Quán Thế Âm Bồ Tát là huynh đệ của chúng ta

Đã đọc: 5769           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Khi bạn niệm "Nam Mô Quán Thế Âm Bồ-tát" thì Quán Thế Âm Bồ-tát cũng niệm bạn - hai bên cùng niệm nhau giống như bạn nhớ tưởng người thân, thì người thân của bạn cũng nhớ tới bạn vậy.

Trong tâm mỗi chúng sanh đều có một vị Quán Thế Âm Bồ-tát. Chúng ta ngày ngày niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, song "Quán Thế Âm" nghĩa là gì? "Quán" là quán xét âm thanh ở thế gian. "Quán" cũng là nhìn, nhưng không phải nhìn bên ngoài, mà là nhìn tâm của chúng sanh, xem chúng sanh nào tâm không còn vọng tưởng lăng xăng. Không còn vọng tưởng, tâm rỗng không, tức là khai ngộ. Do đó câu kệ nói rằng:

 "Thập phương cùng tụ hội,
Ðồng học Pháp Vô-vi."

Niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm Bồ-tát cũng là một pháp vô vi. "Vô vi" là không làm nhưng chẳng gì là không làm -- tức là dạy chúng ta chớ khởi vọng tưởng vậy.

Khi bạn niệm "Nam Mô Quán Thế Âm Bồ-tát" thì Quán Thế Âm Bồ-tát cũng niệm bạn - hai bên cùng niệm nhau giống như bạn nhớ tưởng người thân, thì người thân của bạn cũng nhớ tới bạn vậy. Chúng ta và Quán Thế Âm Bồ-tát, từ vô lượng kiếp đến nay, chính là bà con trong Ðạo-pháp, thân thích trong Phật-pháp. Bà con kể từ lúc nào? Tính từ thời Ðức Phật A Di Ðà đấy! Ðức Phật A Di Ðà là Giáo-chủ cõi Cực Lạc ở Tây Phương và cũng là sư-phụ của Quán Thế Âm Bồ-tát. Ðức Quán Thế Âm Bồ-tát giúp Ðức Di Ðà hoằng dương pháp môn Tịnh-Ðộ. Chúng ta chính là bạn đồng môn với Ðức Quán Thế Âm Bồ-tát. Ðức Quán Âm Bồ-tát là vị anh cả đối với tất cả chúng sanh nào chưa vãng sinh cõi Cực Lạc, và do đó, chúng sanh là em của Ngài. Nói như vậy thì rõ ràng Ngài và chúng ta là bà con rất gần. Do đó, hễ mình nhớ tới anh mình, thì anh mình cũng nhớ tới mình. Mình là em của Ðức Quán Âm, và Ðức Quán Âm là anh của mình.

Có người nói: "Tại sao Ðức Quán Âm có thể là anh của mình đặng? Nói như vậy chẳng phải là quá đáng chăng?" Chẳng những Ðức Quán Âm xem chúng ta như em, Ngài còn xem tất cả chúng sanh là em út cả. Nếu không thế, thì sao Ngài lại tầm thanh cứu khổ? Vì sao hễ chúng sanh gặp khó khăn, Ngài liền cứu giúp? Ðó là vì Ngài xem chúng sanh như tay chân ruột thịt của Ngài vậy, cho nên Ngài mới không sợ gian khổ, đi cứu độ tất cả chúng sanh đang đau khổ ở cõi Ta Bà này. Vì thế các bạn chớ quên người anh trong Ðạo-pháp của mình -- hễ chúng ta niệm một tiếng Quán Thế Âm Bồ-tát, Ðức Quán Thế Âm Bồ-tát cũng liền nhớ niệm tới chúng ta.

Khi niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, chính là chúng ta kêu gọi người anh của mình. Khi Ðức Quán Thế Âm Bồ-tát gọi tên chúng ta, chính là Ngài gọi các đứa em, tức là các Bồ-tát tương lai, các vị Phật tương lai vậy.

Nếu xem Quán Thế Âm Bồ-tát như vậy, chúng ta càng phải thành tâm, càng phải khẩn thiết niệm tên người anh ruột trong Ðạo-pháp này, chớ để lỡ cơ hội. Khi niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm Bồ-tát, bạn chớ cúi đầu xuống mà phải ngước đầu lên, biểu thị một tinh thần dũng mãnh, tinh tấn. Chớ làm ra vẻ rũ rượi, lờ đờ. Khi Ðức Quán Thế Âm Bồ-tát thấy bạn có tinh thần tinh tấn, Ngài sẽ nói với bạn rằng: "Hãy mau nắm lấy tay ta!" Thế rồi, Ngài sẽ đưa bạn tới thế giới Cực Lạc.

Có người nghĩ vẩn vơ rằng: "Tại sao Ðức Quán Thế Âm Bồ-tát từ sáng đến tối cứ quan sát, quan sát, quan sát hoài, còn tôi thì chẳng được phép nhìn gì cả?" Bạn "nhìn" và Quán Thế Âm Bồ-tát "nhìn," hai cách nhìn khác nhau lắm. Ðức Quán Thế Âm Bồ-tát nhìn bên trong, còn bạn thì nhìn ra ngoài. Ðức Quán Thế Âm Bồ-tát nhìn tự tánh. Tâm tánh của Ngài giống như màn ra-đa, hiện ra tất cả mọi chúng sanh. Chúng sanh nào có vọng tưởng gì, Ngài đều biết hết. Ngài nhìn vào màn ra-đa bên trong, khác với cái nhìn của các bạn. Bởi vì chúng sanh ở cách xa Ngài quá, tuy rằng Ngài có ngàn tay ngàn mắt, song nếu dùng để nhìn vô lượng chúng sanh thì cũng không đủ dùng, không đủ nhìn. Do đó Ngài mới hồi quang phản chiếu (xoay ngược ánh sáng, chiếu rọi tự tâm), phản văn văn tự tánh (xoay ngược cái nghe, lắng nghe tự tánh). Ngài quan sát tự tánh của chúng sanh xem ai là kẻ đang chịu khổ; rồi Ngài đi cứu độ chúng sanh ấy. Nhưng bạn thì lại nhìn ra ngoài, quên bẵng trí huệ căn bản của mình. Do đó, cái nhìn của bạn với cái nhìn của Ngài hoàn toàn khác nhau.

Có người lại nghĩ rằng: "Thầy ơi! Tôi không tin điều Thầy khai thị đâu! Vì sao tôi không tin? Vì Thầy nói chúng tôi là anh em với Quán Thế Âm Bồ-tát, song Ngài là bậc thánh còn chúng tôi là phàm phu; phàm phu làm sao có thể là anh em với bậc thánh đặng? Ðiều này không hợp lý nên tôi không tin." Tốt lắm! Bạn không tin cũng được, điều bạn nói cũng có lý. Song, lý lẽ này thuộc tri kiến của kẻ phàm; bởi vì bạn chưa thâm nhập Kinh Tạng, nên chưa có trí huệ rộng sâu như biển.

Kinh Hoa Nghiêm dạy: "Bồ-tát suy nghĩ như vầy: 'Ta với chúng sanh, từ vô thủy kiếp tới nay đã từng là anh em, cha mẹ, chị em, vợ chồng với nhau.' " Bạn nói bạn không tin, chẳng qua là vì bạn không hiểu rõ đạo lý Kinh Hoa Nghiêm đó thôi.

Hơn nữa, chẳng những Bồ-tát nhìn chúng sanh như vậy mà ngay cả Phật, Ngài cũng xem chúng sanh "tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta." Nếu Phật xem chúng sanh như cha mẹ thì tôi nói Quán Thế Âm Bồ-tát xem chúng sanh như anh em, có gì là không hợp lý? Bạn nói bạn không tin, đó là do bạn không đủ trí huệ, thiếu kiến thức hoặc giả cái nhìn của bạn quá hạn hẹp đó thôi.

Vì sao Phật muốn độ chúng sanh? Vì Ngài quan niệm "tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta." Vì cha mẹ của Ngài đang thọ khổ trong lục đạo luân hồi nên bất luận thế nào, Ngài cũng phải cứu họ, khiến họ được ly khổ đắc lạc.

Mỗi ngày chúng ta đều niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, đều lạy Quán Thế Âm Bồ-tát; song khi Ngài hiện thân trước mặt chúng ta thì chúng ta lại chẳng hay biết. Do đó chúng sanh chúng ta thật rất đáng thương! Vì sao Quán Thế Âm Bồ-tát hiện ra trước mặt mà chúng ta không hay biết? Ðây là thử thách cho ta (it is our big test). Khi bạn niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, bạn phải học làm sao để được như Ngài vậy. Ðức Quán Thế Âm Bồ-tát thì có lòng đại từ, đại bi, đại nguyện, đại lực; do đó, khi niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, chúng ta phải học làm sao cho có lòng đại từ, đại bi, đại nguyện, đại lực -- ai đối xử xấu với mình, mình chớ động tâm; ai mắng chửi mình, mình phải nhẫn lặng; ai đánh đập mình, mình hãy nhẫn chịu; thậm chí có ai giết hại mình, mình cũng phải chịu, coi như là trả nợ vậy! Thế nào là "trả nợ"? Ví như xưa kia mình không chửi rủa ai, thì sẽ không ai tới chửi rủa mình; xưa mình không đánh đập ai, thì cũng chẳng ai lại đánh đập mình.

Vì sao có kẻ tới chửi rủa, đánh đập hay giết hại mình? Bởi vì xưa kia, khi mình còn si mê, mình đã từng chửi rủa, đánh đập, giết hại người khác; do đó, kiếp này mình gặp phải những hoàn cảnh như vậy, và mình nên cần phải thanh toán cho sạch nợ nần xưa kia. Khi xưa, vì si mê nên mình có nợ mà không trả. Ngày nay hiểu Ðạo, mình phải chân thành trả sạch nợ kia. Hễ mình trả hết nợ thì sẽ thấy đặng Quán Thế Âm Bồ-tát và làm bà con trong Ðạo Pháp với Ngài.

Thế nên, đã niệm Quán Thế Âm Bồ-tát thì khi gặp ai chúng ta cũng chớ tìm lỗi lầm của họ. Hễ cứ xoi mói lỗi lầm của người thì mình chưa hết khổ, chưa chặt đứt gốc rễ đau khổ. Do đó các bạn hãy nhận định rõ ràng mọi cảnh giới, thấu suốt căn nguyên mọi sự. Học Phật-pháp, bạn phải biết vận dụng Phật-pháp. Nếu không biết vận dụng Phật-pháp, thì bất luận bạn tu bao lâu, Phật-pháp vẫn là Phật-pháp, mà bạn vẫn là bạn. Khi biết vận dụng thì bạn nhập làm một với Phật-pháp, không còn ngăn cách gì nữa.

Nhẫn nại là pháp tối trọng yếu. Bạn phải nhẫn được những việc khó nhẫn. Ví dụ, bạn không thích bị chửi rủa, song hễ có ai mắng bạn, bạn hãy vui vẻ nhẫn nhịn. Tuy bạn không thích bị đánh đập, song hễ ai đánh bạn, bạn hãy vui vẻ chịu đựng. Bạn không muốn chết, vì mạng người quý báu lắm; song hễ có ai muốn giết bạn, bạn hãy xem như họ giải thoát một đời nghiệp chướng cho bạn -- họ chính thật là Thiện-tri-thức đấy. Các bạn ơi! Khi học Phật-pháp, chúng ta phải đổi ngược thái độ lại mà học, tu Ðạo cũng phải đổi ngược thái độ lại mà tu! Thế nào là đổi ngược thái độ? Tức là hãy thích làm những việc mà xưa kia mình không ưa thích; việc mình chẳng ưa thì chớ bao giờ bắt kẻ khác làm.

Nếu bạn cũng hệt như những kẻ tầm thường khác: chẳng thể nhìn suốt, chẳng thể buông bỏ, chẳng thể dứt trừ sự chấp trước vào cái "tôi" và vào cái "pháp," cứ giữ chặt bốn quan điểm phân biệt mình, người, chúng sinh và thọ-giả thì bạn sẽ có rất nhiều rắc rối phiền hà. Nếu bạn biết lùi một bước thì chuyện gì cũng tự nhiên yên bình như biển lặng trời trong. Khi học Phật-pháp, chớ học đòi thứ cao thâm diệu vợi, vì rằng:

 "Bình thường tâm thị Ðạo,

Trực tâm thị đạo tràng."

(Tâm bình thường -- tâm không dục vọng -- là Ðạo, Lòng thẳng thắn là đạo tràng, nơi tu hành.)

Bởi thế chúng ta cần phải có tấm lòng chính trực, thẳng thắn khi tu hành.

Khi niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, bạn chớ có lòng tham lam. Ðừng nghĩ: "Tôi niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, tôi sẽ phát tài!" Ðó là việc không thể có! Khi bạn không tham, giàu sang có thể tới; một khi nảy lòng tham, bạn sẽ chẳng được gì đâu. Khi niệm Ðức Quán Thế Âm Bồ-tát, bạn đừng khoe khoang: "Tôi tới chỗ nọ chỗ kia tham gia Thất Quán Âm. Bạn chưa hề tham gia thì đâu có bằng tôi!" Các bạn chớ khởi vọng tưởng như thế, cũng đừng ham danh, tham lợi hay thích hưởng thụ sung sướng.

Lúc niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, hãy niệm một cách bình thường, chớ cầu cạnh bất kỳ việc gì. Ðừng nên bắt chước những kẻ vừa niệm Quán Thế Âm Bồ-tát vừa nghĩ: "Tôi hiếm muộn không con, cầu xin Ðức Quán Thế Âm Bồ-tát cho tôi đứa con trai." Có người thì xin con gái; cũng có nhiều cậu niệm Quán Thế Âm Bồ-tát để cầu xin có đặng cô bồ xinh đẹp, và nhiều cô niệm Quán Thế Âm Bồ-tát để cầu gặp bạn trai -- những việc như thế đều chẳng thể được! Khi niệm danh hiệu Ðức Quán Âm, hãy quét sạch những ý tưởng dơ bẩn ấy đi. Ðừng nên có lòng tham lam, giận dữ hay si mê. Ví như ngày ngày mặc áo, chớ để ý áo đẹp hay không, chỉ cần ấm thân là tốt. Ngày ngày ăn cơm, chớ nảy lòng tham thức ngon vật lạ. Nếu có những ý tưởng ấy, bạn chẳng còn dùng chân tâm để niệm Quán Thế Âm Bồ-tát nữa. Nếu bạn quả thật thành tâm niệm đức Quán Thế Âm Bồ-tát, thì sao lại còn nghĩ tới chuyện ăn ngon, mặc đẹp? Các bạn đã quên những thứ ấy đi từ lâu rồi mới phải chứ! Chỉ có một cách là quên đi mọi chuyện thì chúng ta mới hợp nhất với Quán Thế Âm Bồ-tát đặng.

Trong lòng chúng sanh, ai ai cũng sẵn có một vị Quán Thế Âm Bồ-tát. Bây giờ chúng ta niệm Quán Thế Âm Bồ-tát chính là niệm Ðức Quán Âm ở lòng mình. Có người nói: "Tôi tìm trong tâm, sao chẳng thấy tâm tôi đâu hết?" Nếu bạn không có tâm, bạn chẳng cần niệm Quán Thế Âm Bồ-tát làm gì. Bởi vì chính đó (tức là bạn không có tâm) là Quán Thế Âm Bồ-tát. Quán Thế Âm Bồ-tát chính là sự không có tâm, bởi vì Ngài hoàn toàn không khởi vọng tưởng, cũng chẳng có tham, sân, si. Ngài không bao giờ tính toán hôm nay mặc áo gì cho đẹp, ăn món gì cho thật ngon, hoặc muốn hưởng thụ đồ cúng dường gì. Ngài không chấp trước gì cả, không mong cầu gì hết. Việc Ngài làm là cứu độ chúng sanh, nguyện cho tất cả chúng sanh ly khổ đắc lạc, liễu sanh thoát tử, thành tựu Phật Ðạo. Ngài không mong cầu gì ở chúng sanh cả. Ngài mong cho chúng sanh có thể chân chánh hiểu rõ Phật-pháp, hết sạch tham, sân, si.

Khi niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, chớ nghĩ lăng xăng suốt ngày: "Sáng ra chẳng ăn gì cả, tối lại cũng chẳng có trà uống, thật khổ quá mức! Chịu không nổi nữa rồi, mau mau cuốn gói chạy thôi!" Tu hành như vậy thật chẳng có giá trị gì cả!

Bài giảng của Hòa Thượng vào ngày 16 tháng 3 năm 1976 trong dịp Quán Âm Thất.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập