Học Hạnh Bồ Tát Phát Nguyện Đốt Liều Khi Thọ Giới

Đã đọc: 12651           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Bồ Tát xuất thế gian nhưng không rời cỏi thế, vì muốn đoạn trừ phiền não nên ra khỏi thế gian, nguyện độ chúng sanh nên ở lại trên đời. Bồ Tát ở thế gian tự mình phải đầy đủ phước đức để thọ nhận thế gian quả báo, Bồ Tát không những phải thọ được thế gian phước báo mà phải thọ nhận những quả báo mà không nhận không được, bởi vì Bồ Tát phải vượt lên trên hết, có khả năng hóa hiện, phạm vi, phẩm loại vô cùng và rộng lớn, vượt lên cả rộng lớn nhưng có khả năng xuống đến bậc cuối cùng.

Như vậy Bồ Tát mới có thể xuất thế gian, ở thế gian cứu độ chúng sanh mà không phiền không não, thấu hiểu ngọn ngành của mọi khổ vui. Cho nên Bồ Tát có thể làm vua trong ba cõi, làm chủ trong tam đồ, vào chốn địa ngục ngạ quỉ có thể làm Quỉ vương, đến với loài súc sanh hiện thành chúa tể của muôn thú, ở với nhân loại thì tùy hình độ nhân, vô chướng vô ngại, được như vậy cần phải tu Bồ Tát đạo.

Người học Phật muốn thành một vị Bồ Tát trong tương lai vì hoằng dương chánh Pháp, vì cứu độ chúng sanh, phát tâm tinh tấn tu hành với nguyện lực “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Nguyện lực này là cốt lõi của Đại thừa Giáo Nghĩa, tinh thần tối thượng của Bồ Tát Đạo, cho nên phát tâm thọ Bồ Tát Giới. Trong [Kinh Phạm Võng] có chép: “Bồ Tát Giới là bổn nguyện của chư Phật, căn bản của Bồ Tát, cũng là căn bản của các Phật tử.”. Người học Phật không tu Bồ Tát Đạo, tuy tin Phật nhưng vĩnh viễn không thể thành Phật, nếu muốn thành Phật thì cần phải thọ Bồ Tát Giới để hành Bồ Tát Đạo. Sở dĩ Bồ Tát Giới là nguyên nhân tác thành Phật vị của tất cả chư Phật, vì Bồ Tát Giới là căn nguyên cội nguồn để thành Bồ Tát, quả vị cuối cùng để đạt đến địa vị Đại Giác.

Phật Giáo Bắc Truyền thuộc Đại Thừa Phật Giáo, nhân vì tinh thần Đại Thừa được truyền bá rộng rãi và hưng thạnh ở Đông độ, cho nên Đại thừa Bồ Tát Giới được người Đông độ tiếp nhận phát tâm thọ trì. Vào thời nhà Trần, Lương Nam Bắc Triều (464-549) Trung Quốc, phong trào thọ Bồ Tát Giới rất thịnh hành, Vua Lương Võ Đế, Vua Trần Văn Đế đều xưng mình đệ tử Bồ Tát. Vua Lương Võ Đế còn căn cứ vào Tứ Tướng Phẩm của Kinh Niết Bàn để viết [Đoạn Tửu Nhục Văn] nói về những tính chất cần thiết để bỏ việc ăn mặn trong Phật Giáo, Phật Giáo Truyền vào Đông độ đến đời Vua Lương Võ Đế vẫn theo truyền thống Phật Giáo Ấn Độ ăn tam tịnh nhục. Nhà vua còn cường điệu khi giết một chúng sanh để ăn thịt là đồng thời chúng ta cũng giết luôn vô lượng chúng sanh sống trong và trên thân thể của chúng sanh đó. Trong [Quảng Hoằng Minh Tập] có ghi: “sở dĩ chúng ta không được sát sanh, vì một chúng sanh có tam vạn hộ côn trùng sống theo, có kinh còn nói có tám mươi vạn ức hộ côn trùng, nếu như giết một mạng chúng sanh tức là giết bao nhiêu vạn chúng sanh đó.” Vua Lương Võ Đế lấy tư tưởng “Thiện ác báo ứng” của Phật Giáo và tư tưởng “Nhân thứ chi đạo” của Nho Gia chế sắc lịnh cấm ăn thịt uống rượu trong Phật Giáo Trung Quốc và từ đó Phật Giáo Đông Truyền đem sắc lịnh này lập thành Giới Qui, Phật Giáo Đông truyền có lệ ăn chay từ thời Vua Lương Võ Đế.

Đức Phật trong Kinh [Bồ Tát Nội Giới] dạy rằng: “Bồ Tát Đạo khó hành, Ta đã dùng rất nhiều thân thể cũng như sinh mệnh của mình vì cứu độ chúng sanh mà hy sinh, trong tâm không có một chút mảy may ái tiếc. Làm một vị Bồ Tát, tất nhiên không được tạo các tội ác, nhưng vì cứu độ chúng sanh mà không có chút sợ hãi khi cứu chúng sanh mà tạo ác nghiệp. Đến khi túc duyên nghiệp báo đến hoặc giả oan gia trái chủ quang lâm, Bồ Tát chỉ có hoan nghinh, hoan hỷ tiếp nhận mà không một chút sợ hãi vì đây là tinh thần của Bồ Tát thấu hiểu nghĩa lý nhân quả nghiệp báo”. Lời dạy này của Đức Phật đã trở thành phương pháp hành Bồ Tát Đạo của Phật tử Đông Độ. Lại nữa trong [Bồ Tát Giới Chỉ Yếu] Phổ Hiền Bồ Tát đã từng nói với Thiện Tài đồng tử: “ Ta vì cầu chánh pháp mà thí xả vương vị Chuyển Luân và hết thảy những vật sở hữu thậm chí cả thân mạng của mình mới cầu được chánh pháp  dầu chỉ một chữ hay một câu trong biển Phật Pháp.”. Vua Lương Võ Đế bốn Lần xả thân vào chùa làm nô, Vua Thuận Trị Triều Thanh bỏ ngai vàng để đi tu. Việt Nam cũng có nhiều vị Hoàng Đế xả thân đi tu như Vua Lý Huệ Tông triều đại nhà Lý đi tu ở chùa Chân Giáo, nhưng được nhiều người biết nhất là Phật Hoàng Trần Nhân Tông vị Vua anh hùng Dân Tộc, vị Tổ Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam.

Xả bỏ thân mạng, đốt thân cúng dường Phật, vì cứu độ chúng sanh là Pháp Bố Thí một trong sáu pháp tu Lục Độ của Bồ Tát, đây là Pháp tu khó nhất và cũng là Pháp tu thể hiện đầy đủ nhất của tin thần hành Bồ Tát Đạo của người tu hạnh Bồ Tát. Trong [Kinh Diệu Pháp Liên Hoa] Phẩm “Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự” có ghi: “ Ngài Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ Tát đó ưa tu tập khổ hạnh, ở trong pháp hội của Đức Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức Phật, tinh tấn tu hành, một lòng cầu thành Phật,….ta đặng “Hiện nhất thiết sắc thân Tam muội”….nên cúng dường Đức Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức Phật….tự nghĩ rằng: “Ta dầu dùng thần thông lực cúng dường nơi Phật, chẳng bằng dùng thân cúng dường”……rồi lấy dầu thơm xoa thân ở trước Đức Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức Phật dùng y báu cõi trời mà tự quấn thân….dùng sức nguyện thần thông mà tự đốt thân….các Đức Phật khen rằng…..đó là chơn thiệt tinh tấn gọi là chơn pháp cúng dường Như Lai. Nếu dùng hoa hương, chuổi ngọc, hương đố...Giả sử quốc thành thê tử bố thí cũng chẳng bằng.” [Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh] là bộ Kinh có ảnh hưởng sâu rộng trong Phật Giáo Bắc Truyền, tinh thần Đại Thừa Bồ Tát của [Kinh Diệu Pháp Liên Hoa] cộng với phong trào tu Bồ Tát Đạo thời kỳ đầu của Phật Giáo Bắc Truyền tạo nên một hiện tượng xả thân, đốt thân thể, đầu, tay.v.v… cúng Phật trong Tăng Ni và Cư sĩ Phật Giáo. Ngày nay tại Tứ Đại Danh Sơn của Phật Giáo Trung Quốc có dấu vết của “Xả Thân Nhai” là những vực thẳm nơi Tăng tín đồ Phật Giáo sau khi lên núi lễ tứ Đại Bồ Tát và phát tâm hành Bồ Tát Đạo gieo mình xuống vực xả thân cúng Phật, phong trào này thịnh hành nhất vào đời nhà Đường và sau đó bị cấm.Tinh thần Đại Thừa xả thân, thiêu đốt thân mạng mình để cầu Pháp, bảo vệ chánh Pháp của Phật Giáo Việt Nam được thể hiện sáng ngời nhất qua ánh sáng của ngọn lửa phát ra từ tấm thân của Bồ Tát Thích Quảng Đức và các Thánh tử Đạo tự thiêu để hộ trì Phật Giáo Việt Nam thế kỷ 20.

 

Luật thọ Giới đốt liều của Phật Giáo Đông Độ có nguồn gốc vào thời nhà Nguyên Trung Quốc(1260-1386). Theo sách [Trung Quốc Phật Giáo] chương “Nguyên Đại Phật Giáo” [Nguyên sử Văn Tông Kỷ] chép: “ Triều Đình vì muốn phân biệt giữa Tăng chúng Bắc truyền và các vị Tăng Lạt Ma cho nên sắc lịnh cho ba Giới Đàn lớn nhất của Trung Quốc bấy giờ là: Giới Đàn Chùa Giới Đài ở Bắc Kinh, Giới Đàn Chùa Khai Nguyên ở Tuyền Châu, Giới Đàn chùa Đài Khánh ở Hàng Châu, lấy lệ thọ Bồ Tát Giới phát nguyện tấn hương chế thành luật, khi truyền Bồ Tát Giới phải Tấn hương cho giới tử để lấy đó làm sự phân biệt giũa Tăng chúng Bắc truyền và Tăng chúng Lạt Ma”. Từ đó luật này được hoằng truyền rộng rãi trở thành truyền thống truyền giới của các Giới Đàn Phật Giáo Bắc truyền và Tăng Ni Bắc truyền thọ giới tấn hương cúng Phật có từ đây. Ở Việt Nam theo [Việt Nam Phật Giáo Sử Lược] của Thượng Tọa Mật Thể: “Thiền sư Nguyên Thiều vâng lệnh Chúa Nguyễn Phúc Trăng (1687-1691) về Quảng Đông thỉnh ngài Thạch Liêm và các vị danh Tăng khác, cùng thỉnh được nhiều Kinh điển, Tượng khí đem về. Chúa Nguyễn liền sắc mở đàn truyền giới rất long trọng tại chùa Thiên Mụ ” và từ giới đàn này luật thọ Bồ Tát Giới tấn hương cho Tăng Ni được truyền vào Việt Nam và lưu hành rộng rãi cho đến ngày nay.

Thọ Giới đốt liều cúng dường Phật thể hiện tinh thần Bồ Tát Đại Thừa là hình thức phát tâm tu tập Bồ Tát Đạo của Phật Giáo Bắc Truyền. Căn cứ vào [Phạm Võng Bồ Tát Giới Kinh][Phạm Võng Giới Kinh] trong điều thứ 16 “Khinh Cấu Giới” nói: “Thấy người sau mới học Bồ Tát Giới, có người từ xa hàng trăm ngàn dặm, lại cầu Kinh Luật Đại Thừa, nên như Pháp nói hết thảy các hạnh tu khổ hạnh, hoặc thiêu thân, thiêu tay, thiêu ngón tay, nếu như không thiêu thân, tay, ngón tay cúng dường chư phật, thì không phải là người xuất gia tu hạnh Bồ Tát; cho đến Cọp, Sói, Sư Tử và hết thảy Quỉ đói, đều phải xả bỏ thân mạng tay chân mà cúng dường cho chúng. Sau đó mới từng bước mà nói Chánh Pháp cho chúng, để chúng tỏ ngộ Phật Pháp.”. Những Hạnh tu Bồ Tát trên đây cũng như đốt thân cúng dường Phât của Ngài Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ Tát trong [Kinh Diệu Pháp Liên Hoa] nêu trên đều là hạnh tu khổ hạnh của các bậc Đại Bồ Tát chứ không phải hạnh tu của các vị sơ tâm học hạnh Bồ Tát. Ngày nay chúng ta phát tâm thọ Bồ Tát giới, đốt liều cúng Phật là tập tu hạnh Bồ Tát chứ không phải đang tu hạnh Bồ Tát, thứ nữa đốt liều cũng là sự thể hiện tấm lòng của chúng ta phát tâm hy sinh thân mạng này cho Phật Pháp, tập hạnh cúng dường những thứ khó cúng dường nhất dâng lên Chư Phật, thể hiện hạt nhân của tinh thần vô úy hùng lực của Đạo Phật, hình thành tác nhân hạt giống Tăng Già “Thiệu Long Thánh Chủng” nói lên chí hướng không sợ gian nan, không từ khó nhọc, nơi nào chúng sanh cần thì con đến của một sứ giả Như Lai sau này.        

Phật dạy “Tín tâm” là nhân thành tựu của mọi công đức, là động lực tối thượng để tiến tới Đạo tràng của Bồ Tát và Phật vị, để cho người phát tâm thọ Bồ Tát Giới đối với chủng tử và công năng thành Phật của Bồ Tát Giới khởi phát tín tâm. Trong [Kinh Phạm Võng] Phật dạy: “Tất cả những ai có tâm nhiếp trì Phật giới, chúng sanh thọ Phật giới, tức đã nhập Phật vị, quả vị đồng với Đại Giác, chính là đệ tử Phật.” Bồ Tát Giới còn được xưng là “Thiên Phật Đại Giới” vì trong [Kinh Phạm Võng] chép: “ngàn vị Phật  trong quá khứ Trang Nghiêm Kiếp do thọ trì Bồ Tát Giới mà thành Phật, ngàn vị Phật  trong Hiện Tại Hiền Kiếp do thọ trì Bồ Tát Giới nên thành Phật, ngàn vị Phật  trong Vị Lai Tinh Tú Kiếp do thọ trì Bồ Tát Giới cho nên thành Phật” người thọ Bồ Tát Giới nhất định thành Phật. 

Hình minh họa do chùa Phật Huệ cung cấp: Thầy Thích Huệ Giới là người Mỹ, Thầy Thích Huệ Nghi là người Đức xuất gia tu học tại chùa Phật Huệ thành phố Frankfurt CHLB Đức, thọ giới Tỳ Kheo năm 2008 tại chùa Viên Giác - Hannover CHLB Đức.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (2 đã gửi)

avatar
tuyet ngan 07/07/2010 01:54:43
nam mo a di da phat.con xin phap ra ho cho thay duoc manh khoe
avatar
nguyen ngoc cuong 11/01/2011 21:06:10
chung toivo cung cam phuc
tổng số: 2 | đang hiển thị: 1 - 2

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

4.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập