Con rùa mù và cơ hội ngàn đời

Đã đọc: 2441           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Thân người đã khó có được; có được rồi thì khó giữ. Hơi thở này còn ai biết hơi thở sau thân đã mất? Mất rồi biết bao giờ mới có được lại?

Một người bạn trẻ mới báo cho biết là đã thấy được sinh diệt diễn ra như nước sông chảy không ngừng và ảo tưởng về người quan sát đã biến mất, chỉ còn lại các nhận biết nối tiếp nhau.

Đây là trí tuệ đạt được qua thiền tuệ (còn gọi là thiền minh sát hay Vipassana.)

Có được trí tuệ xuyên thấu bản chất vô thường-vô ngã-khổ của đời sống từ đó mà chấm dứt mọi khổ đau ngay trong kiếp sống này là điều hiếm có.

Người tập luyện đã ít, người có thể đạt tuệ lại ít hơn; Nhưng theo tôi biết hiện nay vẫn có những người vượt qua cả 16 tầng trí tuệ của thiền minh sát rồi bước vào con đường của bậc thánh.

Kinh sách nói ai cũng có cái hạt mầm, cái tiềm năng để giác ngộ. Theo kinh nghiệm bản thân và những người quen biết tôi thấy nếu thực hành đúng thì sẽ có kết quả, dù ít hay nhiều. Tôi có được một người bạn đạt trình độ bậc thầy, thật là duyên lành!

 

Giọt nước mắt của con rùa mù

 

Tin vui này làm tôi liên tưởng đến cái mà tôi cho là cơ hội NGÀN ĐỜI để biến cái tiềm năng đó thành sự thật, để chấm dứt đau khổ một lần và mãi mãi. Đây cũng là những

suy nghĩ mà tôi thường dựa vào để khích lệ bản thân trong việc tập luyện hàng ngày.

 

Trong đời ước muốn có nhiều những thứ hay, đẹp, tốt, tuyệt vời là chuyện thường tình. Nhưng nếu đời này là cơ hội để chấm dứt hết thảy khổ đau thì sự lựa chọn là gì?

Những thứ tuyệt vời tồn tại bao lâu? Có phải chúng chỉ là ‘ngày vui ngắn chẳng tày gang’?

Bây giờ có thể sóng yên bể lặng nhưng ai biết thời khắc tiếp theo sẽ là gì?

Biển đã bao giờ thực sự yên hay là chỉ yên trên bề mặt còn trong lòng thì những cơn sóng thần đang hình thành và sẵn sàng cuốn đi tất cả?

 

Thân này đã bao giờ thực sự được yên hay do không có đủ sự chú ý, không muốn biết đến tiến trình tan rã, già đi, bệnh tật và hoại diệt không ngừng diễn ra ngay từ khi thân này sinh ra?

Một tin vui nào đó có thể làm quên đi, làm che khuất đi sự mệt nhọc hay cơn đói. Khi vui mừng qua đi thì cái mệt, cái đói lại hiện ra nhưng khi đó đã quá bữa, quá đói, quá trễ.

 

Cũng vậy, hàng trăm công nghìn việc và vô số những mối bận tâm hàng ngày đã che khuất đi những cái đau, cái khổ, những điều không như ý, những thứ phải chịu đựng, để cho chúng có điều kiện không ngừng lớn lên trong bóng tối cho đến một lúc chúng vỡ ra như ung nhọt, phát ra như bệnh, trào ra như lũ – cơn lũ hình thành từ những hạt mưa nhỏ.

 

Cứ như vậy thân xác trồi sụt, lăn trôi từ kiếp này qua kiếp khác và không biết bao nhiêu kiếp nữa.

 

Những đau khổ vô cùng tận mà chúng ta phải trải qua trong vô số kiếp sống trong quá khứ được diễn tả trong sách The Buddha and His Teachings* (ĐỨC PHẬT VÀ PHẬT PHÁP) như sau: 

"Nếu có thể gom xương của một người trong vòng luân hồi, và nếu xương ấy còn nguyên vẹn, thì nó sẽ như một thạch trụ, một chồng, một đống, khổng lồ bằng quả núi Vepulla. 

 

"Đã lâu rồi, bạn đau khổ về cái chết của cha, mẹ, anh, chị, và nước mắt đã rơi vì đau khổ trong cuộc hành trình xa xôi thăm thẳm như vậy còn nhiều hơn nước trong bốn biển. 

 

"Đã lâu rồi, máu của bạn đã đổ vọt khi bị chặt đầu, trong những kiếp sống dưới hình thức bò, trâu, trừu, dê v.v... Đã lâu rồi, bạn đã bị cầm tù vì tội trộm cắp, cướp giật, hay dâm loàn, và đã bị hành quyết. Trong cuộc hành trình xa xôi này, máu của bạn đã đổ ra còn nhiều hơn nước trong bốn biển

 

"Và như vậy, đã lâu rồi bạn phải chịu biết bao đau khổ, biết bao dày xé tâm can, biết bao là tai họa và choán đầy biết bao nhiêu nghĩa địa. Đã lâu lắm rồi, bạn bất mãn với đủ loại hình sinh tồn. Đã lâu lắm rồi, đã quá lâu, đã đến lúc ngoảnh mặt quay lưng và giải thoát bản thân khỏi tất cả những thứ đó."

 

Con đường nào ta đi? Con đường đi tìm vị ngọt cuộc đời? Con đường lánh xa vị đắng?

Hay con đường khai mở trí tuệ, hiểu rõ bản chất của ngọt-đắng, của đời sống này, từ đó chấm dứt mọi khổ đau, một lần và mãi mãi?

 

Thân người đã khó có được; có được rồi thì khó giữ. Hơi thở này còn ai biết hơi thở sau thân đã mất? Mất rồi biết bao giờ mới có được lại?

Kinh sách nói rằng tùy theo những điều thiện và bất thiện đã làm mà khi chết đi ta có thể rơi xuống cảnh khổ hơn hoặc lên cảnh tốt đẹp hơn. Với những gì mình đã nghĩ, nói và hành động liệu kiếp tới mình có thể tái sinh lại làm người được nữa hay không?

 

Nói đến cơ hội có thân người này, kinh sách** nói như sau:

“Nếu toàn thể vũ trụ là một đại dương trong đó có một cái ách bị gió thổi vòng vòng trên mặt nước, và dưới đáy có một con rùa mù một trăm năm mới nổi lên một lần, thì việc người ta có thể tái sanh làm người còn khó hơn việc con rùa mù ấy chui cổ qua cái ách đó.

Cơ hội đến trong cuộc đời này đã khó như vậy, cơ hội biết đến những lời dạy của Phật –về con đường thoát ra khỏi đau khổ - lại còn khó nữa. Vậy có phải chăng để có thể bước đi trên con đường khai mở trí tuệ để chấm dứt khổ đau là cơ hội ngàn ngàn đời có một (Ngàn đời chứ không phải ngàn năm?!)

 

Cần phải có thêm bao nhiêu biển nước mắt và máu, và bao nhiêu núi xương nữa trước khi ta có thể nói rằng ‘ồ! Như vậy là đủ rồi,’ trước khi cơ hội ngàn ngàn đời này vuột mất?

 

Lê Đức Tân

8/11/2015

Chú thích

* The Buddha and His Teachings ĐỨC PHẬT VÀ PHẬT PHÁP,  tác giả: Đại Đức Narada Maha Thera, Buddhist Publication Society, Sri Lanka, 1980.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập