Bình thường

Đã đọc: 3057           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trí tuệ ba-la-mật là điều kiện tối hậu để thấu triệt chân lý. Trong Tam vô lậu học thì Giới và Định chỉ có mục đích mở đường cho sự rèn luyện Trí tuệ. Giới có thể làm cho thân và khẩu được thanh tịnh và Định giúp tâm được an trụ, thanh tịnh và chân chính. Huệ tức là trí tuệ sẽ phát huy phần tâm linh quan trọng nhất của con người là trí năng để đạt đến cứu cánh giải thoát.

 

Nhắc đến Nha Trang - Khánh Hòa chúng ta thường nghĩ về biển. Biển Nha Trang quá đẹp và quá xanh. Nhưng, quê hương Ninh Hòa - phía bắc của tỉnh Khánh Hòa còn có một dòng sông; đó là sông Dinh. Sông Dinh chảy qua Ninh Hòa như nỗi nhớ của người con xa quê lòng ray rứt không nguôi. Hình ảnh  sông Dinh quê tôi rất đẹp, chính vì vậy mà nhiều thi sĩ, nhạc sĩ đã chọn sông Dinh làm nguồn cảm hứng để sáng tác. Nhà thơ quá cố PDT trong tập thơ “Khúc đồng dao sông Dinh” đã viết:

“Sông Dinh

Xanh biếc đôi bờ

Hàng tre soi tóc

Nghiêng thơ vào lòng

Đi qua mấy nhịp cầu cong

Hai đầu nỗi nhớ

Bềnh bồng lời ru”

 

Trong tập thơ “Hương quê”, tác giả Võ Xuân Hồng lại cảm nhận về cầu Dinh như một bến đợi:

“Chiều phố nhỏ bếp nhà ai tỏa khói

Níu mây trời từng sợi nắng giăng giăng

Em tan lớp, đạp xe về qua lối

Tôi rời trường dừng chân đứng cầu Dinh”

 

Nhạc sĩ Hình Phước Liên – người con của quê hương Ninh Hòa với sáng tác “Ơi con sông Dinh” đã để lại trong lòng những ai xa xứ mỗi khi Tết đến Xuân về một cảm giác buồn man mác.

Đó là những cảm xúc của thế gian còn với đại đức Thích Nhuận Từ thì tính từ “bình thường” được hiểu qua lăng kính của Phật giáo.

Chia sẻ Phật pháp với đạo tràng Bát Quan Trai tại chùa Đức Hòa (Ninh Hòa, Khánh Hòa) sau khi niệm Phật cầu gia bị, thầy không ngồi trên pháp tòa thuyết giảng mà đi xuống nơi  đại chúng với bài hát “Ơi con sông Dinh” của nhạc sĩ Hình Phước Liên để nhập đề cho bài pháp thoại: “Cái bình thường của người Phật tử”.

Tôi còn nhớ cách đây 2 năm, cũng trong đạo tràng Bát Quan Trai tại chùa Đức Hòa, sau khi chia sẻ Phật pháp với Phật tử, thầy từ giã mọi người để sang Ấn Độ tu học. Dẫu biết rằng sau thời gian học ở nước ngoài xong, thầy sẽ về lại Ninh Hòa nhưng không hiểu sao lúc đó thầy xúc động làm cho chúng tôi cay mắt. Còn bây giờ khi hát đến câu: “…Bình thường, bình thường thôi dòng sông quê hương tôi, nhưng nếu tôi xa dòng nước xanh quê nhà. Thì trọn đời tôi sẽ nghèo đi nỗi nhớ. Như con sông phơi bãi cát hoang cằn khô…” thầy đã xoay mặt về hướng Đức Phật để kềm nén cảm xúc.

 

Sau khi lắng tâm, thầy chia sẻ với đại chúng: Lục độ ba la mật bao gồm: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Trong cuộc sống hàng ngày có đôi lúc chúng ta giúp đỡ một người nào đó đang gặp khó khăn hoặc khi cùng bạn đạo nấu cháo cho bệnh nhân ở bệnh viện; có lúc xem một đĩa thuyết pháp hay mình lại muốn chia sẻ với mọi người; khi có ai đó đang đau khổ vì những bất như ý, mình lại an ủi để làm vơi đi nỗi khổ niềm đau của bạn. Nếu ta làm với một cái tâm thanh tịnh, làm mà không chấp mình đang làm; đó chính là cái “bình thường” đáng trân quý của người Phật tử.

 Bồ tát hạnh là độ cho chúng sinh bớt khổ nhưng muốn độ người thì trước nhất phải biết độ mình. Trong khi làm bất cứ một công việc gì chúng ta cũng không nên chấp trước.

Đạo Phật là đạo từ bi. Chính Đức Phật vì từ bi mà xuất gia để tìm đạo cứu khổ cho chúng sinh.Vì vậy người Phật tử, khi noi theo dấu chân Phật, cũng lấy từ bi làm động tác chính cho sự tu hành của mình. Mà phương pháp mầu nhiệm nhất là bố thí ba-la-mật.

Bố thí là việc mang lại lợi ích và hạnh phúc cho con người, nhưng nếu xét kỹ theo luật nhân quả thì trên đời nầy không có cái gì mà tự nhiên có và mất mà không có nguyên nhân của nó. Nói một cách khác dựa theo luật nhân quả thì người nhận là người phải có phước vì khi nhận là họ nhận lấy cái quả dựa trên cái nhân lành mà họ đã tạo ra trong đời quá khứ. Nếu không có cái phước nầy thì họ không thể nhận được quà bố thí của người cho. Như thế thì người nhận chỉ nhận lãnh lại cái phước mà họ đã từng gieo và người bố thí là họ đang tạo phước cho mình sau nầy. Thế thì bố thí là một tiến trình của người cho và kẻ nhận chứ thật sự không có việc bố thí gì cả.

 

Trì giới là cảnh giác, ngăn chận và xả bỏ những hành vi bất thiện từ Thân-Khẩu-Ý.
Ngoài việc tránh hành hung và sĩ nhục kẻ khác qua thân và khẩu thì người trì giới cũng không khơi động làm sinh khởi tâm thù hận của họ. Đó là mang lại sự vô úy và an lạc cho kẻ khác. Con người vì muốn bám víu vào thân thể và bảo vệ cái bản ngã của mình nên phát sinh tâm Tham-Sân-Si. Tuy ý tưởng Tham-Sân-Si vừa mới tác tạo trong tâm tức là chưa làm gì ai mà theo trì giới thì chúng ta đã phạm luật rồi. Vì thế trì giới chân chính là phải  bỏ cho được cái Ta.
Chúng ta không nên trì giới chấp tướng vì nó chỉ có hình thức bên ngoài, còn bên trong chất đầy ô nhiễm. Chẳng hạn như trì giới vì háo thắng để được người đời khen ngợi. Trì giới với một tâm lý tự cao tự đại là cho mình hơn người và khinh dễ người phạm giới. Chẳng hạn có hai thầy tu trẻ đi trên một con đường đất lầy lội trơn trợt tới một cây cầu gỗ hẹp bắc qua một dòng suối, trong khi trời mưa tầm tả. Ở đầu cầu có một cô gái trẻ đẹp đang muốn qua cầu mà không dám đi vì sợ ngã. Thấy vậy, một trong hai ông cỏng cô gái lên và đi qua cầu.

Ông thứ nhì không nói gì cho đến tối hôm đó khi hai người đã về tới chùa. Lúc đó ông nầy không dằn lòng được nữa mới hỏi:
- Mình là kẻ tu hành không được tới gần đàn bà con gái, nhất là mấy cô trẻ đẹp. Tại sao đệ lại vi phạm giới cấm như vậy?
Người thứ nhì trả lời:
-  Đệ đã bỏ cô ta ở lại bên dòng suối rồi,  huynh mới là người mang cô gái ấy về chùa.

 

 Nhẫn nhục là đức tính tốt đẹp được tán thán nhiều nhất trong hầu hết các kinh sách Phật giáo. Con người có sự bất mãn hay sung sướng là do sự đánh giá sự vật qua cái nhìn sai lầm mà cái Ta là chủ động chính. Thiếu kiên nhẫn và kém chịu đựng chính là do tâm Sân mà ra. Khi chúng sinh thấu hiểu luật nhân quả và lý duyên khởi thì họ sẽ tránh gây ra nghiệp cho mình khi nghịch cảnh đến. Nếu hành xử theo luật con người là lấy oán báo oán thì hận thù càng ngày càng chồng chất biết đến bao giờ. Khi tu hạnh nhẫn nhục là tránh gây tạo nghiệp cho mình thì chúng sinh mặc dù không trả thù báo oán mà vẫn an nhiên tự tại vì luật nhân quả sẽ trói chặt kẻ đó rồi đâu cần họ phải ra tay. Do đó muốn thực hành hạnh nhẫn nhục cho hữu hiệu chúng ta cần cảnh giác để nhận biết sự phản ứng sinh khởi của mình khi đối diện với cảnh trái ý nghịch lòng.

  Tinh tấn: Đi trên con đường tâm linh có nghĩa là lội ngược lại với giòng thường tình bởi vậy sự mỏi mệt và tâm biếng nhác là mối đe dọa rất lớn dễ làm con người thoái chí trong việc tu hành. Nếu không có tâm nhẫn nhục thì khó đạt được Bồ-đề. Còn con người không tinh tấn nổ lực thì khó lòng đến chỗ giải thoát giác ngộ. Thầy khen ngợi đạo tràng đa số Phật tử đều là người lớn tuổi nhưng trong khi nghe pháp đã ngồi rất đẹp, nếu không có căn lành, đố ai ngồi yên mặc dù cho họ tiền.

 

 Thiền định là tu tập bằng phương pháp suy nghiệm và suy cứu về những đối tượng của tâm thức, thiền định là định tâm trọn vẹn vào một vấn đề gì để suy xét cho thấu lý tức là chấm dứt những suy tư rời rạc nối đuôi nhau. Thầy kể câu chuyện: Sau khi chứng ngộ dưới gốc Bồ-đề, Đức Phật Thích Ca đã thốt lên rằng:”Thật kỳ diệu thay tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tánh, nhưng vì bị vô minh che lấp nên họ không nhận ra điều ấy”. Lời tuyên bố đầu tiên của Đức Phật chính là tinh yếu của toàn bộ giáo lý của Ngài. Đúng như thế! Mọi chúng sinh dù nam hay nữ, dù thông minh hay khờ dại, dù đẹp đẽ hay xấu xa, dù khỏe mạnh hay yếu đau cũng đều có Phật tánh như nhau. Trải qua bao nhiêu kiếp sống luân hồi, tâm thức của chúng sinh đã bị cái vỏ cứng của cái vô minh che phủ nên ta không nhận thức được cái Phật tính toàn vẹn trong sạch hoàn hảo kia nữa. Muốn giải thoát chúng ta phải quay về với cái Phật tánh đó để thấy rõ rằng bao lâu nay chúng ta đã để cho vô minh lôi cuốn mà không hề hay biết. Phương cách hữu hiệu nhất để trở về với cái Phật tánh thanh tịnh đó là tọa thiền.

 

 Trí tuệ ba-la-mật là điều kiện tối hậu để thấu triệt chân lý. Trong Tam vô lậu học thì Giới và Định chỉ có mục đích mở đường cho sự rèn luyện Trí tuệ. Giới có thể làm cho thân và khẩu được thanh tịnh và Định  giúp tâm được an trụ, thanh tịnh và chân chính. Huệ tức là trí tuệ sẽ phát huy phần tâm linh quan trọng nhất của con người là trí năng để đạt đến cứu cánh giải thoát.

 

Vẫn là việc nhắc nhở giới tử phải giữ giới trong ngày tu tập Bát Quan Trai nhưng bằng những câu chuyện dí dỏm thường nhật, thầy đã tế nhị khuyên bảo mọi người hãy cứ bình thường như Phật tử  vì đó là những tài sản vô giá - “Bình thường tâm thị đạo”

 

Khoảng cách giữa người thuyết pháp và người thính pháp không còn nữa nên không khí của buổi pháp thoại thật vui vẻ nhưng không kém phần đạo vị. Nhiều băn khoăn thắc mắc của đại chúng được thầy giải trình rốt ráo nên mọi người rất hoan hỷ.

Nay nhờ sự khai sáng của đại đức giảng sư, chúng tôi mới nhận chân được giá trị cao cả của những tâm hồn cao thượng. Nhờ duyên lành này chúng tôi có dịp cùng nhau học tập để mở mang kiến thức, trình độ Phật pháp được nâng cao, phát huy ánh sáng chánh pháp để phụng sự đạo pháp, phục vụ chúng sanh.

 

Được biết sắp tới đại đức Thích Nhuận Từ lại sang Ấn Độ để tiếp tục con đường học vấn của thầy. Cầu nguyện Hồng ân Tam bảo gia hộ cho thầy có sức khỏe, có nhiều niềm an lạc. Hy vọng đạo tràng BQT Đức Hòa, Thiên Bửu sẽ được nghe thầy kể chuyện Ấn Độ.

 

                                                                                                Quảng Ấn – chùa Đức Hòa




Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.50

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập