Khóa tu Xuất gia gieo duyên - Tóm Tắt Nội Dung Các Pháp Thoại

Đã đọc: 1444           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

CHÙA GIÁC NGỘ

KHÓA TU XUẤT GIA GIEO DUYÊN LẦN 03

 

TÓM TẮT NỘI DUNG CÁC PHÁP THOẠI





GIẢNG SƯ: TT. THÍCH NHẬT TỪ, TT. THÍCH ĐỒNG TRÍ, TT. THÍCH TÂM ĐỨC, TT. THÍCH BỬU CHÁNH, NS. THÍCH NỮ HUỆ LIÊN, ĐĐ. THÍCH NGỘ PHƯƠNG, ĐĐ. THÍCH QUẢNG TỊNH, ĐĐ. THÍCH GIÁC HOÀNG

TĂNG SINH THỰC HIỆN: SADI NGỘ TRÍ VIÊN

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, THÁNG 5 NĂM 2018


 

MỤC LỤC

 

Lời nói đầu

Phần 1. Chuỗi pháp thoại của TT. Thích Nhật Từ

1. Cách thức tổ chức sự kiện Phật giáo.

2. Kinh nghiệm thành lập đạo tràng.

3. Kinh nghiệm tổ chức khóa tu tại chùa.

4. Kinh nghiệm tư vấn tâm lý.

5. Hộ niệm người sống và người đã mất

Phần 2. Pháp thoại các giảng sư

1. Tâm nguyện và hành trạng của người xuất gia - TT. Thích Đồng Trí

2. Tác phong của người tu - ĐĐ. Thích Ngộ Phương

3. Tự nương tựa mình - NS. Thích Nữ Huệ Liên

4. Trích giảng kinh Pháp Cú câu 9 và 10 - TT. Thích Bửu Chánh

5. Vun trồng chánh niệm - Trích giảng kinh Thân hành niệm - TT. Thích Tâm Đức

6. Hạnh viễn ly ba-la-mật - ĐĐ. Thích Giác Hoàng

7. Hoa trái của người xuất gia - Trích giảng kinh Sa-môn quả - ĐĐ. Thích Quảng Tịnh






LỜI NÓI ĐẦU

 

Trong khóa tu Xuất gia gieo duyên lần thứ 03 tại chùa Giác Ngộ, bản thân chúng tôi nhận thấy chuỗi pháp thoại về “Kinh nghiệm tổ chức khóa tu, thành lập đạo tràng và tư vấn tâm lý” là một chuỗi pháp thoại vô cùng sâu sắc và ý nghĩa, chứa đựng rất nhiều kinh nghiệm tổ chức các sự kiện, khóa tu, đạo tràng, tư vấn mà hiện nay, không có nhiều tài liệu, bài giảng nói về phương diện quản trị và lãnh đạo như thế này.

Với tâm nguyện vì sự phát triển của đạo pháp, vì mang lợi lạc đến cho tất cả mọi người, chúng tôi nhận thấy được rằng, các kinh nghiệm và cách thức trong chuỗi pháp thoại là những mô hình, kịch bản tổ chức mang tính bài bản, tính kỉ luật, kĩ lưỡng và có thể nhân rộng ở nhiều nơi. Dù cho các hành giả khóa tu có xuất gia trọn đời hay không, những kiến thức này vẫn có giá trị nhất định, ứng dụng cho cả người Phật tử và người xuất gia.

Với độ dài trung bình từ 3 - 5 trang/pháp thoại, mong rằng quyển tóm tắt này sẽ góp phần hữu ích cho các quý hành giả trên bước đường tu nhân học Phật, phụng sự Phật giáo và nhân sinh. Quý Tăng, Ni tại các chùa, tự viện trên toàn quốc, nếu có nhu cầu tham khảo mô hình hoằng pháp hoặc có nhu cầu thỉnh các kinh sách, có thể liên hệ chùa Giác Ngộ - Quỹ Đạo Phật Ngày Nay; những bài tóm tắt, có thể liên hệ qua email của chúng tôi (thichngotrivien@gmail.com).

Trong quá trình tóm tắt, không thể nào tránh khỏi sai sót. Kính mong độc giả lượng thứ.

Chùa Giác Ngộ, ngày 11 tháng 5 năm 2018

Kính bút




Sadi Ngộ Trí Viên


****************


PHẦN 1. CHUỖI PHÁP THOẠI CỦA TT. THÍCH NHẬT TỪ

 

1. CÁCH TỔ CHỨC SỰ KIỆN PHẬT GIÁO

 

1. Thuận lợi và bất lợi của việc tổ chức sự kiện Phật giáo.

1.1. Thuận lợi.

Triết lý của Phật giáo vượt trội hơn các tôn giáo vô thần, nhất thần, đa thần và các tôn giáo mới.

1.2. Bất lợi.

Kiến thức tổ chức sự kiện của Tăng, Ni, phần lớn không đạt yêu cầu vì trong các trường Phật học không đề cập đến các kỹ năng này. Sau khi tốt nghiệp, phần lớn tự tìm tòi. Nếu Tăng, Ni nào năng động, thông minh, dù không được đào tạo tại trường lớp, vẫn có thể tham khảo, quan sát và học hỏi kinh nghiệm của người đi trước và các sự kiện xung quanh.

Chính vì thế, Phật giáo thiếu kịch bản toàn cầu, kịch bản quốc gia. Nơi nào tổ chức tốt, quần chúng Phật tử đến đông và ngược lạc. Có nhiều nơi chẳng những không tổ chức các buổi pháp thoại với các giảng sư địa phương và giảng sư thỉnh giảng, tổ chức khóa tu, lập đạo tràng mà còn hiếm khi tổ chức các sự kiện văn hóa, giáo dục, tâm linh.

Hậu quả của việc này là làm cho giới trẻ, doanh nhân, giới trí thức quay lưng với đạo Phật.

 

2. Chín bước tổ chức sự kiện Phật giáo.

Tổ chức sự kiện và quản lý sự kiện là nhu cầu không thể thiếu đối với tất cả hoạt động xã hội, dân sự và tôn giáo. Tổ chức và quản lý sự kiện cần kinh nghiệm thực tiễn và dày dạn. Việc có kinh nghiệm thực tiễn giúp người làm công tác tổ chức không phải tốn nhiều công sức chuẩn bị mà vẫn nắm chắc kết quả trong tầm tay.

Dù đạo hay đời, thành công hay thất bại lệ thuộc vào phương pháp thực hiện, tức quy trình đúng chứ không phải đúng quy trình.

Sự kiện Phật giáo cũng giống như sự kiện đời, có nhiều loại hình: lễ hội, gây quỹ, giáo dục, tâm linh, khóa tu, từ thiện và nhân đạo. Mỗi một loại có cách thức khác nhau. Tuy nhiên, chín bước này là chín bước dành chung cho tất cả các sự kiện Phật giáo. Khi tiến hành chuẩn bị, phải xác định bản chất của mỗi sự kiện để chuẩn bị và thực hiện chu đáo.

 

2.1. Bước 1: Xác định mục đích và mục tiêu (purpose and objective).

Thất bại trong việc xác định loại hình và bản chất sự kiện sẽ gây dư thừa về việc đầu tư, bỏ sót những mảng cần thiết.

Cần phân định đối tượng tham dự, ví dụ: giới trí thức, giới doanh nhân, giới bình dân…

Tiếp theo, xác định nhóm lứa tuổi: thiếu nhi, thanh thiếu niên, trung niên, lão niên. Trong một số trường hợp, cần phải xác định giới tính.

Xác định số lượng người, số tịnh tài dự kiện đóng góp và giá trị đạt được.

Việc xác định những đối tượng, nhóm lứa tuổi sẽ giúp ban tổ chức (BTC) triển khai các bước chuẩn bị phù hợp với đối tượng tham gia.

Mỗi một loại hình sự kiện đòi hỏi mục đích và mục tiêu khác nhau. Hãy thử đặt câu hỏi, khi tổ chức một sự kiện Phật giáo, chúng ta làm cái gì và làm như thế nào để đạt được các mục tiêu trên.

Một điều đáng lưu ý là mục đích khác mục tiêu vì mục đích rộng hơn mục tiêu.

Ví dụ: Mục đích của TT. Thích Nhật Từ khi tổ chức khóa tu Xuất gia gieo duyên lần 03 là giúp cho những người băn khoăn không biết mình có phù hợp với đời sống xuất gia hay lý tưởng trong tự tâm chỉ là nhất thời, trải nghiệm đời sống xuất gia để tìm kiếm người xuất gia trọn đời.

Dĩ nhiên, có những hành giả tham dự khóa tu vì mục đích khác, nhưng tựu trung, mục đích của Thượng tọa là như thế.

Mục tiêu của Thượng tọa là khóa tu phải đạt 150 hành giả trở lên. Một mục tiêu nữa là giúp Tăng, Ni mạnh dạn đến chùa Giác Ngộ học tập kinh nghiệm tổ chức khóa tu, thành lập đạo tràng và tư vấn tâm lý.

 

2.2. Bước 2: Thời gian tổ chức (date and time).

Để nắm chắc thành công của một sự kiện Phật giáo, cần phải chọn con đường trung đạo về thời gian. Không chọn ngày quá gần vì khách quan trọng không thu xếp tham dự được và không đủ thời gian chuẩn bị chu đáo. Người Việt Nam có tâm lý chờ đến thời điểm cận kề mới lên kế hoạch. Cư dân tại các nước phát triển chuẩn bị trước 6 tháng, 1 năm, 2 năm.

Ví dụ: Để đăng cai Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc (LHQ), TT. Thích Nhật Từ đã cùng TT. Thích Đức Thiện và anh Xuân Trường - người có công xây dựng chùa Bái Đính họp nhiều buổi và ấn định ngày tổ chức.

Đối lập với khuynh hướng này, BTC cũng không nên chọn ngày quá xa vì không ai nhớ. Có những sự kiện chỉ cần chuẩn bị trước 3, 4, 5 tháng. Những sự kiện nhỏ chỉ cần chuẩn bị vài tuần, vài ngày. Tùy thuộc phạm vi ảnh hưởng của sự kiện mà chuẩn bị. Vesak LHQ chuẩn bị trước 2 năm vì đây là đại lễ lớn nhất của Phật giáo, mỗi năm chỉ đăng cai một lần tại một quốc gia.

Bên cạnh đó, BTC cũng phải chọn thời điểm/ ngày thuận lợi về khí hậu và thời tiết để lên kế hoạch nhằm thu hút nhiều người tham dự.

Ví dụ 1: Để tổ chức đại lễ Phật đản Vesak LHQ mà thu hút đại biểu của nhiều quốc gia đến từ năm châu, phải chú ý ngày tổ chức Phật đản của các quốc gia theo Phật giáo Bắc truyền là 8/4 Âm lịch, 15/4 Âm lịch đối với các nước theo Phật giáo Nam truyền. Vậy, ngày khai mạc là 9/4 và bế mạc là ngày 12/4 để đại biểu các nước Nam truyền còn về nước tổ chức.

Ví dụ 2: Những tháng tổ chức sự kiện rầm rộ nhất tại Nhật Bản là tháng 4 và tháng 11. Vì tháng 11 tất cả rừng núi tạo ra một sắc đỏ. Tháng 4 là tháng mà hoa anh đào nở.

Ví dụ 3: Bắc Mỹ, Bắc Âu thường tổ chức sự kiện vào mùa hè.

 

2.3. Địa điểm tổ chức (venue).

Chọn không gian tổ chức thuận lợi: Môi trường phải sạch, yên tĩnh, đẹp, có cây xanh, đầy đủ các tiện ích. Những gì cần phục vụ sự kiện đều phải có đầy đủ;

Hội trường phải có sức chứa phù hợp với số lượng tham dự mà BTC mong đợi; Phải có đủ phòng ở, nhà ăn, nhà vệ sinh, điện, nước, internet, âm thanh, ánh sáng, bãi đậu xe (hoặc gần địa điểm có bãi đậu xa). Tóm lại, địa điểm tổ chức phải có đầy đủ các tiện ích và giá cả vừa phải (Nếu giá thành cao thì BTC bị thua lỗ dù có người hỷ cúng tịnh tài, tịnh vật, tịnh lực).

Địa điểm tổ chức phải kết nối được với các loại phương tiện giao thông, phải có phi trường quốc tế, quốc nội, hệ thống metro, tàu lửa cao tốc, xe lửa, xe buýt, xe hơi (Grab car, grab taxi, grab bike). Đầy đủ các tiện ích giao thông thì người tham dự mới đông, mà các địa điểm của Phật giáo hải ngoại như Làng Mai, Đạo Phật Ngày Nay tại Úc rất chú trọng.

Mỗi quốc gia có luật pháp khác nhau. Khi tổ chức sự kiện Phật giáo, hãy thử hỏi luật sư hoặc người dân địa phương rằng có cần phải đăng ký. Nếu có, đăng ký với ai, tại đâu, như thế nào, thời gian để đăng ký thành công bao lâu.

Khi đã chọn địa điểm, đến địa điểm làm quen và nhờ kiến trúc sư hoặc sử dụng Google Maps để vẽ bản đồ tổng thể địa điểm tổ chức, bao gồm các khu vực: nhà vệ sinh, quà lưu niệm, bãi đỗ xe, khu vực giải trí, khu vực sinh hoạt… và cả đường đi - đường về. Ngoài ra, cần phải cung cấp cho khách bản đồ giấy vì BTC đã làm quen địa điểm, còn người tham dự có thể đến từ quốc gia khác, thành phố khác.

Ví dụ: Trong khóa tu Templestay tại Hàn Quốc, từ ngày đầu, trường/ phó BTC giới thiệu chi tiết về các địa điểm nhỏ trong địa điểm tổng, còn được gọi là Temple Tour.

 

2.4. Thành phần và số người tham dự.

Lên kế hoạch về các nhóm thành phần tham dự, như thành phần tri thức có tri thức tôn giáo, tri thức dân sự, tri thức xã hội, tri thức triết học… ; thành phần Phật tử như Phật tử bổn tự/ bá tánh thập phương/ các tỉnh, thành khác.

Ví dụ: Muốn các quý Phật tử từ miền Bắc và Bắc Trung Bộ tham dự sự kiện mà chỉ đăng thông báo tại chùa thì không thể thu hút. Phải đăng lên website, facebook, YouTube, báo chí…  

Dự kiến số lượng người tham dự theo nguồn tài chính sức chứa và phục vụ ăn uống, vốn phụ thuộc 80% vào nguồn tài chính.

Ví dụ: Trong công tác chuẩn bị cho Vesak LHQ 2008, TT. Thích Nhật Từ đã phải chuẩn bị 1 đề án tổng thể và 13 đề án chi tiết cho từng sự kiện (các đề án giao thông, truyền thông, hội thảo, tiếp đón nguyên thủ quốc gia, văn nghệ, triển lãm, hội thảo…). Mỗi một đề án rất cụ thể, có hình ảnh minh họa về sự kiện đã từng được tổ chức tại nước ngoại. Phải làm thế nào để Nhà nước và các Mạnh thường quân tài trợ, mà muốn bao nhiêu quốc gia tham dự thì phải có nguồn kinh phí lớn.

Chẳng hạn như muốn những đoàn châu Phi, châu Âu tham dự, tiền vé máy bay rất nhiều vì phải trung chuyển qua 2, 3 quốc gia. Chính vì thế, Thượng tọa đã cùng giáo sư Lê Mạnh Thát làm việc với các hãng máy bay, đại lý bán vé máy bay, hiệp hội các khách sạn 5 sao, 3 sao, các nhà hàng lớn… để biết tổng kinh phí.

Ví dụ 2: Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình độc quyền âm thanh, ánh sáng, không được thuê dàn âm thanh, ánh sáng từ bên ngoài. Cho nên, phải làm việc với Ban lãnh đạo để tránh giá cắt cổ và dự trù số lượng tham gia. TT. Nhật Từ cũng đã kêu gọi chư Tôn đức phụ giúp kinh phí để giảm bớt gánh nặng.

Đồng thời, phải nêu ra số lượng phát sinh, đặc biệt đối với các sự kiện hấp dẫn.

 

2.5. Kinh phí tổ chức (budget).

Kinh phí là vấn đề tạo ra sự thành công và tính quy mô cho bất kỳ sự kiện nào. Có những khoản tiền bao quát cho chương trình một ngày hay nhiều ngày:

- Tiền khánh tiết (Thiết kế sân khấu, hội trường; Trang trí ngoài đường, khu vực lễ, hội trường… mật độ trang trí, chất liệu trang trí).

- Tiền đưa rước (cả khứ hồi): máy bay, xe hơi, xe du lịch. Có những đoàn nhờ BTC thiết kế gói du lịch biệt lập cho các thành phần muốn du lịch tâm linh theo thời gian khác nhau (Có người muốn du lịch 3 ngày, có người 5 ngày).

- Tiền truyền thông: Họp báo, chụp ảnh, quay phim, dựng phim, ấn tống DVD, CD quảng bá sự kiện. Khi đăng cai thành công, phải họp báo. 3 tháng trước đại lễ và 1 tuần trước đại lễ để hâm nóng và tổng kết tất cả các công tác, đặc điểm, dấu ấn, kỉ lục chương trình.

- Tiền thuê địa điểm, tiền điện, nước, ăn uống, quà tặng, cúng dường, in sách phục vụ cho sự kiện để tạo ra sự hoành tráng tùy theo đẳng cấp sự kiện.

 

2.6. Ban tổ chức (Organisers)

Đối với sự kiện quốc tế, phải có ủy ban tổ chức quốc tế. Tương tự đối với quốc gia. Trong ủy ban tổ chức quốc gia, phải có đại diện ở những tỉnh thành lớn để họ ủng hộ.

Ngoài ban tổ chức quốc tế/ quốc gia, cần phải có nhóm thực hiện (service team): Nội dung, xuất bản (lưu ý rằng giá in tại miền Bắc rất cao), trần thiết, trang trí, MC, âm thanh, hành đường (bếp), đưa đón, tiếp tân, tiếp lễ, hậu cầu, vệ sinh, cấp cứu, trật tự - an ninh - khủng bố - phòng cháy chữa cháy - trộm cắp (đối với sự kiện quốc tế, cần phải rà bom, rà mìn vào buổi tối, địa điểm rà phải được chụp hình rõ, có biên bản rà mìn được kí tên và soạn kịch bản đối phó khi có khủng bố), y tế Đông y/ Tây y...

Để hỗ trợ các nhóm thực hiện, cần có các nhóm phụng sự viên: Trưởng nhóm, phó nhóm và thành viên. Trong Vesak LHQ 2008 và 2014, TT. Nhật Từ đã làm việc với TƯ Đoàn TNCS HCM vận động 3.000 sinh viên đến từ các trường Đại học & Cao đẳng, dành ra 1 tuần huấn luyện văn hóa giao tiếp, lễ tân, dành ra 5 giờ để luyện tập cho 5 phút truyền hình trực tiếp tiết mục tạo hình chữ Vạn bởi 3.000 sinh viên trong Vesak 2008… Ngoài ra, phải biết phân nhiệm và phân công đúng sở trường

Mọi người phải trách nhiệm, cam kết, lên kế hoạch để được duyệt, bám sát công việc, đảm bảo kết quả tốt. Ai xung phong làm gì phải có mặt trước giờ và về sau giờ ấn định. Người phụng sự cũng như các nhóm thực hiện phải lên kế hoạch, sáng tạo trong việc lên kế hoạch, có tinh thần bám sát công việc, tính kỉ luật cao.

Sở dĩ TT. Thích Nhật Từ có kinh nghiệm dày dạn như thế là vì làm Phó tổng thư ký Vesak LHQ tại Băng-cốc 2006 và 2007, họp hơn chục phiên với quân đội Hoàng gia Thái Lan, từ đó, biết cách tạo ra an ninh tuyệt đối.

 

2.7. Dự thảo chương trình (Tentative program).

Nếu sáu bước đầu là công tác chuẩn bị để tạo ra sự thành công thì từ bước 7 trở đi là chuẩn bị nội dung. Chuẩn bị tốt mà nội dung dở cũng thất bại. Nắm tổng thể và chi tiết chương trình, người phụ trách các mảng công việc.

Ngoài việc phác họa chương trình chính và phụ, cần phải nắm địa điểm, thời gian, thời lượng. Sau khi phác họa, chúng ta phải tạo form online để đăng ký hoặc email, thư gửi qua bưu điện để mời.

Trước ngày lễ, phải sắp xếp danh bạ excel/ powerpoint người đưa đón, tiếp tân, ăn uống, thuê phòng, hỗ trợ, lễ chính, văn nghệ, du lịch. Khi đã đưa ra danh sách phụ trách, phải đôn đốc công việc, tránh tình trạng lỗ hổng công việc.

Song song, phải nêu ra thời gian thích hợp với các sự kiện (sự kiện phù hợp với ban đêm/ ban ngày) và kiểm tra thời lượng của từng nội dung trong sự kiện (xê dịch 10-15 phút) như: Tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần, các bài phát biểu (phải yêu cầu đoàn đại biểu gửi trước bài), đạo từ…

 

2.8. Thư mời (Invitations).

Xác định hình thức thư mời: Văn thư (đối với những người cần sự trịnh trọng. Có trường hợp phải đến gặp trực tiếp, thưa thỉnh, trước khi đến gọi cho người mời), email, newsletters, tờ bướm (flier), postcard, Facebook

Thời điểm chuẩn bị và gửi thư mời: Ví dụ: Vesak LHQ 2019 diễn ra vào ngày 15, 16, 17/5 tại huyện Tân Chúc, tỉnh Hà Nam, phải chuẩn bị xong hết vào cuối tháng 7, phát thư mời chính thức vào đầu tháng 8. Trong thư mời phải ghi rõ hạn chót đăng ký, hạn chót gửi tựa đề bài nghiên cứu, thời hạn BTC sẽ trả lời rằng tựa đề có được chấp nhận, hạn chót nộp bài viết, hạn chót phản hồi bài viết sẽ được thuyết trình ở đâu, lầu mấy, tòa nhà nào, lúc nào, với nhóm chủ đề gì…

Đôn đốc phản hồi tham dự bằng điện thoại/ email hoặc cả 2 hình thức. Phải có 1 bộ phận đôn đốc tham dự.

Chốt lại người tham dự: Yêu cầu người tham dự báo thời điểm bay và khứ hồi. Nếu họ đã báo cho mình mà không có vé máy bay điện tử thì cũng như không. Dự kiến sự cố giờ chót, dự bị người thay thế cho người đó bằng cách nào, tìm ai, ở đâu… Lên lịch, đánh giá, kiểm tra, nhận xét tình hình.

 

2.9. Chuẩn bị và tổng kết.

Làm quen với địa điểm tổ chức: Địa điểm khi đã được chọn, phải đến khảo sát địa điểm bằng cách quay phim, chụp ảnh, đo đạc, ngủ đêm hay ở tại địa điểm ít nhất một ngày để kiểm tra các âm thanh, tiếng ồn, ánh sáng, điện 3 pha, công suất máy lạnh về đêm, đăng ký nhà đèn để tránh cúp điện giữa chừng, chuẩn bị máy phát điện

Sắp đặt các trang thiết bị tại địa điểm tổ chức: Dự kiến thời gian vận chuyển thiết bị, thời gian, vị trí lắp đặt thiết bị v.v… Kiểm tra mọi thiết bị trước 1 ngày, trước 1 giờ, trước 30 phút sự kiện diễn ra.

Sau khi lắp đặt xong, phải có đội kiểm tra kỹ và bổ sung các điều cần thiết nếu phát sinh tại địa điểm: Có sẵn các kịch bản B, C, D, biên bản duyệt tổng diễn tập 1 ngày trước khi sự kiện diễn ra.

Quan tâm và chăm sóc nhóm thực hiện.

Linh hoạt đối phó nhưng tránh những thay đổi ở phút cuối cùng.

Mọi người phải được cập nhật kế hoạch thực hiện. Những trường hợp cập nhật quan trọng phải có sự tổng duyệt.

Họp tổng kết, rút kinh nghiệm, cảm ơn, tán dương người đóng góp bằng các loại hình như bằng khen/ bằng tuyên dương công đức/ quà tặng…

Tránh trường hợp sau một sự kiện, những người tổ chức không còn nhìn mặt nhau vì khác nhau về quan điểm, cách làm việc, giải quyết vấn đề, cái “tôi”...



****************


2. KINH NGHIỆM THÀNH LẬP ĐẠO TRÀNG

 

1. Khái niệm.

Đạo tràng (S=P. Bodhi Manda) là địa điểm tu tập trên nền tảng học Phật để hướng đến sự tỉnh thức. Bodhi Manda khác với Bodhi Mandala/ Bodh Gaya.

Việc thành lập đạo tràng nên có Tăng - Ni đứng đầu và cơ sở tốt nhất cho đạo tràng là chùa, tự viện…Người Phật tử nếu thành lập đạo tràng phải xin ý kiến từ các ban, ngành GHPGVN để tránh tình trạng truyền bá tà pháp. Những đạo tràng tại Việt Nam như đạo tràng Pháp Hoa, Hoa Nghiêm… theo các tông môn pháp phái hình thành nên chỉ là những chi phần về sau của lịch sử truyền thừa Phật giáo.

Đức Phật ban đầu chỉ có duy nhất Tứ Thánh Đế - phương pháp luận tâm linh giải thoát; sau khi đã tự làm lợi ích cho bản thân mình thì tránh sinh thói hưởng lạc, an nhàn mà phải tiếp xúc với xã hội, dấn thân vào cuộc đời dựa trên nền tảng làm chủ bản thân, không nghĩ đến ngoại cảnh.

 

2. Phân loại đạo tràng.

Sau khi Phật diệt độ sau 100 năm, Phật giáo Ấn Độ manh nha thành hai trường phái Thượng Tọa bộ và Đại Chúng bộ. Thực tế, Đức Phật thống nhất về Tứ Thánh Đế không dạy pháp môn thứ 2, không có sự phân chia thành 84.000 pháp môn.

Tại Việt Nam, có những Đạo tràng Pháp Hoa, Hoa Nghiêm,… theo pháp môn mà hình thành. Hiện nay, Tịnh Độ tông và Thiền tông là 2 pháp môn phổ biến nhất tại Việt Nam, Mật tông cũng khá ít. Tại Trung Quốc có 10 pháp môn, hiện giờ chỉ còn lại vài pháp môn được quảng đại quần chúng thực tập. Hàn Quốc - Triều Tiên có 3 pháp môn, Phật giáo Tây Tạng có 4 pháp môn, Phật giáo Nhật Bản có 14 pháp môn, tựu trung không nằm ngoài 10 pháp môn của Phật giáo Trung Hoa.

Như vậy, người thành lập đạo tràng nên là quý Tăng, Ni và tu học dựa trên nền tảng của Tứ Thánh Đế.

 

3. Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay

Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay tại các tỉnh, thành là chi nhánh của Đạo Phật Ngày Nay. Mục đích thành lập nên các đạo tràng chi nhánh nhằm giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày trên nền tảng nhân quả, tu, học và làm Phật sự để mang ánh sáng Phật Pháp cho cuộc đời u mê. Việc tu, học và phụng sự phải được thực hành hiện đời, chứ không đợi sau khi qua đời.

 

4. Các phương diện chính của một đạo tràng

Các phương diện chính của đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay bao gồm: (i). Tổ chức các lớp học (các lớp giáo lý, sinh ngữ...), (ii). Tổ chức các khóa tu (chương trình tu học và nghe pháp thoại), (iii). Phật sự và thiện sự, (iv). Hộ niệm chính tín, (v). Truyền thông Phật Pháp, (vi). Đội ngũ phụng sự viên… và nhiều phương diện khác.

Việc thành lập đạo tràng phải có sự liên kết giữa các thành viên và đội ngũ điều hành. Nội bộ của đội ngũ phải có sự hòa hợp, thương yêu nhau thì mới là nền tảng vững chắc để giúp đạo tràng phát triển. Trong thời đại tiến bộ, chúng ta nên lập các nhóm viber, facebook, zalo để kết nối dễ dàng, chăm sóc thuận tiện.

Để hiểu rõ hơn, độc giả có thể tra khảo thông qua Google 2 bài đăng:

1. Vài nét về Đạo Phật Ngày Nay: http://tusachphathoc.com/gioithieudaophatngaynay.htm

2. Câu hỏi và câu trả lời phỏng vấn lãnh đạo đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay Hà Nội và Hải Phòng: http://www.daophatngaynay.com/vn/tin-tuc/trong-nuoc/26241-cau-hoi-va-cau-tra-loi-phong-van-lanh-dao-dao-trang-dao-phat-ngay-nay-ha-noi-va-hai-phong.html


****************



3. KINH NGHIỆM TỔ CHỨC KHÓA TU TẠI CHÙA

 

1. Khái niệm.

Tu (Bhavana) là hoàn thiện, chỉnh sửa mình. Bhavana có nghĩa đen là phát triển, mà trong ngữ cảnh này là tu thân (kāya bhavana), tu tâm (citta bhavana) và tu miệng.

Tu có 3 cấp độ: tiểu tu, trung tu, đại tu. Dân gian thường hiểu rằng tu là những hình thức bên ngoài như tụng kinh, niệm Phật. Thế nhưng, trọng tâm của tu là làm chủ động cơ tâm, nói năng và hành động.

1.1. Về miệng.

Tu miệng có bốn phương diện: (i); Không nói dối, (ii). Không nói lưỡi đôi chiều, (iii). Không nói lời thêu dệt, (iv). Không nói lời ác độc.

1.2. Về thân.

Tu thân có bốn phương diện: (i). Không giết hại, bảo vệ sự sống, (ii). Không trộm cắp, tôn trọng sở hữu), (iii). Không ngoại tình, bảo vệ hạnh phúc hôn nhân, (iv). Không sử dụng chất độc, chất gây nghiện, chất kích thích.

1.3. Về tâm.

Tu tâm có ba phương diện: (i). Chuyển hóa tham ái (tham lam tính dục, tham lam hiện hữu, tham lam vô hữu), (ii). Chuyển hóa giận dữ, (iii). Chuyển hóa vô minh, tức si mê, thiếu kiến thức về nhân quả, Tứ Thánh Đế.

Tổ chức một buổi/ ngày/ tuần tu tập theo các pháp môn là nhằm tô bồi, thực tập 10 điều nêu trên.

 

2. Chương trình khóa tu.

Mỗi tông môn pháp phái có thời khóa tu học riêng.

Một khóa tu thành công phải có 3 nội dung: (i). Tu phát triển trí tuệ, (ii). Tu thiền định và (iii). Tu đạo đức.

Khóa tu thiền chú trọng thiền định. Khóa tu mật tông nếu sử dụng đúng cách các thần chú sẽ đạt được thiền định (thiền chỉ). Khóa tu niệm Phật nhấn mạnh đến niệm Phật, tức xoay quanh chánh niệm và chánh định… Phần lớn các khóa tu hiện nay chưa kiện toàn được cả ba nội dung.

 

3. Bốn loại hình khóa tu tại chùa Giác Ngộ.

1 khóa tu gồm 2 phần: (i). Phần cứng, tức cơ sở vật chất, (ii). Phần mềm, tức nguồn tịnh tài, tịnh vật, tịnh lực.

Chùa Giác Ngộ có 4 loại hình khóa tu: Khóa tu Ngày An Lạc (KT NAL) (dành cho người từ 35 tuổi trở lên), khóa tu Tuổi Trẻ Hướng Phật (dành cho người từ 12 - 35 tuổi), khóa tu thiền vipassana (dành cho mọi lứa tuổi), khóa tu Búp Sen Từ Bi (dành cho các bé thiếu nhi từ 3 - 12 tuổi). Thỉnh thoảng đan xen vào các khóa tu là khóa tu Thiền và doanh nhân.

KT NAL tại Việt Nam có xuất phát điểm từ năm 2006 tại chùa Phổ Quang, cách thức tổ chức giống Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lấy ý tưởng từ khóa tu Templestay của Phật giáo Hàn Quốc.

 ****************

CHƯƠNG TRÌNH KHOÁ TU NGÀY AN LẠC VÀ TUỔI TRẺ HƯỚNG PHẬT

Ngày An Lạc

06g00: Các đồng tu có mặt tại Chùa, dùng điểm tâm.

07g00: Tụng kinh

07g30: Pháp thoại/ Talkshow Vì sao tôi theo đạo Phật

09g30: Thiền ca

10g00: Thiền toạ

11g00: Ăn cơm chánh niệm

11g30: Kết thúc khóa tu

Tuổi Trẻ Hướng Phật

13g15: Các đồng tu có mặt tại chùa

13g30: Tụng kinh

14g15: Thiền tọa

15g00: Thuyết giảng (Chương trình thay thế: Gương sáng, Kỹ năng sống, Pháp đàm, Talkshow VSTTĐP)

16g30: Dược thực - Kết thúc khoá tu

 

CHƯƠNG TRÌNH KHOÁ TU TUỔI TRẺ HƯỚNG PHẬT

06g00: Các đồng tu có mặt tại Chùa, dùng điểm tâm

07g00 - 7g45: Tụng Kinh

08g00 - 9g15: Thuyết giảng

09g25 - 9g45: Hát Thiền Ca

10g00 - 10g45: Thiền toạ

11g00: Ăn cơm chánh niệm

11g45: Thiền buông thư

13g15: Thức chúng

13g30: Toạ thiền

14g15: Talkshow Gương Sáng

16g15: Tụng kinh

16g45: Tụng Dược thực - Kết thúc khoá tu

 

CHƯƠNG TRÌNH KHOÁ TU THIỀN

06g00: Các đồng tu có mặt tại chùa, dùng điểm tâm, sinh hoạt nội quy.

06g50: Tụng kinh

08g00: Pháp thoại

09g30: Thiền hành

10g00: Thiền tọa

11g00: Thiền ăn

12g00: Thiền buông thư

13g15: Báo thức

13g30: Thiền toạ

14g15: Thiền hành

15h00: Thiền tọa/ vấn đáp Phật pháp

16g30: Dược thực

16g45: Kết thúc khoá tu.

 

CHƯƠNG TRÌNH KHÓA TU BÚP SEN TỪ BI

14g30: Tụng kinh

15h00 - 15h15: Giải lao, uống sữa…(Vì không cho các cháu ăn uống thì các cháu sẽ không tới trong lần sau).

15h15: Dạy hát kinh nhạc

15h30 - 16h00: Học giáo lý

16h00 - 16h15: Kỹ năng sống

16h30: Kết thúc khóa tu

Ghi chú: Khóa tu Thiền và doanh nhân, TT. Nhật Từ muốn nhóm doanh nhân tự lên ý tưởng, kịch bản cho khóa tu.

3.1. Tu phát triển trí tuệ.

Đối với khóa tu Tuổi Trẻ, nội dung kinh tung nên chọn các kinh Hiền nhân, kinh Thiện sinh, kinh Tránh xa các cánh cửa bại vọng v.v… Đối với KT Thiền vipassana, chọn kinh Tứ niệm xứ, kinh Bốn loại hành thiền, kinh Quán niệm hơi thở… Đối với KT Búp Sen Từ Bi, chọn kinh Từ tâm, kinh Phước đức.

Trong khóa tu, nội dung của nghi thức tụng niệm phải phong phú hơn so với nội dung tụng niệm trong các thời công phu ngày thường.

Đọc kinh và tụng kinh là cách mở trí tuệ. Nghe pháp thoại/ pháp đàm/ vấn đáp là cách trực tiếp tháo gỡ những tri kiến sai lầm.

3.3. Tu thiền định.

Nhân thể có 2 tay, 2 chân thích hợp với đi và chạy hơn là ngồi. Chính vì thế, không nên chú trọng quá nhiều về ngồi, ví dụ: Tọa thiền 6 - 7g/ngày. Có thể kết hợp 1 giờ ngồi thiền đan xen với 30 phút thiền hành, thiền đứng. Nếu đặt trọng tâm là tọa thiền (không bắt buộc), có thể kết hợp 1 giờ ngồi thiền trên tọa cụ đan xen 1 giờ ngồi trên ghế.

Tu theo pháp môn nào cũng nên tăng cường và bổ sung thiền vì tác dụng và ảnh hướng vô cùng to lớn của thiền trong công cuộc cách mạng tại phương Tây từ thập niên 1930 trở đi. Hiện nay, Trung Quốc có 10 pháp môn. Hàn Quốc - Triều Tiên có 3 pháp môn. Nhật Bản tiếp nhận từ Phật giáo Trung Quốc và phân hóa thành 14 pháp môn. Cả 4 quốc gia này, trong các khóa tu tại chùa, tự viện đều có thời thực tập thiền

Tham khảo thêm: Suzuki (1971). “Zen essence: The science of freedom”. Thích Tuệ Sỹ, Trúc Thiên dịch.

3.3. Tu đạo đức - nội dung nền tảng của khóa tu.

Trong các khóa tu của cư sĩ thiền sư S. N. Goenka và các khóa tu tại các rừng thiền ở Miến Điện, hành giả được yêu cầu phải rũ bỏ các phương tiện truyền thông và giải trí, nơi liêu phòng biệt lập giữa nam với nữ để hạn chế tối đa sự nhìn thấy, tiếp xúc, nói chuyện… Việc thực tập những tiêu chuẩn đạo đức khắt khe này ban đầu sẽ gây nên sự ức chế, bứt rứt, khó chịu vô cùng lớn. Thế nhưng, từ ngày thứ 3 trở đi của khóa tu, hành giả sẽ cảm nhận được sự an lạc vô cùng lớn lao vì biết buông xả những sự trói buộc, vướng mắc.

Hoàn thiện đạo đức do chúng ta có hạnh nguyện nghiêm chỉnh, tinh tấn dự đầy đủ các thời khóa tu học cùng đại chúng.

Trên thực tế, Đức Phật nhấn mạnh đến góc độ trí tuệ vì tuệ sinh giới. Ví dụ: Người có trí tuệ không bao giờ vi phạm pháp luật và giới luật. Cho nên, người tu học Phật không nên đi theo chủ trương “giáo ngoại biệt truyền”, “dĩ tâm ấn tâm”. Người chưa tốt nghiệp các trường, lớp Phật học mà đi theo những chủ trương này, tu thiền công án và thoại đầu thì không biết gì đến chính pháp cả, vì trong tâm chỉ giữ mãi một công án, một câu thoại đầu mà cứ nghĩ là chánh nghi.

KT Búp Sen Từ Bi của chùa Giác Ngộ sẽ ấn hành 11 tập giáo lý, ăn khớp với môn Đạo đức tại trường để phát triển đạo đức - nhiệm vụ, mục đích chính của KT này.

Một lưu ý nhỏ, đó là phần nghi thức dẫn nhập và hồi hướng trong nghi thức tụng niệm nên sử dụng nhạc kinh, thay thế cho gõ mõ, đánh khánh vì nghe nhạc kinh tâm chúng ta sẽ hân hoan hơn, còn tiếng mõ trầm và hướng nội. Nếu không mạnh dạn đưa âm nhạc vào Phật giáo thì giới trẻ sẽ không đến với đạo Phật, vì họ chỉ thấy không gian trầm mặc, trong khi không phải ai cũng có tính cách thích tĩnh lặng và không gian như thế không phù hợp với một tuổi trẻ năng động, nhiệt huyết, sáng tạo, mạnh mẽ.

 

4. Kinh nghiệm tổ chức khóa tu.

Có 3 bộ phận chính trong tổ chức sự kiện (Xem lại bài “Cách thức tổ chức sự kiện Phật giáo). Có rất nhiều chùa có tâm với sự phát triển của Phật giáo, nhưng lại vô cùng khó khăn. Vì thế, giảng sư khi nhận tịnh tài cúng dường của chùa cũng khó lòng mà nhận, mà thường thì họ sẽ cúng lại.

Là tu sĩ, cứ học hỏi, tìm kiếm, tham vấn kinh nghiệm từ người đi trước. Ban tổ chức KT tại các chùa hiện nay phần lớn chỉ là Phật tử mà công tác tổ chức vẫn rất thành công, huống hồ ban tổ chức là tu sĩ.

Khi đã có được một kịch bản chuẩn, 1 ekip làm việc nhuần nhuyễn, ăn ý lãnh đạo các ban thì đã có thể nhân rộng mô hình. Phải cập nhật liên tục tình hình, mô hình, phong cách tổ chức và sinh hoạt mới từ nhiều nguồn: (i). Truyền thông, (ii). Tăng, Ni khác, (iii). Internet, báo chí, (iv). Các hình mẫu trong cuộc đời Đức Phật, (v). Các nguồn khác.

Chúng ta sống trong sự tương quan, tương thuộc, vì thế không nên sống độc cư mãi mà hãy dấn thân phụng sự.

 

****************


4. KINH NGHIỆM TƯ VẤN TÂM LÝ

 

1. Dẫn nhập.

Vai trò chính của người Tăng sĩ là người chỉ đường tâm linh, dẫn dắt đạo đức, chia sẻ chân lý, tổ chức khóa tu, dấn thân nhập thế, phụng sự xã hội. Để làm các công việc này, các vị Tăng, Ni trẻ, các vị trụ trì tham khảo 2 loạt bài pháp thoại: Sư phạm hoằng pháp (2006), Kinh nghiệm chia sẻ chân lý Phật (2016)

Kỹ năng tư vấn tâm lý xảy ra trong 2 tình huống:

(i). Vấn đáp Phật Pháp sau buổi pháp thoại, được gọi là pháp đàm, nhằm gợi mở cơ hội để người nghe tháo gỡ các bế tắc,

(ii). Tư vấn cá nhân (những vấn đề tế nhị không thể nói đại trà).

Tư vấn chung trong một buổi pháp thoại là làm lợi ích cho mọi người. Tư vấn riêng đi sâu vào cá nhân để giải quyết vấn đề. Đối với người ở xa, có thể dùng FaceTime, Zalo, Skype, Viber v.v… để tư vấn. Trong những trường hợp cần sự trịnh trọng, các Tăng, Ni nên ngồi trên chính điện, thiền đường và các nơi trang nghiêm khác để trả lời.

 

2. Đối tượng cần tư vấn.

Tâm lý học (TLH) Phật giáo ghi nhận rằng người đang cần trị liệu khổ đau (P. Dukkha: khổ, không hài lòng) là người đang trải nghiệm khổ đau, TLH hiện đại nói rằng người đang cần trị liệu khổ đau là người đang vướng kẹt vào các cảm xúc mạnh. Chung quy, cả 2 đều nói rằng người đang khổ đau đều tự tàn phá những mối quan hệ xã hội.

Nếu các Phật tử tại gia chịu khó nghe mỗi ngày một bài pháp thoại về Kinh, Luật, Luận trong các môn… sẽ sáng tỏ nhiều thứ.

Để có kiến thức và kỹ năng tư vấn tâm lý, các Tăng sĩ cần phải học môn Duy thức học, Pháp tướng, Duy biểu (đạo); TLH xã hội, TLH tham vấn, TLH trị liệu, TLH gia đình, TLH giới tính, TLH giao tiếp… (đời) thì mới có đủ kiến thức tư vấn. Pháp Tướng, Duy Biểu, Duy Thức học và các môn khoa học nghiên cứu tâm lý khác đều giúp cho mọi người thấy được bản chất tâm.

Nhiều Phật tử đến chùa chỉ được các quý thầy, quý sư cô khuyên niệm Phật, trì chú. Đó là thiền chỉ, tức giữ tâm, an trụ tâm, đặt tâm trên đối tượng. An trụ tâm chỉ là phương pháp đè nén và do đó, khổ đau không kết thúc. Do vậy, Đức Phật nhấn mạnh đến thiền tuệ để chuyển hóa khổ đau. Thiền chỉ mà cốt lõi là thiền ngồi không phải là giải pháp. Niệm Phật, thiền công án, thoại đầu, trí chú, tụng kinh, suốt thời gian thực tập, tâm chúng ta không rảnh rang để bám víu vào. Nhưng khi chúng ta nhàn rỗi, tâm bắt đầu tìm kiếm nơi này, nơi kia

Thiền sư Nhất Hạnh trước khi trở thành thiền sư lỗi lạc, đã từng là một nhà Phật học lỗi lạc. Có nghĩa rằng, sau khi trải qua các trường lớp Phật học, có kiến thức chuẩn, sâu, chúng ta bắt đầu thấy được con đường tu đúng để giải quyết khổ đau.

 

3. Trách nhiệm trợ giúp của người thân.

Là những người sống chung, sinh hoạt chung, chúng ta dễ dàng nhận ra các biểu hiện khổ đau từ người thân của mình. Điều đó không khó, chỉ cần một chút quan sát là đã thấy.

Khi người thân có nỗi khổ niềm đau, chúng ta không nên thờ ơ, lảng tránh vì khổ đau như ung thư, ngày càng phình to ra. Đến một lúc nào đó, sự chịu đựng đã vượt quá giới hạn, “cục bướu” khổ đau đó sẽ vỡ tung và cả ta lẫn người thân của ta đều bị ảnh hưởng.

Những người khổ đau thường có những biểu hiện như sau: Đau đầu, im lặng, giam nhốt mình trong một căn phòng (nếu căn nhà mình ở có nhiều phòng), thụ động (đi đứng lù khù, chậm chạp), hay suy nghĩ những điều tích cực, hay tìm lý do để nghỉ việc và xa lánh quần chúng, mất ngủ. Chính vào lúc đó, cả bản thân người bị và người thân đều cần được sự trợ giúp. Một điều đáng lưu ý là người đang khổ đau đều luôn nghĩ rằng mình đang đúng, mình không có khổ đau, bế tắc, vướng dính.

Trước tiên hết, để trị liệu khổ đau, chúng ta cần phải truy tìm nguyên nhân của khổ đau của họ. Cần phải có sự lắng nghe, thấu hiểu, và có lúc cần cả sự đồng hành. Nếu thành viên ở xa gia đình vì các lý do, việc tư vấn có thể xảy ra với mỗi đương sự, tức tư vấn 1 -1

Người thân trong tư thế là người đồng hành phải tìm các Tăng, Ni có khả năng tư vấn tâm lý để hỗ trợ. Nếu không có Tăng, Ni ở gần chúng ta, chúng ta có thể chọn các nhà tư vấn tâm lý theo đúng chuyên môn vì nhà tư vấn tâm lý có người chỉ tư vấn nhân sư, tư vấn hướng nghiệp v.v…

Một điều đáng lưu ý, đó là đến chùa xin tư vấn một lần chưa giải quyết được hết, bởi vì khi giải quyết bế tắc này xong, các dây mơ rễ má của các bế tắc lại phát sinh. Vì thế, chúng ta nên đến chùa 2, 3 lần để tham vấn tâm lý.

Sau khi được tham vấn, hướng dẫn trị liệu, khi trở về nhà, người thân phải kiên nhẫn hỗ trợ vì dù rằng họ được hướng dẫn nhưng họ không muốn làm. Trong giai đoạn này, cần phải khéo léo về lời nói, ngữ điệu, cách nói v.v…

 

4. Giải pháp tư vấn bốn bước (Tứ Thánh Đế).

Tứ Thánh Đế, tức “bốn chân lý thánh” (S. catvāri āryasatyāni, P. cattāri

ariyasaccāni, C. 四谛, 四真谛、四聖諦) là phương pháp luận giải thoát do đức Phật chủ trương, có khả năng giải quyết tất cả các vấn nạn khổ đau.

Các vấn nạn, dù ở loại hình nào, đều có thể được giải quyết dứt điểm bằng bốn chân lý thánh. Khi phiên dịch sang Trung Quốc, chư Tổ lại dịch thành “Tứ Diệu Đế” bởi vì ảnh hưởng của tôn giáo đa thần, thiên về tính mầu nhiệm.

4.1. Bước 1: Nhận diện các thách đố và khổ đau.

Hãy nhìn thật rõ khổ đau đang là. Khi nghe người thân kể về nguyên nhân khổ đau, chỉ cần yêu cầu họ nói vắn tắt, vì nếu họ kể dài quá, bản thân chúng ta sẽ bi lụy theo.

Ngoài ra, có những người tự ái, mặc cảm khi có người thân xung quanh, chúng ta hỏi họ rằng có cảm thấy ái ngại khi có mặt người thân không.

4.2. Bước 2: Truy tìm nguyên nhân (Giải tỏa tâm lý về nguyên nhân gây khổ đau)

Hỏi người đó rằng đã điều trị ở bệnh viện nào, bởi bác sĩ chuyên khoa nào. Đối chiếu dấu hiệu bệnh trên ngoại hình, sắc mặt, thái độ với tiểu sử điều trị, chúng ta có thể nhận biết rằng họ đang khổ đau ở mức nào.

Nguyên nhân gây nên có muôn hình vạn trạng: Bị la mắng, sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện, chơi game hoặc coi TV 4 giờ/ngày v.v… Điều đó làm giảm tương tác với cuộc sống thực tế.

Trầm cảm nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tự tử hoặc tâm thần vĩnh viễn.

Khi tư vấn, phải chốt được bản chất khổ đau. Nếu không chốt được, chúng ta sẽ bị họ xoay vòng như chong chóng, đang khi họ cần mình chứ không phải mình cần họ.

Độc giả có thể nghe các bài pháp thoại, pháp đàm và vấn đáp của TT. Nhật Từ trên kênh YouTube Đạo Phật Ngày Nay

 

4.3. Bước 3: Yêu cầu bệnh nhân thừa nhận sức khỏe và sự phục hồi.

Đây là một điều khó vì người đang bị như vậy không nhìn thấy những mảng trời xanh. Tuy nhiên, nếu không gây tạo niềm tin cho người bệnh về một tương lai tươi sáng, chúng ta sẽ thất bại. Tâm người bệnh sẽ đóng lại. Khi đã hoàn thành 2 bước trên rồi, chúng ta phải nhanh chóng tiến hành bước 3.

Ngoài ra, phải tạo hiệu ứng tâm lý cho người bệnh cảm thấy được rằng được tham vấn, trị liệu là vô cùng quý giá. Nếu dễ dãi quá họ sẽ không quý trọng.

Phải khuyến cáo bệnh nhân không được đến các thầy bói, thầy cúng, thầy nhân điện, ngoại cảm v.v… để tư vấn.

 

4.4. Bước 4: Hướng dẫn bệnh nhân chăm sóc tốt bản thân họ.

Sau khi hỏi vắn tắt, truy tìm được nguyên nhân, gây tạo hiệu ứng tâm lý, sức khỏe và hạnh phúc của họ chắc chắn nằm trong tầm tay. Chúng ta không nên soạn sẵn các phương pháp giải quyết cho các chứng rối loạn tâm lý. Làm vậy người bệnh sẽ không quý trọng. Hãy làm sao để các phương pháp đi vào lòng người.

Trong quá trình trị liệu để bệnh nhân tái hòa nhập cuộc sống, có 4 phương diện.

A. Nỗ lực làm quen với những sự kiện mới: Hãy giúp người thân nỗ lực làm quen với những không gian, sự kiện khác, tức đổi đối tượng nhận thức của tâm. Bên cạnh đó, hãy tham gia những hoạt động có tính sáng tạo, tính trong sạch, ví dụ: Khóa tu “Templestay” tại Hàn Quốc.

B. Tăng cường sức khỏe thể chất: Những người bị khổ đau không có nhu cầu thể dục thể thao, nằm trong phòng, buông công việc và cắt đứt các mối quan hệ xã hội. Phải cho họ chạy bộ, bơi lội, võ thuật, thể thao, yoga, khí công, lễ Phật (Người lớn chỉ cần lạy 50 lạy, người trung niên 89 lạy, người trẻ lạy 108 lạy). Đồng thời, hãy xoa bóp cơ thể, bấm huyệt, trồng cây chuối, rọi đèn hồng ngoại vào gáy cổ.… Phải khích lệ họ hướng ngoại, tương tác với thế giới thật, xã hội thật, con người thật, công việc thật. Một điều đáng lưu ý rằng không có người bệnh dự khóa tu thiền, đặc biệt là ngồi thiền, hoặc dự các khóa tu có thời khóa miên mật. Hãy cho họ làm công quả trong chùa, cười tươi mỗi ngày, xem phim hài, kịch hài.

C. Tương tác xã hội tích cực: Yêu cầu bệnh nhân lắng nghe, chia sẻ với người thân, giao tiếp với bạn bè, tương tác với xã hội, không cho ở một mình. Hãy kéo họ đi và mỗi khi họ đi hãy tán dương và khích lệ để họ lên dây cót tinh thần. Cực chẳng đã, không nên đồng cảm với khổ đau của họ.

D. Trải nghiệm Phật Pháp và thực tập thiền: Dẫn người thân đến những trung tâm tu học, có nội dung tu học phong phú, phải khai mở trí tuệ bằng học Phật và nghe pháp, tránh tu theo pháp môn niệm Phật vãng sinh, mật tông và các tà đạo. Nếu thực tập thiền là thiền đi, không phải thiền ngồi. Vì khi ngồi, bệnh nhân sẽ suy diễn lung tung. Cứ đi tới đi lui, đi trong chính niệm, đi thoải mái là được.



****************


5. HỘ NIỆM NGƯỜI SỐNG VÀ NGƯỜI ĐÃ MẤT

 

1. Khái niệm và đối tượng được hộ niệm

Khái niệm hộ niệm theo Phật giáo được hiểu theo 2 nghĩa khác nhau: Nếu tách rời “hộ” và “niệm” thì niệm (P. Sati): nghĩa là nhớ về, nghĩ đến, tỉnh giác và hộ là trợ giúp, cứu hộ.

Về chiết tự, “niệm” được cấu tạo bằng 2 bộ phận: Bộ trên là chữ kim, tức hiện tại. Bộ dưới là chữ tâm. Vậy, niệm là sự nhận thức của tâm đối với sự vật có không gian bây giờ và tại đây. Còn trong ngôn ngữ học, niệm là nhớ nghĩ những chuyện đã qua hoặc chưa tới.

Kinh A-di-đà, bản Sanskrit xuất phát từ Ấn Độ, Tam tạng pháp sư Cưu-ma-la-thập dịch có tên đầy đủ là “Nhất thiết chư Phật sở hộ niệm kinh”, tức “kinh được tất cả đức Phật nhớ và bảo hộ”. Rút ra từ kinh A-di-đà, các vị Tăng, Ni hoằng truyền Tịnh Độ tông có 1 khái niệm ngắn gọn là “hộ niệm” chỉ cho một nghi thức tâm linh mà chư Tăng hay Phật tử sử dụng danh hiệu Phật A-di-đà hoặc 3 bản kinh của Tịnh Độ tông.

Các trường phái Phật học nhấn mạnh hộ niệm ở nghĩa thứ 2, đó là “Pháp Hoa nghĩa sớ”: “Linh hoại ác bất sinh vi hộ, nội thiện đắc sinh vi niệm”, dịch nghĩa là: “Làm cho các hành động ác từ bên ngoài không xâm nhập vào là hộ, giúp cho các thiện được phát sinh là niệm.” Đây là một định nghĩa mang tính triết lý mà các trường phái Phật giáo Đại thừa quan tâm. Định nghĩa này giống với kinh Pháp Cú, câu 183:

Không làm các điều ác

Vâng làm các việc lành

Giữ tâm ý trong sạch

Đó là lời Phật dạy.

Theo “Kinh Tăng nhất A-hàm”, hộ niệm nghĩa là “thiện tự hộ niệm, quảng độ hữu tình, lưu bố tương lai, vô lịnh đoạn diệt (tuyệt)”, dịch nghĩa là: “thiện là sự ghi nhớ và bảo hộ bản thân, theo đó, độ một cách rộng rãi nhân sinh và các loài hữu tình, và hãy truyền bá tinh thần lấy thiện trở thành chính niệm và bảo hộ cho tương lai, đừng bao giờ để khuynh hướng đó kết thúc.”

Trong các từ điển Phật học Hán - Việt, hộ niệm là “lịnh ngoại ác bất nhập vi hộ, nội thiện đắc sinh vi niệm”, dịch là: “làm cho các điều ác bên ngoài không xâm nhập là hộ, bên trong phát sinh điều lành là niệm.”

5 đối tượng hộ niệm: (i). Người già đối diện sự cô đơn, tủi thân, (ii). Người bệnh, (iii). Người hấp hối, (iv). Người chết, (v). Thân nhân của 4 loại người trên.

Khi hộ niệm, chúng ta đừng nhận tiền cúng dường từ gia quyến vì nhận thấy rõ giá trị lợi lạc của Phật sự này góp phần xoa dịu nỗi khổ, niềm đau của gia quyến và giúp cho người được hộ niệm được bình an, sống vững chải những ngày cuối đời.

 

2. Những điều lưu ý về hộ niệm người sống.

2.1. Thái độ của người sống đối với Tăng, Ni: Có những người nhiệt tình nhưng thiếu kỹ năng, không nhận ra gia quyến quý trọng người tu, đang khi người già, người bệnh, người hấp hối ghen ghét. Trước khi đến gia quyến hộ niệm, thử hỏi xem người được hộ niệm có phải là Phật tử, có hành động xấu ác đối với đạo. Nếu có hành động xấu ác, chỉ cần đến thăm viếng và vấn an sức khỏe một cách khéo léo (hỏi họ xem có muốn được hộ niệm không) để gây thiện cảm với người xấu ác đó.

2.2. Người già, bệnh và hấp hối nếu là Phật tử tu theo pháp môn nào?

Người tu thiền thì không hộ niệm bằng tụng kinh, niệm Phật, người tu theo Mật tông thì trì chú (trao đổi trước để biết họ cần tu gì). Đôi khi cũng nên thử áp dụng các bài kinh khác nhau đối với mỗi nhóm tính cách, nhóm có đóng góp cho đạo pháp (quan trọng là phải gợi ý trước).

2.3. Người được hộ niệm phải được hạnh phúc.

 

3. Các yêu cầu về hộ niệm cho người chết.

Trong các nghi thức tụng niệm phiên dịch Hán - Việt, không có khái niệm cầu an - cầu siêu. Khoảng 80 năm trở lại, tại Việt Nam, các nghi thức được biên tập thêm các khái niệm này để dễ hiểu hơn. Tuy nhiên, vì sử dụng các khái niệm này, tính cầu nguyện được tạo ra để mong cầu một phép mầu nào đó.

Hộ niệm người sống đúng cách sẽ tạo ra các giá trị trị liệu về sức khỏe.

- Niềm tin vào nội dung hộ niệm.

- Đúng pháp môn tu tập.

- Chia sẻ, giải thích để tháo gỡ tâm lý vướng kẹt.

Lưu ý:

(i). Mỗi người biểu hiện ra bên ngoài một cách cảm nhận khác nhau. Ví dụ: Có người không co chân được, khi cảm động co chân; Có người mắt đờ đẫn, khi hiểu đạo mắt sáng lên, mấp máy,

(ii). Quan trọng nhất vẫn là hộ niệm khi còn sống,

(iii). 7 tuần thất nên tổ chức tại chùa để gieo hạt giống Phật và tạo phúc; Không nên tổ chức ở nhà vì đó là dịp đàn ông nhậu nhẹt, đàn bà thị phi.

Bản thân nhân quả tự động phân loại cảnh giới tái sinh chứ không do thần linh như Thập Điện Minh Vương phân loại.

Khi đến viếng đám, trước khi hộ niệm, chúng ta nên dành ra 10 phút chia sẻ với nội dung xoay quanh các chủ đề:

- Tán dương công đức của người quá vãng và nhân quả thiện của họ.

- Quy luật tái sinh.

- Các công đức cần phải hồi hướng cho người quá vãng.

- Buông xả.

Tránh chia sẻ sau khi tụng kinh xong vì tụng kinh xong đã thấm mệt. Khi tụng kinh, cứ ngồi, không cần phải đứng.

Khi cúng, chỉ cần cúng tượng trưng vì người chết rồi không ai ăn uống được. Khi cúng thất, cúng giỗ, cúng trai tăng…phải khéo léo sắp xếp nội dung khác nhau nhưng vẫn dựa trên các cốt lõi đó.

 

4. Dấu hiệu vãng sinh.

4.1. Vãng sinh dựa vào hơi ấm.

Luận Câu-xá ra đời tại Ấn Độ vài trăm năm sau khi Đức Phật ra đời đề cập đến vị trí hơi ấm thoát ra khỏi cơ thể. Dựa vào đó, bộ luận đã chia ra 6 nhóm tái sinh, bao gồm 3 vị trí thiện và 3 vị trí ác.

Ba vị trí thiện: (i). Hơi ấm tại đỉnh đầu: Tái sinh cực lạc, (ii). Hơi ấm tại mặt và cổ: Tái sinh cõi trời, (ii). Hơi ấm tại ngực: Tái sinh cõi người.

Ba vị trí ác: (i). Hơi ấm tại bụng: Tái sinh cõi súc sinh, (ii). Hơi ấm tại chân: Tái sinh cõi ngạ quỷ, (iii). Hơi ấm lòng bàn chân: Tái sinh cõi địa ngục.

Nếu nói như thế là một sự mâu thuẫn lớn vì có những người suốt đời chẳng làm bất kỳ một việc thiện nào, cuối đời hơi ấm tại đỉnh đầu làm sao mà vãng sinh Cực Lạc? Hoặc có những người tu tập cả đời, khi mất hơi ấm tại vị trí lòng bàn chân! Nếu nói như thế thì cần gì phải tu tập, làm việc thiện?

 

4.2. Suy luận vãng sinh dựa vào các dấu hiệu lành.

Các dấu hiệu làm có thể là: thoang thoảng mùi thơm, xuất hiện hào quang ở vị trí nhà, thân thể người chết mềm mại, khuôn mặt hồng hào…  Trên thực tế, không có kinh điển nào ghi như thế cả. Đó chỉ là học thuyết mê tín của người Trung Quốc.

Tùy theo điều kiện nhiệt ở không gian hấp hối, hoặc nóng hoặc lạnh, tiến trình oxy hóa của cơ thể diễn ra nhanh/ chậm.  

Ở những quốc gia nhiệt đới từ 34 - 48 độ C, sự oxy hóa diễn ra nhanh chóng hơn và cơ thể sẽ mềm nhanh hơn, và ngược lại với các quốc gia ôn đới. Khi mới chết, cơ thể cứng lại, vài giờ sau sẽ tự động mềm ra mà chẳng cần ai tụng kinh, trì chú, niệm Phật.

Việc cơ thể phản ứng một số màu cũng không phải là vãng sinh mà đó chỉ là cấu trúc sinh học. Có người khi giận, khi vui mặt đỏ ngầu, còn khi sợ hãi mặt tái sinh. Khi còn sống sắc mặt như thế nào thì khi chết cũng vậy.

Cũng không thể nói mùi thơm trên cơ thể là vãng sinh, vì rằng có những người rất thơm. Nếu nói mùi thơm trên cơ thể là vãng sinh, vậy những người bị viêm cánh đều đọa địa ngục?

Khi chết, phản ứng mùi diễn ra mạnh hơn. Những người bị đau bao tử, đau đường ruột, trào ngược thực quản, xơ gan cổ trướng, ung thư gan, đầy hơi, ung thư thận đều dẫn đến phản ứng trương sinh và mùi xú uế tỏa ra. Khi người thân mình ra đi, mình ngồi kế bên giường nên mới ngửi thấy, chứ thường ngày mình không bận tâm.

Lại một ví dụ nữa, đó là mùi cà ri nị của người Ấn Độ, gọi tắt là mùi Ấn Độ, có mùi rất đặc trưng. Hoặc như người dùng ngũ vị tân, thịt dê, kỳ nhông, ngao, sò, ốc, hến, kỳ đà, cắc ké, cá có vảy sặc sỡ, mùi tỏa ra từ cơ thể rất khó chịu.

Cho nên, nhân quả tái sinh lệ thuộc vào tổng thể nghiệp nhân mà họ đã gieo trong suốt một kiếp người chứ không lệ thuộc vào mùi.

Trung Quốc cường điệu hóa cận tử nghiệp (near dead experience), lúc đó, nghiệp biểu hiện chỉ là từ tâm thức một cách rất mờ nhạt. Chẳng qua chỉ là những thái độ, quyết định, tư duy, nỗi sợ hãi khi phải ra đi một mình. Tổng thể nghiệp của một kiếp người quyết định cảnh giới tái sinh chứ không phụ thuộc nhiều vào cận tử nghiệp. Chẳng lẽ một người làm thiện cả đời, tới cuối đời trỗi dậy một ý niệm sân hận mà lại đọa địa ngục?

Thay vì xóa bỏ mê tín, chúng ta hãy khai mở chánh tín ngay từ đầu để khỏi phải mất công xóa bỏ mê tín về sau. Hãy khuyên người thân đến chùa tu học Phật từ nhỏ và tham dự các Phật sự.




****************


PHẦN 2: PHÁP THOẠI CÁC GIẢNG SƯ

 1. TÂM NGUYỆN VÀ HÀNH TRẠNG CỦA NGƯỜI XUẤT GIA

Thích Đồng Trí

 

Dân gian thường có câu: “Cái răng, cái tóc là gốc con người”. Vì quan niệm đó, không phải ai cũng muốn bỏ đi ‘’Mái tóc là vóc con người’’ nhất là phái nữ vì họ thường lấy mái tóc làm niềm hãnh diện về nhan sắc của mình. Thế nhưng, theo góc nhìn của người xuất gia, mái tóc là những sự vướng dính, tượng trưng cho phiền não, vì cả nam giới hay nữ giới đều: (i). Luôn chăm sóc mái tóc làm sao cho đẹp và (ii). Thu hút người khác giới phái. Cho nên, việc chúng ta cạo bỏ tóc đời để trở thành người xuất gia là một điều vô cùng cao qúy trong cuộc đời này.

Người xuất gia cần phải bồi đắp phẩm chất cho tương xứng với hình thức “đầu tròn áo vuông”.

“Được sanh làm người là khó, được sống trọn đời còn khó hơn, được nghe Chánh pháp là khó, được gặp Phật ra đời còn khó hơn.” (Kinh Pháp cú, phẩm Phật-đà, câu 182).

Chính vì thế, hãy tận dụng thân người ngắn ngủi trong mấy chục năm nỗ lực công phu tu tập, tinh tấn, chính niệm, tỉnh giác để gieo nhân lành.

Tâm nguyện của người xuất gia, ngoài việc tu học đúng chính pháp, còn đem Phật Pháp đến khắp mọi nhà, gieo hạt giống tốt về muôn lối.

“Xuân trong tôi, phát sinh tâm nguyện thiết tha

Làm sao, làm sao thế gian cùng nhau xóa tan hận thù.

Xuân dâng lên, thiết tha trong nguồn suối thơ,

Thuyền đi, chèo theo nắng lên hòa chung khúc ca vượt bờ.”

Thiền ca Làng Mai, CD Dòng nhạc áo nâu, nhạc phẩm Xuân ca (trích)

Hành trạng của người xuất gia, theo thiền sư Linh Hựu, Quy sơn cảnh sách văn: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”, dịch nghĩa như sau:

Người tu học hướng phương trời rộng

Thân và tâm khác bọn phàm phu

Nối truyền giống Phật, dẹp ma

Bốn ân quyết trả, cứu ba đường phàm.

Thích Nhật Từ (2016). “Nghi thức khuyến tu”. Hà Nội: NXB Hồng Đức, tr. 94


****************


2. TÁC PHONG CỦA NGƯỜI TU

Thích Ngộ Phương

 

Người không tu có 5 tác phong: (i). Miệng nói nhiều; (ii) Không chịu ở một mình; (iii) Tâm lúc nào cũng hướng ra bên ngoài; (iv) Trong cuộc sống liên tục tạo tác; (v) Ích kỷ.

Sở dĩ người không tu khi ngồi xuống hay nói hàn huyên bất tận vì trong tâm luôn sợ cái không, lúc nào cũng cần một cái có để thỏa mãn sự thiếu thốn nên sinh ra các suy nghĩ, từ suy nghĩ sinh ra ngôn ngữ.

Người không tu thích được ở với nhiều người (hội chúng). Khi đã tập thành thói quen như thế, khi cuối đời, hấp hối sẽ sợ hãi vì chỉ còn mỗi bản thân mình, không ai nương tựa.

Vậy, muốn đạt đạo tịch tịnh, vô vi, an lạc, các bạn phải xa lìa những chốn huyên náo, sống một mình ở những nơi an nhàn, thanh vắng và cắt đứt gốc rễ đau khổ bằng tư duy trí tuệ. Người thích hội chúng thì bị hội chúng nhiễu loạn, như cây cổ thụ mà có nhiều chim tụ tập thì có thể bị hư cành. Thế gian trói buộc con người trong đau khổ cũng giống như con voi già bị sa lầy, khó mong thoát khỏi. Đó là hạnh siêu thoát.

Mặc dù ở một mình, thế nên, thói quen của con người là suy nghĩ. Khi ở một mình, những suy nghĩ của chúng ta vẫn chưa thể hết được. Chính vì vậy, điểm nhấn là không suy nghĩ. Người tu ở một mình, ngồi một mình nghĩa là ở giữa đại chúng cũng phải là một mình. Người tu sống một mình nhưng không cô đơn, không lệ thuộc vào người khác, rất vững vàng giữa vui - buồn, được - mất, khen - chê…

Phong cách người tu là hướng vào bên trong không bị bám dính vào bên ngoài để bị kéo đi. Phong cách của người không tu là bạo động và ích kỷ, người mà không tu hay tu không đúng họ luôn bám víu vào cái gì đó để cho cái tôi trong sạch tốt đẹp hơn - đó không phải là tu thật.

Người không tu lúc nào trong tâm họ cũng bất an, cô đơn sầu muộn, lúc nào họ cũng cần một việc gì đó để làm, lúc nào cũng cần một người để tâm sự, tâm họ lúc nào cũng tạo tác.

Người tu vẫn làm nhưng an nhiên, tự tại, chỉ có hành động chứ không vừa làm vừa suy nghĩ. Người tu hành không tham thì không đợi chờ, không đợi chờ là không tạo tác.

Thong thả, nhẹ nhàng, tự tại từng trong mỗi phút giây, sống trọn vẹn trong từng phút giây - đó là phong cách của người tu.


****************


3. TỰ NƯƠNG TỰA MÌNH

Thích nữ Huệ Liên

 

Nội dung pháp thoại được Ni sư Huệ Liên lấy ý chính từ kinh Pháp Cú (Dhammapāda sutta), phẩm Tự ngã (atta vagga) thứ 12, câu 160.

Nguyên văn tiếng Pāli (văn vần):

Attā hi attano nātho

ko hi nātho paro siyā

Attanā’ va sudantena

nātham labhati dullabham.

Bản dịch tiếng Anh:

Oneself, indeed, is one’s saviour, for what other saviour would there be? With oneself well controlled one obtains a saviour difficult to find.

Bản dịch Pāli - Việt (văn vần):

“Tự mình y chỉ mình

Nào có y chỉ khác

Nhờ khéo điều phục mình

Được y chỉ khó được.”

Bản dịch Pāli - Việt (văn xuôi):

Chính tự mình làm chỗ nương cho mình chứ người khác làm sao nương được? Tự mình khéo tu tập mới đạt đến chỗ nương dựa nhiệm mầu.

Nơi nương tựa thật sự trong cuộc đời không phải là những thứ bên ngoài mà chúng ta thường nắm bắt để làm chủ và thay đổi chúng, như lời khen, tiền của, những buổi tán gẫu v.v… vì cảnh bên ngoài dù có đẹp tới đâu rồi cũng sẽ vô thường chợt mất. Nơi nương tựa thật sự chính là thân và tâm (cảm giác, tri giác, tâm tư, nhận thức) này. Với tri kiến đúng như thật, người tu học Phật thấy được rằng việc làm chủ thân tâm sẽ đưa đến an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ giải thoát, chuyển hóa lậu hoặc.

An trú thật yên, thật vững vàng vào thân và tâm này, người tu học Phật sẽ khám phá cả kho tàng an lạc, kho tàng vi diệu, kho tàng tịch diệt, dựa trên nền tảng của khai mở trí tuệ - giữ gìn đạo đức, oai nghi - thực tập thiền. Người tu học đúng chính pháp sẽ cảm nhận hạnh phúc siêu việt hạnh phúc bên ngoài chúng ta, thường được gọi là hạnh phúc thế gian, hạnh phúc trần tục, vốn vô thường (Anitya), khổ (Dukkha), vô ngã (S. anātman, P. anattā). Đời tu mà không có tịnh hỷ sẽ không thể phát sinh định, không có định sẽ không thể phát sinh tuệ được.

 ****************

4. TRÍCH GIẢNG KINH PHÁP CÚ CÂU 9 VÀ 10

Thích Bửu Chánh

 

Tham khảo tài liệu của Thượng tọa Thích Bửu Chánh đã gửi trong buổi giảng trong ngày tu tập thứ ba, khóa tu Xuất gia gieo duyên kỳ 03, ngày 10/5/2018.

 ****************

5. VUN TRỒNG CHÁNH NIỆM - TRÍCH GIẢNG KINH THÂN HÀNH NIỆM

Thích Tâm Đức

 

1. Dẫn nhập.

Tham ái dẫn dắt con người trong khổ đau của luôn hồi. Tham ái có thể giúp chúng ta có thêm tài sản, vật chất thì cũng khiến ta vướng mắc. Vị ngọt của tham ái là cách xoa dịu tự ngã chúng ta, khiến ta mê mờ trước chúng.

 

2. Đóng góp của Đức Phật cho tư tưởng nhân loại & tầm quan trọng của giáo pháp.

Ngược dòng lịch sử, qua hằng nghìn năm, Phật giáo đã thay đổi thế giới, tác động đến lịch sử tư tưởng của nhân loại, mà cụ thể là kinh Chuyển pháp luân (Dhammcakkappavattana sutta) - bài kinh nói về Tứ Thánh Đế, (S. catvāri āryasatyāni, P. cattāri ariyasaccāni, C. 四谛, 四真谛、四聖諦) - phương pháp luận giải thoát do đức Phật chủ trương, có khả năng giải quyết tất cả các vấn nạn khổ đau.

Là một người tu học theo Phật, chúng ta hãy căn cứ vào những lời dạy (khẩu giáo) và cuộc đời (thân giáo) của ngài.

Sinh thời, Đức Phật có nhận xét: “Rối ren thay đời sống tại gia, phóng khoáng thay đời sống xuất gia.” Đức Phật cũng là con người (human), cũng có tất cả mọi thứ đẹp đẽ trong đời, hưởng thụ không biết bao nhiêu dục lạc. Ấy thế, ngài vẫn không cảm thấy hạnh phúc và nhận ra những thực trạng đầy đau xót của cuộc đời khi đi dạo bốn cửa thành. Ngài tự hỏi rằng liệu có con đường nào khác và bản thân ngài thiết tha tìm kiếm một con đường nào đó có thể giải thoát con người khỏi vòng luẩn quẩn của luân hồi. Chính vì vậy, trong đêm khuya thanh vắng, với con ngựa Kiền-trắc cùng người hầu Xa-nặc, ngài đã ra đi tìm đạo.

Sau 6 năm trải qua các phương pháp tu tập không mang đến giải thoát đích thực, ngài đã chứng đạt chân lý cao siêu dưới cội cây Tất-bát-la (Pippala).

Thấy được chân lý do bản thân khám phá quá cao siêu, thế gian chìm trong khó thâm nhập, ngài im lặng không truyền bá cho ai. Sau khi suy nghĩ lại, ngài đã quyết tâm truyền bá chân lý mà mình đã khám phá trong suốt 45 năm còn lại của cuộc đời.

Những gì mà ngài truyền bá bao gồm: pháp, tức chân lý (dhamma) và luật, tức đạo đức (vinaya). Sau này, do quá trình truyền thừa Phật giáo qua các quốc gia, có những sự thay đổi nhất định về mặt văn tự và ngữ nghĩa. Suy ra, người tu học Phật phải y chỉ những lời dạy nguyên gốc của Đức Phật.

 

3. Các cấp độ nhận thức

Trong kinh Pháp môn căn bản, Đức Phật nói có 4 hạng người trong cuộc đời:

- Hạng phàm phu: Không yết kiến, không thuần thục, không tu hành pháp các bậc chân nhân, các bậc thánh.

- Hạng Tỳ-kheo hữu học (chưa chứng quả A-la-hán, đã chứng 3 quả đầu): Tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các khổ ách.

- Hạng Tỳ-kheo vô học (là bậc A-la-hán): Các lậu đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành tựu lý tưởng, đã tận trừ kiết sử, chánh trí giải thoát.

- Như Lai là bậc A-la-hán: Bậc Chánh đẳng giác.

Kẻ phàm phu tưởng tri những điều quanh cuộc sống, mà tưởng tri là cái biết thông qua sáu giác quan. 3 hạng người còn lại thắng tri, tức cái biết siêu việt, tức mắt thấy sắc, chỉ biết rằng đó là sắc. Tương tự đối với các sự vật, sự kiện, hiện tượng xung quanh là âm thanh, hương, vị, sự xúc chạm, ý niệm.

Thắng tri là kết quả của một quá trình lâu dài nỗ lực tu tập thiền định (thiền chỉ) và thiền tuệ (thiền quán/ thiền minh sát/ thiền tứ niệm xứ - vipassana). Nhờ thiền định và thiền tuệ, ta quay vào bên trong, bớt tiếp xúc với thế giới bên ngoài, qua nhiều kiếp mới đạt được thắng tri.

Giống như một ly nước có cặn, muốn lắng xuống thì phải để yên cái ly. Tâm con người cũng như vậy.

Từ niệm sinh định, từ định sinh tuệ. Cứ vun trồng đều đều, đến lúc nào hoa trái của sự tu tập đã sẵn sàng thì chúng sẽ tự động trổ.

Vậy, (chính) niệm (P. Sati) có 3 nghĩa: nhớ tưởng, chú ý, tỉnh thức (tỉnh giác).

Chính niệm sử dụng như thế nào? Có 5 đề mục niệm căn bản như sau:

- Niệm hơi thở.

- Niệm bốn oai nghi lớn và các oai nghi nhỏ.

- Các bộ phận thân thể.

- 32 thể trược.

- Thân này đang chết.

- Tứ thiền.

Sở dĩ Đức Phật chọn hơi thở vì hơi thở có thật, vì hơi thở vô hình, vô vị, không khiến chúng ta khởi lên tham ái, sân hận, si mê.

Niệm oai nghi vì làm gì thì an trú cử chỉ, động tác đó.

Niệm các bộ phận thân thể vì để thấy được rằng thân thể chúng ta cấu tạo từ vô số yếu tố. Khi đủ duyên thì thân này hiện diện, hết duyên thì hoại diệt. Thấy thân này có đó rồi mất đó, chúng ta sẽ không vướng dính thân, không kiêu hãnh, không tự hào, ngã mạn vì ảo tưởng ngoại hình, đặc biệt đối với các bạn trẻ.

Niệm 32 thể trược, chúng ta thấy được rằng thân này từ bàn chân lên cho đến đỉnh tóc, bao bọc bởi da, chứa đầy nhơ nhớp. Trong thân này có: tóc, lông, móng, răng; da, thịt, gân, xương; thận, tủy, tim, gan; hoành mô, lá lách; phổi, ruột, màng ruột; bụng, phân, mật, đàm; mủ, máu, mồ hôi; mỡ thịt mỡ da; nước mắt, nước miếng; nước mủ, nước tiểu; và nước khớp xương, để vượt qua sự tham đắm về vẻ đẹp của người khác phái.

Niệm thi thể, chúng ta thấy 9 bước tan rã củ một thi thể, vốn mà khi trước, đó là cả một con người “quý phái”: Thi thể trương sình, xanh rồi tím bầm, dần dần thối rữa. Cái thi thể ấy có thể sẽ bị quạ hay diều hâu, kên kên, chó sói, hay loài giả can hoặc các côn trùng ăn và cấu xé v.v. . . Cũng có tình huống thi thể còn nguyên, xương thịt gân da vẫn còn dính nhau. Cũng có trường hợp, chỉ còn bộ xương, thịt gân và máu đều đã rời rã, xương tay, xương chân, xương ống, xương chậu, xương sống xương sọ và xương bắp vế. Cũng có trường hợp, thi thể thành xương, trắng như võ ốc, hoặc tan thành bột, do để lâu năm. Hành giả thấy rõ bản chất thân này vốn là như vậy, như một quy luật, không thể khác hơn.

Thấy được quy luật vô thường của thân này, chúng ta hoan hỷ và tùy thuận, không than khóc, không chống lại sự già, bệnh, chết của thân.

Niệm các cấp độ của thiền: Ly ái dục sinh hỷ lạc, định sinh hỷ lạc, ly hỷ diệu lạc, xả niệm thanh tịnh.

 

4. Lợi ích của vun trồng chánh niệm.

- Tâm ngày càng sáng suốt vì không/ ít bị phiền não che mờ.

- Ma vương không cản trở đường tu.

- Điều chỉnh cảm xúc.

- Vượt qua sợ hãi

- Và nhiều lợi ích khác.



****************

6. HẠNH VIỄN LY BA-LA-MẬT

Thích Giác Hoàng

 

1. Dẫn nhập.

Ba-la-mật (S. Pāramitā, P. Pāramī, C. 波羅蜜多): nghĩa là sự toàn hảo, viên mãn (perfect). Trong văn học Phật giáo Đại thừa, có 6 loại ba-la-mật. Đối văn học Phật giáo Nguyên thủy, có 10 ba-la-mật.

Viễn ly, hay còn gọi là xuất ly, xuất gia. Xuất gia ba-la-mật nằm trong 10 loại ba-la-mật: bố thí (Dàna), trì giới (Sìla), xuất gia (Nekkhamma), trí tuệ (Pannà), tinh tấn (Viriya), nhẫn nại (Khanti), chân thật (Sacca), quyết định (Adhìtthàna), tâm từ (Mettà), và tâm xả (Upekkhà).

 

2. Khái niệm.

Xuất gia có 3 cấp độ: (i). Ra khỏi nhà thế tục, (ii). Ra khỏi nhà phiền não, (iii). Ra khỏi nhà tam giới (cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc).  Tình hình hiện nay, chúng ta hiện đang sống trong cõi dục.

Theo thiền sư Linh Hựu, xuất gia có nghĩa là “phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu. Nhược bất như thử, lạm xí tăng luân, ngôn hạnh hoang sơ, hư triêm tín thí.” Dịch theo tiếng Việt, chúng ta có thể diễn giải qua những dòng thơ như sau:

Người tu học hướng phương trời rộng

Thân và tâm khác bọn phàm phu

Nối truyền giống Phật, dẹp ma

Bốn ân quyết trả, cứu ba đường phàm.

Chưa được thế, là tăng sĩ dỏm

Hạnh và lời trống rỗng, đáng thương

Tốn hao tín thí, cuống cuồng

Cả đời lựng khựng, tựa nương chỗ nào?

Chúng ta xuất gia vì nhiều động cơ khác nhau: có người thất bại trong việc kinh doanh, có người thấy xuất gia nhàn hạ, được kính trong… Tuy nhiên, xuất gia vì mục đích cao thượng nêu trên. Là người xuất gia, dù gieo duyên hay trọn đời, thấy rõ được sự nguy hiểm của dục lạc thế gian có thể xoay vòng chúng ta trong luân hồi, chúng ta tránh xa những thứ vô thường, khổ và vô ngã đó, học theo hạnh nguyện chư Phật; tự độ, độ tha; tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

3. Các cấp độ viễn ly.

Bậc hạ: Đi tu mà dám đối diện với sự mất mát, tổn thương tài sản, các mối quan hệ xã hội.

Bậc trung: Đi tu mà dám đối diện với già, bệnh…

Bậc thượng: Đi tu mà dám đối diện với cái chết. Sớm nghe kinh, tối chết vẫn an lành.

 

4. Cách nhận thức để xuất ly.

Thường quán chiếu ngũ dục, hào quang, danh lợi, chức quyền của thế gian như một tia chớp trong đêm, mang lại sự mệt mỏi, trói buộc và có khi phải vướng vào vòng lao lý. Chúng chẳng khác gì hầm phân được ngụy trang bằng lớp cỏ xanh tươi, như khúc xương, như kẻ sát nhân, như miếng thịt thối, như đuốc cỏ khô, như hố than hừng, như cơn ác mộng, như vật cho mượn, như trái cây ngọt, như lò thịt thơm, như gậy nhọn bén, như đầu rắn dữ… vui ít khổ nhiều; não hại, nguy hiểm lại càng nhiều hơn (Tham khảo kinh Người bắt rắn, kinh Trung Bộ 22).

Những dục lạc ấy, ban đầu nó đẹp, quyến rũ, chúng ta dính vào một chút thì từ từ sẽ dính nhiều hơn nữa.

Nếu chúng ta xuất gia mà không từ bỏ được dục lạc thì chúng ta chỉ mới xuất nhà thế tục.

Người sống hạnh viễn ly không phải độc cư trong rừng, am, thất mà là người biết giữ thân, miệng, ý thanh tịnh giữa hội chúng. Khi những thông tin trong tâm muốn trào ra bên ngoài mà chúng ta biết suy nghĩ, chọn lọc trước khi nói thì bản thân đã có nội lực tu tập.

Người xuất gia không mong cầu sự cung kính, nhàn hạ, được người hầu. Còn thị giả chỉ là người góp một phần phụ giúp quý thầy, quý sư cô trong các Phật sự.

Ngoài việc sống độc cư, nhàn tịnh, người xuất gia còn phải giữ giới hạnh thanh cao, trau dồi oai nghi (hành xử của người xuất gia) sám hối để đoạn nghiệp, hộ trì sáu căn, nhiệt tâm tu tập, ít muốn biết đủ, xác định mục đích tu tập, trau dồi.

Con người cái ý vốn hai,

Khi mừng khi giận, đổi thay không lường

    Vội vàng khi ghét khi thương,

Khi vui, vui ngất, khi buồn buồn hiu.

    Muốn, ưa tạo sắm đủ điều,

Rồi khi chê chán bỏ liều như chơi!

   Pháp nương tương đối không rời,

Do hai lẽ ấy ý đời phát sanh.

    Dẫy đầy ngoại cảnh chung quanh,

Càng nuôi tạo ý trưởng thành thêm lên.

    Thói đời càng nhiễm càng quen,

Bụi đời càng đóng càng đen tinh thần.

    Nhiều năm chung lộn trong trần,

Ý mình còn giữ riêng phần được đâu?

    Chịu mang ảnh hưởng từ lâu,

Ý căn thôi đã ăn sâu lắm rồi.

    Nếu ai nhận ý là tôi,

Tức thì bị ý cuốn lôi luân trầm.

    Dắt đi theo nẻo lạc lầm,

Đọa chìm vào cõi tối tăm mịt mờ!

    Nghiệp nhân tội quả bao ngờ,

Biết chi phương hướng bến bờ là đâu!

    Lướt theo ý dục mong cầu,

Đèo cao băng vượt, biển sâu lao mình!

    Con đường sinh tử, tử sinh,

Ra vào lui tới thân hình đổi thay.

    Luân hồi trong cõi trần ai,

Cũng vì cái ý chuyển day không ngừng.

    Lên cao xuống thấp vô chừng,

Cũng vì cái ý lẫy lừng buông lung.

  Ý năng chế ngự oai hùng,

Người người răm rắp phục tùng vâng theo.

  Nguồn đời nước chảy thận chiều,

Cảm thương cái bọt riu riu xuôi dòng!

  Mấy ai cũng ý, nén lòng,

Vượt nguồn dục vọng, thoát vòng muốn ham.

  Tịnh tâm bớt nói, ngưng làm,

Lần lần nhập thánh, siêu phàm từ đây.

  Đừng lòng cố chấp riêng tây,

Cũng đừng tính có ý này, ý kia.

  Ta người đừng tính phân chia,

Có không đừng tính, đoạn lìa hai bên.

    Như thường, như vậy, như nhiên,

Như như chẳng động không thiên, không dời.

  Sự duyên thì đạo khác đời,

Lý chơn đời đạo không rời, không xa,

  Chấp không, chấp có rầy rà,

Đến khi vô chấp mới hòa thuận nhau.

    Sao sao thôi cũng là sao,

Sự chi cũng vậy, thế nào cũng xong!

    Tâm không vạn sự đều không,

Tâm chơn vạn pháp thảy đồng quy chơn.

    Học đòi theo bậc Thánh nhân

Phải trừ tâm vọng mới hoàn bổn nguyên.

    Vọng tâm là ý tư riêng,

Thất tình, lục dục một tên khác gì.

    Thường nên kiểm soát hành vi,

Khi ăn, lúc nói, đứng, đi, ngồi, nằm.

    Đừng cho vọng ý phóng tâm,

Phải dùng giới luật buộc cầm khít khao.

  Tuy không thấy ý chỗ nào,

Nhưng khi động tác ý xao ra ngoài.

    Nếu ai thiền định hoài hoài,

Ấy là ý mã bị cai trị rồi.

    Bằng ai giải đãi buông trôi,

Trách sao ý mã chẳng lôi xa đường

    Vậy nên hãy rán kiềm cương.

Giờ giờ, phút phút, phải thường soi tâm.

    Lặng lờ giữ vẽ trầm ngâm,

Tánh dè dặt kín, nét đằm thắm nghiêm.

    Luôn luôn đôi mắt phải kềm,

Đừng hay nhìn liếc kiếm tìm chi chi…

    Ngó ngay xuống bước chân đi,

Ngó vào tâm trí luôn khi không rời!

    Lỗ tai phải để thảnh thơi,

Chớ ham nghe ngóng tiếng lời ai ai…

    Nghe kinh, nghe pháp, nghe bài,

Nghe vào tâm trí đăng hay sữa mình.

  Mũi thường phải ngửi mùi thanh,

Ấy mùi đạo lý thơm lành hương đưa.

    Ngửi lâu càng mến càng ưu,

Ngửi vào tâm trí để ngừa nhiễm ô!

    Lưỡi dầu phải nếm vị thô,

Cũng đừng chê trách thích đồ cao lương.

    Nếm là nếm vị chơn thường,

Nếm bằng tâm trí tỏ tường nghiệm suy.

    Thân như xúc đối thức chi,

Tay chân kiềm chế trong khi đụng sờ,

    Sờ thiên lý nắm huyền cơ,

Sờ chừng tâm trí xem hờ kẻo quên.

    Ý đừng vọng tưởng rối ren,

Thường năng quán xét nhân duyên tao phùng.

    Tưởng suy tham cứu tột cùng,

Tưởng gom tâm trí tập trung điển lành!

    Phàm trong sự thể tu hành,

Đừng buông cái ý tung hoành tự do.

    Bước đầu bổn phận làm trò,

Cả thân tâm trí dâng cho người thầy.

    Mặc người uốn nắn chuyển xoay,

Đặng mình diệt hẳn riêng tây ý xằng.

    Sống trong giáo hội chư Tăng,

Không còn tư ý mới năng thuận hòa.

    Đừng làm trái ý người ta,

Cũng đừng tự ý kiêu xa của mình.

    Mới mong thực hiện hòa bình,

Nhờ nơi giáo giáo pháp chương trình in khuôn.

  Chẳng ai ý lộng tâm buông,

Mỗi người nắn đúc tròn vuông thành phần.

Tổ sư Minh Đăng Quang, Ý, truy xuất từ http://www.daophatngaynay.com/vn/van-hoc/tho/9580-Y.html

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7. HOA TRÁI CỦA NGƯỜI XUẤT GIA - TRÍCH GIẢNG KINH SA-MÔN QUẢ

Thích Quảng Tịnh

 

1. Thiện ác chỉ mang tính tương đối

Thiện - ác do tâm con người biểu hiện ra bên ngoài. Tâm luôn vô thường, chính vì thế, mỗi người trong chúng ta cũng có lúc giận dữ (hiện thân của A-tu-la), cũng có lúc hiền hòa, thánh thiện. Thậm chí, thiện - ác cũng tùy thuộc vào quan niệm của các tôn giáo

 

2. Bản chất của im lặng là một sự hùng tráng.

Khi một người im lặng đứng trước một hội chúng, một nhóm người thì hội chúng, nhóm người sẽ kính nể. Im lặng là một sự thanh tịnh trong nếp sống tu hành.

Hoa trái của người xuất gia, gồm có:

(i). Thoát khỏi thân phận hèm kém,

(ii). Tự do, không bị ràng buộc, vướng mắc vì vật chất,

(iii). Là người có rất nhiều an ninh (sự bình an),

(iv). Có rất nhiều thời gian để tu tập niệm - định - tuệ vì không chạy theo danh lợi, công việc.

(v). Quay lại chính mình để nhận diện và chăm sóc khổ đau, lặng nhìn và thưởng thức cuộc sống,

(vi). Quán vô thường, vô ngã để nhận ra những sợi dây trói buộc.

(vii). Nhờ thời gian, thực tập thiền quán nên có cơ hội quán chiếu tự tánh vạn pháp không sinh không diệt. Nhờ sự quán chiếu, đạt được sự tự tại trước mọi nghịch cảnh cuộc đời.

 

3. Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn

Là người xuất gia, chúng ta ban đầu có thể chế tác hỷ lạc cho chính mình. Thế nhưng, gia đình, tổ tiên chúng ta chưa biết đến Tam Bảo. Gia đình, tổ tiên luôn hiện hữu trong ta. Chính vì thế, Đời này đừng tu cho riêng mình. Cha mẹ nuôi dưỡng, mang nặng đẻ đau ta. Chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm.

“Ướt mẹ nằm, khô ráo phần con.” “Từng miếng cơm nhau, từng bầu sữa cạn.” Lớn lên, mỗi ngày người mẹ ngủ ở nhà tựa cửa trông con, nhìn trời nhớ con mà ruột héo gan sầu. Mỗi buổi chiều ngồi tựa cửa ngóng con, mong con về để quây quần sum họp.

Đến ngày ta lớn lên, cha mẹ lo cho mình sự nghiệp, cơ ngơi, lo cho mình học hành không thua chúng kém bạn, lo cưới vợ gả chồng, lo gầy tạo sự nghiệp cho mình. Đến khi mình tự vươn lên như hoa giữa cuộc sống, có gia đình tổ ấm, có con hiền cháu thảo thì cha mẹ ta đã trở thành một nấm tro tàn. Trước đó thân thể ốm gầy, tóc bạc mặt nhăn, nhìn đôi gò má hằn lên bao vết nhăn nheo. Nhìn lên mái đầu điểm bạc. Và gần như để trút hết mọi sự sống cho con, cha mẹ ngậm ngùi nhận lấy cái chết, buông cánh tay gầy lặng lẽ về Tây.

Ta quán chiếu, ta nghĩ về công ơn của cha, của mẹ như thế. Ta hiểu rằng thân này như một truyền nhân của cha mẹ. Nửa thân này của cha, nửa thân kia của mẹ. Cho nên ta không có chuyện hủy hoại thân này bằng những việc làm vô bổ. Ta không có quyền dùng thân này làm những việc gây nên tai ương cho đời. Tức ta đang đẩy cha mẹ mình về hướng đó.

Ngược lại, ta sống biết nói lời ái ngữ, ta biết thương yêu, chăm sóc sớm chiều, ta biết đem nguồn vui tới mọi nẻo, giúp người vơi nỗi sầu đau. Ta đang giúp hai đấng sinh thành làm những việc phước thiện. Ta làm chính là cha mẹ ta làm. Ta tu chính là cha mẹ ta tu.

Điều cuối cùng, đó là ta không chỉ tu tập cho bản thân và gia đình, tổ tiên, mà còn tu tập cho quê hương, đất nước.

****************

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập