiêu. Anh càng nguyền rủa họ, tâm anh càng nhiễm ô. Anh hãy nghĩ họ chính là thiện tri thức của anh.”.         

Chúng tôi thấy lời khuyên hay quá, cần ghi nhớ để thường xuyên thực tập, sao cho đỡ vướng nghiệp khẩu nên đã cố chuyển thành văn vần, cốt học cho mau thuộc, nhớ lâu. Đồng thời, chúng tôi đã ghi thêm vài chi tiết nhỏ cần thiết để tự nhắc lại mình như sau:         

Tránh Xa Ác Khẩu         

Độc mồm: mãi mãi tránh xa,

Cho dù người ác với ta thế nào!

Rủa nguyền họ, được gì đâu!

Tâm ta ô nhiễm, chuốc sâu oán hờn.

         

Chi bằng xem họ: ân nhân,

Giúp ta nhẫn nhục, tránh phần hơn thua.

Thực hành như vậy, tuyệt chưa!

Tâm ta nhẹ nhõm, lại ngừa tội tăng.

         

Bệnh tình khó nhập vào thân,

Người người quý nể, còn chần chờ chi!

Vậy nên phải luôn nhớ ghi:

Nhận ra nói ác tức thì ngừng  ngay.

—-------------------------------------------- 

Tác hại của ác khẩu:

 

Người thường nói xấu kẻ không ưa.

Thử ngẫm lại xem mình tốt chưa?!

Trước hết, bị người ta trách móc:

Là người lắm chuyện, chẳng ai chừa.

***

Lạy Phật, làm lành, trì chú luôn.

Mà sao Nghiệp khẩu, lại không buông.

Cứ đi nói xấu, thị phi mãi...

Làm sao Phật đón đến Tây Phương.

***

Ác khẩu với ai, phải nhớ là:

Rất nhiều độc tố sẽ sinh ra.

Còn như người nhận không thèm biết.

Giận tức sẽ hồi lại phía ta.

***

Độc tố hàng ngày cứ tiết ra.

Dần dần tích trữ, tháng ngày qua.

Đó là chứng cớ sinh nhiều bệnh.

Nếu biết giữ gìn, bệnh tránh xa.

***

Ác khẩu, coi chừng, phải tránh thường.

Nếu không, rồi sẽ gặp tai ương.

Chết về địa ngục, theo hình phạt:

Cắt lưỡi, Xé mồm... nát tựa tương. (1) 

(1): (Ý những câu thơ trên lấy từ đường link:

https://www.phattuvietnam.net/chuyen-ke-ve-dia-nguc/

“Lại có ngục tội hồn bị quỷ xé miệng, cắt lưỡi, chọc sắt nóng vào mồm.v.v… vì

tội khinh chê dè bỉu, ăn không nói có, thị phi nhiều chuyện, chửi mắng hỗn

xược…” 

Ác khẩu là căn bệnh mà nhiều người, trong đó có cả người viết, mắc phải gần như hằng ngày, lại không hề hay biết hoặc có biết nhưng không cho đó là một tính xấu cần dẹp bỏ nên cứ tái diễn hoài hoài. Hơn nữa, phần lớn lại không biết hay không tin có quả báo của “ác khẩu”. Do đó, chúng tôi cố gắng tìm hiểu rộng hơn để thấy lời nói như thế nào được kê vào hàng ác khẩu, vừa giúp mình tránh xa và vừa giúp bạn đọc nào tin, cần ghi nhớ để thực hành.

Ta thường thấy, với một người không biết kìm hãm sự tức giận, một khi có kẻ đối xử xấu, ác với mình, chắc chắn người ấy sẽ buông ra những lời nguyền rủa, mắng nhiếc, chửi bới, mạt sát...thậm tệ kẻ kia. Nếu việc làm ấy cảm thấy chưa hả dạ thì thế nào họ cũng tìm cớ trả thù bằng cách dùng những lời nói xấu, thêu dệt, đâm thọc, chia rẽ, vu khống,... nhắm vào đối phương. Theo thiển ý, đây cũng là những lời ác khẩu. Vì ta thử ngẫm mà xem tất cả những lời nói đó đều đưa đến cho người nghe sự ác cảm với người bị nhắc đến. Cho nên chỉ là một lời chế nhạo thôi cũng bị xem là ác khẩu và bị quả báo nặng nề.         

Đó là câu chuyện “ác khẩu và quả báo” kể lại sự việc xảy ra ở thời tiền thân của vị tỳ kheo tên là Mật Thắng, sống vào thời Đức Phật Thích Ca.         

Đức Phật kể lại như sau: “... vị tỳ kheo trẻ tuổi, tình cờ thấy một vị tỳ kheo khác băng qua một con suối nhỏ, vị trẻ tuổi bèn cười chế nhạo, bảo là dáng điệu của vị tỳ kheo kia giống hệt như con khỉ. Vị tỳ kheo trẻ tuổi đã phạm tội ác khẩu nên đã bị đọa xuống làm khỉ...” (Theo “Ác Khẩu và Quả báo”:www.lieuquanhue.vn)         

Phải biết nghiệp khẩu rất quan trọng nên trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, Đức Phật có dạy mười điều cần tránh cho thân, khẩu, ý thì “khẩu” đã chiếm hết bốn, còn “thân” và “ý” mỗi thứ có ba, xin được tóm tắt cho dễ nhớ như sau:         

Tập tu cho được mười điều lành:

Không trộm cắp, tà dâm, sát sanh,

Không dệt thêu, đâm thọc, dối gạt, (1)

Không ác khẩu và tham, si, sân.         

Suy ngẫm, ta mới thấy cái miệng là bộ phận trong cơ thể con người gây nhiều ác nghiệp nhất hằng ngày. Lời nói ác khẩu theo nghĩa rộng như vừa trình bày, thật rất khó để khỏi vấp phải. Nhưng người nào làm sai và nhận nó được sớm để dừng lại, đó là người mau chóng trở thành người tốt. Còn bị sai lầm, vẫn khăng khăng không chịu nhận, thật khó thành tốt được. 

Làm sai, biết lỗi, nhận liền,

Ấy người độ lượng, chẳng phiền lụy ai.

Đã sai, còn cãi dằng dai,

Bướng ngang, kiêu ngạo, chẳng ai trọng mình.                             

Sửa lầm lỗi thật nhiệt tình,

Đó là việc lớn sửa mình, được khuyên. 

Bây giờ xin bàn qua về hậu quả của ác khẩu.

Hậu quả ở hiện đời: Những ai mắc phải bệnh ác khẩu sẽ bị mọi người khinh rẻ, xa lánh. Lại nữa, một khi mắng nhiếc, chửi bới.... ai thì tâm sẽ hừng hực như lửa đốt trong lòng nên bao nhiêu uất ức, tức bực phải xổ ra cho bằng hết mới đã nư. Trước mắt, người đó đã rước bệnh vào thân vì khi nóng giận, cơ thể sẽ sinh ra độc tố. Nếu công năng giải độc của người đó yếu, lâu ngày sẽ tạo thành bệnh như “ loét bao tử, rối loạn tiêu hóa, táo bón, cao huyết áp, rối loạn tim mạch, thậm chí ung thư.” (Trang 10- Hạn Chế Sân Hận. Trải Rộng Tình Thương, Tác giả: Tỳ khưu:Visuddhàcàra. Biên dịch: Minh Tâm).

Vậy nên chúng ta luôn nhớ câu sau đây, người nào đó nói thật chí lý, để cố gắng bỏ, đừng giận ai nhiều làm gì: “Giận là đem lỗi lầm của người khác trừng phạt bản thân mình”.

Thứ đến, nếu lúc buông lời ác khẩu lại có đối tượng ở trước mặt thì biết bao tình huống xấu có thể sẽ xảy ra như khẩu chiến, ẩu đả gây nên thương tích hoặc chết người...       

Quả báo có thể xảy ra trong kiếp này hay nhiều kiếp về sau: chỉ cần nhìn quả báo của lời nói “chế nhạo” - một dạng ác khẩu tương đối nhẹ hơn các dạng ác khẩu khác- ở câu chuyện kể trên để suy ra quả báo của những lời nói độc ác khác.

Tuy nhiên, ai phạm tội ác khẩu mà nhận biết ra sớm và sám hối, tất nhiên tội sẽ được giảm bớt hoặc tiêu trừ tùy vào sự thành tâm của mình.

Xin được ghi tiếp đoạn sau của câu chuyện nhà sư trẻ vừa kể trên để thấy tác dụng của sám hối: 

“Nhưng sau đó thầy ấy biết lỗi lầm của mình, đến xin sám hối với vị tỳ kheo mà mình đã chế nhạo. Nhờ thắng duyên ấy mà kiếp này ( Tỳ kheo Mật Thắng: chú thích của người viết) mới được gặp Phật và được Phật độ, chứng quả A La Hán một cách nhanh chóng.”      

Ác khẩu, theo nghĩa rộng, là căn bệnh rất khó chữa, không thể một sớm một chiều, có thể trừ sạch được đâu. Nếu ai có quyết tâm trừ bỏ, hy vọng bệnh sẽ bớt. Xin đọc phần sau đây để áp dụng xem sao.      

Trước tiên, xin nói về loại ác khẩu của người thích nêu cái sai của người khác hoặc thích phê bình, chỉ trích... Đây là điều mà chư Thầy, Tổ trong các bài giảng, dạy Phật tử không nên làm. Vì nêu cái sai của ai, tức là nói xấu người ấy. Vậy là trong tâm đã có ý gây mối bất hòa, chia rẽ giữa người bị nhắc đến và người nghe. Ai thật lòng muốn bỏ tật kể lỗi người, xin học lời khuyên thật hay của Ấn Quang Đại Sư như sau: “ Khi tĩnh tọa thường nghĩ đến điều lỗi của mình. Lúc nhàn đàm đừng bàn đến điều sai trái của người”. Xin được viết lại bằng mấy câu văn vần và thêm một chút để khắc sâu: 

Nên nghĩ lỗi mình lúc tĩnh tâm.
Không nêu lỗi xấu lúc nhàn đàm.
Tập tu được vậy cho tiêu nghiệp.

Nghiệp khẩu còn vương hại xác phàm.         

Nếu có nhiều người hưởng ứng thực tập TRÁNH XA ÁC KHẨU mỗi ngày và nhận thấy có đem lại kết quả, chúng tôi xin đem công đức này hồi hướng cho tất cả pháp giới chúng sanh tương lai đều trọn thành Phật đạo.         

Thành thật cám ơn quý vị đã đọc bài viết và cố gắng thực hành./.                                                                     

         

         

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập