Thân Cận Người Trí

Đã đọc: 5149           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image Hình minh họa kinh Pháp Cú

Đức Phật giới thiệu các bậc trí trong kinh điển Nguyên thủy, Nikaya cho đến các bậc trí trong kinh Bát Nhã, kinh Phổ hiền để chúng ta thân cận, học theo và nỗ lực thực tập cho đạt kết quả tốt đẹp trong cuộc sống của chính mình, không phải thân cận học theo trí thế gian để bị vướng mắc mãi trong vòng sanh tử luân hồi khổ đau.

 ( Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 36 tại chùa Phổ Quang ngày 03-09-2008)

 

Kinh Pháp Hoa dạy rằng người tu muốn giải thoát phải từ bỏ quyến thuộc ngu si, thân cận người trí, nhiếp niệm ở núi rừng, thường nghĩ đến Phật. Có người hiểu lầm rằng từ bỏ quyến thuộc ngu si là từ bỏ gia đình. Nói tới gia đình hay cha mẹ, Phật giáo ngày báo hiếu trong mùa Vu Lan, theo đó Đức Phật dạy chúng ta cần ghi nhớ bốn ơn, mà công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ là ơn lớn nhất không được quên. Cha mẹ sanh thành khác với cha vô minh, mẹ phiền não. Như vậy, từ bỏ quyến thuộc ngu si nói cho đúng là từ bỏ vô minh phiền não và thân cận người trí chỉ cho thiện tri thức, không thân cận thầy tà bạn ác. Nho giáo cũng dạy rằng sanh ta là cha mẹ, dạy dỗ chúng ta là thầy bạn. Không có cha mẹ thì chúng ta không thể có thân nay và không có thầy bạn, chúng ta không nên người.

          Ý thức rằng cha mẹ vô minh phiền não và thầy tà bạn ác dẫn chúng ta vào đường tội lỗi, chúng ta nghĩ đến thầy hiền bạn tốt và gần gũi những người này, mới nghe được lời dạy đúng đắn, giúp chúng ta thành đạt trong cuộc sống. Thành đạt có hai hướng, thành đạt theo người thế gian là học hành đỗ đạt, làm quan, làm tướng, làm nhà kinh doanh phát đạt, v.v… thì cũng tốt; nhưng sự thành công này chỉ giả tạm, nhất thời mà thôi, nay thành mai bại, ở trong sự thành đạt sinh diệt của thế gian vô thường.

          Sự thành đạt mà người đệ tử Phật cần thấy biết, quan tâm và hướng tời là các bậc tam hiền tứ quả giải thoát; vì mục tiêu của chúng ta là phấn đấu trên bước đường tu là phải đạt được sự giải thoát như các Ngài. Thật vậy, người trí là hàng tam thừa tứ quả đã giải thoát. Tam thừa là Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát. Tứ quả của Thanh văn là Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán. Tứ quả của Bồ tát là hàng Bồ tát thập trụ, Bồ tát thập hạnh, Bồ tát thập hồi hướng và Bồ tát thập địa.

          Vì vậy, sự thành đạt của chúng ta là thân cận, học hỏi và gặt hái được những tinh ba của pháp mầu từ các bậc trí nhân là hàng tam thừa tứ quả giải thoát Tăng. Từ tiêu chuẩn như vậy, chúng ta nhận thấy nếu là hàng Thanh văn, thì tối thiểu phải được giải thoát để chúng ta học theo. Nghĩa là họ không bị sự ràng buộc của thân xác và tinh thần, mà chúng ta có thể học với họ thành quả giải thoát đó. Còn người thực sự thành đạt theo thế gian như những chính trị gia, thương gia, hay đại gia, mặc dù họ nắm quyền lực tối cao về chính trị hay kinh tế, nhưng chúng ta nhận thấy cuộc sống họ toàn là khổ cộng thêm khổ, luôn bị mất ăn mất ngủ, nhức óc, mệt tim, v.v… vì phải tính toán, đối phó đủ thứ. Khi chưa thành đạt, họ phải cố tranh thủ cho được; khi thành đạt rồi thì họ phải cố giữ gìn, bảo vệ, thậm chí còn muốn bành trướng hơn nữa và đến khi mất mát, họ tuyệt vọng, khổ đau. Cuộc sống thành đạt theo thế gian như vậy, chúng ta không muốn đi theo. Thực tế lịch sử đã cho thấy người thành đạt cao nhất thế giới như nhà độc tài Hitler, ông đã huy động được sức mạnh của toàn nước Đức để tấn công các nước lân cận một cách dễ dàng, nhưng cuối cùng chấm dứt thế chiến thứ hai, ông phải chết thê thảm. Hoặc Sada Hussein từng được coi là người hùng để rồi bị treo cổ kết liễu cuộc đòi. Sự thành đạt về chính trị như vậy thật đáng sợ. Ở đất nước chúng ta, có một thời những người thành đạt về kinh tế nổi tiếng như Minh Phụng, Nguyễn Văn Mười Hai, hoặc Năm Cam, nhưng cuộc đời của họ đều kết thúc một cách thê thảm. Chúng ta gạt sang một bên, họ không phải là người trí mà chúng ta muốn thân cận.

          Người trí mà chúng ta muốn thân cận không bị vật chất và tình cảm chi phối. Một nhà hiền triết Ấn Độ đã nói rằng con người chỉ đáng tôn quý khi họ chinh phục được nội giới và ngoại giới. Chinh phục được ngoại giới giống như các nhà khoa học chinh phục được các hành tinh, đạt được hiểu biết lớn lao. Nhưng chinh phục được nội giới của các nhà tu hành, như diệt trừ được tham vọng thì càng vĩ đại hơn gấp bội.

          Như vậy, chúng ta có quan sát và suy nghĩ về việc làm của người trí để thân cận. Người thắng được thiên nhiên bên ngoài theo Phật là đã được quả vị Tu đà hoàn, tức vượt được sự hàn nhiệt cơ khát, không bị vật chất chi phối. Trong khi người giàu có theo thế gian tuy cuộc sống dư thừa của cải, nhưng họ luôn bị vật chất lẫn tình cảm tác hại, bị phiền não quấy rầy. Thực tế chúng ta thấy các vị Thánh La Hán không có tiền, không có vật dụng, thậm chí không lệ thuộc miếng ăn, một ngày một bữa cơm đạm bạc, hoặc hai, ba ngày dùng một bữa cũng không sao, lúc nào họ cũng an lạc, giải thoát.

          Chúng ta tu học cần thân cận những người có đời sống thanh thoát như vậy. Riêng tôi hành đạo được đến ngày nay nhờ biết gần gũi người tu không đặt nặng việc ăn, mặc, ở và được giải thoát. Họ không lệ thuộc đói khát, vì đã chinh phục được thân tứ đại, làm chủ được thân tứ đại, thực tế là cả ngày họ không cần uống nước, hoặc không ăn vài ngày cũng khỏe mạnh như thường. Có vị làm việc không mệt, không cần ngủ là đã chinh phục được ngoại giới. Tôi cố gần gũi học hỏi để biết vì sao họ có cơ thể kỳ diệu mà mình thực tập theo.

          Về nội giới, Đức Phật dạy chúng ta tu 37 trợ đạo phẩm và từng bước đi lên. Đối với nội giới, tâm là chính yếu. Tâm có chơn tâm và vọng thức. Chinh phục nội giới là chinh phục được vọng thức. Vọng thức chủ yếu là do sáu căn tiếp xúc với sáu trần sanh ra hiểu biết của con người. Tuy con người hiểu biết hơn các loài khác, nhưng Đức Phật dạy rằng hiểu biết này không chính xác và thường gây phiền toái cho chúng ta. Vì vậy, người ta thường nói thà không biết còn hơn, hoặc biết ít thì khổ ít, không biết thì không khổ. Người khác làm gì, mình không bận tâm; vì cái biết về người, về việc của người khiến mình bắt đầu phân biệt, phê phán và tự đau khổ. Thiết nghĩ họ làm gì là việc của họ, chẳng liên quan gì đến ta, nhưng tại sao ta lại tự rước lấy cái khổ, quả là đáng thương hại!

          Chinh phục ngoại giới là vượt qua được hay làm chủ được bốn việc: đói, khát, nóng, lạnh; nhưng chinh phục nội giới là chinh phục được tình cảm của chính mình, tức tình cảm ủy mị, lúc nào cũng buồn, giận, lo, khổ.

          Đi vào cửa Phật, Tu đà hoàn thuộc cấp bậc thấp nhất trong hàng đại trí, đã thoát khỏi sự chi phối của hàn nhiệt cơ khát và an trụ pháp Không, tức nhân không, pháp không và tất cánh không. Tâm họ vắng lặng, vì thấy biết rõ thế giới sanh diệt, nên không bận tâm và hướng về vô sanh, trở về chơn tâm. Khi sống với chơn tâm mà nhìn ra thế giới sanh diệt, thấy tất cả mọi người đều đáng thương.

          Trong kinh Hoa Nghiêm đưa ra hình ảnh Tỳ kheo Hải Vân nhiếp niệm ở núi rừng, tức ngôi yên, vắng lặng và quán sát biển khổ trần gian, thấy đủ các loại hình chúng sinh đang bị dày xéo bởi vô số khổ đau, quy lại là khổ đau xuất phát từ tham vọng của con người. Ngài thấy rõ không có khổ, hay không đáng khổ, nhưng chúng sinh tự tạo khổ cho họ, thì thật vô lý, đáng thương hại. Nói cụ thể như quý vị tu hành ở đạo tràng này, chắc chắn không khổ gì cả, không phải lo lắng gì cả, buổi trưa có người phục vụ tận nơi cơm ăn, nước uống. Nhưng giả sử một người nào đó đang ở trong đạo tràng này, lại khởi nghĩ rằng phải như thế này như thế kia thì họ đã tự làm khổ bằng chính vọng tường điên đảo của họ.

          Bậc trí trụ ở chơn tâm mà quán vọng thức, hay ở vô sanh nhìn sanh diệt, là đã đi vào lộ trình Phật dạy, sống với một phần trí tuệ của Phật. Vì vậy, đối với người tu, trí tuệ là sự nghiệp của đời họ. Trên bước đường tu, đương nhiên họ phải nhờ thiện tri thức khai ngộ, nhưng phát xuất từ thật trí, tức sự thấy biết từ vô sanh. Nếu chúng ta thân cận được người trí như vậy, mặc dù sống ở Ta bà nhiều khổ đau, chúng ta cũng cảm thấy an ổn và tiến tu được.

          Bậc trí trụ an trú pháp Không là không sanh diệt, hay vô sanh. Ở dòng thác trí tuệ của vô sanh quán sát, thấy rõ có hai thế giới: thế giới sanh diệt và thế giới không sanh diệt. Thế giới sanh diệt với đầy đủ thiện và ác, thiện của sanh diệt và ác của sanh diệt. Và nếu ở vô sanh mà nhìn thế giới sanh diệt, thì gọi đó là giấc mơ, vì con người hiệu hữu và sinh hoạt trong thế giới sanh diệt chẳng khác gì người đang ở trong giấc mơ thấy mình làm đủ thứ việc to tát, nhưng đến khi thức dậy, mọi việc làm trong giấc chiêm bao đều không còn. Nhận ra yếu nghĩa này, chúng ta phát hiện rằng những người tu trên sanh diệt thì thì sanh diệt chấm dứt, coi như không tu, vì tu trong chiêm bao. Thí dụ cho dễ hiểu, thuở nhỏ tôi chiêm bao thấy mình đi thỉnh kinh ở Ấn Độ, nhưng thức dậy, tôi vẫn là cậu bé tay không, hoặc mơ thấy mình lên trời, bay được, nhưng tỉnh dậy vẫn là con người phải đi trên mặt đất.

          Trên bước đường tu, bắt đầu phát hiện, thấy biết việc thiện ác của sanh diệt, chúng ta bỏ việc ác, làm việc thiện, tức tu tứ chánh cần, thức hiện bốn điều là việc thiện chưa làm thì phải làm, việc ác chưa làm thì không được làm, việc thiện đã làm thì làm phải làm nhiều hơn, việc ác đã làm thì phải dứt bỏ. Tuy nhiên, đó chỉ là phương tiện của Như Lai ở giai đoạn đầu mà thôi. Còn diệt được “cái sanh diệt” mới là việc quan trọng thật sự của người tu.

          Thật vậy, kinh Niết Bàn dạy rằng sanh diệt diệt thời tịch diệt vi lạc, nghĩa là sanh diệt chấm dứt thì ở trong tịch diệt mới được an lạc. Vì tất cả việc làm trong thế giới sanh diệt đều chỉ có giá trị tương đối, thậm chí việc thiện trong sanh diệt đôi khi cũng trở thành ác. Ví dụ giúp cho người lười biếng không chịu làm việc, chỉ thích ngửa tay xin, là ta đã tiếp tay cho họ tăng thêm tánh ăn bám, lợi dụng và làm mất ý chí phấn đấu của họ. Giúp đỡ người khác như vậy việc thiện này đã trở thành ác.

          Đi về vô sanh, tức sanh diệt hết, thì nguồn vui hiện hữu ở thế giới tịch diệt, là đã qua thế giới Thiền định; lúc bấy giờ, vô sanh là thiện, sanh là ác. Thực tế cho thấy biết bao nhiêu người tốt trên cuộc đời này trải qua một khoảng thời gian, họ trở thành xấu, hay nói cách khác, người đời hết làm thiện thì làm ác, sinh hoạt trong sanh tử luân hồi là như thế. Vì vậy, Đức Phật dạy phải chấm dứt sanh diệt mới có tịch diệt an lạc.

          Từ quả vị Tu đà hoàn, Phật dạy hàng Thanh văn tiến lên một bậc là Tư đà hàm, lấy tâm tịch diệt là chính yếu. Tâm tịch diệt là thiện, tâm sanh diệt là ác, vì tất cả mọi việc làm của chúng ta ở thế giới sanh diệt đều là làm trong chiêm bao, thức dậy là hết. Vì vậy, bậc Tư đà hàm là người trí ở quả vị thứ hai của Thanh văn thường sống trong Thiền định, lấy tâm vô sanh làm thiện, còn tất cả tâm snah diệt là ác, cho nên việc thiện của thế gian thuộc sanh diệt cũng không cần thiết đối với họ.

          Hai bậc Tu đà hoàn và Tư đà ham đi thuận chiếu từ sanh tử về Niết bàn, nhưng lên bậc thứ ba, tâm họ bắt đầu xả ly, không vướng mắc gì cả. Kinh gọi họ thường vào ra sanh từ, tức là vào ra sanh tử ở cửa tâm. Nói cách khác, trong một niệm tâm  có bao nhiêu lần sanh diệt thì người thực tập Thiền quá nhận ra được. Từ vô sanh hiện  sanh và từ sanh về sanh diệt, họ đang thực tập trên lộ trình này và lên đến đỉnh cao nhất, họ trụ được ở Ngũ tịnh cư Thiên. Thế giới này có năm đặc tánh là vô phiền, vô nhiệt, thiện kiến, thiện hiện và sắc cứu cánh.

          Khi tâm chúng ta thâm nhập vào thế giới này thì không có phiền não, không có bực tức, nhìn cuộc đời chính xác rõ ràng, thấy như thực, cuối cùng quán sát được cùng tột của sắc chất gọi là sắc cứu cánh. Thuở nhỏ, họ điều này thấy khó hiểu, nhưng trải qua quá trình tu hành, tôi nhận thấy sự quán sát để đạt được sắc cứu cánh có nghĩa là chúng ta dùng tâm để phân tích, chia sẻ vật nhỏ lần cho đến nhỏ nhất, chỉ còn là một vi trần mà mắt không thấy, nhưng tâm thấy được. Ví dụ ở trên núi Thị Vải, tôi thấy ánh sáng xuyên qua cành cây thấy trong không khí có vô số hạt bụi nhỏ li ti, đó là vi trần mà mắt thấy được vì có ánh sáng từ trên cao rọi xuống.

          Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật nói rằng: trong cực vi đầu sợi lông xuất hiện trang nghiêm đủ ba cõi, mười phương trần sát các đầu lông, tôi đều thâm nhập để nghiêm tịnh. Đó là cái thấy của Phật, thấy siêu tuyệt, thấy thế giới nhỏ đến mức bằng đầu sợi lông mà có chứa đủ cả ba cõi và Ngài thâm nhập vào mười phương thế giới đó. Dĩ nhiên là Phật thấy bằng tâm và thâm nhập các thế giới cực vi đó cũng bằng tâm.

          Ngày nay, cái cực vi được gọi là hạt nguyên tử có điện tử dương và điện tử âm chạy xung quanh. Đức Phật nói rằng trong một vi trần có bảy ngưu mao đầu trần, trong một ngưu mao đầu trần có bảy thố mao đầu trần ( lông con thỏ ), trong thố mao đầu trần có bảy ngân trần, trong mỗi ngân trần có bảy kim trần. Đức Phật quán sát sự hình thành thế giới, chia chẻ qua bảy lần bảy như vậy, đồng với Đức Phật nhập định trong 49 ngày và quán sát đến tận cùng ở trạng thái kim trần, gọi là sắc cứu cánh, thì thấy thân chúng ta và thân chúng sinh cùng với vật chất vô tình bên ngoài đều biến thành không, hay tất cả đều là một.

          An trụ ở sự chứng ngộ như thế, đạt được thân và tâm tự tại, chứng quả vị A na hàm là hạng người trí thứ ba, tâm thăng hoa, mở rộng và cuối cùng lên đỉnh cao chứng được từ một Thất Bồ đề phần, tức bảy phần giác ngộ của Phật và kiểm tra được từ một đến bảy phần này qua lại bảy lần là con số 49 tiêu biểu cho vũ trụ quan của Phật giáo.

          Từ thế giới tu chứng của A na hàm trở lại cuộc đời, thể nghiệm được Bát chánh đạo trong cuộc sống. Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định là tám điều mà vị Thánh A la hán thành tựu. Tu đà hoàn, Tư đà hàm và A na hàm thuộc Hiền vị.

          Nếu chúng ta có phước duyên được sống gần những vị Hiền thánh của Thanh văn là bậc trí huệ thì tâm sẽ hoàn toàn được an ổn và không bị vật chất chi phối, vì thấy không đòi hỏi vật chất nên chúng ta thực tập theo thầy, cũng không lệ thuộc vật chất. Bậc trí của Thanh văn hay nhị thừ là như vậy. trong khi bậc trí của Bồ tát, sự chứng ngộ ở mức độ cao hơn và lên đến đỉnh cao nhất là Nhập Bất tư nghì giải thoát cảnh giới của kinh Hoa Nghiêm.

          Tóm lại, Đức Phật giới thiệu các bậc trí trong kinh điển Nguyên thủy, Nikaya cho đến các bậc trí trong kinh Bát Nhã, kinh Phổ hiền để chúng ta thân cận, học theo và nỗ lực thực tập cho đạt kết quả tốt đẹp trong cuộc sống của chính mình, không phải thân cận học theo trí thế gian để bị vướng mắc mãi trong vòng sanh tử luân hồi khổ đau.

 

 

Nguồn: Báo Giác Ngộ số  468

--- Cám ơn Tịnh Tú đã gởi bài này ---

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập